Hoa trong thơ ca dân gian của người Banar Kriêm

Hide Nguyễn

Du mục số
Khi tìm hiểu thơ ca dân gian của người Banar Kriêm, thơ - họ gọi là nỡr pơ đớk và ca, hát gọi là: joh hoặc Hơri. Thơ của người Banar cũng có vần, có điệu, thường là thơ bốn chữ. Trong thực tế của cuộc sống, thơ của người Banar ở vùng này ít khi “sống” một mình như trong thơ của anh em người Kinh.


Thơ ra đời là chất liệu để cấu thành lời ca (trước đây người Banar không có nhạc lý) truyền tải ngay những nội dung mà lời thơ muốn nói. Qua thực tế chúng tôi thấy những nghệ nhân ở đây họ vừa là người sáng tác thơ, đồng thời họ cũng là người trình diễn lời thơ đó qua làn điệu dân ca. Bài hát mà mình sáng tác được mới đầu chỉ hát một mình, sau dần dần mới truyền miệng để mọi người cùng hát và thuộc bài hát ấy.


Thơ dân gian của người Banar Kriêm mang nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đi sâu vào nhiều lĩnh vực nhằm ca ngợi cái đẹp trong lao động sản xuất, trong tình yêu nam - nữ, tình yêu quê hương đất nước; của thiên nhiên hùng vĩ, của dòng suối mát, hoa lá ngát hương thơm. Trên rừng có nhiều loài hoa đẹp là nỗi niềm cảm hứng của những người nghệ nhân làm thơ, ca. Hoa là đặc trưng cho cái đẹp, là niềm kiêu hãnh, là ước nguyện của bao con người Banar ở đây muốn vươn tới cái đẹp. Đồng bào người Banar phần lớn sống trên các vùng rừng, núi cao, bao đời nay cuộc sống của họ gắn liền với rừng cây, chim thú, sông suối, hoa thơm, quả ngọt. Mỗi con người ở đây họ rất yêu hoa, như một thứ của quý mà ông Yang trời đã ban ơn cho họ. Ở nhà mọi người nhìn hoa qua cánh cửa, lên rừng nhìn hoa trên các cành cây, xuống suối nhìn hoa lung linh trong dòng nước... hoa mọc rung ring xung quanh con người... Cho nên đời hoa và đời người ở đây đã đi vào trong thơ ca của người Banar là thường tình, cụ thể và cũng rất mộc mạc:

Cheng rẽh, õh liêm dang pơ kao cheng reh/ Weng’long, õh liêm dang pơ kao veng’long/ Ơ drong đum, õh liêm dang pơ kao ơ drong đum/ Jur hum, õh liêm dang xem jong jur hum...

Tạm dịch:

Cheng rẽh, em đẹp như hoa cheng rẽh/ Trên cao, em đẹp như hoa trên cành cây cao/ A.drong, em đẹp như hoa a.drong đỏ giữa rừng/ Em đẹp như con chim jong xuống tắm sông tron...

(Dân ca Banar)


Tôi đã có dịp gặp anh Đinh Y Chương người Banar ở làng Kon Blo, có thể nói anh là một trong những nghệ nhân sáng tác về múa dân gian, anh múa rất đẹp, anh còn giỏi về cảm hứng những cảnh vật xung quanh, rồi từ đó tự sáng tác ra thơ ca dân gian vùng Banar Kriêm, Đình Định. Mấy năm gần đây, nghỉ hưu tại quê nhà, anh Đinh Y Chương vẫn sáng tác nhiều bài thơ, ca nói lên cái đẹp của thiên nhiên, của quê hương anh trong những năm tháng đang đổi mới đi lên xây dựng quê hương giàu đẹp. Thơ của anh Đinh Y Chương rất dân gian, ngắn gọn, dễ hiểu, ai đọc, ai ca cũng dễ nhớ. Có lần hai anh em chúng tôi xuống làng uống rượu cần suốt đêm, sáng hôm sau trên đường về đi bộ qua đồi cỏ tranh và sim mùa, thỉnh thoảng gặp mấy em trai, em gái làng chăn trâu, Y Chương dừng chân lại ngắm nghía, tôi nghĩ: Y Chương chắc đang cảm hứng, suy ngẫm điều gì đây, sau đó anh sáng tác thành thơ và hát luôn cho tôi nghe bài: Hoa sim (Pơ kao lơ nhữm):

Lơ ngữm ‘brưt pơ kao kluôi rang/ Bũng lang ‘brưt pơ kao kluôi kẽh/ Pơ kao kơ đẽh in yã liêm... lhech/ Pơ kao Wẽch in yã liêm loi/ Wã phẽ, ĩnh kli pơ cao... yôp jãm.

