Hai vấn đề cấp bách trong giáo dục đại học

  • Thread starter Thread starter ButBi
  • Ngày gửi Ngày gửi

ButBi

New member
Xu
0
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” vừa triển khai công tác tại địa bàn phía Nam.

Bốn ngày làm việc đầu tiên xác nhận những trăn trở của xã hội đối với giáo dục đại học và gợi ra những việc cần làm. Xin trình bày hai vấn đề mà theo tôi là cấp bách.

Về hiện trạng ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật

Báo cáo tổng kết ba năm thi hành Luật Giáo dục (2006 - 2008) (3) đã đánh giá: “ (…) Tuy nhiên, xét trong cả ba năm (2006 - 2008) công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là ban hành văn bản theo kế hoạch, chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra, số lượng văn bản đạt rất thấp; nhiều văn bản thuộc thẩm quyền cấp trên và nhiều văn bản trọng yếu thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng chưa được ban hành, gây khó khăn lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành; không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của tình hình thực tiễn, làm chậm quá trình đưa quy định của Luật Giáo dục vào cuộc sống và làm giảm uy tín của Bộ trong công tác này”.

KHdaihoc42.trong.jpg

Học phí là một bài toán không dễ, rất nhạy cảm, cần được nhìn từ nhiều phía. Ảnh: Lê Hưng

Bốn ngày giám sát vừa qua xác nhận tình trạng mà báo cáo đã nêu và hơn thế nữa, còn cho thấy việc ban hành các văn bản pháp quy về giáo dục đại học chậm, thiếu và yếu, việc thực thi có khá nhiều bất cập. Xin đơn cử vài ví dụ.

Việc chuyển đổi các đại học dân lập sang tư thục là một. Theo đề nghị của Bộ Giáo dục - Đào tạo, ngày 29/5/2006, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định 122/2006/QĐ - TTg cho phép 19 trường Đại học dân lập trong cả nước chuyển sang loại hình trường đại học tư thục và hoạt động theo quy chế trường đại học tư thục. Thời hạn chuyển đổi hoàn thành trước ngày 30/6/2007, một thời hạn mà trên nguyên tắc, Bộ đã cân nhắc tính khả thi trước khi đề nghị. Thế nhưng cho đến hôm nay, đã hai năm sáu tháng sau, chỉ mới có hai trường đại học dân lập được chuyển trong khi hàng loạt trường đại học tư thục ra đời, kể cả chuyển từ cao đẳng bán công sang đại học tư thục. Một trong hai trường dân lập lại còn được chuyển thành đại học quốc tế (4) mà nội hàm cụm từ quốc tế lãnh đạo trường này không thuyết minh được với đoàn giám sát!

Có quá nhiều chỉ tiêu và tiêu chí mà các văn bản của Bộ yêu cầu các trường khai báo để thực hiện “ba công khai”, để làm “thước đo chất lượng” đào tạo đại học, để chuẩn hóa đội ngũ lãnh đạo các trường đại học, để giao chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm,… Chuẩn đầu ra được khá nhiều trường ngoài công lập khai báo mang tính đối phó, không ít nơi sao chép lẫn nhau và sao chép từ các trường nước ngoài qua mạng. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm là cả một công việc bề bộn cho Bộ và cho các trường nhưng rồi tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu vẫn không giảm, số ngành đào tạo mới với tên gọi rất “ăn khách” đua nhau ra đời, mặc cho thực tế giảng viên dạy theo kiểu chạy “sô”, giảng viên trình độ đại học dạy đại học, “thuê mượn” tên người có học vị tiến sĩ, ngày càng gay gắt tỷ lệ thuận với số trường đại học ngoài công lập được phép thành lập. Bởi một lẽ đơn giản: chỉ tiêu nhân với học phí là nguồn thu cho các trường.

