Kể chuyện về nhà văn đồng quê Kim Lân

Giao An Tieu Hoc

Chia sẻ tài liệu

Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1921, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (sau thuộc phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Ông mất ngày 20 tháng 7 năm 2007 tại Hà Nội, thọ 87 tuổi. Bút danh Kim Lân của ông gắn với nhân vật Đổng Kim Lân trong vở tuồng Sơn Hậu mà đôi bạn thân Nguyễn Đăng Bẩy và Nguyễn Văn Tài yêu thích. NSND, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bẩy lấy tên là Khương Linh Tá, còn Nguyễn Văn Tài lấy bút danh là Đổng Kim Lân. Bút danh đó đã đi cùng văn nghiệp của ông.

Nhà văn Kim Lân, một bậc thầy truyện ngắn về làng quê Việt Nam​


nha-van-Kim-Lan-300x200.jpg

Nhà văn Kim Lân​

So với nhiều bạn bè cùng trang lứa trong làng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện, Kim Lân chỉ được học hết bậc tiểu học rồi phải đi làm. Thấu hiểu hoàn cảnh và gia đình nghèo của mình, ông luôn biết phận mình, không dám đòi hỏi gì, chỉ cặm cụi học hành và sớm phải lo kiếm sống. Ông chăm chỉ đi phụ việc như sơn guốc, khắc tranh bình phong… giúp gia đình. Ngoài thời gian trên, Kim Lân tham gia tích cực hoạt động văn nghệ ở địa phương.

Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941, tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảyTrung Bắc chủ nhật. Năm 1942, Kim Lân trình làng truyện Đứa con người vợ lẽ trên tuần báo Trung Bắc Chủ nhật và từ đó hamgf loạt tác phẩm Đứa con người cô đầu, Người kép già, Nên vợ nên chồng, Con mã mái… xuất hiện đều đặn trên báo Tiểu thuyết thứ BảyTrung Bắc Chủ nhật, tạo được sự chú ý của độc giả.

Năm 1944, Kim Lân tham gia tổ chức Văn hóa Cứu quốc. Cách mạng và kháng chiến bùng nổ, ông làm phóng viên cho các báo của lực lượng vũ trang cách mạng như: Chi Lăng, Xông pha, Dân quân Việt Bắc. Từ năm 1948, ông làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Truyện ngắn Làng viết trong thời gian này. Sau hòa bình 1954, nhà văn công tác ở các cơ quan văn nghệ, tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên về truyện ngắn về làng quê Việt Nam – mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân, được in trong tập truyện Con chó xấu xí, có tiền thân từ tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Tác phẩm bị mất bản thảo khi đang viết dang dở. Sau hoà bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ và viết lại thành truyện Vợ nhặt. Sau nhiều năm “gác bút”, năm 1969, ông viết truyện Bà mẹ Cẩm. Ông từng là uỷ viên Ban phụ trách Nhà xuất bản Văn học, trải qua hiều vị trí công tác ở Trường bồi dưỡng những người viết trẻ, tuần báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Tác phẩm mới cho đến khi nghỉ hưu.

Kim Lân là nhà văn tài hoa của làng quê. Ông viết không nhiều, nhưng những tác phẩm đều để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Văn nghiệp Kim Lân không thể tính đếm, đong đo bằng lượng, mà phải cảm nhận bằng chất, bằng tinh hoa văn hóa Kinh Bắc được chưng cất, chắt lọc nên những tác phẩm có giá trị bền bỉ, độc đáo, đặc sắc trên hai phương diện văn học và nghệ thuật.

Kim Lân là người chỉn chu, ý tứ, tinh tế, trau chuốt kỹ lưỡng. Ông rất kỹ tính trong nghề văn, không cho phép sự cẩu thả với nghề. Một chữ viết ra ông đều trân trọng, nâng niu.

Tính tự truyện được thể hiện rất rõ trong những tác phẩm của Kim Lân. Đọc những trang viết của ông có thể cảm nhận chúng được chắt lọc ra từ cuộc đời, làng quê ông ngôi làng Chợ Giầu – Phù Lưu quê hương ông – một ngôi làng cổ truyền thống văn hiến lịch sử với những con người bé nhỏ, lam lũ, vất vả, khốn khó nhưng rất mực nhân hậu, yêu quê hương, chăm chỉ lao động. Nhân vật trong tác phẩm của ông có thể mang hình thức bên ngoài xấu xí, thô tháp, nhưng ẩn giấu trong đó là chất người, tình người thấm đượm. Nói về tác phẩm của ông, nhà văn Nguyễn Khải thán phục: “Về văn xuôi là nghề của tôi, trước sau tôi thần phục có ba người là ông Nguyễn Tuân, Nam Cao và Kim Lân. Sau này, viết lách được cái gì, thường cũng lấy văn của ba ông làm chuẩn”. Qua truyện ngắn LàngVợ nhặt, nhà văn Nguyễn Khải coi Kim Lân là: “Thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang sách bất hủ”…

Viết ít và gác bút sớm, nhưng lý do “nhà văn của làng quê” được nhớ đến, theo nhà phê bình Lê Thành Nghị, là do “sự lịch lãm của một ngòi bút yêu cái đẹp, yêu con người, luôn nhìn thấy ở con người khát vọng vươn tới, cho dù có rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào”. Trong cả hai giai đoạn sáng tác, tuy viết không nhiều nhưng giai đoạn nào Kim Lân cũng có những tác phẩm hay. Là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng. Như cách nói của Nguyên Hồng, Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” và “người”, với “thuần hậu nguyên thuỷ” của đời sống nông thôn.

