Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Hái lộc đầu năm
Trong cái Tết Nguyên đán của người Việt có rất nhiều tập tục như đưa Ông Táo về trời ngày 23 Tết, cúng rước ông bà ngày 30 hoặc 29 Tết, cúng đón giao thừa, hái lộc, xông đất đầu năm…
Đa phần các phong tục tập quán của chúng ta xưa chịu ảnh hưởng nhiều của tam giáo, đặc biệt là Phật giáo. Chính vì vậy, ngày đầu năm mới, còn gọi là nguyên đán, ngày “đất trời hòa hợp”, các vua chúa ngày trước phải đến đàn Nam Giao tế trời đất để tạ ơn và cầu cho năm mới được mưa thuận gió hòa, nhân dân no ấm. Buổi sáng đầu năm, cha mẹ cũng “lì xì” cho con cái để lấy hên với lời chúc phúc đầy tình yêu thương.
Buổi sáng đầu năm, nhiều người coi giờ, coi hướng để “xuất hành” thuận lợi đem may mắn lại cho cả năm… Trong niềm tin đó, giờ khắc giao thừa, giờ khắc giao thoa của trời và đất, của năm cũ và năm mới được xem là có ý nghĩa quan trọng, thiêng liêng trong lòng mọi người. Chính vì vậy, sau giao thừa, mọi người thường đi đến đình, chùa hoặc những nơi tôn nghiêm để “hái lộc” đầu năm.
Còn nhớ thời thanh xuân, bao nhiêu cái Tết, bao nhiêu đêm giao thừa tôi đã cùng bạn bè tới nhiều ngôi chùa quen thuộc trong thành phố, tranh nhau bẻ từng nhánh bông, từng cành non, lộc nõn trước sân chùa. Mà nào có bọn trẻ chúng tôi, mấy cô, mấy chú bác lớn tuổi cũng thi nhau “hái lộc” khiến chỉ trong phút chốc, mấy chậu hoa kiểng xinh tươi, xanh mướt trong khuôn viên nhà chùa đã trụi trơ cành lá như vừa có cơn bão đi ngang qua! Những năm sau này, thỉnh thoảng đến chùa vào đêm trừ tịch, tôi thấy mấy sư cô, mấy thầy đã để riêng một số chậu hoa kiểng ngoài sân cho Phật tử hái lộc chứ không được hái tràn lan như trước.
Nhưng ngày đó, bọn trẻ chúng tôi có hiểu gì cho lắm ý nghĩa của việc hái lộc đầu năm này đâu! Chỉ biết là đứa nào hái được bông đẹp, cành nhánh non tơ thì sẽ được may mắn trong năm. “Nhụy non, lộc nõn” mà. Ngược lại, lỡ hái nhằm nhánh già, hoa héo sẽ bị vận hạn, xui rủi suốt năm (!?). Sau này, giở sách ra mới biết “lộc” là nhánh non vừa nhú, lại trùng âm với bổng lộc, ân huệ nên ông bà ta thường hái một cành đa, cành đề, cành si, những loài cây quanh năm tươi tốt ở đình, chùa buổi đầu năm để mang về cắm vào bàn thờ, cầu mong một năm thịnh vượng, phúc lộc đầy nhà. Chả bù với bọn trẻ chúng tôi, hái lộc theo “phong trào”, ùa đến rồi ùa đi, thứ gì cũng hái để sau đó lang thang trên đường phố đêm giao thừa, tự hào với cành lộc, cây nhang vừa lấy được trong chùa rồi về nhà mệt nhoài, ngủ ngất, cành lộc rơi chỗ nào không biết, nói gì đến việc cắm vào bàn thờ!
Từ ấy đến nay đã bao cái Tết đi qua, bao nhiêu lần tôi thắp nhang trước bàn thờ đêm giao thừa. Lâu rồi, tôi cũng không đi “hái lộc đầu năm” nữa. Mà hình như cái tục lệ kia cũng ngày càng bớt náo nhiệt, rộn rã hơn rồi. Đám trẻ hiện nay nếu có vào chùa hay đến nơi nào đó hái lộc đầu xuân chắc cũng để cho vui, cho thêm chút đậm đà ngày Tết chứ ít có ai còn trang trọng cắm cành lộc vào bình đặt trên bàn thờ cho đúng ý nghĩa của nó. Họa chăng là những “người xưa”!
Biết đâu vào thời khắc giao thừa năm nay tôi sẽ bắt chước người xưa, không cần phải đi đến chùa mà bước ra sân nhà, hái một nhành cây tơ mang vào cắm trên bàn thờ. Trong khói hương lan tỏa, trong không gian sực nức hương xuân, tôi lại bắt chước người xưa, ngâm mấy câu thơ đẹp như “cành tơ, lộc nõn” đầu năm:
Xuân gội tràn đầy
Giữa lòng hoan lạc,
Trên mình hoa cây… (*)
Trúc Ty
______________________________* Thơ Huy Cận
(Nguồn: Thanhnien)