Nếu các chỉ tiêu mà Bộ yêu cầu các trường phải điền là cần thiết để đảm bảo chất lượng của các trường và của việc đào tạo đại học thì người dân không thể không nhận xét: Thế có nghĩa là khi Bộ đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập quá nhiều trường đại học trong hai ba năm qua là Bộ đã quản lý theo kiểu “vừa chạy, vừa xếp hàng” để rồi lâm vào cảnh “vừa vứt, vừa hốt rác”?

Hơn thế nữa, trong điều hành, nhiều trường không tuân thủ các tiêu chí và chỉ tiêu cuối cùng cũng được “thông cảm” hoặc cùng lắm bị xử phạt hành chính, mà điển hình là những kê khai gian dối và sai phạm nghiêm trọng trong tuyển sinh ở trường Đại học Phan Thiết! Cử tri không thể không tự hỏi: đây là năng lực điều hành của Bộ, hay còn có bóng dáng của tiêu cực?

Học phí là một bài toán không dễ, rất nhạy cảm, cần được nhìn từ nhiều phía, nhất là khi nước ta là một nước nghèo và đang có sự phân hóa giàu nghèo khá rõ. Giám sát ở một số trường khẳng định rằng có môi trường và điều kiện giảng dạy và học tập tốt hơn thì chất lượng đào tạo ở đó tốt hơn, đồng thời cho thấy có tình trạng một phần không nhỏ học phí đi vào thu nhập khá cao của lãnh đạo và bộ phận quản lý ở một số không ít nhà trường.

Học phí không thể quy định cào bằng và quá thấp, nhưng cũng không thể định tùy tiện. Cho dù sinh viên là người chấp nhận hay không, nhưng vấn đề mấu chốt là Bộ quy định những gì, thanh tra ra sao để học phí, mà phần lớn sinh viên và gia đình phải chắt chiu mới đóng được, không bị lạm dụng, và trường quyết định những khoản thu nào, công khai việc sử dụng và kết quả đạt được.

Vì tầm quan trọng của vấn đề học phí, tôi tin rằng nếu Chính phủ trình bày với Quốc hội, với nhân dân, lý giải rõ ràng các khía cạnh, đề xuất cách giải quyết đúng, bao gồm cả chính sách tín dụng cho sinh viên và chính sách học bổng đến đúng đối tượng, thì sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Các văn bản pháp quy về giáo dục đại học chậm, thiếu, chất lượng và sự điều hành có nhiều bất cập thì hậu quả không chỉ “làm chậm quá trình đưa quy định của Luật giáo dục vào cuộc sống”. Tình trạng này còn là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát sinh, cho một số cán bộ biến quyền lực nhà nước thành quyền lợi cá nhân, tha hóa ngành giáo dục.

Đột phá để giải quyết sự yếu kém của quản lý giáo dục đại học “có nhiều việc phải làm, có quá trình và bước đi” như Bộ trưởng nói, nhưng có ba việc cấp bách mà Bộ trưởng phải đứng mũi chịu sào không thể lần lữa: (1) Đổi mới nền nếp quản lý hành chính quan liêu, bao biện hiện nay; phân công, phân cấp mạnh hơn cho các trường, các địa phương; quản lý ở tầm vĩ mô, coi trọng hiệu quả cuối cùng thay vì kiểm soát từng bước mọi hoạt động của đối tượng bị quản lý; (2) Thể hiện sự đổi mới này vào hệ thống văn bản pháp quy, và kiểm soát thanh tra việc thực thi công khai và minh bạch; (3) Xây dựng bộ máy nhân sự thật sự trong sạch, có tâm và ngang tầm với sự nghiệp.

Xã hội hóa giáo dục và thực trạng của thị trường giáo dục đại học

Điều 20 của Luật Giáo dục năm 2005 quy định: “Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận”. Đến nay chưa có một văn bản pháp quy nào dưới luật cụ thể hóa Điều này.

Sản phẩm của giáo dục đại học là tri thức và kỹ năng thực hành, được cụ thể hóa bằng các loại văn bằng, chứng chỉ, tín chỉ, … mà bên cầu là sinh viên và bên cung là các trường đại học. Có một thị trường trong giáo dục là điều tất yếu.

