Khơi gợi ứng xử văn hóa học đường

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Khơi gợi ứng xử văn hóa học đường


Nếu nhà trường lồng ghép được những tình huống thực trong các tiết học ngoại khóa, giáo dục công dân sẽ giúp các em học tốt, biết tích lũy vốn sống, cách ứng xử của mình.

Sáng 12-5, hàng ngàn học sinh THCS của quận 12 (TP.HCM) đã có buổi giao lưu với GS-TS Trần Văn Khê, cùng các nhà tâm lý, giáo dục về ứng xử văn hóa học đường. Chương trình do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn phối hợp cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội quán các bà mẹ tổ chức. Từ chương trình này, ban tổ chức sẽ tiếp tục thực hiện các buổi giao lưu, phát cẩm nang Văn hóa ứng xử học đường cho học sinh THCS, THPT trên toàn quốc.

Đưa tình huống giáo dục

GS-TS Trần Văn Khê băn khoăn: “Bây giờ, tôi nghe nhiều bạn gọi nhau bằng “tao, mày” suồng sã, rồi gọi là “thằng này, con kia”, học sinh cấp một gọi nhau bằng ông, xưng bà, thấy tiếc cho giới trẻ chưa lớn mà đã vội… già! Chúng tôi ngày trước, chỉ gọi bằng anh, xưng tôi, bằng bạn, xưng mình, hoặc “Tây” lắm mới gọi nhau bằng toa, xưng moa theo tiếng Pháp. Có lẽ vì trọng nhau như khách nên tình bạn được kéo dài đến mấy chục năm chăng?”. Ông kể một câu chuyện đánh nhau của ông với một người bạn chuyên đi ăn hiếp trẻ con. Hai người đánh nhau thì tình cờ thầy bắt được và khuyên hai học trò mình: “Học võ là không phải để đánh nhau mà là giúp đỡ, bảo bọc người yếu kém hơn mình”. Rồi thầy khuyên hai học trò mình bắt tay nhau làm hòa. Từ đó tình bạn của họ tiến triển rất tốt, cho đến lúc tuổi già, giờ gặp lại cũng nhắc chuyện xưa.

16856805278-chot.jpg

Biết tôn trọng người khác, nhỏ nhẹ, không nặng lời thì sẽ không có đánh nhau trong học đường. Ảnh: HTD

Em Phùng Chí Phúc, học sinh Trường THCS Phan Bội Châu, quận 12, cho rằng thầy cô nên dạy các em về sự tự tin, bởi khi có sự tự tin thì chính bản thân các em sẽ giải quyết được những vấn đề nội tại bản thân. ThS tâm lý Phạm Thị Thúy (Hội quán các bà mẹ), đưa ra câu chuyện gợi mở cho học sinh bằng trò chơi mô phỏng theo Chiếc nón kỳ diệu. Cô hỏi các bạn làm gì để bản thân mình là hình ảnh đẹp trong mắt bạn. Hàng chục cánh tay giơ lên. Các em đều đưa ra được những hình ảnh đẹp như: biết cười, biết quan tâm, chia sẻ, lắng nghe… Em Mai Như Ngọc, Trường THCS Nguyễn An Ninh, cho rằng hình ảnh đẹp trong mắt bạn chính là mình phải biết tôn trọng bạn. Như Ngọc lý giải khi biết tôn trọng người khác, có thái độ ứng xử hài hòa, nhỏ nhẹ, không nặng lời thì sẽ không có đánh nhau.

Cô Thúy cho rằng chính những gợi mở như thế, hướng học sinh vào những suy nghĩ đẹp, tích cực, mưa dầm thấm đất sẽ tạo cho các em luôn biết lắng nghe bạn, chia sẻ suy nghĩ với bạn và hình thành tính cách đẹp. “Tôi tin rằng nếu nhà trường lồng ghép được những tình huống thực trong các tiết học ngoại khóa, giáo dục công dân, các em sẽ học tốt, biết tích lũy vốn sống, ứng xử của mình” - cô Thúy chia sẻ.

Áo dài sẽ hạn chế bạo lực

Nhà văn Nguyễn Thúy Ái nhìn nhận: Các em hiện nay đang nhầm lẫn về những giá trị sống, giá trị bản thân. Nhiều học sinh muốn chứng tỏ cá nhân, cá tính của mình. Nhất là các em nữ luôn muốn mình nổi trội, mạnh mẽ như con trai là phải đánh nhau.

Theo nhà văn Thúy Ái, học sinh nữ phải thể hiện được nét dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ. Các em được mặc bộ đồng phục áo dài đến trường trong sự thướt tha, e ấp, sẽ không mạnh bạo, gây sự đánh nhau. Năm 1984, chị có bài viết đăng trên báo đề nghị các trường nên cho học sinh mặc áo dài từ cấp THCS và sau đó hiệu ứng bài báo thấy rõ, nhiều địa phương chọn áo dài làm đồng phục cho nữ sinh THPT. “Bạo lực xảy ra nhiều quá, những người làm giáo dục, đào tạo nhân cách cho các em cũng nên suy nghĩ lại cho các em thướt tha trong tà áo dài đến trường. Chính sự nhu mì của tà áo dài sẽ làm giảm những tính cách bốc đồng, hung hăng của các em” - nhà văn Thúy Ái nói.

Một học sinh cầu cứu: “Một bạn gái trong lớp tới gặp con nói rằng bạn có anh trai đi tù, mẹ bán ma túy, có người thân là xã hội đen và bắt con phải đưa tiền cho bạn mua áo, nếu không sẽ kêu giang hồ xử con. Con phải làm sao?”.

Ths Phạm Thị Thúy khuyên: “Nỗi sợ của con là có thật nhưng trước khi sợ hãy nghĩ đến thầy cô, cha mẹ và những người thân khác. Trong trường hợp cụ thể của con, con phải tìm cách hoãn binh và tuyệt đối không đưa tiền cho bạn. Nếu thấy bạn đó quá hung hăng, không giải quyết được thì con chuyển sang… hứa hẹn, rồi nhớ về kể lại chuyện cho người lớn trong gia đình và thầy cô biết để giúp đỡ, bảo vệ con. Con cũng nhớ nhắc người lớn (ba mẹ,…) tìm cách nói chuyện nhẹ nhàng, phân tích cho bạn con hiểu”.





Theo PLTP.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top