Hà Lan – Slovakia: Khi kết quả là tất cả

  • Thread starter Thread starter Butco
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butco

New member
Xu
0
Trước đây, người ta vẫn biết đến Hà Lan như là một đội bóng luôn chơi cực kỳ bùng nổ ở vòng bảng, nhưng thường xuyên gục ngã ở những thời điểm quyết định trong các loạt trận thuộc vòng knock-out. Không nói đâu xa, ở World Cup 2006, Hà Lan cũng chơi rất tốt ở vòng bảng (giành 7 điểm sau 3 trận), để rồi phải xách vali về nước ngay từ vòng 1/8 sau trận thua trước BĐN (0-1). Ở Euro 2008, Hà Lan thậm chí còn chơi tưng bừng hơn (họ đè bẹp cả Italia lẫn Pháp, trước thắng nốt Romania), nhưng rồi lại một lần nữa gục ngã ngay khi vòng knock-out vừa bắt đầu (thua Nga 1-3 sau hai hiệp phụ). World Cup này, Hà Lan cũng thắng cả 3 trận, nhưng không phải bằng sự tưng bừng thường thấy. Thầy trò Van Marwijk muốn có một sự thay đổi triệt để, bắt đầu từ tư duy, và sau đó sẽ là số phận?

Cũng như Dunga của Brazil, HLV Van Marwijk đang sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 cho đội tuyển Hà Lan ở World Cup lần này, với điểm đặc biệt là hai tiền vệ phòng ngự (Van Bommel, De Jong) hầu như không vượt quá vạch nửa sân. Điểm ưu việt của cách chơi này là hàng thủ luôn được đặt trong trạng thái an toàn cao, và nguy cơ để thua từ những tình huống phản công là gần như không tồn tại. Thực tế là cho tới thời điểm này của World Cup 2010, người ta đang nói về Hà Lan và Brazil như là những ví dụ tiêu biểu cho việc đặt sự hiệu quả lên trên tính cống hiến. Cả hai đều mới chỉ để thua có 1 bàn, trong đó bàn thua của Hà Lan (ở trận gặp Cameroon) chủ yếu là do kém may mắn (Van der Vaart để bóng chạm tay trong vòng cấm sau một cú đá phạt của đối phương).

Nhưng tại sao Brazil vẫn được ngợi khen, còn Hà Lan thì lại đang bị chỉ trích dữ dội bởi chính các CĐV của họ? Sự khác biệt nằm ở vai trò của các hậu vệ biên. Trong đội hình Brazil, Maicon (phải) và Bastos (trái) giống như những sợi dây liên lạc giữa hàng thủ và hàng công, luôn có những pha băng lên khiến hệ thống phòng ngự của đối phương rơi vào trạng thái bất ngờ rồi sau đó là rối loạn. Các hậu vệ biên của Hà Lan, Van Bronckhorst (trái) và Van der Wiel (phải), không có được sự cơ động như thế, mà có vẻ như chính Van Marwijk cũng chỉ đạo họ không dâng quá cao. Hệ quả là khi đối phương chủ động phòng ngự số đông, bộ tứ tấn công của Hà Lan dễ dàng bị cô lập, dù xét về tài năng hay đẳng cấp, họ chẳng hề kém bộ tứ Robinho, Kaka, Elano, Fabiano của Brazil.

Và hệ quả quan trọng nhất là dù dùng chung một hệ thống, song Hà Lan chẳng thể chơi bóng một cách trơn tru như người Brazil, để rồi ngay chính các CĐV nhà cũng đang quay lưng với họ. Nhiều người thậm chí còn chuyển sang nghe đài thay vì xem TV trong những trận có đội tuyển Hà Lan thi đấu, bởi những gì mà họ phải chứng kiến là “vượt quá khả năng chịu đựng”.

Không có thay đổi

Dù đang phải chịu những áp lực rất lớn cả từ các CĐV lẫn giới chuyên gia, thầy trò Van Marwijk có vẻ vẫn không có ý định thay đổi kế hoạch ban đầu. Hà Lan vẫn sẽ ra sân với sự cẩn trọng được đặt lên trên hết. Sự bùng nổ, nếu có, sẽ chỉ đến từ các cá nhân. Nhưng với việc Robben nhiều khả năng vẫn chỉ được tung vào sân trong hiệp 2 như ở trận gặp Cameroon, các CĐV của Hà Lan nếu không chuyển sang dùng radio thì nên chuẩn bị sẵn tinh thần để chịu đựng một màn trình diễn “gây buồn ngủ” nữa của “Oranje”, nhất là khi đối thủ của họ, Slovakia, đang được xem như một giant-killer (sát thủ của các ông lớn) sau chiến thắng trước ĐKVĐ Italia. “Với những đối thủ như Slovakia, bạn không thể nói trước điều gì sẽ sảy ra”, Van Marwijk tỏ ra cẩn trọng. Một sự cẩn trọng… đáng ngại.

Nếu không muốn tiếp tục mang những ấn tượng xấu về “Cơn lốc màu Da cam”, tốt nhất là bạn chỉ nên bật TV khi hiệp 2 bắt đầu. Đó là thời điểm các cầu thủ Hà Lan bắt đầu tăng tốc. Đó cũng là thời điểm họ nhận được nhiều… may mắn nhất. Và đó, rất có thể, cũng là thời điểm Robben được tung vào sân.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top