Đào Nguyên Phương
 
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Kim Lân, như một cách tôn vinh nhân vật có đóng góp ý nghĩa vào nền văn hóa dân tộc. Tại lễ kỷ niệm, nhiều ý kiến của giới chuyên môn đã tái khẳng định giá trị sáng tạo của nhà văn Kim Lân trong các truyện ngắn phản ánh đời sống nông thôn.

Nhà văn Kim Lân có một gương mặt rất biểu cảm.

Nhà văn Kim Lân có một gương mặt rất biểu cảm.

Giáo sư Phong Lê nhận định: nhà văn Kim Lân chỉ viết những gì mình thuộc, không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường, một phận người tử tế. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên cớ khiến Kim Lân kiên trì chủ trương viết ít. Điều này cũng là thiệt thòi cho ông và cả nền văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ 20.

Tương tự, Tiến sĩ Trần Đăng Suyền đánh giá: Thành công của Kim Lân, ngoài ý thức nghiêm túc về lao động nghệ thuật, chủ yếu là do năng khiếu bẩm sinh, và một vốn sống tự nhiên của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng.

Nhà văn Kim Lân chỉ có 27 truyện ngắn trong cả đời cầm bút.

Nhà văn Kim Lân chỉ có 27 truyện ngắn trong cả đời cầm bút.


Nhà văn Kim Lân từng thổ lộ rất chân thành: “Tôi ở trong gia đình bị khinh rẻ, ngoài xã hội cũng coi thường vì tôi là con vợ ba, một người ngụ cư. Chính vì muốn đòi cho mình sự công bằng với bè bạn, với làng xóm tôi chọn cách viết. Đây là cách để chứng tỏ mình không thua gì anh em, không thua gì ai. Các anh con nhà giàu, làm việc này việc kia, được học hành đến nơi đến chốn, còn tôi thì tôi viết”

Nhà văn Kim Lân chỉ để lại cho đời vỏn vẹn 27 truyện ngắn, nhưng có những truyện ngắn xuất sắc như “Làng”, “Vợ nhặt”, “Nên vợ nên chồng”, “Con chó xấu xí”… Từ sau năm 1962, nhà văn Kim Lân ngừng viết hẳn. Tuy nhiên, công chúng lại bất ngờ khi thấy ông xuất hiện trên màn ảnh với tư cách một diễn viên.

Cụ thể, nhà văn Kim Lân đã đóng các vai: Lý Cựu trong bộ phim “Chị Dậu”, Pụ Pạng trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ”, Lão Hạc trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Nhà văn Kim Lân qua nét vẽ của con gái - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Nhà văn Kim Lân qua nét vẽ của con gái - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Khuôn mặt khắc khổ của nhà văn Kim Lân không chỉ tạo ấn tượng điện ảnh, mà còn đầy biểu cảm qua các tranh vẽ của con gái ông - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Cha tôi chính là người thầy đầu tiên đưa tôi vào con đường nghệ thuật. Ông đã đưa tôi đến học các bác Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Sỹ Ngọc… Ông là người đã chỉ cho tôi biết con đường nghệ thuật vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng cũng tràn đầy niềm đam mê tự hào trong sáng tạo và lao động nghệ thuật - con đường dũng cảm để đi tìm chính mình, để cống hiến cái riêng của mình trong cái chung”.

Nguồn: nongnghiep.vn
 

Cuộc trò chuyện với nhà văn Kim Lân tại nhà riêng của ông ở xóm Hạ Hồi, Hà Nội cách đây chưa lâu thế mà giờ đây, ông đã ra đi...​


Nhà văn Kim Lân và truyện ngắn cuối cùng

Ft8SWodw.jpg
Nhà văn Kim Lân

Cu Tràng cũng là tôi, con chó xấu xí cũng là tôi…

* Đọc những tác phẩm của ông, người ta nhận thấy đó đều là những cái ông rút ruột ra mà viết?

- Tôi xuất phát từ anh nông dân nghèo, nên khi viết về chính những người đó thì mình lại dốc mình ra mà viết. Ví dụ như Lão Hai (trong truyện Lão Hai - pv) là tôi, anh cu Tràng trong Vợ nhặt cũng là tôi và thậm chí con chó xấu xí (trong truyện Con chó xấu xí - pv) cũng là tôi…

Nhìn lại một số tác phẩm của mình, nhiều truyện tôi viết về tôi: Một con chó cũng là tôi, thằng Tràng lấy vợ nhặt, tưởng như là không phải tôi, vì tôi có cưới đàng hoàng và cũng không bao giờ nhặt được ai cả. Nhưng nó cũng là tôi, vì khi viết truyện ngắn đó tôi cũng vừa mới lấy vợ (có cưới xin hẳn hoi, không phải nhặt), nhưng lấy vợ được ít ngày thì gặp đói.

Trong gia đình tôi cũng chỉ có ba người: tôi, vợ tôi và bà mẹ. Thì cái cảnh của tôi khi đó cũng không khác gì là cảnh mới nhặt được vợ trong truyện. Hai nữa là chính những ngày đói kém đó, vợ tôi cũng đi buôn cám, đã thế bà mẹ tôi tên là bà Tam, thì trong truyện tôi gọi là bà Tứ.

