• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Địa lý Lai Châu

Tongthieugia

New member
Xu
0
ĐỊA LÍ LAI CHÂU - ĐỊA LÝ LAI CHÂU

Nếu các bạn tìm trong Wikipedia, google, cổng thông tin điện tử Lai Châu sẽ thấy nhưng rất chung chung, nay mình xin được dùng chút kiến thức chuyên môn biên tập thêm cho các bạn cùng tìm hiểu, cảm ơn đã dành thời gian đọc bài này.
Thân ái!

KHÁI QUÁT CHUNG

Vị trí địa lý
Lai Châu là tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Phía Bắc tỉnh Lai Châu giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, phía Đông giáp tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Điện Biên. Tỉnh có 261,2 km đường biên giới Việt - Trung, có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt – Trung, trực tiếp giao lưu với vùng lục địa rộng lớn phía Tây Nam của Trung Quốc; lại được gắn với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh bằng các tuyến quốc lộ 4D, 70, 32 và đường thuỷ sông Đà, có tiềm năng để phát triển dịch vụ - thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch.

Diện tích: 9.059,4 km2 (theo số liệu thống kê năm 2003).

Dân số năm 2005 là 314,2 nghìn người, mật độ trung bình 35 người/km2, gồm các dân tộc:Việt, Thái, H’mông, Dao, Giáy.

Đơn vị hành chính: Lai Châu có 1 thị xã (Lai Châu) và 5 huyện (Tam Đường, Sìn Hồ, Than Uyên, Phong Thổ, Mường Tè).

Địa hình: Lai Châu có địa hình núi cao, trên 60% diện tích có độ cao trên 1.000 m, trên 90% diện tích có độ dốc trên 25o, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, xen kẽ là các thung lũng có địa hình tương đối bằng phẳng như Mường So, Tam Đường, Bình Lư, Than Uyên…

Khí hậu: Tỉnh Lai Châu có chế độ khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao vùng Tây Bắc: ngày nóng, đêm lạnh, ít chịu ảnh hưởng của bão và gió mùa Đông Bắc. Khí hậu trong năm chia làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9 có nhiệt độ và độ ẩm cao; mùa khô bắt đầu tư tháng 11 đến tháng 3 năm sau, khí hậu lạnh, độ ẩm và lượng mưa thấp. Tháng 4 và tháng 10 là thời gian chuyển giao giữa hai mùa. Nhiệt độ không khí bình quân năm là 22,25oc. Lượng mưa bình quân hàng năm từ 2.500 - 2.700 mm.

Tài nguyên thiên nhiên:

Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 9.065,123 km2, chủ yếu là các loại đất đỏ và vàng nhạt phát triển trên đá, cát, đá sét và đá vôi, có kết cấu khá chặt chẽ. Đất nông nghiệp đã sử dụng khoảng 64.299,9 ha, đất lâm nghiệp đang có rừng 283.667 ha, đất chuyên dùng có khoảng 4.489,61 ha, đất trống đồi núi trọc có khả năng sử dụng còn rất lớn khoảng 525.862 ha, trong đó đất bằng chưa sử dụng là 1.743,69 ha và đất đồi núi chưa sử dụng là rất lớn, khoảng 524.118,87 ha.

Tài nguyên rừng: Lai Châu là một tỉnh miền núi cao, khí hậu đa dạng nên rất phong phú về tài nguyên động, thực vật, có điều kiện phát triển nền sản xuất hàng hoá với nhiều lâm sản quý. Rừng Lai Châu có nhiều loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao như: lát, chò chỉ, nghiến, táu, pơ mu; các cây đặc sản như: cánh kiến đỏ, song, mây, tre và một số lâm sản khác. Các vạt rừng nguyên sinh chỉ còn rất ít ở những vùng núi cao, xa và địa hình hiểm trở. Độ che phủ của thảm cỏ thực vật năm 2003 còn khoảng 31,3%.

