• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Địa lý tỉnh Lào Cai

Tongthieugia

New member
Xu
0
ĐỊA LÍ LÀO CAI – ĐỊA LÝ TỈNH LÀO CAI

Nếu các bạn tìm trong Wikipedia, google, cổng thông tin điện tử Lào Cai sẽ thấy nhưng rất chung chung, nay mình xin được dùng chút kiến thức chuyên môn biên tập thêm cho các bạn cùng tìm hiểu, cảm ơn đã dành thời gian đọc bài này.
Thân ái!

I. KHÁI QUÁT CHUNG

Lịch sử

Lào Cai là một vùng đất cổ, diện mạo địa hình được hình thành cách nay 50-60 triệu năm, trong đợt tạo sơn cuối cùng, vỏ trái đất vặn mình, đứt gẫy. Hơn vạn năm trước, con người đã có mặt tại địa bàn tại đây. Tổ tiên người bản địa Lào Cai nay hồi đó cư trú khá tập trung ở các dải đồi ven sông Hồng, sông Chẩy, các cửa ngòi Mi, ngòi Nhù. Các chủ nhân văn hóa Hòa Bình ở Lào Cai đã biết làm nông nghiệp.

Trong buổi đầu các bộ tộc xác định ranh giới chủ quyền, thời Hùng Vương thuộc Tân Hưng, là một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang. Thời Âu Lạcthì vùng phía đông và phía nam Lào Cai thuộc bộ lạc Tây Vu, còn một phần đất phía đông và phía bắc Lào Cai hiện nay thuộc phạm vi của các bộ lạc nhỏ hơn không chịu thuần phục Lạc Việt.

Thời Bắc thuộc, ban đầu là địa phận thuộc huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ. Sau này thuộc là quận Tân Hưng, đất Giao Châu (thời Tây Tấn), sau là đất châu Đan Đường, Chu Quý thuộc Giao Chỉ (thời Tùy), tiếp đổi Lâm Tây châu, Đức Hóa châu thuộc phủ An Nam (thời Đường, 679.

Sau khi đánh chiếm Lào Cai (tháng 3 năm 1886), đế quốc Pháp cai quản địa hạt Lào Cai theo chế độ quân sự. Ngày 7 tháng 1 năm 1899, đạo quan binh IV được thành lập bao gồm Tiểu quân khu Yên Bái và Tiểu quân khu Lào Cai Lào Cai là đạo lỵ, thủ phủ của đạo quan binh IV.

Để dễ bề kiểm soát và tiến hành khai thác, thực dân Pháp đã chia lại khu vực hành chính và thay đổi chế độ cai trị. Ngày 12 tháng 7 năm 1907, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ đạo quan binh IV Lào Cai, chuyển từ chế độ quân quản sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai. Từ đây địa danh tỉnh Lào Cai được xác định trên bản đồ Việt Nam. Ngày 12 tháng 7 năm 1907 được xác định là ngày thành lập tỉnh Lào Cai.

Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, địa lý Lào Cai cũng có nhiều thay đổi
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới nằm phía Tây Bắc Việt Nam cách Hà Nội 296 km theo đường sắt và 345 km theo đường bộ. Phía đông giáp tỉnh Hà Giang; phía tây giáp tỉnh Sơn La và Lai Châu; phía nam giáp tỉnh Yên Bái, phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 203 km đường biên giới.

Cách ngày nay hơn vạn năm, con người đã có mặt tại địa bàn Lào Cai. Thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lào Cai thuộc bộ Tân Hưng, là một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang - là một trung tâm kinh tế chính trị lớn ở thượng nguồn sông Hồng.

Đến đời Đinh, Lý, Trần, Lê có biết bao biến động về địa danh... Đến đời nhà Nguyễn, vùng đất Lào Cai chủ yếu thuộc đất của châu Thuỷ Vỹ, châu Văn Bàn, một phần thuộc châu Chiêu Tấn và một phần nhỏ thuộc châu Lục Yên thuộc phủ Quy Hoá. Đến thời điểm này địa danh Lào Cai chưa được hình thành.

Vùng đất thị xã Lào Cai ngày nay xưa kia có một khu chợ, dần dần người ta mở mang thêm một phố chợ. Vì thế phố chợ đầu tiên này theo tiếng địa phương được gọi là Lão Nhai (tức Phố Cũ). Sau này người ta mở thêm một phố chợ khác gọi là Tân Nhai (Phố Mới ngày nay). Theo cố giáo sư Đào Duy Anh, từ Lão Nhai được biến âm thành Lao Cai và được gọi một thời gian khá dài. Khi làm bản đồ, người Pháp viết Lao Cai thành Lào Kay.

Danh từ Lào Kay đã dược người Pháp sử dụng trong các văn bản và con dấu. Nhưng trong giao tiếp và dân gian người ta vẫn gọi là Lao Cai. Sau ngày tỉnh Lao Cai được giải phóng (11-1950), đã thống nhất gọi là Lào Cai cho đến ngày nay.

Sau khi đánh chiếm Lào Cai (3 -1886) và khi hoàn thành công cuộc bình định quân sự, thực dân Pháp cai quản địa hạt Lào Cai theo chế độ quân sự. Ngày 7/01/1899, đạo quan binh IV được thành lập bao gồm Tiểu quân khu Yên Bái và Tiểu quân khu Lào Cai.

Lào Cai là đạo lỵ, thủ phủ của đạo quan binh IV. Để dễ bề kiểm soát và tiến hành khai thác bóc lột, thực dân Pháp đã chia lại khu vực hành chính và thay đổi chế độ cai trị. Ngày 12/7/1907, toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ đạo quan binh IV Lào Cai, chuyển từ chế độ quân quản sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai.

Từ đây địa danh tỉnh Lào Cai được xác định trên bản đồ Việt Nam. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, địa lý Lào Cai cũng có nhiều thay đổi. Về địa đanh hành chính,qua nhiều lần tách nhập:

- Thành lập tỉnh dân sự Lào Cai (12/7/1907), phần đất của châu Thuỷ Vỹ bên hữu ngạn sông Hồng sáp nhập vào Chiêu Tấn, vẫn lấy tên là châu Thuỷ Vỹ. Từ đó địa danh Chiêu Tấn không còn. Phần đất của châu Thuỷ Vỹ bên tả ngạn sông Hồng được tách ra lập thành châu Bảo Thắng.

Tỉnh Lào Cai gồm hai châu Thuỷ Vỹ, Bảo Thắng và các đại lý Mường Khương, Phong Thổ, Bát Xát, Bắc Hà (Pa Kha) và thị xã Lào Cai, trong đó có 855 làng bản, 6.812 hộ, 39.099 nhân khẩu, với 11 dân tộc chủ yếu: Hmông, Dao, Tày, Giáy... trong đó người Hmông chiếm 26,56%, Dao 22,41%, Tày, Giáy 20,77%, Kinh 4,52%, Nùng 7,33%, Thái 9,25%, U Ní 2,48%, Hoa Kiều 4,44%, còn lại là các dân tộc khác.

