Hiện tượng tam giáo đồng nguyên đời Trần

Chị Lan

New member
HIỆN TƯỢNG “TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN” ĐỜI TRẦN


“Tam giáo đồng nguyên” đời Trần là một hình thức cụ thể của sự dung hợp tam giáo (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo trong tổ hợp tư tưởng), một hiện tượng khá phổ biến trong lịch sử tư tưởng của nhóm các dân tộc trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Đây là vấn đề không mới, nó được nhắc đến nhiều lần trong các công trình nghiên cứu lịch sử triết học, tôn giáo và văn hoá, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Hầu hết các nhà nghiên cứu, học giả đều thừa nhận dung hợp tam giáo là hiện tượng có thật trong lịch sử tư tưởng ở một số quốc gia vùng Đông Á, Đông Nam Á. Đặc biệt là nhóm các dân tộc: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, những quốc gia được gọi là đồng văn trong khuôn khổ nền văn hoá trung đại mà Hán tự và các hệ tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo chiếm vị trí quan trọng trong trí tuệ, tâm thức xã hội của các dân tộc này. Song nguồn gốc, nội dung, hình thức biểu hiện của nó thì có rất ít công trình, tài liệu bàn đến, mà có bàn đến cũng không thấu đáo và không hệ thống. Vấn đề đặt ra ở đây là tìm hiểu thực chất, nguồn gốc, nội dung các hình thức biểu hiện của hiện tượng dung hợp tam giáo này và những tương đồng, dị biệt giữa chúng .

Tìm hiểu hiện tượng “dung hợp tam giáo” là rất khó khăn bởi biểu hiện của chúng rất phức tạp, đa diện, nhiều tầng nấc khác nhau. Chúng không chỉ khác nhau ở mỗi quốc gia dân tộc, mà ngay trong một dân tộc nhất định vẫn còn có sự khác biệt lớn về nội dung, tính chất và hình thức biểu hiện ở một giai đoạn lịch sử cụ thể. Hiện tượng “tam giáo đồng nguyên” đời Trần là biểu hiện cụ thể của sự dung hợp tam giáo nói chung trong khu vực và ở Việt Nam nói riêng, mà việc nghiên cứu thực chất, nguồn gốc, nội dung của nó sẽ là một đóng góp cho bức tranh toàn cảnh về lịch sử tư tưởng Việt Nam, về những tương đồng và dị biệt của hiện tượng dung hợp tam giáo ở các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

1. Dung hợp tam giáo là gì ?

Thuật ngữ “dung hợp” có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp cổ: Synkretimos , nghĩa là sự liên kết, kết hợp, pha trộn, vay mượn các bộ phận, yếu tố trong các hệ thống khác nhau. Trong khoa học xã hội và nhân văn, thuật ngữ này phản ánh một hiện tượng rất phổ biến trong lịch sử văn hoá, tư tưởng, tôn giáo của nhiều dân tộc trên thế giới và được sử dụng rộng rãi ở các lĩnh vực: tâm lý, nhân chủng, văn hoá, tôn giáo, triết học v.v…

Nếu như trong Tâm lý học thuật ngữ này chỉ sự tri giác khối toàn vẹn bề ngoài của đối tượng thì Nhân chủng học chỉ sự pha trộn các chủng tộc khác nhau. Ở Tôn giáo học, thuật ngữ dung hợp chỉ sự kết hợp, vay mượn và hoà lẫn vào nhau giữa các tín điều, nghi lễ, giáo lý của các tôn giáo, còn trong lĩnh vực Triết học là sự tổ hợp, vay mượn, dung hoà một cách tuỳ tiện những hệ thống khác nhau thậm chí trái ngược, mâu thuẫn nhau hoặc là một tổ hợp những khuynh hướng khác nhau vào một hệ thống tạm thời nhằm giải quyết một mục đích xã hội nào đó .