Số lượng cầu cao, trên nguyên tắc, là điều tốt cho sự phát triển của đất nước. Nhưng khi trong xã hội, mọi người muốn có trong tay mảnh bằng tốt nghiệp đại học, cao hơn càng tốt, để có việc làm, để tiến thân bất luận chất lượng của cấp bằng, bất luận trình độ thực sự của người có nó, thì đó là điều không lành mạnh cho nền giáo dục, cho xã hội và cho chính bản thân người đó.

Sinh viên muốn tiếp nhận được tri thức phải có trình độ cần thiết tương ứng. Nếu một nền giáo dục dễ dãi ở các cấp học trước đại học, để rồi học sinh ùa nhau vào đại học với trình độ thấp thì nền giáo dục đại học sẽ khó mà cung cấp cho xã hội những sản phẩm có chất lượng!

Các trường đại học cung cấp kiến thức cho sinh viên thông qua giảng viên. Không phải không có lý do mà trên thế giới, cho tới nay giáo sư, phó giáo sư phải có trình độ tiến sĩ (5). Khi chưa có trình độ này chỉ làm trợ lý giảng dạy, phụ trách thực tập, nhiều lắm mới được giảng một số bài do giáo sư phụ trách giao. Hoàn toàn không có chuyện “lấy đại học dạy đại học” (6).

Đối chiếu với thực tế ở nước ta, có rất nhiều điều không chuẩn, nếu không nói là bất bình thường, đang tồn tại trong giáo dục đại học hiện nay, nhất là ngoài công lập. Chúng làm biến dạng thị trường giáo dục đại học, làm cho các trường bị cuốn hút theo lợi nhuận, lợi dụng cao nhất lúc “tranh tối tranh sáng” trong quản lý nhà nước để thu lợi tối đa trong khoảng thời gian này, hơn là truyền thụ kiến thức đúng nghĩa.

Cụm từ “xã hội hóa” trong các lĩnh vực giáo dục (và cả y tế, văn hóa) đã được sử dụng trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước từ nhiều năm nay. Nhưng nội hàm của xã hội hóa thì chưa được làm rõ.

Vì khách quan có cầu có cung, thị trường cho hoạt động giáo dục đại học đã và đang phát triển ở nước ta. Quản lý nhà nước chậm trễ trực diện với thực tế này là tự gây cho mình những khó khăn lúng túng, và ngăn trở sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Kêu gọi các thành phần kinh tế, các cá nhân đầu tư vào giáo dục, dành những ưu đãi về thuế, về đất đai nhưng “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận” bằng rất nhiều điều kiện “phải xin” và “được cho”, là chưa đủ, thoạt nhìn vào tưởng là chặt chẽ và kín kẽ, nhưng thực ra đầy mâu thuẩn và khe hở.

Nếu nhà đầu tư thực hiện đúng như các điều kiện được Nhà nước thiết kế và yêu cầu, và thực sự vì sự nghiêp giáo dục, cung cấp cho sinh viên những sản phẩm tốt nhất trong khả năng có thể, thì lấy đâu ra lợi nhuận để tồn tại và phát triển? Trường hợp nhà đầu tư nhà nước là một minh chứng.

Chỉ có được lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận cao, khi nhà đầu tư bằng cách này hay cách khác, có được giấy phép thành lập trường đại học và sau đó hoạt động của trường là chạy giấy phép chiêu sinh, xin chỉ tiêu tuyển sinh càng cao càng tốt, tổ chức việc giảng dạy theo kiểu dạy chay, thầy thuê, trường mướn, hợp tác, liên kết đào tạo đủ ngành mà mình có thể xoay xở và xin được phép.