Thực ra khi viết tôi cũng không nghĩ rằng lấy mình ra để viết, mà chỉ nghĩ trong đầu là viết về cái đói nhưng con người vẫn yêu đời, tin ở con người dù cái đói bao vây xung quanh, vẫn tin yêu, đùm bọc nhau và vẫn tràn đầy khát vọng sống. Nhưng sau khi viết xong, nghĩ lại thì hóa ra lại là viết mình.

* Thế còn truyện ngắn Con chó xấu xí?

- Tôi viết Con chó xấu xí là viết sau khi xảy ra chuyện “nhân văn giai phẩm”. Tuy tôi không bị liệt vào nhóm Nhân văn giai phẩm nhưng lúc bấy giờ người ta xướng ra việc đấu tranh với “nhân văn giai phẩm” thì có 5 người không tham gia việc “đánh” Nhân văn giai phẩm, gồm có: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng.

Chúng tôi không tham gia hội họp, không viết bài “đánh”… vì chúng tôi cho rằng đó đều là anh em mình cả. Chúng tôi chỉ muốn, nếu thực sự họ sai thì phải thuyết phục họ, vì tất cả đều mới ở trong kháng chiến mà ra cả (Hoàng Cầm, Trần Dần, Hoàng Tích Linh, Lê Đạt...). Nhưng chính vì không tham gia, nên người ta cũng ghét chúng tôi.

* Và chínhCon chó xấu xílà ông viết để tự bạch tâm trạng của mình với mọi người lúc bấy giờ?

- Đúng thế ! Tôi chỉ muốn nói rằng, tuy tôi có là con chó xấu xí nhưng vẫn trung thành với chủ. Nguyễn Công Hoan đọc xong bảo “thằng này ngu bỏ mẹ, tự nhận mình là con chó!”. Ông Văn Cao thì nhận xét “gớm cậu viết võ kín quá!” làm tôi sợ.

Thực ra mình chỉ muốn làm kẻ đội đơn quỳ dưới công đường nói rằng “tôi bị oan”. Còn Nguyễn Minh Châu khi nói chuyện với các nhà văn trẻ, lấy chuyện đó ra mà rằng “viết văn thì phải có văn, giống như Kim Lân viết Con chó xấu xí. Sau này ông ấy chết chỉ cần mang nó ra mà đọc điếu văn”.

* Nhưng ông đâu có bị “đánh” mà kêu oan?

- Cũng bị đánh chứ, vì khi đó tôi có viết một truyện ngắn Ông lão hàng xóm, ngày ấy cũng là chuyện nói về sai lầm trong cải cách ruộng đất. Lúc bấy giờ in ra, nhiều người thích vì cho rằng viết thế là dữ dội. Cộng với mình lại thêm tội “không chịu viết bài để đánh nhân văn giai phẩm” thế là người ta cũng không ưa chúng tôi luôn…

* Những người bạn viết với ông như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân… thường có sức viết rất khỏe và không nghỉ ngơi. Thậm chí Tô Hoài nay vẫn còn viết mạnh. Còn ông có một thời gian dài không thấy ông viết gì, vì sao vậy?

- Tôi nói thật, nghề các anh ấy giỏi hơn tôi. Còn tôi, về sức viết và nghề viết là yếu. Vì mình là người vừa ít học lại đọc cũng ít. Nên chủ yếu tôi viết những cái gì nó thuộc về tôi là tốt.

Nói thật, tôi không viết hay được về những nhân vật tích cực, hăng hái. Cái đó mọi người viết tốt hơn tôi. Nên các truyện của tôi đều viết về những người nghèo, bị thiệt thòi trong đời sống… Nếu phải viết trái với ý mình là tôi không viết được.

* Thế trong thời gian dài không viết ấy, ông làm gì?

- Tôi làm nhiều chứ! Không một tờ báo, nhà xuất bản nào của Hội (Nhà văn) mà tôi không làm. Rồi tham gia giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng viết văn. Tôi với anh Nguyên Hồng làm việc này rất hợp nhau. Cũng có thời gian khá dài tôi làm ở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Tôi chủ yếu làm biên tập ở Nhà xuất bản (Hội Nhà văn). Khi làm công tác bồi dưỡng ở trường viết văn của Hội với anh Nguyên Hồng. Tôi và anh Hồng coi các anh, chị đến học tập đều là những người bạn thân thiết của mình.

Khi nhà văn làm diễn viên điện ảnh

* Ngoài tác phẩm văn chương, công chúng còn biết đến nhà văn Kim Lân như là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng nhất trong số những nhà văn từng tham gia đóng phim. Lý do đến với điện ảnh của ông?

- Thú thực, tôi là diễn viên kịch thực thụ của Ban kịch Hà Nội. Vì tôi với Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Trần Hoạt là cùng quê với nhau. Và chúng tôi được anh Chu Ngọc bảo ra đóng kịch, thì đi đóng.


bvD27GUb.jpg
Nhà văn Kim Lân và NSND Nguyễn Đăng Bảy (anh vợ) tại vườn nhà ngày 19-2-2006 - Ảnh: N.Đ.Toán

Kịch Kiều Loan là tôi có tham gia diễn. Nên khi tôi đóng phim cũng đóng được. Nên khi đạo diễn Phạm Văn Khoa mời đóng vai lão Hạc thì tôi nhận lời, vì tôi và lão Hạc có những cái rất gần nhau: Nghèo nhưng không hèn. Tôi rất thích cái tính cách ấy.

Tôi tham gia đóng nhiều phim, nhưng vai mà tôi tâm đắc nhất vẫn là lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy. Vì tính cách của mình rất gần với tính cách lão Hạc, rồi cái hình thức bên ngoài cũng vậy, ăn nói thì thều thào, thảm hại…

* Khi vào vai lão Hạc, ông có gặp khó khăn nào khi mà phải đóng với một “chú Vàng”?

Hồi đó đạo diễn Phạm Văn Khoa mua cho tôi một con chó xồm, màu vàng, đưa về cho tôi nuôi trong vòng 2 tháng. Nhưng vì là con chó già, nên việc thuần phục nó rất khó, mãi tôi mới cho nó ăn và dắt nó đi chơi được.

Nhưng đến lúc ra trường quay, đèn chiếu sáng loáng, người xem lại đông, nên nó sợ, đả thương mấy người. Quay được một ngày thì bị anh đạo cụ bực mình quá đập chết. Vì thế ở trong phim nếu người tinh mắt xem thì là hai con chó diễn chứ không phải một.

Đang lúc gay go tìm chó thay thế, anh đạo cụ đi lang thang tìm khắp nơi, tình cờ vào một lò gạch hút thuốc lào nói chuyện thì tay chủ lò gạch khoe “úi, tôi có con chó tuyệt lắm”. Con chó có tên là Gấu. Thời điểm máy bay Mỹ ném bom ra Bắc, nó từng được chủ giao cho đi chăn 30 con bò. Con này to lắm, nó cao bằng nửa người tôi.

Thoạt nhìn sợ lắm (không giống với con chó trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao, gầy gò và bé - NV). Tay chủ lò gạch dắt chó đến giao cho tôi và nói “Gấu, ông này là át chủ bài của mày nhá”. Tôi cầm, dắt nó đi một vòng. Rồi mua kẹo lạc cho nó ăn…

Trong phim có chuyện lão Hạc bán con Vàng, sau khi tôi cho nó ăn, mới đưa thòng lọng vào cổ nó. Thực tình khi đó tôi rất sợ nó cắn, nên mới đứng dậy quay mặt đi. Nhưng khi lên phim thì người xem lại nghĩ lão Hạc vì thương con Vàng mà không nỡ nhìn nó khi người ta dắt nó đi… (cười). Từ đấy người ta cứ gặp tôi là lại gọi “Lão Hạc, kìa lão Hạc kìa…!”.

* Nay có còn ai gọi ông là Lão Hạc nữa không?

- Có lần tôi vào Buôn Ma Thuột, đi qua chợ thấy người dân đứng lên chỉ trỏ, gọi “Lão Hạc!”. Khi ấy tôi lại đi cùng với diễn viên Bùi Cường (người đóng Chí Phèo), thế là úi giời, người ta đi theo cả đoàn…
Tôi với Bùi Cường phải lẻn vào một quán cà phê ngồi mới thoát. Cho đến bây giờ cũng thế, hàng ngày tôi vẫn đi bộ quanh hồ Thiền Quang, dân tình gặp vẫn gọi mình là lão Hạc, nhưng cũng có người biết tôi là Kim Lân.

Chuyện những người con...

* Cả viết văn và đóng phim, ông đều có những thành công, nhưng phần lớn các con ông lại làm họa sỹ?

- Trong nghệ thuật, có một số nghề như chèo, tuồng thì người ta thường truyền cho con cháu, nhưng viết văn thì rất khó truyền. Nên tôi có 7 đứa con thì 5 đứa là họa sỹ.

Vì thực ra, khi còn ít tuổi tôi rất thích vẽ. Tôi lại may mắn được giới thiệu đi làm sơn mài cho họa sỹ Nguyễn Gia Trí. Nên, đầu tiên là tôi ao ước được làm họa sỹ, nhưng nếu làm họa sỹ phải ra Hà Nội học, và ít nhất cũng phải có bằng tốt nghiệp tiểu học, mà tôi thì lại thi trượt tốt nghiệp tiểu học. Bởi thế không đủ sức mà theo nghề họa.

Chính vì thế tôi luôn nghĩ là phải cho con Hiền (chị cả), thằng Chương (họa sỹ Thành Chương - con trai trưởng) đi học làm họa sỹ.

* Chính ông đã định hướng để họa sỹ Thành Chương đi theo con đường hội họa?

- Đúng thế! Tôi định hướng ghê gớm lắm. Khi nó thi vào trường Mỹ thuật thì vốn kiến thức ban đầu về hội họa là tôi dạy cho nó đấy chứ. Rồi khi nó học ở trường Mỹ thuật rồi tôi vẫn thường xuyên dắt nó đến nhà các họa sỹ: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyễn Tiến Chung…
Nó cứ vẽ được cái gì thì tôi lại đưa đến những họa sỹ này nhờ họ góp ý cho. Kể cả con Hiền (họa sỹ Nguyễn Thị Hiền-một trong những nữ họa sỹ được nhiều người biết đến).

* Nay trong giới họa sỹ, Thành Chương là họa sỹ khá nổi tiếng được nhiều người biết đến và tranh bán cũng chạy. Còn ông, nhìn vào sự nghiệp hội họa của con mình ông có hài lòng không?

Tôi nghĩ nhiều người ở cái tuổi như tôi (năm nay ông vừa tròn 87 tuổi) con cái hư cũng có, nhưng con tôi dù cũng có những ảnh hưởng của xã hội, song chúng đều là những người tốt. Có chút sự nghiệp hội họa tốt.

