Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG - Nơi ươm mầm những tài năng

Hide Nguyễn

Du mục số
Gọi là tài năng hẳn rất đúng, bởi muốn được chọn vào Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG (HV), các cầu thủ nhí phải vượt qua 500 - 1.000 “đối thủ” khác. Trong số 7.000 cầu thủ nhí dự tuyển vào HV năm 2007, chỉ có 16 em được chọn. Và mới đây, năm 2009, trong số 10.000 em dự tuyển, HV chỉ chọn được 10.

Ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn HAGL, cho biết: “Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn và chúng tôi muốn chăm lo, dạy dỗ các em nên người, thành đạt chứ không chỉ là dạy đá bóng”.

111hagljmg2.jpg


Những tài năng tương lai của HAGL Arsenal JMG


Chúng tôi vào phòng ngủ của các em để tham quan. Thoạt tiên chỉ nghe nói chi phí chăm lo cho các em gần 400 triệu đồng/em/năm, chúng tôi chưa tin lắm, nhưng đến khi chứng kiến điều kiện ăn, ngủ, học tập… nơi đây, chúng tôi mới thật sự tường tận.

Nguyễn Quang Huy là một ví dụ điển hình. Sinh năm 1995 trong một gia đình nghèo ở Bình Thuận, Huy được nhận vào HV lúc 12 tuổi và sau 1 năm, em đã phát triển chiều cao thêm 10cm, tăng 9kg. Để có thể chất như vậy, mỗi ngày em phải ăn 5 bữa/ngày với chế độ ăn các bữa chính gồm 6 món: 1 con tôm càng, 200g thịt bò, 200g rau xanh, món mặn là thịt gà hay heo và bắt buộc ăn thêm yaourt, chè, chuối. Ngoài các buổi sáng học văn hóa và buổi tối học ngoại ngữ, thời gian còn lại Huy đều dành cho bóng đá và hiện em có thể tâng bóng đến 3.000 cái bằng cả 2 chân.

111hagljmg1.jpg


Quang Huy thể hiện kỹ năng đi bóng.

Một cầu thủ nhí khác là Lương Xuân Trường, quê ở Tuyên Quang. Sau 2 năm vào HV, hiện Trường có thể làm… phiên dịch Anh văn cho một số đồng đội. Gia cảnh khó khăn nên khi Trường được tuyển chọn, bố mẹ em mừng rơi nước mắt. Hỏi vì sao 2 năm nay vẫn chưa được tập đá bóng bằng giày, anh Trần Văn Minh, thầy của Trường, bảo: “Tất cả các em phải làm quen với cảm giác chạm bóng bằng chân.

Ăn, ngủ, giải trí đều xoay quanh trái bóng. Xem tivi cũng là xem bóng đá, phòng ngủ hướng mặt ra sân bóng… Một điều nữa là HV chỉ đào tạo tiền vệ, tiền đạo chứ không đào tạo hậu vệ, thủ môn bởi chúng tôi quan niệm rằng tiền đạo có thể làm hậu vệ, làm thủ môn nhưng ngược lại thì không”.

Trong số 16 cầu thủ nhí được tuyển vào HV năm 2007, anh Trần Văn Minh cho biết chỉ có duy nhất 1 em người dân tộc J’Rai là K’sor Úc. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Úc từng mơ ước trở thành cầu thủ nổi tiếng như Ronaldo hay Maradona. Vượt qua nhiều bạn khác, Úc trở thành học viên của HV và hiện tại, em có thể vừa tâng bóng vừa thay đồ, lại còn có thể giữ - tâng bóng bằng 12 điểm chạm trên cơ thể.

Ngoài Úc ra, người xuất sắc nhất trong số 16 cầu thủ nhí là Nguyễn Công Phượng, quê ở Nghệ An. Khi HV tuyển người ở Nghệ An, do phải phụ cha làm ruộng nên Phượng không biết lịch tuyển. Thế rồi sau vụ mùa, 2 cha con em khăn gói vào tận Pleiku “ứng thí”. Hiện Phượng có thể vừa tâng bóng vừa chạy 105m chỉ mất 20,5 giây. Đây có thể là một “ngôi sao” của bóng đá Việt Nam sau vài năm nữa. Và một điều chắc chắn rằng “ngôi sao” ấy sẽ có trình độ cấp 3, có bằng C ngoại ngữ và không bao giờ mắc “bệnh” như các đàn anh của mình…

Dạo một vòng quanh phòng ngủ, phòng ăn lát toàn gỗ xoan đào, xung quanh 10 sân bóng ngoài trời lẫn trong nhà của HV, xem qua chế độ học tập, thực đơn ăn, lịch giải trí… chúng tôi tin rằng nơi đây sẽ là cái nôi lý tưởng để nuôi dưỡng và nâng cánh cho các tài năng của bóng đá Việt Nam vươn lên, bay xa…

Theo SGGP
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top