- Sau khi tỉnh Lào Cai được giải phóng lần thứ nhất, Lào Cai được chia thành 8 huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Bản Lầu, Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát, Phong Thổ và thị xã Lào Cai.

- Ngày 7/5/1955, khu tự trị Thái Mèo được thành lập, huyện Phong Thổ của tỉnh Lào Cai chuyển sang khu tự trị Thái Mèo, sau này thuộc tỉnh Lai Châu.

- Ngày 27/3/1975, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V đã nghị quyết hợp nhất ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh mới lấy tên là Hoàng Liên Sơn.

- Ngày 17/4/1979, Hội đồng Chính phủ ra quyết định hợp nhất thị xã Lào Cai và Cam Đường thành thị xã Lào Cai trực thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.

- Ngày 12/8/1991 kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Ngày 10/10/1991 tỉnh Lào Cai được tái lập, trên cơ sở vùng đất Lào Cai (cũ) và bổ sung thêm ba huyện: Bảo Yên, Văn Bàn (thuộc Yên Bái cũ), Than Uyên (thuộc Nghĩa Lộ cũ) bao gồm 8 huyện, hai thị xã.

- Ngày 9/6/1992, Hội đồng Bộ trưởng quyết định tách thị xã Lào Cai thành hai thị xã Lào Cai và Cam Đường.

- Ngày 30/12/2000, huyện Bắc Hà được tách thành hai huyện Si Ma Cai và Bắc Hà.
- Ngày 31/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường thành thị xã tỉnh lỵ Lào Cai.
- Ngày 1/01/2004, huyện Than Uyên được tách ra thuộc tỉnh Lai Châu (mới).
- Ngày 30/11/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 195/2004/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai gồm thành phố Lào Cai và 8 huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn. Diện tích tự nhiên 6.383,88 km2.

Đơn vị hành chính

Lào Cai bao gồm 1 thành phố trực thuộc và 8 huyện

Thành phố Lào Cai 12 phường và 5 xã
Huyện Bảo Thắng 3 thị trấn và 12 xã
Huyện Bảo Yên 1 thị trấn và 17 xã
Huyện Bát Xát 1 thị trấn và 22 xã
Huyện Bắc Hà 1 thị trấn và 20 xã
Huyện Mường Khương 1 thị trấn và 15 xã
Huyện Sa Pa 1 thị trấn và 17 xã
Huyện Si Ma Cai 13 xã
Huyện Văn Bàn 1 thị trấn và 22 xã

Tỉnh Lào Cai có 164 đơn vị cấp xã gồm 12 phường, 9 thị trấn và 143 xã.


II. VỊ TRÍ ĐỊA LÍ- ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN-TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

1.Vị trí địa lí

Vị trí địa lý: Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm chính giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội 296 km theo đường sắt và 345 km theo đường bộ. Tỉnh Lào Cai được tái lập tháng 10/1991 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Từ ngày 01/01/2004 (sau khi tách huyện Than Uyên sang tỉnh Lai Châu) diện tích tự nhiên: 6.383,88 km2 (chiếm 2,44% diện tích cả nước, là tỉnh có diện tích lớn thứ 19/64 tỉnh, thành phố cả nước).

Phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với 203 km đường biên giới.

2. Điều kiện tự nhiên

Địa hình

Địa hình: Địa hình Lào Cai rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh. Hai dãy núi chính là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi cùng có hướng Tây Bắc - Đông Nam nằm về phía đông và phía tây tạo ra các vùng đất thấp, trung bình giữa hai dãy núi này và một vùng về phía tây dãy Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra còn rất nhiều núi nhỏ hơn phân bố đa dạng, chia cắt tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau.

Do địa hình chia cắt nên phân đai cao thấp khá rõ ràng, trong đó độ cao từ 300m - 1.000m chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh. Điểm cao nhất là đỉnh núi Phan Xi Păng trên dãy Hoàng Liên Sơn có độ cao 3.143m so với mặt nước biển, Tả Giàng Phình: 3.090m.

Dải đất dọc theo sông Hồng và sông Chảy gồm thành phố Lào Cai - Cam Đường - Bảo Thắng - Bảo Yên và phần phía đông huyện Văn Bàn thuộc các đai độ cao thấp hơn (điểm thấp nhất là 80 m thuộc địa phận huyện Bảo Thắng), địa hình ít hiểm trở hơn, có nhiều vùng đất đồi thoải, thung lũng ruộng nước ruộng, là địa bàn thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp hoặc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng.

Khí hậu

Khí hậu: Lào Cai có khí hậu nhiệt đới gió mùa, song do nằm sâu trong lục địa bị chia phối bởi yếu tố địa hình phức tạp nên diễn biến thời tiết có phần thay đổi, khác biệt theo thời gian và không gian. Đột biến về nhiệt độ thường xuất hiện ở dạng nhiệt độ trong ngày lên cao hoặc xuống thấp quá (vùng Sa Pa có nhiều ngày nhiệt độ xuống dưới 00C và có tuyết rơi).

Khí hậu Lào Cai chia làm hai mùa: mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình nằm ở vùng cao từ 150C - 200C (riêng Sa Pa từ 140C - 160C và không có tháng nào lên quá 200C), lượng mưa trung bình từ 1.800mm - >2.000mm. Nhiệt độ trung bình nằm ở vùng thấp từ 230C - 290C, lượng mưa trung bình từ 1.400mm - 1.700mm.

Sương: Sương mù thường xuất hiện phổ biến trên toàn tỉnh, có nơi ở mức độ rất dày. Trong các đợt rét đậm, ở những vùng núi cao và các thung lũng kín gió còn xuất hiện sương muối, mỗi đợt kéo dài 2 - 3 ngày.

Đặc điểm khí hậu Lào Cai rất thích hợp với các loại cây ôn đới, vì vậy Lào Cai có lợi thế phát triển các đặc sản xứ lạnh mà các vùng khác không có được như: hoa, quả, thảo dược và cá nước lạnh.


3. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất:

Có 10 nhóm đất chính, được chia làm 30 loại đất. 10 nhóm đất là: đất phù sa, đất lầy, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn vàng đỏ, đất mùn alit trên núi, đất mùn thô trên núi, đất đỏ vàng bị biến đổi do trồng lúa, đất sói mòn mạnh trơ sỏi đá và đất dốc tụ. Xin giới thiệu một số nhóm đất đang được sử dụng thiết thực:

- Nhóm đất phù sa: diện tích nhỏ, chiếm 1,47% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu dọc sông Hồng và sông Chảy, có độ phì tự nhiên khá cao, thích hợp đối với các loại cây lương thực, cây công nghiệp.