Tôi có 7 đứa con thì có tới 5 đứa đi theo con đường hội họa: Con gái cả Nguyễn Thị Hiền vẽ giản dị nhưng rất có chiều sâu; thằng Chương vẽ cũng tốt…

* Ông có hay sang Phủ Thành Chương?

- Cũng ít lắm. Mới được vài lần. Ví dụ khi nào có quay phim, hay khi đón những vị khách quan trọng, như hồi có Hoàng hậu Thụy Điển… Phủ to quá, mình cũng thấy ngợp.

Vả lại bây giờ tuổi đã cao, đi xa quá tôi cũng thấy ngại. Với lại tính tôi không đi ngủ ở đâu được, ngoài cái Xóm Hạ Hồi này. Bây giờ già rồi, chẳng muốn đi đâu nữa.

Nguồn: bao Tuoi Tre
 
“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Trong văn chương “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, điều đó hoàn toàn đúng với nhà văn Kim Lân. Nhà văn này đã từng nói, viết được thì viết, không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm. Đó là một quan niệm vô cùng nghiêm túc của ông đối với nghề viết.

Đối tượng, hay có thể gọi là đề tài để nhà văn Kim Lân dành cả đời mình để khám phá sáng tạo đó là cuộc sống của những người thôn quê nghèo khổ với nếp sống thanh bạch và nhân nghĩa như là tinh chất được tích tụ và truyền lại từ nghìn đời. Nhà văn Kim Lân là bậc thầy về sự am hiểu tinh tường và gốc rễ về cuộc sống của những người nông dân. Trong văn của Kim Lân, cái đặc sắc nhất, xúc động nhất là hồn cốt của tình người chứ không phải là những kịch tính hay xung đột dữ dằn. Vì vậy, nhà văn Kim Lân được các đồng nghiệp kính trọng và nể phục ở tính chuyên nghiệp rất cao với sự thuần thục về cấu trúc và ngôn ngữ truyện ngắn.

“Nhà văn Kim Lân đã cống hiến trọn đời cho nền văn học mới, nêu một tấm gương cao đẹp về lòng yêu mến, gắn bó mật thiết với cách mạng và kháng chiến, kiên định, vững vàng về bản lĩnh nhà văn để lại cho hậu thế những tác phẩm đặc sắc, có sức sống lâu dài, làm giàu thêm văn chương Việt, tâm hồn Việt”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Đánh giá về các tác phẩm của nhà văn Kim Lân, GS Phong Lê khẳng định: Nhà văn Kim Lân chỉ viết những gì mình thuộc, không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên cớ khiến Kim Lân kiên trì chủ trương viết ít. Điều này cũng là thiệt thòi cho ông và cả nền văn học Việt Nam nửa thế sau thế kỷ XX.

Đồng quan điểm với nhà thơ Hữu Thỉnh và GS Phong Lê, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị cho rằng: Nhà văn Kim Lân viết không nhiều và chuyên về một thể loại, lại “gác bút” sớm nhưng dấu ấn của ông để lại trong lòng độc giả thì rất sâu đậm. Chỉ với 3 thiên truyện: Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí…câu chữ của Kim Lân “gan lỳ” thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc. Kim Lân có 27 truyện (trong đó có 14 truyện viết và in trước Cách mạng Tháng Tám, 13 truyện viết và in sau Cách mạng Tháng Tám). Như vậy, đối với một đời viết cũng chưa phải đã nhiều, nếu không muốn nói là ít, rất ít. Tuy nhiên, tác phẩm của ông để lại dấu ấn đặc biệt với độc giả, đó chính là sự lịch lãm của một ngòi bút yêu cái đẹp, yêu con người, luôn nhìn thấy ở con người khát vọng vươn tới, cho dù có rơi vào hành cảnh khó khăn như thế nào.
Văn của Kim Lân mang hồn cốt của tình người

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, trong văn của Kim Lân, cái đặc sắc nhất, xúc động nhất là hồn cốt của tình người chứ không phải là những kịch tính hay xung đột dữ dằn. Vì vậy, Kim Lân được các đồng nghiệp kính trọng và nể phục ở tính chuyên nghiệp rất cao, với sự thuần thục bậc thầy về cấu trúc và ngôn ngữ truyện ngắn.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng: Tôi không học ông ở thủ pháp viết văn bởi vì mỗi thế hệ có một thủ pháp khác nhau nhưng tôi học được ở nhà văn Kim Lân tinh thần lao động để mài “viên ngọc sáng” trong mỗi một con người, biết yêu văn chương. Trong tâm hồn nhà văn này luôn cháy bỏng tình yêu văn học cộng với tình yêu đất nước, tình yêu xứ sở và sống hết lòng vì nghiệp viết.

Nói về truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, nhà phê bình văn học Trần Đăng Suyền cho rằng: Theo lời Kim Lân, khi viết “Vơ nhặt”, ông không muốn dìm người đọc trong cái buồn, khổ, đói. Khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta khổ cực và chỉ muốn chết. Kim Lân muốn viết một truyện ngắn nhưng với ý nghĩa khác là khi đói, người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng và hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống và sống cho ra người. Ý đồ nghệ thuật ấy đã khiến ngòi bút Kim Lân miêu tả diễn biến tâm trạng chuyển biến theo chiều hướng tích cực. “Vợ nhặt” không chỉ miêu tả chân thực, tinh tế tình cảnh của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kỳ diệu của họ. Trong cảnh cùng đường, đói khát nhưng người nông dân vẫn cưu mang, đùm bọc lẫn nhau, vẫn không bao giờ mất hết niềm tin và hướng về sự sống, về tương lai, với khát khao về một mái ấm gia đình hạnh phúc. Nhà văn Kim Lân đã tạo dựng cho mình một tượng đài nghệ thuật, đi vào lịch sử văn học Việt Nam hiện đại như một cây bút truyện ngắn tài năng.

