• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
Nhắc đến Huế, người ta không chỉ nhớ về một Huế thơ mộng với những danh lam thắng cảnh đẹp ngỡ ngàng mà Huế còn chứa đựng những minh chứng lịch sử rõ ràng cho những gì đã trải qua trong quá khứ. Những di tích lịch sử này đã trở thành di sản văn hóa thế giới, mang giá trị tinh thần to lớn đối với Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Và di tích lịch sử đầu tiên được nói đến trong bài viết này chính là quần thể di tích lịch sử Cố đô.
QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Dai-Noi-Kinh-thanh-Hue.jpg

(Đại Nội Huế. Ảnh: Toan Huynh)

Thừa Thiên Huế, khúc ruột miền Trung của tổ quốc, nằm từ dải đất sông Ô Lâu đến đèo Hải Vân là một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng: sông Hương, núi Ngự, Thiên Thai, Bạch Mã… cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng trường tồn mãi mãi với thời gian. Trải qua bao biến động của lịch sử, mảnh đất con người Thừa Thiên Huế luôn luôn gánh chịu những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và lịch sử chống ngoại xâm. Cuộc sống tuy gian khổ, khó khăn nhưng với truyền thống cần cù chịu thương, chịu khó, cư dân Thừa Thiên Huế không chịu khuất phục, lùi bước mà luôn tiến về phía trước. Chính vì thế mà kho tàng di sản vật thể và phi vật thể của Thừa Thiên Huế là rất phong phú. Những tinh hoa được đúc kết lại từ nhiều thời đại đã trở thành những báu vật hàm chứa trong lòng di tích, đang cần được khai thác, sử dụng và phát huy.

KPH_QuanTheDiTichCoDoHue_DaiNoiVeDem.jpg

Đại Nội Huế về đêm (Ảnh: Thanh Toàn)

Huế ở trong vùng đất hẹp, ít được thiên nhiên ưu đãi. Nắng mưa khắc nghiệt, chiến tranh liên miên. Trong quá trình hình thành, ngoài cư dân bản địa xứ Huế còn có cư dân tiền trú từ Bắc vào, từ Nam ra và cư dân miền biển lên và cả từ trên miền cao xuống.

Huế là nơi tiếp giáp giữa hai vùng khí hậu Nam - Bắc. Trong các khu vườn của xứ Huế đều có hoa trái của hai miền Nam - Bắc. Chất ca nhạc Huế bắt nguồn từ phía Bắc có mang sắc thái Chàm phương Nam. Cho nên màu sắc xa xưa của Huế còn lại là sự tích hợp, tiếp thu, kế thừa và phát triển của cả hai miền.

Từ thế kỷ XVI, do biến động lịch sử của dân tộc, nên nhiều cộng đồng người Việt, người Chăm và các dân tộc khác khác đã diễn ra một làn sóng di dân liên tục mà tiêu biểu là cuộc "Nam tiến" lớn nhất do chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ trên đất Thuận Hoá năm 1558.

Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là thủ phủ của các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong (1306). Là kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến kinh quốc triều Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Suốt mấy thế kỷ qua, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây hun đúc cho một nền văn hoá đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời với sông núi hữu tình thơ mộng. Bởi vậy, nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích do thiên nhiên khéo tạo.

Trên nền tảng vật chất và tinh thần đã được hình thành ở Huế từ đầu thế kỷ XIV, các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI-XVIII), triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) và các vua Nguyễn (1802-1945) đã tiếp tục phát huy và gây dựng ở vùng Huế một tài sản văn hoá vô giá. Tiêu biểu nhất là Quần thể di tích của Cố đô Huế đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO.

Nằm giữa lòng thành phố Huế, bên bờ Bắc của sông Hương chảy xuyên qua từ Tây sang Đông, ba toà thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hoà nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phần của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Hến… Nhìn từ phía ngược lại, những công trình kiến trúc ở đây như hoà lẫn vào thiên nhiên tạo nên những tiết tấu kỳ diệu khiến người ta quên mất bàn tay con người đã tác động lên nó.

Được giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông (mỗi chiều xấp xỉ 600m) với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô: Ngọ Môn, chính là khu vực hành chính tối cao của nhà Nguyễn. Bên trong Hoàng thành, hơi dịch về phía sau là Tử cấm thành - nơi ăn ở, sinh hoạt của Hoàng gia.

Xuyên suốt cả ba toà thành, khi thì lát đá cụ thể, khi thì mang tính ước lệ, con đường Thần Đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan trọng nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hoà, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung… Hai bên đường Thần đạo này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, luôn tạo cho con người một cảm giác nhẹ nhàng.

Xa xa về phía Tây Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hoá. Lăng vua, đôi khi lại là một cõi thiên đường tạo ra cho chủ nhân hưởng thú tiêu dao lúc còn sống, rồi sau đó mới trở thành cõi vĩnh hằng khi bước vào thế giới bên kia. Hàm nghĩa như vậy nên kiến trúc lăng tẩm ở đây mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt ở Việt Nam.

Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ảnh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ: lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp khiến người xem cảm nhận được hùng khí của một chiến tướng từng trải trăm trận; lăng Minh Mạng uy nghi bình chỉnh đăng đối giữa núi rừng hồ ao, được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ; lăng Thiệu Trị thâm nghiêm, vừa thâm trầm giữa chốn đồng không quạnh quẽ, cũng phần nào thể hiện tâm sự của một nhà thơ siêu việt trên văn đàn song không nối được chí tiền nhân trong chính sự; lăng Khải Định giống như một toà lâu đài ở châu Âu (được xây dựng bằng bê tông trên một sườn núi); lăng Đồng Khánh với lối kiến trúc pha trộn Âu - Á; lăng Tự Đức thơ mộng trữ tình được tạo nên chủ yếu bằng sự tinh tế của con người, phong cảnh nơi đây gợi cho du khách hình ảnh của một tao nhân mang nặng nỗi niềm trắc ẩn bởi tâm huyết của một nhà vua không thực hiện được qua tính cách yếu ớt của một nhà thơ…

Bên cạnh thành quách, cung điện, lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng bao nhiêu công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền mà cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hoà trong bố cục. Song song với Kinh thành vững chãi bảo vệ bốn mặt, Trấn Bình Thành án ngữ đường sông, Trấn Hải Thành trấn giữ mặt biển, Hải Vân Quan phòng ngự đường bộ phía Nam, cả một hệ thống thành luỹ của Kinh đô song không mấy ai để ý đến tính quân sự của nó vì nghệ thuật kiến trúc đạt đến đỉnh cao. Đan xen giữa các khu vực kiến trúc cảnh vật độc đáo ấy, chúng ta còn có đàn Nam Giao - nơi vua tế trời; đàn Xã Tắc - nơi thờ thần đất, thần lúa; Hổ Quyền - đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ; Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ văn thời Nguyễn; Võ Miếu- nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên tiến sĩ võ; điện Hòn Chén - nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na… và qua nhiều những thắng tích liên quan đến triều Nguyễn hoà điệu trong các thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, Vọng Cảnh, Thiên Thai, Thiên An, Cửa Thuận… thực sự là những bức tranh non nước tuyệt mỹ.

Huế từng hiện hữu những khu vườn ngự danh tiếng như Ngự Viên, Thư Quang, Trường Ninh, Thiệu Phương… Chính phong cách kiến trúc vườn ở đây cũng lan toả khắp nơi trong dân gian, phối hợp với những nhân tố sẵn có, dần đần định hình một kiểu thức nhà vườn đặc thù của xứ Huế. Đây là thành phố của những khu nhà vườn với những ngôi nhà cổ thâm nghiêm ẩn hiện giữa xóm phường bình yên trong lòng Cố đô. Mỗi một khu nhà vườn lại mang bóng dáng của Kinh thành Huế thu nhỏ, cũng có bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng Hương, đôi tảng đá cụm thay cho cồn Dã Viên, Bộc Thanh… đủ các yếu tố tiền án, hậu chẩm, tả long, hữu hổ… lại bốn mùa hoá trái, ríu rít chim ca, không gian ấy còn là thế giới của những thi nhân mặc khách đối ẩm ngâm vịnh, là nơi diễn xướng những điệu ca Huế não nùng như Nam Bình, Nam Ai… trong những đêm gió mát trăng thanh.

Gần một thế kỷ rưỡi là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, từng là thủ phủ của Phật giáo một thời, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu, u tịch. Ông Amadou Mahtar M’bow - Nguyên Tổng giám đốc UNESCO, đã thật tinh tế khi đưa ra một nhận xét trong lời kêu gọi cho cuộc vận động bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo Di sản văn hoá Huế: “Nhưng Huế không phải chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hoá sôi động - ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hoà nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo”.

Gắn với một triều đại phong kiến tuân thủ những quy tắc rạch ròi của triết lý Khổng Mạnh, lễ hội và âm nhạc ở vùng kinh sư này đã phát triển vô cùng phong phú và mang đậm phong cách dân tộc. Triều đình thì có lễ tế Giao, tế Xã Tắc, lễ Nguyên Đán, lễ Đoan Dương, lễ Vạn Thọ, lễ Đại triều, lễ Thương triều, lễ Ban Sóc, lễ Truyền Lô, lễ Duyệt Binh… Mỗi một lễ hội đều có những bước nghi thức mà phần hồn của nó chính là âm nhạc lễ nghi cung đình. Dân gian cũng đa dạng các loại hình lễ hội: lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội vật Sình, lễ hội đua ghe, lễ hội tế đình, tế miếu… gắn kết với các loại hình lễ hội lại là những hình thức âm nhạc lễ nghi dân gian muôn màu muôn vẻ. Cùng tồn tại với dòng âm nhạc mang tính lễ nghi, loại hình âm nhạc mang tính giải trí tiêu khiển của xứ Huế cũng được thế giới biết đến như một điển hình mang đậm bản sắc riêng của một vùng văn hoá, mộc mạc thuần khiết, đặc thù không pha trộn. Đó là những điệu múa Huế, những vở tuồng Huế, những bài ca Huế mà ngày nay đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu trong một chuyến đến thăm Cố đô của du khách mọi miền. Huế ngày nay vẫn đang cố gắng bằng mọi khả năng giữ gìn những tinh hoa văn hoá cổ truyền của dân tộc, cố bảo tồn những hình thái nghệ thuật được tạo nên bằng trí tuệ tâm huyết của tiền nhân, cố phục hồi những giá trị tinh thần quí báu của cha ông để lại.

Vừa qua, điều khiến cho người dân Huế vui mừng nhất là âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều Nguyễn) được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản Văn hoá Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại.

Ngày nay, Huế đang phấn đấu trở thành một thành phố Festival của Việt Nam. Cứ hai năm một lần, nhân dân Thừa Thiên Huế lại đón chào ngày lễ hội này trong niềm háo hức. Trong ý nghĩ của nhiều người, Huế trở thành thành phố Festival gần như là một điều tất yếu vì ở Huế còn bảo lưu khá điển hình diện mạo một kinh đô của triều đại phong kiến mà các công trình kiến trúc lại hoà điệu với thiên nhiên tạo nên những tiết tấu độc đáo với những lễ hội, âm nhạc, ẩm thực truyền thống được bảo tồn phong phú đa dạng.

Những gì có được ngày hôm nay chính là nhờ công cuộc bảo tồn lớn lao với sự cố gắng không ngừng nghỉ của đất nước ta theo những tiểu chuẩn cao nhất của Di sản thế giới. Kho tàng văn hóa Huế với những giá trị tinh thần to lớn và vô giá đối với dân tộc Việt Nam cần được các thế hệ nối tiếp gìn giữ và phát huy, để tương lai sẽ còn nở rộ những đoá hoa nghệ thuật khác nữa. Huế sẽ mãi mãi được giữ gìn - cho Việt Nam và cho thế giới, mãi mãi là niềm tự hào của chúng ta.

Nguồn: khamphahue.com.vn​
 

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ
Giữa tháng 12/2003, Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO) công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Ngày 31/1/2004 tại Paris thủ đô nước Pháp, lễ đón Bằng công nhận đã được tổ chức. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu được UNESCO công nhận - một vinh dự to lớn cho cả dân tộc Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

Đây là một loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ. Nhã nhạc nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ cung đình như Tế Giao, Tế miếu, Lễ Đại triều, Thường triều...

KPH_Nha-nhac-am-nhac-cung-dinh-Viet-nam_di-san-phi-vat-the-th-gioi.jpg

Tinh hoa này được cô đọng lại dưới triều Nguyễn, khiến cho Huế càng được khẳng định hơn về một trung tâm văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Với tất cả giá trị lịch sử ấy, lúc 15h30 ngày 7/11/2003, Nhã nhạc Việt Nam đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Huế song hành một lúc hai di sản văn hóa thế giới: vật thể và phi vật thể, đã đánh dấu một bước ngoặc về thế giới văn hóa của vùng đất này.

Hành trình lịch sử

Nhã nhạc (Âm nhạc cung đình) là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển Nhã nhạc, và loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

Các thể loại âm nhạc cung đình Huế bao gồm: nhạc lễ nghi thờ cúng và nhạc lễ nghi triều chính, múa cung đình, ca nhạc thính phòng và kịch hát (tuồng cung đình).

KPH_dieu-mua-Luc-cung-hoa-dang-trong-nha-nhac.jpg

Điệu múa cung đình Lục cúng hoa đăng

Theo sách sử thì Nhã nhạc ra đời vào triều Lý (1010-1225) và hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427-1788), là loại hình nhạc mang tính chính thống, với quy mô tổ chức chặt chẽ. Các tổ chức âm nhạc được thành lập, đặt dưới sự cai quản của các nhạc quan. Triều Lê đã định ra các loại nhạc như sau: Giao nhạc, Miếu nhạc, Nhũ tự nhạc, Cứu nhật nguyệt lai trùng nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, đại yến nhạc, Cung trung nhạc. Song, vào giai đoạn cuối của triều Lê, âm nhạc cung đình dần dần đi vào thời kỳ suy thoái và nhạt phai dần.

KPH_Nha-nhac-am-nhac-cung-dinh-Viet-nam_di-san-phi-vat-the-the-gioi.jpg

Dàn Đại nhạc của Nhã nhạc cung đình vào những năm 60. (Nguồn: tranvankhe.vn)

Đến thời Nguyễn (1802-1945), vào nữa đầu thế kỷ XIX, điều kiện xã hội đã cho phép, âm nhạc cung đình phát triển trở lại. Triều đình Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của triều Lê, bao gồm: Giao nhạc: Miếu nhạc: Ngũ tự nhạc: Đại triều nhạc: Thường triều nhạc: Yến nhạc: Cung trung nhạc: Dưới thời Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Tế bất thường: Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như đai triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc ... Đại yến cửu tấu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần ... Cung trung nhạc biểu diễn trong trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu... Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa ... Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông...

Nhã nhạc lúc này có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương (lời ca bằng chữ Hán). Các nhạc chương đều do Bộ Lễ biên soạn phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Tế Giao có 10 nhạc chương mang chữ Thành (thành công); Tế Xã tắc có 7 nhạc chương mang chữ Phong (được mùa); Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ Hòa (hòa hợp), Tế Lịch Đại Đế vương có 6 nhạc chương mang chữ Văn (trí tuệ); Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ Bình (hòa bình); Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ Thọ (trường tồn); lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ Phúc (phúc lành)... Từ cơ sở kế thừa các triều đại trước, triều Nguyễn đã cho bổ sung thêm nhiều loại thể nhạc như Huyền nhạc, Ty trúc tế nhạc, Ty chung, Ty khánh, Ty cổ.

Vào cuối thế kỷ XIX, khi đất nước lâm vào nạn ngoại xâm, vai trò của triều đình mờ dần, thì âm nhạc cung đình cùng các lễ nghi cũng giảm và mờ dần. Vào cuối thời Nguyễn, chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc (gồm trống, kèn, mõ, bồng, xập xõa) và tiểu nhạc (trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, địch, tam âm, phách tiền). Ngoài ra, triều đình cho du nhập dàn Quân nhạc của phương Tây, làm cho vai trò của Nhã nhạc càng mờ nhạt thêm.

Giá trị nghệ thuật

Sử sách của triều Nguyễn ghi lại có đến 12 cuộc lễ, mỗi cuộc lễ đều có ghi đầy đủ các bài ca chương và có 126 bài ca chương ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc và bản dịch. Phần nhạc khí được quy định gồm 6 loại dàn nhạc. Đó là các dàn: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xuý đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc (đội bả lệnh). Các dàn nhạc trên đều có các nhạc khí cụ thể và không dưới 30 chủng loại với số lượng trên hàng trăm nhạc khí. Ví dụ riêng dàn Đại nhạc có đến 42 nhạc cụ của 4 chủng loại nhạc khí của 2 bộ gõ và hơi. Riêng bộ gõ thuộc về loại màng rung có 20 trống.

Về bài bản cũng rất phong phú. Ví dụ thể loại Tiểu nhạc và Đại nhạc có các bài bản như sau:

- Tiểu nhạc có 15 bài bản gồm Mười bản ngự (Thập thủ liên hoàn) và 5 bản: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long Ngâm, Tiểu khúc.

- Đại nhạc có các bài bản: Tam luân cửu chuyển, Ngũ lôi (Đăng đàn cung), Đăng đàn cung đơn, Đăng đàn cung kép, Xàng xê, Kèn chiếu, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Man, Kèn bóp (Du xuân), Cung Nam. Nam Ai, Nam Bình, Nam Trĩ.