- Nhóm đất đỏ vàng: thường có màu nâu đỏ, đỏ nâu, đỏ vàng hoặc vàng đỏ rực rỡ. Hình thành và phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh ở độ cao 900m trở xuống, diện tích chiếm trên 40% diện tích tự nhiên. Nhóm đất này có độ phì nhiêu khá cao, thích hợp với cây công nghiệp dài ngày, cây hàng năm.

- Nhóm đất mùn vàng đỏ: chiếm trên 30% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung tại các huyện Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn. Nhóm đất này thích hợp trồng các loại cây dược liệu quý, cây ăn quả và nhiều loại rau ôn đới quan trọng của tỉnh. Đồng thời, nhóm đất này có thảm thực vật rừng phong phú, đa dạng bậc nhất của tỉnh.

- Nhóm đất mùn alit trên núi: chiếm 11,42% diện tích tự nhiên, tập trung ở huyện Sa Pa, Văn Bàn... có thảm rừng đầu nguồn khá tốt, thích hợp với một số loại cây trúc cần câu, đỗ quyên, trúc lùn, rừng hỗn giao.

- Nhóm đất đỏ vàng bị biến đổi màu do trồng lúa: đây là các loại đất feralitic hoặc mùn feralitic ở các sườn và chân sườn ít dốc được con người bỏ nhiều công sức tạo thành các ruộng bậc thang để trồng trọt hoa màu. Diện tích chiếm khoảng 2% diện tích tự nhiên phân bố rải rác ở các huyện tạo nên những cảnh quan ruộng bậc thang rất đẹp mà tiêu biểu là hai huyện Bắc Hà và Sa Pa.

* Với đặc diểm đất đai nói trên, trong quá trình quản lý, sử dụng được chia như sau:
- Đất nông nghiệp: 76.930 ha bao gồm:

+ Đất trồng cây hàng năm: 59378 ha, trong đó đất lúa có 28.215 ha
+ Đất trồng cây lâu năm: 12.668 ha
+ Đất cỏ dùng vào chăn nuôi: 3.363 ha
+ Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 1.521 ha
- Đất lâm nghiệp: 307.573 ha, trong đó rừng tự nhiên có 24943 ha.
- Đất ở: 3.307 ha.
- Đất chuyên dùng: 31.330 ha.
- Đất chưa sử dụng và sông suối, núi đá: 219.249 ha.

Tài nguyên nước:

Lào Cai có hệ thống sông suối dày đặc được phân bố khá đều trên địa bàn tỉnh với 2 con sông lớn chảy qua là sông Hồng (130 km chiều dài chảy qua tỉnh) và sông Chảy bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) có chiều dài đoạn chảy qua tỉnh là 124 km. Ngoài 2 con sông lớn, trên địa bàn tỉnh còn có hàng nghìn sông, suối lớn nhỏ (trong đó có 107 sông, suối dài từ 10 km trở lên). Đây là điều kiện thuận lợi cho Lào Cai phát triển các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, nguồn nước nguồn ước tính có trữ lượng xấp xỉ 30 triệu m3, trữ lượng động khoảng 4.448 triệu m3 với chất lượng khá tốt, ít bị nhiễm vi khuẩn.

Theo các tài liệu điều tra, trên địa bàn tỉnh có bốn nguồn nước khoáng, nước nóng có nhiệt độ khoảng 400C và nguồn nước siêu nhạt ở huyện Sa Pa, hiện chưa được khai thác, sử dụng.

Tài nguyên rừng:


- Rừng: 307.573 ha, trong đó có 249.434 ha rừng tự nhiên và 58.139 ha rừng trồng.
- Thực vật rừng: rất phong phú cả về số lượng loài và tính điển hình của thực vật. Riêng tại khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sơn đã phát hiện được 847 loài thực vật thuộc 164 họ, 5 ngành, trong đó có nhiều loại quý hiếm như: Lát Hoa, Thiết Sam, Đinh, Nghiến,...

- Động vật rừng: theo các tài liệu nghiên cứu, Lào Cai có 442 loài chim, thú, bò sát, ếch nhái. Trong đó thú có 84 loài thuộc 28 họ, 9 bộ; chim có 251 loài thuộc 41 họ, 14 bộ; bò sát co 73 loài thuộc 12 họ,..
.
Tài nguyên khoáng sản:

Tới nay đã phát hiện được 150 mỏ và điểm mỏ với trên 30 loại khoáng sản, trong đó có một số mỏ khoáng sản đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng thuộc loại quy mô lớn nhất nước và khu vực như: mỏ A Pa Tit Cam Đường với trữ lượng 2,5 tỷ tấn,

mỏ sắt Quý Sa trữ lượng 124 triệu tấn, mỏ đồng Sin Quyền trữ lượng 53 triệu tấn, mỏ Molipden Ô Quy Hồ trữ lượng 15,4 nghìn tấn.
Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng là cơ sở để ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản khẳng định là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.

Tài nguyên du lịch:

Trọng tâm là khu du lịch nghỉ mát Sa Pa - một trong 21 trọng điểm du lịch của Việt Nam. Sa Pa nằm ở độ cao trung bình từ 1.200m - 1.800m, khí hậu mát mẻ quanh năm, có phong cảnh rừng cây núi đá, thác nước và là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc như chợ vùng cao, chợ tình Sa Pa,...

Đỉnh núi Phan Xi Păng - nóc nhà của Việt Nam có dãy núi Hoàng Liên Sơn và khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên hấp dẫn nhiều nhà khoa học, khách du lịch.

Lào Cai có nhiều địa danh lịch sử, hang động tự nhiên và các vùng sinh thái nông nghiệp đặc sản như mận Bắc Hà, rau ôn đới, cây dược liệu quý, cá hồi (Phần Lan), cá tầm (Nga)...Và đặc biệt, đây còn là nơi mang đậm nét đặc trưng văn hoá độc đáo của nhiều dân tộc anh em.

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu cũng là một điểm du lịch thú vị mà điểm dừng chân không thể là nơi nào khác ngoài thành phố Lào Cai.

Và đặc biệt, là tỉnh miền núi cao, đang phát triển nên Lào Cai còn giữ được cảnh quan môi trường đa dạng và trong sạch. Đây sẽ là điều quan trọng tạo nên một điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.

