Khó khăn trong học tập

Hide Nguyễn

Du mục số
Áp lực tâm lý đối với hoạt động học tập của học sinh phổ thông

Hoàng Gia Trang


Học sinh (HS) ngày nay được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng đồng thời cũng chịu áp lực tâm lý từ phía gia đình, nhà trường đối với hoạt động học tập. Nếu các em không thích ứng được với hoàn cảnh sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập và sự hoàn thiện nhân cách của các em. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu 598 HS tại 4 trường THCS trên địa bàn Hà Nội gồm: trường THCS Cổ Nhuế và THCS Xuân Đỉnh thuộc huyện Từ Liêm; trường THCS Huy Văn và THCS Quang Trung thuộc quận Đống Đa. Kết quả nghiên cứu về áp lực tâm lý đối với học tập của HS được trình bày dưới đây:

1. Áp lực của gia đình đối với việc học tập của HS

Nhiều cha mẹ mong muốn con mình đạt kết quả học tập loại giỏi, xuất sắc để rạng rỡ với bạn bè, hàng xóm và cơ quan, đồng nghiệp. Vì vậy, ngoài việc học chính khoá, học thêm ở trường thì nhiều gia đình lại thuê gia sư về bồi dưỡng thêm với hy vọng con trở nên một học sinh tài năng nhanh chóng. Chính kỳ vọng của cha mẹ không tính đến khả năng tiếp thu của con cái khiến nhiều em không đáp ứng được yêu cầu và xuất hiện trạng thái tâm lý căng thẳng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến chán học, trốn học, bỏ nhà đi chơi.

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, 86.63% HS trả lời là bố mẹ đặt ra yêu cầu kết quả học tập khi năm học bắt đầu. Trong số đó, 11.18% phải đạt loại xuất sắc, 46.82% đạt loại Giỏi ; 39.11% đạt loại Khá và chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ 2.89% bố mẹ đưa ra ở mức trung bình. So sánh giữa mong muốn của cha mẹ và kết quả học tập thực tế của HS, chúng tôi nhận thấy còn một khoảng cách nhất định: 11.18% cha mẹ mong muốn con đạt HS xuất sắc, nhưng tỉ lệ này trong thực tế chỉ là 2.73%; 46.82% cha mẹ mong muốn con đạt HS Giỏi thì thực tế tỉ lệ này là 31.88%.

Yêu cầu của bố mẹ có thể là động lực thúc đẩy các em cố gắng trong học tập nếu điều đó phù hợp với khả năng học tập của các em. Ngược lại, nếu vượt quá khả năng có thể sẽ làm các em lo lắng, sợ học và dẫn đến tâm trạng chán học. Học tập đã và đang trở thành gánh nặng đối với nhiều em HS hiện nay.

Qua khảo sát cho thấy, 20.16% HS mong muốn rằng, bố mẹ không đưa ra yêu cầu về kết quả học tập; 13.57% HS nói rằng, yêu cầu của bố mẹ quá cao so với khả năng học của các em. Từ đó dẫn tới tình trạng các em giấu giếm bố mẹ khi bị điểm kém (21.16%). Đây cũng chính là bước khởi đầu cho những hành vi gian dối về sau của các em. Do không chia sẻ với bố mẹ về kết quả học tập như vậy nên các gia đình không thể biết được để giúp đỡ con cái, dẫn tới tình trạng, nhiều em học sút kém dần rồi dẫn tới chán học, bỏ học, bỏ nhà đi bụi hoặc có những hành vi phá phách chống đối lại bố mẹ. Biểu hiện hay đánh nhau, bỏ nhà.. nhiều khi phản ánh trạng thái tinh thần căng thẳng mà các em đang phải chịu đựng.

Thời gian tham gia học tập chiếm nhiều nên các em còn rất ít thời gian để vui chơi, giải trí và lấy lại sự cân bằng tâm lý sau những giờ học tập căng thẳng, mệt mỏi. Khi được hỏi về thời gian dành cho hoạt động vui chơi, giải trí, có 29.63% HS trả lời có rất ít hoặc không có thời gian để dành cho việc vui chơi.

Việc học hành hiện nay tiêu hao rất nhiều thời gian và sức lực của học sinh. Cần giảm lượng thời gian học tập để tăng thời gian vui chơi, giải trí cho các em. Hoạt động vui chơi còn giúp các em phát triển các kỹ năng sống, hoà nhập vào các mối quan hệ xã hội và cũng là điều kiện để phát triển một cơ thể khoẻ mạnh, tiền đề cho hoạt động học tập thành công
Thực tế, các em tham gia học tập nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các em học sinh sẽ đạt kết quả học tập tốt. Có những học sinh đến lớp học thêm chỉ là để làm vừa lòng cha mẹ, thầy cô giáo vì một lý do nào đó. Còn thực chất, những học sinh đó chẳng hứng thú gì với bài học.