Nhà văn Kim Lân không chỉ để lại ấn tượng với độc giả bằng trang viết ấn tượng mà với ngoại hình và gương mặt khắc khổ cùng diễn xuất chân thực, nhà văn Kim Lân đem đến nhiều xúc động cho khán giả trước số phận nghiệt ngã của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến thông qua nhân vật Lão Hạc.

Với những cống hiến cho nền văn học nước nhà, nhà văn Kim Lân vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 1) năm 2001. Ông đã đi xa hơn 10 năm nhưng hình ảnh gần gũi, hiền từ và những tác phẩm khắc họa hình ảnh người nông dân bình dị mà cao quý vẫn mãi mang đậm trong tâm trí độc giả nước nhà.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
Bao QĐND
 
Chất liệu sống từ bản thân, gia đình và quê hương

Từ khoảng năm 1940, ông có truyện ngắn đầu tiên Đứa con người vợ lẽ đăng ở tờ Trung Bắc Chủ nhật. Từ đó, truyện của Kim Lân đăng khá đều trên tuần báo này cùng với tờ Tiểu thuyết thứ bảy, đề tài chủ yếu là chuyện về thú chơi tiêu khiển gà chọi, chó săn, chim bồ câu..., những sinh hoạt văn hóa truyền thống ở thôn quê. Ngoài bối cảnh là ngôi làng Chợ Giàu quê hương, thì nhân vật trong những truyện ngắn đầu tiên ông viết đều nói về bản thân mình, gia đình mình. “Truyện Làng tôi viết về làng Chợ Giàu, nhưng chẳng có ai là Lão Hai cả. Lão Hai chính là tôi. Viết đi viết lại hình như cuối cùng câu chuyện cũng là mình. Khỉ thế! Từ tình cảm đến lời ăn tiếng nói, tính nết, cách xử sự việc đời của nhân vật, đều chính là mình”, nhà văn thổ lộ.

Ngay cả truyện ngắn đầu tiên Đứa con người vợ lẽ, nhà văn Kim Lân cũng phản ánh chính nỗi cơ cực tủi hờn của mẹ con mình. Khi truyện in báo, ông anh Cả (con bà Cả) đọc được cứ mãi theo chất vấn hạch sách Kim Lân. Nhà văn nhớ lại: “Mẹ tôi là vợ ba của bố tôi, lại là dân ngụ cư quê gốc ở Kiến An, Hải Phòng làm thợ cấy phiêu bạt khắp nơi. Cho nên mẹ bị gia đình chồng hết sức coi thường. Mẹ phải hầu hạ như một vú em trong nhà. Không ai xem mẹ là vợ của bố cả! Những người con hai bà lớn của bố tôi đều gọi mẹ tôi là “chị Tam”. Hồi nhỏ, tôi cứ đinh ninh Tam là tên thật của mẹ, chứ không hề biết do mẹ tôi là bà Ba. Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi mới biết mẹ tên là Náng (ông ngoại tôi tên Nếnh), còn dì tôi tên Mủng. Dì Mủng cũng chính là nhân vật dì Hân trong truyện Người chú dượng của tôi.

Nếnh, Náng, Mủng - chỉ cái tên thôi cũng thấy cái thân phận thấp hèn, trôi nổi của dân ngụ cư lúc đó”.
Có thể nói việc khắc họa thành công hình tượng người phụ nữ với những tính cách, số phận điển hình trong những hoàn cảnh điển hình chính là yếu tố quan trọng giúp nhà văn Kim Lân dựng nên những truyện ngắn đặc sắc. Điều thú vị là trong số những hình tượng phụ nữ được ông xây dựng thành công với nguyên mẫu chủ yếu là người thân của mình. Trong truyện ngắn tiêu biểu nhất của Kim Lân là Vợ nhặt thì nhân vật bà cụ Tứ chính là hình ảnh của mẹ ông. Còn người vợ trong truyện cũng có nguyên mẫu chủ yếu là vợ ông, nhưng giống hoàn cảnh thôi, còn vợ ông ngoài đời được cưới xin đàng hoàng chứ không phải... vợ nhặt!