Tài nguyên nhân văn:

Với hơn 20 nhóm dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai trở thành mảnh đất phong phú về bản sắc văn hoá, về truyền thống lịch sử, di sản văn hoá,... Theo kết quả điều tra, hiện dân tộc Thái còn lưu trữ hơn 100 bộ sách bằng chữ Pali ra đời từ thế kỉ XIII; dân tộc Tày, Dao, Giáy có hàng nghìn bản sách cổ bằng chữ Nôm.

Đặc biệt tại huyện Sa Pa có bãi đá cổ được chạm khắc hoa văn thể hiện các hình tượng, bản đồ, chữ ký, ký hiệu,...Hơn nữa, những biến động trong lịch sử đã để lại cho Lào Cai nhiều di tích nổi tiếng như đền Bảo Hà, đền Thượng, kiến trúc nhà Hoàng A Tưởng,... Không chỉ nhiều di sản vật thể và phi vật thể được phát hiện, bảo tồn mà một kho tàng văn học dân gian đồ sộ đến nay vẫn chưa được khám phá hết.

II. DÂN CƯ VÀ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ XÃ HỘI

1.Dân cư

Tổng dân số toàn tỉnh: 613.075 người, trong đó:
- Số người trong độ tuổi lao động: chiếm 52%;
- Mật độ dân số bình quân: 96 người/km2.

Dân tộc: Có 25 nhóm ngành dân tộc cùng chung sống hoà thuận, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64,09% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Kinh chiếm 35,9%, dân tộc Hmông chiếm 22,21%, tiếp đến là dân tộc Tày 15,84%, Dao 14,05%, Giáy 4,7%, Nùng 4,4%, còn lại là các dân tộc đặc biệt ít người Phù Lá, Sán Chay, Hà Nhì, La Chí,...


2.Điều kiện kinh tế xã hội

Giao thông

Với 203 km đường biên giới với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, Lào Cai là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của cả nước nối liền với nước bạn Trung Hoa.

Là một tỉnh miền núi nên địa hình Lào Cai phức tạp, nhiều đồi núi cao, chia cắt mạnh, rất khó khăn cho việc phát triển giao thông.

Nhưng bằng sự nỗ lực hết mình trong hơn 10 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh, ngành giao thông vận tải Lào Cai đã xây dựng được một hệ thống giao thông thông suốt 4 mùa, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm nhiệm được vai trò cầu nối của cả nước với vùng Tây Nam - Trung Quốc rộng lớn.

Lào Cai là một trong số ít tỉnh miền núi có mạng lưới giao thông vận tải đa dạng, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường sông.

- Đường bộ: Có 4 tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh (4D, 4E.279.70) với tổng chiều dài trên 400 km; 8 tuyến tỉnh lộ với gần 300 km và gần 1.000 km đường liên xã, liên thôn. Mạng lưới giao thông phân bố rộng khắp và khá đông đều trên địa bàn các huyện, thị đảm bảo giao thông thuận lợi. Hiện tại tuyến quốc lộ 70 đang được cải tạo nâng cấp (hoàn thành vào đầu năm 2009).

+ Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai phía hữu ngạn sông Hồng đang được triển khai xây dựng, theo tiến độ đến 2012 hoàn thành đi vào khai thác, với chiều dài 264km, điềm nối với đường cao tốc Côn Minh – Hà Khẩu giai đoạn 1 qua cầu đường bộ biên giới khu Thương mại – Công nghiệp Kim Thành (Lào Cai); Dự án sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Đây là công trình trọng điểm quốc gia nằm trong chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mêkông (GMS).
+ Tính đến năm 2007, Lào Cai đã có đường ô tô đến trung tâm tất cả các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đường sắt: Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai dài 296 km, đoạn qua địa phận Lào Cai dài 62 km được nối với đường sắt Trung Quốc, năng lực vận tải khoảng 1 triệu tấn/năm và hàng ngàn lượt khách/ngày đêm.

Theo kế hoạch năm 2009 tuyến đường này sẽ được cải tạo nâng cấp, sử dụng vốn của ADB, hoàn thành vào năm 2011. Ngoài ra còn có đường sắt nối từ Phố Lu vào mỏ Apatít Cam Đường và một nhánh từ Xuân Giao đi Nhà máy Tuyển quặng Tằng Loỏng, với tổng chiều dài 58 km, theo thiết kế có 50 đôi tàu/ngày đêm.

- Đường sông: Có 2 tuyến sông Hồng và sông Chảy chạy dọc tỉnh, tạo thành một hệ thống giao thông đường thuỷ liên hoàn. Đường sông Lào Cai chưa thực sự phát triển mạnh mặc dù trên địa bàn tỉnh có rất nhiều sông lớn như sông Hồng dài 130 km (trong đó nội địa có 75 km và chung biên giới với Trung Quốc khoảng 55 km).

Tuy nhiên do có nhiều ghềnh thác chưa được chỉnh trị nên khả năng vận tải còn hạn chế.

- Đường hàng không: Chính phủ đã có chủ trương xây dựng sân bay tại Lào Cai trong giai đoạn 2010 – 2015.

Trong lĩnh vực giao thông đối ngoại ngành giao thông vận tải Lào Cai đã có quan hệ chặt chẽ với ngành giao thông Vân Nam - Trung Quốc.

Những năm qua, hai bên thường xuyên trao đổi các vấn đề liên quan đến giao thông giữa hai nước như: xây dựng các cầu qua sông biên giới hai nước, thực hiện tốt Hiệp định vận tải đã ký kết...

Hạ tầng điện - nước

- Hạ tầng mạng lưới điện: 9/9 huyện, thành phố; 164 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia. 75% hộ dân được sử dụng điện lướt. Tiềm năng thuỷ điện của Lào Cai khoảng 11.000MW; đã cho phép đầu tư 68 công trình với tổng công suất 889MW, dự kiến đến 2010 sẽ phát điện khoảng 700MW.

Ngoài ra từ năm 2006, ngành Điện lực Việt Nam đã hoàn thành đấu nối đường dây 220 KV Yên Bái – Lào Cai – Hà Khẩu để nhập khẩu điện từ Vân Nam (Trung Quốc) với nhu cầu sản lượng khoản 300MW đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về điện cho sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư trước mắt cũng như lâu dài.

- Hạ tầng mạng lưới cấp thoát nước: Hiện tại đã có hệ thống cấp nước sạch tại thành phố Lào Cai và hầu hết các huyện, cùng với hệ thống giếng khoan đang cung cấp nước sạch cho 69% dân số toàn tỉnh.

3. Hạ tầng thông tin liên lạc:

- Hạ tầng bưu chính: Tính đến 30/9/2008, có 227 điểm phục vụ, trong đó: có 25 Bưu cục, 127/144 xã có điểm bưu điện văn hoá xã; 125 đại lý bưu điện, 100% trung tâm huyện, thành phố có báo đến trong ngày. Bán kính phục vụ bình quân 2,7km/điểm phục vụ; bình quân số dân được phục vụ là 2.143 người/điểm phục vụ (đạt 97% chỉ tiêu đến năm 2010).

