thanhchung.hti
New member
- Xu
- 0
HÉ LỘ BÍ MẬT VIỆC GÌN GIỮ THI HÀI BÁC HỒ
Việc bảo quản, gìn giữ thi hài của Bác cho nhiều thế hệ mai sau đã trở thành một tâm nguyện lớn lao của toàn Đảng, toàn dân ta sau khi Người qua đời. Công việc lớn lao đó đã được thực hiện ra sao vẫn là câu hỏi lớn đối với nhiều người hôm nay.
Tháng 5/1967, sau lễ mừng thọ nhân ngày sinh thứ 77 của Bác, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn việc bảo vệ sức khỏe của Người và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời. Cuộc họp do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì. Hội nghị đã xác định: vấn đề quan trọng đặt ra lúc này phải đảm bảo hai yêu cầu:
1. Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu không nhân dân sẽ hoang mang lo lắng và Bác sẽ phê bình Bộ Chính trị, không cho phép triển khai thực hiện chủ trương này.
2. Phải chọn một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Nhân sự cụ thể giao cho Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn.
Hội nghị cũng nhất trí giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân ủy Trung ương vì quân đội sẵn có truyền thống nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Mặt khác, Bộ Chính trị cũng chỉ định đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Trung ương Đảng trực tiếp theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác.
Vốn là một người sống giản dị, Bác luôn luôn lo lắng đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước. Bác thường kêu gọi toàn Đảng, toàn dân ta thực hành tiết kiệm. Bởi vậy, quyết định trên của Bộ Chính trị là hoàn toàn trái với ý nguyện của Bác. Sau khi qua đời, Bác chỉ có một nguyện vọng: Hỏa táng thi hài Bác, lấy tro đựng vào ba chiếc bình, đặt trên 3 ngọn đồi thấp ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để đồng bào cả nước có thể đến với Bác và để Bác mãi mãi được gần gũi với dân, với nước. Bác còn dặn thêm rằng, trên mỗi ngọn đồi phải được trồng thật nhiều cây có bóng mát và làm nhà để nhân dân có thể ngồi nghỉ mỗi khi lên viếng Bác.
Nhưng việc giữ gìn thi hài Bác cho đời đời con cháu mai sau được chiêm ngưỡng lại là nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó sẽ là phần thưởng vô giá mà Đảng ta dành cho các thế hệ tương lai của đất nước.
Để công việc được triển khai sớm, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô hội đàm đề nghị bạn giúp đỡ, từ công tác đào tạo cán bộ đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Dĩ nhiên, chuyến đi này, đồng chí Lê Thanh Nghị cũng phải giấu không để Bác biết. Xuất phát từ lòng kính trọng và nhận rõ vị trí lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.
Chuyến đi là một thành công lớn. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, trong lòng mỗi người biết tường tận về sức khỏe của Bác, bắt đầu xuất hiện một khoảng trống, một khoảng trống còn mơ hồ nhưng không gì có thể bù đắp: đó là sự thiếu vắng Bác trong tương lai mà mỗi người dân, mỗi người lính sẽ phải gánh chịu. Không ai muốn điều đó, nhưng lại không thể không nghĩ đến nó.
Vầng trăng Ba Đình - Ảnh Tất Bình
Đó là giai đoạn quyết liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Bị thất bại nhục nhã sau hai mùa khô phản công chiến lược, Giôn-xơn điên cuồng tung thêm những đơn vị tinh nhuệ nhất vào chiến trường miền Nam và tăng cường đánh phá miền Bắc. Những phi đội AD.6, F.105, F.4 từ Cò-rạt, gây tang tóc cho các làng mạc, thành phố trên miền Bắc. Còi báo động của thủ đô chốc chốc lại rú lên cùng với giọng người phát thanh viên báo tin máy bay địch đang vào Hà Nội. Tiếp đấy hoặc là tiếng súng cao xạ nổ ran ở ngoại ô, hoặc là một khoảnh khắc im lặng, căng thẳng cho đến khi giọng người phát thanh viên trầm tĩnh vang lên báo tin máy bay địch đã đi xa...
Trong những ngày ấy, ngoài Bộ Chính trị và tổ y tế, không mấy ai biết được sức khỏe của Bác đang mỗi ngày một suy giảm. Ngay từ những năm 1966, sau chuyến đi thăm đồng bào tỉnh Thái Bình trở về, Bác đã bị liệt nhẹ nửa người bên trái, đi lại đã phải chống gậy. Được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, kết hợp với sự rèn luyện phi thường của Bác, sức khỏe Bác dần dần hồi phục nhưng đó cũng là dấu hiệu đầu tiên, báo hiệu sự thiếu ổn định trong cơ thể Người.
Một buổi sáng, Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu Bệnh viện 108, Trưởng phòng Pháp y Cục Quân y; Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Việt-Xô được đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập lên Văn phòng Trung ương giao nhiệm vụ sang Liên Xô học tập. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền được cử làm tổ trưởng. Trong buổi giao nhiệm vụ, đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn: Đây là một công việc tối mật, tất cả mọi việc chúng ta đều làm theo lời Bác, không giấu Bác điều gì, nhưng riêng việc này tuyệt đối không được để Bác biết. Nếu biết, Bác sẽ buồn và sẽ không cho phép thực hiện kế hoạch. Đồng chí Lê Đức Thọ còn dặn thêm: ngay đối với vợ con cũng không được tiết lộ một chi tiết nào về nhiệm vụ của chuyến đi này.
Ngày 2/9/1967, chiếc xe Skô-đa của Tổng cục Đường sắt, chở một tổ y tế lặng lẽ rời Hà Nội. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều, thành phố đã lên đèn, nhưng những dòng người đầu đội mũ rơm, vai mang súng vẫn qua lại náo nhiệt trên đường phố. Xen lẫn trong dòng người là những đoàn xe kéo pháo, xe chở hàng phủ bạt kín mít, đầy bụi đường, ùn tắc lại ở lối rẽ xuống cầu phao bắc ngang sông Hồng để lên phía bắc.
Xe chạy sang bờ bắc sông Hồng thì trời ập tối. Tuy vậy, dấu vết tàn phá của những cuộc ném bom trong ngày vẫn còn hiện rõ ở hai bên đường. Khắp nơi, những người dân, những người lính đang sôi động chuẩn bị cho trận đánh ngày hôm sau. Hầu hết những đoàn xe, đoàn tàu hối hả đổ về phía nam. Riêng chiếc Skô-đa chở tổ y tế thì cứ ngược mãi lên phía bắc, hồi đó được coi là hậu phương lớn của cả nước.
Nguồn: Sưu tầm*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: