• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Học Trò Cũ

Hide Nguyễn

Du mục số
Truyện ngắn của Trọng Bảo


Đ
ón khách xong, hiệu trưởng Thụ đáo vội về phòng riêng vớ lấy cái khăn mặt. Anh chưa kịp lau mồ hôi thì lại có tiếng ông trưởng ban hành chính gọi:

- Mời thầy hiệu trưởng sang ngay phòng họp, đồng chí phó chủ tịch và các anh trên tỉnh có ý kiến đóng góp xây dựng trường...
- Vâng... Vâng... tôi sang ngay đây! Bác thưa với các anh ấy uống nước chờ tôi một lát!

Ném chiếc khăn mặt xuống bàn, chỉnh vội cái ca-vát xộc xệch, hiệu trưởng Thụ lật đật bước sang phòng họp hội đồng nhà trường để nghe ý kiến chỉ đạo của các anh ở trên về. Chả là trường phổ thông cơ sở Hoà Xuân chuẩn bị đón nhận huân chương Lao động hạng 3, nhà trường tổ chức gặp mặt các học sinh cũ đang làm việc ở tỉnh xin ý chỉ đạo và mong được sự trợ giúp. Hơn bốn chục năm rồi, nhiều lớp học sinh đã học tập ở trường này. Tuy là một trường ở vùng quê nghèo khó nhưng có nhiều người học hành đỗ đạt ra phết. Đất nghèo nhưng yêu chữ, hiếu học. Buổi mới lập trường nhà gianh, vách đất. Học sinh tới lớp quần áo vá chằng, vá đụp, tay cầm những cuốn vở quăn góc, rách bìa. Có người còn đem trâu cột ngoài sân trường cho gặm cỏ trước khi vào lớp tập viết. Giáo viên thì cũng chẳng hơn gì, cơm độn sắn, mỳ nắm luộc thế mà vẫn tận tình bám lớp tất cả vì học sinh thân yêu. Mái trường quê lam lũ này đã ấp ủ, nuôi dưỡng bao học trò. Những năm chiến tranh phá hoại, học sinh từ thành phố, thị xã sơ tán về học ở trường khá đông. Nay nhiều người thành đạt giữ những chức vụ quan trọng ở tỉnh và trung ương. Buổi họp chuẩn bị cho hội trường, xe cộ kéo về nườm nượp, cuốn bụi mịt mù. Dân phố núi được một phen ngưỡng mộ. Lớp học sinh hôm nay chắc chắn sẽ phải lấy đó làm điều tự hào, để răn mình phải cố gắng mà vươn lên. Hơn bốn mươi năm qua rồi nhà trường đổi thay, phát triển. Cũng có được một ngôi nhà hai tầng với tám phòng học, còn lại thì vẫn là nhà cấp bốn. Học sinh vẫn phải học hai ca mỗi khi trời mưa bão. Bởi lẽ dãy nhà cấp bốn nắng thì các em có lớp mà mưa thì mất chỗ ngồi học. Đám học trò ướt át rét mướt kéo nhau lên đứng co ro ở hành lang nhà hai tầng.

1243106411-tuoi_hoc_tro15.jpg



Trường phổ thông cơ sở Hoà Xuân được tặng thưởng huân chương Lao động hạng 3 là một sự kiện trọng đại. Hiệu trưởng Thụ cũng bị bất ngờ. Mặc dù anh là người đã chuẩn bị các loại văn bản thành tích để báo cáo lên trên xem xét. Nhưng anh vẫn cho rằng trường mình nhếch nhác, chất lượng đào tạo có tốt nhưng trường lớp úi sùi, cơ sở vật chất dạy học thì còn quá nghèo nàn. So với các trường trong tỉnh thì còn kém thua xa. Nhớ hôm đoàn cán bộ cơ quan thi đua khen thưởng của tỉnh xuống khảo sát, ông trưởng đoàn vặn vẹo anh đến toát mồ hôi. Anh ấp úng, nhiều câu hỏi không trả lời được. Sau bận ấy anh nghĩ trường Hoà Xuân chắc chắn là bị loại khỏi danh sách đề nghị khen thưởng. Không ngờ ông trưởng đoàn kiểm tra ấy khó tính nhưng lại từ tâm. Ông đã nhìn thấy “nhân tố mới”, thấy được sự nỗ lực vượt bậc của thầy trò ở một trường nghèo nhất tỉnh.