Tài nguyên khoáng sản: Tỉnh Lai Châu có một số loại khoáng sản giá trị cao như vàng, kim loại màu, đất hiếm…, song chưa được đầu tư thăm dò, đánh giá đầy đủ. Đất hiếm gồm các loại quặng barít, florit ở Nậm Xe (Phong Thủ) với trữ lượng trên 20 triệu tấn. Các điểm quặng kim loại màu như đồng, chì, kẽm ở khu vực Sin Cai, Bản Lang, Tam Đường với trữ lượng khoảng 6.000 - 8000 tấn. Đá lợp có ở ba điểm dọc theo bờ sông Đà, Sông Nậm Na. Vàng ở khu vực Chinh Sáng (Tam Đường), Ban Bo (Mường Tè), Noong Hẻo, Pu Sam Cáp (Sìn Hồ). Tỉnh còn có một số điểm suối khoáng nóng chất lượng nước khá tốt ở Vàng Bó, Than Uyên.

Về mặt tự nhiên

Lai Châu có khí hậu gió mùa chí tuyến. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 21 °C-23 °C chia làm hai mùa, mùa mưa và mùa khô.
Địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Pu Sa Leng cao 3.096 m. Núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, có nhiều cao nguyên, sông suối. Sông có nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên tiềm năng thuỷ điện rất lớn.

Về lịch sử khai thác lãnh thổ
Xưa kia Lai Châu đặt dưới quyền điều hành của tù trưởng các dân tộc Thái, quy phục triều đình Việt Nam.
Đây vốn là một châu thuộc phủ Điện Biên, tỉnh Hưng Hóa xưa.
Tiểu quân khu phụ Lai Châu gồm châu Lai, châu Luân, châu Quỳnh Nhai, châu Phong Thổ được thành lập theo Nghị định ngày 5 tháng 6 năm1893 của Toàn quyền Đông Dương và trực thuộc tỉnh Vạn Bú từ ngày 10 tháng 10 năm 1895. Tỉnh Vạn Bú đổi tên thành tỉnh Sơn La năm 1904, do đó Lai Châu lại thuộc tỉnh Sơn La.

Tỉnh Lai Châu được thành lập theo Nghị định ngày 28 tháng 6 năm 1909 của Toàn quyền Đông Dương. Lúc đó tỉnh Lai Châu gồm các châu Lai, châu Quỳnh Nhai, châu Điện Biên tách ra từ tỉnh Sơn La, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên). Ngày 16 tháng 1năm 1915 tỉnh Lai Châu bị thay thế bằng Đạo Quan binh 4 Lai Châu dưới sự cai trị quân sự.
Thời kỳ 1953-1955, tỉnh Lai Châu thuộc Khu Tây Bắc, tách khỏi Liên khu Việt Bắc.

Ngày 29/4/1955, tỉnh Lai Châu giải thể, 6 châu của tỉnh Lai Châu cũ (Mường Tè, Mường Lay, Sình Hồ, Điện Biên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo) trực thuộc Khu tự trị Thái Mèo.
Ngày 18/10/1955, thành lập châu Tủa Chùa gồm 8 xã, tách từ châu Mường Lay.
Ngày 27/10/1962, đổi tên Khu tự trị Thái Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc, đồng thời tái lập tỉnh Lai Châu, gồm 7 huyện: Mường Tè, Mường Lay, Sình Hồ (nay là Sìn Hồ), Điện Biên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Đến cuối năm 1975, giải thể cấp Khu tự trị.

Năm 1979, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã xâm lăng, đánh chiếm tỉnh lỵ, phá hủy nhiều cơ sở trước khi rút quân về bên kia biên giới.
Sau này tỉnh lỵ chuyển về thị xã Điện Biên Phủ, (nay là thành phố Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên).

Trước khi tách tỉnh, tỉnh Lai Châu có diện tích lớn nhất miền Bắc Việt Nam, thứ hai Việt Nam (sau tỉnh Đắc Lắc): 16.919 km², dân số 715.300 người (1999), gồm thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh lỵ), thị xã Lai Châu và 10 huyện (trước kia chỉ có 7 huyện).

Từ 1 tháng 1 năm 2004, tỉnh Lai Châu tách thành hai tỉnh là tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Tỉnh lỵ mới chuyển về thị xã Tam Đường (trước đó gọi là thị trấn Phong Thổ) và gọi là thị xã Lai Châu (mới). Thị xã Lai Châu cũ đổi tên là thị xã Mường Lay (thuộc tỉnh Điện Biên).
Các đơn vị hành chính

Về dân số mới nhất

Theo điều tra dân số ngày 01/04/2009, dân số tỉnh Lai Châu là 370.135 người, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố cả nước, chỉ trên tỉnh Bắc Kạn. Lai Châu có 1 thị xã và 6 huyện:


+ Thị xã Lai Châu 3 phường và 2 xã
+ Huyện Mường Tè 1 thị trấn và 15 xã
+ Huyện Phong Thổ 1 thị trấn và 17 xã
+ Huyện Sìn Hồ 1 thị trấn và 22 xã
+ Huyện Tam Đường1 thị trấn và 13 xã
+ Huyện Than Uyên (trước kia thuộc tỉnh Lào Cai)1 thị trấn và 11 xã
+ Huyện Tân Uyên (tách ra từ huyện Than Uyên)1 thị trấn và 9 xã
Tỉnh Lai Châu có 98 đơn vị cấp xã gồm 3 phường, 6 thị trấn và 89 xã

Về giao thông

Mạng lưới giao thông chủ yếu là đường bộ. Tỉnh có quốc lộ 12 chạy qua nối từ thành phố Điện Biên Phủ tới Trung Quốc (qua cửa khẩu Ma Lu Thàng), có quốc lộ 4D nối tới thị trấn Sa Pa (Lào Cai). Thị xã Lai Châu mới cách Hà Nội khoảng 402 km (qua Lào Cai).

Về du lịch
Du lịch văn hoá
Lai Châu có 20 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong đời sống văn hoá truyền thống. Chợ phiên vùng cao là nơi biểu hiện rất rõ những nét văn hoá đặc trư¬ng đó.

- Dinh thự Đèo Văn Long thuộc xã Lê Lợi – huyện Sìn Hồ, là khu dinh thự của ông vua Thái bù nhìn trong kháng chiến chống Pháp. Dinh thự trở thành di tích lịch sử, giáo dục lòng tự hào dân tộc, chứng tích cho việc hạ bệ kẻ cúi đầu làm nô lệ và là nơi tham quan tìm hiểu những nét kiến trúc đặc trưng, mang bản sắc văn hoá Thái.

- Bia Lê Lợi: được khắc trên vách đá bờ Bắc sông Đà, nay thuộc xã Lê Lợi – huyện Sìn Hồ.
- Di chỉ khảo cổ học nền văn minh của người Việt cổ như di tích Nậm Phé, Nậm Tun ở Phong Thổ; đã tìm thấy công cụ của thời kỳ đồ đá; những công cụ bằng đồng của nền văn hoá Đông Sơn thời đại Hùng Vương, như trống đồng

Cảnh quan thiên nhiên

- Lai Châu có nhiều cao nguyên cao trên 1.500m, mây, sương phủ bốn mùa, khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm như: cao nguyên Sìn Hồ, hồ Thầu, Dào San ...

- Lai Châu có nhiều đỉnh núi cao, sông suối nhiều thác ghềnh, như: đỉnh Phan Xi Păng (3.143m), dãy Pu Sam Cáp (cao trên 1.700 m), sông Đà, sông Nậm Na, sông Nậm Mu …

- Suối nước nóng, nước khoáng là sản vật thiên nhiên tặng cho Lai Châu như núi đá Ô, động Tiên (Sìn Hồ); suối nước nóng Vàng Bó (Phong Thổ); suối nước nóng Nà Đông, Nà Đon (Tam Đường); suối nước khoáng (Than Uyên); … và các hồ thuỷ điện lớn khác.

- Pú Đao: Một bản người Mông nhỏ với 887 người dân ở tỉnh Lai Châu được khách hàng của một hãng lữ hành nước Anh bầu là một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Xã Pú Đao (tiếng Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”) thuộc huyện Sìn Hồ, cách thị xã Mường Lay 13km.


--------------Biên tập: Tống Chiên-------------------​
 
'Động tiên' giữa đời thực

Động Tiên Sơn với 36 cung động kỳ ảo, nằm trong truyền thuyết về 99 ngọn núi và 99 hồ nước của đồng bào Lự (Tấy Bắc) là biểu tượng cho vẻ đẹp tự nhiên của rừng núi nơi đây.

Động Tiên Sơn nằm trên địa bàn huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Cái tên Tiên Sơn được sử dụng phổ biến từ những năm 1990 trở lại đây do một số người Kinh, khi tới thăm động đã so sánh nó giống như một nơi bồng lai tiên cảnh, có trời, có đất, núi non thủy mặc. Trước đó, động có tên là Đán Đón do người Lự sinh sống xung quanh khu vực động đặt với ý nghĩa là Đá Trắng. Theo nhiều người dân kể lại, xưa kia khi động được những người dân địa phương phát hiện, phía trước cửa động có vách đá màu trắng, nên họ gọi tên động theo nghĩa này.