Nhà văn Kim Lân cho biết, thời trẻ ông là con nhà nghèo ở trong một cái làng giàu, người lại gầy gò xấu xí, nên dù mê nhiều cô gái nhưng ông không dám tỏ bày. Say mê người đẹp, nhưng vì mặc cảm ông thường lánh họ, càng mê càng lánh, càng ít dám trò chuyện, thậm chí không dám nhìn vào mắt họ. Kim Lân hay đến chơi nhà người bạn thân là Nguyễn Văn Bảy, một người cũng có máu văn nghệ ở làng Chợ Giàu, sau này trở thành người tham gia sáng lập xưởng phim truyện Việt Nam đầu tiên, được phong Nghệ sĩ nhân dân. Bấy giờ, ông Nguyễn Văn Bảy có người em gái ruột khá xinh xắn, Kim Lân thấy thích nhưng không dám nói. May mà, theo lời ông: “Bà ấy chắc cũng thích tôi nên chuyên môn dúi cho tôi... mận! Sau anh Bảy biết, anh ấy “ghép” cho, thế là chúng tôi nên vợ nên chồng. Nhưng cũng phải mất gần bốn năm tôi mới cưới được bà. Bà ấy giúp tôi rất nhiều. Bà ấy cũng con nhà nghèo, nghèo lắm, nên dễ thông cảm. Tôi đi kháng chiến, viết văn, còn chuyện gia đình thì phó thác cho bà. Bà làm đủ thứ nghề, từ buôn bán hàng rong với từng quả mận quả cau quả bí quả bầu tới may vá, mở hàng bán nước kiếm từng đồng từng cắt để nuôi chồng nuôi con. Chúng tôi được bảy đứa con, mà hết năm là họa sĩ. Tôi nghiệm thấy vợ các nhà văn đều tốt, lại “nghiện” chồng lắm. Điển hình như bà Nguyên Hồng, bà Nguyễn Tuân, nhất là bà Tuân”.

Sáng tạo trên cái nền hiện thực đời sống

Đối với nhà văn Kim Lân, cách mạng không chỉ mang lại sự thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình, mà còn giúp đổi thay sự nghiệp cầm bút của ông. Khi tham gia hoạt động văn hóa cứu quốc, ông được gặp và trao đổi nghề nghiệp với các nhà văn Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài,... Từ đó, cách viết của nhà văn Kim Lân bắt đầu đổi khác, như lời ông nói: trình độ một anh nhà quê viết theo bản năng, cảm tính mới dần dần thấy được công việc thực sự của người viết văn chuyên nghiệp. Và bài học mà ông rút ra: “Theo kinh nghiệm của tôi, những chuyện thật mà tôi ghi lại được thì đều nhạt nhẽo và khô cứng. Nhưng sự thật cũng có giá trị của sự thật, rất giá trị, rất cần thiết nữa. Tất cả những truyện Vợ nhặt, Ông lão hàng xóm, Con chó xấu xí đều dựa trên cái nền là sự thật. Còn những truyện khác, kể cả Làng, hầu hết là tôi bịa. Bịa cả nhân vật lẫn tình tiết. Bởi không có sự thật nào như thế cả. Nhưng cái bịa ấy là cái điều mà chính tác giả muốn nói. Và chính tác giả muốn nói nên mới sinh ra cái bịa. Gọi là bịa chứ kỳ thực chính là sáng tạo”.

Cái bịa hay sáng tạo trong tác phẩm văn học đôi khi lại trở nên thực, thậm chí rất thực hơn đời thường. Đó cũng chính là một điểm mấu chốt thể hiện tài năng của nhà văn. Hiện thực chỉ là chất liệu thô, qua lăng kính nhà văn thì hiện thực được thăng hoa. Như nhà văn Kim Lân lý giải: “Vì sao phải bịa? Người viết muốn nói một việc gì, một ý nghĩ gì thì chuyện đời thường hằng ngày tự thân đã có tiếng nói riêng của nó, còn tiếng nói của chính tâm linh người viết chỉ có bịa mới ra được. Nhưng như vậy không có nghĩa là nó tách rời hoàn cảnh xã hội, tách rời đời sống, mà hình như nó thực hơn. Chính vì vậy mà tôi cũng thường nói bịa lại thực hơn. Vì nó thực với chính mình trước tiên. Và kỳ lạ khi mình bịa ấy, mình viết say mê hơn nhiều. Không biết khi mình say sưa bịa ấy có phải là những giây phút thăng hoa nhất của người viết không?”.

Một điều nữa mà nhà văn Kim Lân trăn trở khi trò chuyện với chúng tôi, đó là trong mấy mươi năm nhiều cây bút thường viết chạy theo thời sự, nói về chính sách hay một cuộc chiến đấu nhằm cổ vũ cho chính sách hay cuộc chiến đấu đó. Nếu so với hàng ngàn năm lịch sử dân tộc trước đây chỉ có một số ít bài thơ yêu nước và thể hiện tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu,... thì trong khoảng nửa sau thế kỷ XX, văn học Việt Nam xuất hiện cả một bề dày tác phẩm đồ sộ viết về đề tài này. Ông nói: “Theo tôi, kháng chiến và mọi chính sách chỉ nên quan niệm là cái nền của con người đang sống. Con người vẫn là quan trọng. Ngòi bút của tôi hướng về cái đời thường, diễn ra hằng ngày, về quan hệ vợ chồng, con cái. Qua đó, tôi cũng có thể thấy được chính sách hay cuộc chiến đấu nó có tác động vào đời sống như thế nào”.

Từ quan niệm như trên, nhà văn Kim Lân tỏ ra không thích kiểu dùng lý lẽ trong những trang viết mang tính thời sự, một căn bệnh mà một số nhà văn từng mắc phải. Theo ông: “Dùng lý lẽ để thuyết phục trong văn chương cũng là một thứ cưỡng chế. Những lý lẽ ma giáo ấy nhiều khi nó làm cho người ta không giữ được chính mình. Nói một cách khác, hết sức mềm mại thì người cầm bút phải viết như chơi, viết thoải mái bằng tấm lòng của mình, hướng vào cái thật, cái đẹp, giúp cho con người sống thật, sống đẹp với nhau. Và khi nhà văn gặp cái gì trái với cái thật, cái đẹp thì phải biết bất bình, phải dám lên tiếng nữa”.