2. Phương pháp giáo dục của gia đình

Phương pháp giáo dục của bố mẹ cũng có tác động không nhỏ đến việc học tập và quá trình hoàn thiện nhân cách của các em HS. Sự quan tâm của bố mẹ đối với học tập của con cái là điều kiện tốt. Nhưng nếu quá quan tâm hoặc ít quan tâm thì đều không mang lại hiệu quả giáo dục tốt.

Từ mong muốn về kết quả học tập của con cái, cha mẹ sẽ có cách ứng xử và thái độ đối với việc học tập của con. Tìm hiểu về vấn đề này cho thấy, một tỉ lệ tương đối (30.09%) học sinh cho rằng bố mẹ quan tâm quá mức đến việc học tập của các em, điều đó có thể làm cho các em cảm thấy mất tự do hoặc không được thoải mái trong học tập mà luôn có một áp lực thúc ép của cha mẹ. Do vậy, một tỉ lệ đáng kể 29.91% số em nói rằng, bị bố mẹ trách mắng khi không đạt điểm cao; 8.85% ý kiến cho rằng, bố mẹ bắt các em học quá nhiều. Sự áp đặt cho con cái trong học tập tạo nên căng thẳng tâm lý và hình thành những phản kháng ở các em. Từ những yêu cầu của bố mẹ về kết quả học tập, chúng tôi đề nghị các em cho biết cảm nhận của bản thân về những yêu cầu đó cho thấy, 22.95% nói rằng “yêu cầu của bố mẹ luôn làm em lo lắng, căng thẳng”; 13.57% cho rằng “yêu cầu của bố mẹ quá cao so với khả năng của em”. Điều đáng lưu ý là 2.59% học sinh nói rằng cảm thấy sợ học, chán học.

Bên cạnh những gia đình quá quan tâm tới việc học tập của con cái thì có 20.0% số em trả lời rằng, bố mẹ ít quan tâm tới việc học tập của các em. Thiếu sự quan tâm của bố mẹ, các em sẽ lơ là việc học tập và thích vui chơi hơn. Từ đó có thể sẽ dẫn đến kết quả học tập sút kém đi đến chán nản, lưu ban rồi bỏ học. Ngoài ra có 4.42% học sinh được hỏi cho biết rằng, bố mẹ thường mâu thuẫn trong cách dạy bảo con cái. Trẻ em trong những gia đình như thế sẽ bị mất phương hướng vì chúng không biết nghe theo ai cả. Cả hai phương thức giáo dục như trên đều không mang lại cho HS những kết quả tốt.

Lứa tuổi HS THCS là giai đoạn đang hoàn thiện cả về thể chất lẫn nhân cách. Do đó, nếu các em phải học tập căng thẳng quá mức sẽ không phù hợp với sự phát triển của hệ thần kinh và có thể sẽ tạo nên những phản kháng tiêu cực ở các em. Phương pháp giáo dục của bố mẹ hoặc quá khắc nghiệt hoặc quá thờ ơ đều không có tác dụng giáo dục tích cực.

3. Áp lực của nhà trường đối với học tập của HS

Vấn đề HS phổ thông phải học quá nhiều đã được dư luận xã hội phản ánh. Việc học tập đang trở thành áp lực tâm lý nặng nề cho các em HS.

Chương trình học ở trường gây ra sự căng thẳng tâm lý, mệt mỏi và các em đang chịu những áp lực tâm lý nặng nề trong quá trình phấn đấu để đạt danh hiệu học sinh khá giỏi nhằm làm vui lòng cha mẹ và thầy cô giáo.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, 45.06% HS cho rằng chương trình học hiện nay là ở mức độ khó và quá khó so với khả năng tiếp thu của các em. Đối với đội ngũ giáo viên, có 65.38% ý kiến cho rằng chương trình học hiện nay khó, và 5.77% cho rằng quá khó. Chính vì thế mà có 33.05% HS cho rằng, các em phải học căng thẳng nên dễ bị kích động, dễ phản ứng chống đối thầy cô và người lớn khác. Nhiều HS cho rằng, chương trình học tập có nhiều môn khó, quá sức tiếp thu của các em. Tìm hiểu những khó khăn của HS trong học tập cho thấy, Khi đưa ra câu hỏi: "Em có khó khăn gì trong việc học tập ở trường" thì có 31.97% HS trả lời là có nhiều bài học khó; 33.67% HS trả lời "Sức học kém hơn các bạn khác trong lớp"; 26.02% HS trả lời số lượng bài tập về nhà nhiều; 22.96% HS có khó khăn khi tiếp thu bài mới; 14.12% HS cho rằng thầy cô giáo giảng bài khó hiểu và 10.88% ý kiến HS nói phải ghi chép nhiều trong giờ học. Từ những khó khăn trong việc học tập như vậy, kết hợp với những yêu cầu, đòi hỏi của cha mẹ, của trường lớp dễ làm các em HS trở nên căng thẳng, xuất hiện tâm lý tiêu cực và có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ HS. Trong một nghiên cứu gần đây đối với 1026 HS THCS tại Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, số HS bị đau bụng tái diễn do căn nguyên tâm lý chiếm 4.2%. HS trường chuyên bị đau bụng tái diễn nhiều hơn HS của trường bình thường. Thời điểm xuất hiện các cơn đau bụng ở HS thường rơi vào các tháng cao điểm học tập như: tháng 9-10 là tháng nhập học với tỉ lệ là 43.4%; tháng 1-2 là thời điểm thi học kỳ 1 với tỉ lệ là 15.6%; tháng 5 là thời điểm thi học kỳ 2 với tỉ lệ là 16.1%. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, đa số HS bị đau bụng tái diễn có liên quan đến các sang chấn tâm lý trong gia đình và trường học. Các sang chấn tâm lý ở trường học như: bị thầy cô quát mắng (31.3%), đổi trường học (29.5%) và học quá nhiều (27.5%).

