Gương sáng đạo đức Bác Hồ soi cho muôn đời con cháu mai sau

Bài 21: Ngục trung nhật ký - Ngời sáng ý chí bậc đại nhân



https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1445&pop=1&page=0&Itemid=5 Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử ghi: Ngày 13-8-1942, Nguyễn Ái Quốc với tên Hồ Chí Minh lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với lực lượng cách mạng của người Việt Nam và đồng minh; cùng đi với Bác có đồng chí Lê Quảng Ba.
Ở trong nước lúc đó phong trào Mặt trận Việt Minh lên cao. Trên thế giới, phát xít Đức đang tấn công như vũ bão vào Liên Xô. Hồng quân đang rút lui. Phát xít Đức có tới 266 sư đoàn, tức 6,2 triệu quân, 70.000 pháo cối, 6.600 xe tăng và pháo tự hành 3.500 máy bay chiến đấu,194 tàu chiến trên đất Liên Xô.
Dự báo của Bác Hồ: Liên Xô sẽ thắng. Điều này đã được ghi trong Nghị quyết Trung ương Tám (khóa I) tháng 5-1941. Ta phải xây dựng và chuẩn bị lực lượng để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
22.jpg

Hồ Chí Minh đi Trung Quốc nhằm mục đích liên lạc với lực lượng người Việt Nam lúc đó có mặt ở Trung Quốc và có thế lực dựa vào Tưởng Giới Thạch (lực lượng Việt Nam Quốc Dân đảng của Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần, Nghiêm Kế Tổ), để có thể cung cấp lực lượng vật chất cho mặt trận ở trong nước. Mặt khác, tại đây có lực lượng của đồng minh chống phát xít như lực lượng của Mỹ, của Quốc Dân đảng Trung Hoa, của cộng sản Trung Quốc…để giải quyết một số nội dung liên quan đến thực lực. Ở trong nước, ta có lực lượng, nhưng vũ khí, đạn dược và thuốc men vô cùng thiếu thốn và lạc hậu. Nếu được sự giúp đỡ của các đồng minh và các lực lượng khác giúp, lực lượng ta sẽ mạnh hơn.
Ngày 27-8-1942, Hồ Chí Minh cùng Dương Đào - người dẫn đường (đồng chí Lê Quảng Ba ở lại nhà Từ Vĩ Tam ở Ba Mông, huyện Tĩnh Tây). Hai người đến phố Túc Vinh, huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây thì bị quân tuần cảnh ở trụ sở của Quốc Dân đảng bắt giữ. Nguyên nhân bắt giữ theo báo cáo của tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Quốc Dân đảng là: “Khi kiểm tra căn cước, tuần cảnh phát hiện ra rằng ngoài chứng minh thư của “Quốc tế phản xâm lược hiệp hội Việt Nam phân hội” ra, Hồ Chí Minh còn mang theo thẻ hội viên đặc biệt của “Quốc tế Tân văn xã”, và giấy thông hành quân dụng của Văn phòng Tư lệnh Đệ tứ chiến khu cấp… tất cả các giấy tờ đều cấp năm 1940, đã quá thời hạn sử dụng. Họ nghi Hồ Chí Minh là gián điệp nên bắt giữ.
Bác đã bị quân Tưởng bắt từ ngày 27-8-1942, bị giam giữ qua 13 nhà tù. Người được thả tự do ngày 9-10-1943 sau 14 tháng giam cầm.
Ở trong tù vô cùng cực khổ, đúng như người xưa đã nói “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày trong tù, ngàn năm ở ngoài). Bác cũng vậy, cực khổ, khó khăn, vất vả, nhưng những ngày tháng trong ngục tù, Người đã biến nhà tù thành trường học để rèn luyện ý chí của mình. Những ngày bị tù đày, Bác viết nhật ký bằng thơ đó là tập “Nhật ký trong tù”. Nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) khi đọc “Nhật ký trong tù” đã khẳng định Hồ Chí Minh là bậc: Đại trí, Đại nhân, Đại dũng.
Nhật ký của Bác là những điều Bác viết riêng cho mình, cũng như mọi người có tâm huyết và thói quen ghi nhật ký. Thường nhật ký thể hiện tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng, thậm chí rất riêng, có những chuyện không thể cho người khác biết được. Bác cũng viết riêng những tâm sự của mình như vậy. Đồng chí Vũ Kỳ, là Bí thư riêng của Bác từ năm 1945 cho đến lúc Bác qua đời, kể lại việc công bố cuốn “Nhật ký trong tù” : Những năm tháng sống bên Bác, Người rất giản dị, vài bộ quần áo vải, đôi dép cao su, không hòm rương, tủ mà hồi kháng chiến Bác đựng đồ đạc trong ba lô như ba lô của chiến sĩ. Thấy Bác có cuốn vở học sinh cũ, chữ viết bằng bút chì, một lần tò mò, đồng chí giở ra xem thì đó là những bài thơ bằng chữ Hán, Bác làm trong thời gian bị tù đày trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Đồng chí Vũ Kỳ đọc, các đồng chí sống bên Bác đọc, thấy khẳng khái, tràn đầy ý chí, nghị lực và những bài học về rèn luyện, tu dưỡng, những vần thơ về con người và yêu thương con người, thậm chí có cả những ý tưởng, những định hướng chiến lược cách mạng, văn hóa… Mọi người đề nghị Bác cho in ra để nhiều người đọc. Bác cười bảo rằng: Nhật ký là những tâm sự riêng của Bác, chứ không phải cho mọi người. Sau nghe các đồng chí xin nhiều lần, Bác đồng ý cho in, nhưng phải chọn lọc những bài thật cần thiết mới được xuất bản.
“Nhật ký trong tù” có 135 bài, nhưng bài thứ 135 không là bài thơ nằm trong “Nhật ký” đó là bài “Tâm xuất ngục, học đăng sơn” (Mới ra tù, tập leo núi). Tên của bài thơ đã nói rõ điều đó. Tức là bài thơ làm sau khi Bác đã ra tù. Bài số 1, không có tựa đề, được coi là bài đề từ cho Nhật ký. Trang đầu của Nhật ký, Bác viết bài đề từ, ghi 29-8-1932 đến 10-9-1933 và hình ảnh hai nắm tay xiềng xích giơ cao:
“Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao,
Muốn nên sự nghiệp lớn,
Tinh thần càng phải cao”.(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập - Tập3 - Nhật ký trong tù - Từ trang 263 - 440
Như vậy, tính cả bài đề từ, tập “Nhật ký trong tù” có 134 bài.
Trước đây, tập thơ này của Bác được xuất bản với 130 hoặc 132 bài. Điều đó có những lý do mang tính chất tế nhị của quan hệ quốc tế. Lúc đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, nhưng trong tập thơ của Bác có bài “Cảm ơn Hầu Chí Minh” (Chủ nhiệm họ Hầu). Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm chính trị chiến khu IV của Quốc Dân đảng, người đã trực tiếp thả Hồ Chí Minh theo lệnh của Tưởng Giới Thạch. Khi tiếp xúc với Hồ Chí Minh, ông đã hết sức tôn trọng và cảm phục. Vì những lý do tế nhị, nên những năm trước các bài số 127, 128, 134 chưa được công bố.
Tập “Nhật ký trong tù” của Bác đã được dịch, giới thiệu và giảng dạy trong các trường học, đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích trên nhiều phương diện nội dung tư tưởng, tính chiến đấu, tính nhân văn và nghệ thuật thơ.
Ngay trong tù ngục, tư tưởng đạo đức của Bác vẫn sáng ngời như ngọc, thể hiện sự rèn luyện, quyết tâm của Người.
Những bài thơ, những dòng nghĩ suy của Bác luôn hướng về sự nghiệp cách mạng, luôn trăn trở vì sự nghiệp giải phóng dân tộc “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”, hoặc những định hướng những tâm tư về việc giáo dục con người : “Phần nhiều do giáo dục mà nên”, hoặc định hướng cho những người cầm bút làm báo, viết văn, làm thơ: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”… (2) Hồ Chí Minh - Toàn tập - Tập3 - Nhật ký trong tù - Từ trang 263 - 440

Hồ Chí Minh trong ngục tù, gian khổ vẫn một niềm lạc quan, bình tĩnh, tự tin, ung dung, đĩnh đạc “Hôm nay xiềng xích thay dây trói / Mỗi bước leng keng tiếng nhạc rung…”. Thơ Bác đem lại trong lòng mỗi thế hệ người Việt Nam niềm tự hào, sự ngưỡng mộ, từ những vần thơ mà mỗi câu, mỗi chữ đều toàn “Bích”.
Đọc thơ Bác, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết :
“Con đọc trăm bài trăm ý đẹp,
Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh,
Vần thơ của Bác, vần thơ thép,
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình” .
 
Bài 22: Bác Hồ - Những ngày tháng Tám



https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1446&pop=1&page=0&Itemid=5 Cách mạng Tháng Tám năm 1945 in dấu ấn sâu sắc vào lịch sử dân tộc, vào các thế hệ người Việt Nam, đó là dấu ấn độc lập dân tộc. Nếu tính từ khi thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam, ngày 31-8-1858 đến ngày nhân dân ta giành lại độc lập và ngày 2-9-1945 Bác Hồ thay mặt Quốc dân, đồng bào “Tuyên ngôn độc lập” thì vừa tròn 87 năm.
Để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, Đảng và nhân dân ta có thời gian là 15 năm, tính từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Nhưng thực tế thì thời gian chính thức chuẩn bị trực tiếp cho Cách mạng Tháng Tám có thể tính từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VIII (5-1941).
Nhìn lại lịch sử, dấu ấn lịch sử in đậm trí tuệ và tài thao lược của Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố của thời cơ khách quan với nhân tố chủ quan. Đó là sự nhận thức thời cơ, nắm bắt lấy nó để giành thắng lợi. Nếu thời cơ chưa tới mà “động thủ” tất thất bại. Nếu thời cơ qua đi mới “dậy” thì không bao giờ thắng.
22.jpg

Đoàn đại biểu anh hùng chiến sĩ thi đua Quân giải phóng đầu tiên đến chào Bác Hồ (1965)
Hồ Chí Minh bị bắt, bị giam ở Trung Quốc, khi được thả ra, tướng Trương Phát Khuê không cho Người về mà đưa người vào hoạt động trong một tổ chức người Việt, tay sai của Tưởng, đó là tổ chức Mặt trận mang tên: Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Người đã nhận chức phó chủ tịch của tổ chức này trên danh nghĩa. Cho mãi đến ngày 9-8-1944, Trương Phát Khuê mới trả lại tự do và cho Bác về Việt Nam. Trước khi về, Bác nói với Trương Phát Khuê rằng: “Tôi là một người cộng sản, nhưng điều mà tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do của nước Việt Nam, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản. Tôi có một lời bảo đảm với ông rằng: Chủ nghĩa cộng sản sẽ chưa được thực hiện tại Việt Nam trong vòng 50 năm tới”.
Cuối tháng 9-1944, về Pắc Bó (Cao Bằng), sau khi nghe Liên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng báo cáo về việc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, Bác chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa vì việc chuẩn bị chưa đầy đủ và thời cơ chưa tới.
Người chỉ rõ, thời cơ đã đến rất gần, cần phải chuẩn bị gấp, điều cần thiết là phải có một toàn quốc đại biểu bao gồm tất cả các đoàn thể, các đảng phái để dự kiến thành lập ra một chính quyền mới.
Đầu tháng 12-1944, Bác triệu tập đồng chí Vũ Anh và Võ Nguyên Giáp đến Pắc Bó. Sau khi nghe báo cáo về phong trào cách mạng ở Cao-Bắc-Lạng, Bác chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhận trách nhiệm thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Giữa tháng 12-1944, Bác giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp bản “chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”.
Thực hiện chỉ thị của Bác, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Sam Cao (Trần Hưng Đạo) thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” được thành lập. Lúc đó, đội chỉ có 17 súng trường, 14 súng kíp, sau đó được trang bị thêm 1 tiểu liên Mỹ và 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp bom chậm và 500 đồng để chi phí.
Quân đội ta ra đời bắt đầu với 34 chiến sĩ, đúng như lời tiên đoán của Bác: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Lúc đó dân ta “một cổ hai tròng”, hai tên đế quốc phát xít áp bức bóc lột nhân dân ta. Lịch sử không thể nào quên nạn đói năm 1944, đầu năm 1945 do phát xít Nhật, thực dân Pháp gây ra. Nhân dân miền Bắc lúc đó đã chết đói hơn hai triệu người. Trong lúc dân đói, bọn phát xít dự trữ lúa để chạy máy thay than đá. Lòng căm thù của nhân dân ta đối với bọn cướp nước đã lên đến tột đỉnh. Với lực lượng đã được chuẩn bị, từ tháng 3-1945, những cuộc phá kho thóc của Nhật để cứu đói dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã xảy ra ở khắp nơi. Những cuộc khởi nghĩa từng phần đã bùng nổ.
Lúc này trên các trận tuyến, chủ nghĩa phát xít đang lún sâu vào thất bại. Hồng quân Liên Xô và lực lượng Đồng minh đang tấn công phát xít Đức cả phía đông và phía tây. Ngày 30-4-1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô phấp phới bay trên nóc nhà Quốc hội Đức. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức ký văn kiện đầu hàng không điều kiện Đồng minh và Liên Xô.
Quân Nhật sau những trận tử chiến ở Trân Châu Cảng ngày càng thất bại. Nhật thua to ở Thái Bình Dương. Đức bại, Nhật thua, sợ Pháp lật lọng, giành lại chính quyền ở Đông Dương nên 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp để nắm quyền thống trị hoàn toàn ở Đông Dương.
Ngày 9-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” - Nhân dân ta bắt đầu tiến hành cuộc khởi nghĩa từng phần, trong thế kẻ thù đang thất bại.
Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Ngày 9-8-1945, với 1,5 triệu quân, 5.500 xe tăng, 3.900 máy bay, 2.600 pháo và hạm đội Thái Bình Dương, Hồng quân đã mở cuộc tấn công vào 1 triệu quân Nhật trên trận tuyến từ Bắc Triều Tiên qua Đông Bắc Trung Quốc tới Nam Xakhalin và Curin.
Trước khi Liên Xô tuyên chiến, ngày 6-8-1945 Mỹ đã ném xuống Hiroshima quả bom nguyên tử đầu tiên làm 247.000 người chết. Sau đó ngày 9-8-1945, Mỹ ném tiếp xuống Nagazaki một quả bom nguyên tử nữa, làm chết 200.000 người.
Ngày 10-8-1945, Chính phủ Nhật gửi thư cho đồng minh xin chấp nhận đầu hàng. Ngày 14-8-1945, Nhật chấp nhận đầu hàng không điều kiện.
Ở trong nước, cuối tháng 7-1945, Bác Hồ bệnh rất nặng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại: Một hôm, thấy Bác mệt, đồng chí xin nghỉ lại với Bác. Đêm ấy khi tỉnh lại, Bác dặn rằng: “Lúc này là thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Sau đó ít ngày, Bác uống thuốc của một cụ lang người Tày, bệnh Người giảm dần.
Ngày 13-8, nghe tin Nhật đầu hàng, Hồ Chí Minh chỉ thị hỏa tốc yêu cầu Tổng khởi nghĩa. Ngày 14-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa và quyết định thi hành 10 chính sách của Việt Minh. Ngày 15-8-1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Tháng Tám, cả nước nhất tề đứng dậy. Nhân dân ta đã đập tan gông xiềng đế quốc, phong kiến giành lấy độc lập tự do.
Những ngày Tháng Tám sống mãi cùng dân tộc. Mỗi ngày Tháng Tám như có Bác cầm cây chì đỏ vạch đường. Mỗi phút của thời cơ là mỗi phút làm nên thắng lợi. Tháng Tám, âm vang mãi lời Bác: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
 
