Địa lý tỉnh Yên Bái

Tongthieugia

New member
Xu
0
ĐỊA LÍ YÊN BÁI – ĐỊA LÝ TỈNH YÊN BÁI - VỊ TRÍ ĐỊA LÝ TỈNH YÊN BÁI - ĐỊA LÝ HÀNH CHÍNH TỈNH YÊN BÁI


Nếu các bạn tìm trong Wikipedia, google, cổng thông tin điện tử Yên Bái sẽ thấy nhưng rất chung chung, nay mình xin được dùng chút kiến thức chuyên môn biên tập thêm cho các bạn cùng tìm hiểu, cảm ơn đã dành thời gian đọc bài này.
Thân ái!

I.KHÁI QUÁT CHUNG

Lịch sử

Từ rất xa xưa Yên Bái đã là một bộ phận của Tổ quốc. Thời các vua Hùng, Yên Bái thuộc Tân Hưng, thời Lý thuộc Châu Đăng, thời Trần trong lộ Quy Hóa, thời Lê đến thời Nguyễn nằm trong phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa.

Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành “bình định” nước ta, chúng đặt Yên Bái thuộc các đạo quan binh (1891 – 1900). Ngày 11- 4 - 1900, thực dân Pháp thành lập tỉnh Yên Bái gồm có phủ Trấn Yên, hai châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái. Từ năm 1910 – 1920, Pháp chuyển châu Lục Yên (tỉnh Tuyên Quang) và châu Than Uyên (tỉnh Lai Châu) vào tỉnh Yên Bái. Từ đó cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, địa dư và các đơn vị hành chính tỉnh Yên Bái không thay đổi.

Tháng 5 – 1955, các châu Văn Chấn, Than Uyên chuyển thuộc khu tự trị Thái – Mèo; một phần huyện Than Uyên và các xã Nậm Có, Khau Phạ (Văn Chấn) được tách ra thành lập châu Mù Cang Chải. Tháng 6 – 1956, huyện Yên Bình (tỉnh Tuyên Quang) sáp nhập vào tỉnh Yên Bái. Tháng 10 – 1962, Quốc hội quyết định đổi tên khu tự trị Thái – Mèo thành khu tự trị Tây Bắc và thành lập các tỉnh trực thuộc. Ngày 24 – 12 – 1962, tỉnh Nghĩa Lộ (thuộc khu tự trị Tây Bắc) chính thức được thành lập gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên, Phù Yên.

Năm 1964, một phần huyện Văn Chấn được tách ra thành lập huyện Trạm Tấu. Đầu năm 1965, khu vực thượng huyện Lục Yên được tách ra thành lập huyện Văn Yên. Tháng 10-1971, Chính phủ thành lập thị xã Nghĩa Lộ. Ngày 3-1-1976, hợp nhất ba tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ (trừ hai huyện Bắc Yên và Phù Yên chuyển thuộc tỉnh Sơn La) và Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Ngày 1-10-1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Các huyện Than Uyên, Văn Bàn và Bảo Yên trước đây thuộc tỉnh Yên Bái chuyển thuộc tỉnh Lào Cai.

Truyền thống văn hóa: các phát hiện di cốt người hiện đại có niên đại 8-14 vạn năm ở hang Hùm (Lục Yên), thạp đồng Đào Thịnh, thạp đồng Hợp Minh (Trấn Yên), trống đồng Phù Nham (Văn Chấn), Mông Sơn (Yên Bình), Khai Xuân (Lục Yên) và nhiều công cụ bằng đá, bằng đồng khẳng định mảnh đất Yên Bái là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hóa phát triển liên tục và khá rực rỡ.

Yên Bái cũng là vùng có nhiều dân tộc sinh sống lâu đời, hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1258 nhân dân các vùng Văn Chấn, Trấn Yên đã tham gia đội quân của tù trưởng Hà Bổng, trại chủ Quy Hóa chiến đấu chống giặc Mông-Nguyên khi chúng sang xâm lược nước ta lân fth]s nhất. Năm 1285, nhân dân châu Thu Vật (Yên Bình) và các vùng xung quanh đã ủng hộ, giúp đỡ đạo quân của tướng Trần Nhật Duật chặn đánh quân Nguyên Mông quyết liệt, làm chậm bước tiến của chúng về kinh thành Thăng Long.

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX nhân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần không nhỏ bảo vệ triều Lê, chống họ Mạc cát cứ và sự cướp bóc của “giặc giã”.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng bước đầu hàng, nước ta trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Đầu nmaw 1886, quân Pháp đánh chiếm Yên Bái.

Tổng đốc Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích, bố chánh Nguyễn Văn Giáp phối hợp cùng các lãnh đạo địa phương như Vương Văn Doãn phối hợp cùng các lãnh đạo địa phương như Vương Văn Doãn, Đặng Đình Tế, Phạm Thọ, Đặng Tiến Lộc, Đổng Phúc Thịnh tổ chức đánh chặn địch quyết liệt; xây dựng căn cứ chiến đấu ở Tú Lệ (Văn Chấn), làng Vần (Trấn Yên) gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Ngày 19-10-1889, nghĩa quân đánh tan cả đoàn thuyền địch gồm 13 chiếc trên sông Hồng, đoạn giữa Trái Hút và Bảo Hà.

Từ Năm 1886 đến năm 1898, các hoạt động bất hợp tác với giặc, nhiều cuộc khởi nghĩa nhỏ liên tục nổ ra khắp các vùng Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, gây ra cho thực dân Pháp nhiều khó khăn trong việc thiết lập bộ máy thống trị và kiểm soát các tổng, xã.

Năm 1913-1914, cuộc khởi nghĩa do Triệu Tài Lộc, Triệu Kiến Tiên và một số thủ lĩnh khác tổ chức được đông đảo người Dao, Tày, Kinh tham gia, ủng hộ. Từ cơ sở đầu tiên ở tổng Trúc Lâu, phong trào lan rộng khắp châu Lục Yên, phủ Trấn Yên, phủ Yên Bình với tổng số 1.414 người. Nghĩa quân đã tiến công đồn Trái Hút (19-10-1914), đồn Bảo Hà (21-10-1914), đồn Lục Yên (22-10-1914). Nhưng do tổ chức, phối hợp thiếu chặt chẽ, trang bị vũ khí lạc hậu, thiếu thốn cho nên các cuộc tiến công không giành được thắng lợi.

Thực dân Pháp đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa, bắt hàng trăm người, trong đó có rất nhiều phụ nữ, xử tử 67 người (39 người ở nghĩa địa Tây Yên Bái, 28 người ở Phú Thọ). Đây là sự kiện tiêu biểu khẳng định lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết quận khởi của nhân dân các dân tộc Yên Bái.

Khi thực dân Pháp tiến hành khai thác, cướp bóc thuộc địa, đặc biệt là việc chúng cướp ruộng đất, lập đồn điền, nông dân các xã Mông Sơn, Ẩm Phước (phủ Yên Bình), Nga Quán, Cổ Phúc (phủ Trấn Yên) và nhiều nơi khác đã liên tục đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, cướp ruộng đất, làm cho thực dân Pháp rất lúng túng, lo sợ và bất ổn định.