Dung hợp tam giáo nằm trong lĩnh vực triết học - tôn giáo và diễn ra chủ yếu ở các nước Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam), chúng phản ánh một trong những đặc điểm nổi bật của triết lý phương Đông là sự kết hợp không thể tách bạch giữa triết học, tôn giáo, chính trị, đạo đức mà thực chất là qúa trình kết hợp, pha trộn các bộ phận, yếu tố trong hệ thống tư tưởng tam giáo dưới tác động của những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội để tạo ra một tổ hợp tư tưởng không có cấu trúc rõ ràng và không có sự vận động nội tại, tự thân.

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, sự dung hợp tam giáo biểu hiện ở những giai đọan lịch sử cụ thể thường có nội dung, hình thức khác nhau với những tên gọi khác nhau: Tam giáo hòa đồng, Tam giáo đồng nguyên, Tam giáo đồng qui.

2. Những đặc điểm chung và các hình thức cơ bản của hiện tượng dung hợp tam giáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam

Nghiên cứu các hình thức dung hợp tam giáo trong toàn bộ tiến trình tư tưởng Việt Nam, chúng tôi thấy chúng có những đặc điểm chung như sau:

a. Hiện tượng dung hợp tam giáo diễn ra ở Việt Nam luôn có nguồn gốc, động lực từ các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, các nhân tố này qui định việc kết hợp, nung chảy hoặc pha trộn các yếu tố này hay nhân tố kia với nhau.

b. Sự dung hợp tam giáo ở Việt Nam tuy chủ yếu phản ánh nội dung, nhu cầu chính trị – xã hội ở mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử, song nó luôn được thực hiện trên một nền tảng chung rất vững chắc, đó là truyền thống, cốt cách, bản sắc văn hóa, tinh thần dân tộc.

c. Hiện tượng dung hợp tam giáo thường gắn liền với những bước chuyển biến lớn trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

d. Hiện tượng dung hợp tam giáo ở Việt Nam là một quá trình phức tạp với sự đan xen của nhiều nhân tố trong những hệ thống tư tưởng khác nhau, còn các hình thức dung hợp tam giáo thường không có mối liên hệ kế thừa, phát triển mà chỉ là một tổ hợp có mối liên kết tạm thời, lỏng lẻo, dễ bị phân tán khi không còn nguồn gốc xã hội.

Dung hợp tam giáo xuất hiện liên tục trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, nó có nhiều hình thức biểu hiện với tính chất, khuynh hướng khác nhau.

Chúng tôi cho rằng có bốn hình thức cơ bản mang tính điển hình nhất:

- Hình thức “Tam giáo hoà đồng” ,
- Hình thức “Tam giáo đồng nguyên” (Phật giáo có vai trò trung tâm)
- Hình thức “Tam giáo đồng nguyên” (Nho giáo có vai trò hạt nhân)
- Hình thức “Tam giáo đồng qui” (Đạo Cao Đài, Hoà Hảo ở Việt Nam)

Có thể tạm đưa ra một kết luận chung về hiện tượng dung hợp tam giáo ở Viêt Nam như sau:

Dung hợp tam giáo ở Việt Nam là một hiện tượng triết học - tôn giáo phổ biến trong lịch sử tư tưởng. Đó là một tổ hợp của ba hệ thống tư tưởng khác nhau, liên kết, pha trộn với nhau một cách tạm thời, không bền vững, nhưng được ràng buộc lại với nhau bởi những nhu cầu chính trị, văn hoá trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể .

Trong khuôn khổ của một báo cáo khoa học, chúng tôi chỉ xin trình bày hình thức Tam giáo đồng nguyên trong triều đại nhà Trần (khoảng nửa đầu thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XIV) còn các hình thức cơ bản khác như: Tam giáo hòa đồng (khoảng thế kỷ VII đến cuối thế kỷ X), Tam giáo đồng nguyên (khoảng đầu thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII), các hình thức tôn giáo dung hợp mới: Phật giáo Hòa Hảo, Đại Đạo Tam Kỳ phổ độ (Cao Đài) xuất hiện vào những năm 30 của thế kỷ XX ở Việt Nam chúng tôi xin để lại trong một nghiên cứu khác.

