Hãy nêu cảm nghĩ của em về hình ảnh hổ đực và hổ trán trắng trong truyện “Con Hổ có nghĩa”.

Xebus2tang

New member
Xu
0
Hãy nêu cảm nghĩ của em về hình ảnh hổ đực và hổ trán trắng trong truyện “Con Hổ có nghĩa”.

Bài làm

“Con Hổ có nghĩa” là tác phẩm của Vũ Trinh. Tác phẩm thuộc truyện ngụ ngôn, mang tính giáo huấn sâu sắc, mượn chuyện loài vật để nói về con người, đạo đức nhân sinh…

Hình ảnh hổ đực trong truyện được khắc họa rất sinh động. Hổ đực có những hành động, suy nghĩ mang bóng dáng hình ảnh con người. Khi hổ cái gặp nạn, hổ đực biết quan tâm, lo lắng. Nó biết nhờ bà đỡ Trần cứu giúp cho hổ cái lúc sinh con. Hổ cái được bà đỡ Trần giúp cho mẹ tròn con vuông, gia đình hổ vô cùng hạnh phúc, hổ đực sung sướng tột đỉnh khi được làm cha. Cảm tạ trước ơn cứu giúp của bà đỡ Trần, hổ đực quì xuống cạnh một gốc cây, bới lên một cục bạc đem tặng cho bà đỡ Trần. Nhờ hơn mười lạng bạc của hổ tặng, bà đỡ Trần đã sống được trong năm mất mùa, đói kém. Hổ đực nhận thức được rằng: nó sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc cùng gia đình nếu như không có bà đỡ Trần. Nó biết rằng mười lạng bạc lúc ấy thật lớn nhưng công đức của bà đỡ Trần lại càng lớn hơn. Hành động của nó diễn ra không phải bản năng mà là xuất phát từ tâm khảm của nó. Trong đôi mắt hổ đực, bàn tay bà đỡ Trần là đôi bàn tay tiên đưa sự sống cho vợ con nó.

Nó biết đền ơn đáp nghĩa, việc đáp nghĩa của hổ đực không chỉ là việc tặng mười lạng bạc mà là việc dành tình cảm cho ân nhân của mình. Khi tiễn bà Trần ra về, hổ cúi đầu vẫy đuôi rồi gầm lên một tiếng. Hành động của hổ thể hiện lòng thành kính và biết ơn sâu nặng lúc từ giã ân sinh. Tiếng gầm của hổ đực là lời cảm tạ lúc tiễn đưa người mà nó nặng tình nặng nghĩa.

Cũng như hổ đực, hổ trán trắng cũng có nghĩa có tình. Nó được bác tiều cứu sống sau lần hóc xương. Hổ trán trắng cũng hiểu rằng: nó chẳng bao giờ nhìn thấy thiên nhiên đầy thú vị nếu như không có bác tiều. Trong đôi mắt nó, bác tiều như một ông tiên, và trong đôi mắt ấy hiện lên niềm biết ơn vô hạn. Lòng biết ơn ấy mãi mãi trong tâm khảm của hổ trán trắng. Có miếng mồi ngon nó đều mang đến biếu bác tiều. Nhưng cảm động hơn khi hổ biết rằng bác tiều đã chết, nó đau xót vô cùng. Nén chặt đau thương, nó đến đưa tang bác tiều. Tình cảm dâng lên, hổ trán trắng nhảy quanh mộ bác tiều, lấy đầu dụi vào quan tài của bác. Hổ trán trắng đã gầm lên thể hiện niềm tiếc thương vô hạn đối với vị ân nhân của nó. Lòng biết ơn của hổ không hề phai nhạt, hổ nhớ cả ngày giỗ bác tiều, lần giỗ nào hổ cũng mang lễ vật đến cúng tế. Thật cảm động trước những việc làm của hổ trán trắng.

Hổ đực và hổ trán trắng trong truyện là hai con vật sống có tình nghĩa, thủy chung, biết quan tâm đến ân nhân của mình, biết đền ơn đáp nghĩa. Câu chuyện mượn hình ảnh hai con hổ có nghĩa để giáo huấn con người. Mỗi chúng ta cần nghĩ rằng loài hổ là loài hung tợn nhất mà sao lại có nghĩa tình đến thế? Vậy con người thì sao?

Câu chuyện hết sức thâm thúy, nó không chỉ dừng lại ở hình ảnh hai con vật có nghĩa có tình mà nó mang yếu tố triết lí, nhân sinh. Bác đỡ Trần và bác tiều phu là những con người giàu lòng nhân đạo. Họ sẵn lòng giúp đỡ người khác mà không sợ nguy hiểm đến tính mạng. Bà Trần và bác tiều đều sợ hổ, nhưng nhờ lòng yêu thương mà họ vượt qua sợ hãi, cứu sống cho hai con vật.

Tác giả câu chuyện này cũng thầm nhắn nhủ chúng ta: Hãy sống vì mọi người, hãy mở rộng vòng tay nhân ái để giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp và tác giả cũng không quên kêu gọi chúng ta thực hiện lẽ sống: Uống nước nhớ nguồn, thực hiện đạo lí:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top