- Hạ tầng viễn thông: So với những năm trước, mạng lưới viễn thông của tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển vượt bậc. Hiện nay trên toàn mạng có 57 tuyến cáp quang, 30 tuyến truyền dẫn Vi ba, 170 trạm BTS. Mật độ điện thoại đạt 32 máy/100 dân (đạt 100% chỉ tiêu đến năm 2010).

Thuê bao Internet đạt trên 11.900 thuê bao trong đó thuê bao băng rộng đạt 5.672 thuê bao. Theo hướng dẫn về hệ số quy đổi của Bộ Tthông tin và Truyền thông mật độ sử dụng Internet của tỉnh Lào Cai đạt 10,5/100 dân.

Hạ tầng công nghệ thông tin:

Hạ tầng Công nghệ thông tin được phát triển ổn định. Dự án mạng LAN đô thị với quy mô và công nghệ hiện đại đang trong quá trình xây lắp, đảm bảo đến quý II năm 2009 hoàn thành giai đoạn đầu dự án, đảm bảo nhu cầu sử dụng của các cơ quan khi đi chuyển về khu hành chính mới.

Sau khi hoàn thành giai đoạn II (năm 2010) đảm bảo tỉnh Lào Cai sẽ có một hạ tầng truyền dẫn đáp ứng được nhu cầu đến 2020 và có khả năng mở rông cho các giai đoạn tiếp theo.

Việc phát triển hạ tầng CNTT tại các sở, ban, ngành đã được chú trọng đầu tư, kết nối Internet phục vụ cho công tác quản lý, điều hành. Đến nay đã có 42/59 cơ quan nhà nước có mạng LAN; tỷ lệ máy tính kết nối Internet chiếm hơn 60%. Chỉ số ICT Index năm 2007 của Lào Cai xếp thứ 31/64 tỉnh thành.


Nguồn lao động:

năm 2007 tổng số có 337.803 người (số người trong độ tuổi lao động là 319288 người, trong đó số người có khả năng lao động là 315.261 người; số người ngoài độ tuổi thực tế tham gia lao động là 22.542 người).

Cơ cấu lao động theo các ngành nghề: Nông nghiệp và lâm nghiệp 227.027 người; Thuỷ sản 330 người; Công nghiệp khai thác mỏ 5.238 người;

Công nghiệp chế biến 6.821người; Sản xuất và phân phối điện, khí đạt và nước 867; Xây dựng 11.650; Thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ và đồ dùng cá nhân 13.145; Khách sạn và nhà hàng 3.745; Vận tải, thông tin liên lạc 4.406; Tài chính, tín dụng 799;

Hoạt động Khoa học và Công nghệ 120; Hoạt động kinh doanh tài sản, dịch vụ tư vấn 593; Quản lý nhà nước an ninh quốc phòng 8.704; Giáo dục & đào tạo 12.257; Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội 2.208; Hoạt động Văn hoá - thể thao 882; Hoạt động Đảng, đoàn thể, hiệp hội 1.813; Hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng 889.

Giáo dục và đào tạo:

Có 161 trường mẫu giáo, 229 trường tiểu học, 7 trường phổ thông cơ sở, 186 trường trung học cơ sở, 22 trường trung học phổ thông, 2 trường đào tạo công nhân kỹ thuật, 1 trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật, 1 trường Trung cấp Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch, 1 Trường trung học Y tế, 1 Trường Cao đẳng Sư phạm.

Y tế

100% số xã, phường, thị trấn có Trạm xá và cán bộ y tế. Có 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 8 bệnh viện tuyến huyện và 36 phòng khám đa khoa khu vực với 2.180 giường điều trị.


Khu vực I: Là các xã có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi. Chủ yếu là các xã ở vùng thấp, gần trung tâm các huyện, thành phố, giao thông và các dịch vụ xã hội thuận lợi.

- Khu vực II: Là các xã có điều kiện phát triển kinh tế- xã hội khó khăn, phần lớn các xã này nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại còn tương đối khó khăn; các dịch vụ xã hội cơ bản đã được đáp ứng tương đối tốt.

- Khu vực III: Là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã ở vùng sâu vùng biên giới, xa các trung tâm huyện, thành phố; địa hình bị chia cắt mạnh, giao thông đi lại còn rất nhiều khó khăn; các dịch vụ xã hội còn hạn chế

--------------Biên tập: Tống Chiên-------------------
 
LÊN NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG

phan%20xi%20pang%202.jpg


Hiện nay, chưa có tài liệu nào công bố ai là người đầu tiên đặt chân đến đỉnh Phan xipăng. Tuy nhiên, vào năm 1924, trên những ấn phẩm quảng bá chương trình du lịch Sa Pa, có giới thiệu tour leo núi Phanxipăng. Đến năm 1960, một đoàn chuyên gia Ba Lan, sau chuyến khảo sát địa chất, đã xây dựng trên đỉnh trụ hình kim tự tháp làm cột mốc.


Đất nước thống nhất, ngành du lịch bắt đầu mở mang và thời điểm năm 1984 được xem là sự kiện đáng nhớ đối với người làm du lịch tại cao nguyên Sa Pa khi đón đoàn vận động viên hỗn hợp Nga - Đức tổ chức cuộc thi chinh phục Phanxipăng. Nhằm kỷ niệm chuyến đi, người ta để lại hộp hình chóp nhọn bằng kim loại, thay thế trụ bê tông bị huỷ hoại vì thời gian năm tháng.

Ba lối lên đỉnh Phanxipăng

Nếu xuất phát từ huyện lỵ Sa Pa nằm độ cao 1.600m so với mặt biển, thì hiện nay có 3 con đường lên đỉnh Phanxipăng cao 3.143m: một theo quốc lộ 4D đến đèo núi Xẻ (Ô Quy Hồ ) cao 1.920m, rồi vòng ngược lại về phía đông trên chặng đường dài 11km 900. Bình quân cứ 1km đường dài sẽ tăng 100m độ cao, qua nhiều đồi trọc, những con suối trong trẻo, lạnh buốt những cánh rừng già chen kín loại cây đặc chủng: đỗ quyên, gõ đỏ, trúc dầu, hồi lá mỏng v.v... Hướng này, rất thuận tiện, dễ đi bởi hầu hết đoạn đường qua vực núi, sườn dốc đều được xây bê tông, lan can bảo hiểm, chỉ mất 16 giờ đồng hồ là có thể đặt chân đến đỉnh và trở về.

