• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Khái quát Địa lí Việt Nam

  • Thread starter Thread starter vàng
  • Ngày gửi Ngày gửi

vàng

New member
Xu
0
ĐỊA LÍ VIỆT NAM

Vị Trí - Hình Thể - Ranh Giới


Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới thuộc Bắc bán cầu. Không tính các quần đảo, tọa độ địa lý Việt Nam có điểm cực Bắc (Đồng Văn, Hà Giang) ở khoảng 23 24' Bắc vĩ độ, điểm cực Nam (Mũi Cà Mau, An Xuyên) ở khoảng 8 33' Bắc vĩ độ, điểm cực Tây (A Pa Chai, Lai Châu) ở khoảng 102 16' Đông kinh độ, và điểm cực Đông (Mũi Nạy, giữa Tuy Hòa và Nha Trang) ở khoảng 109 44' Đông kinh độ.
Nước Việt Nam hình cong như chữ S, phía Bắc giáp các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và một phần tỉnh Quảng Đông của Trung Hoa, phía Tây giáp Ai Lao và Campuchia, phía Nam giáp vịnh Rạch Giá, phía Đông giáp Đông Hải.

Diện tích nước Việt Nam khoảng 331.000 cây số vuông, 75% lãnh thổ là núi và cao nguyên, 25% còn lại là bình nguyên và sông ngòi. Chiều dài lãnh thổ Việt Nam từ Đồng Văn đến Mũi Cà Mau khoảng 1.650 cây số. Chiều ngang rộng nhất là khoảng cách từ Lai Châu sang Móng Cáy, chừng 600 cây số. Chiều ngang hẹp nhất là ở Đồng Hới, từ biên giới Ai Lao ra bờ Đông Hải chỉ vào khoảng 37 cây số.

Việt Nam nằm trên trục giao thông của nhiều quốc gia nên chiếm một vị trí đặc biệt về kinh tế và chính trị trong vùng Đông Nam Á.


 
Biển và Bờ Biển

Biển Việt Nam về phía Đông Hải tương đối cạn, thềm lục địa dọc duyên hải ít nơi sâu quá 100 thước, chỉ ở ngoài khơi khoảng giữa Tuy Hòa và Phan Thiết là có những hố sâu từ 3.000 tới 4.000 thước. Do ảnh hưởng của địa thế, từ vịnh Bắc phần xuống tới Phan Thiết, thủy triều có biên độ một thước rưỡi và mỗi ngày lên xuống một lần. Từ Vũng Tàu xuống tới Mũi Cà Mau, thủy triều lên xuống mỗi ngày hai lần và có biên độ trung bình gần hai thước. Ngoài khơi Đông hải có một giòng hải lưu chảy theo chiều gió mùa.
Biển Việt Nam về phía vịnh Thái Lan cũng tương đối cạn. Người ta ước lượng nếu mực nước biển vùng này rút thấp xuống độ 200 thước, duyên hải Nam phần sẽ nối liền với Nam Dương và cả vịnh Thái Lan sẽ biến thành một bình nguyên rộng lớn. Chiều dài bờ biển Việt Nam lên tới 2.500 cây số, có nhiều hải cảng tốt, ngoài khơi có nhiều quần đảo như Phú Quốc (gần Hà Tiên), Côn Sơn (phía Đông Mũi Cà Mau), Trường Sa (ngoài khơi Phan Thiết), và Hoàng Sa (ngoài khơi Đà Nẵng). Duyên hải Việt Nam là một trục giao thông quan trọng của vùng Á Châu Thái Bình Dương và là kho hải sản vô tận của nền ngư nghiệp Việt Nam. Theo đặc tính địa thế, bờ biển Việt Nam có thể được chia thành những đoạn như sau:

* Đoạn Móng Cáy-Hải Phòng: Bờ biển hiểm trở. Trong các vịnh ven biển như vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long có hàng ngàn đảo nhỏ và những đảo lớn như Cái Bầu, Cát Bà, Cái Bàn... Phong cảnh hang động và đảo ở vịnh Hạ Long được xen như một kỳ quan ngoạn mục nhất vùng biển Đông Nam Á. Hải Phòng là một hải cảng quan trọng trong đoạn bờ biển này.


* Đoạn Hải Phòng-Quy Nhơn: Bờ biển thấp và phẳng, có nhiều đầm nước mặn như phá Tam Giang ở Thừa Thiên, đầm Thị Nại ở Bình Định.... Những dãy núi Trường Sơn đâm ngang trong đoạn này tạo thành những mũi đá nhô ra biển như mũi Sầm Sơn ở Thanh Hóa, mũi Rọn dưới chân đèo Ngang giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, mũi Chân Mây dưới chân đèo Hải Vân giữa Thừa Thiên và Quảng Nam, mũi Ba Làng An ở Quảng Ngãi, mũi Yến ở Quy Nhơn.... Những hải cảng quan trọng trong đoạn bờ biển này là Đà Nẵng và Quy Nhơn.


* Đoạn Quy Nhơn-Phan Rang: Bờ biển cao và hiểm trở vì rặng Trường Sơn chạy dài ra tới biển, tạo thành nhiều mũi đá như mũi Nạy dưới chân đèo Cả giữa Phú Yên và Khánh Hòa, mũi Dinh ở phía Nam Phan Rang.... Đoạn này cũng có nhiều vũng biển lánh bão rất tốt như vũng Làng Mai ở Quy Nhơn, vũng Hòn Khói và vịnh Cam Ranh ở Khánh Hòa.... Trong đoạn này, Đại Lãnh là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Nha Trang là một hải cảng quan trọng. Cam Ranh là một trong những hải cảng thiên nhiên lý tưởng vào bậc nhất thế giới.


* Đoạn Phan Rang-Vũng Tàu: Bờ biển khá cao, có nhiều đụn cát và những mũi đá nhô ra biển như mũi Né ở Bình Thuận, mũi Kê Gà ở Bình Tuy, mũi Vũng Tàu ở Phước Tuy... * Đoạn Vũng Tàu-Hà Tiên: Bờ biển bằng phẳng nhờ bao quanh một vùng bình nguyên rộng, có nhiều nơi chưa được bồi đủ cao nên có nhiều khu rừng đước, tràm, bần vẫn còn ngập nước. Về phía vịnh Thái Lan, bờ biển Việt Nam có nhiều đảo nhỏ, quần đảo Phú Quốc lớn nhất với diện tích 600 cây số vuông, rộng hơn cả quốc gia Tân Gia Ba.
 
Sông Ngòi

Nước Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, mưa nhiều, nên có rất nhiều sông rạch, lưu lượng vào mùa mưa rất cao, chở nhiều phù sa bồi đắp cho các vùng bình nguyên. Hai sông lớn là Hồng Hà và Cửu Long có thượng nguồn phát nguyên từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, các sông còn lại thường hẹp và ngắn, phát nguyên từ nội địa. 1. Hệ thống sông Hồng

1. Sông Hồng phát nguyên từ Vân Nam, Trung Hoa, dài 1.200 cây số nhưng chỉ có 510 cây số chảy qua các tỉnh Lào Kay, Yên Báy, Phú Thọ, Sơn Tây, Hà Đông, Nam Định và đổ ra biển Việt Nam ở cửa Ba Lạt. Sông Hồng có lưu lượng không đều, khoảng 700 thước khối một giây vào mùa nắng, lên đến 30.000 thước khối một giây vào mùa mưa, trung bình một thước khối nước chứa khoảng 1 kí-lô phù sa màu đỏ. Phụ lưu Tây Nam của Hồng Hà là sông Đà, còn gọi là Hắc Giang, chảy qua các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, rồi vòng lên Phú Thọ và đổ vào sông Hồng ở Việt Trì.