3. Nguồn gốc xã hội và cơ sở triết học của hiện tượng tam giáo đồng nguyên đời Trần

Nghiên cứu nguồn gốc xã hội và cơ sở triết học của hiện tượng tam giáo đồng nguyên đời Trần, cần lưu ý hai vấn đề có tính chất phương pháp luận sau :

Thứ nhất, đời Trần là một trong những giai đoạn phát triển đặc biệt trong lịch sử Việt Nam với sứ mạng xây dựng và chiến đấu bảo vệ quyền độc lập, tự chủ của dân tộc. Đây là nhiệm vụ lịch sử mang tính sống còn bao trùm, chi phối các nhiệm vụ khác. Trong bối cảnh đó, mọi hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hoá dường như đều tập trung về một mục đích, quy tụ theo một ý chí thống nhất để giải quyết mâu thuẫn chủ yếu - mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với quân xâm lược Nguyên - Mông. Vì thế có thể xác định nguồn gốc xã hội quan trọng nhất, quyết định hiện tượng tam giáo đồng nguyên đời Trần là những nhân tố chính trị và sau đó là truyền thống văn hoá dân tộc.

Thứ hai, hiện tượng tam giáo đồng nguyên đời Trần là một bộ phận thuộc lĩnh vực ý thức xã hội, nên một mặt nó phản ánh những điều kiện kinh tế chính trị xã hội, mặt khác, nó nằm trong quan hệ tương tác và chịu sự tác động của các hình thái ý thức xã hội đặc biệt là triết học và tôn giáo. Tiếp cận vào những mối quan hệ này giúp ta hiểu và giải thích được tại sao hiện tượng tam giáo đồng nguyên đời Trần lại có khuynh hướng, tính chất, hình thức biểu hiện khác hẳn với các hình thức dung hợp tam giáo khác trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Để giải quyết mâu thuẫn cơ bản giữa dân tộc với quân xâm lược phương Bắc, quyết sách chiến lược của nhà Trần là thân dân, khoan hòa, cởi mở, dân chủ và quan tâm đến mọi tầng lớp xã hội để đoàn kết toàn dân tạo thành sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược. Các Vua Trần thường coi “ý dân”, “lòng dân”, “khoan thư sức dân” là nền tảng cho chính sách đối nội. Như Trần Quốc Tuấn kêu gọi: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức, giặc phải bị bắt” . Hay năm 1292 Trần Nhân Tông xuống chiếu buộc: “những người mua dân lương thiện làm nô tỳ thì phải cho chuộc lại” .

Để đoàn kết được toàn xã hội, để có được lời thề “sát Thát” và tiếng thét “quyết đánh” đầy hào khí của toàn quân, toàn dân, nhà Trần cần phải có một bước chuyển lớn về mặt tư tưởng - một bước chuyển thấm đẫm tinh thần “ thân dân, khoan dung, cởi mở, dân chủ”. Bước chuyển tư tưởng trong giai đoạn này đã đạt đến trình độ mới với những giá trị, chất liệu và diện mạo riêng mà người đương thời gọi là chất: “Đại Việt” . Bước chuyển tư tưởng trên là kết quả của sự dung hợp tam giáo trong môi trường văn hóa “thân dân, khoan dung, cởi mở, dân chủ” vì vậy, tam giáo đồng nguyên đời Trần không phải là sự vận động tự thân, nguồn gốc, động lực của nó nằm ở những nhân tố trần tục - chính trị và sau đó là văn hóa .