Tất cả các loại dàn nhạc, các nhạc khí, bài bản âm nhạc, ca chương… đều do những nhạc công, ca công, vũ công tài ba nhất của đất nước thực hiện. Âm nhạc đã trở thành một cặp song sinh với các đại lễ, trở thành tiếng nói huyền diệu, có khả năng giao cảm với trời đất, thần linh, tổ tiên. Đó cũng chính là những giá trị vô giá và trường tồn của dân tộc. Nhã nhạc Huế - di sản văn hoá âm nhạc “cổ điển bác học Việt Nam” ẩn chứa những nguyên lý cấu trúc, những tư tưởng văn hoá triết lý phương Đông.

Trong bút ký Mười ngày ở Huế viết năm 1918 khi chứng kiến lễ tế Giao diễn ra trong 2 ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch, nhà báo Phạm Quỳnh đã ghi lại cảm xúc của mình như sau: “Ngoài sân phường ca hát ca khúc An thành, vừa múa, vừa hát. Đương đêm hơn một trăm con người đồng thành hát ca, nghe rất cảm động, tưởng thấu đến tận trời cao đất thẳm (…) cái tấm lòng thành của cả một dân, một nước”, “Cảnh giao đàn ban đêm như cảnh trong mộng, đèn thắp sáng trong đàn thành từng dãy dọc, dãy ngang, trông xa như một chữ Triện lớn viết bằng những nét chấm sáng mà treo lưng chừng trời. Tiếng đàn, tiếng sáo thì như nước chảy, suối reo, tiếng hát như tiếng thiên thần…”. Rõ ràng là Nhã nhạc, một thể loại của nghệ thuật cung đình Huế mà trong đó âm nhạc với một hệ thống kết cấu chặt chẽ đã đóng góp một phần hét sức quan trọng trên cả 5 lĩnh vực:
- Sự hoàn chỉnh của cấu trúc các dàn nhạc
- Hệ thống bài bản nhạc không lời hoà tấu.
- Nhạc đệm cho phần múa hát.
- Ca khúc trong các loại múa có hát.
- Các ca chương hát trong các hình thức của buổi lễ.

Những nỗ lực bảo tồn di sản

Sau năm 1945, Nhã nhạc đã mất không gian vốn có của nó và có nguy cơ mai một dần. Hiện nay Nhã nhạc không còn giữ được diện mạo như xưa, nhưng nó vẫn có thể là một minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Tuy đã được duy trì và phát triển qua cả nghìn năm, nhưng ngày nay, các tài liệu lịch sử về Nhã nhạc không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về Nhã nhạc còn quá ít ỏi ... thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải và bức xúc về công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị.

Từ sau năm 1975, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin và lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chủ trương, quyết định để bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này. Trong Quyết định 105/TTg ngày 12-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996 - 2010, thì một trong những mục tiêu bảo tồn được xác định là: bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế, trong đó được khẳng định là nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng cung đình và lễ hội cung đình. Từ năm 1992, nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ra đời, chuẩn bị các cơ sở phục vụ cho công tác bảo tồn âm nhạc cung đình Huế. Để đảm bảo có không gian diễn xướng tương ứng theo lịch sử, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã triển khai tu bổ các công trình như Duyệt Thị Đường, Lương Khiêm Đường, Nam Giao, Thế Miếu. Bên cạnh đó đã tổ chức nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến âm nhạc cung đình.

Tháng 3/1994 UNESCO đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin, UBND tỉnh, Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức Hội nghị quốc tế về bảo vệ và giữ gìn phục hồi văn hóa phi vật thể vùng Huế.

Tiếp theo là các dự án đào tạo được Bộ Văn hóa Thông tin, các Quỹ của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản... tài trợ cho các lớp nhạc công, diễn viên ca múa cung đình.

Tháng 9/1996, Dự án đào tạo Nhã nhạc đầu tiên ở Việt Nam đã được xây dựng và tổ chức khai giảng tại trường ĐH Nghệ thuật Huế, với 15 sinh viên theo học các nhạc cụ thuộc dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc. Sau đó, năm 1997 - 2000, JFAC đã tài trợ để tổ chức các hội nghị, tọa đàm về Nhã nhạc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà quản lý và đào tạo của nhiều nước như Nhật Bản, Phi-lip-pin, Việt Nam.

Cuối tháng 8/2002, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam, Trung tâm BTDTCĐ Huế, đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về Âm nhạc cung đình Huế - Nhã nhạc, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn di sản Nhã nhạc.

Bên cạnh đó, nhà hát Truyền thống cung đình Huế đã được thành lập (trực thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) bước đầu đã bảo tồn được một số bản nhạc như: 10 bản Ngự (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xung phong, Long hổ, Tẩu mã), Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc...; các bản nhạc thường dùng trong dàn Đại nhạc (Tam luân Cửu chuyển, Thái bình Cổ nhạc, Đăng đàn cung, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Mang, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép) cùng một số bài bản khác. Sự góp sức của đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế (thuộc Sở Văn hóa Thông tin và Câu lạc bộ Phú Xuân cũng góp phần tích cực vào việc bảo tồn di sản Nhã nhạc.

Cùng với việc phục hồi các tác phẩm kể trên, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế của Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tiến hành biểu diễn phục vụ khách đến Huế tham quan, nghiên cứu. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền ở các nước Châu Á, Châu Âu như: Hàn Quốc, Lào, Pháp, Bỉ, Áo, Lucxămbua, đã tham gia tích cực các chương trình nghệ thuật của Festival Huế 2000, 2002. Đặc biệt từ ngày 01/02 đến 14/02/2004, Nhà hát đã đi biểu diễn Nhã nhạc cung đình tại các thành phố Montreuil, Arras, Areueil, Lyon, Marseille, thủ đô Paris (thuộc Cộng hòa Pháp) và thủ đô Bruxelles (thuộc Vương quốc Bỉ). Trong đợt lưu diễn này, tại văn phòng UNESCO (Pháp), bằng chứng nhận Di sản Nhã nhạc Việt Nam là Kiệt tác Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại đã được UNESCO trao cho Huế.

KPH_tem-ve-Nha-nhac-cung-dinh-Hue.jpg

Hình ảnh Nhã nhạc Cung đình Huế được in trên các con tem do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành

Tỏa sáng với chức năng: khẳng định truyền thống văn hóa Việt Nam

Trung tuần tháng 8/2002, bộ hồ sơ Nhã nhạc đã được Trung tâm BTDTCĐ Huế thực hiện và Chính phủ đã ký quyết định gửi đến UNESCO đăng ký ứng cử vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại.

Hồ sơ Nhã nhạc bao gồm: trên 100 trang (hồ sơ viết), gần 100 trang phụ lục, trên 50 ảnh tư liệu và hiện trạng, phim slide, băng hình thuyết minh (10 phút), băng hình minh họa (70 phút), cùng nhiều tài liệu liên quan khác. Hồ sơ đã khẳng định Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình đạt đỉnh cao vào thế kỷ 19 ở Việt Nam, Huế là trung tâm hội tụ và lan tỏa các giá trị này. Với các giá trị của không gian, bối cảnh, các kỹ năng kỹ thuật, cách thức diễn xướng, trình tấu, vị thế mang tính chất khẳng định bản sắc văn hóa thực trạng của công cuộc bảo tồn và chương trình hành động...

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cùng với 27 kiệt tác khác của Châu Á (10); Châu Mỹ La tinh, vùng Caribê (6); Châu Âu (4); Châu Phi (2); vùng Trung Đông (3), Đa quốc gia (2).

Với những giá trị nổi bật, Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam, bằng tất cả những gì còn lại ở Huế chắc chắn sẽ tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng với các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia trong khu vực và thế giới.

Những giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ở giai đoạn tới

Việc bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể không phải chỉ dựa vào trí tuệ một cá nhân, một tập thể, cũng không phải là công việc một sớm một chiều, mà phải có sự nổ lực của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghê sĩ, các nhà quản lý và của tất cả mọi người.

Một trong những vấn đề then chốt là phải tiến hành điều tra các giá trị văn hóa liên quan đến Âm nhạc cung đình Huế, xây dựng kế hoạch các sưu tập tư liệu sách vở, ảnh, phim, băng nhạc, đĩa hát... Qua đó, cần tư liệu hóa các tác phẩm âm nhạc để dàn dựng các chương trình bảo tồn, đồng thời nhân bản tư liệu để cất giữ, đề phòng mất mát, nhất là điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Huế.

Hơn nữa, cần tiếp cận những nghệ nhân, nhân chứng sống còn hiểu biết về âm nhạc cung đình, tiến hành thu băng, chụp hình, quay phim những diễn xuất giai điệu, ca từ mà họ trình bày. Hiện tại, những nghệ nhân xưa đã lần lượt ra đi, hạn hữu còn lại một vài vị cũng đã qua tuổi "cổ lai hy"... vì vậy phải khẩn trương khai thác những tri thức kỹ năng, kỷ xảo quý giá còn ở nơi họ. Cùng với sự tiếp cận này, phải xây dựng một chế độ đãi ngộ thích đáng đối với các nghệ nhân để họ nhiệt tình truyền nghề lại cho các thế hệ kế tiếp.

Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không kém phần quan trọng, nhằm góp phần nâng cao trình độ thưởng thức, huy động cái sở tri của mọi tầng lớp nhân dân về âm nhạc cung đình. Mở rộng tuyên truyền đến khách du lịch nước ngoài bằng các cuộc biểu diễn tại không gian diễn xướng lịch sử, mà âm nhạc cung đình đã thể hiện. Kêu gọi sự đóng góp tri thức của các bậc thức giả: tranh thủ sự đầu tư, hổ trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài cả về kinh phí, phương tiện, tư liệu, ổ chức các đợt biểu diễn tuyên truyền Nhã nhạc ở nước ngoài.

Điều đáng quan tâm khác là phải thành lập Hội đồng khoa học gồm các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có uy tín để thường xuyên kiểm chứng các khúc nhạc, lời ca nhằm kịp thời uốn nắn, chỉnh lý, thậm chí loại bỏ những sai sót không đáng có, tránh sự cải biên tùy tiện làm giảm các giá trị đích thực của âm nhạc truyền thống.

Ngoài ra, cần xúc tiến thành lập một Nhà/phòng bảo tàng Âm nhạc cung đình Huế, có thể hoạt động bên cạnh hoặc trong lòng Duyệt Thị Đường, để trưng bày lưu trữ những nhạc cụ, nhạc bản, phục trang, hình ảnh, tư liệu những đĩa hát xưa và nay, những băng từ ghi âm, ghi hình, các tài lệu nghe nhìn về nhạc cung đình Hế, các địa điểm diễn xướng, để làm cho các kiến trúc lịch sử này sống lại trong môi trường văn hóa vốn có của nó.

Với sự kiện Nhã nhạc được công nhận Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, văn hóa Huế lại một lần nữa được đăng quang, chắc chắn sẽ tạo thêm những điều kiện mới cho sự phát triển của trung tâm văn hóa du lịch này.

Nhã nhạc cung đình Huế là một trong những tài sản vô giá của dân tộc ta. Giá trị ấy đã trường tồn cùng dân tộc và đã được nhân loại tôn vinh. Việc bảo tồn phát huy nó trong xã hội đương đại là công việc rất nặng nề nhưng bước đầu đã thu được những thành quả rất đáng phấn khởi.

Nguồn: www.nhanhac.com
 

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN
Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31 tháng 7 năm 2009, gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

KPH_Moc-ban-trieu-Nguyen.jpg


Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử..., triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản.

Tất cả nội dung các bản thảo được khắc trên mộc bản đều được hoàng đế trực tiếp ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý. Do tính chất cực kỳ quan trọng của mộc bản, dưới thời Minh Mạng, nhà vua từng có chỉ dụ: “Sai quan Bắc thành kiểm xét các ván in nguyên trữ tại Văn Miếu (Hà Nội) về các sách Ngũ Kinh, Tứ Thư Đại Toàn, Vũ Kinh Trực Giải cùng Tiền Hậu Chính Sử và Tứ Trường Văn Thể gửi về kinh để ở Quốc Tử Giám (Kinh đô Huế)”. Gỗ dùng làm ván khắc mộc bản triều Nguyễn cũng rất đặc biệt, là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo hay gỗ cây nha đồng, vừa mềm, vừa mịn, thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi. Nét chữ khắc trên mộc bản rất điêu luyện, tinh xảo và sắc nét. Đây là những tài liệu gốc, độc bản, có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.

