Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Immanuel Kant từ triết học phê phán đến nghiên cứu con người
Mặc dù ở giai đoạn tiền phê phán (trước 1770), I. Kant đã xuất hiện như một học giả lỗi lạc trong các lĩnh vực thiên văn học, địa chất học, vật lý học, v.v..., song về triết học, mà trong đó có nhân học triết học, thì phải tới giai đoạn sau - giai đoạn thường được gọi là phê phán, I. Kant mới xuất hiện như là một nhân vật "khổng lồ". Với ba tác phẩm có tựa đề "phê phán"... ("Phê phán lý tính thuần tuý" - 1781, "Phê phán lý tính thực tiễn" - 1788, và "phê phán năng lực phán đoán" - 1790), triết học I. Kant - một kiểu triết học có tư duy độc đáo trong văn hoá Tây Âu, đã trở thành điểm khởi đầu của một dòng triết học ảnh hưởng to lớn đến lịch sử văn hoá nhân loại - triết học cổ điển Đức.
Và, I. Kant là thuỷ tổ của dòng triết học này.
Khi nghiên cứu kho tàng tư tưởng đồ sộ của I. Kant, người ta đã nhận thấy, gần như ở tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi mà ông đã từng quan tâm, I. Kant đều để lại những di sản quý giá mà đến nay hậu thế vẫn tiếp tục khai thác. Chẳng những thế, cũng gần như ở tất cả các lĩnh vực vực đó, I. Kant đều có những phát kiến tầm cỡ mở đường cho sự phát triển tiếp theo của khoa học. Trong lĩnh vực triết học, đó là triết học phê phán với học thuyết về vật tự nó, về các hình thức tiên thiên của nhận thức, về tính khách quan của tri thức…
Trong lĩnh vực đạo đức học, đó là học thuyết về đạo đức học tiên nghiệm với hệ thống các phạm trù đạo đức tiên nghiệm. Trong lĩnh vực tâm lý học, đó là học thuyết về cái tôi đang tư duy, về sự thống nhất siêu nghiệm của tri giác… Trong lĩnh vực thiên văn học, đó là giả thuyết Kant-Laplace về nguồn gốc vũ trụ, một giả thuyết rất gần với quan niệm về vụ nổ Bigbang sau này, v.v… Điều thú vị là, logic trong sáng tạo của I. Kant ở tất cả các lĩnh vực đó đều bắt nguồn từ việc phê phán cách tiếp cận giáo điều đương thời, chỉ ra sự mâu thuẫn giữa cái duy lý và cái kinh nghiệm trong nhận thức truyền thống; từ đó, I. Kant triển khai quan niệm của mình về triết học phê phán, về nhận thức tiên nghiệm. Cuối cùng, mọi bàn luận đều được lý giải theo quỹ đạo của vấn đề con người và nhận thức con người. Con người với tất cả những khía cạnh phong phú của nó, từ tồn tại sinh học đến ý chí tự do, từ lý tính thuần túy đến lý tính thực tiễn, từ logic tiên thiên đến đạo đức tiên nghiệm, từ cá nhân hữu hạn đến tộc loại siêu cá nhân… - tất cả đều được mổ xẻ ở mức độ rất sâu và thấm đượm tinh thần nhân đạo. (Dĩ nhiên, theo cách của I. Kant). Với I. Kant, con người, đặc biệt con người nhân loại đã chiếm một khối lượng đáng kể trong các luận bàn của ông. "ý niệm nhân loại", theo I. Kant, cái đã bị đánh mất ở nhiều người, phải một lần nữa trở nên thiêng liêng đối với con người - "Tuyên bố vừa kỳ lạ vừa chói tai" này không phải được phát đi từ thế kỷ XX, mà từ Immanuel Kant . Nhưng có lẽ đó vẫn chưa phải là điều thú vị nhất. Khi nghiên cứu I. Kant, với chúng tôi, điều thú vị nhất là vai trò của I. Kant đối với ngành nhân học (anthropology).
Thời gian gần đây, khi nhân học được chú ý như một khoa học hiện đại (và có phần thời thượng nữa) về con người, các nhà nghiên cứu nhân học mới giật mình nhận ra rằng, mặc dù vẫn coi M. Scheler là ông tổ của nhân học, song từ rất sớm trước M. Scheler, chính I. Kant chứ không phải ai khác, là người đầu tiên đã đề xuất và "bảo vệ một cách quyết liệt nhất" việc phân chia nhân học thành một khoa học độc lập . I. Kant coi nhân học là một ngành có đối tượng riêng, có phương thức nghiên cứu riêng, phương thức vượt ra khỏi khuôn khổ của các phương thức nhận thức đã biết. Cũng chính là từ triết học phê phán, khi phân loại các vấn đề nhận thức cơ bản mà con người buộc phải giải đáp, I. Kant đã đi đến khẳng định vị trí của nhân học, ngành khoa học phải trả lời câu hỏi muôn thuở - con người là gì. Và, không biết lúc đó I. Kant có hình dung nhân học lại phát triển một cách mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của con người đến như hiện nay hay không.