Bài 23: Tuyên ngôn độc lập - bản hùng ca của dân tộc hồi sinh




https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1447&pop=1&page=0&Itemid=5 Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử ghi, ngày 25-8-1945, từ Việt Bắc về, Bác Hồ đến ở tại ngôi nhà số 48 - Hàng Ngang (Hà Nội). Ngôi nhà này đã chứng kiến những ngày đầu bộn bề công việc của người đứng đầu đất nước. Ngày 26-8, Bác triệu tập và chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Ngày 27-8-1945, Người triệu tập Ủy ban Dân tộc giải phóng và đề nghị thay đổi một số thành phần của Chính phủ mới, bao gồm cả những đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái. Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chính phủ lâm thời được công bố ngày 28-8-1945 gồm 15 người trong đó có 8 người thuộc các đảng phái khác, không phải Việt Minh. Từ ngày 28-8-1945, Bác dành phần lớn thời gian để soạn thảo “Tuyên ngôn độc lập”. Để chính thức có tuyên ngôn, Bác đã tham khảo A.Pátti, người đứng đầu cơ quan SOS tại Việt Nam (tức CIA sau này) lúc đó. Bác đã tham khảo ý kiến của một số đồng chí vào ngày 30-8-1945, sau đó Người dành thời gian để bổ sung một số điểm vào bản Tuyên ngôn.
23.jpg

Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập (1945)
14 giờ ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội, hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, cùng hàng triệu triệu đồng bào cả nước hướng về loa phóng thanh, lắng nghe lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam mới - nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
“Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tiếp nối, kế thừa truyền thống anh dũng bất khuất, đấu tranh cho độc lập tự do của ông cha ta suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Truyền thuyết Cổ Loa thành, chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu, đất nước rơi vào tay giặc suốt ngàn năm. Cả ngàn năm ấy, nhân dân ta không ngừng nổi dậy, song không mấy thành công. Rồi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước. Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Nhà Lý dời đô khẳng định nền độc lập. Bên bờ sông Như Nguyệt như vang vọng mãi mãi trong lòng người dân nước Việt “Nam quốc sơn hà”… Rồi giặc Nguyên Mông hùng mạnh, hống hách đòi ăn tươi nuốt sống nước Việt, gặp phải lòng dân và thế trận Nhà Trần. “Hịch tướng sĩ” thôi thúc toàn dân “Sát Thát”... Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đất nước bị quân Minh xâm lược, Lê Lợi phất cao cờ khởi nghĩa. “Cáo bình Ngô”, Tuyên ngôn nước Việt phục hưng…
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương…
… Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khô bĩ mà lại thái
Nhật nguyệt hối mà lại minh”.
Sau gần 100 năm nô lệ, Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ vĩ đại, nhân dân ta đã giành được chính quyền. Từ một đất nước đã bị thực dân xóa tên trên bản đồ thế giới, một dân tộc đã mất đi tên gọi của mình. Hôm nay, giành lại non sông, phải có một bản Tuyên ngôn cho toàn nhân loại biết như sự khẳng định sự tồn tại của một đất nước, một dân tộc, một lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, không lệ thuộc.
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Bản “Tuyên ngôn độc lập” ra đời đã 130 năm nhưng lời khẳng định về quyền dân tộc, quyền con người như một chân lý: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bác đã mở rộng câu nói ấy ra nghĩa là “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Từ Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Bác viện dẫn Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do bình đẳng về quyền lợi”.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Trở lại những năm tháng lịch sử 1945, Bác trích Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ- một đoạn mang ý nghĩa đạo đức và nhân văn sâu sắc. Những người bạn Mỹ đang ở cạnh Bác Hồ, cạnh Chính phủ Lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lực lượng nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Việt Minh là Mỹ. Mỹ là một quốc gia hùng mạnh, Bác đã rất muốn thông qua A.Pátti để Tổng thống Truman công nhận Việt Nam.
Từ Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, Bác ca ngợi lẽ phải của Tuyên ngôn, nhưng tiếp theo là một lập luận đối lập đanh thép, tố cáo và vạch trần tội ác của bọn thực dân xâm lược trên đất nước ta hơn 80 năm qua. Tội ác ấy của bọn xâm lược diễn ra trên tất cả các phương diện, bắt đầu từ trò mị dân: tự do, bình đẳng, bác ái để che đậy những hành vi bất nhân, bất nghĩa từ chính trị, dân chủ, pháp luật, nhà tù, trường học, giết chóc, đàn áp đến chính sách ngu dân, rượu cồn và thuốc phiện, vơ vét, bóc lột, thuế khóa và kìm hãm sự phát triển của kinh tế dân tộc.
Hung hăng và tàn bạo là thế, nhưng khi Nhật vào, từ mùa thu 1940, thực dân Pháp đầu hàng; vào hùa với phát xít áp bức, bóc lột dân ta. Từ 9-3-1945, Nhật đảo chính, Pháp hàng dâng toàn bộ Đông Dương cho Nhật.
Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Nhân dân ta giành chính quyền từ tay Nhật : “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
Những lập luận sắc bén ấy, cho thấy ít nhiều Bác đã tiên đoán được ý đồ xâm lược trở lại Việt Nam của thực dân Pháp. Pháp đã đầu hàng Nhật. Nhân dân ta giành chính quyền từ tay Nhật. Không có lý gì thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương.
Thay mặt dân tộc Việt Nam độc lập, Người tuyên bố xóa bỏ tất cả những hiệp ước mà Pháp đã ký về Việt Nam, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất Việt Nam, thoát ly mọi quan hệ với Pháp.
Người mong muốn các nước Đồng Minh công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng khẳng định quyền dân tộc, quyền được hưởng tự do và độc lập.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. (*)Trong « » đều trích từ Tuyên ngôn độc lập
Bác Hồ viết Tuyên ngôn. Thời gian viết Tuyên ngôn không dài, chỉ có vỏn vẹn 3 ngày. Nhưng Người đã chuẩn bị để cho bản Tuyên ngôn này ra đời khoảng gần 40 năm, nếu chỉ tính từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước cũng đã là 34 năm.
“Sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe và hỏi ý kiến, Người nói: Trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy” .(1) HCM - Biên niên tiểu sử - Tập 2 - NXB.CTQG - H - 2006 - trang 287
Tuyên ngôn thể hiện sự tâm đắc của cả cuộc đời Người, là ý chí của cả cuộc đời Người như Người đã từng tâm sự trong “Di chúc”, lúc Người đi xa: Trước khi từ biệt thế giới này, tôi không còn điều gì phải hối hận nữa, chỉ tiếc là tiếc rằng, không còn được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa… Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là, làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta, ai cũng có cơm ăn áo mặc ai cụng được học hành…
Bác Hồ viết Tuyên ngôn, Tuyên ngôn không dài, với 1.024 chữ mà chứa đựng tất cả: chân lý của nhân loại, của loài người, tội ác của thực dân xâm lược và sự bạc nhược của chúng, nhân dân ta đã giành chính quyền, mong muốn các dân tộc khác công nhận độc lập chủ quyền của dân tộc ta và ý chí của toàn thể dân tộc ta.
Tuyên ngôn độc lập - Tâm đắc, ý chí, trí tuệ Hồ Chí Minh, truyền thống và khát vọng của dân tộc, lẽ phải, chân lý của nhân loại, của thời đại mãi mãi sống trong hành trình của dân tộc trên con đường xây dựng đất nước mạnh giàu dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh
 