Phụ lưu Đông Bắc của Hồng Hà là sông Lô, chảy qua Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, rồi đổ vào sông Hồng cũng ở Việt Trì. Sông Lô có hai phụ lưu là sông Chảy ở hữu ngạn và sông Gầm ở Tả ngạn. Sông Chảy dẫn ngang qua các tỉnh Lào Kay, Yên Báy, Tuyên Quang và nhập vào sông Lô ở Đoan Hùng. Sông Gầm chảy từ Cao Bằng ngang qua gần suốt chiều Bắc-Nam của tỉnh Tuyên Quang, nhập vào sông Lô ở phía Bắc thị trấn Tuyên Quang. Sông Gầm có một nhánh nhỏ ăn thông với hồ Ba Bể.

Từ Việt Trì ra biển, Hồng Hà có phân lưu phía tả ngạn là sông Đuống chảy từ Hà Nội đến Phả Lại và sông Luộc chảy từ Hưng Yên đến Quý Châu. Hai sông này nối Hồng Hà thông với sông Thái Bình. Phân lưu phía hữu ngạn là sông Đáy và sông Đài (còn gọi là Lạch Giang) Nối thông Hồng Hà và sông Đáy là hai sông Phủ Lý và Nam Định.

2. Hệ thống sông Thái Bình

Hệ thống sông Thái Bình hợp bởi Sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Sông Cầu phát nguyên từ Bắc Kạn chảy qua Chợ Chu tỉnh Thái Nguyên và trở thành ranh giới hai tỉnh Bắc Giang-Bắc Ninh. Sông Thương phát nguyên từ Lạng Sơn chảy qua Phủ Lạng Thương tỉnh Bắc Giang. Sông Lục Nam phát nguyên từ cao nguyên An Châu tỉnh Bắc Giang, chảy qua Lục Nam cũng thuộc Bắc Giang. Cả ba sông này hợp nhau tại Phả Lại thành sông Thái Bình, chảy qua tỉnh Hải Dương và đổ ra biển bằng cửa Thái Bình.

Các phân lưu chảy ra biển của hệ thống này còn được gọi là Lục Đầu Giang, tất cả đều nằm về phía tả ngạn sông Thái Bình: Sông Văn Úc, một đoạn tên sông Hương, một đoạn tên sông Rang, đổ ra cửa Văn Úc. Sông Lạch Tray, nối sông Văn Úc chảy ngang qua Hải Phòng, ra biển bằng cửa Rạch Tray. Sông Kinh Thầy, thoát lưu của sông Thái Bình từ Phả Lại, đến Thạch Liên chia thêm một nhánh nhỏ là sông Kinh Môn, hai nhánh này nhập lại trước khi đổ ra biển ở cửa Cấm. Phân lưu sau cùng của sông Thái Bình là sông Đà Bạch, tức Bạch Đằng Giang, cửa sông là một vùng đồng lầy rộng lớn.

3. Hệ thống sông Kỳ Cùng

Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ vùng núi cực đông tỉnh Lạng Sơn, theo hướng núi, chảy ngược về phía Tây-Bắc, qua Kỳ Lừa, Đồng Đăng, đến Thất Khê lại đổi sang hướng Đông, chảy qua Bi Nhì hướng về thị trấn Lung Ching tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa. Một phụ lưu của sông Kỳ Cùng là sông Bắc Giang, phát nguyên là sông Na Rì, chảy qua huyện Na Rì tỉnh Bắc Kạn, huyện Vân Mít tỉnh Lạng Sơn, rồi đổ vào sông Kỳ Cùng ở Thất Khê. Trong hệ thống này còn có sông Bằng Giang, phát nguyên từ cao nguyên Nguyên Bình chảy qua thị trấn Cao Bằng rồi đổ vào sông Kỳ Cùng ở Lung Ching, tạo thành Tây Giang của Trung Hoa.

4. Hệ thống sông ngòi Thanh-Nghệ-Tĩnh

* Sông Mã, phát nguyên từ cao nguyên Sintiai tỉnh Sơn La, một đoạn sông này chảy qua lãnh thổ Ai Lao rồi vào lại Việt Nam ở ranh giới Sơn La-Thanh Hóa, đổ ra biển ở cửa Hội, phía Bắc bãi Sầm Sơn. Sông Mã có một phụ lưu là sông Chu, phát nguyên từ Sầm Nứa, Ai Lao, chảy qua các huyện Bái Thượng, Thọ Xuân, Thiện Hoa, và đổ vào sông Mã ở phía Bắc tỉnh lỵ Thanh Hóa.

* Sông Cả, phát nguyên là sông Nam Mô từ Nông Het bên Ai Lao, chảy qua suốt chiều ngang tỉnh Thanh Hóa theo chiều Tây Bắc-Đông Nam, đến phía Nam thành phố Vinh gặp khu núi hoa cương ở Bến Thủy nên chảy ngược lên hướng Bắc trước khi đổ ra biển ở cửa Hội Thống. Sông Cả có một phụ lưu ở hữu ngạn là sông Hương Khê thuộc địa phận Hà Tỉnh và một phụ lưu phía tả ngạn là sông Con, chảy từ huyện Nghĩa Hưng đổ vào sông Cả ở Côn Cường.

5. Hệ thống sông ngòi Bình-Trị-Thiên

* Sông Gianh, còn gọi là sông Rao Nay hay Linh Giang, phát nguyên từ Đồng Đầm, chảy trong địa phận tỉnh Quảng Bình dọc phía Nam dãy Hoành Sơn, đổ ra biển ở Mỹ Hòa Thượng.
* Đài Giang, phát nguyên từ góc Tây-Nam tỉnh Quảng Bình, chảy ngược về hướng Đông Bắc, ngang qua Phong Lộc thì đổi hướng chính Bắc, đổ ra biển ở cửa Nhật Lệ, Đồng Hới.

* Sông Bến Hải, phát nguyên từ góc Tây-Bắc tỉnh Quảng Trị, chảy về hướng Đông, ngang qua Trung Lương, đổ ra biển ở cửa Tùng.

* Sông Cam lộ, còn gọi là sông Bồ Điền, chảy từ biên giới Lào-Việt qua Đông Hà rồi đổ ra biển ở cửa Việt. Sông Cam lộ có một phụ lưu về phía hữu ngạn là Hàn Giang, còn gọi là sông Thạch Hãn hay sông Quảng Trị, phát nguồn từ quận Hương Hóa, chảy qua Ba Lòng và tỉnh lỵ Quảng Trị rồi nhập vào sông Cam Lộ ở gần Đông Hà.

* Sông Hương, kết hợp bởi hai phụ lưu là Tả Trạch và Hữu Trạch ở Nam Hòa rồi chảy ngang qua thành phố Huế và đổ ra biển ở cửa Thuận Hóa.

6. Hệ thống sông ngòi Nam-Ngãi-Bình-Phú

* Sông Boung, còn gọi là sông Bông hay sông Bùng, phát nguyên từ phía cực Tây tỉnh Quảng Nam, chảy qua Thường Đức, Duy Xuyên và đổ ra biển ở cửa Hội An. Một phụ lưu ở phía hữu ngạn sông này là sông Thu Bồn, kết hợp bởi sông Tranh và sông Khang phát nguồn từ tỉnh Quảng Tín chảy ngược lên Quảng Nam và nhập vào sông Bông ở quận Đại Lộc.

* Sông Tam Kỳ, rất ngắn, chảy ngang thành phố Tam Kỳ.

* Sông Trà Bồng, chảy qua quận Trà Bồng và Bình Sơn thuộc Quảng Ngãi.

* Sông Trà Khúc, phát nguyên từ góc Tây Bắc tỉnh Quảng Ngãi, chảy qua quận Sơn Hạ và tỉnh lỵ Quảng Ngãi.

* Sông An Lão, chảy theo chiều Bắc-Nam, qua quận An Lão xuống đến Hoài Nhơn thì nhập vào Lại Giang, đổ ra biển ở Kim Giác.

* Sông Mang, phát nguồn là sông Hà Giao thuộc quận Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, chảy qua Bình Khê, An Nhơn và đổ ra đầm Thị Nại.