Hướng thứ hai từ bản Xín Chải, khách phải cật lực vượt nhiều dốc đứng, vực thẳm trong suốt thời gian gần bốn ngày mới hy vọng lên tới "nóc nhà Đông Dương". Tuy nhiên ngõ này không hấp dẫn bằng hướng làng Cát Cát là đường thứ ba vì địa hình đa dạng, thảm thực vật lạ mắt, tầm nhìn rộng lớn khắp bốn bề.

phan%20xi%20pang%201.jpg
Một góc nhìn từ đỉnh Phan Xi Păng

Ngày đầu tiên, khách khởi hành từ làng Cát Cát, tên một bản của người Mông với độ cao 1.200m, sau đó vượt dốc và đi ngược về thượng nguồn của con suối lớn để gặp cửa rừng, trạm dừng chân đầu tiên. Tiếp tục qua nhiều thung lũng, những ghềnh đá chông chênh bên nương thảo quả của người bản địa. Cuối cùng là dùng hai tay đu bám hoặc trườn mình chinh phục dốc cao 400 mét trước khi hạ trại, dựng lều ngủ qua đêm ở độ cao 2.400m.

Bước sang ngày thứ hai, được xem là ngày khó khăn nhất trong suốt hành trình bởi nhiều lý do: càng lên cao không khí càng loãng khiến nhịp thở luôn thiếu ôxy gây mệt mỏi. Lộ trình lên xuống, nhấp nhô, qua nhiều dốc cao 300, 500m, những vực thẳm trơn trượt, cheo leo. Đường đi hay bị tắc do suối, thác, cây rừng nên có đoạn phải cắt rừng, mở lối; thời tiết thất thường, nên hay gặp mưa dầm hoặc gió lốc mạnh gần đỉnh núi … Chưa kể vào mùa đông nhiệt độ trên núi có thể hạ xuống 4 đến 6oc gây ra hiện tượng tuyết rơi hoặc đóng băng…

Nếu vượt qua được thử thách ngày thứ hai có nghĩa đủ sức lên đến tận đỉnh. Từ điểm hạ trại nghỉ đêm đồng thời là đỉnh 2.900m (dãy núi Phanxipăng có 3 ngọn núi và đỉnh cao nhất mang tên Pu Luang nằm vị trí chính giữa) khách bắt đầu xuống dốc ở vị trí 2.600m rồi sau đó theo con đường đất xuyên suốt cánh rừng tạp dày đặc. Những lúc lên dốc, không gì tốt hơn là hai tay nắm chặt từng đám trúc dầu để làm điểm tựa nhoài mình lên phía trước.

Ghi dấu thế giới tự nhiên


phan%20xi%20pang%203.jpg


Thông thường khách hay chọn tour khởi hành hướng Cát Cát và trở về phía Ô Quy Hồ vì thời gian sẽ ngắn hơn đồng thời chỉ trong 3 ngày - 2 đêm người ta sẽ đạt được hai mục đích: đối mặt với cuộc hành trình đầy gian khổ, hiểm nguy để tìm cảm giác của kẻ chinh phục và khám phá đại ngàn Hoàng Liên Sơn bên kia dãy Phanxipăng.

Hàng năm có 2 mùa thuận tiện cho việc tổ chức chinh phục Phanxipăng: mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 4 và mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11 do thời tiết bắt đầu nắng ấm, khô ráo, nhiệt độ về đêm không xuống quá 10 o C. Đây cũng là lúc, khách sẽ có nhiều cơ may "săn" những ảnh đẹp mà chủ đề chính là thiên nhiên hoang dã với rừng tùng cổ thụ, rừng trúc xanh mướt, những con suối nước chảy trắng xoá, những khu vực quần thể đá muôn hình vạn trạng và trên hết là được ngắm nhìn mặt trời đỏ rực sau những đám mây bồng bềnh như bông lơ lửng dưới chân.

Chinh phục Phanxipăng không khó nếu khách có khả năng đi bộ ít nhất mỗi ngày khoảng 10km đồng thời không sợ độ cao, chấp nhận sinh hoạt trong điều kiện tối thiểu và chưa hề bị bệnh tim mạch. Tham dự tour dài ngày, khách phải trả tiền thuê hướng dẫn viên 200.000 đến 250.000 đồng/ngày tuỳ đẳng cấp, kinh nghiệm, tiền ăn 100.000 đồng/ngày, vé tham quan thắng cảnh, bảo hiểm, phí vệ sinh môi trường 165.000 đồng/trọn tour. Ngoài ra cứ nhóm 2 khách sẽ thuê một người bản địa chuyên khuân vác dụng cụ, lương thực, lều trại, túi ngủ và đi tiền trạm, nấu ăn với giá 150.000 đồng/ngày. Riêng tour đi và về trong ngày, khách chỉ tốn khoảng 500.000 đồng cho 3 khoản: hướng dẫn viên, ăn uống và bảo hiểm.


ST


 
Cao nguyên trắng Bắc Hà

Được mệnh danh là cao nguyên trắng trên vùng đất giáp biên giới, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với hàng chục hang động, đa dạng về tiểu vùng khí hậu và phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, Bắc Hà vẫn là thị trấn buồn heo hút của vùng núi Lào Cai.

Nửa đêm đi chợ Bắc Hà

Thế nhưng có lẽ vì nghèo, không được đầu tư nên Bắc Hà vẫn may mắn giữ được vẻ đẹp hoang sơ nguyên vẹn của mình. Bốn giờ sáng chủ nhật, thị trấn đã bị đánh thức bởi tiếng xe máy gầm rú, cả tiếng chân ngựa gõ lộp cộp trên đường chở mận từ vườn nhà vào bán ở chợ trung tâm.

Chợ Bắc Hà họp một tháng bốn phiên vào mỗi sáng chủ nhật. Để chuẩn bị cho một buổi chợ, người ta phải dạy từ rất sớm, có khi phải băng rừng lội suối suốt đêm để có mặt tại chợ vào sáng tinh mơ.

vuot-duong-xa-den-cho-bac-h.jpg

Những người phụ nữ đến chợ phiên Bắc Hà như một sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu


bac-ha-9.jpg

Bắc Hà là nơi duy nhất ở Lào Cai có chợ ngựa


Có gì mang ra chợ bán nấy, thậm chí trong nhà không có gì bán cũng phải đi chợ, vì đi chợ phiên không phải chỉ để mua bán. Nói đúng hơn, mua bán là phụ, cái chính là sinh hoạt tinh thần không thể thiếu của đồng bào 14 dân tộc thiểu số ở Bắc Hà.