Từ ngày có quyết định được tặng thưởng huân chương, trường phổ thông cơ sở Hoà Xuân luôn có khách. Hữu xạ tự nhiên hương. Học sinh cũ thành đạt nghe tin tìm về. ồn ào, rôm rả, hể hả. Nhiều vị quan chức vốn là học sinh cũ đánh xe về góp ý kiến, chỉ đạo việc tiếp tục xây dựng trường, ăn một bữa cơm thân mật với ban giám hiệu rồi ra đi. Hiệu trưởng Thụ vốn không phải là học sinh cũ của trường phổ thông cơ sở Hoà Xuân. Anh cũng chỉ là lớp đàn em so với các thế hệ đã qua của trường này. Buổi gặp gỡ học sinh cũ của trường Hoà Xuân hôm nay có cả ông phó chủ tịch tỉnh nên hiệu trưởng Thụ trong lòng lo lắng, sợ không chu đáo. Tự dưng, anh thấy mất chủ động, tựa như chính mình là khách vậy.

Bước vào phòng họp, hiệu trưởng Thụ thấy ông phó chủ tịch tỉnh đầu hói bóng lộn đang ngồi phanh áo ra cho mát. Cái quạt trần cũ kỹ, chạy hết tốc độ nghiến ken két ngay phía trên đầu ông. Nghĩ dại, lỡ mà nó lỏng ốc tượt xuống như dạo nọ đang họp hội đồng giáo viên thì thật là một tai vạ cho nhà trường. Vừa nhìn thấy anh, ông phó chủ tịch tỉnh nói ngay:

- Nào, hiệu trưởng vào đây báo cáo xem công tác chuẩn bị lễ đón nhận huân chương đến đâu rồi?
- Vâng... vâng ạ!
Hiệu trưởng Thụ kéo cái ghế hơi lùi lại phía sau ông phó chủ tịch tỉnh rồi líu ríu ngồi xuống. Chợt nhìn thấy chiếc cốc nước lọc đã gần cạn đặt trước mặt ông phó chủ tịch anh lại vội nhỏm dậy. Anh lật đật bước ra ngoài hành lang gọi: “Cô Minh, cô Thảo đâu?”.

- Dạ... có...- Một phụ nữ đứng tuổi, vẻ lam lũ mặc bộ quần áo màu xám bưng cái khay để mấy chai nước lọc từ phòng bên ló ra nói: - Các cô ấy vừa ra ngoài cổng mua thêm két nước ngọt và đá rồi ạ!
- Sao các bà lề mề thế!
- Tôi... tôi...!
- Chị nhanh nhanh lên một tý cho tôi nhờ!
- Vâng ạ!
Anh hiệu trưởng quay vào phòng họp. Sau khi nghe báo cáo tóm tắt của hiệu trưởng, ông phó chủ tịch tỉnh bắt đầu huấn thị:

- Nhà trường phải tổ chức buổi lễ đón nhận huân chương lao động cho thật trọng thể, chu đáo. Đây là vinh dự lớn của nhà trường suốt 40 năm xây dựng và trưởng thành. Nhân dịp này, trường phải phát động trong giáo viên, học sinh một đợt giáo dục, học tập phát huy truyền thống, tổ chức phong trào thi đua nâng cao chất lượng dạy học, xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp. Đồng thời phải chú ý đến việc nâng cao... nâng cao... nâng cao... - Ông phó chủ tịch tỉnh ngập ngừng mãi. Có lẽ ông chưa kịp nghĩ là cần phải “nâng cao” cái gì. Ông với tay cầm cốc nước uống ực một ngụm rồi mới nói tiếp cho hết câu: - ... À… à… đúng rồi! Phải nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ giáo viên nhé!

01QuaTang.jpg

Ông trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh tiếp lời:
- Trường còn cần phải hết sức coi trọng việc đào tạo nhân tài, chuẩn bị nguồn lực cho tương lai. Hiện nay trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ đặt ra vấn đề cần phải chú ý bắt đầu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đấy!
Bà uỷ viên ban chấp hành hội phụ nữ tỉnh góp ý:
- Nhà trường còn phải coi trọng tăng cường việc giáo dục giới cho học sinh nữa…!
Anh cán bộ sở văn hoá thông tin bức xúc:
- Ban giám hiệu và đồng chí hiệu trưởng cần phải chú ý quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, xây dựng hình thành nhân cách, lối sống văn minh, văn hoá cho học sinh. Lúc nãy, tôi còn gặp mấy em học sinh đánh nhau, chửi bậy ngoài đường đấy.