Nhũ đá muôn hình trong động Tiên Sơn.

Động Tiên Sơn gắn liền với truyền thuyết về 99 ngọn núi và 99 hồ nước trong xanh phẳng lặng của đồng bào Lự nơi đây. Truyền thuyết kể rằng, 99 ngọn núi chính là biểu tượng cho 99 chàng trai khỏe mạnh, cường tráng còn 99 hồ nước trong xanh chính là hình ảnh của 99 người con gái cần cù, xinh đẹp. Những ngọn núi và hồ nước nối tiếp nhau tạo nên bức tường thành ôm giữ một vùng đất đai trù phú, phì nhiêu.

Nếu so với nhiều động khác đang ngày càng thay đổi bởi sự sắp đặt của con người thì động Tiên Sơn vẫn giữ được vẻ tự nhiên. Đi sâu vào động, những khối đá, thạch nhũ muôn hình, vạn dạng dần lộ ra đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Trong động còn có mạch nước ngầm, chảy thành dòng suối nhỏ len qua từng khe đá tạo nên những tiếng róc rách rất vui tai.

Những nhũ đá này đã tồn tại hàng nghìn năm.

Theo các tài liệu nghiên cứu, động Tiên Sơn được kiến tạo từ carxto (một dạng đá vôi) hàng triệu năm. Trong động có 36 cung khác nhau, nối tiếp chạy qua hai sườn núi, càng vào sâu không gian động càng được mở rộng. Mỗi cung động được nhân dân quanh vùng đặt tên linh thiêng như Mẫu Âu Cơ, Lạc Long Quân, Bà Chúa Kho... Tuy vậy, khi vào sâu trong động, người thưởng ngoạn sẽ không gặp những hình ảnh hương khói nghi ngút thường thấy trong các khu động khác, thay vào đó là một không gian thoáng đãng, trong lành.

Từ một hang động hoang sơ chưa được cải tạo, khai thác, cây cối um tùm, đến nay, động Tiên Sơn đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn nằm trên trục hành lang du lịch Tây Bắc, từ Sa Pa - Lào Cai sang Lai Châu. Trong tương lai không xa, động sẽ là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi đến Lai Châu – Tam Đường.

ST
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
'Thánh thạch' của người Hà Nhì

Nơi ông già đá trắng ngự trị được coi là vùng đất thiêng, đời đời con cháu người Hà Nhì ở bản Pa Thắng, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu phải ghi tâm khắc cốt bảo vệ.

Giữa ngút ngàn của rừng xanh mọc lên tảng đá trắng giống như một cột mốc tự nhiên án ngữ dải biên cương cuối trời Tây Bắc. Theo quan niệm của người Hà Nhì, “A pó ủ phú” - ông già đá trắng được Giàng (trời) phái xuống trần gian giúp người Hà Nhì bảo vệ biên giới.

Lần đầu lên xã Thu Lũm, đi đến đâu tôi cũng được cán bộ hỏi: “Đã đến thăm ông già đá trắng chưa?”. Lúc đầu tôi cứ tưởng đó là một vị lão niên của bản có nhiều đóng góp cho bà con, nhưng thực tế đó chỉ là một tảng đá trắng trông giống hình người.


Ông Chu Cà Xá B – người được giao trọng trách tế lễ thần “A pó ủ phú”.


Hiện nay, ông Chu Cà Xá B ở bản Pa Thắng là người thuộc truyền thuyết về ông già đá trắng nhất. Nhà ông Xá B ở giữa bản. Ngôi nhà trình tường đã được dựng mấy chục năm nhưng rất vững chãi. Ông đang cùng gia đình vui đón Tết của người Hà Nhì. Cả ngày ông phải tiếp khách.


Năm nay nhà ông được mùa, lúa đầy bồ, thịt lợn treo lủng lẳng trên bếp. Vợ và con gái ông đang chuẩn bị gói bánh chưng, bánh dầy. Trước khi vào việc, cứ theo cái lệ của người Hà Nhì chúng tôi phải “chi bà tó” - uống rượu vài chén đã. Ông Xá B nói tiếng Kinh bằng cái giọng lơ lớ nghe rất vui tai: “Ngày Tết có khách đến chơi là quý lắm! Lại khách từ Thủ đô lên nữa thì vinh dự cho a ta (bố - PV) lắm!”.

