• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Kể lại chuyện Con Hổ có nghĩa theo phương pháp sáng tạo.

Chú voi con

New member
Xu
0
Kể lại chuyện Con Hổ có nghĩa theo phương pháp sáng tạo.


Bài làm

Vào một ngày đẹp trời, ở dưới một gốc cây cổ thụ trong khu rừng già, một đàn hổ con đang quây quần bên bà nội. chúng say sưa nghe bà kể chuyện. Lúc đầu là tiếng một con hổ đầu đàn cất lên:

_ Bà ơi bà kể chuyện cho chúng cháu nghe đi.

_ Các cháu của bà thích nghe chuyện gì nào?

_ Chúng cháu thích nghe một có ý nghĩa nhất.

Hổ bà trầm ngâm suy nghĩ và nói: “Được rồi, bà sẽ kể cho các cháu nghe về cái ngày mà cha các cháu ra đời. Các cháu có thích nghe không nào?” Đàn hổ con reo lên: “Chúng cháu rất thích ạ!” – Thế là hổ bà bắt đầu kể.

_ Các cháu biết không cách đây hai mươi năm về trước, bà đã mang thai cha các cháu, thế rồi đến ngày trở dạ, bụng bà đau quằn quại, nhưng cơn đau co thắt làm bà tưởng như chết đi, sống lại. Chứ như thế kéo dài từ sáng sớm đến đêm. Ông các cháu cứ loay hoay mãi mà chẳng thể nào giúp bà cho được. Thế rồi trong cơn đau bà chợt nghĩ đến loài người. Loài người thật thông minh và nhân hậu, loài người được tiếp thu những văn minh của khoa học. Chỉ có loài người mới giúp bà qua được con nguy này. Thế là bà liền kêu ông cháu đi tìm đến loài người. Hồi ấy, cách khi rừng của chúng ta không xa, ở huyện Đông Triều loài người sinh sống rất đông. Trong số họ, có bà đỡ Trần đỡ đẻ cho người rất giỏi. Ông cháu liền tới gõ cửa. Khi bà Trần mở cửa, đang khẩn cấp, ông cháu vội lao tới cõng bà ấy tới nhà chúng ta. Bà Trần đến cũng là lúc mà bà của cháu đang lăn lộn vì đau đớn, bà cào tung cả đất lên. Thấy vậy, bà Trần lại ngỡ rằng bà và ông các cháu chuẩn bị để thịt bà ấy. Các cháu biết không lúc đó, bà Trần run lên bần bật, gương mặt xinh tươi hiền hậu bỗng trở nên tái mét. Bà Trần cứ đứng im một chỗ không dám nhúc nhích.

_ Ông các cháu hiểu ý run sợ của bà Trần, ông liền đến gần cầm tay bà Trần rồi nhìn bà trong cơn đau mà rơi nước mắt. chỉ có thế thôi bà Trần đã hiểu ý, bà ấy lấy ngay thuốc sẵn có trong túi, rồi hòa với nước suối cho bà uống, lại còn xoa bụng cho bà nữa. Lát sau, bà sinh ngay ra được cha cháu cùng chú hổ hai, chú hổ ba, chú hổ tư, cô hổ năm. Ông cháu thấy vậy mừng lắm còn bà thì mỏi mệt, nắm sụp xuống. Để cảm ơn bà Trần, chẳng biết lấy gì hơn, ông các cháu vội đào số bạc có hơn mười lạng dành dụn đem biếu bà Trần. Bà Trần cũng hiểu tấm lòng của ông các cháu. Bà ấy còn đến vuốt ve bố và các chú, cô của các cháu rồi mới trở về. Cảm phục bà Trần, ông cháu còn tiễn bà ấy ra tận cửa rừng, rồi cứ đứng nhìn theo bóng bà ấy và gầm lên một tiếng khá to để cám ơn mới quay về.

_ Năm ấy, được biết loài người bị mất mùa đói kém lắm, nhưng nhờ có số bạc của nhà ta, gia đình bà Trần đã qua nạn đói.
Nghe đến đấy lũ hổ con rất cảm động trước ơn nghĩa của con người. Hổ bà lại nói tiếp: Đó mới chỉ là một chuyện thôi. Còn chuyện về bác hổ trắng ở xóm bên mới xúc động làm sao! Các cháu có muốn nghe nữa không?

Lũ hổ con đồng thanh đáp: Có ạ!

Hổ bà tiếp tục kể:

_Ngày ấy bác hổ trán trắng ở xóm bên đi ăn cỗ, không may bị hóc xương, mà lại là xương bò, rất to. Chẳng biết làm thế nào, bác liền chạy xuống thung lũng để móc họng lấy chiếc xương ra. Đau quá bác ấy cào bới đất rồi nhảy lên nhảy xuống vật lộn đến khổ. Tưởng rằng bác ấy sẽ chết. May sao lại gặp loài người – một người đi kiếm củi thấy thế liền trèo lên ngọn cây kêu to: “Cổ họng ngươi đau phải không, đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho.” Bác hổ trắng nghe thấy dù đau nhưng rất mừng, vội nằm phục xuống mồm há to nhìn người kiếm củi như cầu cứu. Người kiếm củi trèo ngay xuống lấy tay thò vào cổ họng bác hổ lấy ra chiếc xương to như bắp chân của bà. Bác hổ liếm mép, nhìn người ra hiệu cám ơn, rồi bỏ đi. Mấy hôm sau, bác hổ trán trắng có bắt được con nai to và béo, bèn đến gõ cửa người đã cứu mình và biếu bác ấy con nai. Thế rồi hơn mười năm sau, người cứu mạng bác hổ qua đời, bác hổ biết tin đã đến khóc thương chia buồn. Từ đó trở đi cứ mỗi năm đến ngày giỗ người ấy bác hổ trán trắng lại đem đến con dê hoặc con lợn để thắp hương, nhớ ơn cứu mạng.
 

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
93
Đề bài: Em hãy kể một câu chuyện đề cao nhân nghĩa.

Yêu cầu

- Thể loại: Kể lại câu chuyện đã đọc đã nghe.
- Nội dung: Câu chuyện về một con hổ có nghĩa.
- Trọng tâm: Kể được rõ những việc làm thể hiện ân nghĩa của con hổ đối với người đã cứu giúp nó.

Dàn ý

Mở bài: Sách văn xuôi tự sự Việt Nam giới thiệu câu chuyện Con hổ có nghĩa.

Thân bài:

- Bà đỡ Trần người huyện Đông Triều được hổ cõng vào rừng sâu nhờ cứu con hổ cái sắp đẻ.
- Bà đỡ cho hổ cái uống thuốc và xoa bụng hổ. Hổ cái đẻ được.
- Hổ đực đào gốc cây lấy lên một cục bạc tặng bà.
- Nhờ cục bạc hổ tặng mà năm mất mùa, đòi kém, bà đỡ mới sống qua được.
- Một người kiếm củi ở huyện Lạng Giang đang bổ củi ở sườn núi thì thấy một con hổ đang đau đớn vì khúc xương mắc ngang họng.
- Bác tiều phu giúp hổ lấy được chiếc xương bò mắc ngang họng.
- Hổ nhớ ơn, bắt con nai đem đến bỏ trước nhà bác tiều phu.
- Hơn mười năm sau, bác tiều phu già và chết, hổ đến tiễn đưa và cứ ngày giỗ bác tiều phu lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều.

Kết bài:

Một truyện hư cấu, mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người.

BÀI VĂN

Bà đỡ Trần làm nghề đỡ đẻ, là người huyện Đông Triều. Một đêm nọ, bà nghe có tiếng gõ cửa nhưng khi mở cửa ra nhìn thì chẳng thấy ai. Một lát sau, một con hổ lao tới cõng bà đi. Hổ đưa bà tới rừng sâu và thả bà xuống trước một con hổ cái đang lăn lộn trên đất. Bà còn đang run sợ thì hổ đực cầm tay bà đưa về phía hổ cái. Bà nhìn kỹ cái bụng hổ cái và nhận ra hổ cái sắp đẻ. Sẵn có thuốc mang theo trong túi, bà hòa với nước cho hổ cái uống. Bà lại dùng tay xoa bụng cho hổ. Chỉ lát sau, hổ cái đẻ được. Hổ đực mừng lắm, đùa dỡn với con rồi quỳ xuống bên một gốc cây, dùng tay đào lên một cục bạc. Bà đỡ biết hổ tặng mình, cầm lấy. Hổ đực đứng dậy đi, quay nhìn bà, bà theo hổ ra khỏi rừng. Hổ tiễn bà ra khỏi rừng rồi mới quay lại. Bà đỡ Trần nhờ số bạc hổ cho mà sống qua được vụ mất mùa, đòi kém.

Một người kiếm củi ở huyện Lạng Giang đang bổ củi ở sườn núi thì thấy dưới thung lũng có con hổ trán trắng vật vã hết cúi đầu cào đất lại nhảy lên vật xuống, thỉnh thoảng lấy tay móc họng, mở miệng nhe răng, máu me, nhớt dãi trào ra. Thì ra có khúc xương mắc ngang họng. Bàn chân hổ to nên càng móc thì khúc xương càng vào sâu. Bác tiều phu uống rượu say nên mạnh dạn trèo lên cây kêu lên: "Cổ họng ngươi đau, phải không? Đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho". Hổ nghe ra, nằm phục xuống, há miệng nhìn bác tiều phu ra dáng cầu cứu. Bác tiều phu dùng tay thò vào cổ họng hổ, lấy ra một khúc xương bò, to như cánh tay. Hổ liếm mép, nhìn bác tiều phu rồi bỏ đi. Bác tiều phu nói to: "Nhà ta ở thôn dưới, hễ được miếng gì lạ thì nhớ nhau nhé!"

Một đêm nọ, nghe ngoài cửa có tiếng hổ gầm. Sáng ra, bác tiều phu thấy có con nai chết ở đó. Hơn mười năm sau, bác tiều già, chết. Và cũng từ đó, mỗi dịp ngày giỗ bác tiều, hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều.

Nhận xét

Truyện Con hổ có nghĩa thuộc loại truyện hư cấu, trong đó người ta dùng một biện pháp nghệ thuật quen thuộc là mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người nhằm đề cao ân nghĩa trong đạo làm người.

Cốt truyện thường đơn giản. Nhân vật thường được miêu tả chủ yếu qua ngôn ngữ trực tiếp của người kể chuyện, qua hành động và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.

Bài viết trên đã giữ được nét đặc sắc của truyện gốc: chỉ lược thuật lại câu chuyện, giữ nguyên nội dung và cách kể.

Theo Vũ Khắc Tuân*
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top