1. Sự ra đời của triết học phê phán
Thực ra, không phải chỉ vì các tác phẩm cơ bản của I. Kant ở giai đoạn thứ hai trong cuộc đời sáng tạo của ông có tựa đề là "phê phán" mà giai đoạn này được gọi là giai đoạn phê phán. (Đây là điểm chưa thật chính xác mà một số tài liệu viết về I. Kantơ hiện vẫn còn lý giải như thế). Vấn đề là ở chỗ, triết học I. Kant mang tinh thần phê phán hết sức rõ rệt. I. Kant đã phê phán một cách trực diện và không thương tiếc toàn bộ "linh hồn" của triết học tiền bối, bao gồm cả triết học kinh nghiệm luận của J. Loke, G. Berkeley, D. Hume và cả triết học duy lý của R. Descartes, B. Spinoza, G. Leibniz. Sự phê phán của ông được dựa vào một hệ thống tư tưởng riêng biệt và hết sức độc đáo. Hơn thế nữa, sự phê phán đó cũng phải coi là thật sự có hiệu quả, nếu so với những phê phán đã từng tồn tại trong lịch sử triết học.
Như đã biết, trước I. Kant, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm thống trị trong triết học. I. Kant nhìn thấy rất rõ những điểm hợp lý trong các triết học đó, song ông còn thấy rõ hơn tính chất giáo điều của triết học duy lý và tính chất hoài nghi thiếu cơ sở trong triết học theo kinh nghiệm luận. Những hạn chế này, theo I. Kant, đã trở thành căn bệnh "trầm kha" trong lĩnh vực tư tưởng ở thời đại của ông, làm cho triết học lúc đó rơi vào tình trạng phiến diện và què quặt. Trước thực trạng ấy, I. Kant đặt cho mình nhiệm vụ phân tích có phê phán năng lực nhận thức của con người, giải phóng khỏi nhận thức luận cách tiếp cận đang thống trị lúc đó, mà theo I. Kant là cách tiếp cận giáo điều. Với chủ trương xây dựng một triết học mới thông qua con đường phê phán bằng vũ khí mới của sự phê phán, ở triết học I. Kant đã nảy sinh một cách tiếp cận riêng mà ít lâu sau người ta gọi là cách tiếp cận phê phán. Cũng chính vì thế mà triết học I. Kant còn được gọi là triết học phê phán (Critical philosophy). Đây chính là một nét độc đáo của triết học I. Kant; bởi lẽ, triết học nào cũng ít nhiều sử dụng vũ khí phê phán, nhưng phê phán được nâng thành một phương thức xây dựng tư tưởng, được hệ thống hóa thành một cách tiếp cận riêng thì chỉ có ở I. Kant.
Nguyên tắc cơ bản của cách tiếp cận phê phán và cũng là của toàn bộ triết học phê phán đã được I. Kant nêu trong phần mở đầu xuất bản lần thứ hai tác phẩm "Phê phán lý tính thuần tuý" (The Critique of Pure Reason). I. Kant viết: "Cho đến nay, người ta thường cho rằng hiểu biết của ta cần phải phù hợp với đối tượng. Tuy nhiên, mọi cố gắng thông qua khái niệm để hiểu biết một cái gì đó tiên thiên về đối tượng đều đã kết thúc một cách không thành công. Bởi vì, tri thức của chúng ta về đối tượng đã không được mở rộng. Do đó, cần phải giải thích: phải chăng chúng ta sẽ không giải quyết được một cách tốt hơn nhiệm vụ của siêu hình học, nếu như ta xuất phát từ giả định rằng, đối tượng cần phải phù hợp với nhận thức của ta. Mà điều này lại đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi về khả năng hiểu biết một cách tiên thiên về đối tượng - tri thức cần phải xác lập về đối tượng một cái gì đó sớm hơn là nó đem lại cho ta" .
Rõ ràng, tính chất duy tâm của nguyên tắc mà I. Kant nêu ra là điều không phải bàn cãi. Chẳng những cách đặt vấn đề của I. Kant là duy tâm, mà hơn thế nữa, I. Kant còn cố tình duy tâm tới mức cực đoan để diễn đạt một điều nan giải có thật trong nhận thức: cô lập quá trình nhận thức ở bất cứ điểm nào của nó, chúng ta cũng đều có thể rơi vào sai lầm; và (theo I. Kant) không có quá trình nhận thức nào bắt đầu từ con số không. Bởi vậy, để nhận thức được đối tượng, phải giả định rằng "đối tượng cần phải phù hợp với nhận thức" chứ không phải ngược lại. Bằng cách đó, tri thức buộc phải "xác lập về đối tượng một cái gì đó" (hình ảnh giả định về đối tượng) trước khi đối tượng được phản ánh trong nhận thức ("sớm hơn là nó đem lại cho ta"). Nói thế mới thấy được rằng, lối nhận thức có trước kinh nghiệm (a priori) này quả là có hạt nhân hợp lý của nó.
