Đi tìm tên một loài cây.

Hide Nguyễn

Du mục số
Đì tìm gốc gác một loài cây

Người ta bảo tôi mạng thổ, thổ hợp với mộc, nên thích cây cối, có nhẽ đúng. Đến khi làm được cái nhà mặt phố, cũng cố đào vỉa hè lên trồng cây. Tôi lặn lội vào Đà Lạt, mua bằng được hai cây mimoza về chăm chút. Hy vọng sẽ đến lúc hoa nở vàng trước cửa sẽ có dịp nhìn ngắm loài hoa lạ và lẩm nhẩm bài hát của nhạc sĩ Văn Ký “Mimoza, từ đâu em tới”… Đến khi chúng lớn ngang ngực, cả hai cùng chết khi mùa hè vừa chớm bắt đầu. Là cây xứ lạnh, chúng không hợp thuỷ thổ.

Một anh bạn ở Sài gòn vào Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh xin cho hai cái cây mà người ta mới nhập từ Thái Lan về để trồng thử trên đường phố. Hỏi tên, anh cười: “Thôi, cứ gọi nó là cây Liêu đông”. Tôi công phu mang theo máy bay ra và tin rằng đó là thứ cây “nhập”, đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội mà chỉ mình tôi có.

Hai cây Liêu đông bén rễ, lớn nhanh. Thân cây thẳng. Dáng đẹp, tán hình chóp. Lá xanh mướt và mặt trên bóng nhẫy như bôi mỡ, tươi tốt quanh năm và mùa thu, mùa đông đều không rụng lá. Nhiều người qua đường đứng lại nhìn, hỏi là cây gì, tôi lúc thì trả lời là “cây Thái”, lúc lại bảo cây Liêu đông.

Có dịp sang Thái Lan, tôi ghi danh mục những gì cần tìm hiểu ở Thái vào sổ tay bằng một số “gạch đầu dòng”, trong đó có dòng: “Tìm lý lịch cây Liêu đông”.

Khi đã đi hết những địa điểm cần ghé thăm nhất ở Bangkok, mọi ngươi bảo nên đi tham quan một làng cổ của dân tộc thiểu số người Môn, chuyên làm đồ gốm nằm trên một hòn đảo nhỏ giữa sông Chao Phraya chảy qua Thủ đô nước này. Hòn đảo tựa như Bãi giữa sông Hồng của Hà Nội hình thon thon, phía đầu có một toà tháp nhọn hoắt đã đổ nghiêng về phía trước làm thành một góc khoảng 45 độ, khiến nó giống hệt một con tàu mà mũi tàu ngạo nghễ vươn lên một khẩu thần công.

Từ phà bước lên đảo, tôi hồi hộp nhận ra những cây Liêu đông trồng trong các mảnh vườn, lưa thưa những quả cũng xanh mướt, hình bầu dục, nhỉnh hơn chiếc hạt sen. Tôi ngắt một vài quả ngắm nghía và quay sang hỏi một bà có tấm thân bồ tượng khiến tôi liên tường đến cuộc thi Hoa hậu Voi, đang giảng giải cho cậu con trai chừng 12 tuổi cũng sumô không kém về lịch sử làng. Bà trả lời không cần suy nghĩ: đó là cây pikun (tôn pikun) ra hoa tháng trước (đoọc pikun) và tháng này đồng loạt ra quả (mạc pikun). Khi quả chín, bên trong có một chiếc hạt, phần cùi ăn bồn bột, ngòn ngọt, khá ngon.


picun1.jpg


Hoa của cây Pikun


Thế là sự thắc mắc của tôi đã được giải đáp. Khi về, tôi đang nghiêng ngó xem mấy thứ đồ kỷ niệm rẻ tiền bày bán, hai cô bán hàng người Môn, tuy sống giữa Thủ đô mà nước da lại đen bóng, phô ra những hàm răng rất trắng và đều tăm tắp, thấy tay tôi lăm lăm mấy quả pikun, bảo tôi đưa xem.

Tôi chưa kịp hỏi, hai cô đã chủ động hỏi trước: “Ông lấy quả kra đăng nga về trồng à ?”. Sao lại kra đăng nga ? Một cô bảo: Hoa kra đăng nga thơm nức không chịu nổi. Trồng nó chỉ việc cắm cành, việc gì phải lấy hạt. Nhưng hoa kra đăng nga thơm mà không quý, nó tượng trưng cho những cô gái giang hồ. Bài dân ca Kra đăng nga lon phay (Hoa kra đăng nga qua lửa), ai mà chẳng biết. Ông thích nghe, để chúng em hát ông nghe.