Bước chuyển tư tưởng thời Trần có sự tham gia, góp phần của triết học, tôn giáo, đó là làm sâu sắc hơn quan điểm về thế giới, con người, chính trị, quân sự, ngoại giao, đồng thời mang lại cảm hứng vô tận cho nền thơ ca đời Trần. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện những nhà tư tưởng lớn như : Trần Thái Tông (1218 - 1277) mà triết lý của ông được viết ra như: “máu chảy đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên từng trang giấy”. Ông là nhà tư tưởng, nhà chính trị biết vận dung tam giáo trong việc quản lý xã hội, mặc dù ông là tập đại thành đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, là người đặt nền móng cho thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, song ông lại rất uyên bác trong triết học và văn học Trung Hoa. Sự dung hợp tam giáo ở Trần Thái Tông biểu hiện rõ nhất trong tác phẩm triết học Phật giáo nổi tiếng: Khoá hư lục, một sự pha trộn các quan niệm của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Ví dụ, trong bài Kệ bốn núi (Tứ sơn), ông đã dùng rất nhiều thuật ngữ Nho giáo để diễn đạt quan điểm Phật giáo như: tam tài, thác thược, bút tảo, thiên quân, trịch quả, tang du, v.v..

Ở phương diện khác, Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Tung 1230 - 1291) đã dung hợp làm một triết lý giải thoát của Phật giáo với quan điểm vô vi, sự giác ngộ với tinh thần tự do tuyệt đối của Lão - Trang. Là “ngọn đuốc sáng nhất của thiền học đời Trần và là “...người thấu suốt đến cội nguồn của tâm tính, tột cùng của trí tuệ” , nhưng ông lại đề cao tự do với tinh thần phóng khoáng, tiêu dao của Trang Tử. Ông vừa trung thành với yếu chỉ của thiền học nhưng lại vượt lên tất cả, cả giới luật, Phật pháp để giữ lại một lẽ sống hai mặt, một mặt là nội tâm, ung dung tự tại, tiêu dao, thoát tục, mặt kia là sống sôi nổi mạnh mẽ của người quân tử vào sinh ra tử coi sự sống chết tựa “hòn bọt con” .

Trên phương diện tôn giáo, vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là người đã kết hợp trong mình một người anh hùng võ công hiển hách (hai lần đánh bại quân Nguyên) với một đức Phật từ bi, cốt cách thanh tao. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý của một Phật giáo đã đủ thời gian hòa nhập với Nho giáo, Đạo giáo và truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam, đó không phải là triết lý trầm buồn của xuất thế, giải thoát vào cõi hư không mà là một Phật giáo mang tinh thần nhập thế tích cực. Vì thế ông luôn trở thành trung tâm của sự đoàn kết, là biểu tượng của sức mạnh và ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc. Sử thần Ngô Sĩ Liên - một nhà nho nhiệt thành đã nhận xét :

“Nhân Tông trên thờ Từ Cung tỏ rõ đạo hiếu, dưới dùng người giỏi, lập nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh, võ, thì sao được như thế? Chỉ có một việc xuất gia là không hợp với đạo trung dung” .

Như vậy có thể thấy tư tưởng triết học - tôn giáo của các ông vua, nhà tư tưởng và những nhân cách lớn như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống tinh thần xã hội, nó thực sự trở thành cơ sở triết học - tôn giáo cho sự dung hợp tam giáo thời kỳ này.

4. Thực chất, nội dung, đặc điểm của tam giáo đồng nguyên đời Trần

Tam giáo đồng nguyên đời Trần là sự dung hợp ba hệ tư tưởng có mục đích, tính chất, khuynh hướng khác nhau đã được mềm hóa bởi truyền thống văn hóa Việt Nam và chịu sự qui định của nhân tố chính trị đương thời. Thực chất là mối quan hệ tương tác giữa hình thức này với đường lối chính trị nhà Trần. Đây cũng chính là sự khác biệt giữa hình thức Tam giáo đồng nguyên đời Trần với các hình thức còn lại. Thời kỳ nhà Lý, tam giáo đồng nguyên cũng diễn ra và triết học Phật giáo cũng có vai trò là hạt nhân trung tâm hút và sắp xếp các yếu tố, bộ phận của các hệ tư tưởng, tôn giáo khác vào tổ hợp mới. Tam giáo đồng nguyên đời Trần về cấu trúc không khác là mấy, song triết học Phật giáo đời Trần với tư cách là hạt nhân trung tâm của tổ hợp đã khác về chất. Triết học Phật giáo đời Lý vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng từ trường phái Mật tông, thiên về pháp thuật chữa bệnh, thần chú, cầu đảo, từ vua quan đến thường dân đều mộ đạo Phật nhưng vẫn thích, tin vào điềm lành, tin vào những điều thần bí, sức mạnh siêu nhiên. Họ sùng kính các nhà sư tinh thông pháp thuật như Từ Đạo Hạnh niệm thần chú đánh chết Đại Điên, tự mình hóa thân, đầu thai sang kiếp khác . Sư Minh Không thì dùng pháp thuật chữa bệnh nan y, cầu đảo mưa, nắng rất linh nghiệm .

