Hãy ghi lại câu chuyện của 2 phụ huynh

Hãy ghi lại câu chuyện của 2 phụ huynh

[f=800]
https://server1.vnkienthuc.com/files/3/FILEPDF/chuyen_2_phu_huynh.pdf[/f]



Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11: Mạn đàm về sự phối hợp giữa Nhà trường và Gia đình trong việc giáo dục học sinh


Hàng năm, cứ đến đầu tháng 11, trong các trường học trên khắp cả nước, các thầy cô, học sinh hăng hái tham gia các phong trào thi đua như: "Dạy tốt - Học tốt", "Xây dựng trường học thân thiện"...Ban Đại diện Cha Mẹ Học sinh họp bàn với Ban Giám hiệu Nhà trường về việc tổ chức Ngày Nhà Giáo Việt Nam, thiển nghĩ đây là những việc làm thiết thực - góp phần nâng cao chất lượng dạy của thầy và học của trò - để mừng ngày Hội 20-11 của Ngành Giáo dục Đào tạo, có ý nghĩa - tôn vinh, tri ân các thầy cô - truyền thồng đạo lý từ nhiều đời nay của dân tộc chúng ta.
Với mục đích đó, mỗi nơi, mỗi trường tổ chức khác nhau, rất đa dạng, thậm chí hoành tráng nữa và dĩ nhiên là tốn kém. Tôi chưa bàn về việc này vào thời điểm hiện nay, có lẽ chưa hợp lúc, tôi muốn nói đến một điều cần thiết khác, như là câu chuyện trao đổi giữa các thầy cô với phụ huynh học sinh trong dịp Hội 20-11, đó là sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, cụ thể là thầy cô và phụ huynh, trong việc giáo dục học sinh.

1. Hiểu biết, thông cảm lẫn nhau: Điều cần có của sự phối hợp giữa thầy cô và phụ huynh.
a. Do yêu cầu "Ngày một nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa và đạo đức", mỗi một thầy cô giáo phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức để thật sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Thật vậy, về chuyên môn, nhiều thầy cô có điều kiện đã, đang theo học các lớp chính quy bậc Cao học, Đại học để nâng chuẩn hoặc đạt chuẩn, và nhiều thầy cô phải đăng ký các chuyên đề tự học, tự nghiên cứu với Hiệu trưởng ngay từ đầu mỗi năm học. Về nghiệp vụ, phải thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy. Về đạo đức, các thầy cô - vốn mỏng dòn, yếu đuối - cũng phải tự rèn luyện theo những Chuẩn mực Đạo đức của người thầy.

Và rất nhiều công việc bình thường khác của một giáo viên như soạn bài, chấm trả bài kiểm tra, báo cáo, hội họp...Riêng các thầy cô là Giáo viên Chủ nhiệm lớp, còn thêm nhiều công việc liên quan đến tổ chức, quản lý lớp học, giáo dục học sinh cá biệt...

Từng ấy công việc, cũng không đơn giản, đòi hỏi mỗi thầy cô làm việc không chỉ 8 giờ mỗi ngày, với cường độ lao động không phải bình thường.

Những câu nói, " Thầy cô miệt mài bên trang giáo án..." hoặc " thầy cô không vui khi một em học sinh hư hỏng..." theo tôi là thật, nó phản ánh tính chất căng thẳng của công việc và tinh thần trách nhiệm của thầy cô giáo.

b. Chỉ một phần, còn phần nhiều phụ huynh học sinh, do sinh kế khó khăn, không có điều kiện và thời gian để chăm lo việc giáo dục con cái. Vì hoàn cảnh, nhiều phụ huynh không có cơ hội học tập cao để có thể theo dõi, hướng dẫn, quản lý việc học tập và sinh hoạt của con cái; nhiều phụ huynh chưa có những hiểu biết cần thiết về tâm lý, về phương pháp giáo dục con cái.

Trong các phiên họp phụ huynh, tôi đã từng nghe phụ huynh chia sẻ chân thành, như sau: "Vợ chồng tôi làm lụng cực khổ, hy sinh tất cả để con có điều kiện học hành thành người hữu dụng cho gia đình, cho xã hội", hoặc "Tôi chỉ học đến lớp 4, con tôi đứa học lớp 10, đứa học 12. Làm sao có thể hướng dẫn, kiểm tra việc học của con tôi được ?", hoặc "Bố cháu nóng nảy quá, nên khó để khuyên dạy cháu, cháu liều lĩnh cũng tại bố cháu một phần !"....

Phụ huynh nào cũng mong muốn con em mình, hôm nay là học sinh chăm, ngoan, ngày mai là công dân tốt, là người con hiếu thảo. Nhưng như nói trên, do trình độ văn hóa, do hiểu biết về tâm lý và phương pháp giáo dục, họ đành chấp nhận "lực bất tòng tâm".

Thầy cô hiểu hoàn cảnh của phụ huynh, ngược lại, phụ huynh hiểu công việc của thầy cô. Cả 2 phía hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, điều cần có của sự phối hợp giữa thầy cô và phụ huynh.