Không đợi tôi trả lời, hai cô gái người Môn (hình như cũng là những người biểu diễn trong các buổi giới thiệu văn hoá người Môn tại chính ngôi làng - đảo này hay sao ấy) đầu lắc lư theo nhịp, hồn nhiên cất tiếng hát. Giọng hai cô trong vắt, hoà nhập vào nhau và rất phù hợp với âm điệu đơn giản, du dương của dân ca Thái, nó nhè nhẹ, kéo dài ra ở cuối câu. Tôi đâm…xiêu lòng. Nó là cây kra đăng nga thật rồi..

Vậy mà lại không phải. Tại ngôi chùa ở Chiang Mai, tôi lại gặp cây kra đăng nga. Một cụ già thấy tôi là người nước ngoài lân la đền bắt chuyện. Chẳng biết hỏi chuyện gì, tôi bèn khen: Cây kra đăng nga của Nhà chùa thật đẹp ! Cụ ngạc nhiên: Sao ông lại gọi nó là cây kra đăng nga ? Tôi kể lại chuyện hai cô gái người Môn. Cụ cười ngất: Họ đùa ông đấy. Chắc họ thấy có cơ hội để khoe tài và nghĩ rằng có nói đùa ông - một người ngoại quốc qua đường - cũng chẳng sao. Ông sẽ quên ngay thôi mà. Nó đích thực là cây pikun. Tin lời ông lão tám mươi mốt tuổi này đi. Thôi thế này, chiều mai ông ra đây, chiều nào tôi cũng đến đây để thiền, rồi sau 4 giờ chiều ngồi hóng mát, tôi kiếm cho ông hoa kra đăng nga để ông xem.

Ra là mình bị lỡm, nhưng có gì quan trọng đâu. Dù sao cũng là một kỷ niệm vui.

Hôm sau tôi đã lấy vé xe đi Udorn Thani. Chợt nhớ đến cái hẹn tôi lại gọi điện ra bến xin hoãn đến chuyến sau, khuya hơn, cách đó hai giờ. Lỡ ông cụ giữ đúng lời hứa thì sao, mình không thể sai lời trước một bậc tuổi tác như vậy, mà nghe nói người Thái tôn trọng lời hứa lắm.
Quả nhiên ông cụ đã ngồi đó chờ, mừng rỡ gặp lại tôi và đưa một chùm hoa cụ đã bỏ công đi tìm hái. Thì ra kra đăng nga chính là hoa móng rồng ở ta. Thế là vừa khẳng định được tên cây liêu đông, vừa học thêm được một từ Thái.

Vẫn chưa hết. Khi đến thăm hai vợ chồng ông Việt kiều, sinh trên đất Thái, tôi lại gặp cây pikun sai quả, đung đưa ngay trước cửa sổ phòng khách nhà ông. Tôi vui miệng đố ông, đó là cây gì ? Ông (và cả bà nữa) đớ người ra vì chưa bao giờ nghĩ đến điều đó.

Ôi, sao người ta có thể vô tâm thế nhỉ ? Người và cây sống với nhau đã vài chục năm, hàng ngày giáp mặt nhau, thở hít bầu không khí trong trẻo mà chính cái cây trước cửa đã thanh lọc cho mình mỗi sáng mà người ta chẳng thèm để ý đến tên nhau, đến cuộc đời của nhau và nếu tôi - một người sống ở Thái chưa đầy nửa tháng - không bảo lại cho ông bà biết, chắc đến chết “họ” – cây và người - cũng chẳng biết nhau. Chuyện đời là thế, người ta thường vô tình không đế ý đến những gì quá thân thiết và quá cần thiết với mình. Bà vợ chữa ngượng: “Căn nhà nãy chúng tôi mua lại, người chủ cũ đã trồng sẵn, chứ nếu minh trồng thì mình biết ngay.”

Từ đó, tôi cứ để ý xem cây pikun được trồng ở những đâu. Giống như một ông bác sĩ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng, trên các nẻo đường Thái, tôi gặp pikun mọc ở khắp nơi từ Pattaya đến Chiang Rai.