* Sông Đà Rằng, thượng nguồn là sông Ba, phát nguyên từ góc Tây Bắc tỉnh Bình Định, chảy về hướng Nam, qua An Túc (An Khê) vào địa phận tỉnh Phú Bổn, xuống tới tỉnh lỵ Hậu Bổn thì đổi thành hướng Đông-Nam, vào địa phận tỉnh Phú Yên ngang qua Sơn Hòa, Hiếu Xương rồi đổ ra biển bằng cửa Đà Rằng ở phía Nam tỉnh lỵ Tuy Hòa

7. Hệ thống sông ngòi Khánh-Thuận

* Sông Cái, phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên, chảy ngang địa phận Khánh Hòa qua Diên Khánh, Vĩnh Xương và đổ ra biển ở Nha Trang.

* Sông Dinh, còn có tên là sông Kinh Dinh, thượng nguồn gồm nhiều phụ lưu nhỏ và một thoát lưu của đập Đa Nhim phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên, chảy qua địa phận tỉnh Ninh Thuận và đổ ra biển ở vũng Phan Rang.

* Sông Lũy, gồm các phụ lưu Cà Tót ở Hữu ngạn, sông Cái Giấy và sông Mao ở tả ngạn, chảy trong địa phận tỉnh Bình Thuận và đổ ra biển ở Phan Rí.

* Sông Mường Mán ở phía Nam tỉnh Bình Thuận, đổ ra biển ở Phan Thiết.

8. Hệ thống sông ngòi phía Tây Cao Nguyên

Về phía Tây rặng Trường Sơn trên các cao nguyên Gia Lai và Đắc Lắc có những sông chảy ngược về hướng Tây qua Campuchia, đổ vào sông Cửu Long:

* Krong Bo+lah, phát nguyên từ cao nguyên Gia Lai, chảy dọc theo ranh giới Kontum-Pleiku, đổ vào sông Sé San của Campuchia.

* Ea Hleo và phụ lưu Ea Drang chảy thành ranh giới hai tỉnh Pleiku-Đắc Lắc, đổ vào sông Sprépok của Campuchia.

* Krong Knô, phát nguồn là sông Da Troung chạy thành ranh giới hai tỉnh Tuyên Đức-Quảng Đức, ngược về hướng Tây-Bắc, có hai đoạn làm ranh giới Quảng Đức-Đắc Lắc rồi vào hẳn địa phận Đắc Lắc ở phía Nam Ban Mê Thuộc, có tên Ea Krong, rồi lại đổi tên Se Bang Khan trước khi chảy sang Campuchia thành sông Séprok.

* Dak Dầm là một phụ lưu tả ngạn của Se Bang Khan, chảy dọc biên giới Campuchia với một phần tỉnh Quảng Đức và một phần tỉnh Đắc Lắc.

9. Hệ thống sông Đồng Nai

* Sông Đồng Nai, thượng nguồn là sông Đa Dung và sông Đa Nhim nằm hai bên thành phố Đà Lạt, có nhiều thác nước hùng vĩ. Hai sông này gặp nhau ở ranh giới tỉnh Tuyên Đức-Lâm Đồng. Từ đó, sông Đa Dung chảy về hướng Tây, làm thành ranh giới tỉnh Lâm Đồng-Quảng Đức. Khi vào địa phận tỉnh Phước Long thì đổi sang hướng Nam rồi Tây Nam và trở thành sông Đồng Nai, chảy qua các tỉnh Long Khánh, Biên Hòa, Gia Định và đổ ra biển bằng hai thoát lưu Nhà Bè (Soài Rạp) và Lòng Tảo.

* Sông La Ngà, là một phụ lưu về phía tả ngạn sông Đồng Nai, phát nguyên từ tỉnh Lâm Đồng, chảy qua tỉnh Bình Tuy và nhập vào sông Đồng Nai ở phía Tây quận Định Quán.

* Sông Bé, là một phụ lưu về phía hữu ngạn sông Đồng Nai, phát nguyên từ tỉnh Quảng Đức, chảy qua các tỉnh Phước Long, Bình long, Phước Thành và đổ vào sông Đồng Nai ở quận Hiếu Liêm, gần thác Trị An.

* Sông Sài Gòn, cũng là một phụ lưu hữu ngạn của sông Đồng Nai, phát nguyên từ đỉnh Bắc tỉnh Bình Long, chảy xuôi Nam làm thành ranh giới Bình Long-Tây Ninh rồi qua các tỉnh Bình Dương, Gia Định trước khi đổ vào sông Đồng Nai ở gần Nhà Bè.

* Sông Vàm Cỏ, là phụ lưu hữu ngạn sau cùng của hệ thống sông Đồng Nai, thượng nguồn gồm hai nhánh: Vàm Cỏ Đông, phát nguyên từ góc Tây-Bắc tỉnh Tây Ninh, chảy qua tỉnh Hậu Nghĩa, Long An. Vàm Cỏ Tây, phát nguyên từ góc Tây Bắc tỉnh Kiến Tường, chảy xuống Long An. Hai nhánh Vàm Cỏ tụ hội ở gần quận Cần Đước rồi trở thành ranh giới Long An-Gò Công trước khi đổ vào sông Nhà Bè.

10. Hệ thống sông Cửu Long

Sông Cửu Long dài trên 4.200 cây số, phát nguyên từ Tây Tạng, chảy qua Trung Hoa, Ai Lao, Campuchia, đến Nam Vang thì phân làm hai nhánh đổ về hướng Việt Nam là Tiền Giang và Hậu Giang, chảy trên lãnh thổ Việt Nam một đoạn chừng 250 cây số, điệu nước đều hòa, có thể lưu thông quanh năm, và nối nhau bằng nhiều sông rạch miền Tây. Lưu lượng hai sông này rất lớn, khoảng 6.000 thước khối nước một giây về mùa nắng, lên đến 120.000 thước khối một giây vào mùa mưa, và chuyên chở rất nhiều phù sa bồi đắp đồng bằng miền Nam.
Tiền Giang có lòng sông rộng với nhiều cù lao ở giữa giòng, chảy qua Tân Châu (Châu Đốc), Hồng Ngự và Cao Lãnh (Kiến Phong) đến Cai Lậy (Định Tường) thì chia làm bốn sông đổ ra biển bằng sáu cửa:

* Sông Mỹ Tho, chảy qua tỉnh lỵ Mỹ Tho và phía tỉnh Gò Công, ra biển bằng cửa Tiểu và cửa Đại.

* Sông Ba Lai chảy qua phía Bắc tỉnh Kiến Hòa, ra cửa Ba Lai.

* Sông Hàm Luông, chảy qua phía Nam tỉnh Kiến Hòa, ra cửa Hàm Luông.

* Sông Cổ Chiên, làm thành ranh giới tỉnh Kiến Hòa-Vĩnh Bình, đổ ra biển bằng hai cửa Cổ Chiên và Cung Hầu.

Hậu Giang chảy qua Châu Phú (Châu Đốc) Long Xuyên (An Giang) Cần Thơ (Phong Dinh), Trà Ôn (Vĩnh Bình), Long Phú (Ba Xuyên), và đổ ra biển bằng ba cửa: Định An, Ba Thắc, Trần Đề.

11. Hệ thống sông nhỏ miền Tây

* Sông Giang Thạnh, phát nguyên từ Campuchia, vào Việt Nam ở đỉnh Bắc tỉnh Kiên Giang, đổ ra vịnh Rạch Giá ở Hà Tiên.

* Sông Cái Lớn và Cái Bé, phát nguyên từ tỉnh Chương Thiện, đổ ra biển ở Rạch Giá.

* Sông Trèm Trẹm, nối nguồn vào sông Cái Lớn bằng Kinh Cán Gáo ở Kiên An (Kiên Giang), chảy qua rừng U Minh, vào địa phận tỉnh An Xuyên thành sông Ông Đốc, đổ ra vịnh Rạch Giá ở quận Sông Ông Đốc.

* Sông Bảy Hạp, chảy từ Quản Long (An Xuyên) ra vịnh Rạch Giá ở cửa Bảy Hạp.