2. Giáo dục học sinh là bổn phận và trách nhiệm của cả thầy cô và phụ huynh.

Nếu không có sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, thầy cô và phụ huynh sẽ chỉ nhìn ra bổn phận, trách nhiệm của phần mình. Phụ huynh nghĩ rằng bổn phận, trách nhiệm của mình là sinh thành và nuôi dưỡng thôi, thầy cô thì cho rằng phụ huynh không chỉ có bổn phận, trách nhiệm sinh thành, mà còn dưỡng dục nữa.

Sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, giúp chúng ta dễ nhận ra: Sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục con em mình là bổn phận, trách nhiệm của các bậc phụ huynh, và rõ ràng bổn phận, trách nhiệm chính trong việc giáo dục - bao gồm giáo dục văn hóa, giáo dục đạo đức cho học sinh thuộc về các thầy cô, phụ huynh giữ vai trò cọng tác, hổ trợ.

Nói đúng là: Giáo dục học sinh, con em chúng ta, là bổn phận và trách nhiệm của thầy cô và phụ huynh.

3. Sự phối hợp giữa thầy cô và phụ huynh trong việc giáo dục học sinh.
Giáo dục học sinh là công việc khó khăn, diễn ra liên tục trong một khoảng thời gian nhất định tùy đối tượng và mục đích, dưới tác động của nhiều nhân tố, trong đó thầy cô và phụ huynh là nhân tố chính.

Điều đó đòi hỏi sự phối hợp tinh tế, thống nhất giữa thầy cô và phụ huynh ở nhiều góc độ, lĩnh vực khác nhau. Tôi xin chia sẻ những ý nghĩ sau:

a. Không thể có sự đối nghịch trong tư cách, hành vi đạo đức của người thầy và người làm cha, người làm mẹ. Những điều tốt đẹp học sinh học trong nhà trường phải được các em nhìn thấy thể hiện trong nhà trường, trong gia đình, và ngoài xã hội. Muốn vậy:

- Thầy cô và phụ huynh cùng rèn luyện theo những chuẩn mực nhất định để trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

- Thầy cô và phụ huynh cùng nỗ lực xây dựng và gìn giữ nhà trường, gia đình, xã hội luôn là môi trường giáo dục tốt đẹp và đồng nhất.

b. Phụ huynh cần tham dự đầy đủ các phiên họp phụ huynh do nhà trường tổ chức. Trong những phiên họp này, thầy cô chuẩn bị để trao đổi đầy đủ đến chi tiết về kế hoạch giáo dục học sinh với phụ huynh, và phụ huynh góp ý với các thầy cô về kế hoạch giáo dục con em mình.

Những năm gần đây, số buổi họp phụ huynh trong năm nhiều hơn, số phụ huynh tham dự nhiều hơn trước, nội dung những phiên họp cũng đã được cải tiến theo hướng nói trên, dẫu vậy, nhưng còn nặng tính thông báo những khoản đóng góp tài chính của phụ huynh, những quy định của nhà trường với học sinh, với phụ huynh hơn là hai bên - thầy cô và phụ huynh - cùng thảo luận xây dựng kế hoạch giáo dục.

d. Thầy cô và phụ huynh cùng có trách nhiệm đảm bảo "thông tin hai chiều" giữa thầy cô với phụ huynh. Những biến đổi tích cực (tiến bộ) hay tiêu cực (xấu đi) của học sinh, đối tượng giáo dục, cần được thầy cô và phụ huynh thông báo cho nhau kịp thời, bằng nhiều cách (Sổ liên lạc, Thư báo, Gặp gỡ...) để điều chỉnh hay thay đổi phương pháp, biện pháp giáo dục...

Thuận lợi là, ngày nay điện thoại di động được sử dụng rộng rãi trong dân chúng, việc quan trọng đảm bảo "thông tin hai chiều" lại càng dễ thực hiện, vấn đề là hai bên có xóa được cái e ngại, có nhiệt tình không mà thôi.

e. Trong quá trình giáo dục, mọi nơi, mọi lúc thầy cô luôn cần đến sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của phụ huynh. Có thể có sai lầm từ phía thầy cô, xin thẳng thắn, nhẹ nhàng trao đổi, góp ý để các thầy cô sửa sai, tránh vì nôn nóng, bức xúc... (hoặc vì thương con) tạo nên những suy nghĩ lệch lạc, ấn tượng không tốt đẹp về thầy cô nơi học sinh. Có thể có sự lạnh nhạt nào đó từ phía phụ huynh, xin hãy kiên nhẫn, thông cảm với phụ huynh tránh vì vậy mà bỏ mặc con em họ, học sinh của các thầy cô.

4. Lời kết :

Nhiều người đã nói đến những phương thế để thực hiện sự phối hợp giữa thầy cô và phụ huynh trong việc giáo dục học sinh. Ở đây, tôi nói đến cái tâm, cái tình của sự phối hợp.

Mong rằng, sau những lời chúc tụng, những tiếng vỗ tay chúc mừng, những bó hoa xinh đẹp dâng tặng các thầy cô nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, câu chuyện trao đổi giữa thầy cô và phụ huynh trên đây, làm cho niềm vui của chúng ta - Thầy cô, phụ huynh, học sinh - thêm vui và ý vị.

Toma Hoàng Kim Khánh-Thạc sĩ, Giáo viên Trung học.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top