Trên đường về nhà, tôi ghé Lào. Khi đến thăm bà mợ, người Lào gốc Việt ở cách Vientiane 20 km – bà KhămphẻoVetsaphông, một lão thành cách mạng Lào, năm nay ngoài 80, mà báo Nhân Dân số Xuân Mậu Tý có viết về bà, khi bà cùng cô con gái đến thăm Toà soạn, một lần nữa, tôi lại gặp cây pikun. Cây này trồng trước cửa nhà, khá to, có lẽ thuộc loại cổ thụ. Những vòm lá rậm rạp, xanh ngút, toả bóng mát cả một khoảng rộng.

Bà mợ tôi bảo: “Cây này người Thái gọi là pikun, nhưng người Lào nói nặng hơn, gọi là pikủn. Nó vốn gốc Thái, vì trong tiếng Thái có màu đỏ tươi (đỏ cờ) người ta gọi là màu đỏ pikun, theo màu quả pikun khi chín (cách gọi giống như ta gọi màu xanh lá mạ, màu vàng da cam chẳng hạn). Người Thái nhặt hoa, phơi khô, tích trữ làm thuốc gì chẳng biết. Còn người Lào thì khi hoa còn tươi, ngắt lấy rửa thật sạch ngâm mật ong, uống để được sống lâu.”
Rồi bà mang cho tôi nếm thử mật ong ấy. Nó thoảng một mùi thơm rất đặc biệt.

Về đến nhà, đặt vali xuống, trước hết tôi nhìn lên cây pikun trồng trước cửa. Ơ kìa, nó nở hoa !!! Tôi chạy vội lên ban công tầng hai, ngắt vài bông mới bói lần đầu để nhìn cho thật kỹ. Những bông hoa, mọc hai ba cái thành một chùm nơi kẽ lá, to chỉ bằng cái cúc áo, cụp xuống phía dưới, nếu không chú ý thì không thể nhận ra. Cánh hoa màu trắng ngả sang nâu, nhỏ như mảnh trấu, xoè ra xung quanh. Chúng hoàn toàn không có chút vẻ đẹp nào của một loài hoa. Trông đơn giản và khiêm tốn vô cùng.


picun2.jpg


Cây Pikun trước nhà


Tôi đưa lên mũi ngửi. Đó không phải cái mùi sực nức, nũng nịu, lẳng lơ của bông hoa móng rồng mà là một mùi thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng, trang nghiêm, kín đáo giống như mùi hoa mộc người ta hay trồng chốn đình chùa.

Nghe nói sau khi Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh mang về trồng thử và nhân giống thành công, cây pikun đã được trống khắp Sài gòn, nhiều nhất trên bờ Kênh Nhiêu Lộc, đoạn cải tạo lại từ dòng sông ô nhiễm trước đây. Đà Nẵng cũng bắt đầu trồng đại trà trên phố. Người ta thường gọi nó là cây sao. Tôi mang mẫu lá và hoa đi hỏi mấy anh bạn chuyên nghiên cứu vê thực vật. Các anh bảo nếu đã gọi là cây sao thì nó là cây sao thôi. Tên khoa học là Hopea ferrugia Parjismata, có nhiều ở Đông Nam Á, có lẽ Việt Nam cũng có, vúng sát biên giới Lào.

Tôi nghĩ: Cứ “trả lại tên cho em” đi. Gọi là cây picun, vừa làm người ta thêm một chút kiến thức (biết nó xuất xứ từ Thái Lan). vừa làm giàu cho tiếng Việt thêm một từ mới. Tôi lại chợt nhớ lời anh bạn khi cho tôi cây này “Cứ gọi nó là cây Liêu đông đi”. Sao lại liêu đông? Tôi chợt phá lên cười, hiểu ý người bạn. Thì ra anh “chế” ra tên cây từ tên anh. Anh là Liễu Đình Đồng, Tiến sĩ Hoá học, trước đây là giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau làm Công đoàn ngành của Bộ Giáo dục – Đào tạo cho đên khi về hưu, Vậy thì tôi cũng chẳng cần gọi cái cây có mặt đầu tiên ở Hà Nội, theo tên ai đặt nữa. Chỉ biết, đó là cây tên Thái là pikun, còn tên Việt, với riêng tôi vẫn cứ là cây Liêu đông để nhớ đến một người bạn tốt ở xa.

Tuấn Hà _ VNN.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top