HỒ XUÂN HƯƠNG - BÀ CHÚA THƠ NÔM
Như mộ t hiện tượng văn học đặc biệt, Xuân Hương được tôn vinh là một bậc kỳ nữ, kỳ tài. Nàng là một kỳ nữ vì con người nàng độc đáo khác đời. Xuân Hương là một bậc kỳ tài vì nàng trí tuệ hơn người, là "bà chúa thơ Nôm" với lối viết lạ lùng đến kinh ngạc.
Thời Xuân Hương là thời những người đàn bà suốt đời nhất nhất chỉ biết ép mình theo khuôn khổ "tam tòng tứ đức", lặng lẽ ngậm bồ hòn làm ngọt, sống tan loãng vào gia đình, lấy hạnh phúc của người khác làm niềm vui lẽ sống, lấy sự hy sinh cho chồng con làm hạnh phúc của chính mình. Như mặt trăng, họ chỉ biết tỏa sáng vì người khác, tận tụy vun đắp cho tổ ấm, sinh con đẻ cái, nhẫn nại cam chịu như hạt mưa sa, như con rùa tội nghiệp, như cái giếng giữa đàng... Cuộc đời cứ thế chảy trôi, để rồi mọi kiếp người lặp lại số phận buồn tẻ; làm con gái, làm vợ, làm mẹ, làm bà và âm thầm đi vào lòng đất.
Xuân Hương là một người đàn bà đa đoan lệch chuẩn, nàng không xuất hiện như một cái bóng mờ bên chồng trong gia đình mà là một cá nhân độc lập ngoài xã hội. Ở người đàn bà "lỗi mùa sinh"ấy, trời cho cái gì lại lấy đi cái đó. Nàng thông minh, mẫn tiệp, yêu đời, khát khao hạnh phúc thì suốt đời mệnh bạc. Nàng ôm đàn mà vắng cả năm cung. Người có khả năng tuyệt vời làm mẹ, làm vợ nhưng không chồng, không con, không nơi nương tựa, đơn côi giữa cõi trần. Căn nhà tăm tối lạnh lẽo, không ánh sáng, không lửa ấm là hình ảnh cuộc đời nàng.
Đó là bi kịch lớn nhất của kiếp đàn bà, bởi đối với họ hạnh phúc tình yêu, tổ ấm gia đình vô cùng thiêng liêng và quan trọng. Thuyền mạnh vì lái, gái mạnh vì chồng. Như rồng không vây, Xuân Hương càng tài hoa càng mệnh bạc. Đã hai lần nàng nhắm mắt, vin vào chút phận "sắn bìm", nhưng cả hai lần "cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm", gần như suốt đời nàng độc thân với những bi kịch của kiếp hoa dại bị dập vùi.
Nỗi đau của Xuân Hương đâu phải của riêng nàng, "Chỉ có những nhà văn bé nhỏ mới nói lên tiếng nói của riêng bản thân mình, và cũng chỉ anh nghe được tiếng khóc than lí nhí của anh ta mà thôi" (Bi-ê-lin-xki). Xuân Hương đã ôm trong trái tim nỗi đau của cả thời đại - một thời đại đầy bi kịch. Xuân Hương mang trong mình bi kịch của Thúy Kiều, của nàng Ơgiênni Grăngđê tội nghiệp, của người phụ nữ đơn chiếc trong ca dao:
Tròng trành như nón không quai
Như thuyền không lái, như ai không chồng
Nàng thu nhận cả bi kịch của người cung nữ, cả nỗi đau của người chinh phụ, cả nỗi đoạn trường của công chúa Ngọc Hân lá ngọc cành vàng. Trong xã hội phong kiến suy tàn, mọi người đàn bà đều chịu chung số phận bất hạnh:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
(Nguyễn Du)
Dù an phận như Thị Kính, hay phóng túng như Thị Mầu, liều lĩnh như Súy Vân họ đều bất hạnh trong nỗi đoạn trường cay đắng trong khi từ thẳm sâu trái tim, mọi phụ nữ đều muốn bình yên, hạnh phúc. Cực chẳng đã, Xuân Hương đành phải vùng lên chống lại xã hội phong kiến tàn nhẫn, chống lại cường quyền với thần quyền; cất tiếng nói đòi quyền sống cho người phụ nữ. Đó là quyền làm mẹ, làm vợ, quyền được yêu và hưởng hạnh phúc chăn gối - những quyền sống tối thiểu và thiết yếu của cả giới mình.
Thơ Xuân Hương là tiếng hát trái tim của Xuân Hương. Đó là những vần thơ của người phụ nữ viết cho người phụ nữ. Văn chương nàng in rõ sắc màu giới tính, bởi đàn bà luôn nhìn đời bằng con mắt riêng. Xuân Hương không chỉ cảm nhận cuộc đời bằng cái nhìn giới tính mà còn cảm nhận bằng cái nhìn đầy cá tính.
Nàng có một cái nhìn sắc nhọn của phóng sự, vì đã chọn những điểm nóng bỏng của cuộc sống, và từ mặt trái của xã hội phong kiến thối nát. Là một người khát sống thèm yêu, nàng đã cảm nhận thế giới bằng toàn bộ giác quan, bằng đôi mắt xanh non mới lạ, bằng đôi tai thính nhạy, bằng xúc giác mạnh mẽ, bằng tất cả sức sống của tuổi trẻ, chứ không phải chỉ bằng cái tâm, cái chí như các nhà nho hành đạo.
Góc tiếp cận thực tại mới mẻ này đã giúp Xuân Hương phát hiện và lý giải hiện thực một cách hết sức độc đáo. ở nàng đã xuất hiện một quan niệm mới lạ về con người. Con người xuất hiện mang màu sắc cá nhân, con người với những đặc điểm về giới tính, với hạnh phúc trần tục, với tình yêu và khát vọng tự nhiên. Dưới con mắt của kẻ khát sống thèm yêu, vạn vật dường như ở trạng thái gợi tình, nhún nhảy, mời gọi. Nàng đã phả vào cái thế giới đông cứng, già nua một sức sống mới. Tất cả như được lạ hóa, trở nên cựa quậy, sống động, rõ ràng, trẻ trung, tinh nghịch, đáng yêu. Toàn bộ sáng tác của Xuân Hương được soi chiếu qua cái nhìn độc đáo: của giới tính, của cá tính sáng tạo và của thể loại phóng sự này.
Với cái nhìn của phái đẹp, mục đích cuối cùng mà Xuân Hương ngưỡng vọng kiếm tìm chỉ là việc hướng tới hạnh phúc cho con người, giải phóng người phụ nữ ra khỏi sự trói buộc nghiệt ngã, khắt khe của lễ giáo phong kiến ngàn đời, nàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó. Kể như thế đã là quá nhiều. Còn nhiệm vụ giải phóng xã hội có những đấng mày râu như Chàng Lía, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Huệ ... đảm đương. Người đàn bà đơn thương độc mã, một mình chống lại "mafia" đành phải chọn một thủ pháp có phần cực đoan mà phương Tây gọi là "Grotesque". Âu đây cũng là lẽ thường tình trong tranh luận. Cuộc đời buộc Xuân Hương phải chao chát, phải bỗ bã, suồng sã, dữ dằn, thậm chí phải văng tục. Nhưng nàng tục thì tục chứ không dâm. Thơ Xuân Hương tục mà thanh, bởi đó chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. (Đây là điều mà xưa nay các nhà nghiên cứu thường đặc biệt quan tâm khi nhắc đến thơ nàng). Cái tục giúp Xuân Hương hạ bệ thần tượng, lên án cường quyền và thần quyền, lột trần bộ mặt đạo đức giả của những kẻ đại diện cho tôn ti trật tự phong kiến. Đó là điều mà giai cấp phong kiến kiêng kỵ, lo sợ, và luôn tìm mọi cách bưng bít. Tất cả lũ vua chúa, hiền nhân, quân tử, quan thị, sư sãi, những đại diện cho chế độ phong kiến suy tàn đều bị Xuân Hương vạch mặt chỉ trán bắt quả tang giữa thanh thiên bạch nhật.
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo
(Đèo Ba Dội)
Chúa dấu vua yêu một cái này
(Vịnh cái quạt)
Nếu chỉ thấy một Xuân Hương nổi dậy mà chưa thấy một Xuân Hương với trái tim người đàn bà tự hát, một Xuân Hương đã rút ruột thành tơ, dệt nên những vần thơ óng ánh sắc màu và trĩu nặng ưu tư là chưa thấy cái hồn Xuân Hương gửi gắm trong thơ. Nàng có một đời sống kép. Nàng là sự thống nhất giữa hai mặt đối lập; sự yếu mềm, tinh tế rất đàn bà và sự thông minh, cứng cỏi đầy bản lĩnh làm đám mày râu muôn thuở phải "kính nhi viễn chi". Mà sự dịu dàng mới là yếu tố làm nên sức hấp dẫn độc đáo của đàn bà, của Xuân Hương.
Xuân Hương là sự thống nhất giữa một trái tim nhân hậu, đa cảm và bộ óc mẫn tiệp, thông tuệ, bởi nhiều yêu thương nên lắm âu lo. Và hai nửa ấy cứ đan xen, hòa quyện tạo nên một Xuân Hương kỳ nữ, kỳ tài.
Đó là sự gặp gỡ giữa hai dòng dân gian và bác học để rồi thăng hoa thành một Xuân Hương dung dị mà kiêu sa, hồn nhiên, nồng nàn mà sâu lắng. Sự kết hôn giữa hai nền văn hóa đã sinh ra một Xuân Hương, nhưng gien trội ở nàng thuộc về văn hóa mẹ và đó là cái duyên làm cho nàng trở nên tràn trề sức sống.
Sự đa thanh, phức điệu, khả năng gợi trường liên tưởng, gợi trí tò mò, tài sử dụng ngôn ngữ thiên biến vạn hóa mà Xuân Hương thừa hưởng từ dòng sữa dân gian, từ những câu đố thần tình, thanh thanh, tục tục:
Đỏ choen choét
Toét tòe loe
Xanh lè lè
Quắp quằm quặp
(Hoa chuối)
Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay
(Vịnh quả mít)
Cũng tư duy nghệ thuật ấy, Xuân Hương đã phát huy và dân chủ hóa văn chương bác học một cách diệu nghệ. Ngôn ngữ trong thơ bà căng phồng ý nghĩa, không đứng yên mà nhảy múa:
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lách giữa dòng
(Cái giếng)
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
(Vịnh cái quạt)
Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp
Lách khe nước rỉ mó lam nham
(Hang Thánh Hóa)
Là người trong cuộc, Xuân Hương dũng cảm bênh vực cho quyền lợi của những người phụ nữ. Nàng công khai giải quyết những vấn đề của phụ nữ, công khai đề cập quyền lợi và hạnh phúc ái ân chăn gối chốn buồng the, xem đó là một hiện tượng tự nhiên bình thường, tất yếu, là quy luật sinh tồn và phát triển của xã hội, và bởi vậy Xuân Hương căm ghét và lên án tất cả những thế lực kìm hãm nó. Điều đó làm cho nàng hình như đi trước thời đại, cũng là lý do mà độc giả phương Tây cảm thấy Xuân Hương trở nên thân thiết, gần gũi với họ. Còn giai cấp phong kiến, trái lại thì thấy "thì trung hữu quỷ" và coi nàng như một kẻ nổi loạn. Những ý tưởng mới lạ, táo bạo bất ngờ của nàng như một cơn gió mát lành, thấm đẫm tinh thần nhân văn dân chủ, song cũng là ngọn roi sắt quất thẳng vào chế độ phong kiến tàn bạo, góp phần làm rung chuyển tôn ti trật tự của nền chuyên chế thối nát ấy.
Trên cả hai phương diện lịch sử tư tưởng và lịch sử văn học, Xuân Hương đã có những đóng góp rất quan trọng và loại biệt mà trước đó và đương thời không ai làm được. Vì trở thành một nghệ sĩ đầy cá tính với bút pháp độc đáo, một bậc kỳ nữ, kỳ tài.
Nguồn: ST