Trong bối cảnh đó, đầu năm 1930 trên địa bàn Yên Bái đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quóc dân Đảng, do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa không thành, do không đề ra được đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn để tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân bị áp bức đứng lên giải phóng.

Mặc dù bị thất bại, nhưng tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên cường của các nghĩa sĩ trước sự khủng bố, đàn áp dã man của kẻ thù đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái đứng lên đấu tranh giành độc lập. Đó là những sự kiện lịch sử tiêu biểu, thể hiện truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết quật khởi của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Truyền thống đó được nhân lên gấp bội khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mùa xuân 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái.
Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động và đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Với truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của nhân dân các dân tộc Yên Bái từ tháng 10-1944 đến đầu năm 1945, nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng, phát triển ở các huyện trong tỉnh, các tổ chức cứu quốc được thành lập, tập hợp hàng ngàn hội viên.

Dau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), khí thế cách mạng của quần chúng khắp nơi trong tỉnh dâng cao. Để đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Yên Bái, ngày 7-5-1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở thị xã Yên Bái.

Ngày 30-6-1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm bí thư. Sự kiện thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú Thọ đã mở ra một bước ngoạt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương.
Cùng với cả nước, từ thân phận của dân tộc đói nghèo, lạc hậu bị áp bức, nô lệ, cuộc Cách mạng Tháng tám năm 1945 đã thổi bùng lên ngọn lửa Yêu nước, tinh thần bất khuất, quật cường của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Ngày 22-8-1945, tại vườn hoa tỉnh lỵ Yên Bái gần một vạn người về dự mít tinh đã chừng kiến sự kiện lịch sử quan trọng: Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái được thành lập, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, ủng hộ giúp đỡ, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng, vượt mọi khó khăn, gian khổ từng bước xây dựng cuộc sống đổi mới. Yên Bái bước sang trang sử mới.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, thống nhất phấn đấu thực hiện lý tưởng cao cả của Đảng, của Bác Hồ kính yêu: hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Những ngày đầu thành lập chính quyền cách mạng của tỉnh, tiếp thu gia tài đổ nát do chế độ cũ để lại: công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói đe dọa trầm trọng, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề...nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, chính quyền công nông non trẻ vẫn đứng vững, chống lại mọi âm mưu và thủ đoạn phá hoại của bọn phản cách mạng; lãnh đạo nhân dân các dân tộc động viên cao độ sức người, sức giải phóng quê hương, cùng cả nước góp phần làm nên Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường trong chiến tranh cách mạng, đem hết sức lực, trí tuệ vượt qua khó khăn, chiến đấu bảo vệ quê hương, khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh; cùng cả nước chi viện cho Miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trước bộn bề khó khăn cả trong nước và quan hệ quốc tế vào thời điểm đó, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trên cả nước, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh từng bước giành được những thành tựu quan trọng, đẩy lùi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1991) mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, trước tình hình thế giới diễn ra phức tạp, cùng với những khó khăn của một tỉnh miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, trình độ dân trí thấp và không đồng đều, đời sống của nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn.

Song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực cánh sinh, huy động tối đa nội lực, kiên quyết chống lại tư tưởng bảo thủ, ỷ lại, bao cấp, huy động và tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao và vững chắc, lấy công nghiệp và du lịch làm khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc nên những truyền thống tốt đẹp là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, tình đoàn kết dân tộc, đức tính lao động cần cù, sáng tạo. Đây là những giá trị tinh thần bền vững mà Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã kế thừa, phát huy cao độ trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa trên quê hương mình.

Đơn vị hành chính

Yên Bái bao gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện:

1. Thành phố Yên Bái, được nâng cấp từ thị xã ngày 11 tháng 01 năm 2002;
2. Thị xã Nghĩa Lộ, thành lập ngày 15 tháng 05 năm 1995;
3. Huyện Lục Yên
4. Huyện Mù Cang Chải
5. Huyện Trấn Yên
6. Huyện Trạm Tấu
7. Huyện Văn Chấn
8. Huyện Văn Yên
9. Huyện Yên Bình

với tổng số 180 xã, phường, thị trấn.


II. VỊ TRÍ ĐỊA LÍ- ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN-TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

1.Vị trí địa lí

Yên Bái là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, là 1 trong 13 tỉnh vùng núi phía Bắc, nằm giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và phía Tây giáp tỉnh Sơn La.

Yên Bái có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện) với tổng số 180 xã, phường, thị trấn (159 xã và 21 phường, thị trấn); trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn được đầu tư theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong 61 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước..

Yên Bái là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ từ Hải Phòng, Hà Nội lên cửa khẩu Lào Cai, là một lợi thế trong việc giao lưu với các tỉnh bạn, với các thị trường lớn trong và ngoài nước.

2. Điều kiện tự nhiên

Địa hình

Yên Bái nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc – Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng Liên Sơn – Pú Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa sông Chảy và sông Lô.

Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội. Vùng thấp có độ cao dưới 600 m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Khí hậu

Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 22 - 230C; lượng mưa trung bình 1.500 – 2.200 mm/năm; độ ẩm trung bình 83 – 87%, thuận lợi cho việc phát triển nông – lâm nghiệp.

Dựa trên yếu tố địa hình khí hậu, có thể chia Yên Bái thành 5 tiểu vùng khí hậu. Tiểu vùng Mù Cang Chải với độ cao trung bình 900 m, nhiệt độ trung bình 18 – 200C, có khi xuống dưới 00C về mùa đông, thích hợp phát triển các loại động, thực vật vùng ôn đới. Tiểu vùng Văn Chấn – nam Văn Chấn, độ cao trung bình 800 m, nhiệt độ trung bình 18 – 200C, phía Bắc là tiểu vùng mưa nhiều, phía Nam là vùng mưa ít nhất tỉnh, thích hợp phát triển các loại động, thực vật á nhiệt đới, ôn đới.

Tiểu vùng Văn Chấn – Tú Lệ, độ cao trung bình 200 – 400 m, nhiệt độ trung bình 21 – 320C, thích hợp phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm, chè vùng thấp, vùng cao, cây ăn quả và cây lâm nghiệp.

Tiểu vùng nam Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái, Ba Khe, độ cao trung bình 70 m, nhiệt độ trung bình 23 – 240C, là vùng mưa phùn nhiều nhất tỉnh, có điều kiện phát triển cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả.

Tiểu vùng Lục Yên – Yên Bình độ cao trung bình dưới 300 m, nhiệt độ trung bình 20 – 230C, là vùng có mặt nước nhiều nhất tỉnh, có hồ Thác Bà rộng 19.050 ha, có điều kiện phát triển cây lương thực, thực phẩm, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, có tiềm năng du lịch.



3. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất

Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 689.949,05 ha. Trong đó diện tích nhóm đất nông nghiệp là 549.104,31 ha, chiếm 79,59% diện tích đất tự nhiên; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 47.906,46 ha chiếm 6,94%; diện tích đất chưa sử dụng là 92.938,28 ha chiếm 13,47%.