Năm giờ sáng, tôi hòa mình vào dòng người lầm lũi đổ về chợ. Có thể cưỡi ngựa, đi xe ca, nhưng phổ biến nhất là… cuốc bộ. Tưởng 5 giờ đã là sớm, thế nhưng rất nhiều người H’Mông đã có mặt từ 2-3 giờ sáng và ngủ luôn tại chợ chờ ông mặt trời lên.

Pá ở xã Đồng Xuây là một người như thế. Khi tôi đến, chị đang loay hoay xếp lại những quả cà chua cực nhỏ. Giá một cân cà chua của Pá là 5.000 đồng, còn mua theo bát thì 2000 đồng. Sạp cà chua của Pá, nếu bán hết không biết có được nổi 30.000 đồng không? Nhưng Pá bảo, tuần nào cũng phải dạy từ 2 giờ sáng, đi chợ vui lắm, vì được gặp nhiều người, được nói chuyện.


bac-ha-2.jpg


bac-ha-1.jpg

Những món hàng hóa lặt vặt mà người dân mang đến chợ Bắc Hà


Mười một giờ, khi nắng lên cao, hàng hóa bán cũng đã vãn, cả trăm người lại đổ về những dãy hàng ăn sau chợ. Hạnh phúc đôi khi chỉ là sau khi tan chợ được ăn một bát phở (có thịt 5.000 đồng, không thịt 2.000 đồng), hoặc xì xụp bên bát bánh đúc làm từ ngô (có chan nước) hay những bát thắng cố mà người thành phố khó chịu nổi mùi vị của nó....

Chiếc váy “báu vật” của phụ nữ H’Mông

Ngoài vẻ hoang sơ, chợ Bắc Hà còn ấn tượng đặc biệt với du khách bởi màu sắc sống động từ những bộ váy áo rực rỡ. Không như những nơi khác, ở Bắc Hà, từ bà lão đến các em gái nhỏ chỉ độ 3-4 tuổi đều mặc áo váy của dân tộc mình. Người phụ nữ H’Mông nổi tiếng khéo léo. Chiếc váy của họ được may rất công phu. Họ tự dệt bằng tay những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc khác nhau, tỉ mẩn khâu từng đường viền nhỏ trang trí cho chiếc váy.

Chiếc váy H’Mông bằng vải thô dày, bản rộng, tạo nhiều nếp gấp, gấu viền thổ cẩm, tuỳ theo lứa tuổi mà dùng màu sặc sỡ hay nhã nhặn hơn. Ngoài tấm váy lớn, còn có 2 tấm nhỏ buộc lớp ngoài.


bac-ha-15.jpg

Chiếc váy là món quà quý giá của người phụ nữ H'Mông ở Bắc Hà


Đi giữa vùng núi rừng sương sa dày đặc, sắc váy của phụ nữ H’Mông nổi bật và quyến rũ lạ thường. Vào những ngày nắng, phụ nữ H’Mông thường đem váy phơi trên những phiến đá, nhìn từ trên cao xuống thung lũng, váy xòe như những bông hoa khổng lồ.

Ở nhà của một trưởng bản ở Lung Phìn - Bắc Hà, khi chúng tôi tỏ ý muốn chụp ảnh, chị vợ bảo "Đợi đi mặc chiếc váy đẹp". Những chiếc váy của phụ nữ H'Mông như một gia tài nhỏ. Chẳng thế mà các thiếu nữ trước khi đi lấy chồng ngày nào cũng ngồi hàng giờ để may thêm váy mới mang theo về nhà chồng.

Nếu ai từng bước vào nhà của người H'Mông, ngoài bếp lửa luôn đỏ rực than hồng, những bao ngô là lương thực dự trữ duy nhất, chỉ thấy những chiếc váy treo thành chùm ở góc nhà. Nó không giống thứ cần cất giấu kín đáo như xiêm áo của phụ nữ miền xuôi mà được phô ra như món quà quý.

Nhưng nghe nói từ khi có khách du lịch đến Bắc Hà, ngoài chợ người ta đã rao giá tới 300.000 đồng/chiếc váy. Để tiện ích, người may váy mua sẵn chỉ màu, thổ cẩm dệt máy về làm váy. Đó cũng là những giá trị đang mất đi trước sự xâm thực của cuộc sống hiện đại.


bac-ha-16.jpg

Váy của người H'Mông đã bán đại trà ngoài chợ Bắc Hà với giá 300.000 đồng/cái


Chuyện bên bếp lửa

Người H'Mông ít có nhà sàn mà ở trong những căn nhà lợp lá, tường đắp bằng đất nện, dày cỡ 50cm, gọi là nhà trình. Trong nhà bao giờ cũng rất tối. Giường ngủ được kê quanh bếp lửa, góc còn lại vừa là nơi chứa nước, dự trữ lương thực, chứa phân bón, dụng cụ lao động...Sau một ngày làm việc vất vả, bếp lửa là nơi cả nhà quây quần với những sinh hoạt chung.

Bé Táu ở Lầu Thí Ngài dẫn chúng tôi vào nhà. Bên bếp lửa có chiếc điếu cày còn sặc mùi khói thuốc. Nó bảo: “Tối cả nhà mới về”. Hoá ra ông bố của Táu đưa mấy ông tây ba lô đi “du lịch sinh thái”. Bà mẹ vừa trên nương về, cất chiếc cuốc vào góc nhà miệng mau mắn: “Ngồi chơi tôi nấu mèn mén ăn”.


bac-ha-7.jpg


bac-ha-8.jpg

Với ông thợ ảnh quen thuộc ở chợ thì họ lại thích làm duyên


Tối hôm đó chúng tôi ở lại nhà của Táu. Bố Táu trở về khi trời tối sẫm. Anh hồ hởi: "Khách Tây họ đến Bắc Hà nhiều đấy. Dưới thị trấn đã có người về mua đất xây nhà trọ cho khách du lịch. Họ đến và muốn đi vào các bản người H’Mông của tôi. Họ bảo tôi đưa đi chơi và cho tiền". Anh chồng cười, nụ cười của những người sống rất giản đơn, có khi chỉ mang 100.000 đồng về nhà đã là rất hạnh phúc.

ST
 
Ngắm Sa Pa huyền ảo trong mây

Sa Pa - vùng nghỉ mát kỳ thú từng được mệnh danh là “Kinh đô mùa hè Đông Dương”. Sa Pa bí ẩn và mộng mơ hơn nhờ những áng mây uốn lượn, khiến những thửa ruộng bậc thang hay khu phố núi du lịch huyền ảo như tranh thuỷ mặc.
Vùng cao Sa Pa hôm nay là một trong 21 trọng điểm du lịch của quốc gia và cũng là một trong những điểm đến của nhiều du khách quốc tế khi tới thăm Tây Bắc Việt Nam.

Mời bạn đọc cùng ngắm vẻ đẹp Sa Pa huyền ảo trong sương, trong mây.