Tạm dịch:

Tim tím mùa hao sim/ Tim tím cánh hoa mùa/ Hoa nào thấy cũng đẹp/ Đọng mãi trong ánh mắt/ Muốn hái, nhưng sợ hoa... cười.


A.drong là một loại cây to, thẳng đứng, vút cao lên ngang tầm với những rừng cây. Vỏ cây A.drong ngâm trong nước một thời gian, khi vỏ cây mục đem ra tước thành từng sợi mỏng, có màu trắng, người ta sử dụng bện thành những sợi dây thừng dài rất bền. Trước đây, đồng bào Banar vùng này lấy sợi A.drong làm cái đuôi của lá phướn trên ở trên rẫy, khi có gió thổi, lá phướn bay lên, bay xuống rất đẹp. Hột cây A.drong nhỏ giống như hột sen, màu đất, hột ăn tươi cũng được, khi rang chín lên ăn lại càng thơm ngon. Hoa A.drong kết thành từng chùm, màu đỏ, cánh giống như cánh hoa Blang trông rất đẹp. Cây A.drong chỉ có ở những khu rừng già, khi mùa hoa nở, lác đác đó đây hoa đỏ rộ, dễ đập vào con mắt của người ta. Đứng từ dưới ngước mắt nhìn lên cao thấy đỏ, đỏ hoa A.drong. Từ đằng xa nhìn lại, cũng thấy đỏ, đỏ hoa A.drong. Càng nhìn càng thích ngắm hoa A.drong đẹp.


Đã bao đời nay, hoa A.drong đã đi vào trong cuộc sống tâm hồn và thơ của người Banar ở đây rất đẹp. Chị em phụ nữ yêu hoa thường hay ví von những anh chàng thanh niên đẹp đẽ, khoẻ mạnh, có khi đẹp như hoa A.drong:

Nhõng Liêm dang pơ kao A.drong/ ‘Brông gôh tơ pắt weng dơng/ Chơng năm chơ in wã ngo/ Dõ năng chơ in kang lô/ Wã gô, bu Krao ăn thõng/ Nhõng liêm dang pơ cao A.drong.

Tạm dịch:

Anh đẹp như hoa A.drong/ Ven rừng đâu đây, hoa đỏ rực/ Hoa đẹp, càng muốn ngó, muốn trông/ Càng ngó, càng trông, càng thấy tiếc/ Muốn cõng hoa đẹp-cùng sángông/ Nhưng hoa chỉ chín ở trong lòng/ Anh đẹp như hoa A.drong.

(Dân ca Banar Kriêm)


Hoa rừng thường gắn liền với thiên nhiên đẹp, là rừng cây xanh, con nước trong, con chim rừng và những con người ở đây. Bài thơ: Kuk ku pơ rơ tốk Bre mai là một bài thơ hay (Con chim pơ rơ tốk chị em ơi) không phải một người chuyên môn nào sáng tác, mà chính là một bài thơ rồi chuyển thành bài hát nảy sinh ra từ trong thực tế của cuộc sống, quan hệ mật thiết giữa con người Banar ở đây với thiên nhiên đẹp, họ truyền miệng cho nhau hát từ đời trước cho đến mãi đời nay:

Kuk ku pơ ra tôk bre mai/ Brih brah kla kông/ Kuk ku pơ ra tôk bre mai/ ‘Brông brang kla đum/ Kuk ku pơ ra tôk bre mai/ Jur hum wengkrong.../ Oaih lah keh hyôk dang ẽi.

Tạm dịch:

Con chim Pơ ra tôk-chị em ơi!/ Núi rừng mình đẹp lắm/ Con chim Pơ ra tôk-chị em ơi!/ Rừng đầy hoa sắc hương thơm/ Con chim Pơ ra tôk-chị em ơi!/ Sông, nước, rừng trong xanh.../ Vui sướng quá cuộc đời ơi.

(Dân ca Banar)


Đã bao đời nay, người Banar Kriêm yêu rừng, gắn bó máu thịt với rừng không chỉ vì đất rừng đã cho cái rẫy mà còn cho cả hoa thơm, quả ngọt. Trước đây, người Banar phát rừng làm rẫy, rừng không chỉ cho nhiều lúa, nhiều bắp, nhiều mì (sắn)... mà rừng vẫn thuỷ chung với con người ở đây. Các tên tuổi núi rừng ở đây như: Kông ‘Bok ‘Bang, Kông Kring, Kông Kơ pah, Kông xrút... vẫn mênh mông một màu xanh của rừng. Rừng cây, hoa lá là nguồn sống ngọt ngào như nước sữa của mẹ không bao giờ cạn trong thơ, ca dân gian của người Banar Kriêm.



Yang Danh (Dân tộc Banar)
Theo Văn hoá các dân tộc số 3(147)/2006
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top