Trong tổng diện tích đất nông nghiệp thì đất sản xuất nông nghiệp là 77.618,58 ha; đất lâm nghiệp 469.968,24ha; đất nuôi trồng thủy sản 1.420,04ha, còn lại là đất nông nghiệp khác. Trong tổng diện tích đất phi nông nghiệp thì đất ở 4.482,82 ha; đất chuyên dùng 31.604,98 ha, còn lại là đất sử dụng vào mục đích khác.

Trong tổng diện tích đất chưa sử dụng thì đất bằng chưa sử dụng là 949,00 ha; đất đồi núi chưa sử dụng là 85.936,52 ha, còn lại là núi đá không có rừng cây.

Đất Yên Bái chủ yếu là đất xám (chiếm 82,37%), còn lại là đất mùn alít, đất phù sa, đất glây, đất đỏ…

Tài nguyên rừng

Tính đến tháng 6 năm 2009, diện tích đất có rừng toàn tỉnh Yên Bái đạt 400.284,6 ha, trong đó: rừng tự nhiên 231.901,6 ha, rừng trồng 168.382,7 ha; đạt độ che phủ trên 56%.

Yên Bái có nhiều loại rừng khác nhau như: rừng nhiệt đới, á nhiệt đới, và núi cao. Trong khu vực rừng á nhiệt đới của tỉnh có nhiều loại cây lá kim (như: pơmu, thông nàng, thông tre lá lớn, sa mộc, sam mộc) xen lẫn cây lá rộng thuộc họ sồi dẻ, đỗ quyên.

Ở độ cao trên 2000m, rừng hỗn giao giảm dần, pơmu mọc thành rừng kín cao tới 40-50m, đường kính thân có cây tới 1,5m. Cao hơn nữa là những cánh rừng thông xen kẽ các tầng cây bụi nhỏ rồi đến trúc lùn, cậy họ cói, cậy họ hoa hồng, cây họ thạch nam, cây họ cúc, cây họ hoàng liên xen kẽ. Lùi dần về phía đông nam, độ cao hạ dần, khí hậu ấm áp hơn làm cho lớp phủ thực vật rừng có điều kiện phát triển.

Bên cạnh các loại gỗ quý (nghiến, trúc, lát hoa, chò chỉ, pơmu, cây thuốc quý (đẳng sâm, sơn tra, hò thủ ô, hoài sơn, sa nhân), động vật hiếm (hổ, báo, cầy hương, lợn rừng, chó sói, sơn dương, gấu, hươu, vượn, khỉ, trăn, tê tê, đàng đẵng, ếch dát, gà lôi, nộc cốc, phượng hoàng đất) cùng nhiều khu rừng cho lâm, đặc sản (cọ, măng, song, móc, nấm hương, mộc nhĩ, trẩu, quế, chè).

Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản Yên Bái khá đa dạng, hiện đã điều tra 257 điểm mỏ khoáng sản, xếp vào các nhóm khoáng sản năng lượng, khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản kim loại và nhóm nước khoáng. Nhóm khoáng sản năng lượng gồm các loại than nâu, than Antraxit, đá chứa dầu, than bùn…; loại than nâu và than lửa dài tập trung ở ven sông Hồng, sông Chảy và các thung lũng bồn địa như Phù Nham (Văn Chấn).

Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng gồm đá vôi, đá ốp lát, sét gạch ngói, cát sỏi…được phân bố rộng rãi trên khắp địa bàn tỉnh. Nhóm khoáng chất công nghiệp gồm đầy đủ các nguyên liệu công nghiệp từ nguyên liệu phân bón, nguyên liệu hoá chất, nguyên liệu kỹ thuật, đặc biệt là đá quý và bán đá quý được phân bố chủ yếu ở Lục Yên và Yên Bình.

Nhóm khoáng sản kim loại có đủ các loại từ kim loại đen (sắt) đến kim loại nâu (đồng, chì, kẽm) và kim loại quý (vàng), đất hiếm phân bố chủ yếu ở hữu ngạn sông Hồng. Nhóm nước khoáng được phân bố chủ yếu ở vùng phía tây của tỉnh (Văn Chấn, Trạm Tấu), bước đầu được sử dụng tắm chữa bệnh.

II. DÂN CƯ VÀ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ XÃ HỘI

1.Dân cư và nguồn lao động


Theo kết quả tổng hợp sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, tổng dân số toàn tỉnh là 752.868 người. Mật độ dân số bình quân năm 2008 là 109 người/km2, tập trung ở một số khu đô thị như thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các thị trấn huyện lỵ.

Theo số liệu điều tra, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có tới 30 dân tộc sinh sống, trong đó có 7 dân tộc có dân số trên 10.000 người. 2 dân tộc có từ 2.000 - 5.000 người, 3 dân tộc có từ 500 -2.000 người. Trong đó người Kinh chiếm 49,6%, người Tày chiếm 18,58%, người Dao chiếm 10,31%, người HMông chiếm 8,9% người Thái chiếm 6,7%, người Cao Lan chiếm 1%, còn lại là các dân tộc khác.
Sự phân bố các cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh có những đặc trưng sau:
+ Vùng thung lũng sông Hồng chiếm 41% dân số toàn tỉnh, trong đó: người Kinh 43%, người Tày chiếm 33%, người Dao chiếm 10%, người Hmông chiếm 1,3% so với dân số toàn vùng.

+ Vùng thung lũng sông Chảy chiếm 28% dân số toàn tỉnh. Trong đó người Kinh chiếm 43%, người Tày chiếm 11%, người Dao chiếm 13%, người Nùng chiếm 7%... so với dân số toàn vùng.

+ Vùng ba huyện phía Tây (Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn) chiếm 31% dân số toàn tỉnh.Trong đó: người Kinh là 33%; người Thái 19,2%, Tày 11,8%, Hmông 24,1%; người Mường 5,2% và người Dao 5,1% so với dân số toàn vùng.

Cộng đồng và các dân tộc trong tỉnh với những truyền thống và bản sắc riêng đã hình thành nên một nền văn hóa rất đa dạng và phong phú, có nhiều nét độc đáo, sâu sắc nhân văn và những truyền thống tập quán trong lao động sản xuất có nhiều bản sắc dân tộc.

Nguồn lao động

Năm 2008, số lao động trong độ tuổi là 416.024 người, chiếm 55.45% dân số. Dự báo năm 2010 lao động trong độ tuổi là 527.490 người, năm 2015 là 568.530 người, năm 2020 là 603.430 người. Trình độ lao động nhìn chung còn thấp, lao động có trình độ đại học ít chiếm khoảng 4,5%. Phấn đấu hàng năm có 50% công chức sự nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng, phương pháp thực hiện công vụ và 20% cán bộ cơ sở cấp xã được đào tạo.

2. Điều kiện kinh tế xã hội

Lộ…Tỉnh Yên Bái có nhiều dân tộc thiểu số và mỗi dân tộc mang đậm một bản sắc văn hoá riêng, là điều kiện để kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Giao thông

* Đường bộ: Mạng lưới giao thông đường bộ được hình thành và phân bố tương đối hợp lý so với địa hình, song chưa được hoàn chỉnh, chưa có đường tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phần lớn là đường cấp IV, V, VI, nhiều tuyến chưa vào cấp, hệ thống giao thông nông thôn chưa thông xe được 4 mùa, mùa mưa lũ nhiều đoạn đường bị ngập hoặc sạt lở nghiêm trọng, còn thiếu một số tuyến ngang.