Cái lộ ra ở đây là cách đặt vấn đề của I. Kant là hết sức độc đáo. Bởi lẽ, như đã biết, vào thời của I. Kant, hai khuynh hướng cơ bản của triết học Châu Âu (chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm) mâu thuẫn gay gắt với nhau và thể hiện ra ở chính mâu thuẫn giữa cái duy lý và cái kinh nghiệm. I. Kant muốn khám phá thực chất của mâu thuẫn này để chỉ ra nguyên nhân sâu xa của tình trạng phiến diện và giáo điều của triết học đương đại. Trong triết học I. Kant, sự đối lập giữa cái duy lý và cái kinh nghiệm là đối tượng được ông chú tâm giải quyết trong mọi vấn đề, từ nhận thức vũ trụ đến nhận thức con người, từ logic học đến đạo đức học, từ khái niệm tiên thiên đến khái niệm nảy sinh sau kinh nghiệm (a posteriori).
Điều vĩ đại ở I. Kant là ông đã hoàn toàn vượt lên trên và không bị lôi cuốn vào cách giải quyết mâu thuẫn nói trên theo lối tranh cãi kinh viện hoặc thuần túy kinh nghiệm như các nhà triết học đương thời. I. Kant đã bằng chính tư duy phê phán để lập cho mình một hệ thống tư tưởng riêng, với cách hiểu rất dị thường và đúng là có một không hai về các phạm trù: Với I. Kant, không gian, thời gian, nhân quả, các phạm trù logic, các phạm trù đạo đức… hóa ra đều là những "hình thức" có sẵn trong nhận thức, con người sử dụng chúng để làm ra kinh nghiệm chứ không phải chúng được tạo ra từ kinh nghiệm. Vật tự nó (Thing in Itself) là một sáng tạo kiệt xuất của nhận thức loài người thông qua một bộ óc uyên bác cụ thể là Immanuel Kant .
Như chúng ta đã biết, trong triết học Trung cổ và triết học Phục hưng, tâm điểm của hầu hết các luận thuyết triết học là học thuyết về tồn tại. Người ta chú ý đặc biệt đến khía cạnh bản thể luận trong nghiên cứu triết học. Chỉ bắt đầu từ thời kỳ Cận đại, các nhà triết học duy vật Anh, Pháp,... mà tiêu biểu là F. Bacon, R. Descartes, G. Berkeley, D. Hume... mới chuyển trọng tâm của triết học vào những vấn đề nhận thức luận. Tuy vậy, trong số các vấn đề quan trọng của lý luận nhận thức, vấn đề về mối tương quan, sự tác động qua lại giữa chủ thể và khách thể nhận thức vẫn chưa được chú ý nhiều trong triết học trước I. Kant. Lúc đó, người ta hướng sự phân tích và khám phá vào khách thể của nhận thức.
ở triết học Cận đại thời kỳ trước I. Kant, tính chủ quan trong nhận thức thường được xem như cái ngăn trở, hoặc lực kìm hãm ... đối với khả năng nhận thức của con người trên con đường kiếm tìm chân lý. Người ta cho rằng chính cái chủ quan đã xuyên tạc và làm mờ đi trạng thái hiện thực của thế giới vật thể xung quanh con người (chẳng hạn, nếu ta nhớ lại quan niệm về các Idole trong triết học F. Bacon). I. Kant, cố nhiên cũng tôn trọng những đặc thù của khách thể nhận thức và thấy rõ tác động tiêu cực của tính chủ quan đối với sự nghiên cứu. Nhưng theo I. Kant, đặc thù khách quan của khách thể nhận thức, không chỉ có khả năng quy định cách thức nhận thức mà đồng thời, nó còn có thể kiểm tra năng lực nhận thức của con người. I. Kant không thoả mãn với những quan niệm đã có về tính quy định của khách thể nhận thức. Ông tự đặt ra cho mình nhiệm vụ phải phân biệt các thành phần khách quan với các thành phần chủ quan trong cấu trúc của tri thức ở chính chủ thể theo các trình độ khác nhau của nhận thức. Xuất phát từ đó, một lần nữa I. Kant đã giải thích lại khái niệm chủ thể nhằm tìm ra cách hiểu sâu sắc hơn và cũng độc đáo hơn về nó.