Ngoài chương trình học chính khoá ở trường thì hầu hết HS đều tham gia học thêm do nhà trường tổ chức (chiếm 96.26%). Không những thế, nhiều em còn tham gia học thêm ở nơi này, nơi khác. Từ đó khiến cho việc học hành trở thành một áp lực nặng nề đối với các em và làm cho các em thấy căng thẳng, mệt mỏi. Qua khảo sát cho thấy, số em học thêm 1-2 buổi ở trường chiếm 43.53%, học 3-4 buổi là 46.09%, và có 6.29% học từ 5 buổi trở lên. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ học sinh (3.74%) trả lời rằng không tham gia học thêm ở trường.

Điều đáng nói là trong số các em tham gia học thêm, có những em không phải do nhu cầu học thật sự mà là sự miễn cưỡng vì nếu không đi học thì sẽ bị cô giáo định kiến và gây khó khăn trong học tập như: hay kiểm tra bài học ở nhà, gọi lên bảng chữa những bài khó... và nếu không làm được thì sẽ bị điểm kém. Điều đó làm các em lo sợ mà phải đi học. Một số em HS tỏ ý bất bình khi bị giáo viên hay gọi lên bảng và có những lời lẽ thiếu tế nhị khi các em không tham gia học thêm ở lớp. Các em HS này tuy không có phản ứng ngay lúc đó đối với giáo viên nhưng ở các em tồn tại trạng thái tâm lý chống đối. Chính vì vậy, 20.88% HS nói rằng không thích các buổi học thêm ở trường.

Ngoài học thêm ở trường, nhiều em còn tiếp tục học gia sư hay học thêm ở nơi này, nơi khác; kết quả nghiên cứu thấy rằng, có 61.20% học sinh trả lời còn tham gia học thêm ở những nơi khác ngoài trường học. Với một thời lượng học nhiều như vậy sẽ làm các em luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.

Để tìm hiểu thêm tác động của việc học tập đối với các em HS, chúng tôi đề nghị các em cho biết cảm nhận về việc học tập ở trường, kết quả cho thấy nhiều em trong trạng thái căng thẳng, lo sợ: 28.47% lo lắng về chuyện học tập ở trường; 4.92% sợ bị điểm kém; 32.71% sợ thầy cô mắng, trách phạt; 20.34% cho biết mệt mỏi, căng thẳng vì học tập. Điều đáng chú ý là 15.08% HS trả lời, không tập trung được vào việc học.

Sức ép từ việc học tập nên một áp lực rất lớn đối với HS. Những em thích ứng được với cuộc sống, hoạt động của nhà trường thì sẽ học tập tốt. Ngược lại, nếu không thích ứng được sẽ tạo nên những phản ứng tâm lý tiêu cực với hoạt động học tập hoặc với thầy, cô giáo.

Một áp lực khác đối với HS là thành tích của nhà trường. Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhà trường chỉ chú trọng dạy học văn hoá mà chưa thực sự quan tâm đến dạy đạo đức, dạy cách sống làm người cho HS. Các trường đều muốn có thành tích cao nên đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm phải đăng ký thành tích học tập của lớp. Qua trao đổi, có 97.3% giáo viên trả lời có đăng ký thi đua kết quả học tập với nhà trường. Và từ những chỉ tiêu đăng ký đó, các thầy cô phải áp dụng các biện pháp khác nhau để đạt được thành tích đã đặt ra. Do đó, ít nhiều tạo ra áp lực đối với HS. Các biện pháp được giáo viên thường áp dụng là "Tăng cường kiểm tra việc học của học sinh" (90.57%); tiếp theo là "Đôn đốc học sinh học nhiều hơn" (73.58%); "Bồi dưỡng những học sinh có khả năng" (47.17%) và Phê bình học sinh yếu trước lớp (28.3%). Tất cả những biện pháp của giáo viên nhằm giúp cho lớp đạt thành tích đã đặt ra đều ít nhiều gâp áp lực đối với việc học của HS.

Qua phần phân tích trên đây, chúng ta thấy rằng, việc học tập hiện nay đang tạo ra một áp lực tâm lý rất lớn đối với các em HS. Thực tế đó đòi hỏi thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và cùng toàn thể xã hội có sự quan tâm đúng mức đến học tập của các em.

Nguồn :Tâmlýhoc.net
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top