'Không có chuyện muốn đỗ bao nhiêu là được bấy nhiêu'

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
"Bộ không đưa ra chuẩn là đỗ bao nhiêu phần trăm. Nếu chúng tôi thả lỏng thì năm nay tỷ lệ khá giỏi đã nhiều hơn", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải thích về con số đỗ tốt nghiệp năm nay cao đột biến.


NVH1.jpg


Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: Tiến Dũng.- Hầu hết các tỉnh hiện đã công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ông đánh giá thế nào về chất lượng thi các môn?


- Kết quả các môn thi không có vấn đề gì. Do chưa có số liệu đầy đủ nên cũng khó nói. Ví dụ như Hậu Giang, môn Hoá có 84,4% được trên trung bình, Văn 81,3%; Địa 75,8%; Sử 76,8%; Toán 79%; Anh 31%. Tỷ lệ này là bình thường, 4 cháu đi học thì 3 cháu được điểm trung bình trở lên. Bây giờ dạy học mà không được 3 phần 4 các em đạt điểm trung bình thì không ai chấp nhận được.

- Vừa qua, thầy giáo Văn Như Cương phát biểu, việc quyết định đỗ bao nhiêu phần trăm là nằm trong tay người tổ chức kỳ thi, tức là nếu đưa chuẩn thấp thì nhiều em qua, đưa chuẩn cao thì nhiều em rớt. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Thầy Văn Như Cương nói thế là võ đoán. Không thể có chuyện muốn đỗ bao nhiêu là được bấy nhiêu. Bộ cũng không hề lấy chuẩn là muốn đỗ bao nhiêu phần trăm. Đề ra theo chuẩn kiến thức kỹ năng và chuẩn này được công bố công khai. Không ai có thể làm được điều mà thầy Cương nói.

Năm ngoái tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp giỏi là 11,3% và năm nay là 10,2%. Điều này cho thấy hướng dẫn ôn tập của Bộ rất có tác dụng. Các địa phương rất khen vì ôn tập sát, đúng đối tượng và kết quả tốt nghiệp thể hiện đúng như vậy. Nếu thả lỏng thì năm nay khá giỏi nhiều hơn. Bây giờ, chẳng lẽ một môn học không được 70% học sinh đạt điểm trung bình thì nói làm gì!

Sau-gio-thi.jpg


Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Ảnh: Hoàng Hà.

- Vậy theo ông, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp có nói lên được chất lượng?

- Tỷ lệ tốt nghiệp không nói được hết chuyện chất lượng, không nói hết được chuyện nghiêm túc hay không. Nó chỉ phản ánh được một phần nhưng cần đặt nó trong mối quan hệ với các yếu tố khác. Nói chung, tỷ lệ tốt nghiệp cũng không nói được bao nhiêu khá, giỏi. Như tôi đã nói, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao chủ yếu nhờ nâng các em học sinh yếu lên được. Chỉ đạo của Bộ là ôn tập phù hợp với các học sinh, nâng được học sinh yếu kém lên. Do đó tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nhiều hơn.

- Theo đánh giá của Bộ, kỳ thi tốt nghiệp đã đi vào nề nếp sau 4 năm thực hiện cuộc vận động "Hai không". Có ý kiến cho rằng nếu vậy nên trả kỳ thi tốt nghiệp cho các Sở để họ tự tổ chức và Bộ làm khâu chỉ đạo, kiểm tra?

- Bộ trưởng một số lần trao đổi với truyền thông rằng, đã có những nước bỏ kỳ thi quốc gia và giờ muốn phục hồi nhưng gặp khó khăn. Lý do là các địa phương không có chuẩn chung nên nhiều địa phương tỷ lệ tốt nghiệp cao nhưng khi vào đại học phải dạy lại kiến thức phổ thông. Đây không phải là những nước kém phát triển mà là các nước phát triển.

Với nước mình, không nên bỏ kỳ thi mang tính chất quốc gia đánh giá chung chất lượng giáo dục toàn quốc. Điều này trong Luật Giáo dục đã quy định, học xong phổ thông phải qua một kỳ thi tốt nghiệp. Tuy là kỳ thi quốc gia nhưng không phải chỉ có Bộ tổ chức. Bộ tổ chức việc này nhưng địa phương tổ chức việc khác.

Thi-HH.jpg


Sau kỳ thi tốt nghiệp, các thí sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Ảnh: Hoàng Hà.

- Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT như đã từng làm với kỳ thi tốt nghiệp THCS, và chỉ giữ lại kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng?


- Thi cũng là một cách đánh giá, xem xét học lực suốt năm học cũng là đánh giá. Mỗi cách làm có một ý nghĩa riêng nhưng đều có ý nghĩa chung là đánh giá mức độ đạt được của học sinh. Đánh giá trong năm học là để thấy sự tiến bộ của học sinh, thông qua đó điều chỉnh việc dạy học, phát hiện học sinh yếu thì sẽ có cách bồi dưỡng. Còn thi là nghiệm thu cái cuối cùng. Nếu lý giải rằng trong quá trình học tập đã có việc xếp loại thì tất cả các kỳ thi đều bỏ hết.

Đang có những nghiên cứu cho thấy, do bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS nên việc quan tâm tới học sinh không được tốt hơn trước. Ý riêng tôi và nhiều người muốn phục hồi lại kỳ thi tốt nghiệp THCS. Đừng thấy khi đỗ tốt nghiệp cao, cho rằng kỳ thi không hiệu quả. Chính có kỳ thi ấy thì tỷ lệ mới cao, thi đột xuất thì sẽ thấp hơn rất nhiều. Có kỳ thi thì học sinh mới cố gắng như thế.

Tôi không đồng tình với quan điểm rằng, đến 90% đỗ thì sẽ không thi nữa. Nếu không thi thì chắc chắn chất lượng thấp hơn.

- Một số nước sử dụng kết quả thi phổ thông để xét tuyển vào đại học nhưng ở nước ta, các trường không dám làm điều đấy. Ông có mong muốn, đến một thời điểm nào đó, việc này sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam?

- Tôi cũng muốn thế nhưng bây giờ chưa làm được điều đó. Mục đích thi liên quan đến đề thi, đến phát hiện tiêu cực của học sinh và những yếu tố khác. Một số nước, ngay từ khi tốt nghiệp THCS đã chuyển một số em sang học hướng nghiệp, một số em sang học kiến thức hàn lâm để sau này thi đại học. Vì vậy việc cạnh tranh giai đoạn cuối cùng không nóng bỏng. Nhưng ở mình chưa làm được chuyện ấy, ai cũng muốn thi đại học, trong khi các trường có khả năng tuyển ít.

Ngoài ra, cũng có yếu tố khác như, hiện nay văn hóa nước mình chưa đảm bảo được việc giáo viên làm việc sòng phẳng, vẫn có tình trạng phụ huynh đến xin điểm, nể nhau... Nếu làm mọi việc sòng phẳng thì ý nghĩa kỳ thi giảm đi và có thể xét tuyển được.

Ngoài văn hóa, cũng có cả yếu tố quản lý. Nếu như nói phụ huynh học sinh không đến xin điểm, giáo viên không có nể nang gì được. Nhưng ở mình không thể làm vậy vì đụng chạm đến quan hệ này khác, rất nhiều phức tạp.

Hiện, Bộ chưa đặt ra chuyện năm nào sẽ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng.


Tiến Dũng - VnExpress
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top