I. Kant đề xuất sự khác nhau giữa hai trình độ của sự nhận thức ở ngay bản thân chủ thể nhận thức: trình độ kinh nghiệm và trình độ siêu nghiệm (transcendent). ở trình độ kinh nghiệm, I. Kant xem xét những đặc thù trong tâm sinh lý cá nhân của con người và sự tác động của chúng đến nhận thức, đến kết quả nhận thức. ở trình độ siêu nghiệm, I. Kant cho rằng nhận thức của con người đã vượt qua sự quy định của những đặc thù cá nhân để hướng tới một bản nguyên siêu cá nhân (transperson - trên cá nhân) nào đó. Với trình độ này, chủ thể nhận thức hiện ra là đại biểu và đại diện cho loài của mình - con người với tính cách là đại biểu của loài. Như vậy, ngay ở mỗi cá nhân, quá trình nhận thức cũng bị quy định và luôn tự phát hướng tới cái siêu nghiệm. Đặc điểm này không phụ thuộc vào đặc điểm tâm sinh lý riêng biệt của từng cá nhân, mặc dù nó thể hiện ở từng cá nhân; đặc điểm này mang tính khách quan và là biểu hiện của tính tộc loại của con người.
Bằng cách đó, lần đầu tiên trong lịch sử triết học, I. Kant đã đặt ra vấn đề về tính khách quan ở chủ thể nhận thức.
Trong tác phẩm "Phê phán lý tính thuần tuý", một trong những nội dung cơ bản của triết học lý luận được I. Kant nêu ra là: tri thức khoa học chân chính có khả năng đến đâu? Hay, nói theo cách nói của ông là "các mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm xuất hiện như thế nào?" . Với cách đặt vấn đề này, I. Kant muốn tìm xem tư duy khoa học duy lý có những hạn chế của nó hay không? Và để trả lời, I. Kant cụ thể hoá vấn đề này thành ba nội dung riêng biệt: Khả năng của toán học? Khả năng của vật lý học (khoa học tự nhiên)? và, khả năng của siêu hình học (triết học)?
Với ba lĩnh vực tri thức này, I. Kant đã nêu ra ba định hướng quan niệm khác nhau về khả năng của chúng. Ông trình bày quan niệm của mình về tính đặc thù trong khả năng phản ánh, trong cách thức thể hiện thế giới của các khoa học này. I. Kant tin tưởng sâu sắc vào tính chất khoa học của toán học và các khoa học tự nhiên. Ông tìm cách giải thích tính khoa học của các khoa học đó trong sự chi phối và quy định của tư duy kinh nghiệm và của nhận thức ở trình độ kinh nghiệm. Nhưng với siêu hình học, tức là với triết học thì I. Kant đặt câu hỏi liệu siêu hình học nói chung có khả năng tồn tại như là một khoa học hay không? Và, điều thú vị là ông đã trả lời phủ định đối với câu hỏi này. I. Kant viết: "Siêu hình học từ trước tới giờ luôn ở trong tình trạng bấp bênh không đáng tin cậy và mâu thuẫn chỉ bởi một nguyên do là nhiệm vụ (xác định khả năng của tri thức khoa học - HSQ), và thậm chí cả việc tìm ra sự khác biệt giữa các suy lý phân tích và tổng hợp cũng vẫn chưa được ai bàn đến. Sự bền vững hay bấp bênh của siêu hình học là tuỳ thuộc vào sự giải quyết nhiệm vụ này hay ở việc chứng minh rằng trên thực tế, nói chung không thể nào làm rõ được nhiệm vụ trên".
Về tính xác thực của tri thức khoa học, I. Kant cho rằng, xác thực nghĩa là có thể tin cậy được và đó chỉ có thể là tri thức khách quan, tức là mang tính khách quan. Tính khách quan, theo I. Kant, đồng nhất với tính phổ quát và tính tất yếu. Do vậy, tri thức nếu muốn đạt tới sự xác thực thì nó cần phải đạt tới trình độ tất yếu và phổ quát, có giá trị chung mang tính phổ biến (I. Kant đồng nhất cái khách quan với cái có giá trị chung mang tính phổ biến).
Tính khách quan của tri thức, theo I. Kant, được quy định bởi cấu trúc của chủ thể siêu nghiệm, bởi những thuộc tính và phẩm chất siêu cá nhân của chủ thể nhận thức. I. Kant lý giải, mỗi chủ thể đang nhận thức, trong bản tính của mình, luôn vốn có một trình độ nhất định của nhận thức thiên bẩm (tiền kinh nghiệm) thể hiện trong các hình thức thiên bẩm của nhận thức. Các hình thức nhận thức thiên bẩm này chính là trình độ đầu tiên của quá trình nhận thức tiếp cận đến hiện thực (I. Kant đã phân tích rất kỹ về điều này thông qua các khái niệm không gian, thời gian, v.v... - mà ông coi là những hình thức chủ quan, tiền kinh nghiệm của nhận thức cảm tính. I. Kant phân biệt, không gian là hình thức bên ngoài, còn thời gian là hình thức bên trong của kinh nghiệm cảm tính. Các biểu tượng không gian, theo ông, là cơ sở của các tri thức hình học, thời gian - của các tri thức số học và đại số.