* Sông Gành Hào, cũng từ Quản Long, nhưng chảy về phía Đông Hải, ra biển ở cửa Gành Hào.

* Sông Cửa Lớn, phát nguồn là các sông Đầm Dơi và Đầm Chim, đổ ra vịnh Rạch Giá ở mũi Ông Trang. Sông này lại có một nhánh nhỏ là sông Bồ Đề, chảy ra Đông Hải ở cửa Bồ Đề.

12. Hệ thống kinh đào miền Tây

Miền Tây Nam phần có một hệ thống kinh đào chằng chịt, nối các sông lớn nhỏ thành một hệ thống thủy lộ và thủy nông quan trọng. Những kinh đào chánh có thể liệt kê theo thứ tự địa dư từ Kiến Tường xuống tới An Xuyên như sau:

* Kinh Kỳ Hương, Mười Hai (Kiến Tường).

* Kinh Xáng An Long, Tháp Mười, Đồng Tiến (Kiến Phong).

* Kinh Vĩnh Tế, Thần Nông, Ba Thê, Tri Tôn (Châu Đốc).

* Kinh Mỹ Tho, Thương Mãi (Định Tường).

* Kinh Bốn Tổng, Cái Sắn, Thốt Nốt (An Giang).

* Kinh Lấp Vò, (Sa Đéc).

* Kinh Hà Tiên-Rạch Giá, Rạch Giá-Thất Sơn, Rạch Giá-Long Xuyên, Cán Gáo (Kiên Giang).

* Kinh An Trường (Vĩnh Long).

* Kinh Long Vĩnh (Vĩnh Bình).

* Kinh Ô Môn, Xà No, Phụng Hiệp (Phong Dinh).

* Kinh Trèm, Cái Lớn (Chương Thiện).

* Kinh Khánh Hưng, Quan Lộ-Phụng Hiệp, Cai Xe (Ba Xuyên).

* Kinh Canh Đền-Quan Lộ, Quan Lộ-Bạc Liêu, Phước Long-Vĩnh Mỹ, Quan Lộ-Gia Rai, Trèm-Hộ Phòng, Gành Hào-Gia Rai (Bạc Liêu).

* Kinh Kiểm Lâm, Cà Mau-Gia Rai (An Xuyên).

13. Hệ thống suối nhiệt khoáng Việt Nam

Theo đặc tính hóa chất, các suối nhiệt khoáng sulfat nằm rải rác trên các vùng cao nguyên Tây-Bắc Bắc phần, các suối nhiệt khoáng bicarbonate lại xuất hiện từ vùng cao nguyên phía Tây Trường Sơn vào đồng bằng Nam phần:

* Loại suối sulfat calci và magné ở Yên Báy, Sơn La.

* Loại suối clorure natri, sulfure calci và magné ở Sơn La và Ninh Bình.

* Loại suối sulfure hydro và natri ở Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu.

* Loại suối bicarbonate calci ở Lào Kay, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên, và miền Nam Trung phần.

* Loại suối carbonate natri như suối Vĩnh Hảo, sông Châu Cát ở Bình Thuận.
 
Bình Nguyên

1. Bình nguyên châu thổ Hồng Hà-Thái Bình, rộng khoảng 15 ngàn cây số vuông, có hình tam giác, đỉnh ở Việt Trì, Phú Thọ, đáy là duyên hải từ Hòn Gay đến Phát Diệm. Bình nguyên này tương đối phẳng, ngoại trừ những đồi sót trong vùng Ninh Bình, Nam Định, và những vùng đất trũng tạo thành những bãi sậy ở khoảng giữa tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Về phía bờ biển thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, nhiều dải đất do phù sa bồi đắp lấn dần ra biển đến 80 thước một năm.
Bình nguyên châu thổ Hồng Hà-Thái Bình có một hệ thống đê điều ngăn nước, nhất là dọc sông Hồng, có đê được xây từ đời nhà Lý để tránh lụt lội mùa nước lũ, nhưng chính việc ngăn nước cũng làm đồng bằng mất đi lượng phù sa màu mỡ. Bình nguyên này sản xuất nông phẩm chính là lúa và các phụ sản khoai, bắp, sắn....

2. Bình nguyên Thanh-Nghệ-Tĩnh, rộng khoảng 6.000 cây số vuông, gồm châu thổ sông Mã tương đối phì nhiêu và châu thổ sông Cả, hẹp và không được màu mỡ lắm, lại có nhiều cồn cát ven biển di chuyển vào lấn đất đồng bằng.


3. Bình nguyên Bình-Trị-Thiên, có diện tích tổng cộng khoảng 2.000 cây số vuông, gồm các châu thổ Đài Giang, Thạch Hãn và sông Hương, thường khô cằn và hẹp vì bị giới hạn bởi những đầm nước mặn dọc duyên hải. Nông dân phải trồng phi lao để chặn sức di chuyển của những cồn cát ven biển về phía đồng bằng.


4. Bình nguyên Quảng Nam vào tới Bình Thuận, gồm châu thổ các sông Thu Bồn, Trà Khúc, Đà Rằng, sông Cái, sông Dinh, sông Lũy,... quan trọng nhất là bình nguyên Tuy Hòa. Đồng bằng Ninh Thuận và Bình Thuận tương đối có đất tốt nhưng khô nên ít thuận tiện cho nông nghiệp.


5. Bình nguyên châu thổ sông Đồng Nai,
tương đối cao ở vùng chuyển tiếp với các cao nguyên phía Đông-Bắc, thấp dần về hướng Tây-Nam. Đất đai tốt, thích hợp cho các loại cây kỹ nghệ, cây ăn trái.


6. Bình nguyên châu thổ sông Cửu Long,
là vùng đồng bằng rộng nhất Việt Nam, đất đai phì nhiêu, bằng phẳng. Trong bình nguyên này vẫn còn một vài núi đá thấp thuộc vùng tiếp giáp với các dãy núi của Campuchia trong tỉnh Châu Đốc, một vùng trũng thấp là Đồng Tháp Mười thuộc hai tỉnh Kiến Tường và Kiến Phong, hai vùng đất ven biển chưa được bồi đắp là khu rừng sát Quảng Xuyên ở cửa sông Đồng Nai và khu rừng tràm U Minh ở gần ranh tỉnh Kiên Giang và An Xuyên. Đồng bằng châu thổ Cửu Long không có hệ thống đê ngăn nước như của châu thổ sông Hồng, nhưng lại có nhiều giồng đất thiên nhiên và một hệ thống kinh đào dẫn thủy quy mô, phân bố lượng phù sa bồi đắp của sông Cửu Long đều khắp nên rất phì nhiêu màu mỡ. Nông phẩm chính là lúa và các loại mễ cốc, cây ăn trái. Đây là vựa lúa của Việt Nam, đã từng xuất cảng gạo thóc trong những năm người dân còn được tự do canh tác.
 
Khí Hậu

Việt Nam ở trong vùng Nhiệt đới nên nói chung, khí hậu ẩm và nhiều mưa. Tuy nhiên, nhờ có biển bao quanh nên tương đối không nóng hay lạnh gắt. Cũng vì địa thế trải dài hơn 1.600 cây số và rặng Trường Sơn nằm dọc chắn gió nên khí hậu cũng có dị biệt theo từng địa phương. Một cách tổng quát, khí hậu Việt Nam có những đặc tính đáng kể như sau:


* Nhiệt độ giảm dần từ Nam ra Bắc và từ đồng bằng lên miền cao. Nhiệt độ trung bình ở Nam phần là 27 độ C, Trung phần 25 độ C, Bắc phần 23 độ C. Gần như cùng trên một vĩ tuyến thì nhiệt độ trung bình của Nha Trang là 26 độ C, trong khi Đà Lạt 18 độ C.