Không để khách phải đợi lâu, khi nhắc tới vị “Thánh thạch” của người Hà Nhì, giọng ông bỗng trang nghiêm hẳn. Ông vuốt lại bộ quần áo rồi đưa ánh mắt về phía đỉnh núi xa mờ, chậm rãi kể: Chuyện về “A pó ủ phú” dài lắm đấy. Cán bộ có nghe cả đêm cũng không hết chuyện đâu.
Ngày xửa ngày xưa cả vùng đất Tây Bắc này là rừng già bao phủ. Thú hoang nhiều vô kể, khi đó cả xã Thu Lũm mới có vài hộ dân. Đêm đêm, bà con phải đốt lửa ngồi quây quần bên nhau xua thú dữ. Ngày đó, có đôi vợ chồng người Hà Nhì cùng nhau đi về mảnh đất phương Nam này. Họ đi cả đêm vượt qua trăm suối ngàn khe. Khi họ đi đến một đỉnh núi thuộc nước Việt thì người vợ mới sực nhớ là quên mất chiếc khăn đội đầu ở nhà. Thế là người chồng phải ngồi đợi vợ về lấy khăn.

Người vợ về đến nhà quay lại chỗ chồng đợi thì gà đã gáy sáng nên không vượt qua được rừng già nữa. Người chồng đợi mãi, đợi mãi mà không thấy người vợ quay lại cho đến khi hoá đá lúc nào không hay. Từ đó đến nay, người Hà Nhì coi nơi người chồng ngồi đợi vợ đến hoá đá là mảnh đất thiêng. Nơi đây cũng là nơi đánh dấu mảnh đất Việt Nam, đời đời con cháu phải giữ gìn bảo vệ.

Lời thề giữ biên giới

Biết chúng tôi có ý định lên thăm “A pó ủ phú”, ông Xá B chuẩn bị hương nén, thuốc lá đầy đủ. Từ nhà ông Xá B vượt qua 3 tầng dốc thì tới nơi. Lối mòn dẫn lên chỗ “Thánh thạch” được bà con dọn sạch sẽ. Tượng đá cách con đường tuần tra biên giới vừa mở khoảng 20m và cách biên giới Việt - Trung khoảng hơn chục mét. Giữa một quả núi đất bằng phẳng lại hiện lên một cột đá, tựa như có vị thần nào đó khi khai sinh ra trái đất này cố tình cắm lại một khối đá trên nước Việt ta để vạch rõ biên giới vậy.

Khối đá này cao khoảng 1m70, to bằng cái thùng phi nằm bên phải - đi theo chiều từ Tây xuống Nam. “Thánh thạch” lại nằm trên một ngọn núi đất. Trong khi đó xung quanh không hề có một hòn đá nào khác. Lạ hơn là màu đá trắng giống như thạch anh. Dưới nắng chiều, khối đá ánh lên những tia sáng với muôn màu sắc đỏ lam, chàm, tím.

Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, bản Pa Thắng lại tổ chức lễ "Thánh thạch". Ông Xá B có trách nhiệm chọn ngày tốt rồi dẫn trai tráng trong bản lên chỗ ông già đá trắng. Việc chuẩn bị lễ hết sức công phu. Bản mổ 1 con lợn, 9 quả trứng 3 màu nhuộm đỏ, vàng, trắng. Trứng được ông Xá B nhuộm bằng một loại cây rừng rất đẹp.

Ông Xá B là người đức cao vọng trọng, lại là người am hiểu phong tục tập quán nên được bà con bầu là người đứng ra tế lễ, mong cho mưa thuận gió hoà, bà con trong bản ai cũng khoẻ mạnh, cây lúa trên nương được mùa, cây ngô cho bắp, lợn gà đầy chuồng… Sau đó các bậc nam nhi của bản cùng nhau hứa trước thần “A pó ủ phú” luôn khắc cốt ghi tâm: Nơi vị “Thánh thạch” hiện hình là cột mốc biên giới tự nhiên của nước Việt ta, đời đời con cháu người Hà Nhì có trách nhiệm bảo vệ. Không một kẻ ngoại bang nào được phép vượt qua.