- Quốc lộ: Gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 375,5 km. Các công trình cầu, cống đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo giao thông thông suốt, không còn ách tắc giao thông trong mùa lũ.

+ Quốc lộ 37 dài 99 km (13 km đường cấp III, 86 km đường cấp I).

+ Quốc lộ 70 dài 84 km (6 km đường cấp III, 78 km đường cấp IV).

+ Quốc lộ 32 A dài 175 km (10 km đường cấp III, 150 km đường cấp IV, 15 km đường cấp V).

+ Quốc lộ 32 C dài 17,5 km (1 km đường cấp III, 16,5 km đường cấp IV).

- Đường tỉnh: Tổng chiều dài 469 km, gồm 15 tuyến đi qua 66/180 xã phường. Các tuyến đường tỉnh gồm: Yên Bái – Khe Sang (78,5 km); Khánh Hòa – Minh Xuân (27 km); Văn Chấn – Trạm Tấu (30 km); Cảng Hương Lý – Văn Phú (12 km);

Hợp Minh – Mỵ (36 km); Đại Lịch – Minh An (26km); Yên Thế - Vĩnh Kiên (78 km); An Bình – Lâm Giang (22km); Yên Bái – Văn Tiến (7 km); Cẩm Vân – Mông Sơn (10 km); Mậu A – Tân Nguyên (18 km); 2 đầu cầu Mậu A (1,4 km); Âu Lâu – Quy Mông – Đông An (52 km); An Thịnh – An Lương (70 km); Đường vào nhà máy xi măng Yên Bình (1 km)

- Đường đô thị: Tổng chiều dài 137 km, gồm: Thành phố Yên Bái 89,5 km, thị xã Nghĩa Lộ 15 km, Lục Yên 4,3 km, Mù Cang Chải 2,8 km, Trạm Tấu 1,6 km. Trong đó có 110,3 km đạt tiêu chuẩn đô thị, còn lại chưa vào cấp. Chất lượng đường tốt chiếm 20%, đường trung bình 50%, đường xấu và rất xấu 30%.

- Đường chuyên dùng: Tổng chiều dài 228,3 km, gồm các đường nông trường, lâm trường, quốc phòng, chủ yếu phục vụ vận chuyển nội bộ theo mùa vụ.

Trong đó có 137 km đạt tiêu chuẩn đường cấp A, B nông thôn, hệ thống cống thoát nước chưa đầy đủ.

- Đường giao thông nông thôn: Tổng chiều dài 5.505,9 km. Hầu hết các tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp VI, cấp A, B nông thôn, nhiều tuyến mới khai thông, việc đi lại phải phụ thuộc vào thời tiết.

* Đường thủy: Gồm 2 tuyến chủ yếu:

- Tuyến sông Hồng dài 115 km, trong đó có 10 km đoạn Văn Phú – Yên Bái do Trung ương quản lý, còn lại 105 km chưa được khai thông luồng lạch và xây dựng bến cảng, kho bãi.

- Tuyến hồ Thác Bà dài 83 km, trong đó có 50 km đoạn cảng Hương Lý – Thác Bà – Cẩm Nhân. Hiện đã có hệ thống báo hiệu đường thủy trên một số tuyến chính, các phương tiện đi lại dễ dàng quanh năm và có bến tàu khách đảm bảo vận chuyển hành khách đi lại và tham quan du lịch.

* Đường sắt trên tuyến Hà Nội- Lào Cai- Trung Quốc chạy qua Yên Bái dài 83 km, gồm 10 ga (1 nhà ga hạng 2; 9 nhà ga hạng 4) chạy qua địa phận 20 xã, phường, thị trấn.

Các yếu tố địa hình, địa chất thủy văn, hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu, hệ thống cảnh báo đường ngang không an toàn, khổ đường hẹp (1,1 mét), lạc hậu so với các khu vực. Vận tốc tàu chạy thấp, hệ thống nhà ga, kho bãi, các dịch vụ còn ở mức thấp.

* Đường hàng không: Sân bay Yên Bái tại huyện Trấn Yên là sân bay quân sự, đủ điều kiện thuận lợi để có thể sử dụng kết hợp phát triển kinh tế và quốc phòng nếu được Chính phủ cho phép. Ngoài ra còn có các sân bay Nghĩa Lộ, Nậm Khắt, Đông Cuông là những sân bay dã chiến từ thời chống Pháp

Hạ tầng thủy lợi

Toàn tỉnh có 920 công trình thủy lợi, gồm 13 trạm bơm điện, 154 bể chứa cá, 753 đập dâng và kênh dẫn nước, tưới tiêu cho 15.759 ha. Trong đó đã có 313 công trình đầu mối đã được kiên cố, 727 công trình tưới trên 5 ha, 193 công trình tưới dưới 5 ha. Tổng số có 1.670 km kênh dẫn nước, trong đó mới kiên cố được 73 km, bằng 4,4% và 2.100km kênh nội đồng, trong đó có 750 km đã kiên cố.

• Hệ thống điện:

Hiện toàn tỉnh có 823 trạm biến áp, trong đó có 1 trạm biến áp 110/35 KV, công suất 45.000KVA; 11 trạm biến áp 35/10 KV, tổng công suất 34.000 KVA; 3 trạm biến áp 35/6 KV, công suất 12.000 KVA; 2 trạm biến áp 22/6KV, công suất 20.000 KVA; 591 trạm biến áp 35/0,4 KV, tổng công suất 88.867 KVA; 2 trạm biến áp 22/0,4 KV, tổng công suất 1.120KVA; 213 trạm biến áp 10/0,4 KV, tổng công suất 41.968,5 KVA.

Tổng số có 2.209,354 km đường dây tải điện và phân phối điện các loại, gồm: 70 km đường dây 110 KV (2 mạch), 1.079,3 km đường dây 35 KV, 193,9 km đường dây 10 KV và 866,154 km đường dây 0,4 KV.

Với hệ thống mạng lưới điện như hiện nay, 90% số dân được dùng điện lưới quốc gia, riêng khu vực nông thôn có hơn 53.000 hộ được dùng điện.

Hệ thống thủy lợi nước sinh hoạt:

* Thủy lợi: Toàn tỉnh có 920 công trình thủy lợi, gồm 13 trạm bơm điện, 154 bể chứa cá, 753 đập dâng và kênh dẫn nước, tưới tiêu cho 15.759 ha. Trong đó đã có 313 công trình đầu mối đã được kiên cố, 727 công trình tưới trên 5 ha, 193 công trình tưới dưới 5 ha. Tổng số có 1.670 km kênh dẫn nước, trong đó mới kiên cố được 73 km, bằng 4,4% và 2.100km kênh nội đồng, trong đó có 750 km đã kiên cố.

