HỊCH TƯỚNG SĨ VĂN - TỪ CHỮ NGHĨA ĐẾN VĂN BẢN
Hịch là thể văn được viết nhằm nêu cao chính nghĩa của một cuộc hành binh, động viên tinh thần chiến đấu của tướng sĩ, thường ngắn gọn. Bài hịch của Trần Quốc Tuấn khá dài, pha trộn miêu tả, tự sự, nghị luận, giọng văn thiết tha, sôi nổi, tác động sâu sắc đến lý trí và tình cảm của người đọc, người nghe. Nên chú ý, đây vừa là bài hịch lại vừa là bài tựa (bài mở đầu, lời nói đầu) cho một cuốn binh pháp (cũng do Trần Quốc Tuấn soạn thảo để huấn luyện tướng sĩ) nhan đề là Binh gia điệu lý yếu lược, ta thường quen gọi là Binh thư yếu lược. Vì vậy, về hình thức kết cấu, không nên so sánh với các bài hịch khác (của Việt Nam hoặc của Trung Quốc) để đi tới những nhận định về văn thể.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, bài hịch được viết vào khoảng trước cuộc xâm lăng lần thứ hai của quân Nguyên Mông (1285). Đại Việt sử ký toàn thư - bộ sử hoàn chỉnh khá cổ còn lại tới nay ghi rõ: đó là bài hịch hiểu dụ các tỳ tướng. Trong Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích (1744 - 1818), khi chép bài hịch này cũng ghi tiêu đề là Dụ chư tỳ tướng hịch văn. Giữa tỳ tướng (các sĩ quan cấp dưới giúp việc cho chủ tướng) với tướng sĩ nói chung (toàn thể lực lượng vũ trang) có một sự khác biệt về phạm vi và cấp độ. Nội dung bài hịch, những từ xưng hô (dư: ta; nhữ đẳng: các người...) đều là những minh chứng có thể giúp chúng ta xác định, trước tiên đây là bài hịch Trần Quốc Tuấn viết để động viên, giáo dục các viên chỉ huy cấp dưới trong lực lượng vũ trang của riêng mình (theo binh chế đời Trần). Về sau, cùng với việc Trần Quốc Tuấn được phong làm Quốc công Tiết chế, nắm quyền chỉ huy toàn bộ lực lượng vũ trang của vương triều Trần và do giá trị đích thân của bài hịch, văn bản lịch sử này mới trở thành lời kêu gọi, động viên, giáo dục toàn quân. Vì vậy, tiêu đề cần ghi rõ là Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Bài hiểu dụ các tỳ tướng). Nêu rõ ý nghĩa của hai chữ tỳ tướng có thể giúp người học hiểu thêm về tổ chức lực lượng vũ trang thời Trần và ý nghĩa lịch sử của bài hịch.
Tìm hiểu các đoạn trích giảng mà ở trường phổ thông thường căn cứ theo bản dịch có một số từ ngữ cần chú ý khai thác, đối chiếu với nguyên văn chữ Hán để triển khai bình giá. Thí dụ: ngó thấy sứ giặc... nguyên văn là thiết kiến - nhìn trộm, ý vị nhục nhã chua cay tăng lên gấp bội; câu Thật khác nào ném thịt cho hổ đói, sao cho khỏi gây tai vạ về sau! dịch như vậy khó hiểu, quan hệ logic không rõ ràng, đặc biệt là mấy từ sao cho khỏi... . Căn cứ vào nguyên văn, nên hiểu là: ví như ném thịt cho hổ đói sao tránh khỏi để tai họa cho mai sau (vì lòng tham của giặc là không đáy, cung phụng bao nhiêu cho đủ? Cứ nhẫn nhịn chịu cung phụng mãi, rốt cục chúng vẫn không vừa ý, vẫn cứ quay lại hại ta!). Câu: làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức..., so với nguyên văn sức khơi gợi suy nghĩ giảm nhiều, vì trong nguyên văn đã dùng mấy chữ bang quốc chi tướng, thị lập (đứng hầu) di tù (bọn tù trưởng mọi rợ): làm tướng nước nhà mà phải đứng hầu bọn tù trưởng mọi rợ, rõ ràng là bang quốc khác với triều đình; một đằng là cấp trung ương, một đằng là cấp địa phương (quốc cũng có nghĩa là một địa phương, một vùng. Đó là một nghĩa rất rõ). Câu chẳng những thái ấp của ta..., nguyên văn đã dùng hai chữ bất duy (không riêng chỉ) và lặp đi lặp lại tới mấy lần liền trong những câu sóng đôi: Không riêng chỉ thái ấp của ta không còn mà bổng lộc của các ngươi cũng về tay kẻ khác; không riêng chỉ xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên; không riêng chỉ thân ta kiếp này chịu nhục, trăm đời sau tiếng nhơ không rửa, tên xấu còn lưu mà đến cả gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận... ý tình tha thiết hơn nhiều. Câu tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu dịch thoát ý câu Xú danh nan tẩy, ác thụy trường tồn. Theo thể chế văn hoá cổ xưa, danh là tên gọi lúc sống, thụy là tên đặt cho người đã chết, thường căn cứ vào đạo đức, sự nghiệp, hành trạng tốt xấu mà đặt. Vì vậy có tên thụy tốt đẹp như Văn, Trình (giỏi giang, tài giỏi, trung trinh...) có tên thụy xấu xa như U, Lệ (tối tăm, ngu muội, tàn ác, bạo ngược...). Vì vậy, dù là vua, khi còn sống cầm quyền nếu không làm được việc gì tốt lành lại không sáng suốt, chỉ thích làm điều bạo ngược gian tà thì khi chết đi vẫn cứ phải mang một tên thụy xấu xa như U Vương, Lệ Vương nhà Chu bên Trung Quốc chẳng hạn và con cháu đời đời sẽ mang nỗi nhục vì cái tên thụy ấy. Đó là một cách tuyên dương công trạng, phê phán chính tích của người xưa, rất đáng chú ý. Hiểu được thể chế này, đọc lại câu xú danh nan tẩy, ác thuỵ trường tồn, ta sẽ thấy nhiều lớp ý nghĩa sâu sắc tiềm tàng trong từng chữ một.
Đoạn cuối bài hịch (từ Kim dư minh cáo nhữ đằng... - Nay ta bảo rõ cho các ngươi được biết, cho tới Minh tri dư tâm nhân bút dĩ hịch văn - Ta viết bản hịch này để các người hiểu rõ tấm lòng của ta) lời lẽ khuyến cáo thật đạt lý thấu tình, vô cùng tha thiết và qua đó lại càng thấy rõ mối quan hệ giữa chủ tướng và các gia tướng, gia thần, rất phù hợp với đề Dụ chư tỳ tướng hịch văn. Theo văn pháp cổ, nội dung và đề có quan hệ hô ứng chặt chẽ như vậy là cực hay! Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quả là một danh nhân văn hoá toàn tài.
(Source: ĐẶNG ĐỨC SIÊU - Trường ĐHSP Hà Nội )