Hải Sâm- Temp

Hide Nguyễn

Du mục số
Hải sâm lại có khả năng tái sinh mạnh nên được dùng để chống lão hoá. Hải sâm được dùng như “Món ăn-bài thuốc”, có ghi trong Tùy tức ẩm thực phổ và một số “Bản thảo”.

1- Cháo Hải sâm (Lão lão hằng ngôn). Hải sâm tươi mổ bỏ ruột, rang muối hay rang cám cho phồng lên, hoặc chiên phồng. Dùng nấu cháo. Cháo này có tính bổ dưỡng, sinh tinh huyết, chống lão hoá, trị suy nhược.

2- Hải sâm hấp rượu. Hải sâm rang phồng, cắt miếng ; đặt vào trong đĩa inox, thêm rượu, gừng thái chỉ. Đặt đĩa lên bếp gaz. Khi nào rượu bốc khói là dùng được. Hải sâm bổ dưỡng nhưng di nên phải rang phồng, khó tiêu (chứ không chậm tiêu = chậm hiểu) nên thêm gừng để khử mùi tanh và tiêu thực. Bài này cũng có tính bổ dưỡng.

3- Hải sâm xào hành tây.

·Hải sâm bổ dưỡng
·Hành tiêu thực và ấm bào trung, lợi ngũ tạng.
·Hai vị này có tính hỗ trợ lẫn nhau, tăng tính bồi bổ.

4- Hải sâm nấu canh Môn đông. Khi chân âm suy, thận thủy không thắng được hoả, tam tiêu nóng sinh bệnh tiêu khát (tiểu đường).
·Hải sâm bổ dưỡng, nhiều protein, không cholesterol nên rất thuận lợi cho thực đơn người bệnh đái đường.
·Môn đông (xem quyển 2) có tính bổ âm, sinh tân dịch.
·Hai vị thuốc này kết hợp chống bệnh tiểu đường bằng nhiều cơ chế.

5- Hải sâm xào đậu ván.

·Hải sâm bổ dưỡng.
·Đậu ván chó “đường chậm” giúp glucoz-huyết ít giao động sau bữa ăn.
·Vỏ đậu ván chó chất khoáng crom cần thiết cho việc điều hoà glucoz-huyết.

6- Hải sâm xáo nấm đông cô.

·Hải sâm bổ dưỡng, bổ tinh tủy
·Nấm đông cô (xem q 5) giúp trí óc minh mẫn, nhuận trường, chống ung thư. Giúp bệnh nhân xạ trị ít rụng tóc và ăn được.

7- Hải sâm xào mướp đắng

·Hải sâm bổ dưỡng, nhiều protein, không cholesterol.
·Mướp đắng mát gan, thanh nhiệt, nhuận tràng.
·Cao huyết áp do can dương vượng nên dùng món này.

8- Hải sâm xào ớt ngọt

·Hải sâm bổ dưỡng, chống lão hoá
·Ơùt ngọt chống oxy hoá, chống lão hoá.
·Mónnày chống lão hoá, ngưà ung thư.

9- Hảu sâm hấp với chim câu ra dàng.

·Hải sâm vào chim câu ra dàng đều là thuốc bổ tốt và an toàn.
·Súp lơ, cà rốt chống ung thư.

Chú ý:

- Tỳ vị hư hàn tránh dùng.
- Thị trường có bán Điả biển khô, gọi là Sa trùng. Nó có màu đen nhánh, đã bổ ruột và rang cát, nên không thể xác định nguồn gốc động vật. Nên biết rằng họ Holothuria có nhiều loài độc và không ăn được. Nên thận trọng để tránh ngộ độc. St
 
Hải sâm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hải sâm
Hải sâm​
Phân loại khoa học Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Echinodermata
Phân ngành (subphylum): Eleutherozoa
Liên lớp (superclass): Cryptosyringida
Lớp (class): Holothuroidea
Các bộ xem trong bài
Phân lớp Apodacea



Phân lớp Aspidochirotacea



Phân lớp Dendrochirotacea


Hải sâm hay tên gọi dân gian là đỉa biển là tên gọi chung của một nhóm động vật biển thuộc lớp Holothuroidea với thân hình dài và da có lông, sống trong lòng biển trên khắp thế giới. Tên tiếng Anh của loài này là Sea cucumber nghĩa là dưa biển do thân hình loài vật này giống quả dưa, hải sâm có xương trong nằm ngay dưới da. Trong tiếng Pháp, loài này được gọi là Bêche-de-mer nghĩa là cá mai biển, tiếng Mã Lai gọi là trepang, tiếng Hoa và tiếng Việt gọi là 海参 (hải sâm), tiếng Nhật gọi là "namako", tiếng Hàn gọi là "Hae-Sam(해삼)" nghĩa là hải sâm.


Hải sâm là loài vật chuyên ăn xác chết của động vật dưới biển, là vệ sinh viên của biển. Thức ăn của chúng là loài phù du và các chất hữu cơ tìm thấy dưới biển. Một trong những cách chúng bắt mồi là nằm trong sóng và bắt những loài trôi trong đó bằng các xúc tu khi các xúc tu mở ra. Có thể tìm thấy chúng với số lượng lớn ở cạnh các trang trại nuôi cá biển của con người.

Hải sâm sinh sản bằng cách phóng tinh trùng và trứng vào nước biển. Tùy vào điều khiện thời tiết, một cá thể có thể sản xuất hàng ngàn giao tử.


Hải sâm được xem là món cao lương mỹ vị ở Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam do người ta tin tưởng vào tác dụng chữa bệnh của nó. Thịt hải sâm được làm sạch trong khoảng vài ngày. Người ta thường mua hải sâm khô và nấu cho mềm dưới dạng món súp hoặc món hầm hoặc om và món hải sâm nhìn giống món thạch nhưng ăn không ngon lắm. Trong ẩm thực Nhật Bản, món Konotawa được nấu bằng hải sâm nấu thành cao, ướp muối và xử lý khô để ăn dần. Trong các nước châu Âu, chỉ có Nga có điều kiện để nuôi hải sâm ở thành phố Vladivostok.

Việc mua bán hải sâm giữa những người thủy thủ Macassan và thổ dân đảo Arnhem để cung cấp cho các chợ của Nam Trung Hoa là những ví dụ được ghi nhận về mậu dịch giữa những cư dân của châu Úc và những người châu Á lân bang. Nhiều loại hải sâm ở Malaysia được cho là cho tác dụng chữa bệnh. Có nhiều công ty dược phẩm sản xuất dược phẩm bằng hải sâm dưới dạng dầu, kem hoặc thuốc xức trong đó có một số thuốc uống. Có nhiều nghiên cứu nghiêm túc về tác dụng phục hồi mô của chiết xuất hải sâm đã được tiến hành.[1].



  • Hải sâm khô trong một cửa hàng Đông Y


  • Một con hải sâm đang bắt mồi trên sỏi
ĐỊA LÝ

Hải sâm thích sống trên nền đáy hoặc chui rúc tròng bùn, ở các bờ đá, đảo san hô, đá ngầm, cát bùn. Ở vùng có thức ăn phong phú Hải sâm ít đi động, nó rất nhạy cảm với nước bẩn. Khi bị kích thích mạnh trứng nôn toàn bộ ruột gan ra ngoài và cơ thể có thể tái sinh lại sau khoảng 9 ngày. Thức ăn chính là vụn hữu cơ, sinh vật tảo nhờ, trùng có lỗ, trùng phóng xạ, và các loài Ốc. Phân nhiều và có từng đoạn dài là dấu hiệu thăm dò vùng tập trung Hải sâm. Bờ biển Việt Nam đã biết có khoảng 50 loài Hải sâm. Trên thế giới có khoảng 40 loài để dùng làm thuốc và thức ăn.

Ở Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước khác, Hải sâm từ lâu đã là món ăn quí. Vì thế mà nó được liệt vào ngang hàng với Sâm, thuộc (sơn hào hải vị) bổ, dùng cho giai cấp quí tộc thời phong kiến. Trên thị trường Hải sâm được bán dưới dạng khô và đã bỏ hết ruột. Ngày nay là loài xuất khẩu đắt tiền.
Phân biệt:

Có nhiều loài Hải sâm, ở vịnh Bắc bộ Việt Nam phổ biến có các loại Leptopentacta typica Stichopus, Chloronotus holothuria Martensii, Protankyra Pseudodigitata.

1- Holothuria là giống gồm nhiều loài ở biển Việt Nam (hiện biết 11 loài), phổ biến nhất trong vịnh Bắc bộ là Holothuria martensil L sống ở vùng nước dưới triều, có 20 xúc tu. Ngoài ra còn gặp Sâm gai (Stichopus Varienatus), loại Sâm có giá trị kinh tế.

2- Loài có xúc tu chia nhánh. Ở vịnh Bắc bộ thường gặp các loài trong họ Cucumariidae, phổ biến ven bờ là Leptopentacta Tybica là loại Hải sâm nhỏ, có 10 xúc tu trong đó có 2 xúc tu nhỏ ở phía bụng.

3- Loài không có chân ống, hình dạng chung giống giun. Bờ biển sâu (10-50m) có đáy là bùn cát hay bùn nhuyễn, ở nước ta thường gặp Protankyra Pseudodigitata có 12 xúc tu.

Hầu hết được dùng với tên Hải sâm.

St.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học có xu hướng quay về nghiên cứu động thực vật trên cơ sở khai thác kinh nghiệm y học cổ truyền nhằm tạo ra các chế phẩm tăng lực giàu hoạt chất sinh học nguồn gốc tự nhiên. Các chế phẩm này được gọi là các "thực phẩm chức năng" (functional food) hay "thực phẩm - thuốc" (alicaments), vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa có giá trị dược liệu quý như nhung hươu, rắn, rùa, yến, hải long, hải mã... Trong đó không thể không kể đến hải sâm, một động vật biển đã được sử dụng hàng trăm năm nay với tác dụng bổ dưỡng, hồi phục sức khỏe và tăng cường sinh lực.

Hải sâm - vị thuốc quý trong "tứ đại danh thái"

Hải sâm có tên khoa học là Stichopus japonicus selenka, là một loại động vật không xương sống, sống ở biển, trên đáy cát hoặc san hô chết, tập trung nhiều nhất ở độ sâu 2-5m, hay gặp ở vùng vịnh và những nơi có nhiều đá ngầm. Hải sâm phân bố ở vùng biển Đông châu Phi, Đông Ấn Độ, Tây và Nam Thái Bình Dương. Ở nước ta, có khá nhiều ở vùng biển Khánh Hòa (Hòn Khói, Hòn Đôi, Hòn Tai, Hòn Rùa, Hòn Tre, Hòn Miễu...), đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu...

Theo y học cổ truyền, hải sâm vị mặn, tính ấm, vào được kinh Tâm, Tỳ, Thận và Phế, có công dụng bổ thận ích tinh, dưỡng huyết nhuận táo, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tinh huyết hao tổn, hư nhược, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần, táo bón... Các y thư cổ như Bản thảo tùng tân, Bản thảo nhiếp yếu, Bản thảo cầu nguyên, Dược tính khảo, Cương mục thập di, Tùy tức cư ẩm thực phổ, Dược tính chỉ nam... đều đã nói đến hải sâm với những kiến giải khá sâu sắc. Ví như sách Dược tính chỉ nam đã viết: "Hải sâm bổ được thận kinh, ích được tinh tủy, tiêu được đờm dãi, giữ gìn điều nhiếp được tiểu tiện, có tính tráng dương đạo, sát được trùng, chữa được những chứng lở có sâu, lại giáng được hỏa, bổ ích cho thận, thông lợi được tràng vị, nhuận được chỗ táo kết, chữa được mọi chứng hư lao, ốm yếu gầy còm".

Tựu trung lại, theo quan điểm của y học cổ truyền, hải sâm có công dụng khá phong phú: (1) Bổ ích cường tráng, đặc biệt tốt đối với các trường hợp tinh huyết hư tổn. (2) Bổ thận điền tinh, thích hợp với các trường hợp di tinh, liệt dương, tiểu tiện nhiều lần về đêm. (3) Tư âm nhuận táo, dùng rất tốt cho những người bị táo bón, tiêu khát (tiểu đường). (4) Lợi niệu thoái hoàng, thích hợp cho những trường hợp bị phù thũng nguyên nhân do thận và bệnh lý vàng da do các nguyên nhân khác nhau. (5) Bổ huyết, thường dùng cho các trường hợp thiếu máu. (6) Kháng ung, thường dùng để điều trị hỗ trợ cho các trường hợp ung thư.

Bởi vậy, từ xa xưa, hải sâm đã được coi là một trong "tứ đại danh thái" (bốn loại thực phẩm nổi tiếng) cùng với óc khỉ, tay gấu và yến sào của ẩm thực cổ truyền phương Đông và được mệnh danh là "nhân sâm của biển cả". Về mặt thực phẩm, nhiều y gia coi thịt hải sâm là một trong tám món ăn “cao lương mỹ vị” nổi tiếng (bát trân) của phương Đông cùng với yến sào, bào ngư, vây cá...

Nghiên cứu về hải sâm của y học hiện đại

Theo kết quả nghiên cứu của dinh dưỡng học hiện đại, hải sâm là một trong những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng hết sức phong phú. Các nhà khoa học Trung Quốc ước tính cứ 100g hải sâm khô có chứa 75,6g protein, cao gấp 5 lần so với thịt lợn nạc và 3,5 lần so với thịt bò, chỉ số này ở hải sâm Việt Nam là 63,23-67,22g. Trong hải sâm còn có hàm lượng cao các acid amin quý như lysine, proline, arginine, histadine, acid glutamic, thionine, leucine, isoleucine, acid aspartic, tyrosine... và nhiều nguyên tố vi lượng như P, Cu, Fe, Mn, Zn..., đặc biệt là Se - một chất giải độc kỳ diệu, làm vô hiệu hóa các kim loại nặng đi vào cơ thể qua đường ăn uống như Pb, Hg để thải ra nước tiểu. Ngoài ra, trong thành phần hải sâm còn có các loại vitamine như B1, B2, B12, C..., hormone testosteron và progesteron, các chất có hoạt tính sinh học như lectin, saponin glucoside (các glucoside triterpen), trong đó có 2 loại saponin là Rg (gây hưng phấn thần kinh, chống mỏi mệt và tăng cường thể lực) và Rh (có tác dụng ức chế tế bào ung thư).

Kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy, hải sâm có tác dụng tăng cường sức đề kháng và nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể, ức chế quá trình sinh trưởng và di căn của các tế bào ung thư; Chống mệt mỏi cơ bắp, duy trì trạng thái hoạt động cao; Chống lão hóa; Tăng cường hoạt động của thần kinh và tăng phản xạ, ổn định tâm lý; bổ sung các yếu tố tạo máu, tăng tuần hoàn máu, cải thiện khả năng hấp thu oxy và chống mệt mỏi cơ tim; Xúc tác các phản ứng enzyme, thúc đẩy quá trình chuyển hóa và hấp thu, tăng sinh tổng hợp protein. Hơn nữa, do chứa rất ít lipid (1,35-3,05%) và hầu như không có cholesterol nên hải sâm là loại thực phẩm bồi bổ lý tưởng cho những người bị rối loạn lipid máu và bị các bệnh lý động mạch vành tim.

Hải sâm và những bài thuốc phối hợp

Để đạt được mục đích vừa làm thực phẩm bổ dưỡng, vừa làm thuốc chữa bệnh, người ta thường phối hợp dùng hải sâm với một số thực phẩm hoặc vị thuốc khác chế biến thành các món ăn - bài thuốc rất độc đáo. Ví dụ như, để chữa viêm loét dạ dày tá tràng, dùng ruột hải sâm để trên ngói đất, sấy thật khô rồi nghiền thành bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 0,5-1g.

Chữa đái tháo đường, dùng hải sâm 2 con, trứng gà 1 quả, tụy lợn 1 cái, ba thứ đem hấp chín rồi ăn, cách 1 ngày dùng 1 lần.

Chữa thiếu máu, dùng hải sâm và đại táo (bỏ hạt) lượng bằng nhau, đem sấy khô rồi tán thành bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 9g với nước ấm hoặc dùng hải sâm 1 con đem hầm với mộc nhĩ lượng vừa đủ và một chút đường phèn, ăn trong ngày.

Chữa ho ra máu do lao phổi, dùng hải sâm 500g, bạch cập 250g, quy bản 120g, ba thứ sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước ấm.

Chữa suy nhược thần kinh do thận hư (đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, mất ngủ, di tinh, xuất tinh sớm), dùng hải sâm 30g ninh với gạo nếp 100g thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Để chữa cao huyết áp và vữa xơ động mạch, dùng hải sâm 50g hầm nhừ, chế thêm một chút đường phèn, ăn trong ngày.

Chữa chứng táo bón do âm hư, dùng hải sâm 30g, đại tràng lợn 120g làm sạch, mộc nhĩ đen 15g, ba thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn liên tục trong nhiều ngày.

Chữa chứng đau lưng và suy giảm trí nhớ do thận hư, dùng hải sâm 30g, xương sống lợn 60g, hạch đào nhân 15g, ba thứ làm sạch, hầm nhừ, chế đủ gia vị, ăn trong nhiều ngày.

Chữa chứng dương nuy (liệt dương), dùng hải sâm 20g hầm với thịt dê 100g, ăn trong ngày; Chữa liệt dương, di tinh, tinh lạnh do thận hư, dùng hải sâm 480g (sao thơm), hạch đào nhân 100 hạt, thận dê 4-6 đôi, đỗ trọng 240g, thỏ ti tử 240g, ba kích 124g (sao với nước cam thảo), kỷ tử 120g, lộc giác giao 120g, bổ cốt chi 120g (sao muối), đương quy 120g, ngưu tất 120g (sao dấm), quy bản 120g (sao dấm), tất cả sấy khô, tán thành bột rồi luyện với mật ong làm thành viên hoàn, mỗi viên nặng chừng 9g, mỗi ngày ăn 3 lần, mỗi lần 3 viên.

Để chữa động kinh, dùng nội tạng hải sâm sấy khô, nghiền thành bột, mỗi lần uống 12g với rượu vàng, liên tục trong nhiều ngày.

Chữa trĩ xuất huyết, dùng hải sâm lượng vừa đủ đem đốt tồn tính, mỗi lần dùng 1,5g hòa với a giao 6g trong nước sôi cho tan rồi uống, mỗi ngày uống 3 lần.

Theo SK&ĐS
 
Phú Yên: Đẩy mạnh nuôi và bảo vệ nguồn lợi hải sâm





Hải sâm là một loại động vật không xương sống, sống ở biển, chủ yếu hay gặp ở những vịnh và những nơi có nhiều đá ngầm ở biển khơi. Ở nước ta chủ yếu là hải sâm đen và hải sâm trắng, phân bố nhiều ở vùng biển các tỉnh Khánh hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Kiên Giang và Côn đảo - Vũng tàu. Ở Phú Yên, hải sâm phân bố tập trung chủ yếu ở Vịnh Xuân Đài thuộc Thị xã Sông Cầu.


Hải sâm có nhiều công dụng hữu ích về y học. Hải sâm được xem là vị thuốc bổ thận, tráng dương, ích tinh, lợi khí, nhuận trường, tác dụng bổ dưỡng và tăng cường sinh lực như nhân sâm. Ngoài ra, hải sâm được dùng để cầm máu, tiêu đờm, chữa thần kinh suy nhược, ho, viêm phế quản, mụn nhọt…Về mặt thực phẩm, thịt hải sâm là một trong 8 món ăn “cao lương mỹ vị” nổi tiếng của phương đông cùng với yến sào, bào ngư, vi cước cá…

Những năm trước 1997, Khách thập phương khi đi qua Sông Cầu thường thấy hải sâm mà bà con ngư dân khai thác được phơi dọc hai bên đường Quốc lộ IA hoặc phơi trên các dàn vỉ trong vườn nhà dọc hai bên đường. Hải sâm sau khi phơi khô chủ yếu được bán cho các tiệm thuốc bắc để làm thuốc, một phần ít người dân làm thực phẩm nhưng không phổ biến. Nhưng từ sau năm 1997 trở lại đây, sản lượng hải sâm khai thác được từ tự nhiên không đáng kể, nguồn lợi hải sâm tự nhiên đã bị suy giảm hẳn. Một mặt do khai thác quá mức, mặt khác do hoạt động các nghề khai thác thủy sản bằng giã cào làm xáo trộn chất đáy; việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất quá mức vào nuôi tôm sú thâm canh đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của hải sâm; việc khai thác san hô tự nhiên trong các đầm, vịnh một cách tùy tiện của một số người cũng làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sự tồn tại, phát triển của hải sâm.


Trước thực trạng đó, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang đã tiến hành cho sinh sản nhân tạo giống hải sâm và nuôi thử nghiệm hải sâm thương phẩm thành công. Vài năm trở lại đây nhiều ngư dân ở các tỉnh Phú yên, Khánh Hòa đã mua giống hải sâm của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và tiến hành nuôi trong ao đất ở khu vực các đầm, vịnh đạt kết quả khả quan.
Ở Phú yên, một số bà con ngư dân ở ven đầm Cù Mông và Vịnh Xuân Đài thuộc thị xã Sông Cầu, hạ lưu sông Bình Bá thuộc huyện Tuy An cũng đã mua hải sâm giống của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang về thả nuôi trong các ao nuôi tôm bị bỏ hoang. Mật độ giống thả nuôi từ 1-2 con/m2, cở giống từ 100 – 150 con/kg. Sau thời gian nuôi từ 5-6 tháng, hải sâm thương phẩm đạt trọng lượng bình quân từ 500 –600gam/con là cho thu hoạch bán, việc tiêu thụ hải sâm thương phẩm tương đối dễ dàng vì đã có nhiều người đặt mua trước, hơn nữa sản lượng cung cấp cũng chưa nhiều.


Nuôi hải sâm ngoài lợi ích kinh tế còn có tác dụng góp phần cải tạo môi trường sinh thái trong các ao nuôi thủy sản, kỹ thuật nuôi đơn giản, kinh phí đầu tư thấp, chỉ cần tốn một ít tiền mua giống và công cải tạo ao đìa, gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên trong ao và thỉnh thoảng bón phân bò đã ủ oai vào ao, giữ không để ao bị ô nhiễm, duy trì mức nước tối thiểu trong ao từ 1,2 – 1,5m. Một số ao hồ sau khi nuôi hải sâm, bà con thả nuôi tôm sú cho kết quả cao, tôm nuôi nhanh lớn và ít xảy ra bệnh dịch.

Hiện tại có nhiều bà con ngư dân ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An đang có nhu cầu nuôi hải sâm, nhưng nguồn giống cũng còn khan hiếm. Hải sâm giống do Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang sản xuất còn ít, chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu giống thả nuôi của một số bà con ngư dân ở các tỉnh lân cận, trong khi đó tại các địa phương có nhu cầu nuôi hải sâm thương phẩm lại chưa có cơ sở sản xuất giống hải sâm, cho nên những người nuôi hải sâm thương phẩm còn bị động về nguồn giống.

Thiết nghĩ, hải sâm là đối tượng thủy sản cung cấp nguồn thực phẩm bổ dưỡng đối với con người và là nguồn nguyên liệu quý phục vụ cho lĩnh vực y học rất tốt. Mặt khác, hải sâm còn có tác dụng tham gia cải tạo môi trường và góp phần làm đa dạng đối tượng nuôi thủy sản, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho bà con ngư dân ven các đầm vịnh ven biển. Do vậy, ở các địa phương có điều kiện tự nhiên thích nghi sự phát triển của hải sâm và người dân có nhu cầu nuôi hải sâm thương phẩm, cần quy hoạch vùng nuôi và xây dựng các mô hình trình diễn để hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật, nhân rộng cho dân nuôi. Các cơ sở sản xuất giống hải sâm đã có cần mở rộng quy mô, nâng công suất để sản xuất ra lượng giống nhiều đáp ứng nhu cầu thả nuôi của bà con ngư dân ở các địa phương. Các địa phương có nhu cầu phát triển hải sâm cần nhanh chóng tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất giống hải sâm từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang để chủ động sản xuất giống hải sâm đáp ứng nhu cầu thả nuôi hải sâm thương phẩm ở địa phương mình. Đồng thời, các địa phương cần tiến hành bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sâm tự nhiên, bằng cách hằng năm thả bổ sung nguồn giống hải sâm vào môi trường tự nhiên và cấm khai thác hải sâm ở những khu vực được tái tạo để hải sâm phát triển và sinh sản làm giàu nguồn lợi hải sâm tự nhiên. Nghiêm cấm khai thác san hô và hoạt động của các nghề khai thác thủy sản làm xáo trộn chất đáy ở những khu vực đầm, vịnh có nguồn lợi hải sâm phân bố.


Các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ sẽ góp phần thúc đẩy phong trào nuôi và bảo vệ nguồn lợi hải sâm ở các địa phương.



Theo : Nguyễn Khắc Tân
 
Lười quá chẳng soạn thành tiểu luận... mọi người đọc và nghiệm ra nhé!