* Nước sinh hoạt:

- Nước sinh hoạt đô thị: Hiện nay thành phố Yên Bái, thị trấn Yên Bình đã có hệ thống nước máy cung cấp bởi Nhà máy nước Yên Bái – Yên Bình công suất 12.000 m3/ ngày và Nhà máy nước thị xã Nghĩa Lộ công suất 3.500 m3/ ngày cung cấp nước cho thị xã Nghĩa Lộ. Một số huyện lỵ cũng được cung cấp nước máy: Cổ Phúc, Yên Thế, Sơn Thịnh. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều hộ gia đình sử dụng nước giếng tự đào.

- Nước sinh hoạt nông thôn: Tổng số hiện có 2.752 công trình nước sạch, cung cấp nước cho 50% dân số nông thôn, trong đó có 105 công trình cấp nước tập trung, còn lại là các công trình nhỏ lẻ. Người dân nông thôn hiện còn sử dụng các nguồn nước tự nhiên từ sông, ngòi, suối, nước lần từ các khe núi.


Hạ tàng thông tin liên lạc

Hệ thống cơ sở vật chất ngành bưu chính viễn thông liên tục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin liên lạc của mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Mạng lưới thông tin nội bộ 100% đã được số hóa, 9/9 huyện, thị, thành phố có tuyến viba và tổng đài điện tử tự động.

Tính đến hết tháng 5/2009, tổng số thuê bao điện thoại toàn mạng đạt 136.629 thuê bao(trong đó có trên 125.684 thuê bao điện thoại cố định và 10.941 thuê bao điện thoại di động trả sau), tăng 29.629 thuê bao so với hết năm 2008. Đưa mật độ thuê bao điện thoại/100 dân đạt 16,75máy/100 dân . Tổng số thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh 8.294 thuê bao (tăng 1832 máy so với hết năm 2008), đạt mật độ Internet 1,14 máy/100 dân.

Toàn tỉnh có 204 điểm phục vụ bưu điện (trong đó có 153 điểm Bưu điện Văn hóa xã). 111 tuyến đường thư cấp 3, và 06 tuyến đường thư cấp 2, 100% xã có điểm phục vụ bưu điện. Số xã có báo đọc trong ngày là 154/159 xã.

Hạ tầng giáo dục

Năm học 2008 - 2009: Toàn tỉnh có 593 trường học trong đó có 176 trường mầm non với 1.350 lớp, 32.502 học sinh, tổng số phòng 1.073; 182 trường tiểu học với 2.907 lớp, 63.321 học sinh, 2.823 phòng học; 191 trường trung học cơ sở với 1.693 lớp, 50.847 học sinh, 1.324 phòng học; 25 trường trung học phổ thông với 581 lớp, 21.376 học sinh, 411 phòng học; 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp với 167 lớp, 3.446 học sinh, 10 trung tâm giáo dục thường xuyên với 74 lớp, 11.261 học sinh; 7 trường chuyên nghiệp (2 trường cao đẳng, 4 trường trung học chuyên nghiệp, 1 trường trung cấp nghề) với 178 lớp, 7.875 học sinh.

Phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, tỷ lệ huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 60,2%, tăng 0,15% so với năm 2007 – 2008. Số xã, phường phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi là 145/180 xã, phường, thị trấn, đạt 80,6%. Các đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi là 5 (Yên Bái, Nghĩa Lộ, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình). Số trường đạt chuẩn quốc gia là 44 (tăng 8 trường so với năm 2007 – 2008).

Số phòng học đã đủ đảm bảo thực hiện học 2 ca, chất lượng thiết bị giáo dục cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên từng bước được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Về đội đội ngũ cán bộ: Mầm non: 2.644 giáo viên; Tiểu học: 4.553 giáo viên; Trung học cơ sở: 4.109; Trung học phổ thông: 1.550 giáo viên; Chuyên nghiệp: 301 giáo viên; Giáo dục thường xuyên: 167 giáo viên; Kỹ thuật trung học hướng nghiệp: 77 giáo viên.

Hiện nay toàn ngành có 41% trường mầm non, 87% trường tiểu học, 90% trường THCS, 100% trường THPT, 100% TTGDTX – HNDN có máy tính phục vụ công tác quản lý giáo dục. Tất cả phòng Giáo dục và Đào tạo, trường THPT, trung tâm GDTX – HNDN, 52% trường THCS, 38% trường tiểu học, 17% trường mầm non đã kết nối Internet ADSL phục vụ công tác quản lý và giảng dạy.

Nhìn chung, cơ sở vật chất các trường học tại các trung tâm đô thị đã được đáp ứng được điều kiện đảm bảo dạy và học, tuy nhiên một số trường học trú cơ sở vật chất vẫn chưa đảm bảo các điều kiện học, ăn, ngủ cho học sinh theo quy định chung

Hạ tầng y tế

Toàn tỉnh hiện có 241 cơ sở y tế trong đó có 18 đơn vị tuyến tỉnh với 709 giường bệnh; 45 cơ sở tuyến huyện với 695 giường bệnh; 178 đơn vị tuyến xã với 983 giường bệnh. Đã có 110 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ bác sỹ: 6,75 bác sỹ/10.000 dân.

Hệ thống các trang thiết bị ngành y tế tại các bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp, song còn thiếu các dịch vụ khám chữa bệnh, chất lượng cao, thiếu cán bộ có khả năng vận hành các trang thiết bị y tế hiện đại. Các trạm y tế xã còn thiếu cả đội ngũ cán bộ y tế và các trang thiết bị cần thiết phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

III. TIỀM NĂNG KINH TẾ

1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế


Yên Bái có lợi thế để phát triển ngành nông – lâm sản gắn với vùng nguyên liệu: trồng rừng và chế biến giấy, bột giấy, ván nhân tạo; trồng và chế biến quế, chè, cà phê; trồng và chế biến sắn, hoa quả; nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.

Với nguồn khoáng sản phong phú, tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc khai thác và chế biến khoáng sản như: đá quý, cao lanh, fenspat, bột cácbonnát canxi, sắt…và sản xuất vật liệu xây dựng: xi măng, gạch, sứ kỹ thuật, sứ dân dụng, đá xẻ ốp lát, đá mỹ thuật và các loại vật liệu xây dựng khác.

2. Tiềm năng du lịch

Yên Bái là một tỉnh miền núi, phong cảnh thiên nhiên đa dạng và đẹp: hang Thẩm Lé (Văn Chấn), động Xuân Long, động Thuỷ Tiên (Yên Bình), hồ Thác Bà, du lịch sinh thái Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò; di tích cách mạng, đền thờ Nguyễn Thái Học, Căng Đồn, Nghĩa


--------------Biên tập: Tống Chiên-------------------
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
TÌM HIỂU YÊN BÁI

Yên Bái là một tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam .
Yên Bái nằm ở vùng Tây Bắc tiếp giáp với Đông Bắc . Phía đông bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang Hà Giang , phía đông nam giáp tỉnh Phú Thọ , phía tây nam giáp tỉnh Sơn La , phía tây bắc giáp hai tỉnh Lai Châu Lào Cai .

Hành chính

Tỉnh Yên Bái bao gồm 1 thành phố trực thuộc, 1 thị xã và 7 huyện:

  • Thành phố Yên Bái
  • Thị xã Nghĩa Lộ
  • Huyện Lục Yên
  • Huyện Mù Cang Chải
  • Huyện Trấn Yên
  • Huyện Trạm Tấu
  • Huyện Văn Chấn
  • Huyện Văn Yên
  • Huyện Yên Bình
với tổng số 180 xã, phường, thị trấn.