* Việt Nam nằm trong vùng Á Châu gió mùa: Gió Bấc (Đông Bắc), từ tháng 10 đến tháng 3 Dương lịch, mưa nhiều trên vùng duyên hải Trung phần từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận. Gió Nồm (Tây Nam), từ tháng 5 đến tháng 9, mưa nhiều trên phần lãnh thổ còn lại. Gió Lào thổi những luồng hơi nóng từ lục địa ra biển trong cùng mùa với gió Nồm, rất khô. Vũ lượng trung bình hàng tháng và trung bình khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam là 150 m/m. Nơi có vũ lượng cao nhất nước là vùng núi và cao nguyên phía Tây Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và phía Bắc Kontum, lên đến 4 thước nước mưa mỗi năm.


* Thời tiết Bắc phần chia làm bốn mùa rõ rệt, đôi khi có tuyết trên những đỉnh núi cao. Trung và Nam phần chỉ có hai mùa mưa nắng. Dọc duyên hải từ Quy Nhơn ra Bắc chịu nhiều cơn bão từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm.
 
Thảo Mộc

Do ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới, thảo mộc thiên nhiên ở Việt Nam rất phong phú, có trên 1.500 sắc cây khác nhau. Rừng Việt Nam tương đối cũng phức tạp, không thuần nhất, ngoại trừ những khu rừng thông trên cao nguyên Lâm Viên và những khu rừng tràm rừng sát ở các miền đất trũng. Rừng Việt Nam cung cấp nhiều gỗ quý và gỗ thông dụng cũng như dược thảo.


* Rừng sát, gồm những loại cây đước, vẹt, mắm, bần, chàm, dừa nước... có nhiều rễ, có thể sống ở vùng nước mặn và có công dụng giữ phù sa cho các vùng đất tân bồi. Những khu rừng sát nằm dọc duyên hải Việt Nam, thuộc các tỉnh Nam Định, Phước Tuy, Vĩnh Bình, Ba Xuyên, Kiên Giang. Các loại cây này thường dùng vào việc làm than củi, cất nhà, nhuộm vải, thuộc da, trét ván thuyền.


* Rừng tràm, gồm những loại cây sống ở vùng nước phèn như tràm, móp. ráng, choại..., cao hơn các loại cây rừng sát, có cùng công dụng và tìm thấy nhiều nhất là ở vùng U Minh trên ranh giới các tỉnh Kiên Giang, Chương Thiện, An Xuyên. Lá tràm còn được dùng để cất chế thành dầu khuynh diệp.


* Rừng già, còn gọi là rừng sơ cấp, chưa được khai thác, có nhiều loại cây đại thụ, dây leo và các loại dã thú. Rừng rậm Việt Nam tập trung ở các miền núi Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, trong rặng Hoàng Liên Sơn, vùng núi Thanh Nghệ, vài khu trên rặng Trường Sơn, có nhiều loại danh mộc như lim, gụ, sao, trắc, giẻ, nghiến, vàng tâm, huỳnh đàn, cẩm lai...


* Rừng thưa, còn gọi là rừng thứ cấp, đã được khai thác hay tàn phá làm nương rẫy. Tùy theo điều kiện thiên nhiên, các khu rừng này cũng có nhiều danh mộc như dầu, sến, bằng lăng, dầu rái, giáng hương, gõ đỏ, căm xe... và những loại thú dữ. Các khu rừng thưa nằm dọc biên giới Hoa-Việt, trong tỉnh Lai Châu, và nhiều nơi dọc theo rặng Trường Sơn.


* Rừng thuần nhất: Rừng thông, ở các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Yên, và nhất là Tuyên Đức. Rừng Gồi, ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Phan Thiết. Rừng tre, ở vùng biên giới Hoa-Việt, Phú Thọ, Bình Dương. Rừng phi lao, dọc duyên hải Thanh Nghệ, Bình Trị.
 
Dân Cư

Dân số Việt Nam tăng khá nhanh. Từ đầu thế kỷ thứ 20, dân số nước ta khoảng 19 triệu người. Đến giữa thế kỷ, lên đến 25 triệu người. Cuối năm 1988, dân số Việt Nam đã tăng lên tới 67 triệu người, mật độ trung bình là 202 người trên một cây số vuông. Trong thực tế, dân cư Việt Nam phân phối không đồng đều, phần lớn đồng bào ta tập trung ở những miền có nhiều tài nguyên thiên nhiên dễ khai thác và ở các đô thị, thành phố, các trung tâm kỹ nghệ.... Dân ta sống gắn bó với ruộng vườn, làng mạc nên tỷ số đồng bào ở nông thôn bao giờ cũng cao, ước lượng có thể lên tới 85% dân số.

Từ xưa, tổ chức hành chánh của nông thôn Việt Nam đã là những đơn vị sinh hoạt có tính cách tự trị và dân chủ. Căn bản của xã hội Việt nam là gia đình, thôn xóm. Nhiều thôn xóm họp thành làng hay xã, chung quanh có lũy tre bao bọc, trong đó, người dân tự bầu lấy một ban Kỳ Mục hay Hương Chức, và sống với nhau theo một ước lệ tự trị. Đây là một hình thái sinh hoạt đặc biệt của văn minh Việt Nam. Hệ thống làng xã Việt Nam vẫn được giữ theo lề lối sinh hoạt xưa, phần đông dân chúng sống bằng nghề nông, đánh cá, chăn nuôi, trồng tỉa, thủ công nghệ.... Dân cư vùng thành thị sống bằng các hoạt động thương mãi, công kỹ nghệ, công tư chức, và các nghề tự do.

Trên các miền thượng du và cao nguyên, đồng bào ta vẫn sống tụ hội trong những buôn làng: Đồng bào Thái quây quần trong miền Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Kay, Sơn La, Lai Châu. Đồng bào Nùng ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cáy. Đồng bào Mán ở vùng núi Ba Vì, Tam Đảo, Móng Cáy. Đồng bào Mèo ở Hà Giang, Lào Kay, Lai Châu, Sơn La. Đồng bào Mường ở các tỉnh Sơn Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Đông, Thanh Hóa. Đồng bào Gia Rai sống trên các cao nguyên Kontum, Pleiku, Phú Bổn. Đồng bào Ra-Đê ở miền cao nguyên Đắc Lắc, Quảng Đức, Khánh Hòa, Phú Yên....

Trước khi đạo Ki-Tô được truyền bá ở Việt Nam, hầu hết người Việt Nam theo đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão. Cho đến đầu thế kỷ thứ 20, ở Nam phần có thêm hai tôn giáo mới là đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo. Tựu trung, đối với người Việt Nam, việc thờ cúng ông bà Tổ Tiên là quan trọng hơn cả. Phong tục tập quán người Việt, dù qua một thời gian dài bị Bắc thuộc, vẫn giữ được những nét đặc thù Việt Nam, khác hẳn người Trung Hoa. Về tính tình, người Việt Nam thông minh, chăm chỉ, ham học hỏi, có óc khôi hài châm biếm, thích sống quần tụ, đặc biệt là rất can đảm và yêu nước nên lịch sử Việt Nam là một tranh đấu sử hào hùng.
 
VIỆT NAM

VIỆT NAM (tên chính thức Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là một quốc gia nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á. Lãnh thổ có phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào và Campuchia, phía tây nam giáp vịnh Thái Lan và phía đông và phía nam giáp biển Đông và có hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ, có vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được Chính phủ Việt Nam xác định gần gấp ba lần diện tích đất liền (khoảng trên 1 triệu km²). Trên biển Đông có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền nhưng một số nước láng giềng khác cũng khẳng định chủ quyền toàn bộ hay từng phần các quần đảo này.

Sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc giành được chiến thắng với Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, hai miền được thống nhất. Ngày 2 tháng 7 năm 1976 nước Việt Nam được đặt tên hiệu là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Địa lí

Việt Nam (tọa độ địa lý: Kinh tuyến: 102°8′ - 109°27′ Đông; Vĩ tuyến: 8°27′ - 23°23′ Bắc) nằm ở cực Đông Nam bán đảo Đông Dương chiếm diện tích khoảng 329.314 km2. Biên giới Việt Nam giáp với vịnh Thái Lan ở phía nam, vịnh Bắc Bộ và Biển Đông ở phía đông, Trung Quốc ở phía bắc, Lào, và Campuchia phía tây. Đất nước có hình chữ S và khoảng cách từ bắc tới nam là khoảng 1.650km, vị trí hẹp nhất theo chiều đông sang tây là 50km. Với đường bờ biển dài 3.260 km không kể các đảo, Việt Nam tuyên bố 12 hải lý ranh giới lãnh hải, thêm 12 hải lý tiếp giáp nữa theo thông lệ và vùng an ninh, và 200 hải lý làm vùng đặc quyền kinh tế.

Địa hình
Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới với những vùng đất thấp, đồi núi, nhiều cao nguyên với những cánh rừng rậm. Đất đai có thể dùng cho nông nghiệp chiếm chưa tới 20%. Đất nước bị chia thành miền núi, vùng đồng bằng sông Hồng ở phía bắc; và dãy Trường Sơn, Tây Nguyên, Đồng bằng duyên hải miền trung, và đồng bằng sông Cửu Long ở phía nam.

Đồng bằng sông Hồng

Đồng bằng sông Hồng, còn gọi là Đồng bằng Bắc Bộ, là vùng đồng bằng châu thổ của sông Hồng, miền Bắc Việt Nam. Đồng bằng sông Hồng là một trong 3 tiểu vùng của Bắc Bộ Việt Nam (2 tiểu vùng kia là Vùng Đông Bắc và Vùng Tây Bắc).

Đây là vùng đất màu mỡ, được hình thành do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình, là các sông nhánh cận Bắc và cận Nam của sông Hồng và một hệ thống sông ngòi phức tạp chảy ra vịnh Bắc Bộ qua trên 10 cửa sông .

Vùng đất có điều kiện thích hợp cho phát triển nông nghiệp. Nó được nhiều nhà sử học coi là nơi hình thành và phát triển của dân tộc Việt, một nôi văn hóa quan trọng của người Việt.
Vùng đồng bằng sông Hồng nằm ngay cạnh phía Nam của đường bắc chí tuyến, giữa vĩ độ 22°00' và 21°30' Bắc và kinh độ 105°30' và 107°00' Đông. Nó có hình dáng điển hình của một vùng châu thổ, với đáy là đường bờ biển kéo dài 130 km từ trung tâm mỏ than và cảng Thành phố Hạ Long ở phía Bắc, đến điểm cực Nam của tỉnh Ninh Bình ở phía Nam. Đỉnh của tam giác này thay đổi theo thời gian cùng với sự mở rộng của nó và hiện tượng mực nước biển rút xuống. Trần Quốc Vượng (1998)[1] cho rằng vào thời kỳ nhà nước Văn Lang, đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng ở gần thành phố Việt Trì ngày nay. Đến thời kỳ nhà nước Âu Lạc (thế kỷ 3 TCN), đỉnh của tam giác đã lui xuống vùng Đông Anh (Hà Nội). Hiện nay, đỉnh của tam giác này ở Hưng Yên. Nếu vẫn coi đỉnh tam giác là ở Việt Trì, thì diện tích tổng cộng của đồng bằng sông Hồng khoảng 16.644 km².

Khu trung tâm của vùng ĐBSH rất bằng phẳng, phần lớn nằm ở độ cao từ 0,4 m đến 12 m so với mực nước biển, với 56% có độ cao thấp hơn 2 m. Tuy nhiên cũng có những khu vực đất cao, dưới dạng cacxtơ đá vôi hình thành các đồi riêng biệt giống như các đỉnh núi nhọn và những dãy đồi núi dọc theo hai cánh tây-nam và đông-bắc của vùng.

Phần lớn vùng đất của đồng bằng sông Hồng được 2 loại đê bảo vệ: 3000 km đê ngăn lũ của hệ thống sông và 1500 km đê biển ngăn sóng lớn của các cơn bão ở vịnh Bắc Bộ.

Khí hậu ở đây là nhiệt đới và cận nhiệt đới. Gió mùa của vùng Đông Á có vai trò chủ đạo đối với vùng. Nhiệt độ không khí trung bình năm khoảng 22,5-23,5°C và lượng mưa trung bình năm 1400-2000 mm.
+ Danh sách cửa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình
Hệ thống sông Hồng đổ ra Vịnh Bắc Bộ qua chín cửa sông gồm:

1. Cửa Ba Lạt: cửa chính trên sông Hồng, ở bờ biển giáp gianh Nam Định và Thái Bình
2. Cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ) ở tỉnh Nam Định
3. Cửa Đáy (sông Đáy) ở tỉnh Ninh Bình
4. Cửa Lân ở Tiền Hải (Thái Bình)
5. Cửa Trà Lý (sông Trà Lý) ở tỉnh Thái Bình
6. Cửa Diêm Điền (sông Diêm Điền hay sông Diêm Hộ) ở Thái Thụy (Thái Bình)
7. Cửa Hà Lận ở tỉnh Nam Định

Hệ thống sông Thái Bình gồm các cửa:

1. Cửa Thái Bình của sông Thái Bình, nằm giữa hai tỉnh Thái Bình và Hải Phòng;
2. Cửa Văn Úc, trên sông Văn Úc, Hải Phòng;
3. Cửa Lạch Tray, trên sông Lạch Tray, Hải Phòng;
4. Cửa Cấm, trên sông Cấm, Hải Phòng;
5. Cửa Nam Triệu, trên sông Bạch Đằng, nằm giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng;
6. Cửa sông Chanh, Quảng Ninh;

ST
 
Tây Nguyên

Vùng Tây Nguyên Việt Nam là vùng cao nguyên bao gồm 5 tỉnh, xếp theo thứ tự vị trí địa lý từ bắc xuống nam gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Tây Nguyên là một tiểu vùng, cùng với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hợp thành vùng Nam Trung Bộ, thuộc Trung Bộ Việt Nam.

Thời Việt Nam Cộng hòa, nơi đây được gọi là Cao nguyên Trung phần. Hiện nay đôi khi được gọi là Cao nguyên Trung Bộ.

Địa lý
Tây Nguyên là vùng cao nguyên, giáp với Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. trong khi Kon Tum có biên giới phía tây giáp với cả Lào và Campuchia, thì Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông chỉ có chung đường biên giới với Campuchia. Còn Lâm Đồng không có đường biên giới quốc tế.
Thực chất, Tây Nguyên không phải là một cao nguyên duy nhất mà là một loạt cao nguyên liền kề. Đó là các cao nguyên Kon Tum cao khoảng 500 m, cao nguyên Kon Plông, cao nguyên Kon Hà Nừng, Plâyku cao khoảng 800 m, cao nguyên M'Drăk cao khoảng 500 m, cao nguyên Buôn Ma Thuột cao khoảng 500 m, Mơ Nông cao khoảng 800-1000 m, cao nguyên Lâm Viên cao khoảng 1500 m và cao nguyên Di Linh cao khoảng 900-1000 m. Tất cả các cao nguyên này đều được bao bọc về phía Đông bởi những dãy núi và khối núi cao (chính là Trường Sơn Nam).

Tây Nguyên lại có thể chia thành ba tiểu vùng địa hình đồng thời là ba tiểu vùng khí hậu, gồm Bắc Tây Nguyên (tương ứng với các tỉnh Kon Tum và Gia Lai, trước là một tỉnh), Trung Tây Nguyên (tương ứng với các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông), Nam Tây Nguyên (tương ứng với tỉnh Lâm Đồng). Trung Tây Nguyên có độ cao thấp hơn và nền nhiệt độ cao hơn hai tiểu vùng phía Bắc và Nam.

Với đặc điểm thổ nhưỡng đất đỏ bazan ở độ cao khoảng 500 m đến 600 m so với mặt biển, Tây Nguyên rất phù hợp với những cây công nghiệp như cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm. Cây điều và cây cao su cũng đang được phát triển tại đây. Cà phê là cây công nghiệp quan trọng số một ở Tây Nguyên. Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ.