-----------


Giá trị dinh dưỡng và trị liệu của HẢI SÂM



Trong số những vị thuốc bổ được gọi là Sâm của Đông Y, ngoài những vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật như Nhân sâm, Đảng sâm, Đan sâm.. chỉ có một vị duy nhất do từ sinh vật sống: Đó là Hải sâm hay Sâm từ biển cả. Hải sâm còn là một món ăn được người Trung Hoa xếp vào hạng 'Mỹ vị,' dùng để đãi tiệc: Hải sâm thường được dọn dưới dạng món xào như 'Hải sâm xào nấm Đông cô' hay cầu kỳ hơn như 'Hải sâm hầm thuốc Bắc'.. Một món ăn được ghi chép là gia truyền từ Nhà Họ Khổng, do con cháu Khổng Tử lưu lại là món Bát Tiên Quá Hải Tùng La Hán trong đó Hải sâm được nấu chung với Bào ngư, Bong bóng Cá, Vi cá, Tôm, Cá, Thịt gà.. Món ăn này vẫn được xem là món đặc sản của vùng Sơn Đông, Trung Hoa. Hải sâm là một nguồn cảm hứng cho hàng ngàn bài thơ Haiku tại Nhật, nơi mà chúng được gọi là namako, khi các bài thơ đưọc dịch sang tiếng Anh, Hải sâm được ghi là 'Sea slugs'. Hải sâm (Sea cucumber) là những sinh vật thuộc Lớp Holothuroidea (ngành Echinodermata). Hải sâm có thân hình trụ dài với lớp da dẻo, tròn bóng và có thể có gai sần sùi : có những loài có thân trong suốt giống như một con giun. Trong số hàng trăm loài chỉ khoảng 13 loài ăn được hoặc dùng làm thuốc. Chúng có thể dài trung bình từ 2.5 cm đến 30 cm. Loài lớn nhất là Synapta maculata dài đến 5m. Xét về vẻ bên ngoài, nhiều người sẽ nghĩ rằng Hải sâm không có xương, nhưng nhìn qua kính hiển vi thì sẽ thấy trong cơ thể Hải sâm có những hạt calcium rất nhỏ phân bố dưới hình thức những phiến rất mỏng hay hạt nút. Hải sâm có một miệng nơi phía đầu của thân, miệng này không hướng xuống phía dưới như các sinh vật khác. Quanh miệng có những sợi râu, từ 10 đến 30, mọc như tua, những râu này luôn luôn hoạt động dù Hải sâm không co bóp lại (giống như ở loài Mực). Râu Hải sâm hoạt động liên tục có lẽ là giúp bơm và hút nước, trong hệ thống hô hấp để thở. Hải sâm có thể sống được tại những vùng nước từ cạn cỡ một vài thước đến tại những nơi độ sâu đến vài ngàn thuớc. Khả năng này rất đặc biệt vì thông thường, mỗi giống cá hay hải sản chỉ có thể sống ở những độ sâu nhất định và không chịu nổi sự thay đổi của độ sâu (do sự khác biệt về sức ép của nước): trong trường hợp của Hải sâm, chúng chịu nổi sự thay đổi sức ép từ 1 đến 6 ngàn atmosphere. Ngoài Hải sâm, có lẽ chỉ có Lươn biển là có khả năng chịu đựng kỳ diệu này. Do từ nghiên cứu của các nhà khoa học, nhất là về quân sự từ nhu cầu chế tạo các loại tầu ngầm, lặn sâu dưới nước: Vỏ ngoài của Hải sâm (và của Lươn biển) được khám phá là có một cấu trúc đặc biệt tạo thành bởi những chất dẻo, có khả năng co-giãn, không thấm nước, giúp cơ thể Hải sâm giử được nước trong mình dù ở những nơi có sức ép bên ngoài thật cao, và sự co giãn còn giúp phân tán được nhựng áp lực, nhất là áp lực tác động trực tiếp theo đường thẳng góc.. Nhờ đó Hải sâm chịu đựng nổi sức ép ở dưới biển sâu. Những nhà khoa học, khi đi thu nhặt Hải sâm để nghiên cứu, còn khám phá thêm một đặc tính kỳ lạ khác nữa của Hải sâm là khi chúng bị bắt hay vớt ra khỏi vùng nước lợ nơi chúng sinh sống, chúng sẽ co cứng thân lại rồi nhả ruột gan ra ngoài, tự đứt thành từng đoạn để..tự tử, nhưng 'tuy chết thật, nhưng lại chưa chết hẳn', vì sau đó trong các điều kiện thích hợp, hải sâm lại tự tái tạo được những bộ phận đã bị nhả ra ! Riêng loài hải sâm Leptosynapta lại còn kỳ lạ hơn : chúng có thể tự thu ngắn cơ thể lại từ từ, và thu ngắn đến mức chỉ còn có..râu mà thôi. Hải sâm ăn các rong, vi tảo và các chất hữu cơ tự hoại trong nước biển. Vài loài tự đặt vào vị trí giữa các giòng hải lưu và dùng râu hay vòi để thu hút thực phẩm, chúng cũng có thể dùng vòi để hút thức ăn nơi thềm biển, và liên lạc với nhau bằng cách tiết ra các tín hiệu bằng kích thích tố thả vào nơi môi trường để đồng loại cảm nhận. Vách thân của Hải sâm được cấu tạo bởi các chất collagen: vách có thể co giãn tùy con vật, do đó chúng có khả năng luồn lách vào các khe thật hẹp. Một số loài có khả năng tự vệ bằng cách tiết ra độc tố holothurin có thể giết các sinh vật gần bên chúng. Hải sâm sống rất dày đặc nơi thềm biển dưới đáy sâu : Ở độ sâu dưới 8.8 km, hải sâm chiếm đến 90% khối lượng sinh vật. Tại vùng biển phía Nam Tân tây Lan, loài Squamocnus brevidentis (Strawberry sea cucum ber) sống tập trung đông đến 1000 con trong 1 mét vuông. Hải sâm sinh sản bằng cách thả ra trong nước tinh trùng và trứng. Tùy theo điều kiện môi sinh, một hải sâm có thể sản xuất hàng ngàn mầm sống. Khoảng 10 % sắc tố trong máu của Hải sâm là vanadium. Tương tự như Sam, máu có màu xanh vì sắc tố hemocyanin trong máu chứa đồng (xin đọc bài Sam), máu của Hải sâm có màu vàng vì có sắc tố vanabin chứa vanadium (tuy nhiên vanabin không có khả năng chuyển vận oxygen, như hemocyanin và hemoglobin) Vài loài hải sâm dùng làm thực phấm và làm thuốc Âu châu: Tại Âu châu, ngoại trừ Tây ban Nha, riêng vùng Catalan (hải sâm được gọi là Espardenã) và Pháp (Bêche de Mer) Hải sâm không được xem là thực phẩm thông dụng. Loài Stichopus regalis là loài được đánh giá là ngon nhất, được xem là một đặc sản tại các Nhà hàng lớn ở Barcelona. Vùng biển Hoa Kỳ: - Thái bình dương: Stichopus Johnsoni thuộc họ Holothuriidae, lớn khoảng 16-20 cm, gặp trong vùng biển Santa Barbara. Stichopus californicus: Phân bố từ vùng biển Puget Sound, Washington xuống đến Monterey, California. Dài khoảng 46 cm. Thân hình ống, co giãn mạnh, lưng có những nốt xù xì. Tình trạng của thân thay đổi tùy môi trường : mềm và dẻo ở trạng thái tự nhiên nhưng khi gặp trở ngại sẽ đổi thành cứng. Thường màu nâu đỏ, vàng nhạt hay nâu hạt dẻ. Cucumaria lubrica cũng phân bố từ PugetSound xuống đến Monterey. Thân hình ống dài, lớn chừng 5-10 cm, có những mảng calci trên thân. Màu từ trắng đến đen, phần bụng vàng nhạt. Sống nơi vùng có nhiều khe đá. Cucumaria miniata tập trung trong vùng PugetSound. Thân dài chừng 26 cm, màu từ đỏ tươi đến nâu xậm, râu màu cam sáng. - Đại tây dương: Ven bờ Đại tây dương Hoa Kỳ từ Cape Cod xuống đến Carolina cũng có một số loài Hải sâm, nhưng thường không ăn được. Cái loài thông dụng gồm: Pentamera pulcherrima dài chừng 3-5 cm, dạng như quả dưa gai, màu trắng hay vàng nhạt. Sclerodactyla briareus, thân dạng như một cái bao, dài chừng 15cm, màu xanh lục nhạt, nâu hoặc đen. Leptosymapta inharens, hình dạng như một con giun, thân ống dài 12-23 cm, đường kính 1 cm, thân trắng nhạt hay trong suốt. Holothuria floridana là loài lớn nhất tại Hoa Kỳ, phân bố nơi vùng san hô ngoài khơi Florida Cucumaria frondosa , trước đây dùng làm thực phẩm, nhưng hiện nay phần lớn được sử dụng để làm thuốc hay thực phẩm bổ túc. - Vùng biển Á châu (Trung Hoa và Việt Nam): Tại Á châu, nhất