Địa hình

Yên Bái có diện tích tự nhiên 6.882,9 km², nằm trải dọc đôi bờ sông Hồng .
Địa hình Yên Bái có độ dốc lớn, cao dần từ đông sang tây, từ nam lên bắc, độ cao trung bình 600 mét so với mực nước biển và có thể chia làm hai vùng: vùng thấp ở tả ngạn sông Hồng và lưu vực sông Chảy mang nhiều đặc điểm của vùng trung du; vùng cao thuộc hữu ngạn sông Hồng và cao nguyên nằm giữa sông Hồng và sông Đà có nhiều dãy núi.

Sông ngòi


250px-Suoi_khoang_Van_Chan.jpg
Khu vực một suối nước nóng tại huyện Văn Chấn , Yên Bái

Ngoài hai con sông lớn là sông Hồng sông Chảy , còn có khoảng 200 ngòi, suối lớn nhỏ và hồ, đầm. Đầu thập niên 1960 , Nga giúp thiết kế hồ Thác Bà là hồ nước nhân tạo có diện tích mặt nước trên 20.000 ha, với khoảng 1.300 đảo lớn nhỏ. Hồ có sức chứa 3–3,9 tỷ m³ nước với mục đích ban đầu là chạy nhà máy thuỷ điện Thác Bà : Công trình thuỷ điện lớn đầu tiên ở Việt Nam.

Khí hậu

Yên Bái có khí hậu đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều nên độ ẩm cao.

Rừng

Yên Bái có rừng nhiệt đới , á nhiệt đới và ôn đới trên núi cao. ở đây có gỗ quý pơ-mu sẽ tốt cho sức khỏe và đuổi muỗi nếu làm giường.

Khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản trữ lượng khá lớn như đá đỏ, sắt, thạch anh, đá fenspat, đá trắng Đông Nam Á .

Nông nghiệp

Đất nông nghiệp chiếm gần 10% diện tích tự nhiên, trong đó có cánh đồng Mường Lò rộng 2.300 ha nổi tiếng vùng Tây Bắc với nhiều sản vật có giá trị như: chè , quế , gạo nếp Tú Lệ, cam Lục Yên, nhãn Văn Chấn.

Dân tộc

Hiện nay, toàn tỉnh có 731.810 người ( 2005 ) gồm 30 dân tộc chung sống. Các dân tộc ở Yên Bái sống xen kẽ, quần tụ ở khắp các địa phương trên địa bàn của tỉnh với những bản sắc văn hoá phong sắc.

Lịch sử

Yên Bái là một điểm sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hoá nhân bản, thể hiện ở những di vật, di chỉ phát hiện ở hang Hùm (Lục Yên), công cụ bằng đá ở Thẩm Thoóng (Văn Chấn), thạp đồng Đào Thịnh, Hợp Minh (Trấn Yên), trống đồng Minh Xuân (Lục Yên). Nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện, như đền, tháp, khu di tích lịch sử.

Được thành lập năm 1900 , tỉnh Yên Bái được biết đến qua cuộc Khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng vào thượng tuần tháng 2 năm 1930. Lãnh tụ là Nguyễn Thái Học đã bị thực dân Pháp bắt và đem hành quyết bằng máy chém ở Yên Bái cùng 12 đồng đội vào ngày 17 tháng 6 năm 1930.

Giao thông


250px-Khau_Ph%E1%BA%A1.jpg
Đèo Khau Phạ trên Quốc lộ 32

Giao thông ở Yên Bái có hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thuỷ. Quốc lộ 2 , 13A , 32 , 37 70 chạy qua tỉnh. Thông thương từ Yên Bái đến các tỉnh lân cận của miền Tây Bắc và Việt Bắc ngày càng phát triển nhất là khi hệ thống đường bộ đang tiếp tục được hoàn thiện, tuyến đường sắt Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai nối liền tới Côn Minh , Trung Quốc được nâng cấp.

ST
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Khai Trung - Vẻ đẹp nguyên sơ

Nằm trên độ cao 700 m so với mực nước biển, xung quanh lại có núi đá cao bao bọc, xã Khai Trung trở thành một bình nguyên giữa miền rừng núi trùng điệp của huyện Lục Yên (Yên Bái). Nét riêng có từ buổi khai thiên lập địa ấy đã cho mảnh đất “thâm sơn cùng cốc” này nhiều lợi thế, đặc biệt về du lịch.

binhnguyenxanhkhaitrung.jpg


Qua cầu Bến Lăn, con đường bê tông chếch dần độ cao lên trời. Xe chúng tôi đi trong sự xáo trộn giữa hai cảm giác hiện đại và hoang sơ. Thấp thoáng đâu đó sự kỳ bí của mảnh đất Khai Trung, một cái tên mới nổi bên cạnh những cái tên khác của những tua du lịch ở Yên Bái.
Cổng các bản làng ở Khai Trung hình vòm như một chiếc cầu vồng hiện ra trên đỉnh dốc và cũng từ đây, con đường thoai thoải trườn xuống vùng đất bằng phẳng rồi mất hút trong màu xanh của nương, của ruộng, của cây, của sắc trời, sắc núi.

Điều đầu tiên đến Khai Trung có thể cảm nhận được ngay chính là khí hậu. Gió trời không thể thông thốc thổi vào Khai Trung. Trước khi đến với bình nguyên này, nó phải hòa quyện với khí núi đá trên độ cao lưng chừng, tạo nên cái mát dịu mà không một máy điều hòa nào làm ra được.

Khí hậu ở đây là mẹ đẻ ra màu xanh Khai Trung, sinh sôi những làn da mịn màng, nên tính tình con người hiền dịu, nên hương vị trong từng món ẩm thực. Người Khai Trung cũng giống như những người miền núi khác, không cầu kỳ phối hợp các gia vị khi chế biến món ăn mà cẩn trọng chọn gia vị cho một món ăn. Như món thịt gà, có thể luộc, rang, nấu canh nhưng mỗi món chỉ dùng một loại gia vị. Gà thả ngoài bãi chắc thịt, béo vừa phải, chỉ cần luộc chín tới là dậy hương thơm. Bí quyết lại ở chỗ, khi mổ, người ta không phanh gà, xả nước mà rửa thật sạch bên ngoài rồi mới mổ từ mỏ đến diều rồi moi ruột sao cho khi bỏ ruột ra không một vết máu. Rồi gà được cho vào nồi đã rửa thật sạch, đổ nước, đậy vung bắc lên, trên bếp lửa không một sợi khói. Thật ra cách luộc gà ấy không mới, cái mới là mổ moi chứ không mổ phanh và đã lâu lắm người đô thị không còn được ăn thứ thịt gà thơm nguyên sơ như thế nữa. Gà đã nuôi nhốt, đã cho ăn cám con cò thì có chế biến khéo đến đâu cũng chỉ có thể có kiểu ngon khác, chứ cái hương vị gà tơ, gà thiến, gà mái ghẹ phảng phất trong từng miếng thịt thì đã không còn nữa.