Ngẫm cười tai nạn văn chương

Vào năm 1958, nhà văn Kim Lân viết truyện ngắn Ông lão hàng xóm để nói về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Vốn là người trong cuộc, hiểu được những khuất tất, sai trái đằng sau vấn đề này mà ông đã quyết tâm thể hiện bằng văn học. Nhà văn cho hay: “Tôi viết về cái sự thật ấy nhưng khác mọi người. Người ta viết như hằn học, thù ghét cái sai lầm, còn tôi thì thể hiện sự đau lòng! Vì cái sai ấy là cái sai của Đảng mình. Tôi viết với tinh thần sửa sai chứ không hằn thù. Lúc tôi mới cho ra mắt Ông lão hàng xóm, dĩ nhiên có không ít cái nhìn giận ghét, coi mình như là một người không vững vàng, thậm chí như một kẻ bôi đen chế độ”.

Ngoài truyện ngắn Ông lão hàng xóm của nhà văn Kim Lân, thì hai nhà văn khác lúc bấy giờ là Nguyễn Huy Tưởng và Đoàn Giỏi cũng có tác phẩm bị “đánh” tơi bời. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết Một ngày chủ nhật, tái hiện hình ảnh đi dạo hồ Gươm một ngày chủ nhật thấy nó luộm thuộm rác rưởi do con người thiếu ý thức. Còn nhà văn Đoàn Giỏi viết truyện Thao thức thể hiện tình cảm của một người miền Nam trằn trọc nghĩ ngợi về quê hương đang bị chia cắt. Điều thực tế mà bây giờ nhìn vào tưởng bình thường nhưng bấy giờ lại không bình thường và bị giới phê bình văn học phê phán nặng nề. Nhà văn Kim Lân cười vui nhớ lại: “Cả ba đều bị đập tới số trong vụ Nhân văn giai phẩm. Vì thế tôi mới viết một vế đối, thách ai đối được thì tài: Một ngày chủ nhật, ông lão hàng xóm, thao thức. Tưởng, Kim Lân, Giỏi. Như vậy đủ biết chúng tôi sợ những nhà phê bình như thế nào”.

Nhân dịp nói đến giới phê bình văn học, nhà văn Kim Lân còn nhìn nhận: “Các nhà phê bình gần đây đỡ hơn các nhà phê bình thời bao cấp. Nhưng đỡ thôi, chứ thật tình mà nói, tôi thấy không phải chính các nhà phê bình, mà là các nhà văn thưởng thức được cái hay cái đẹp của văn chương một cách sâu sắc. Như anh Nguyễn Tuân chẳng hạn. Những bài anh Tuân viết về Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng làm cho người ta thấy được cái hay cái đẹp của con người và tác phẩm của nhà văn đó nhiều hơn các nhà phê bình. Nhà phê bình ngày xưa quá thiên về quan điểm giai cấp, tư tưởng, lập trường phục vụ chính sách khô cứng. Nhà phê bình bây giờ hơn trước, là dám nói thẳng, nói theo lòng mình…”. Rồi ông ra vẻ trầm tư: “Tôi nghĩ các nhà phê bình trước hết phải là người sành thưởng thức. Thưởng thức cái hay cái đẹp, cũng như không bằng lòng cái xấu cái dở. Nhà phê bình không hẳn chỉ là nhà lý luận. Nhà phê bình cũng phải có cái bản lĩnh thưởng thức rất riêng của mình thì bài phê bình viết ra mới có ý vị. Các nhà phê bình thời trước cứ đè người ta ra mà chửi, nâng người ta lên mà khen. Nghe ngóng ý kiến của người khác mà khen hay chê. Ví dụ truyện Con chó xấu xí của tôi nhé, chẳng qua tôi nói một cách thảm hại: tôi xấu xí xoàng xĩnh nhưng tôi trung thành, trung nghĩa. Chả thế mà có anh đã bảo: “Cái thằng này dại bỏ mẹ, tự ví mình là con chó xấu xí”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nhà văn Kim Lân luôn nhắc tới thế hệ nhà văn tinh hoa như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân... mà theo ông là những người từng viết hay trong cơ chế thị trường. Tác giả Vợ nhặt bảo rằng: “Nếu như bản thân các ông ấy không vượt qua cái cơ chế thị trường, thì còn là cái gì? Cơ chế thị trường không hề làm hỏng nhà văn. Vấn đề là anh có tài hay không. Các ông ấy viết văn là để bán nuôi mình, nuôi gia đình đấy chứ! Nhưng vẫn rất hay. Mà càng hay thì càng bán được. Vì độc giả họ chấp nhận, họ bỏ tiền mua. Tất nhiên, cũng phải loại trừ những thứ văn chương... “mì ăn liền” mà độc giả chóng ngán chóng quên. Còn bây giờ, xóa bỏ bao cấp chuyển qua cơ chế thị trường, mọi sự cứ như rối xòe ra. Hơi một tí là đổ tại cơ chế thị trường. Nhiều anh bán cái linh hồn mình cho tiền quá. Không được, cơ chế nào thì cơ chế, nhà văn cũng phải có thiên chức, có nhận thức về vai trò chính mình”.

PHAN HOÀNG
Bao Da Nang
 
Những trang văn của Kim Lân có chiều sâu và được chọn để ra đề trong các kỳ thi. Và tất nhiên, khám phá về nhà văn Kim Lân sẽ khiến chúng ta nâng tầm bản thân rất nhiều.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top