Bài 24: (1) Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh




https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1448&pop=1&page=0&Itemid=5 Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là một bộ phận hợp thành của tư tưởng Hồ Chí Minh. Bộ phận này có một vị trí hết sức quan trọng. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là bộ phận cốt lõi, xuyên suốt toàn bộ tư tưởng của Bác, bởi vì, suy cho cùng mọi hành vi và mục đích của Hồ Chí Minh đều là mục tiêu văn hóa nhân văn. Ví dụ như, Bác đi tìm đường cứu nước là hành vi văn hóa, thậm chí từng hành vi cử chỉ của Người, từng bài nói, bài viết, cách ứng xử, sinh hoạt thường nhật của Người đều là những biểu hiện của văn hóa. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn của nhân loại ở thế kỷ XX và sau này. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một người bạn, người học trò, người đồng chí gần gũi của Bác đã nói: Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi. Sự trường tồn ấy chính là văn hóa Hồ Chí Minh, tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh.
24(1).jpg

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng phố Hàng Than, Hà Nội (1958)
Đúng là làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại, giải phóng loài người là mục đích quán xuyến toàn bộ cuộc đời hoạt động của Bác, song suy cho cùng đó cũng chính là hoạt động văn hóa. Vì vậy, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, tổ chức khoa học, văn hóa giáo dục của Liên hợp quốc Unesco đã khẳng định: Sự đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam. Những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng dân tộc, là sự khẳng định bản sắc dân tộc Việt Nam.
Khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, trong người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã thấm đẫm những nội dung cốt lõi truyền thống văn hóa dân tộc, đó là truyền thống bất khuất, ý chí đấu tranh cho độc lập tự do; đó là truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết gắn bó cộng đồng; đó là truyền thống cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất và trong chiến đấu chống kẻ thù… Trong người thanh niên ấy cũng thấm đẫm tinh hoa văn hóa phương Đông, đó là học thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử… Trung Hoa, đạo từ bi cứu khổ, cứu nạn, cứu chúng sinh của Phật giáo... Sang Pháp, Mỹ, Anh và các nước phương Tây, Người tiếp thu văn hóa văn minh từ nền văn hóa cổ Hy-La, văn hóa Phục hưng, những mặt tích cực, tiến bộ của văn minh tư sản. Khi tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin - 1920 toàn bộ vốn văn hóa của Hồ Chí Minh được nhân lên, được nâng lên tầm văn hóa cách mạng và giải phóng.
Thực chất của cách mạng XHCN là cách mạng về văn hóa, mục tiêu giải phóng triệt để người lao động là mục tiêu văn hóa. Để giải phóng dân tộc, trước hết phải giác ngộ, phải hiểu biết, đó là một góc độ của văn hóa.
Người chỉ rõ: “Bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng”.
Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, dù đất nước ngổn ngang, bộn bề hàng ngàn công việc cấp bách: Nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm, nạn thiếu hụt tài chính… đe dọa sự tồn tại của Nhà nước cộng hòa mới ra đời, nhưng việc xây dựng nền văn hóa mới được Bác Hồ đặt ra như một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, sáng 3-9-1945, Người đã đặt ra và đề nghị Chính phủ giải quyết một loạt các vấn đề văn hóa, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài cho quá trình phát triển của đất nước và dân tộc. Giặc đói đang hoành hành, giặc ngoại xâm đang đe dọa, nhưng Bác đề nghị mở ngay hai chiến dịch chống nạn mù chữ và chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống mới: cần, kiệm, liêm, chính. Cuộc vận động toàn dân nhằm khắc phục những tệ nạn, những hậu quả nặng nề mà thực dân phong kiến để lại trên lĩnh vực văn hóa, đó là sự tăm tối, dốt nát, tệ nghiện ngập, bê tha, lười biếng, gian giảo, tham lam, chia rẽ và bao nhiêu thói hư tật xấu khác.
Từ những vấn đề cấp bách về văn hóa cần giải quyết ngay trong những ngày đầu của dân tộc hồi sinh, Hồ Chí Minh đã nêu ra những tư tưởng lớn không chỉ cho công việc trước mắt mà còn cho mãi mãi mai sau. Thứ nhất là: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Dốt là yếu. Yếu là hèn. Muốn mạnh để hiên ngang phải học. Cả dân tộc dấy lên một phong trào bình dân học vụ - diệt giặc dốt, cả dân tộc xóa mù chữ và phổ cập. Thứ hai là: xóa bỏ các hủ tục, các tệ nạn, thực hiện cuộc vận động toàn Đảng, toàn quân và toàn dân: cần, kiệm, liêm, chính. Người viết nhiều bài phân tích về cần, kiệm, liêm, chính. Hai luận điểm này như chân lý cho cả dân tộc, cho cả nhân loại, cho đến mỗi gia đình, mỗi con người thậm chí cho các thế hệ con người đều hết sức đúng. Đó chính là một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh.
Sáu mươi hai năm sau, đất nước và dân tộc của Người đang đổi mới, đang vươn mình để sánh vai cùng với các cường quốc năm châu, đang bước vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đang là bạn với tất cả các nước trên thế giới. Những vấn đề Người yêu cầu thực hiện cấp bách vẫn đang còn đó - nóng hổi và cấp bách.
Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Dốt là hèn, đang thách thức cả dân tộc trong đó cốt lõi là nền giáo dục nước nhà. Nền giáo dục đang gồng mình trước vấn nạn đào tạo ra một bộ phận con người giả, kiến thức giả, bằng cấp thật cùng với bệnh “thành tích” hay nói nặng hơn là bệnh “dối trá”. Nếu không chữa được căn bệnh này, thì dù phổ cập đại học bằng cấp cho toàn dân nhưng cả dân tộc vẫn là dân tộc dốt và yếu.
Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tấm gương đạo đức của Bác có nhiều nội dung, có nhiều luận điểm, nhưng cốt lõi của đạo đức Hồ Chí Minh, chính là điều mà Người đã yêu cầu khi cả nước vừa giành được độc lập bước vào xây dựng đời sống mới: cần, kiệm, liêm, chính - Bốn chữ ấy là gốc rễ của một con người, gốc rễ của một đảng, một dân tộc cho hôm nay và mai sau.
Sinh thời Hồ Chí Minh sống bình dị, thanh bạch, trong sáng đúng với bốn chữ Người thường dạy: cần, kiệm, liêm, chính. Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh rất gần gũi với mỗi người, ai cũng có thể học được và làm được nếu thật sự có tâm để rèn đức để làm Người và thành Người.
 