Nói đến món thịt gà phải kể đến món canh gà Khai Trung. Gà làm sạch, chặt ra nấu canh gừng. Mùi gừng thơm cay như đội quân công binh khai phá con đường tiêu hóa của con người, để cho mùi thơm dịu của thịt gà dần dần lan tỏa. Canh gà vừa ngon vừa có tác dụng giải cảm, nghe đâu còn là một vị thuốc tăng cường sinh lực, đặc biệt có tác dụng khi trái gió đổi mùa. Thịt lợn, thịt dê, cá bống cũng được chế biến theo nguyên tắc ấy và đó cũng là nét ẩm thực riêng của Khai Trung.

Đến với Khai Trung là đến với vẻ đẹp nguyên sơ, với rừng sồi tự nhiên rộng trên 2 ha, những vườn cam trĩu quả, những hang động kỳ thú trên Núi Diêm, Nặm Trọ, Tắc én... Ngoài ra, Khai Trung còn nổi tiếng bởi các sinh hoạt văn hóa. Cũng là câu khắp, câu lượn nhưng âm sắc tiếng Tày của người Khai Trung làm cho câu hát thêm tình tứ thiết tha, điệu múa khăn, múa hoa thêm uyển chuyển.

Tất cả những tiềm năng ấy, nét đẹp văn hóa ấy mới bừng lên từ năm 1999, khi tiềm năng du lịch rất riêng của xã vùng cao này được phát hiện. Ngay lập tức, con đường bê tông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được khởi công. Người Khai Trung không có tiền đóng góp lớn nhưng công thì tháng rộng ngày dài, thu xếp là có được. Thế là công thức: Nhà nước cho xi măng, nhân dân đóng góp cát, sỏi, công, sức được thực thi bền bỉ suốt từ đó đến nay và 16 km đường từ Cầu Bến Lăn vào xã đã hoàn thành.

Với 212 hộ, 1.096 khẩu, Khai Trung đã làm cho trên 100 ha ruộng nước, 90 ha đỗ tương, 30 ha lạc, 35 ha ngô năng suất ngày càng cao. Mặt khác, Khai Trung đẩy mạnh quy hoạch bảo vệ rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng mới, nuôi cá bống, chăn nuôi đại gia súc. Việc phát triển các hoạt động văn hóa dân tộc cũng chính là nền tảng vững chắc cho du lịch Khai Trung ngày thêm phát triển.

ST
 
Suối Giàng - vẻ đẹp tiềm ẩn

Suối Giàng (Văn Chấn - Yên Bái) nằm trên độ cao 1.371m so với mực nước biển, nằm sâu trên dãy núi Phan Xi Phăng hùng vĩ thuộc huyện Văn Chấn - Nghĩa Lộ (Yên Bái). Đây là quê hương của thủy tổ loài chè trên thế giới, của hơn 300 gia đình đồng bào dân tộc Mông

Khí hậu ở đây bốn mùa se lạnh, tựa như Sapa, Đà Lạt. Du khách chỉ mất khoảng chút ít thời gian thả hồn cùng những dải lúa cong cong theo vạt núi, từng nương ngô, nương cải xanh non trong sương bay bảng lảng là thấy mình như đứng trên mây.

Phóng tầm mắt xuống biển lúa rộng mênh mông vàng óng Mường Lò - vựa lúa lớn thứ hai của Miền Tây Bắc - Việt Nam và thị xã thanh bình cùng nhịp sống của 13 dân tộc anh em. Du khách có thể lên những cây chè cổ thụ trên trăm tuổi, hái những búp chè xanh non cùng thiếu nữ Hmông mến khách, hay đi dạo dưới rừng Pơ mu hoặc phiêu du cùng thác Tập Lang rì rầm nước chảy.

1suoi_giang7.jpg


Suối Giàng nổi tiếng với cây chè tuyết, có cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đường kính lên tới 100cm. Chè tuyết nơi đây phát triển tự nhiên trong tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, chẳng cần phân bón mà vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc. Lộc non sao lên, pha nước sôi, hương vị bốc lên thơm ngây ngất, uống vào thấy đượm vị ngọt lâu, dù là "chè Thái, gái Tuyên" cũng chẳng sánh bằng. Bởi thế mà khách trong nước hay khách quốc tế đã từng đến nơi đây, dù giá chè đắt gấp 3-4 lần các loại chè khác cũng cố tìm mua đôi ba lạng chè tuyếtSuối Giàng về làm quà cho bạn bè, gia đình.

1suoi_giang5-2.jpg


1suoi_giang4-3.jpg


1suoi_giang3.jpg


1suoi_giang2.jpg


Nhiều gia đình dân tộc Mông ở đây cũng nhờ những gốc chè này mà làm nên cơ nghiệp, cải thiện sinh hoạt trong cuộc sống. Họ coi đó là cây chè của đất trời ban tặng cho người Mông, người Thái và xứ sở này.

Ở Hà Nội, giữa trưa hè nóng bức nhưng chỉ mất 260km đường ô tô đến với Suối Giàng là khách đến với một vùng trời mây non nước. Nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Suginô, Giám đốc hãng ảnh Miraica (Nhật Bản) từng đi nhiều nước trên thế giới, chụp hàng nghìn bức ảnh về cây chè và các dân tộc thiểu số, nhưng khi đến đây cũng phải ngạc nhiên thốt lên: "Rừng chè thiên nhiên kỳ diệu này có thể là một trong những cái nôi của loài chè trên thế giới".

suoi_giang1.jpg


Ngành du lịch Yên Bái đã quy hoạch khu du lịch sinh thái Suối Giàng, xây dựng trở thành khu du lịch với nhiều sản phẩm hấp dẫn: sinh thái nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hoá bản địa. Khu du lịch sinh thái Suối Giàng bốn mùa bồng bềnh trong mây, hấp dẫn du khách bởi khí hậu, vị ngọt của chè tuyết cổ thụ, của mật ong tinh khiết và tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng lời hát trao tình của các chàng trai, cô gái Hmông réo rắt gọi mời.

ST

 
Huyền ảo hồ Thác Bà

Nằm ở phía Tây Bắc tổ quốc, hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái, nơi được ví như “Hạ Long trên núi” là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam hình thành khi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà.

ho-thac-ba.jpg


Hồ nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Hồ rộng gần 20 nghìn ha gồm hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt gương hồ, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình.

Đi thuyền trên hồ Thác Bà, du khách không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Thác mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận. Thắp một nén nhang tại đền Mẫu, trút bỏ những tính toan bộn bề cuộc sống, cầu cho cõi lòng thanh thản nơi cửa Phật từ bi để tiếp tục cuộc hành trình đưa du khách khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của nhũ đá, của những tượng đá tự nhiên kỳ lạ ẩn chứa bao khát khao hoài bão của con người tại quần thể hang động đá vôi trên hồ như: Động Thuỷ Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, Thác Bà, Thác Ông ...
HoThacBa1.jpg


Núi Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà. Đứng trên đỉnh Cao Biền mà đón ánh ban mai hay đợi hoàng hôn buông trên hồ Thác thì không có gì thú hơn. Du khách được thoả sức phóng tầm mắt mà nhìn ngắm, mà cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, nét lung linh huyền ảo sắc nước gương trời của một vùng đất là nơi giao thoa giữa miền Tây Bắc và Trung du Bắc bộ, cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Để tìm lại dấu ấn xưa của chợ Ngọc, chợ Ngà nổi tiếng Thác Bà một thời bán, buôn sầm uất... Ngồi ca nô ngược dòng sông Chảy không bao xa du khách sẽ được thăm thú vùng đất Ngọc Lục Yên với những danh thắng nổi tiếng như động Chùa São, đền Đại Cại… và chiêm ngưỡng sự kỳ ảo của những tác phẩm tranh đá quý tự nhiên dưới bàn tay tài hoa của người thợ.