Vấn đề là ở chỗ, những tiền đề làm nên tính xác thực của tri thức, theo I. Kant, được tạo ra bởi những hình thức tiền kinh nghiệm của nhận thức cảm tính. Đó là trình độ thứ nhất của nhận thức. Trong quá trình nhận thức, việc hiện thực hoá những tiền đề đó lại được thực hiện nhờ khả năng nhận thức ở trình độ thứ hai - trình độ nhận thức lý tính. ở trình độ này, lý trí - đó chính là tư duy với hệ thống các khái niệm và các phạm trù của mình - đã thực hiện các phán đoán để xây dựng đối tượng nhận thức. Đối tượng không phải là nguồn gốc của tri thức về nó dưới dạng các khái niệm, phạm trù. Mà ngược lại, chính các hình thức của lý trí, tức là các khái niệm và các phạm trù đã tạo nên, đã kiến tạo nên đối tượng của nhận thức. Theo lập luận của I. Kant thì đó chính là cơ sở khiến cho chúng ta có thể đồng ý hay phản đối ý kiến của người khác về đối tượng của sự nhận thức. Hơn thế nữa, đó còn là lý do giải thích tại sao con người lại chỉ có thể hiểu được những gì do nó sáng tạo ra, tức là hiểu được những gì nằm trong phạm vi bao quát của hệ thống phạm trù tiên nghiệm vốn có ở con người. Vượt ra khỏi giới hạn đó, hiện thực thuộc về "thế giới vật tự nó". Với I. Kant, khái niệm và phạm trù sở dĩ mang tính phổ quát và tất yếu, trước hết là vì chúng không phụ thuộc vào ý thức cá nhân (được hình thành bởi kinh nghiệm). Chúng chính là những hình thức siêu nghiệm của nhận thức. Tri thức, vì vậy, theo I. Kant, luôn luôn là cơ sở (là chỗ dựa) cho chính nó. Nó có sẵn dưới dạng các tri thức siêu nghiệm, nó được làm giàu thêm, được phát triển thêm cũng nhờ chính bản thân các tri thức kinh nghiệm và siêu nghiệm. Toàn bộ quá trình đó nằm ngoài và không phụ thuộc vào ý thức cá nhân, cá thể. Theo nghĩa ấy, I. Kant cho rằng tri thức có tính khách quan.
Trong quan niệm của I. Kant, lý tính điều chỉnh tri giác của con người trong suốt quá trình nhận thức, dẫn dắt tri giác vào khuôn khổ của các hình thức tất yếu và phổ quát của nhận thức. Bằng cách đó, lý tính quy định tính khách quan của tri thức. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, cái gì đã tạo ra khả năng đó của lý tính? Tại sao lý tính lại có thể đưa tri giác vào các hình thức tiên nghiệm như vậy? Và, cuối cùng thì cái gì đã gắn kết các phạm trù và các khái niệm vào một chỉnh thể trong hiện thực? I. Kant đã trả lời các câu hỏi này theo quan điểm hết sức nhất quán của riêng mình: tất cả những thao tác đó là do đặc thù của chủ thể quy định. Theo I. Kant, cơ sở sâu xa tạo nên sự thống nhất trong nhận thức luận, mà nếu thiếu sự thống nhất đó thì lý tính không thể thực hiện được chức năng của nó - đó là hành vi tự nhận thức của chủ thể: cái tôi đang tư duy. I. Kant gọi hành vi này là sự thống nhất siêu nghiệm của tri giác hay, sự kết hợp của các tri giác nằm ở ngoài giới hạn của kinh nghiệm.
Như vậy, lý tính, theo I. Kant, cũng là khả năng của chủ thể nhưng ở trình độ rất cao. Khả năng này quy định và điều khiển mọi hoạt động tư duy của con người, thậm chí còn đặt ra mục đích nhận thức cho con người. Còn tư tưởng, trong quan niệm của I. Kant, đó là bản chất siêu cảm giác của sự tồn tại hiện thực của lý tính. Trong nhận thức, dạng sơ đẳng của tư tưởng được hiện hình bằng những quan niệm về mục đích, về nhiệm vụ mà nhận thức của ta tự đặt cho nó và hướng tới nó. Thông qua tư tưởng, lý tính thực hiện chức năng điều chỉnh đối với hoạt động nhận thức và đánh thức chủ thể vượt ra ngoài giới hạn của kinh nghiệm, vươn tới tri thức tuyệt đối.
