• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Hạnh phúc vĩ đại nhất của nhà văn...

giúp e đế này với:
hạnh phúc vĩ đại nhất cùa nhà văn là không tư coi mình là một người cô độc, một nười đặc biệt mà là một người như những người khác
 
@Ngạo Thiên Tuyết
Đề bài: Hạnh phúc vĩ đại nhất của nhà văn là không tự coi mình là một người cô độc, một người đặc biệt mà là một người như những người khác.

Bài làm

Không có ong mật thì chẳng có mật ong. Không có hoa thì ong cũng chẳng thể làm ra mật. Không có nhà văn thì không có tác phẩm, tất nhiên cũng không thể có đời sống văn học. Lại còn phải có hiện thực phong phú tạo nguồn sáng tạo cho nhà văn thì mới có thơ văn. Từ muối mặn, phù sa, hương sắc cuộc đời… nhà văn sống hết mình với hiện thực phong phú ấy may ra mới có tác phẩm văn học. Dù công trình nghệ thuật của các nhà văn thành công tuyệt đỉnh, được độc giả đón nhận và được giới nghiên cứu bình luận đánh giá với chiều hướng tốt thì sâu thẳm tâm hồn của mỗi nhà văn chân chính luôn mong muốn có một cuộc sống bình dị, giản đơn như bao người bình thường khác. Có nhà văn đã từng thổ lộ rằng: “Hạnh phúc vĩ đại nhất của nhà văn là không tự coi mình là một người cô độc, một người đặc biệt mà là một người như những người khác”.

Nhà văn là người chuyên sáng tác ra các tác phẩm văn học, đã có tác phẩm được công bố và ít nhiều được độc giả thừa nhận giá trị của một số tác phẩm. Kỹ năng của các nhà văn thể hiện qua kỹ năng sử dụng ngôn ngữ để mô tả một ý tưởng, một phong cảnh, dù đó là sự hư cấu hay thực tế. Nhà văn, tuy thường được hiểu là người sáng tác ra các tác phẩm văn xuôi, tuy nhiên khái niệm nhà văn vẫn có độ mở nhất định khi bao gồm cả những thể loại văn học như thơ, văn xuôi, tiểu thuyết, kịch bản văn học. Mỗi người trong chúng ta ai cũng ấp ủ một ước mơ dự định cho riêng, và mỗi nhà văn cũng thế. Chắc hẳn họ mong ước tác phẩm của mình sẽ góp tiếng nói chung vào cộng đồng theo lối tích cực để mọi người cùng đọc, cùng cảm nhận, cùng sẻ chia, và đưa ra một quan điểm riêng cho bản thân, những bài học rút ra từ những tác phẩm đó… đó là hạnh phúc của nhà văn. Cũng có nhà văn lại muốn mượn ngôn từ nghệ thuật để giãi bày tâm tư tình cảm cá nhân đó cũng là hạnh phúc… Nhưng có lẽ hạnh phúc nhất của nhà văn là trở thành nhà văn chân chính, sống một cuộc sống đời thường không cô đơn, không đặc biệt, không tự coi mình là một người đặc biệt mà là một con người đời thường, góp một phần công sức của mình để làm cho đất nước giàu mạnh, đời sống con người văn minh hơn về cách cảm, cách nghĩ.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu lại đôi chút về quan niệm sống và lối sống của nhà văn Nguyễn Tuân. Chúng ta được biết đến Nguyễn Tuân qua rất nhiều tác phẩm nhưng nổi bật nhất là tác phẩm “Chữ người tử tù” và “Người lái đò sông Đà”, rất nhiều độc giả cho rằng Nguyễn Tuân có một lối sống khác người, ông sống cô độc, kiêu ngạo, tự coi mình là một người đặc biệt. Nhưng thực ra ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân phát triển rất cao. Ông viết văn trước hết để khẳng định cá tính độc đáo của mình, tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là "Chủ nghĩa xê dịch". Lối sống tự do phóng túng của ông không phù hợp với chế độ thuộc địa (hai lần bị tù). Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa. Tuy chỉ viết văn nhưng ông còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh... Ông còn là một diễn viên kịch nói và là một diễn viên điện ảnh đầu tiên ở Việt Nam. Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương.Nguyễn Tuân nổi tiếng là người sành ăn. Với ông, Ăn là một nghệ thuật, một giá trị thẩm mỹ, một sự khám phá cái ngon mà tạo hóa đã ban cho. Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình. Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí "khổ hạnh" và ông đã lấy chính cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của mình để chứng minh cho quan niệm ấy. Như vậy, chúng ta đã thấy ở Nguyễn Tuân tuy có một chút “ngông”, lối sống tự do phóng túng nhưng nhà văn vẫn luôn sống chan hòa với thiên nhiên, con người, yêu quê hương đất nước và mong muốn mình như những con người bình thường khác.

Nếu một nhà văn có lối sống cô độc, tự cho mình là một người đặc biệt liệu có những tác phẩm văn học chân chính chứa đựng những giá trị nhân văn, nhân đạo? Muốn có một tác phẩm hay nhà văn phải khám phá và sáng tạo. Chế Lan Viên nói:

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi,

Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.

Cái xào xạc, hồn anh chính là xào xạc lá

Nó không là anh, nhưng nó là mùa…”

(“Sổ tay thơ – Đối thoại mới)

Nhà văn phải khám phá và sáng tạo, không theo đuổi người, không tô hồng cũng không bôi đen hoặc sao chép hiện thực. Nhà văn cũng không được lặp lại mình. Đó chính là mối quan hệ giữa nhà văn và đời sống hiện thực. Nhà văn phải là chính mình, một con người đời thường, có một cuộc sống đời thường, có cách cảm nhận tinh tế và một sự sáng tạo không ngừng.

Trong sách Ngữ văn lớp 10 tập 2 có viết: “Nhà văn phải có năng khiếu, có vốn văn hóa rộng rãi và có tư tưởng nghệ thuật độc đáo. Nói như thế là đúng nhưng chưa đủ. Quá trình sáng tạo lao động nghệ thuật của nhà văn là một thứ lạo động đặc biệt. Phải có hứng, nếu không có hoặc chưa có cảm hứng thì chưa thể sáng tác.” Mỗi nhà văn có một cách sáng tác riêng. Xuân Diệu làm thơ được “thiết kế” công phu chặt chẽ. Tố Hữu thì “câu thơ trước gọi câu thơ sau”. Hoàng Cầm làm thơ, có thể như có ai đọc chính tả cho chép lại. Ông sáng tác bài: “Lá Diêu Bông” vào quá nửa đêm mùa rét 1959. Khi cả nhà đang ngủ say, ông tỉnh giấc “chợt bên tai vẳng lên một giọng nữ rất nhỏ nhẹ mà rành rọt, đọc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như từ thời nào, xa xưa vẳng đến, có lẽ từ tiền kiếp vọng về: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…” (“Về Kinh Bắc”, trang 160 – 161). Nhà thơ Chế Lan Viên qua đời còn để lại một núi “Phác thảo thơ – di bút”. Đọc hồi kí các nhà văn, nhà thơ danh tiếng, ta ngạc nhiên và vô cùng khâm phục về lao động sáng tạo của họ. Có câu thơ được viết hàng tháng. Có bài thơ hình thành nhiều năm. Có cuốn tiểu thuyết được sáng tác trong 1/10, 1/5 thế kỷ. Để có những “thiên cổ hùng văn”, “thiên cổ kì bút”, “Sách gối đầu giường cho thiên hạ” phải là những bậc thiên tài mới sáng tạo nên. Độc giả luôn cảm mến và khâm phục tài năng của các nhà văn và coi họ là bậc thiên tài là vĩ nhân lịch sử… nhưng các nhà văn lại luôn coi mình là con người nhỏ bé, họ sợ sự cô độc, sợ là người nổi tiếng, và đơn giản nhất hạnh phúc nhất các nhà văn luôn muốn mình là chính mình, như những người bình thường khác.

Yêu văn học ta càng yêu kính và biết ơn nhà văn, nhà thơ. Tác phẩm của họ đã làm tâm hồn ta thêm giàu có. Văn chương là cái đẹp muôn đời. Văn chương, văn hiến, văn hóa là niềm tự hào của mỗi quốc gia. Và chúng ta hãy trân trọng lối sống của các nhà văn và hãy giúp các nhà văn rút ngắn khoảng cách giữa nhà văn và độc giả để các nhà văn có một đời sống bình thường như chúng ta.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top