là Trung Hoa, Nhật và Đông Nam Á (kể cả Việt nam), Hải sâm được xem là một thực phẫm quý rất được ưa chuộng nên thường bị đánh bắt quá mức, và hiện đang được nghiên cứu để nuôi tại các trại hải sản Trung Hoa. Tại Việt Nam: Dọc bờ biển Việt Nam có một số loài Hải sâm, còn được gọi là Đồn đột phổ biến như: Holothuria nobilis: Hải sâm vú hay Đồn đột vú. Thân hình ống kéo dài đến 40-cm, đường kính 5-6 cm. Màu xám đến nâu-đen nhạt. Dọc theo lưng và hai bên thân có những cục thịt u, lồi lên như 2 hàng vú. Bụng có nhiều chân nhỏ. Phân bố trong vùng Khánh hòa (nơi hòn Tre, hòn Đôi) xuống đến Côn đảo. Loài này cũng rất phổ biến tại các vùng biển Đông Phi, Đông Ấn độ và Thái bình dương. Holothuria scabra: Hải sâm trắng. Thân dài đến 70 cm, trung bình 30-40 cm. Lưng màu tro xậm, hai bên nhạt hơn, bụng màu trắng. Tập trung thành những bãi lớn dọc bờ biển VN, nơi những vùng triều thấp, đáy cát và nhiều rong biển. Holothuria vagabonda: Hải sâm đen . Toàn thân màu đen, bụng nhạt hơn, dài đến 50 cm. Sống nơi ven biển chân núi đá có sóng mạnh. Actinopyga echinites: Hải sâm mít hay Đồn đột mít. Thân có vách dầy, giống như quả dưa leo, hình trụ dài, thon ở hai đầu và phình ra ở giữa, dài 20-30 cm, đường kính 2-4 cm. Lưng màu nâu xậm có nhiều gai thịt nhô lên. Bụng màu nhạt hơn có nhiều chân nhỏ. Vùng phân bố giống như Holothuria nobilis, sống tập trung nơi tầng đáy có nhiều san hô. Ngoài ra còn có Actinopyga mauritania hay Hải sâm mít hoa quanh các đảo thuộc vùng Khánh Hòa, Nha Trang.. Tại Nha Trang có loài Holothuria martensii, không ăn được. Tại vùng đào Phú Quý (Phan Thiết), Việt Nam: Hải sâm được khai thác như một nguồn lợi kinh tế. Hải sâm trắng được xem là có giá cao nhất, một con có thể nặng đến 2kg, giá khoảng 50-60 USD (1triệu đồngVN), loài hải sâm vú gía từ 10-15 USD/con cung cấp cho các Nhà hàng đặc sản tại SaiGon. Tại Trung Hoa: Trung Hoa là quốc gia tiêu thụ và buôn bán Hải sâm quan trọng nhất: Ba thị trường chính kiểm soát giá và số lượng Hải sâm trên thế giới là Hong Kong, Singapore và Taiwan.. Số lượng hải sâm tiêu thụ tại Trung Hoa càng ngày càng gia tăng : Năm 1989 trong tổng số lượng đánh bắt trên toàn thế giới 90 ngàn tấn, vùng Nam Thái bình dương chiếm 78 ngàn tấn, phần còn lại 12 ngàn tấn do từ các vùng biển nhiệt đới. Hiện nay Trung hoa đang khai thác thêm tiềm năng nuôi hải sâm trong các trại nuôi thủy sản đồng thời nhập cảng thêm hải sâm từ Alaska (Mỹ) Vùng ven biển Trung Hoa (họ bao gồm luôn vủng biển quanh Trường Sa của VN mà họ gọi là Xisha) có khoảng 150 loài hải sâm trong đó 28 loài được xếp vào loại ăn được. Những loài được xem là có giá trị cao như: Apostichopus japonicus = Prickly sea cucumber (Bêche-de mer) thuộc họ Sticho podidacea phân bố tại vùng Liaoning, Sơn đông, Hồ bắc, Giang tô. Đây là loài được nuôi tại các trại sản xuát thủy sản. Stichopus chloronotus = Greenfish, phân bố tại vùng quanh Hải Nam và Trường Sa. Stichopus hermanni = quanh Đài loan, Quảng Tây, Quảng đông, Hoàng sa và Trường sa Holothuria nobilis = Black teatfish (xem phần trên), quanh Hải Nam, Trường Sa, Đài loan. Những loài tại Trường sa như Holothuria fuscogilva, H. scabra, Thelenota ananas = Hải sâm hồng, Bohadschia argus, B.marmorata.. Giá trị dinh dưỡng của Hải sâm: Giá trị dinh dưỡng của Hải sâm đả được nghiên cứu khá kỹ lưỡng tại Trung Hoa. Các bản thông tin của Cơ quan Lương nông Quốc tế (FAO) đều dựa trên các kết quả từ Viện Nghiên cứu Nghề Cá Hoàng Hải (Thanh Đảo-Trung Hoa). Về phương diện dinh dưỡng, Hải sâm được xem là một thực phẩm bổ dưỡng lý tưởng, chứa nhiều chất đạm (đến 55%), ít chất béo. Thành phần chất đạm gồm nhiều acid amin cần thiết. Ngoài ra hải sâm còn chứa nhiều kim loại hiếm gặp nơi các thủy, hải sản khác. Hải sâm Apostichopus japonicus (khô) chứa 55.51 % chất đạm; 1.85 % chất béo. Thành phần acid amin trong H. nobilis cao nhất là Glycine (17.8%), Glutamine (11.2 %), Alanine (8.4%), cá acid amin cốt yếu như Arginine (4.95%), Leucine (2.64%)… và đặc biệt nhất lả Taurin (một acid amin có khả năng giúp sự tăng trưởng của các tế bào óc).Thành phần khoáng chất hiếm trong H. nobilis: Chromium (10.1 ppm), Đồng (6.1 ppm), Strongtium (616 ppm), Kẽm (28.6 ppm). Đặc biệt nhất là trong ruột của A. japonicus, lượng Vanadium lên đến 12 ppm. Các nghiên cứu về Hải sâm: Độc tố trong Hải sâm: Trong số hơn 1,100 loài hải sâm chỉ có khoảng 30 loài có chứa độc tố. Thổ dân tại các hải đảo vùng Nam Thái bình dương đã biết khai thác độc tố của hải sâm để bắt cá làm thực phẩm. Các nghiên cứu về độc tố trích từ nội tạng loài hải sâm Actinopyga agassizi ghi nhận đây là những hỗn hợp glycosides loại steroid. Các phân chất cho thấy độc tố chứa ít nhất là 6 glycosides tan trong nước. Khi thủy phân: 4 loại monosaccharide glucose, xylose, quinovose và 3-O-methylglucose, chiếm vị trí số 3 của vòng A của nhân steroid, cùng với mộ hổn hợp aglycone steroid (holothurinogenins). Một trong những phần tử được đặt tên là Holothurin A. Từ hải sâm loài Holothuria leucospilota, một hợp chất khác đã được ly trích: Holothurin B. Các holothurin cho thấy có một số hoạt tính dược học đáng chú ý. Holothurins gây độc cho khá nhiều sinh vật như giáp xác, giun đất, cá và động vật có vú, có hoạt tính huyết giải, diệt bào, độc hại thần kinh và diệt bướu ung thư. Liều độc hại cùa holothurin thô (IP) được xác định là 0.2 mg khi thử trên chuột. Nghiên cứu tại các Trung tâm Naval Medical Research Institute, Bethesda Md; National Institute of Neurological Diseases and Blindness, Bethesda, Md; Laboratory of Marine Biochemistry and Ecology; Mount Sinai Hospital, NewYork xác dịnh hoạt tính của Holothurin tương đương với hoạt tính của các chất ngăn chặn thần kinh như cocain, procain và physostigmine khi thử trên thần kinh tọa của ếch đã bị cắt đầu. Hoạt tính của holothurin có điểm khác biệt là không thể nghịch đảo và không ảnh hưởng đến vận tốc dẫn truyền của luồng thần kinh (Journal of Pharmaco logy and Experimental Therapeutics Số 126-1959) Holothurin thô trích từ Hải sâm loài Actynopyga agassiz (tròng vùng biển Bahama), khi chích qua màng phúc toan của chuột đã bị gây bệnh bằng cách cấy Trypanosoma lewisi cho thấy có những khác biệt rỏ rệt, chuột nếu được chích holothurin từ trước khi bị cấy ký sinh trùng sẽ ít bị nhiễm bệnh hơn chuột đối chứng.