Tây Nguyên cũng là khu vực ở Việt Nam còn nhiều diện tích rừng với thảm sinh vật đa dạng, trữ lượng khoáng sản phong phú hầu như chưa khai thác và tiềm năng du lịch lớn, Tây nguyên có thể coi là mái nhà của miền trung, có chức năng phòng hộ rất lớn. Tuy nhiên, nạn phá rừng, hủy diệt tài nguyên thiên nhiên và khai thác lâm sản bừa bãi chưa ngăn chận được tại đây có thể dẫn đến nguy cơ làm nghèo kiệt rừng và thay đổi môi trường sinh thái.

Khí hậu
Khí hậu ở Tây Nguyên được chia làm hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, trong đó tháng 3 và tháng 4 là hai tháng nóng và khô nhất.

Do ảnh hưởng của độ cao nên trong khi ở các cao nguyên cao 400-500 m khí hậu tương đối mát và mưa nhiều, riêng cao nguyên cao trên 1000 m (như Đà Lạt) thì khí hậu lại mát mẻ quanh năm như vùng ôn đới.

Dân cư

hiều dân tộc thiểu số chung sống với dân tộc Việt (Kinh) ở Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông... Thời Việt Nam Cộng hòa gọi chung những dân tộc này là "đồng bào sắc tộc" hoặc "người Thượng"; "Thượng" có nghĩa là ở trên, "người Thượng" là người ở miền cao hay miền núi, một cách gọi đặc trưng để chỉ những sắc dân sinh sống trên cao nguyên miền Trung.

Năm 1976, dân số Tây Nguyên là 1.225.000 người, gồm 18 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 853.820 người (chiếm 69,7% dân số). Năm 1993 dân số Tây Nguyên là 2.376.854 người, gồm 35 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 1.050.569 người (chiếm 44,2% dân số). Năm 2004 dân số Tây Nguyên là 4.668.142 người, gồm 46 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 1.181.337 người (chiếm 25,3% dân số) [2]. Riêng tỉnh Đắc Lắc, từ 350.000 người (1995) tăng lên 1.776.331 người (1999), trong 4 năm tăng 485% [3]. Kết quả này, một phần do gia tăng dân số tự nhiên và phần lớn do gia tăng cơ học: di dân đến Tây nguyên theo 2 luồng di dân kế hoạch và di dân tự do. Người dân tộc đang trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ. Sự gia tăng gấp 4 lần dân số và nạn nghèo đói, kém phát triển và hủy diệt tài nguyên thiên nhiên (gần đây, mỗi năm vẫn có tới gần một nghìn héc-ta rừng tiếp tục bị phá [4] ) đang là những vấn nạn tại Tây Nguyên và thường xuyên dẫn đến xung đột. Hiện nay, ước lượng dân số Tây Nguyên vào khoảng 5,5 đến 6 triệu người

Kinh tế xã hội và môi trường

So với các vùng khác trong cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội của Tây Nguyên có nhiều khó khăn, như là thiếu lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng kém phát triển, sự chung đụng của nhiều sắc dân trong một vùng đất nhỏ và với mức sống còn thấp. Tuy nhiên, Tây Nguyên có lợi điểm về tài nguyên thiên nhiên. Tây Nguyên có đến 2 triệu hecta đất bazan màu mỡ, tức chiếm đến 60% đất bazan cả nước, rất phù hợp với những cây công nghiệp như cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm, trà. Cà phê là cây công nghiệp quan trọng số một ở Tây Nguyên. Diện tích cà phê ở Tây Nguyên hiện nay là hơn 290 nghìn ha, chiếm 4/5 diện tích cà phê cả nước.
Đắc Lắc là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất (170 nghìn ha) và cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng có chất lượng cao Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ, chủ yếu tại những vùng tránh được gió mạnh ở tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắc Lắc. Tây Nguyên còn là vùng trồng dâu, nuôi tằm tập trung lớn nhất nước ta, nhiều nhất là ở Lâm Đồng. Ở đây có các xí nghiệp ươm tơ xuất khẩu.

Việc phân bổ đất đai và tài nguyên không đồng đều cũng gây ra nhiều tranh chấp. Trước đây, chính quyền có chủ trương khai thác Tây Nguyên bằng hệ thống các nông lâm trường quốc doanh (thời kỳ trước năm 1993 là các Liên hiệp xí nghiệp nông lâm công nghiệp lớn, đến sau năm 1993 chuyển thành các nông, lâm trường thuộc trung ương hoặc thuộc tỉnh). Các tổ chức kinh tế này trong thực tế bao chiếm gần hết đất đai Tây Nguyên. Ở Đak Lak, đến năm 1985, ba xí nghiệp Liên hiệp nông lâm công nghiệp quản lý 1.058.000 hecta tức một nửa địa bàn toàn tỉnh, cộng với 1.600.000 hecta cao su quốc doanh, tính chung quốc doanh quản lý 90% đất đai toàn tỉnh. Ở Gia Lai-Kontum con số đó là 60%. Tính chung, đến năm 1985, quốc doanh đã quản lý 70% diện tích toàn Tây Nguyên. Sau năm 1993, đã có sự chuyển đổi cơ chế quản lý, nhưng con số này cũng chỉ giảm đi được 26% [5].

Tài nguyên rừng và diện tích đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ ngày càng suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau, như là một phần nhỏ diện tích rừng sâu chưa có chủ và dân di cư mới đến lập nghiệp xâm lấn rừng để ở và sản xuất (đất nông nghiệp toàn vùng tăng rất nhanh) cũng như nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép chưa kiểm soát được. Đã có nhiều trường hợp lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng, hoặc người có trách nhiệm bảo vệ rừng đặc dụng lại cấu kết với bọn khai thác gỗ quý. Do sự suy giảm tài nguyên rừng nên sản lượng khai thác gỗ giảm không ngừng, từ 600 – 700 nghìn m3 vào cuối thập kỉ 80 - đầu thập kỉ 90, nay chỉ còn khoảng 200 – 300 nghìn m3/năm [6]. Hiện nay, chính quyền địa phương đang có thử nghiệm giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định và giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng [4].

Nhờ địa thế cao nguyên và nhiều thác nước, nên tài nguyên thủy năng của vùng lớn và được sử dụng ngày càng có hiệu quả hơn. Trước đây đã xây dựng các nhà máy thủy điện Đa Nhim (160.000 kW) trên sông Đa Nhim (thượng nguồn sông Đồng Nai), Đrây Hơlinh (12.000 kW) trên sông Xrêpôk. Mới đây, công trình thủy điện Yaly (700.000 kW) đưa điện lên lưới từ năm 2000 và đang có dự kiến xây dựng các công trình thủy điện khác như Bon Ron - Đại Ninh, Plây Krông. Tây Nguyên không giàu tài nguyên khoáng sản, chỉ có bôxit với trữ lượng hàng tỉ tấn là đáng kể.


ST
 
Đồng bằng duyên hải miền Trung

Đồng bằng duyên hải miền Trung là một dải các đồng bằng duyên hải ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ Nghệ An đến Bình Thuận. Do theo cấu tạo địa chất, địa hình, vị trí với đường xích đạo, chí tuyến đã dẫn tới việc phân chia rõ rệt về khí hậu, thời tiết thành 2 vùng riêng biệt là Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ

Địa hình và địa chất

Tất cả các đồng bằng miền Trung đều bắt nguồn từ một lịch sử thống nhất liên quan đến quá trình biển tiến-mài mòn mà dấu tích ngày nay là các bậc thềm đánh dấu sự dao động của mực nước qua các thời kì bằng hà tan.

Đi từ trong ra phía biển, địa hình thấp dần: 40-25m, 25-15m, 15-5m, 5-4m, và có tuổi trẻ dần. Điều đó chứng tỏ địa hình được nâng cao dần và liên tục. Bờ biển lùi ra xa, các con lươn con trạch tạo nên những cồn cát, những cồn cát này được gió vun lên thành những đụn cát và ngăn chặn các đầm phá. Cùng thời gian đó hình thành nên các đảo và bán đảo.