ST
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Sìn Hồ - 'Sa Pa thứ hai' của núi rừng Tây Bắc

Lên tới xứ lạnh này, giữa trập trùng núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, giữa biển mây mù, du khách có dịp ngắm thiên nhiên hùng vĩ và khám phá những phong tục tập quán độc đáo nơi cuối trời Tây Bắc.


Nhìn trên bản đồ đất nước hình chữ S, ở chỗ cao nhất của Tây Bắc có một dấu chấm đỏ, đó là huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Nằm cách thị xã Lai Châu 60 km, nơi được coi như Sa Pa thứ hai của Tây Bắc.

Mây núi Sìn Hồ.

Khởi hành từ thị xã Lai Châu theo tỉnh lộ 4D, cứ ngược dốc mà đi, mấy chục cây số đường chỉ thấy dốc nối dốc, đèo nối đèo. Con đường như một dải lụa ngoằn ngoèo xuyên qua đại ngàn và những dãy núi đá cao ngất trời. Mỗi khúc cua, mỗi cung đường, mỗi mép vực đều để lại nhiều ấn tượng về một vùng đất hàm chứa nhiều điều hấp dẫn.

Bên những vách đá cao sừng sững dài ngút tầm mắt, sương giăng khắp lối khiến ta có cảm giác như có thể dễ dàng nắm được từng đụn mây trắng lững lờ bay qua trước mắt. Xen lẫn giữa màu xanh ngút ngàn của rừng già là các loài hoa rừng đang vươn mình khoe sắc. Sắc tím của phong lan, đỏ thắm của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mơ như dệt nên một bức tranh đa sắc giữa trùng điệp núi non.

Nước là thơm Sìn Hồ.

Dọc hai bên đường lên Sìn Hồ, thỉnh thoảng du khách lại bắt gặp những thác nước nhỏ chảy về từ một vách đá nơi biên thùy. Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước, ta nghe rõ từng tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách dưới vực sâu. Những ngôi nhà gỗ của người Dao, nhà đất của người Mông mọc lên giữa triền núi biếc đang tỏa khói lam chiều lại càng tô điểm thêm vẻ đẹp cho bức tranh cuộc sống miền sơn cước. Những cái tên đầy lạ lẫm như Hồng Thu “Mông”, xã của người Mông, Hồng Thu “Mán” của người Dao, rồi Pu Sam Cáp... gợi hình dung về một miền xa ngái.

Sau một buổi sáng đi đường, du khách sẽ tới thị trấn Sìn Hồ. Đây thực chất là một thung lũng nhỏ có những thửa ruộng bậc thang uốn lượn tựa làn sóng nhấp nhô giữa biển khơi. Vào mùa lúa chín, cả thị trấn như được nhuộm một màu vàng óng ả.


Trẻ em ở Pú Đao, Sìn Hồ.

Chợ Sìn Hồ bày bán đủ các thứ hàng hóa tạp phẩm, giày dép, thổ cẩm… Phụ nữ dân tộc xuống chợ xúng xính trong bộ váy thổ cẩm sặc sỡ. Chợ ở nơi cuối trời Tây Bắc kể ra cũng thật đặc sắc, người ta đến chợ không chỉ để mua hàng mà còn giao lưu văn hóa. Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước, nghe một bài dân ca Mông thôi cũng đủ thấy say lòng! Đến đây, du khách sẽ không quên thưởng thức những món đặc sản như thịt trâu quấn lá lốt, thịt dê hấp, lợn bản, cá suối chiên vàng, xôi nếp nương vừa dẻo vừa thơm, ăn một lần nhớ mãi.

Với đặc trưng của xứ lạnh, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C nên du khách đến Sìn Hồ thường được hướng dẫn thử tắm lá thuốc. Cảm giác được ngâm mình thư giãn trong thùng gỗ pơ-mu đổ đầy nước thuốc pha chế từ 20 vị của rừng, sau đó để lão Páo bấm huyệt, bao mệt nhọc sẽ tan biến, chỉ còn lại sự thư thái đầy sảng khoái.

Cách thị trấn Sìn Hồ không xa có bản Pú Đao (tiếng dân tộc nghĩa là “núi cao”) của người Mông. Bản này từng được hãng du lịch Gecko Travel (Anh) bình chọn là điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á. Trên núi bạt ngàn những vùng hoa dại khiến những người lãng mạn muốn đắm chìm để tận hưởng mùa rực rỡ nhất ở Tây Bắc.


ST
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top