• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đi trước về sau

Hide Nguyễn

Du mục số
Tác giả: Trần Trọng Thức

Cùng được thừa hưởng những giá trị của Đổi mới nhưng rõ ràng Bình Dương đã có những bước khởi đầu mạnh dạn hơn nhiều người láng giềng, kể cả TP. Hồ Chí Minh.


Tỉnh Bình Dương hôm 26/4 đã chính thức làm lễ khởi động xây dựng một thành phố mới qui mô hơn 1.000 hecta với khoản tiền đầu tư lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, sẽ là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, là không gian sinh sống cho khoảng 125.000 cư dân và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.

Thành phố mới này bao gồm trung tâm chính trị - hành chính tập trung; khu công nghệ kỹ thuật cao do Tập đoàn Mapletree (Singapore) đầu tư; Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, trường quốc tế do Tập đoàn giáo dục Kinderworld đầu tư; Trung tâm thương mại - tài chính - ngân hàng, văn phòng làm việc loại A, khu ở cao cấp (các loại căn hộ, phố liên kế, biệt thự sinh thái)...

Đây là một thành phố kết nối quốc tế và giao lưu thương mại, dịch vụ, chuyển giao công nghệ ở trình độ cao, là nơi mà trong tương lai có khả năng thu hút trí tuệ cho công cuộc phát triển. Đóng góp vào việc xây dựng thành phố mới Bình Dương là các nhà qui hoạch, các kiến trúc sư nổi tiếng, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong và ngoài nước đang đầu tư rất thành công trên vùng đất lành chim đậu này.

Cùng được thừa hưởng những giá trị của Đổi mới nhưng rõ ràng Bình Dương đã có những bước khởi đầu mạnh dạn hơn nhiều người láng giềng, ngay cả Thành phố Hồ Chí Minh.


Binhduongmoitvn.jpg


Cùng được thừa hưởng những giá trị của Đổi mới nhưng rõ ràng Bình Dương đã có
những bước khởi đầu mạnh dạn hơn nhiều người láng giềng,
ngay cả Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: enbien.com


Hơn mười năm trước đây, Bình Dương đã tuyên bố "trải thảm đỏ" đón các nhà đầu tư nước ngoài, là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện "một cửa một dấu", rồi cấp giấy phép đầu tư chỉ trong một ngày. Nói là làm, Bình Dương đã ký hợp đồng tư vấn với các tập đoàn nước ngoài để điều chỉnh quy hoạch tái cấu trúc kinh tế, hạ tầng kỹ thuật mà mục đích nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nhất là khẳng định lòng tin của những ai quan tâm đến lợi ích từ nhiều phía. Bình Dương cũng có chính sách mời gọi trí thức từ mọi nguồn hội tụ về đây để xây dựng một sự nghiệp chung. Không có gì ngạc nhiên khi những cố gắng đó đã đưa Bình Dương ba năm liên tiếp đứng vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ mới chịu nhường cho Đà Nẵng hai năm gần đây, trong khi TP Hồ Chí Minh năm qua chỉ ở vào vị trí 16 của bảng xếp hạng. Từ một tỉnh nghèo nhưng biết chọn đúng mũi đột phá, mỗi năm tăng trưởng công nghiệp của Bình Dương tăng từ 30 - 40%, GDP tăng 15%.

Và nay với việc xây dựng một thành phố theo tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường, phục vụ cho cuộc sống có văn hóa cao, rõ ràng những người lãnh đạo ở đây đã có một tầm nhìn về đô thị của thế kỷ 21, theo đó quyền của cư dân được đặt lên hàng đầu. Đó là quyền được thoát khỏi sự nghèo đói; quyền làm việc với thu nhập thỏa đáng; quyền sống trong môi trường phù hợp với thiên nhiên, được hưởng các điều kiện tối thiểu về nước sạch và vệ sinh an toàn; quyền có nhà cửa làm nơi sinh sống (sở hữu hoặc thuê mướn); quyền di chuyển dễ dàng đến nơi làm việc (chủ yếu là được hưởng các phương tiện chuyên chở công cộng) và quyền được sinh sống an lành trong xã hội.

Trong khi người dân Bình Dương đang hướng về những mục tiêu trên đây thì chắc hẳn số đông người dân Sài Gòn cũng có một mong ước chính đáng như vậy.

Chẳng phải Thành phố Hồ Chí Minh không đủ điều kiện như tỉnh láng giềng Bình Dương để xây dựng một thành phố mới. Vùng đất 221km² bên kia sông Sài Gòn thuộc quận 2, quận 9 và huyện Thủ Đức là một địa điểm thuận lợi. Là thành phố có sức thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài thì bài toán kinh phí chẳng phải là vấn đề lớn nếu có chính sách khuyến khích phù hợp. Và hơn tất cả là một nhu cầu bức bách về không gian sinh sống, khi cơ sở hạ tầng của một Sài Gòn dành cho 3,5 triệu dân 35 năm về trước đã quá tải cho một đô thị hơn tám triệu người như hiện nay.

Theo Quy hoạch tổng thể đến năm 2020 đã được chính phủ phê duyệt thì để TP Hồ Chí Minh hoàn toàn thoát ngập sẽ phải chi hai tỷ USD cho hệ thống thoát nước mưa, hai tỷ USD xử lý thu gom nước thải, đó là chưa kể hơn 500 triệu USD ngăn lũ và triều cường của Quy hoạch thủy lợi. Và mới đây, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt danh mục 76 dự án sửa chữa đường bộ lớn nhỏ với kinh phí 229 tỷ đồng.

Tất cả cũng chỉ là sự vá víu, nhưng liệu có cải tạo được một hệ thống hạ tầng đô thị đã quá rệu rã. Và đến bao giờ người dân mới có được một môi trường sống trong lành, thoát khỏi khổ nạn bụi bặm, kẹt xe và ngập lụt triền miên?

Trong khi đó, một Phú Mỹ Hưng do nhà đầu tư nước ngoài xây dựng được xem là khu đô thị hiện đại, tương đối bảo đảm được các điều kiện sống lành mạnh nhưng chỉ là một không gian gần 300 hecta cho khoảng 100.000 cư dân thuộc tầng lớp trên.

Một khu đô thị mới Thủ Thiêm 700 hecta có ưu thế hơn thành phố Bình Dương rất nhiều, từng được kỳ vọng như Phố Đông của Thượng Hải, sau nhiều năm được tuyên truyền rầm rộ nay vẫn chưa ra vóc dáng gì là tại sao?

Như vậy mới thấy so với Bình Dương thì Thành phố Hồ Chí Minh một thời là đầu tàu phát triển của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam dù đã đi trước nhưng lại về sau.

Và với những gì mà Bình Dương đang làm, rất có thể vai trò ấy rồi đây sẽ chuyển dịch.


Nguồn :tuanvietnam.net
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top