(The Journal of Eukaryotic Microbiology Số 17-2007) Các hoạt chất trích từ Hải sâm: Nghiên cứu tại Universidad Autonomade Baja California (Mexico) ghi nhận đã xác dịnh được 2 triterpinoid olygoglycoside mới loại holostan là Parvimosides A và B trích từ Hải sâm Stichopus parvimensis (Journal of Natural Products Số 68-2005). Nghiên cứu tại Viện Khoa Học và Kỹ thuật VM (Hà Nội) ghi nhận là ly trích được từ hải sâm Holothuria scabra, bằng methanol 2 hoạt chất loại triterpen glycoside: Holothurin A3 và A4. Hai hoạt chất này có hoạt tính diệt bào mạnh trên các tế bào ung thư dòng KB (liều IC50 của A3 là 0.87 microg/mL và của A4 là 0.32 microg/mL), dòng Hep-G2 ( IC50 là 1.12 và 0.57 microg/mL (Archives of Pharmacy Research Số 30-2007). Nghiên cứu từ Khoa Dược, Bệnh viện Xijing, Đại Học Quân Y Tây An (Trung Hoa) ghi nhận 3 glycosides loại holostan Argoside F, Impatienside B và Pervicoside D trích được từ hải sâm Holothuria axiloga có những hoạt tính kháng nấm gây bệnh tương đối mạnh (Planta Medica Số tháng 2 năm 2009). Hải sâm trong Dược học Tây phương: Dược học Âu Mỹ tuy chưa chính thức dùng Hải sâm làm thuốc, nhưng hiện đang xem Hải sâm như một nguồn cung cấp một số chất hổ trợ dinh dưỡng và các chất này có thể sẽ trở thành các thuốc đặc trị. Hải sâm do chưa được dùng phổ biến (ngoại trừ tại Á châu) làm thực phẩm nên các chất trích và cô đặc từ hải sâm, dùng dưới dạng viên nang mềm, đã giúp người tiêu thụ thuận tiện hơn khi muốn thử hải sâm trong mục đích trị bệnh. Hải sâm có thân thể cấu tạo bởi chất sụn, là một nguồn cung cấp rất tốt về các mucoplysaccharides, phần chính là chondroitin sulfate một chất đã được chứng minh là có khả năng giúp làm giảm đau và sưng trong các trường hợp sưng xương khớp và thấp khớp. Tại Úc, chất trích từ Hải sâm loài Pseudocolchirus axiologus đã được thử nghiệm khá hữu hiệu để trị sưng xương khớp (50% bệnh nhân thuyên giảm sau 3 tháng dùng thuốc và không bị các phản ứng phụ). Những polysaccharides có chuỗi dài và sulfat-hóa như chondroitin còn có hoạt tính ức chế siêu vi trùng (hiện nay tại Nhật, đang có một dược phẩm đặc chế dùng chondroitin từ hải sâm để trị các bệnh do HIV gây ra, và một dược phẩm khác dùng polysaccharides từ rong biển để trị bệnh herpes do virus). Trong thương mãi, chondroitin thường được cung cấp từ sụn nơi họng bò hay sụn cá mập, còn glucosamine sulfate do từ vỏ tôm cua. Các hợp chất này cũng được tìm thấy trong Nhung, lộc nai. Các nghiên cứu tại Nga, Nhật và Trung Hoa tìm thấy trong Hải sâm còn có các saponins ( Các triterpene glycosides, Philonopside A, Interceden sides..), có cấu trúc hóa học tương tự như các saponine trong Nhân sâm, Nấm Linh chi..Các saponins này có các hoạt tính chống sưng và chống ung thư do ức chế các thụ thể tyrosine kinase. Trong dầu (chất béo) của Hài sâm có 2 hợp chất có khả năng chống sưng: một trong hai chất có những đặc điểm tương tự như dầu cá, và chất thứ nhì là một hỗn hợp các acid béo có nhánh, phần chính là 12-MTA (methyltetradecanoic acid). Hợp chất này (và một hợp chất biến đổi khác 13-MTA) là những chất ức chế rất mạnh hoạt động của Hệ men 5-LOX (Lypoxygenase system). Nhóm chất ức chế 5-LOX đang được nghiên cứu để chế tạo các dược phẩm trị suyển, sưng loét ruột, và thấp khớp. Các acid béo này có lẽ do các vi sinh vật sống trong hải sâm sản xuất ra. Dầu từ Hải sâm cũng đang được nghiên cứu để trị ung thư prostate do hoạt tính giúp tăng sự hoạt động của men Caspase-3 (The Prostate số 55-2003) Chất trích từ hải sâm được dùng trong kem đánh răng 'Gamadent' với hoạt tính được cho là có khả năng giúp trị các bệnh sưng nướu răng (lợi) kinh niên (Journal of Oral Science Số 45-2003). Hải sâm trong Đông dược: Hải sâm tuy được dùng làm thực phẩm tại Trung Hoa từ lâu đời, các món ăn từ hải sâm thường được dùng đễ đãi tiệc trong các dịp lễ như Tết Nguyên đán, nhưng Dược học cổ truyền Trung Hoa chỉ chính thức ghi chép về Hải sâm trong tập 'Bàn thào Cương Tân' của Wu Yiluo vào 1757. Hải sâm còn có các tên khác như Phương thích sâm (Fangci shen: Fang= Phương=4 cạnh; Ci=Thích=gai), hay rút gọn thành Phương Sâm. Thích sâm Hải sâm dùng làm thuốc trong Dược học cổ truyền Trung Hoa thuộc loài Stichopus japonicus đánh bắt trong những vùng biển Bắc trung Hoa. Dược học Kampo (Nhật) gọi là Kaijin, Triều tiên là Kaesam. Phương thức chế biến: Sau khi đánh bắt, Hải sâm được loại bỏ nội tạng, rửa sạch cát, chất bẩn, sau đó nấu chín trong nước muối, để nguội và phơi khô dưới nắng đến khoảng 80%, sau đó nấu lần thừ nhì và phơi lại đến khô hẳn. Tại Indonesia, Hải sâm khô, chế biến theo phương thức này được gọi là Trepang. Theo Đông Y: Hải sâm có vị mặn/ngọt, tính ấm tác động vào các kinh mạch thuộc Can và Thận có các tác dụng: 'Bổ Thận', 'trợ Tinh', trợ Dương, tăng cường Thận-khí được dùng để trị các chứng suy nhược về sinh lý, trị di tinh (xuất tinh ban đêm khi đang ngủ), đi tiểu ban đêm, bần tinh (thiếu tinh trùng). Hải sâm thường được nấu với thịt Trừu, thêm gừng. Bổ Huyết, Chỉ huyết (cầm máu), trị thiếu máu với các triệu chứng mỏi mệt: dùng Hải sâm nấu với thịt heo. Canh Hải sâm bổ thận: Theo 'Sexual life in Ancient China', món canh bổ thận được ghi lại như sau : - Thành phần: - Hải sâm 400 gram (thái mỏng sau khi chế biến từ hải sâm khô) - Hoài sơn 15 gram (nghiền thành bột) - Đương quy 10 g - Hải tảo khô, một miếng lớn cắt thành sợi - Bột miso 150 gram - Hành ta 3 củ, thái mỏng - Nước 750 ml Cách làm: Nấu nước sôi, thêm hải tảo vào, rồi nấu trong 3 phút, vớt bỏ xác hải tảo, thêm vào hải sâm đã thái mỏng, hoài sơn và các vị thuốc. Đun nhỏ lửa trong 5 phút. Gia thêm tiêu, hành tùy nghi. Món Canh này được ghi là: Bổ thận, Cố tinh trị di tinh, đau lưng, tăng sức và trợ dương. Hải sâm xào Mướp đắng trị Tiểu đường; Theo lý thuyết Đông Y thì Hải sâm và Khổ qua (Mướp đắng) đều có tác dụng 'Bổ Âm', đều quy vào Can và Thận. Cả hai đều bồi bổ Chân Âm, giúp tạo quân bình với Dương, giúp 'Thủy' nơi Thận cân bằng với 'Hỏa' (Hỏa thăng gây nóng Tam tiêu, sinh bệnh Tiêu khát=Tiểu đường), làm Âm mạnh để quân bình với Dương, trừ được Nhiệt tạng, giúp người bệnh tiểu đường không khát, không đói, mát trong người. Theo sự tin tưởng dân gian, Hải sâm được xem là một phương thuốc trợ dương, trị được bất lực về sinh lý. Lý do là khi hải sâm bị tấn công, đè bắt, chúng phình to lên, co cứng thân rồi phóng ra một tia nước từ hậu môn, có thể tương tự như sự cương cứng và phóng tinh của bộ phận sinh dục phái nam. Sau khi phóng tia nước có chứa các chất phòng vệ, hãi sâm lại trở vế trạng thái mềm như trước.
Tài liệu sử dụng:
Harper & Row's Complete Field Guide to North American Wild Life (Werstern and Eastern Editions).
Từ điển Động vậ & Khoáng vật làm Thuốc ở Việt Nam (Võ văn Chi)
Sea Cucumber: Food and Medicine (Subhuti Dharmananda)
Sea Cucumbers (Alexander Kerr): www.tolweb.org/Holothuroidea.
FAO Corporate Document Repository:
- Present Status and Prospects of Sea cucumber Industry in China (Jiaxin Chen).
- Present Status of World sea cucumber Resources and Utilisation: An International Overview (Chantal Conand).
Theo: Tiến sĩ Dược khoa Trần Việt Hưng
 
SẢN XUẤT GIỐNG HẢI SÂM CÁT (Báo NNVN - Số ra ngày 3/2/2009)

Hải sâm cát (Holothuria scabra) là loài hải sâm nhiệt đới phân bố rộng trong khu vực Ấn - Thái Bình Dương. Chúng là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y học.
Do hải sâm cát sống ở vùng nước nông và di chuyển chậm nên hiện nay chúng đã bị khai thác cạn kiệt. Nhằm phục hồi và phát triển nguồn lợi này, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III và tổ chức World Fish Center đã hợp tác nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm hải sâm cát. Xin giới thiệu để bà con tham khảo.


1. Nuôi hải sâm bố mẹ

- Chọn hải sâm được khai thác từ tự nhiên, khoẻ mạnh, không trầy xước, có trọng lượng > 250 gam/con đưa vào nuôi trong các đăng trên biển hoặc ao đất với mật độ 1 con/m2.
- Môi trường nuôi bảo đảm có độ mặn > 25 %o
- Thời gian nuôi từ 4 - 8 tháng.


2. Kích thích sinh sản và thu trứng

- Do phân biệt cá thể đực và cái khó khăn nên mỗi đợt sinh sản cần chọn 30-40 con để kích thích cho đẻ.
- Rửa sạch hải sâm trước khi chuyển vào đẻ.
- Sục khí 24/24 giờ.
- Sử dụng phương pháp sốc nhiệt kết hợp với tia cực tím kích thích hải sâm phóng tinh và đẻ trứng. Ngoài ra, có thể kích thích hải sâm bằng sốc nhiệt kết hợp với tảo khô.
- Sau khi kích thích vài giờ con đực phóng tinh, sau 20 - 30 phút con cái đẻ trứng. Quá trình phóng tinh và đẻ trứng khoảng một vài giờ.
- Sau đó, cấp thêm nước mới vào bể đẻ để làm loãng mật độ trứng.
- Dùng ống siphong hút trứng thụ tinh cách đáy 1-2 cm, không hút trứng chìm dưới đáy bể.
- Lọc, rửa trứng qua sàng lưới 250 µm.


3. Ương nuôi ấu trùng

- Trứng sạch được chuyển vào bể ấp với mật độ từ 1 – 2,5 trứng/ml.
- Sau khoảng 36-40 giờ, trứng nở thành ấu trùng tiền Auricularia.
- Ấu trùng được chuyển vào bể ương với mật độ 0.3-0.7 con/ml.
- Thức ăn của ấu trùng giai đoạn này là các loại tảo đơn bào Chaetoceos muelleri, Nannochloropsis sp và hỗn hợp tảo khô Spirulina và Algamac.
- Ấu trùng tiền Auricularia biến thái thành ấu trùng hậu Auricularia, rồi ấu trùng Doliolaria.
- Sau 10 - 15 ngày ấu trùng Doliolaria biến thái thành ấu trùng Pentactula xuống đáy, bám vào vật bám.
- Thức ăn của ấu trùng bám là loại loại tảo đáy, tảo khô và thức ăn tổng hợp.
- Các yếu tố môi trường chủ yếu cần bảo đảm là độ muối 30-32%o, nhiệt độ nước 27-30oC, pH 7,5-8,5.
- Sau 30 - 45 ngày ấu thể đạt kích thước 1 - 2mm, có thể chuyển ra ương giống.
Đoàn Giang
 
Một đồn mười, mười đồn trăm về tác dụng thần kỳ của hải sâm đã khiến nhiều hộ gia đình ở Hà Nội thi nhau nuôi loài vật này.

Được một người bạn đi biển Khánh Hòa về tặng một con hải sâm sống, bà Hoa (Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) liền để nuôi với công thức đặc biệt. Chỉ vài hôm sau, nó đã sản sinh cho bà 3 con non khác. Để nhà dùng không hết, bà mang biếu gia đình hàng xóm mỗi nhà một con. Cứ vậy, đến giờ, cả khu bà Hoa ở, gia đình nào cũng nuôi hải sâm trong nhà.


haisam.jpg


Hải sâm (nổi phía trên) được nuôi tại một hộ gia đình

Tại nhiều khu nhà khác ở Hà Nội cũng bắt gặp các gia đình nuôi hải sâm tại gia. Cứ một gia đình khởi xướng là chẳng bao lâu sau, cả khu đó sẽ rộ lên nuôi loài "linh dược" này.

“Hải sâm nuôi dễ, sinh sản nhanh nên các nhà cho nhau, tặng nhau nhiều. Bởi vậy, việc đua nhau nuôi mới lan truyền nhanh chóng”, anh Phát, tập thể Nguyễn Công Trứ, cho biết.

Hải sâm (dân gian gọi là đỉa biển) là loài động vật không xương sống, sống ở biển, tập trung nhiều nhất ở độ sâu từ 2 đến 5 mét, trên đáy cát hoặc san hô chết, hay gặp ở vùng vịnh và những nơi có nhiều đá ngầm. Từ lâu, loài này đã được biết đến như một thần dược với công dụng bồi bổ sức khỏe và chữa được nhiều bệnh như thiếu máu, lao, thận, dạ dày, các bệnh khó nói của đàn ông.... Đây cũng là lý do chính khiến các gia đình đua nhau nuôi. Thậm chí, khi được hỏi, nhiều người còn khẳng định nuôi hải sâm để chữa bách bệnh.

Công thức nuôi sống hải sâm trong nhà thường được các gia chủ áp dụng khá đơn giản: cho con vật vào lọ lớn, pha 3 lít nước với 2 lạng đường và 2 gói lipton, rồi đậy lọ bằng một tấm vải lưới, thoáng. Với phương cách đó, nhiều gia đình đã có không ít hải sâm chỉ trong một thời gian rất ngắn, đủ để phân phối cả “nguyên liệu” và công nghệ cho những người thân, bạn bè.

“Khi hải sâm sinh sản, chắt nước trong lọ ra để tủ lạnh uống dần thì rất tốt cho sức khỏe. Nước màu vàng, có vị hơi chua, tựa như nước mơ. Ngoài những con giữ lại để tiếp tục nuôi, thịt hải sâm có thể cho vào xào, hấp...chế biến món ăn đều rất ngon và bổ”, chị Thủy (phố Tây Sơn), một trong những chủ nhà nuôi chia sẻ. Theo chị, nuôi hải sâm đơn giản mà lại rất hữu ích trong việc chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe cho cả gia đình.

Tuy việc nuôi và sử dụng thành phẩm của hải sâm sống đã trở thành xu hướng ở nhiều khu dân cư, song cũng còn không ít nghi ngại xung quanh vấn đề này. Bởi, tuy hải sâm từ lâu đã được y học khẳng định là tốt cho sức khỏe, song đó là khi nói đến những con sống ở biển. Môi trường biển sẽ giúp hải sâm có những dưỡng chất cần thiết và có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Còn khi nuôi trong môi trường nhân tạo một cách đơn giản, sản sinh nhanh chóng như vậy thì chưa ai tìm hiểu xem nó có còn công dụng đáng quý như người ta vốn nghĩ.


Theo VnExpress
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top