Mộc bản triều Nguyễn trong hồ sơ di sản được đánh giá như sau:

34.555 bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Nó đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam. Chính vì những tính chất quan trọng và giá trị cao mà trong thời kỳ phong kiến và các nhà nước trong lịch sử của Việt Nam đã rất chú tâm để bảo quản những tài liệu này.

Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược dùng để in ra các sách được sử dụng phổ biến dưới triều Nguyễn. Hiện 34.555 tấm mộc bản đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 - trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, có nội dung rất phong phú và được chia làm chín chủ đề: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục.

Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn (được thành lập năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng) tại Huế. Ngoài ra, tài liệu này còn bao gồm cả những ván khắc in được tập hợp từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc Tử Giám (Huế) dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Từ năm 1960, Mộc bản triều Nguyễn được chuyển vào Đà Lạt.

Đây là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, do giá trị về mặt nội dung, đặc tính về phương pháp chế tác và những quy định rất nghiêm ngặt của triều đình phong kiến về việc ấn hành và san khắc, những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng.

Nội dung của khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt về xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Về lịch sử: có 30 bộ sách gồm 836 quyển, ghi chép về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn. Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy và có tính chính xác cao. Trong 34.619 tấm Mộc bản, có một bản khắc bài “Nam quốc sơn hà”. Đây là bản khắc gỗ cổ nhất bài thơ “Nam quốc sơn hà” còn lại cho đến ngày nay. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” khẳng định chân lý: Nước Nam là một quốc gia lãnh thổ riêng, cương giới rạch ròi, quyền độc lập tự chủ của dân tộc là thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Về địa lý: có hai bộ sách gồm 20 quyển, ghi chép về địa lý của nước Việt Nam đã thống nhất và ghi chép về hoàng thành Huế. Đặc biệt, trong khối tài liệu quý giá này có những bản khắc mộc bản mang nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bản gốc sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép về các sự kiện xảy ra từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần, trải qua chín đời chúa (1558 - 1777), đã khẳng định: quần đảo Hoàng Sa (tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa) thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi

Về chính trị xã hội: có năm bộ sách gồm 16 quyển, ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Về quân sự: có năm bộ sách gồm 151 quyển, ghi chép về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Bắc kỳ, Nam kỳ, Bình Thuận và một số nơi khác.

Về pháp chế: có 12 bộ sách gồm 500 quyển, ghi chép về các điển chế và pháp luật triều Nguyễn.

Về văn hóa - giáo dục: có 31 bộ sách gồm 93 quyển, ghi chép về những nhân vật đỗ cử nhân, tiến sĩ triều Nguyễn.

Về tư tưởng triết học - tôn giáo: có 13 bộ sách gồm 22 quyển, ghi chép về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia.

Về văn thơ: có 39 bộ gồm 265 quyển, ghi chép thơ văn của các bậc đế vương và Nho gia nổi tiếng Việt Nam.

Về ngôn ngữ văn tự: có 14 bộ sách gồm 50 quyển, giải nghĩa Luận ngữ bằng thơ Nôm.

Về quan hệ quốc tế: tài liệu mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị khi tìm hiểu lịch sử và văn hóa các nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp..

mocbanchieunguyen2.jpg

Nơi trưng bày mộc bản triều Nguyễn

Trước năm 1960, tài liệu mộc bản triều Nguyễn được lưu trữ tại Huế. Từ năm 1960 được chuyển từ Huế về Đà Lạt. Quá trình di chuyển tài liệu mộc bản triều Nguyễn từ Huế về Đà Lạt rất công phu và cẩn trọng, phải di chuyển làm ba lần mới hoàn thành. Từ năm 1961 - 1975, tài liệu mộc bản triều Nguyễn được cất giữ tại chi nhánh văn khố Đà Lạt; do điều kiện bảo quản không tốt nên bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Sau năm 1975, được giao về Cục Lưu trữ nhà nước (nay là Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước), bảo quản tại tòa nhà Dòng Chúa cứu thế. Từ năm 1984, được chuyển về bảo quản tại khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV). Hiện nay, khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn đã được xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản, đã phân loại, chỉnh lý khoa học, đồng thời được in rập ra giấy dó và số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng.

Để bảo tồn và phát huy giá trị khối tài liệu này, năm 2004, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước cho phép biên soạn và xuất bản sách Mộc bản triều Nguyễn - đề mục tổng quan, giới thiệu toàn bộ nội dung khối tài liệu quý hiếm trên với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Khánh Ngân
Cục Di sản văn hóa​
 

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN
Châu bản là những văn bản của vương triều đã được nhà vua “ngự phê” bằng mực son đỏ. Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính được hình thành trong quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945), triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bao gồm văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên nhà vua phê duyệt, văn bản các vua ban hành cùng một số văn kiện ngoại giao và thơ văn ngự chế. Đây là khối tài liệu lưu trữ quý hiếm, nội dung phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện về các hoạt động chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội dưới triều Nguyễn. Tháng 5/2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

KPH_Chau-ban-trieu-Nguyen.jpg

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu, sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ và các tờ truyền, sai, phó, khiển, di (loại công văn của các cơ quan, tổ chức Nhà nước) thuộc kho lưu trữ của triều đình Nguyễn được vua ngự lãm và ngự phê. Trước khi ngự phê, vua tham khảo “phiếu nghĩ” của các Nội Các, Lục Bộ sau đó trực tiếp cho ý kiến đồng ý hay phủ nhận… Đây là loại văn bản hành chính được hình thành trong quá trình hoạt động của bộ máy Nhà nước phong kiến thời Nguyễn từ trung ương đến địa phương. Nội dung văn bản phản ánh một cách toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao của xã hội Việt nam trong thời gian tại vị của 13 đời vua Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại (1802-1945)”.

