• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Điệu tính và phi điệu tính trong thanh điệu tiếng Việt

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Tác giả: Hoàng Cao Cương

1. Trong các miêu tả ngữ âm tiếng Việt, cao độ và đường nét thường được coi là hai đặc trưng cơ bản nhất của thanh điệu. Các mô hình âm vị học cho các thanh vị là dựa trên sự lưỡng phân, tam phân hoặc lưỡng phân kép các đặc trưng này. Cách miêu tả này là dựa trên hai giả định:

a) Về bản chất, thanh Việt là biểu hiện của Fo.

b) Trong thời điểm đang xét, hệ nét khu biệt các thanh Việt đã được cố định và trong hoạt động, chúng tạo thành một hệ thống riêng hoàn toàn độc lập đối với hệ các nét cố hữu, cả về cấu trúc lẫn chức năng.

Những mô hình âm vị học này được áp dụng cho các lý giải về hiện tượng hài thanh trong láy, các hiện tượng “đập nhập” hay “lẫn lộn” thanh trong các phương ngữ và góp phần giải quyết một số vấn đề của ngữ âm học lịch sử. Tuy nhiên, những áp dụng này nhiều khi không thành công và đôi khi thể hiện những liên tưởng xét theo quan điểm hệ thống. Nguyên nhân của những hạn chế này có thể nằm ở chính bản chất phân loại tĩnh (taxomatic) và tính chất cục bộ trong xem xét hiện tượng thanh Việt.

2. Chính những hạn chế về mặt lý thuyết của các miêu tả ngữ âm thanh điệu Việt này đã gợi ý rằng cần thiết phải có sự phân tích thấu đáo hơn các đặc trưng ngữ âm của thanh và trên cơ sở đó tìm đến những giải pháp âm vị học thích hợp. Chúng tôi đã tiến hành ghi thu các phát thanh viên ở bốn thành phố lớn: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng cho mục đích phân tích thực nghiệm hệ thanh Việt. Bảng từ được soạn cho phong cách âm từ rời, tốc độ vừa phải: 4 âm tiết / 2, 4s, trong điều kiện phòng ghi thu thí nghiệm. Sau đây là một số kết quả phân tích bước đầu (các máy phân tích điện âm được sử dụng cho cứ liệu của bài này là: Sonagraph, Minograph và Glottograph).

3. Dựa trên hệ thống kê các hình tiết trong vốn từ Việt hiện đại có thể thấy rằng tương quan của phân bố các thanh điệu theo chính âm và chung âm là gần với phân bố của chúng theo chỉnh thể âm tiết và không hoàn toàn giống với phân bổ của chúng theo thủy âm. Thông kê trong láy đôi và từ đơn tiết Việt cũng khẳng định nhận xét này. Trên cứ liệu phân tích điện âm có thể rút ra một mô hình tổng quát cho âm tiết Việt, trong đó một cấu trúc âm tiết được hình dung bởi hai đường phân bố có chiều ngược nhau theo chiều diễn tiến của thời gian: phân bố tập trung các nét cố hữu thì được tăng tiến dần. Đặc điểm này tạo nên một sức căng cần thiết cho việc cố kết các thành phần trong một cấu trúc và tạo nên các đặc điểm riêng của âm tiết, của chiết đoạn và của cả thanh điệu.

4. Đặc trưng Fo của thanh chỉ có giá trị xác định vùng âm vực của các thanh ngang và thanh huyền (trên phạm vi toàn âm tiết). Đối với những thanh còn lại, giá trị Fo chỉ có ý nghĩa đối với việc xác định âm vực ở các đoạn cuốI (1/2, l/3 cường độ). Ở phần đầu âm tiết, sự định vị Fo vào một vùng âm vực nhất định là có xác suất nhỏ và còn tùy thuộc vào nhiều nhân tốc khác. Ví dụ: phẩm chất phụ âm đầu, các đặc tính cá thể của người nói và đặc điểm ngữ điệu mà âm tiết chứa thanh cần phải chuyển tải. Nói về sự diễn tiến theo thời gian (cái gọi là đường nét) có thể thấy là ở các thanh xưa nay quen gọi là “trắc” cũng có đặc điểm phân bố theo cấu trúc tuyến tính của âm tiết. Những thanh có các đường nét “đặc biệt” này thường thể hiện những điểm “đặc biệt” về đường nét ở phần cuối âm tiết, và nói chung, trong các cấu trúc C1VC2, chúng được thể hiện ở các transient giữa thủy âm và chung âm. Những transient này, xét về đặc điểm cường độ cũng là nơi được phân bố năng lượng ít nhất so với các phần khác của âm tiết. Tuy nhiên, không có một ví dụ nào chỉ ra là các đặc điểm này có thể xuất hiện ở transient giữa thủy âm và chung âm. Ngay ở các thanh “trắc” này, thì trên cứ liệu chúng tôi vẫn có hai phần rõ rệt, phần đầu (thường được kéo dài đến hết chính âm trong cấu trúc C1VC2) có diễn tiến Fo chậm và không có những thay đổi quan trọng về giá trị, và phần sau (bắt đầu từ phần transient đến hết C2 trong cấu trúc C1VC2) với sự thể hiện quan trọng về các diễn tiến Fo quen gọi là giá trị đường nét của một thanh. Tuy nhiên những biến đổi về đường nét Fo ở phần cuối cấu trúc thanh điệu lại gồm nhiều biến thể khác nhau đối với từng thanh, nhất là ở phần cuối cùng của chúng. Điều này thể hiện rõ nhất trong các thanh sắc (tiếng Huế), thanh hỏi và sắc nhập (tiếng Hà Nội), thanh nặng (tiếng Thành phố Hồ Chí Minh). Những thanh này đang có những biến động đáng lưu ý về đường nét mà nếu dựa theo các thuật ngữ về đường nét xưa nay vẫn được Việt ngữ học sử dụng (ví dụ: xuống – lên, xuống…) thì dễ có nguy cơ bị “đập nhập” với những thanh khác. Những chứng cứ từ miêu tả âm học gợi ra là có lẽ những “chi tiết hóa” của khái niệm đường nét tới mức chỉ ra chiều hướng diễn tiến của Fo sẽ không có giá trị cao trong lột tả các đặc điểm ngữ âm của thanh với hình dáng cụ thể của nó. Ở đây chúng tôi quan niệm là có lẽ chỉ đối lập bằng trắc là có giá trị hiện thực và phản ánh đúng bản chất của đặc trưng “đường nét” trong thanh Việt.