Chưa phải đã hết. Siêu lợi nhuận nằm ở bất động sản. Trường nào chạy giỏi, có thân thế thì được đất ở vị trí đắc địa, sạch (không phải đền bù giải tỏa), ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, ở Khu Nam Sài gòn, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, ở Phú Quốc. Trường yếu thế hơn thì được đất vướng giải tỏa, hoặc ở xa hơn Vĩnh Long, Hà Nam, … Nhưng không sao bởi cái chính là quyền sử dụng đất của 5, 10, 20 ha hoặc hơn nữa, được thuê ưu đãi trong nhiều thập niên. Cái chính là “họ” (7) là chủ sở hữu của bất động sản được xây dựng trên đất đó, phòng ốc đã đành nhưng còn có trụ sở văn phòng, khách sạn được thuyết minh là dành làm nơi điều hành, để tiếp giáo sư nước ngoài đến thỉnh giảng,...

Rất tiếc những điều trên đây là thực tế. Đây là tâm sự và nỗi niềm của những nhà đầu tư tâm huyết, và nói chung hơn là nổi đau của những ai tha thiết muốn đóng góp vào sự nghiệp giáo dục đại học của nước nhà.

Thực tế này nảy sinh từ một sự mập mờ về thị trường giáo dục đại học chưa được thừa nhận, từ sự quản lý nhà nước bất cập sử dụng rất nhiều điều kiện hành chính “phải xin” và “được cho” để đối phó với một vấn đề kinh tế, mở ngõ cho tiêu cực chui vào trong hoạt động giáo dục đại học.

Mong rằng phạm trù xã hội hóa sẽ được Đại hội Đảng lần thứ XI nghiên cứu sâu hơn và kết luận rõ trong nghị quyết nhằm tăng cường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước.

Mong rằng thị trường giáo dục đại học sớm được thừa nhận và Nhà nước sớm xây dựng một khuôn khổ quản lý nhà nước thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh, góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Một trong những việc cần tiến hành sớm là xác lập rõ ràng hai loại hình trường đại học tư thục hoạt động phi lợi nhuận có lợi nhuận với những quy định rõ ràng sở hữu tài sản, về vốn và phân bổ lợi nhuận mà hoạt động của trường làm ra. Cách làm này không có gì mới vì nhiều nước đã làm. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn nước ta. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các trường hoạt động thực sự phi lợi nhuận và cần xây dựng một khung pháp lý cho loại hình này. Đối với các trường vì lợi nhuận, xin hãy hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Điều quan trọng là chúng ta biết rút ra những bài học và kinh nghiệm cần thiết từ những sai sót, cách làm chưa đúng hiện nay để đưa nền giáo dục đại học nước nhà đi tới.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 1 năm 2010

1. Nội dung bài viết này đã được phát biểu tóm tắt trong cuộc họp của đoàn giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” tại TP Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 1 năm 2010.

2. Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (1980 - 1992), đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI (1992-2007), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (1997-2007). Chuyên gia được mời của đoàn giám sát.

3. Báo cáo kèm theo Tờ trình số 122/TTr - CP ngày 6/8/2009 của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

4.Quyết định số 666/QĐ - TTg, ngày 27 tháng 5 năm 2009 do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký.

5. Chương trình 322 và đề án “Đào tạo 20000 tiến sĩ” dự kiến cho năm 2012, rồi kéo dài đến năm 2015 là nhằm tăng nhanh số tiến sĩ cho đất nước. Rất tiếc, khá nhiều vị “tiến sĩ 322” sau khi tốt nghiệp ra làm quản lý nhà nước. Còn đề án “20.000 tiến sĩ” đầy tham vọng, không rõ vì lý do gì thời gian sau này ít nghe nói đến.

6. Ở nước ngoài, trong một số môn kinh tế, kỹ thuật, có những người không phải là tiến sĩ được mời giảng dạy, nhưng đó là những người dày dặn kinh nghiệm, đã từng ở vị trí trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh. Rất khác với việc dùng sinh viên tốt nghiệp đại học để giảng dạy đại học cho dù giáo trình được mua từ nước ngoài!

7. Vấn đề sở hữu của các bất động sản này cón khá nhiều vấn đề mà chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết sau.

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân​
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top