HÀI CỐT GẦN 200 TUỔI VẪN DÍNH MÁU !?
Bộ hài cốt của một giáo dân cách đây gần 200 năm ở Nam Định, khi cất sang tiểu vẫn thấy xương dính máu đã khiến nhiều người hiếu kỳ không quản ngại đường xa, thậm chí cả từ trong Nam ra, tới chứng kiến thực hư.
Nhiều người còn đồn đại về khả năng “cầu được ước thấy” khi trực tiếp đến tận nơi, sờ vào nắp quan tài, và xã Trực Hùng (Trực Ninh, Nam Đinh) nơi hiện đang lưu giữ hài cốt không đầu giáo dân tên Phêrô Đỗ Tựu.
Mảnh vải gói hài cốt chữa bách bệnh?
Cách TP Nam Định khoảng 40 km, tại thị trấn Liễu Đề, ai cũng nghe nói về những đoạn cốt (xương) dính máu tươi của giáo dân này. Hơn thế, nhiều người còn tin rằng chỉ cần lấy được một mảnh vải gói cốt của người này thì có thể chữa khỏi nhiều bệnh.
Ô tô nối đuôi nhau tới xem bộ hài cốt, náo động cả một vùng quê.
Bà Vũ Thị Liên, bán nước tại thị trấn Liễu Đề cho biết: “Cách đây gần hai tháng, người ta nghe tin đổ xô về cầu xin phù hộ mỗi lúc một đông, nhất là vào ngày cuối tuần”.
Khi tới xã Trực Hùng, trước mắt chúng tôi là một dãy dài dằng dặc ô tô nối đuôi nhau. Dù đã trưa nhưng vẫn còn rất nhiều người ở các tỉnh xa vừa tới. Đa số mọi người đến đều mua một vật gì đó (có thể là chai nước, bó hoa, khăn mặt, khăn tay hoặc bất cứ thứ gì có trên người) rồi vào nhờ người xoa lên nắp quan tài đậy kính. Có người còn xoa mũ bảo hiểm lên nắp quan tài với ý muốn đi đường tránh được tai nạn. Nhiều người có bệnh chữa lâu năm không khỏi bỏ cả bệnh viện về đây cầu khấn.
Anh Nguyễn Thế Thắng ở xã Quang Vinh (huyện Ân Thi, Hưng Yên) từ sáng sớm đã đưa đứa con thứ ba bị liệt hai chân tới đây. “Cháu sinh ra được 6 tháng thì tôi phát hiện ra cháu bị bệnh, điều trị ở Viện Nhi ba năm rồi cũng không giảm. Tôi từng đưa cháu sang cả Nhật để chữa cũng không ăn thua. Nghe ở đây chữa bệnh thiêng lắm nên tôi đưa cháu tới và tin là có thể khỏi được”.
Bị hành quyết từ thời vua Tự Đức
Theo ông Bùi Công Thụ - Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Lác Môn của xã Trực Hùng, giáo dân có tên Phêrô Đỗ Tựu cùng 7 giáo dân khác sống vào khoảng những năm 1838 -1867, thời vua Tự Đức.
Hình ảnh bộ hài cốt trong quan tài và người dân hiếu kỳ.
Lúc đó, những người theo đạo được coi là “trái với tự nhiên” (theo tuyên cáo của vua Tự Đức), nên sẽ bị hành quyết (chém nửa người, chém đầu), ông Đỗ Tựu cũng nằm trong số những người xấu số đó. Sau khi bị chém đầu, ông và 4 người khác được chôn cất tại xã, cho tới năm 1958, hài cốt các ông được bốc sang Đài (mộ chôn tập chung) nhưng không mở quan tài. Cho tới ngày 4/7/2009, 5 ông được sang cất để chôn riêng.
Nhiều người chờ đợi bên ngoài chờ tới lượt được vào tận mắt chứng kiến hài cốt của ông Đỗ Tựu.
Trong quá trình bốc hài cốt, duy chỉ có hài cốt ông Đỗ Tựu là có biểu hiện lạ thường, các đốt xương dính máu và được sang cất riêng với mục đích để cho người theo đạo tới cầu nguyện. Bên trong quan tài ông Đỗ Tựu, sau khi mở nắp thì không thấy đầu mà chỉ thấy một hộp nhỏ, nhiều người cho rằng trong đó là xương đầu nhưng khi mở thì chỉ thấy nhiều đoạn xương nhỏ có dính máu. Những hiện tượng này hiện chưa lý giải được.
Dịch vụ ăn theo mọc như nấm
Ăn theo dư luận, nhiều người dân trong xã Trực Hùng đã mở hàng loạt hàng quán hai bên đường dẫn vào trụ sở UBND xã để kinh doanh. Nhiều tệ nạn như cướp giật, móc túi cũng đã diễn ra.
Nhiều người cọ mũ bảo hiểm lên quan tài để khỏi tai nạn.
Đường dẫn vào sâu trong xã hiện đã ngập trong rác, dịch vụ ăn uống mọc lên như nấm ngay cạnh cổng nhà thờ. Việc mất trật tự, ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra, nguyên nhân chủ yếu do các chủ quán bày bán ngang nhiên hàng thờ cúng giữa đường.
Ông Hoàng Tiến Trung - Trưởng công an xã Trực Hùng cho biết: “Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, chúng tôi vẫn thường xuyên nâng cao cảnh giác, đề phòng những kẻ lợi dụng cơ hội để tuyên truyền kích động nhân dân. Hai tháng qua, có rất nhiều người các nơi tới cầu nguyện”. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Trực Hùng khẳng định, việc chữa bệnh ở đây chỉ là tin đồn. “Có mấy người trong miền Nam cũng gọi điện ra cho tôi hỏi có đúng như thế không và đòi ra tận đây”.
Nguồn: Bee*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: