Kìa thôn quê, dưới trăng vàng

Hide Nguyễn

Du mục số
springcan-top.jpg


Chiếc đèn Trung thu đầu tiên của tôi được làm bằng lon sữa bò. Một thằng bạn hàng xóm hào phóng lấy đinh đục lỗ, xỏ dây kẽm để làm thêm một cái đèn tặng tôi. Một lon làm bánh xe, một lon làm đèn. Thêm một thanh tre để đẩy. Vậy là xong. Ánh sáng lập lòe, âm thanh xủng xoẻng, lanh canh. Khắp xóm đều là những cái đèn lon như vậy. Chỉ một số ít nhà có khả năng mua đèn giấy xếp, giấy kính, đèn ông sao hay bươm bướm cho con. Đến những năm cuối cùng của thời thơ ấu, tôi mới được mua cho một chiếc đèn giấy xếp. Và tôi sung sướng xin mua thêm một chục cây nến nữa để chia cho lũ bạn làm đèn lon.


Tôi biết rõ những đứa làm đèn lon chắc chắn không có loại nến nhỏ xíu đặc biệt dùng để thắp đèn Trung thu. Phải lân la những đứa khá giả có đèn lồng để xin xỏ. Chúng luôn dự trữ cả một bó nến. Hên thì xin được vài cây. Rủi thì chỉ lượm được một mẩu nhỏ, đành bẻ ra chia nhau, cũng thắp được một lát.

Và chỉ cần thế thôi, vì những chiếc đèn lon cũng chỉ để mua vui chốc lát, đủ để đi theo đám múa lân đến con đường cuối xóm, rồi sẽ bị lũ trẻ vứt qua một bên để lao vào những trò chơi quen thuộc dưới ánh trăng.

Rốt cuộc, ý nghĩa của Trung Thu đối với trẻ con thành thị là bánh, là đèn chứ không phải là Trăng, còn niềm vui Trung thu với trẻ con miền quê chính là Trăng chứ không phải là đèn.

Bởi lẽ, chỉ những ngày có Trăng, lũ trẻ nhà quê mới được ra đường để chơi thay vì ru rú ở nhà quanh ánh đèn dầu chập chờn vàng vọt.

Và cũng chỉ những ngày có Trăng, cả nhà tôi mới có dịp khiêng cái phản gỗ ra giữa sân để hóng mát. Những đêm Trung thu cũng vậy. Không bánh, không đèn…gia đình tôi mừng Trung thu với ánh trăng suông.

Chúng tôi nằm đó, ngửa mặt lên trời trên chiếc phản gỗ mát rượi, mặt gỗ lên nước bóng loáng dưới ánh trăng. Đêm mùa thu trời trong veo. Vài ngôi sao lấp lánh. Gió mát lạnh. Ánh trăng nhạt màu, mát mẻ và trong suốt, phủ đều không gian. Cảm giác như có một làn hơi nước mỏng màu vàng mơ tưới đều khắp chốn. Trong sân nhà tôi, làn hơi ấy được ướp bởi hương bắp non thoang thoảng.

Đó là những luống bắp đang kỳ trổ bông trồng trong sân nhà. Lá xanh ngắt, những trái bắp non cũng còn xanh vì mới bắt đầu ngậm sữa. Những sợi râu bắp vừa chớm ngả sang nâu. Trong ký ức của tôi, ánh trăng và hương bắp non dường như sinh ra cùng nhau và cho nhau. Chúng cùng trong lành và thanh khiết, dịu mát và ngọt ngào như nhau.

Đêm Trung thu, chúng tôi nằm đó, ba mẹ và con cái, anh chị và em, giữa không gian bao la, ngửa mặt lên Trời và hát.

“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác. Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời…”

“Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ…”

Trong tiếng trống múa lân văng vẳng dần đi xa, chúng tôi nghe ba đọc “Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa. Vội vàng chi trăng sáng quá khách ơi. Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời…”

“…Ai lên cung Quế nhờ thăm hỏi. Soi khắp trần gian có thấy ai ?”

Những đêm trăng như vậy, gác lại bộn bề giáo án của mẹ, gác lại những việc đồng áng nhọc nhằn của ba, chị em chúng tôi được làm quen với thơ, với nhạc, những Tản Đà, Lý Bạch, Vương Xương Linh…

Chúng tôi nằm ngửa mặt lên trời, giữa mênh mông ánh nguyệt, nghe ba giải thích về quỹ đạo của mặt Trăng, những hành tinh, và vũ trụ… Chúng tôi nghe kể về những câu chuyện cổ tích, và ước mơ.

Đôi khi tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã học trong những đêm trăng đó nhiều hơn trong một năm. Tuổi thơ của tôi được bồi đắp tâm hồn bằng những đêm trăng, để không bao giờ mất hy vọng trong những buổi tối triền miên chia nhau một bóng đèn hột vịt tù mù.

Có lẽ vì vậy mà những ngày này, khi đi qua rừng đèn Trung thu treo đặc trên lề đường, những con ong, con bướm, máy bay, tàu thủy sặc sỡ, giống như những món đồ chơi hơn là những chiếc đèn, tôi tự hỏi mình phải làm thế nào đây, làm thế nào để con trai tôi – một đứa trẻ lớn lên trong ánh đèn phố thị - hiểu được rằng vào đêm Trung thu, một bóng trăng vàng đáng được chờ mong hơn những chiếc đèn lồng được thắp sáng bằng …pin.

Và tôi không biết mình sẽ kể cho con tôi nghe, về những chiếc đèn lon, về ánh trăng và hương bắp non như thế nào, như một kỷ niệm, hay như một câu chuyện cổ tích. Có những ký ức quá đẹp, đẹp đến nỗi một lúc nào đó trong đời, khi nhớ lại, ta bỗng băn khoăn không biết có phải nó đã từng thực sự xảy ra, hay chỉ là một giấc mơ, một tưởng tượng, một khát khao đã vô tình ăn sâu vào tiềm thức?


Kìa thôn quê, dưới trăng vàng...

* Tựa bài đặt theo lời bài hát Khúc Ca Ngày Mùa (Lam Phương)
Nguồn : .luanvy.com
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top