Toàn bộ khối Châu bản triều Nguyễn có 773 tập, tương đương khoảng 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại). Các loại hình văn bản của Châu bản triều Nguyễn rất phong phú, bao gồm: chiếu, dụ, chỉ, sớ, tấu, khải, phúc, phiến trình, phiếu nghĩ... được quy định chặt chẽ về chức năng và thẩm quyền ban hành. Châu bản triều Nguyễn chủ yếu được viết tay trên giấy dó, phản ánh các vấn đề của đời sống xã hội, các biến động về lịch sử, các chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.

Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn bao gồm dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác. Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn có 6 loại gồm: châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Các hình thức Ngự phê này là một trong những đặc trưng độc đáo của Châu bản.

KPH_chau-ban-trieu-Nguyen-1.jpg

Các hình thức ngự phê của hoàng đế trên Châu bản

- Triều Gia Long: Trong Châu bản, văn bản lưu bút tích của hoàng đế Gia Long không nhiều, chủ yếu là trên văn bản có nội dung về các vị thuốc của Ngự Y Viện tấu lên, kê khai dân số của trường duyệt tuyển địa phương tấu lên. Qua những chi tiết phê duyệt cụ thể lên từng tên dân đinh trong bản kê cho thấy, hoàng đế Gia Long rất quan tâm tới việc tuyển binh lính dùng trong quân đội dù đất nước đã thống nhất.Nội dung và hình thức châu bản cũng phản ánh rõ đặc điểm bút phê của từng hoàng đế qua từng triều đại.

- Triều Minh Mệnh: Bút phê của hoàng đế Minh Mệnh trên Châu bản rất phong phú, đầy đủ các loại châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Nội dung phê duyệt của ông tập trung chỉ đạo các chính sách khuyến nông nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, hy vọng đạt đến cảnh dân an, nước thịnh.

KPH_Chau-ban-trieu-Nguyen.jpg

Lời phê của hoàng đế Minh Mệnh tập trung vào bài "Đế hệ thi"

- Triều Tự Đức: Bút phê của hoàng đế Tự Đức được thể hiện trên Châu bản với các hình thức châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Từ nội dung vua phê về những vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, tư tưởng, phong tục tập quán, bang giao v.v. đã cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về bối cảnh lịch sử, kinh tế - xã hội, chính trị, ngoại giao của nước ta cuối thế kỷ XIX.- Triều Thiệu Trị: Hoàng đế Thiệu Trị để lại bút phê trên Châu bản với những hình thức như: châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Nội dung ngự phê của ông chú trọng vào các lĩnh vực văn hóa, chính trị, quân đội, nông nghiệp và đê điều. Hoàng đế Thiệu Trị còn là một người thích thơ, bản tính đằm thắm, nên lời phê của ông dung hòa, nhẹ nhàng.

- Triều Kiến Phúc: Châu bản có niên đại hoàng đế Kiến Phúc bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chỉ có duy nhất 1 tập, nên chúng tôi không lựa chọn được nhiều văn bản lưu bút phê của vị vua này giới thiệu đến công chúng.

- Triều Đồng Khánh: Trên thực tế, triều Đồng Khánh không có thực quyền nên nội dung lời phê của hoàng đế chủ yếu về chi tiêu trong hoàng cung, chi lương và thăng bổ quan lại.
- Triều Thành Thái: Hoàng đế Thành Thái quan tâm, tập trung ngự phê chủ yếu trên các lĩnh vực như: văn hoá, giáo dục, thăng bổ quan lại, binh biền, đặc biệt là giáo dục. Nội dung ngự phê của ông thể hiện sự quan tâm đến sĩ số học sinh ở trường Quốc Tử Giám, nội quy của trường Tôn học, thăng bổ quan viên hay tình hình thí sinh ở trường thi các tỉnh.
- Triều Duy Tân: Ngự phê của hoàng đế Duy Tân trên Châu bản tập trung ở các hình thức châu điểm, châu phê, châu khuyên với nội dung chủ yếu ở các lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, thăng bổ quan lại... Qua lời phê, chúng ta nhận thấy ông đặc biệt quan tâm đến việc học hành, thi cử ở trường thi các tỉnh và khắc in sách chính sử.
- Triều Khải Định: Do bản tính và thời thế nên các văn bản vị hoàng đế Khải Định ngự phê chủ yếu về các vấn đề tổ chức tế lễ, diễn kịch, thăng bổ và thưởng phạt quan lại.
- Triều Bảo Đại: Hoàng đế Bảo Đại ngự phê trên Châu bản bằng ba loại văn tự Việt, Pháp, Hán và sử dụng các hình thức phê như châu điểm, châu phê, châu cải, châu sổ. Ngự phê của vua Bảo Đại tập trung chủ yếu trên các văn bản có nội dung phản ánh các việc kinh tế, thưởng phạt quan lại, tế lễ, ngoại giao.

Các giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn

Tính xác thực

Những sự kiện được ghi chép trong Châu bản mang tính xác thực cao bởi đó là những thông tin phục vụ cho công tác quản lý xã hội và được tiếp nhận, xử lý bởi chính các vua triều Nguyễn. Hình thức văn bản cũng được triều Nguyễn quy định chặt chẽ, các dấu tích để lại trên văn bản như chữ viết của nhà vua, con dấu… rất khó ngụy tạo. Châu bản cũng là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên, tục biên), Quốc triều chính biên toát yếu, Tự Đức chiếu dụ, Hà đê bộ văn tập, Hà đê tấu tư tập…

Ý nghĩa quốc tế

Châu bản lưu bút tích phê duyệt trực tiếp bằng mực son của các vua triều Nguyễn và sử dụng 4 loại chữ viết là chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ (chữ Việt). Châu bản được soạn thảo và viết tay bằng bút lông bởi các thư lại có khả năng văn chương và chữ viết đẹp. Hệ thống chữ viết trên Châu bản phản ánh các biến chuyển trong việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, những biến động trong hệ tư tưởng xã hội và sự tác động của làn sóng văn hóa từ các quốc gia xâm chiếm tới các quốc gia thuộc địa.