Đến lượt ông giám đốc sở giao thông công chính nêu ý kiến:
- Nhà trường cần phải huy động phụ huynh, học sinh tu sửa, san lấp ổ gà, ổ voi đoạn đường từ quốc lộ vào trường. Khi vào đây, ô tô của tôi thấp gầm rất khó đi, xóc lắm...
Anh hiệu trưởng cắm cúi ghi chép. ý kiến của các vị quan chức là cựu học sinh của trường thật xác đáng. Mà ý kiến nào cũng chỉ ngay ra những “bất cập”, cấp bách cần giải quyết ngay. Trời đã gần trưa. Nắng đầu mùa hè oi bức. Xem chừng các vị quan khách đã mệt, anh hiệu trưởng đứng lên xin phép được tiếp thu ý kiến, chỉ thị của các đồng chí lãnh đạo. Sau cùng anh dõng dạc đọc thư của ban giám hiệu kêu gọi cán bộ, giáo viên, cựu học sinh nhà trường hăng hái đóng góp xây dựng trường, xây dựng bia tưởng niệm các liệt sỹ là giáo viên, học sinh nhà trường và ủng hộ cho buổi lễ đón nhận huân chương...

Phát biểu xong chợt nhìn thấy người đàn bà luống tuổi mặc bộ đồ màu xám đang ngồi ở phía cuối phòng họp, anh hiệu trưởng lại gần khẽ gắt:
- Sao chị còn ngồi ở đây! Đi xem cơm nước thế nào?
- Vâng... vâng! Tôi đi ngay!

Người đàn bà vội vã đứng dậy đi ra. Ông phó chủ tịch tỉnh phát biểu dặn dò thêm việc tổ chức lễ lạt cần hết sức chu đáo, tiết kiệm, trọng thể. Mọi người có vẻ đói nên phòng họp hơi ồn ào. Tiếng ve sầu như cưa trên cành cây. Anh hiệu trưởng ngóng ra phía cửa. Mấy cô giáo trẻ nhìn anh gật đầu. Anh hiểu là cỗ bàn đã xong xuôi. Anh xoa xoa tay:
- Chả mấy khi các bác, các anh, các chị về thăm trường! Mời các bác, các anh, các chị sang phòng bên xơi bữa cơm thường. Còn chuyện gì thì xin vừa ăn vừa tiếp tục góp ý cho nhà trường ạ!

- Nào thì “thực túc binh cường”, vừa ăn ta vừa trao đổi tiếp!
Ông phó chủ tịch tỉnh nói và gấp cuốn sổ cất vào cặp. Anh thư ký đã đứng sẵn từ phía sau từ lúc nào nhanh nhẹn đỡ lấy chiếc cặp khoá số ngoại sang trọng của thủ trưởng.
Bữa ăn hơn hai chục quan khách, thêm lái xe và đại diện l•nh đạo, giáo viên nhà trường vừa xoẳn bảy mâm. Mâm cỗ toàn đồ ăn địa phương, lợn Mán, gà thả đồi, cá chép ao, chỉ có bia là Hà Nội. Các cô giáo chế biến cũng khéo nên các vị khách ăn uống khá ngon lành. Mấy cô giáo trẻ mặc áo dài đi ra, đi vào rót đồ uống, tiếp cơm canh và chạy đi mua nước ngọt cho bà cán bộ hội phụ nữ tỉnh không uống được bia.

Anh hiệu trưởng hết gắp thức ăn cho ông phó chủ tịch tỉnh lại đón bát xới cơm cho ông giám đốc sở rồi quay ra sai đám phục vụ lấy nước mắm, tìm gia vị. Cô giáo Thảo và người đàn bà mặc bộ đồ xám bị anh sai chạy đi, chạy lại nhiều nhất. Bữa chưa tàn, anh đã nhấp nhổm nháy cô hiệu phó chú ý lo quà cho khách. Thôi thì vùng rừng núi có cân măng khô, dăm lạng chè Thái Nguyên gọi là...

Khi khách khứa đã ra xe về hết rồi, hiệu trưởng Thụ mới thở phào nhẹ nhõm. Anh chợt thấy bụng cồn lên. Thì ra mải gắp thức ăn cho quan khách và lo điều hành đám phục vụ anh chỉ kịp uống mấy ngụm bia, ăn vài lá rau sống. Hiệu trưởng Thụ quay trở lại phòng ăn. Các thầy, cô dự tiếp khách cũng còn đông đủ cả. Mấy cô giáo trẻ đang thu dọn bát đĩa. Anh vẫy cô giáo Thảo lại hỏi:

- Tình hình ổn chứ?
Biết ý hiệu trưởng muốn hỏi việc chi, thu, cô giáo Thảo vội tìm cuốn sổ tay ghi chép. Cô lẩm nhẩm cộng trừ một lát rồi nói:
- Báo cáo anh! Tổng số bốn mươi hai, nhân với năm mươi nghìn đồng một xuất, vị chi là hai triệu mốt. Chi phí mua nước khoáng đóng chai và côcacôla hết hai trăm ba mươi nghìn, tiền quà hết hai triệu tư. Tổng cộng cả thảy là bốn triệu bảy trăm ba mươi nghìn đồng ạ...