Ở đồng bằng duyên hải miền Trung có những cồn cát cao tới 40-50m, và giữa chúng hình thành những mạch nước ngọt ngầm phun lên như ở Bàu Tró (Quảng Bình)

Địa hình đồng bằng bị cắt xẻ bởi các nhánh núi ăn sát ra tới biển như: dãy núi Hoành Sơn-đèo Ngang, dãy núi Bạch Mã-đèo Hải Vân, dãy núi Nam Bình Định-đèo Cả. Vì vậy, địa hình đồng bằng duyên hải miền Trung mang tính chất chân núi-ven biển.

Ngoài bị cắt xẻ ngang bởi các nhánh núi ăn sát ra biển, thì ở đây còn có sự phân chia dọc theo đồng bằng, đi từ trong ra ta sẽ gặp: cồn cát → đụn cát → đồi núi sót → mõm đá.

Phía trong các cồn cát là các đồng bằng nhỏ hẹp có thể canh tác nông nghiệp. Còn ở dưới chân núi là vùng sỏi đá khô cằn, cỏ cây hoang dại mọc.

Khí hậu và thời tiết

Phần lớn khu vực thuộc miền khí hậu đông Trường Sơn, dẫn tới khu vực Bắc Trung Bộ chịu chế độ gió mùa mùa hạ và gió tây khô nóng (gió Lào) từ phía Tây, còn khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ phần lớn chịu ảnh hưởng của gió mùa mùa đông từ biển thổi vào

Vùng này cũng là nơi chịu rất nhiều ảnh hưởng của các cơn bão, tập trung nhiều về tháng 9, 10, 11, 12. Trung bình có từ 0,3 đến 1,7 cơn bão/ tháng. Đặc biệt vào tháng 9, tại khu vực Bắc Trung Bộ trung bình có 1,5 cơn bão/tháng, tất cả các cơn bão đều từ hướng đông, đông bắc đổ vào.

ST
 
Đồng bằng sông Cửu Long

Vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, còn gọi là Vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ có 12 tỉnh và 1 thành phố:

* An Giang
* Bến Tre
* Bạc Liêu
* Cà Mau
* Thành phố Cần Thơ
* Đồng Tháp
* Hậu Giang
* Kiên Giang
* Long An
* Sóc Trăng
* Tiền Giang
* Trà Vinh
* Vĩnh Long

Địa lý tự nhiên
Vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam với diện tích khoảng 4 triệu ha được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, tây nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau.

Cách đây khoảng 8.000 năm, vùng ven biển cũ trải rộng dọc theo triền phù sa cổ thuộc trầm tích Pleistocen từ Hà Tiên đến thềm bình nguyên Đông Nam Bộ. Sự hạ thấp của mực nước biển một cách đồng thời với việc lộ ra từng phần vùng đồng bằng vào giai đoạn cuối của thời kỳ trầm tích Pleistocen. Một mẫu than ở tầng mặt đất này được xác định bằng C14 cho thấy nó có tuổi tuyệt đối là 8.000 năm (Ngộ, 1988). Sau thời kỳ băng hà cuối cùng, mực mước biển dâng cao tương đối nhanh chóng vào khoảng 3–4 m trong suốt giai đoạn khoảng 1.000 năm (Blackwelder và những người khác, 1979), gây ra sự lắng tụ của các vật liệu trầm tích biển ở những chỗ trũng thấp của châu thổ; tại đây những sinh vật biển như hàu (Ostrea) được tìm thấy và việc xác định tuổi tuyệt đối của chúng bằng C14 cho thấy trầm tích này được hình thành cách đây khoảng 5.680 năm (Ngộ, 1988).Dưới những ảnh hưởng của môi trường biển và nước lợ, thực vật rừng ngập mặn dày đặc đã bao phủ toàn vùng này, chủ yếu là những cây đước (Rhizophora sp.) và mắm (Avicennia sp.). Những thực vật chịu mặn này đã tạo thuận lợi cho việc giữ lại các vật liệu lắng tụ, làm giảm sự xói mòn do nước hoặc gió, và cung cấp sinh khối cho trầm tích châu thổ (Morisawa M., 1985), và rồi những đầm lầy biển được hình thành. Tại vùng này, cách đây 5.500 năm trước công nguyên, trầm tích lắng tụ theo chiều dọc dưới điều kiện mực nước biển dâng cao đã hình thành những cánh đồng rộng lớn mang vật liệu sét. Sự lắng tụ kéo dài của các vật liệu trầm tích bên dưới những cánh rừng Đước dày đặc đã tích lũy dần để hình thành một địa tầng chứa nhiều vật liệu sinh phèn (pyrit).

Mực nước biển dâng cao, bao phủ cả vùng như thế hầu như hơi không ổn định và bắt đầu có sự giảm xuống cách đây vào khoảng 5.000 năm (Pons L. J. và những người khác, 1982). Sự hạ thấp mực nước biển dẫn đến việc hình thành một mực nước biển mới, sau mỗi giai đoạn như thế thì có một bờ biển mới được hình thành, và cuối cùng hình thành nên những vạt cồn cát chạy song song với bờ biển hiện tại mà người ta thấy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một cồn cát chia cắt vùng Đồng Tháp Mười và vùng trầm tích phù sa được xác định bằng C14 cho thấy có tuổi tuyệt đối vào khoảng 4.500 năm (Ngộ, 1988).

Sự hạ dần của mực nước kèm theo những thay đổi về môi trường trong vùng đầm lầy biển, mà ở đây những thực vật chịu mặn mọc dầy đặc (Rhizophora sp., Avicinnia sp.) được thay thế bởi những loài thực vật khác của môi trường nước ngọt như tràm (Melaleuca sp.) và những loài thực thực vật hoang dại khác (Fimbristylis sp.,Cyperus sp.). Sự ổn định của mực nước biển dẫn đến một sự bồi lắng trầm tích ven biển khá nhanh với vật liệu sinh phèn thấp hơn (Pons L. J. và những người khác, 1989).Sự tham gia của sông Cửu Long đóng vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình hình thành vùng châu thổ. Lượng nước trung bình hàng năm của sông này cung cấp vào khoảng 4.000 tỷ m³ nước và vào khoảng 100 triệu tấn vật liệu phù sa (Morgan F. R., 1961), những mảnh vỡ bị bào mòn từ lưu vực sông, mặc dù một phần có thể dừng lại tạm thời dọc theo hướng chảy, cuối cùng được mang đến cửa sông và được lắng tụ như một châu thổ (Morisawa, 1985). Những vật liệu sông được lắng tụ dọc theo sông để hình thành những đê tự nhiên có chiều cao 3–4 m, và một phần của những vật liệu phù sa phủ lên trên những trầm tích pyrit thời kỳ Holocen với sự biến thiên khá rộng về độ dầy tầng đất vùng và không gian vùng (Pons L. J. và csv., 1982). Các con sông nằm được chia cắt với trầm tích đê phù sa nhưng những vùng rộng lớn mang vật liệu trầm tích biển chứa phèn tiềm tàng vẫn còn lộ ra trong vùng đầm lầy biển (Moormann, 1961). Tuy nhiên, độ chua tiềm tàng không xuất hiện trong vùng phụ cận của những nhánh sông gần cửa sông mà tại đây ảnh hưởng rửa bởi thủy triều khá mạnh. Ngược lại, vùng châu thổ sông Sài Gòn, nằm kế bên hạ lưu châu thổ sông Mekong, được biểu thị bởi một tốc độ bồi lắng ven biển khá chậm do lượng vật liệu phù du trong nước sông khá thấp và châu thổ này bị chia cắt bởi nhiều nhánh sông thủy triều và do bởi những vành đai thực vật chịu mặn thì rộng lớn hơn vành đai này ở vùng châu thổ sông Mekong, và kết quả là trầm tích của chúng chứa nhiều axít tiềm tàng (Moormann và Pons, 1974).

ST


 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top