Điều cần suy nghĩ ở đây là, có lẽ trong tâm tưởng sâu xa của mình, I. Kant hoàn toàn không hề đánh giá thấp khả năng nhận thức của con người, mặc dù ông cho rằng các khái niệm và các phạm trù, tức là những hình thức của tư duy không có khả năng làm cho chủ thể vượt ra ngoài giới hạn của kinh nghiệm. Về hình thức thì quan niệm này dường như hạ thấp sức mạnh của tư duy con người, nhưng về thực chất thì quan niệm này lại cho phép nhìn thẳng vào những nan giải to lớn của nhận thức và làm lộ ra mâu thuẫn vốn có thuộc về bản chất của tư duy: trong tư duy, mọi quá trình, mọi vận động… bên ngoài đều được phản ánh dưới dạng các hình thức logic đứng im, chết cứng. Dĩ nhiên, I. Kant là một đại biểu lỗi lạc của chủ nghĩa bất khả tri, nhưng bất khả tri của I. Kant, theo chúng tôi, là bất khả tri ở điểm tận cùng của nhận thức, là bất khả tri của những tham vọng nhận thức và cải tạo không có điểm dừng, không có giới hạn đối với thế giới (những người theo thuyết anthropocentrism ở châu Âu, từ thời cổ đại đến tận ngày nay, vẫn chủ trương coi con người là trung tâm, không thừa nhận giới hạn của sự nhận thức và cải tạo thế giới ). Có thể coi đây cũng là một antinomie thú vị, nếu tính đến những thành tựu vĩ đại trong nhận thức mà chính I. Kant đã đạt được trong cuộc đời khoa học của mình. Một người được xếp vào hàng ít ỏi những cây đại thụ của thuyết bất khả tri, nhà triết học sáng tạo ra khái niệm "vật tự nó" làm cho thuyết bất khả tri bị đẩy đến tận cùng của sự cực đoan, nhưng lại có những phát kiến tầm cỡ "dẫn đường cho nhân loại" cả trong triết học, trong khoa học tự nhiên và trong khoa học về con người.
Bởi thế, những quan niệm của I. Kant về ảo ảnh và về mâu thuẫn mà lý trí mắc phải, về một phương diện nhất định, phải được hiểu là cách thể hiện độc đáo những ước mơ, khao khát của ông hướng tới trình độ sâu sắc hơn nữa của nhận thức con người. Theo chúng tôi, rõ ràng I. Kant quá nhạy cảm và ý thức quá rõ về những giới hạn có thật đối với tư duy và nhận thức. Tuy nhiên, dù chân thành bao nhiêu với việc vạch ra giới hạn nhận thức của con người I. Kant cũng đã từng bị đánh giá là chơi trò "mập mờ nước đôi" (chữ dùng của Albrecht Rau, 1882): dung hoà, thoả hiệp trong nhận thức. Sự phê phán gay gắt (những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) đối với I. Kant từ cả hai phía tả và hữu (duy vật và duy tâm) rõ ràng chẳng phải là chuyện khó hiểu. Hoá ra là, càng muốn vượt lên trên cả hai đường lối triết học bao nhiêu, I. Kant lại càng nhận được kết quả trái với mong muốn của mình bấy nhiêu.
2. Nhân học với khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của sự tư biện
Về lĩnh vực nhận thức con người, khi nghiên cứu triết học I. Kant, người ta cũng có thể thấy rất rõ thái độ trân trọng của ông đối với con người và lý trí con người. Chỉ có điều, là một nhà triết học độc đáo nên việc đề cao con người ở I. Kant cũng rất khác biệt so với các nhà tư tưởng khác. Theo I. Kant, "thế giới vật tự nó" là thế giới dành cho cảm giác.
Do vậy, thế giới đó đóng kín đối với lý tính và đối với khoa học. Tuy thế, theo cách giải thích của I. Kant, đối với "thế giới vật tự nó", con người không phải là tuyệt nhiên không thể vươn tới được. Bởi lẽ, con người, trong quan niệm của I. Kant, luôn sống trong cả hai thế giới - thế giới mà cảm giác có thể đạt tới và thế giới mà trí tuệ có thể đạt tới (còn gọi là thế giới khả giác và thế giới khả niệm).
Thế giới mà cảm giác có thể đạt tới, theo I. Kant, đó là giới tự nhiên. Còn thế giới mà trí tuệ đạt tới - đó là thế giới của tự do. Tự do trong quan niệm của I. Kant là một trạng thái mà ở đó, con người hoàn toàn không bị lệ thuộc vào những nguyên nhân tiền định nào đó vốn có trong thế giới có thể cảm giác được. Tự do là khả năng tiên nghiệm đặc biệt cho phép giác tính con người hoạt động độc lập với các quy luật tất yếu của tự nhiên trong lĩnh vực hiện tượng luận, nó tồn tại một cách tương đối trong lĩnh vực hiện tượng luận. Trong biên giới của tự do, hành động và hành vi của con người không bị chi phối bởi lý tính lý luận mà bị chi phối bởi tính thực tiễn. Lý tính được gọi là thực tiễn, theo I. Kant, là lý tính mà ý nghĩa chủ yếu của nó là điều chỉnh hành vi con người. Động lực của lý tính thực tiễn không phải là tư duy, mà là ý chí của con người. I. Kant gọi ý chí của con người là vương quốc của sự tự trị. ở đây, ý chí của con người được quy định không phải bởi các nguyên nhân bên ngoài, tức là những nguyên nhân thuộc về tính tất yếu của giới tự nhiên hoặc những nguyên nhân thuộc về Thượng đế. Theo I. Kant, ý chí của con người được quy định bởi những quy luật, luật lệ vốn có của riêng nó. Đó là những quy luật, luật lệ mà ý chí tự đặt ra cho bản thân mình.
Như đã nói ở trên, chính I. Kant chứ không phải ai khác, là người đầu tiên đã đề xuất và "bảo vệ một cách quyết liệt nhất" việc phân chia nhân học thành một khoa học độc lập. Trong so sánh với các lĩnh vực tri thức đã được xác lập, I. Kant coi nhân học, mà trước hết là nhân học triết học (philosophical anthropology) là một ngành có đối tượng riêng của mình, có phương thức nghiên cứu riêng của mình. Theo P.S. Gurevich, “nhà nghiên cứu sâu sắc hơn cả trong tư tưởng Nga hiện đại về vấn đề con người” , thì "I. Kant là người đầu tiên của nền triết học châu Âu khẳng định rằng, con người là một thực thể độc nhất vô nhị có khả năng suy tư một cách riêng biệt và độc đáo. Con người - là khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của sự tư biện triết học. Để khám phá bí ẩn của con người, cần phải có những công cụ không tầm thường và độc lập. Trong ý nghĩa đó, nhân học triết học đối lập với khu vực tri thức triết học truyền thống - bản thể luận (học thuyết về tồn tại), logic học, lý luận nhận thức, lịch sử triết học, đạo đức học, thầm mỹ học, triết học tự nhiên, triết học xã hội, triết học lịch sử”.
Tư tưởng đề cao tính đặc thù của con người, coi con người là một thực thể bí ẩn, độc nhất vô nhị, vượt ra ngoài khả năng khám phá của các công cụ nhận thức truyền thống, kể cả bản thể luận và nhận thức luận, kể cả logic học, đạo đức học và thẩm mỹ học, kể cả triết học tự nhiên, triết học xã hội và triết học lịch sử… là một tư tưởng rất độc đáo, trước I. Kant chưa từng được phát biểu một cách tường minh trong kho tàng tri thức nhân loại (Diogiene và Socrate tuy dường như cũng có nói đến sự bí ẩn của đời sống con người, song các ông hướng tới khám phá sự bí ẩn đó bằng các công cụ duy lý của tư duy trừu tượng). Với I. Kant, tính bí ẩn và độc nhất vô nhị của sự tồn tại người được khẳng định là vượt ra ngoài khuôn khổ của nhận thức duy lý; bởi vậy, nhận thức con người là nhằm luận giải những hiện tượng cá nhân đầy bản sắc, những hành vi và hoạt động phức tạp của con người trong các thiết chế xã hội đã từng tồn tại trong lịch sử. Tư tưởng này về sau được S. Kierkegaard, F. Dostoievski, M. Heidegger, H. Rickert, M. Scheler, J. Sartre cùng một số nhà triết học hiện sinh khác khai thác và phát triển thêm làm lộ ra rõ hơn tính hợp lý của nó. Với sự ứng dụng ngày càng sâu hơn của thông diễn học (heurmernetics), tư tưởng này càng được thể hiện và được chứng minh là một hướng đi rất chủ yếu trong nhận thức con người với tất cả tính phức tạp của đối tượng này - con người, một thực thể vừa sinh học vừa xã hội, vừa cá nhân vừa tộc loại, vừa vật chất trần tục vừa tinh thần thiêng liêng…
Vấn đề là ở chỗ, với I. Kant, nhận thức con người cũng có nghĩa là nhận thức thế giới; chỉ có thông qua con người, các vấn đề của nhận thức thế giới mới được giải quyết. I. Kant viết: "Mục tiêu của tất cả những thành tựu văn hoá mà con người học được là ứng dụng những tri thức và những kinh nghiệm đã thu nhận được vào thế giới. Nhưng đối tượng quan trọng nhất trong thế giới mà những tri thức này có thể ứng dụng được - đó là con người, chừng nào con người còn là mục đích tự thân cuối cùng" . Khi xác định nhiệm vụ cho triết học, I. Kant tự đặt cho riêng mình 4 câu hỏi mà về sau người ta hiểu đó là 4 nội dung cơ bản của toàn bộ nhận thức con người:
1. Tôi có thể biết gì?
2. Tôi có thể làm gì?
3. Tôi có thể hy vọng gì?
4. Con người là gì?
Theo I. Kant, nhiệm vụ trả lời câu hỏi thứ nhất thuộc về nhận thức luận. Câu hỏi thứ hai dành cho đạo đức học. Câu hỏi thứ ba dành cho tôn giáo và thần học, đòi hỏi tôn giáo phải cắt nghĩa những hy vọng thực tế và phi thực tế của con người. Và cuối cùng, nhiệm vụ trả lời câu hỏi thứ tư thuộc về nhân học - nhân học, mà ngay trong cách đặt vấn đề của I. Kant cũng đã được phân biệt rạch ròi với nhận thức luận, với đạo đức học và với tôn giáo. Rõ ràng, đây là một kiểu phân loại hết sức độc đáo mà trước đó, khoa học, tôn giáo và triết học thường có thái độ loại trừ nhau, không thừa nhận tiếng nói và vị thế của nhau trong đời sống tinh thần con người. Cách phân loại của I. Kant đặt lại vấn đề về ý nghĩa của sự tồn tại người trong chính nhận thức. Hơn thế nữa, I. Kant còn chỉ rõ thực chất của sự nhận thức thế giới nói chung đối với con người, hoá ra lại chính là, nhận thức con người; I. Kant viết: "Về thực chất, toàn bộ điều đó (4 câu hỏi và sứ mệnh trả lời 4 câu hỏi ấy) có thể quy giản về nhân học. Bởi vì, ba vấn đề đầu tiên thuộc về vấn đề cuối cùng".
Kể từ I. Kant, nhân học triết học nói riêng và đặc biệt, các ngành nhân học thực nghiệm khác đã có những bước tiến rất dài trong nhận thức về con người và đời sống con người. Ngày nay, nhắc đến nhân học người ta rất ít nói về I. Kant, nhưng quả thực công lao của ông đối với ngành khoa học này thì khó có thể phủ nhận.
Nói tóm lại, với tất cả những gì vừa trình bày ở trên, chúng tôi muốn nói rằng, triết học I. Kant hoàn toàn có thể được coi là điển hình cho triết học của những nét đặc thù và độc đáo. Cố nhiên, nói triết học I. Kant là độc đáo thì cũng cần phải nói thêm là, khi đã ở tầm một nhà triết học của nhân loại, hầu như nhà triết học nào cũng đều có những nét đặc thù và độc đáo trong hệ thống triết thuyết của riêng mình. Tuy vậy, trong lịch sử triết học, khó có nhà triết học nào lại độc đáo và đặc thù đến như I. Kant.
Tính độc đáo của triết học I. Kant, trước hết được thể hiện ở hệ thống tư tưởng của ông. Tuy thế, ngoài hệ thống tư tưởng với các học thuyết về "vật tự nó", về hệ thống các phạm trù logic, hệ thống các phạm trù đạo đức học, về vai trò và vị trí của nhân học, và về bản thân các phạm trù mà chính I. Kant đã xây dựng nên, v.v... triết học I. Kant còn độc đáo ngay cả ở cách đặt vấn đề, cách thức trình bày, và thậm chí cả ở tên gọi các tác phẩm của ông... Sự độc đáo của triết học I. Kant trên thực tế đã từng khiến cho việc xếp loại, đánh giá những tư tưởng của ông trở nên đặc biệt khó khăn.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến một đánh giá mới nhất về I. Kant - đánh giá của Stephen W. Hawking, nhà vật lý học nổi tiếng đương đại. S. Hawking cho rằng I. Kant là người đứng ở đỉnh cao nhất trong số các nhà triết học vĩ đại của nhân loại - những người coi "toàn bộ kiến thức của loài người trong đó có khoa học tự nhiên là thuộc lĩnh vực của họ". S. Hawking phàn nàn: "thế kỷ XIX và XX, khoa học trở nên quá kỹ thuật và quá toán học đối với các nhà triết học nói riêng và nói chung là đối với nhiều người trừ một số ít chuyên gia rất sâu". Điều đó đã làm cho các nhà triết học giới hạn các câu hỏi của mình lại đến mức triết học chỉ còn là "phân tích ngôn ngữ". Và, S. Hawking nhận xét: "thật là một thoái trào lớn khỏi truyền thống lớn lao của triết học từ Aristote đến I. Kant".
Chúng tôi không hoàn toàn tán thành nhận xét của S. Hawking. Song, những đánh giá của ông về I. Kant thì lại rất đáng phải suy nghĩ.
( Theo Hồ Sĩ Quý)