- Thế... các khoản quyên góp ủng hộ được bao nhiêu! Có khá không?
- Tổng chỉ được hai triệu một trăm nghìn thôi ạ!
Anh hiệu trưởng nhẩm tính nhanh. Anh vốn là một học sinh giỏi toán quốc gia. “Thế là lại thâm vào khoản kinh phí ít ỏi giành để tổ chức đón huân chương mất hai triệu sáu trăm ba mươi nghìn rồi”. Anh tặc lưỡi nghĩ: “Thôi thì, cũng được những ý kiến chỉ đạo quý báu và cũng là dịp để các vị ấy hiểu về nhà trường...”.

- À! Nhưng thưa anh còn…
Cô giáo Thảo chợt nhớ ra. Hiệu trưởng Thụ giật mình vẻ hơi lo lo:
- Còn khoản chi nào nữa?
- Dạ không! Còn có một khoản thu nữa ạ!
- Khoản gì?
- Là khoản ủng hộ sáu triệu đồng của chị Lương. Nhưng chị ấy có thư để lại đề nghị nhà trường sử dụng làm sáu xuất học bổng tặng các cháu học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Trong thư chị ấy còn hứa sẽ gửi tiếp về thêm năm triệu đồng nữa để góp phần xây dựng bia tưởng niệm 42 thầy cô giáo, học sinh trường ta đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hiệu trưởng Thụ sửng sốt. Đôi mắt anh sáng lên. Sao lại có người hảo tâm đến thế. Anh hỏi lại:
- Chị ấy là ai mà tôi không biết nhỉ?
Cô Thảo bụm miệng cười:
- Chính là cái chị mặc bộ đồ màu tối mà anh sai đi lấy nước mắm, bột canh ấy.
- Thôi chết! Tôi cứ ngỡ chị ấy ở trong số phụ huynh học sinh tự nguyện đến giúp nhà trường nấu nước, tiếp khách. Mà chị ấy đâu để tôi xin lỗi và thay mặt giáo viên, học sinh nhà trường có lời cảm ơn.

- Chị ấy cũng về rồi ạ! Có đứa cháu gọi là dì nhà ở bên kia sông vừa đem xe máy đến đón xong.
Anh hiệu trưởng thừ người. Chợt anh lại giật mình hỏi:
- Ôi trời! Lúc nãy tôi cứ sai chị ấy chạy đi, chạy lại, không biết chị ấy có kịp ăn uống gì chưa?
- Chị ấy đã ăn cùng với số phục vụ chúng em rồi ạ!
Nghe cô Thảo nói, anh hiệu trưởng mới thấy yên tâm. Ông cựu hiệu trưởng già đã nghỉ hưu được ban giám hiệu mời đến tham mưu cho trường việc tổ chức lễ đón nhận huân chương giờ mới lên tiếng:

- Em ấy là học sinh cũ của tôi đấy! Khi tôi mới về dạy ở trường này em ấy là học sinh lớp tôi làm chủ nhiệm. Nhà em ấy nghèo lắm. Em ấy đến trường phải đi chân đất, mùa đông không có áo ấm, rét tím cả người. Tôi đã tổ chức cho lớp lên rừng chặt củi đem ra chợ bán, làm thuê đãi cát sỏi ngoài sông cho công trường lấy tiền mua cho em ấy cái áo bông, đôi dép cao su và sách vở. Em ấy khóc mãi khi nhận món quà từ tay các bạn cùng lớp. Em ấy học giỏi nhưng lên cấp ba thì xin ra nhập thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn, sau chiến tranh chống Mỹ lấy chồng và lập nghiệp ở miền Trung. Bây giờ em ấy là chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên chế biến cà phê xuất khẩu...

55246335-1249807173-tuoi-hoc-tro-5.jpg

Lúc này mọi người mới chú ý đến ông giáo già. Ông đang ôm trong tay một gói giấy màu hồng. Chắc đó là quà của người học trò nghèo năm xưa biếu thầy giáo cũ.
Anh hiệu trưởng xúc động trước câu chuyện về người cựu học sinh nhà trường. Hồi lâu, anh đứng dậy dắt xe máy ra khỏi phòng. Cô hiệu phó gọi với theo:
- Anh đi đâu thế! Chiều nay còn hội ý ban tổ chức lễ hội đấy!
- Tôi ra thị trấn! Ông Đạt, chủ thầu xây dựng hứa cho trường ta vay tám tạ vôi chín để quét lại các phòng học và tường rào chuẩn bị cho lễ hội...
Chợt nhớ ra, anh ngoái lại dặn thêm:
- Cô Thảo viết ngay cho hiệu trưởng một lá thư xin lỗi và cảm ơn chị Lương. Tôi về xem lại rồi gửi cho chị ấy nhé!

Ngày 14-2-2006
TB

Phongdiep.net
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top