Triết học Phật giáo đời Trần dựa trên nền tảng thiền học, tập trung vào những vấn đề bản thể luận như : “Tâm” (Tâm vô trụ, Tâm tự tính, Tâm thường nhật v.v..). Chú trọng bàn đến cái bản thể uyên nguyên nhất, cái khởi thủy của toàn bộ thế giới, cái bản chất của vạn vật, thế giới quan thiền học đời Trần đã tìm thấy điểm chung với thế giới quan của Nho giáo, Đạo giáo rồi. Các khái niệm“Chân không”,“Thái cực”,“Đạo” đã cùng nhau bước qua cái vỏ ngôn từ để đồng nguyên về tư duy. Đó là thế giới quan mang tính chất tự nhiên, thuần phác chứa đựng phép biện chứng của“sắc, không”, “lý, khí”, “âm, dương”. Mặt khác, thế giới quan thiền học đời Trần lại được đặt trong môi trường tư tưởng khoan hòa, dân chủ hơn. Thời Lý, xã hội chỉ coi trọng Phật giáo, Đạo giáo, nhà sư, đạo sĩ được xem là trí thức đương thời. Như Lý Nhân Tông từng ca ngợi :

“Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo hựu huyền
Thần thông kiêm biến hóa
Nhất Phật nhất thần tiên.”


Nho giáo thời kỳ này chưa được coi trọng, không được bình đẳng, không có vai trò trong lĩnh vực chính trị, quyền lực. Nghi án “hóa Hổ” cho Lê Văn Thịnh - thủ khoa khoa thi “Minh Kinh bác sĩ và Nho học tam trường” là một ví dụ. Mãi đến cuối đời Lý, vua Lý Cao Tông mới mở khoa “thi Tam giáo, cho đỗ xuất thân” (năm 1195).

Đời Trần, Nho giáo đã được coi trọng và có vị thế trong sinh hoạt chính trị. Trần Thái Tông thừa nhận, khẳng định vị thế chính trị đó của Nho giáo:

“Cái phương tiện để mở lòng mê muội, cái đường lối soi rõ sống chết chính là đại giáo của đức Phật, giữ cán cân để làm mức cho hậu thế, nêu khuôn phép cho tương lai là trách nhiệm nặng nề của tiên thánh vậy” .

Một tầng lớp nho sĩ cũng đã xuất hiện như: Chu Văn An, Lê Văn Hưu, Trương Hán Siêu, Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh, họ là những người rất trung thành và ra sức phấn đấu cho lý tưởng Nho giáo, mà nền tảng là chủ trương Chính danh và đức trị. Họ cũng đã tạo ra các cuộc tranh luận, phê phán triết lý Phật giáo một cách công khai và được xã hội thừa nhận. Đây là minh chứng cho tinh thần khoan hòa và dân chủ ở đời Trần .