Được công nhận là Di sản văn hoá dân tộc từ tháng 9/1996, thắng cảnh hồ Thác Bà bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý như nằm trên trung lộ Hà Nội- Lào Cai, những làng, bản ven hồ Thác hiện nay vẫn còn giữ được nét hoang sơ, nguyên thuỷ cùng bản sắc văn hoá đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... Các lễ hội truyền thống, tập quán sinh hoạt văn hoá riêng có của từng tộc người vẫn đang là sự lôi cuốn du khách thăm thú, tìm kiếm và khám phá Thác Bà.

Thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, nơi quần tụ của 5 dân tộc, chủ yếu là đồng bào Dao quần trắng đã được Công ty Du lịch-Thương mại Yên Bái đầu tư, giới thiệu khách du lịch đến nghỉ ngơi thăm quan. Tại đây, du khách được hoà mình cùng nhịp sống thường nhật và những sinh hoạt văn hoá của người dân bản địa. Hiện nay thôn Ngòi Tu đã có nhiều hộ được đầu tư hoàn chỉnh đủ điều kiện để đón khách nước ngoài. Năm qua, thôn đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách thăm quan, chủ yếu đến từ các nước Đức, Pháp, Ý, Thuỵ Điển, Úc và Việt kiều.

Đến với các làng mạc vùng hồ Thác để thưởng thức hương vị tinh tế của những món ăn dân dã của đồng bào các dân tộc như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, móm thịt gà nấu măng chua hay món gỏi cá, nộm tôm. Du khách cũng có thể ghé chân vào những quán ăn nổi sát hồ để thưởng thức những món ăn đặc sản hồ Thác như ba ba, cá lăng, cá quả hay những món ăn chế biến từ cá trạch, cá bò...

Với nhiều cơ sở kinh doanh thương mại- du lịch đạt chất lượng cao như khách sạn Hào Gia, khách sạn Đồng Tâm... đặc biệt khách sạn Hạnh Hoa Viên, một trong những khách sạn với quy mô trên 10 ha, 51 phòng nghỉ cùng hệ thống dịch vụ như: bể bơi, hội trường gồm 600 đến 800 chỗ ngồi phục vụ các cuộc hội nghị, toạ đàm lớn, đại tiệc, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, ăn uống được đánh giá tốt nhất Yên Bái hiện nay sẽ là điểm dừng chân tiếp sức cho những hành trình tiếp theo của du khách.

Đến với nhà nghỉ Thung Lũng Xanh hay nhà nghỉ Sơn Trang du khách sẽ được thưởng thức một thức uống vừa lạ vừa quý – Tửu Lá. Thứ rượu được ngâm ủ, trưng cất từ men của lá rừng, từ rễ của cây rừng. 72 thứ rễ và cũng chững ấy loại rượu gắn với bí quyết gia truyền ba đời và những câu chuyện đời, chuyện nghề của 2 người đàn bà đẹp, giàu nghi lực và thành đạt ở vùng đất lũ Văn Chấn Yên Bái.

Thác Bà hiền hoà và quyến rũ - điểm đến tiềm năng đang đón mời sự kiếm tìm và khám phá của các nhà đầu tư và du khách thập phương.

ST
 
Cộng đồng dân tộc tại Yên Bái:

Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, tổng dân số toàn tỉnh là 752.868 người. Mật độ dân số bình quân năm 2008 là 109 người/km2, tập trung ở một số khu đô thị như thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các thị trấn huyện lỵ.


Theo số liệu điều tra, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có tới 30 dân tộc sinh sống, trong đó có 7 dân tộc có dân số trên 10.000 người. 2 dân tộc có từ 2.000 - 5.000 người, 3 dân tộc có từ 500 -2.000 người. Trong đó người Kinh chiếm 49,6%, người Tày chiếm 18,58%, người Dao chiếm 10,31%, người HMông chiếm 8,9% người Thái chiếm 6,7%, người Cao Lan chiếm 1%, còn lại là các dân tộc khác.
Sự phân bố các cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh có những đặc trưng sau:
+ Vùng thung lũng sông Hồng chiếm 41% dân số toàn tỉnh, trong đó: người Kinh 43%, người Tày chiếm 33%, người Dao chiếm 10%, người Hmông chiếm 1,3% so với dân số toàn vùng.

+ Vùng thung lũng sông Chảy chiếm 28% dân số toàn tỉnh. Trong đó người Kinh chiếm 43%, người Tày chiếm 11%, người Dao chiếm 13%, người Nùng chiếm 7%... so với dân số toàn vùng.

+ Vùng ba huyện phía Tây (Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn) chiếm 31% dân số toàn tỉnh.Trong đó: người Kinh là 33%; người Thái 19,2%, Tày 11,8%, Hmông 24,1%; người Mường 5,2% và người Dao 5,1% so với dân số toàn vùng.

Cộng đồng và các dân tộc trong tỉnh với những truyền thống và bản sắc riêng đã hình thành nên một nền văn hóa rất đa dạng và phong phú, có nhiều nét độc đáo, sâu sắc nhân văn và những truyền thống tập quán trong lao động sản xuất có nhiều bản sắc dân tộc.

 
Yên Bái có khoáng sản khá đa dạng, hiện đã điều tra 257 điểm mỏ khoáng sản, xếp vào các nhóm khoáng sản năng lượng, khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản kim loại và nhóm nước khoáng. Nhóm khoáng sản năng lượng gồm các loại than nâu, than Antraxit, đá chứa dầu, than bùn…; loại than nâu và than lửa dài tập trung ở ven sông Hồng, sông Chảy và các thung lũng bồn địa như Phù Nham (Văn Chấn).

Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng gồm đá vôi, đá ốp lát, sét gạch ngói, cát sỏi…được phân bố rộng rãi trên khắp địa bàn tỉnh. Nhóm khoáng chất công nghiệp gồm đầy đủ các nguyên liệu công nghiệp từ nguyên liệu phân bón, nguyên liệu hoá chất, nguyên liệu kỹ thuật, đặc biệt là đá quý và bán đá quý được phân bố chủ yếu ở Lục Yên và Yên Bình.

Nhóm khoáng sản kim loại có đủ các loại từ kim loại đen (sắt) đến kim loại nâu (đồng, chì, kẽm) và kim loại quý (vàng), đất hiếm phân bố chủ yếu ở hữu ngạn sông Hồng. Nhóm nước khoáng được phân bố chủ yếu ở vùng phía tây của tỉnh (Văn Chấn, Trạm Tấu), bước đầu được sử dụng tắm chữa bệnh.


 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top