22.jpg


32.jpg


42.jpg


62.jpg


13.jpg


142.jpg

Thành phố ẩn mình trong mây


10.jpg


12.jpg


122.jpg

Mây quyện với núi, tinh khiết và bí ẩn.

15.jpg


16.jpg


18.jpg

Những thửa ruộng bậc thang vốn đã đẹp đến nao lòng, lại càng quyến rũ trong làn mây mờ ảo.

ST
 

MÙA MẬN TRÊN QUÊ HƯƠNG BẮC HÀ

Vùng cao Bắc Hà không chỉ nổi tiếng với chợ phiên sắc màu thổ cẩm Mông mà còn thu hút du khách lên thăm bởi vẻ đẹp hiếm có khi mùa xuân về hoa mận Tam hoa nở trắng rừng tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp cho vùng du lịch Bắc Hà.


Đến Bắc Hà du khách có dịp thư thả tản bộ giữa những rừng mận tam hoa chi chít trái, chín đỏ rực. Đến thăm các bản làng người Tày, Mông ở Bản Phố, Tả Chải, Na Hối, Lầu Thí Ngài, Nậm Mòn… các bạn sẽ được chiêm ngưỡng và tự tay trèo hái những quả mận mọng đỏ nhất để thưởng thức và cảm nhận hương vị thơm ngọt, pha lẫn chua mát quyễn rũ.

DSCF6841.JPG

Vào thời điểm giữa vụ mận chính, thời vụ thu hoạch mận Tam hoa sẽ kéo dài khoảng gần nửa tháng, trong điều kiện thời tiết ở Bắc Hà có nắng nhẹ thuận lợi cho việc thụ phấn ra quả, quá trình đậu quả mận phát triển đều tốt, không có mưa đá xuất hiện và với giá mận giữ ổn định người dân tin tưởng rằng sẽ có một vụ mận thắng lớn, được mùa được giá cao. Đây là tín hiệu vui đánh dấu thời kỳ tăng giá trở lại của sản phẩm mận Tam hoa sau nhiều vụ “rớt” giá đã đem lại niềm vui, niềm tin cho người dân trồng mận tiếp tục duy trì, cải tạo vườn, đồi mận tam hoa, cây mận tam hoa vẫn khẳng định vị thế là cây chủ lực xóa nghèo, làm giàu của nông dân Bắc Hà.
Những ngày này, ngay từ buổi sáng sớm, người dân trồng mận ở các xã nườm nượp chở mận về thị trấn huyện để bán. Thị trường bán, mua ở Bắc Hà sôi động hẳn với sự tham gia của hàng trăm tư thương ở Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Nội, các xe máy, xe tải tấp nập tới chuyên chở hàng.
DSCF6840.JPG

Theo chân những người bán mận, chúng tôi đến thôn Na Lo, xã Tả Chải - 1 trong số nơi có nhiều gia đình trồng nhiều mận nhất, gặp lúc xe đang cân mận tại đầu làng, “kẻ mua, người bán” tấp nập, ông Triệu Văn Minh, ở thôn Na Khèo- được lái buôn ở chợ Long Biên, hà Nội thêu cân, trả công theo đầu tấn, phấn khởi nói;

từ đầu vụ mận tam hoa chính vụ đến nay, tôi đã tham gia cân được khoảng 5 xe . trên 20 tấn quả mận, năm nay, mận vừa được mùa, giá mận cao hơn nên dân phán khởi, vui mừng lắm! Chúng tôi cân mận với giá là mận xô 4.500- 5000 đồng/kg, mận chọn là 6.000 – 7.000 đồng/kg, vụ này thời tiết thuận lợi, mận chín đều, mẫu mã đẹp, giá đều nhau nên không có mận ngố”.

Còn vợ con ông Minh thì tranh thủ hái bán, đến thời điểm nay, gia đình ông Minh đã thu được hơn 1,5 tấn, kể cả mận trái vụ chín sớm, thu trên 8 triệu đồng. Ông Minh cho biết thêm từ đây đến hết vụ khoảng gần nửa tháng nữa, vườn nhà còn khoảng hơn 1 tấn.

Còn anh Vương Văn Huynh, dân tộc Nùng, nông dân thôn Na khèo- là một trong số gia đình trồng mận nhiều nhất Bắc Hà, vui mừng, phấn khởi cho biết;

Nhà tôi có 450 cây mận tam hoa, vụ thu hoạch năm 2009 được mùa, được giá cao, nên tôi đã trồng mới 50 cây mận tam hoa thay thế cây già cỗi, thoái hóa giống. Vụ này có 400 cây cho thu hoạch khoảng trên 6 tấn, đến thời điểm này, đã thu gần 3 tấn quả, bán ra thu về trên 15 triệu đồng . Với giá cả ổn định, vụ này gia đình tôi thu từ 25- 30 triệu đồng.

Mận Tam hoa không chỉ mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân mà còn tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp, vô cùng hấp dẫn cho vùng du lịch Bắc Hà. Hàng năm, không ít đoàn khách du lịch quốc tế và nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh đã lặn lội lên Bắc Hà chiêm ngưỡng và ghi lại vẻ đẹp vùng mận Tam Hoa có một không hai này.
Những hình ảnh mùa thu hoạch mận ở Lào Cai
DSCF6845.JPG
66-hoa-man-01.jpg
DSCF6836.JPG
DSCF6835.JPG
DSCF6828.JPG
DSCF6853.JPG


Bài ảnh: Tráng Xuân Cường
Đài TT - TH huyện Bắc Hà, Lào Cai
 
“Hút” mắt sắc màu đào phai Sa Pa
Mấy hôm nay những vườn đào cổ thụ ở vùng núi cao Sa Pa nằm dưới chân núi Hoàng Liên đang nở hoa rực rỡ trong nắng xuân. Vẻ đẹp đó đã “hút” ống kính phóng viên khi tới vùng đất này.

Người dân Lào Cai rất tự hào vì vẻ đẹp độc đáo của những vườn đào phai Sa Pa bởi vì có dáng đẹp, cây đẹp và hoa nở lâu tàn.

Những vườn đào ở Sa Pa là điểm đến hấp dẫn lâu nay của du khách và các nhà nhiếp ảnh mỗi khi lên thăm Sa Pa trong ngày xuân mới. Xin giới thiệu tới bạn đọc chùm ảnh hoa đào phai Sa Pa trong những ngày áp tết Canh Dần.

dao322010.jpg


dao2322010.jpg


dao3322010.jpg


dao5322010.jpg


dao6322010.jpg


dao7322010.jpg


dao8322010.jpg


dao10322010.jpg


dao11322010.jpg


dao12322010.jpg


dao43222010.jpg

ST
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top