Châu bản triều Nguyễn còn phản ánh hoạt động giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới như Indonesia, Singapore, Philippin, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Anh, Tây Ban Nha...

Tính quý hiếm

Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu duy nhất tại Việt Nam và hiếm có trên thế giới có bút tích của nhà vua phê duyệt chi tiết về mọi vấn đề của đất nước trên văn bản. Đây là các tài liệu gốc rất có giá trị, giúp nghiên cứu phục dựng toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người của một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử. Trải qua thời gian, những hình dấu in trên văn bản, bút tích phê duyệt của các vua, hình thức văn bản, ngôn ngữ, chữ viết, chất liệu giấy, mực… đều trở thành những tư liệu quý giá, cung cấp thông tin hữu ích về các lĩnh vực như: hành chính học, văn bản học, gia phả học, ấn chương học…

Tính toàn vẹn

Với 773 tập tương đương khoảng 85.000 văn bản, Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính lưu giữ đầy đủ và hoàn chỉnh về một triều đại phong kiến ở Việt Nam.

Một trong những giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn thể hiện ở chỗ đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 85.000 Châu bản được lưu giữ có khoảng 19 Châu bản ghi lại cụ thể về việc triều Nguyễn hàng năm đã cử thủy quân Hoàng Sa ra 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật… cũng như phê chuẩn thưởng/phạt trong việc bảo vệ 2 quần đảo này. Đặc biệt, các châu bản này đã thể hiện Việt Nam là một quốc gia biển rất có trách nhiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn thuyền bè của các nước gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Với những giá trị độc đáo, nổi bật, ngày 14/5/2014, tại phiên họp thứ 2 Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc), Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện, kho tài liệu đồ sộ này đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I (số 18 Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Cố đô Huế là nơi gắn liền sự hình thành của Châu bản, cũng là nơi có nhu cầu to lớn trong việc khai thác, phát huy giá trị của châu bản. Vì vậy, việc các đơn vị quản lý và chuyên môn phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa châu bản, bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau, về Huế để khai thác, phát huy giá trị là việc làm hết sức cần thiết và phù hợp. Và đây cũng là một phương cách hữu hiệu để tôn vinh giá trị của di sản Châu bản ngay tại nơi nó được sinh ra.

Nguồn: khamphahue.com.vn, vietnamtourism.com
 

uocmo_kchodoi

Moderator
Xu
0
KHO TÀNG VÔ GIÁ VỚI HỆ THỐNG THƠ VĂN TRÊN KIẾN TRÚC CUNG ĐÌNH HUẾ
Khi lấp lánh rạng ngời trong vàng son rực rỡ, khi ẩn hiện thấp thoáng thật trang nhã cao siêu, những vầng thơ ngự chế, những câu đối, những đại tự chữ Hán… đều là sản phẩm trí tuệ tuyệt vời của các vị hoàng đế triều Nguyễn, được chạm, khắc, khảm, đúc, nung, ghép… bằng nhiều chất liệu khác nhau: gỗ, đồng, pháp lam, ngà voi, xương, sành sứ… tạo nên một bộ sưu tập thơ văn vô cùng phong phú và có giá trị đặc biệt về mỹ thuật, văn hóa và lịch sử. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, và có lẽ cũng chưa từng thấy ở nơi nào khác trên phạm vi toàn thế giới.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: “Đây là một hệ thống di sản nằm trong di sản và thực sự là một kho tàng văn hóa vô giá của xứ Huế, của Việt Nam mà cho đến nay chưa phải ai cũng biết đến. Điều đáng nói là cho đến nay, hệ thống vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy. Di sản này xứng đáng trở thành Di sản tư liệu thế giới, được vinh danh và bảo tồn bền vững cho các thế hệ mai sau”.

KPH_Tho-van-tren-kien-truc-cung-dinh-hue_DienThaiHoa.jpg


Thơ văn trên kiến trúc Điện Thái Hòa - Đại Nội Huế​

Cố đô Huế nói chung và văn hóa triều Nguyễn nói riêng có 5 di sản tầm quốc tế. 4 di sản đã được tổ chức UNESCO công nhận trước đó, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn. Với sự kiện này, Huế thực sự đã trở thành “Một điểm đến, 5 di sản”.

Hiện trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ, 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Việc bảo vệ hồ sơ “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được các chuyên gia đánh giá thành công và xuất sắc nhất trong tất cả các hồ sơ được đề cử lần này. Đây là những di sản tư liệu độc đáo, là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở Việt Nam và có giá trị nổi bật toàn cầu.

KPH_Tho-van-tren-kien-truc-cung-dinh-Hue_Dien-Long-An.jpg

Thơ văn được khảm cẩn ngà voi và xương ở nội thất điện Long An

KPH_Tho-van-tren-kien-truc-cung-dinh-hue_1.jpg

Những bài thơ trên một di sản kiến trúc cung đình Huế

KPH_Tho-van-tren-kien-truc-cung-dinh-hue_TruongLangTuCamThanh.jpg


Các bài thơ được sơn son thếp vàng đặt tại Trường Lang - Tử Cấm Thành

Các chuyên gia nhận xét: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Hệ thống di sản thơ văn này thật sự là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn. Nó chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn.

KPH_Bang-cong-nhan-Tho-van-tren-kien-truc-cung-dinh-Hue-la-di-san-phi-vat-the-nhan-lo%E1%BA%A1i.JPG

Bằng công nhận Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ngày 19/5/2016, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đó thực sự là một kho tàng văn hóa vô giá của xứ Huế, của Việt Nam mà cho đến nay chưa phải ai cũng biết đến. Nhiệm vụ của thế hệ trẻ chúng ta là giữ gìn, bảo vệ những gì vốn có của nó và quảng bá những giá trị này tới bạn bè năm châu trên toàn thế giới!
Nguồn: khamphahue.com.vn​
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top