BÀI LÀM
Vũ Bằng là một cây bút sở trường về truyện ngắn. Sống trong thời kì đất nước còn chiến tranh, nhà văn phải xa quê hương Bắc Việt để vào Nam viết văn và tham gia cách mạng. Ở miền Nam, ông đã gửi vào những trang sách nỗi niềm thương nhớ về quê hương, gia đình và lòng mong mỏi đất nước hòa bình thống nhất. Tùy bút Mùa xuân của tôi trích trong Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt ra đời trong hoàn cảnh đó.
Mở đầu tùy bút là những cảm xúc rạo rực của nhà văn về mùa xuân ở Bắc Việt. Chao ôi! Mùa xuân ở quê hương nhà văn hiện lên thật đẹp, thật riêng biệt, độc đáo và khó quên. Đó là mùa xuân có "mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...". Một mùa xuân thật đẹp được cảm nhận bằng một tâm hồn luôn khát khao đón nhận mùa xuân ở quê hương. Bởi vậy nhà văn quan sát sự vật trong mùa xuân một cách tinh tế và nhạy cảm. Mùa xuân ấy đem đến bao sự đổi thay kì diệu, làm trỗi dậy trong lòng người một sức sống mãnh liệt. Mùa xuân của quê hương đã làm cho người ta "muốn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên không chịu được". Mùa xuân làm cho "nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti." Và mùa xuân ấy đã làm cho người ta thèm khát yêu thương...
Mùa xuân Bắc Việt thật đẹp đã gợi nhớ trong lòng người xa quê, tác giả yêu tha thiết cảnh vật của quê hương, cảm thấy như say sưa trước mùa xuân Hà Nội. Đặc biệt là cảm giác yêu thương, cảm giác êm đềm của gia đình đoàn tụ, trên kính dưới nhường, cảm giác ấm áp lạ lùng trước tổ tiên, cội nguồn. Cảm giác ấy khiến nhà văn liên tưởng tới cảnh "không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan".
Từ sự cảm nhận về quê hương, cảm nhận về mùa xuân Bắc Việt đã làm cho tác giả dâng lên một cảm xúc ngất ngây về quê hương:
"Đẹp quá đi, mùa xuân ơi - mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng, Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác."
Ba tiếng "Đẹp quá đi!" là cảm xúc bất ngờ của tác giả trước vẻ đẹp của mùa xuân Hà Nội, là cảm xúc thiết tha giữa người với cảnh. Chim nhạn hót gọi xuân về, trống chèo vang vọng trên sông trong lễ hội ngày xuân, câu hát huê tình của bao cô gái đem đến niềm vui trong mùa xuân Hà Nội. Nhà văn Vũ Bằng đã khắc họa nên một bức tranh Hà Nội đẹp vô cùng. Đó là vẻ đẹp và sức sống mặn mà của Hà Nội - thủ đô của Tổ quốc.
Ngòi bút của nhà văn đặc biệt tinh tế khi miêu tả cảnh sắc của mùa xuân, đặc biệt sau ngày rằm tháng giêng. Sự quan sát tinh tường của Vũ Bằng đã phát hiện ra những chuyển biến dù rất nhỏ của cảnh sắc mùa xuân ấy: "Đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác; bầu trời không có đùng đục như màu pha lê mờ, sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời...; trên giàn thiên lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa".
Không chỉ mùa xuân như thế đã in đậm trong tâm hồn tác giả mà cuộc sống thường nhật ở đây cũng đủ làm tác giả thương nhớ khôn nguôi: "Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng...".
Cuộc sống thường nhật của người dân miền Bắc thật mộc mạc, thật đáng yêu. Cuộc sống khiêm nhường, đạm bạc vì đất nước còn chiến tranh, miền Nam còn "dầu sôi lửa bỏng" "xiềng xích gông cùm". Người Hà Nội đang hướng về miền Nam ruột thịt và xây dựng cuộc sống mới.
Tùy bút kết thúc với hình ảnh mùa xuân Bắc Việt đã tạm thời khép lại. Tết hết, mùa xuân đi qua nhưng âm hưởng mùa xuân vẫn lắng đọng trong tâm hồn mỗi con người, nhất là những người xa quê đang mong chờ ngày đất nước thống nhất, gia đình đoàn tụ.
Theo Những bài văn hay 7*