5. Những cứ liệu phản ánh về cường độ và trường độ của thanh cũng có một giá trị quan trọng trong miêu tả hệ thanh Việt. Trong tiếng Hà Nội có hai thanh có đặc điểm về phân bố cường độ của hai thanh này là trùng hợp hoàn toàn với điểm đặc biệt về phân bố Fo. Đặc điểm này kéo theo những biểu hiện đáng lưu ý về trường độ và về cấu trúc format giữaF1 và F2. Những biểu hiện đặc biệt kiểu này cũng xuất hiện ở các thanh nặng, hỏi và ngã trong tiếng Huế. Trong tiếng Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh những kiểu diễn tiến đặc biệt này không xuất hiện nhưng vẫn có những biểu hiện về biến đổi cấu trúc format ở một số âm tiết mang các thanh sắc, hỏi và nặng. Liên quan đến vấn đề này có lẽ là có cả vấn đề trường độ. Trong khi tiếng Hà Nội có sự phân chia đều các thanh đài (ngang, huyền, hỏi, sắc) và các thanh ngắn (ngã, nặng, sắc nhập và nặng nhập), thì ở tiếng Huế phạm trù thanh đài chỉ gồm hai thanh: ngang và huyền; còn các tiếng Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh phạm trù thanh ngắn lại chỉ còn gồm có sắc nhập và nặng nhập.

6. Các quan sát trên đây cho phép bước đầu giả định là trong cấu trúc thanh Việt có sự tham gia của nhiều nhân tố khác nữa ngoài thể hiện của Fo. Những nhân tố này do đó có liên quan chặt chẽ hơn với những thể hiện ngữ âm của cấu trúc chiết đoạn cho nên cần thiết phải coi chúng là có những đặc trưng riêng. Nếu coi các đặc trưng ngữ âm do biểu hiện Fo trong cấu trúc thanh điệu là đặc trưng điệu tính, thì có thể coi đặc điểm ngữ âm của các nhân tố này trong cấu trúc thanh điệu là phi điệu tính. Trong giải pháp âm vị học đề nghị với hệ thanh Việt, chúng tôi gọi các nhân tố này bằng một thuật ngữ chung hơn: Dị chất, để phân biệt với các đặc điểm Fo (âm vực, bằng - trắc) là đặc điểm đồng nhất, xét từ phương diện siêu đoạn.

Tài liệu tham khảo

Cao Xuân Hạo, The problem of the phoneme in Vietnamese, “Linguistic essays”, Hà Nội, nd, tr. 96 – 123.

Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm tiếng Việt, Hà Nội, 1977, tr. 104 – 157.

A. Haudricourt, De l’origine de tons en Vietnamien, “Journal Asiatique”, 1954, tr. 242.

E. Henderson, Towards a prosodic statement of Vietnamese syllable structure, “In Memory of J. R. Firth”, ed. C. E. Bazell et al… Longman, 1966, tr. 163 – 197.

Hoàng Tuệ, Hoàng Minh, Remarks on the phonological structure of, “Linguistic essays”, Hà Nội, nd, tr. 70.

V. Ivanov, Ksinkhronoj idiakhronicheskoj tipologi prosodicheskikhsistem s larignalizovannymi ili faringalizovannymi tonemami, “Ocherki po fonologi vostochnykh jazykov”, Moskva, 1975, tr. 3 – 58.

Nguyễn Quang Hồng, O vetnamskoj sillabeme I jeje delimosti, “Vetnamskij lingvisticheskij sbornik”, Moskva, 1975. tr. 44 – 60.

K. Pike, Tone language, Ann Arbor, 1956.

J. Vachek, Dymaika fonologického sýstem soucansé cestiny, Praha, 1968.

W. Wang, The phonological features of tone, “International Journal of American Linguistics”, 33. 1967, tr. 93 – 105.

Nguồn: e-tiengviet.com
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top