Nội dung của tam giáo đồng nguyên đời Trần ngoài những vấn đề thế giới quan đã trình bày trên, còn hai vấn đề chính:

1. Những quan điểm về chính trị đạo đức.

2. Thái độ sống.

Chính trị, đạo đức là vấn đề trung tâm và cũng là thế mạnh của tư tưởng Nho giáo, gồm các học thuyết chính danh, nhân trị, đức trị. Mục đích của chúng là xây dựng một tôn ti trật tự, khuôn phép nghiêm ngặt trong xã hội với những chuẩn mực đạo đức bất biến và mẫu người quân tử thành thạo: tu, tề, trị, bình. Nho giáo trong tổ hợp tư tưởng tam giáo dưới ảnh hưởng thế giới quan Thiền học, đã bị tước đi tính chuẩn mực, hệ thống khuôn phép cứng nhắc và thái độ quan liêu. Do vậy những nhân tố Nho giáo được dung hợp ở đây như tinh thần nhập thế tích cực, trách nhiệm trước vận mệnh quốc gia, dân tộc, tinh thần xả thân vì lý tưởng, tư tưởng nhân, nghĩa (hiểu theo nghĩa chung nhất của nó là lòng yêu người, giúp đỡ con người) của bậc nho sĩ đã được vận dụng mềm dẻo theo tinh thần khoan hòa, dân chủ. Lòng khoan dung, độ lượng tha thứ của Trần Thái Tông đối với Trần Liễu đã làm tan chảy hệ thống tôn ti trật tự, xóa nhòa những qui tắc, lời thề, hình phạt nghiêm ngặt nhất của Nho giáo. Trần Quốc Tuấn biết hy sinh chữ hiếu, biết gạt bỏ hiềm khích để đánh bại kẻ xâm lược, đưa đất nước vượt qua cơn nguy biến. Tuệ Trung Thượng Sĩ tay không, ung dung vào trại giặc, trá hàng, lừa kẻ thù để quân ta có thời gian củng cố lực lượng. Một tiêu biểu cho nho sĩ, một đại diện cho Phật gia, nhưng đều chung tinh thần nhập thế tích cực, trách nhiệm trước vận mệnh quốc gia, dân tộc. Thuyết chính danh, tôn ti trật tự trên dưới của Nho giáo rõ ràng không phù hợp với chủ trương khoan hòa, đoàn kết, dân chủ của triều đại nhà Trần, vì thế chúng không được nhắc tới trong tổ hợp tam giáo, mặc dù đó là cốt tủy tư tưởng chính trị Nho giáo.

Đạo giáo trong tổ hợp tư tưởng tam giáo đời Trần cũng không còn nặng về pháp thuật thần bí nữa, nó trở lại tinh thần chân chất, thuần phác tự nhiên bởi sự kết hợp với triết lý vô ngã, vô thường của Phật giáo và tính duy lý của nhà Nho, nó mang lại làn gió lạ trong quan điểm nhân sinh, lý tưởng sống con người. Những nhà tư tưởng lớn thời kỳ này đều có triết lý sống dung hòa như vậy. Trần Thái Tông luôn sống ung dung, tự tại trong thế giới hình danh sắc tướng mà không đánh mất mình, ngồi trên ngôi cao vạn thặng đầy quyền lực châu báu, nhưng vẫn không rơi vào trạng thái “sống say, chết mộng”. Thái độ sống của ông là không bi quan, yếm thế, cũng không buông thả theo lạc thú tầm thường, tiếp nhận sinh tử như cái lý tự nhiên. Nếu như Thiện Hội đi tìm trong cái sinh tử để đạt tới cái không sinh, tử, Vân Phong cảm nhận sống, chết chỉ bằng một nắm tay, thì Trần Thái Tông thấu hiểu cái sinh tử ở ngay trong cuộc đời bình thường hàng ngày. Tuệ Trung Thượng Sĩ lại coi lẽ sống chính là hành động Thiền. Hành động đưa con người tự do hoàn toàn như “làn gió mát, tính tình như cỏ bồng theo gió, bay đi hết đó cùng đây, mà chẳng bám víu vào đâu cả”. Có quan điểm cho hành động, lẽ sống của Tuệ Trung Thượng Sĩ mang bóng dáng “tiêu dao” của Trang Tử, quan điểm khác lại xếp ông vào hàng ngũ những “cuồng sĩ” của dòng Vô môn (Thiền tông Trung Hoa). Lẽ sống của Trang Tử là: “Yên thời ở thuận, cậy vật làm xuân, không cần phân biệt, quên năm, quên nghĩa, nghỉ ở cõi vô cùng… để cưỡi lẽ chính của trời đất, chế ngự sự biến đổi của sáu khí để sang chơi với cõi vô cùng” .

Lẽ sống tự do của Phật giáo đại thừa được phản ánh trong khái niệm“tự tại, vô ngại”, là tùy ý hành sử, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở, muốn biến hiện thế nào cũng được, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào, bậc thượng thừa gọi là “tự tại nhân” (hiện diện khắp nơi, dường như hư không ) . Chỗ gặp nhau trong triết lý sống của Thiền tông và Lão - Trang là ở chỗ này. Nhân sinh quan của Tuệ Trung Thượng Sĩ lại có nét khác, không cao siêu, thần bí như “tự tại nhân” của Phật giáo đại thừa, cũng không ngang tàng, cực đoan như Lão - Trang mà bình dị, hòa đồng, yêu mến thiên nhiên, con người, một sự kết hợp chặt chẽ giữa cuộc đời bình thường đầy tục lụy với thế giới thánh thiện tinh khiết. Đó là lẽ sống mang bản sắc Việt Nam mà Trần Nhân Tông ca ngợi Tuệ Trung Thượng Sĩ: ông là “ngọn đèn tổ của Phật Hoàng” là “con quỷ thiêng nơi vườn pháp” song lại sống “trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng, chứ không trái hẳn với người đời” .

Có thể rút ra những đặc điểm sau của tam giáo đồng nguyên đời Trần :

a. Nguồn gốc xã hội của tam giáo đồng nguyên đời Trần là triết lý, đường lối chính trị nhằm giải quyết nhiệm vụ lịch sử của triều đại nhà Trần. Cơ sở triết học - tôn giáo của tam giáo đồng nguyên đời Trần là Thiền tông và truyền thống tinh thần dân tộc Việt Nam.

b. Triết lý Thiền tông đã tìm thấy điểm chung với thế giới quan Đạo giáo và Nho giáo kết hợp với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trở thành thế giới quan và hạt nhân trung tâm của tổ hợp tam giáo.

c. Những điểm tích cực, tinh hoa trong quan điểm chính trị, đạo đức Nho giáo và những ưu điểm trong lẽ sống của Đạo giáo có vai trò lớn trong nội dung của tổ hợp tam giáo đời Trần.

d. Tam giáo đồng nguyên đời Trần không tồn tại trong một hệ thống độc lập, tách biệt với các hệ thống tư tưởng khác mà biểu hiện ngay trong hệ thống tư tưởng được xác định là hạt nhân trung tâm của tổ hợp, đặc biệt là trong cuộc đời, hành vi sống của các nhà tư tưởng .

e. Tam giáo đồng nguyên đời Trần là nhân tố quan trọng trong bước chuyển tư tưởng từ “tự ý thức về cái tôi” của dân tộc sang chất “Đại Việt”, nó góp phần vạch ra biên giới văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa, khẳng định sự độc lập, tự chủ trong lĩnh vự tư tưởng.

Một câu hỏi cho ngày nay là: Dung hợp tam giáo còn tồn tại và còn có vai trò gì trong đời sống tinh thần chúng ta?
Để có câu trả lời, cần có những công trình nghiên cứu tổng thể, toàn diện về hiện tượng dung hợp tam giáo này trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Song tôi cho rằng suy ngẫm về Tam giáo đồng nguyên đời Trần và các hình thức cơ bản của sự dung hợp tam giáo trong lịch sử sẽ là những gợi ý, những bài học kinh nghiệm cho việc kết hợp, gìn giữ các giá trị bản sắc, truyền thống văn hoá Việt Nam với tinh hoa tư tưởng văn hoá nhân loại, trong đó có vai trò nhất định của tam giáo.

Trương Văn Chung​
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top