Bài 24: (2) Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh


https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1449&pop=1&page=0&Itemid=5 Hướng tới con người và vì con người là mục đích văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh. Cũng như các nhà văn hóa lớn của nhân loại hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng con người, Hồ Chí Minh đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình vì sự nghiệp đó. Trước đây, Đức Phật Thích Ca - người sáng lập ra đạo Phật đã đi tìm ra chân lý để giải phóng con người. Theo quan niệm của đạo Phật, sở dĩ con người được giải phóng bởi vì cuộc đời của mỗi con người là đau khổ. Sinh, lão, bệnh, tử và những mong muốn không đạt được khiến cho con người khổ. Đau khổ bắt nguồn từ khát vọng tồn tại, khoái cảm, sáng tạo, quyền lực, cuộc sống vĩnh hằng. Muốn diệt hết cái khổ, phải tiêu diệt những dục vọng, những mong muốn để được giải thoát hoàn toàn. Đó là con đường đi tới Niết Bàn. Đức Chúa Giê Su - cũng đã hy sinh thân mình trên cây thánh giá, những mong giải phóng con người khỏi mọi nỗi khổ đau. Những điều răn dạy của Chúa đối với con người là những điều dạy cho con người sống phúc âm để sau này được trở về nước Chúa. Từ Đức Phật, đến Đức Chúa con đường tìm hạnh phúc và chân lý, con đường giải phóng cho con người lao động đều nằm ngoài thế giới này. Nơi cực lạc, nơi công bằng con người đều có thể đến, nhưng chỉ đến được sau khi cuộc sống thật của mỗi người đều không tồn tại.
24(2).jpg

Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5-1956)
Hướng tới con người, các cuộc cách mạng trước khi cách mạng vô sản ra đời đều chỉ thay thế chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác, chỉ có đến khi chủ nghĩa Mác ra đời, người lao động mới có lý luận tiên tiến và khoa học về công cuộc đấu tranh giải phóng. Chủ nghĩa Mác-Lênin thật sự mang tính nhân văn và nhân đạo cao cả đã nhìn nhận đúng đắn vai trò quyết định của quần chúng nhân dân đối với tiến trình của lịch sử xã hội loài người. Chính người lao động quyết định lịch sử của họ và cuộc cách mạng giải phóng loài người do người lao động thực hiện dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà đội tiền phong của nó là Đảng cộng sản.
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, trên hành trình đi tìm đường cứu nước đã tiếp thu, đã tìm đến với chân lý nhân văn vĩ đại ấy. Nhưng Nguyễn Tất Thành không tiếp thu kiểu sao chép giản đơn chủ nghĩa Mác mà tìm cách học hỏi, vận dụng sáng tạo. Ngay từ năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị phải bổ sung vào chủ nghĩa Mác những điều mà thời đại Mác chưa có, hoặc những đặc điểm của các dân tộc phương Đông mà chủ nghĩa Mác chưa thể hiện…
Tiếp thu có chọn lọc tư tưởng đạo đức văn hóa của phương Đông, phương Tây, của cả nhân loại, Hồ Chí Minh hết sức chú trọng đến văn hóa giáo dục. Đạo Khổng dạy: Nhân bất học, bất tri lý. Hồ Chí Minh dạy: Học hỏi là công việc phải làm suốt đời. Việc học và được học là một trong những điều hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định việc làm Người của một con người. Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác của bọn thực dân cướp nước đã nhân danh khai hóa văn minh, nhưng lại thực hiện một chính sách ngu dân tàn bạo để dễ bề cai trị. Biểu hiện của chính sách ngu dân là rượu cồn và thuốc phiện, là sự đàn áp các phong trào đòi độc lập và dân chủ của dân ta, là nhà tù nhiều hơn trường học… Trường học của bọn thực dân, phong kiến với mục tiêu là đào tạo ra những trí thức phục vụ cho sự nghiệp thống trị của chúng. Người khẳng định: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, cho nên, ngay sau ngày độc lập: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại cho nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” (1).
Hồ Chí Minh quan niệm, cách mạng đưa người lao động lên làm chủ. Muốn xứng đáng là người chủ thì phải học tập, bởi vì: “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về mặt tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực. Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thực hiện chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng”.(2)
Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến việc học. Bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về việc học. Người không có một tấm bằng cấp nào, nhưng tri thức của Người hết sức phong phú, bởi vì Người đã tự học. Tự học bắt nguồn từ nhu cầu, từ đòi hỏi của mỗi người. Đã trở thành nhu cầu thì nó sẽ thôi thúc tạo ra cho con người có ý thức học mà sau này chúng ta gọi hành vi đó là hành vi tự giác. Hồ Chí Minh đã học ở mọi nơi, nhưng quan trọng nhất là học từ thực tế, thực tiễn. Người học dưới tàu thủy, học khi làm bồi bàn, làm thợ đốt lò, học trong báo chí, trong đồng sự, học làm báo, học trong trường lớp… Sự học đã đem đến cho Người một sự hiểu biết rộng lớn, Người làm thơ, viết báo bằng tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… Đức học của Người được kể lại trong nhiều mẩu chuyện hết sức cảm động… Khi Người sang nước Anh, mùa đông giá lạnh, Người đi quét tuyết cho một trường học, rồi sau đó tìm được một việc là đốt lò. Ở dưới hầm lò, mồ hôi vã ra, nhưng ở trên mặt đất mưa tuyết và trời lạnh dưới 0o. Làm được mấy bữa Người bị bệnh, chỉ có mấy bảng Anh phải chi tiền thuê nhà, tiền mua bánh mì để ăn, tiền mua thuốc chữa bệnh và tiền mua sách để học tiếng Anh… khi Người khỏi bệnh, mỗi buổi chiều, người ta thấy một thanh niên châu Á gầy gò nhỏ bé ngồi trên ghế đá ở công viên Haidơ để học tiếng Anh… Người học làm báo từ một người bạn: viết rồi sửa; viết dài ra; viết ngắn lại… cũng bắt đầu từ thực tế. Người học suốt đời, như lời Người dạy chúng ta: Học hỏi là công việc phải làm suốt đời, không ai có thể tự cho mình là biết đủ rồi, hiểu đủ rồi.
Đối với nhân dân, Người căn dặn toàn thể đồng bào phải học tập để trở thành người chủ nước nhà.
Đối với cán bộ, Người dạy:
Học để làm việc
làm người
làm cán bộ
Học để phụng sự Tổ quốc
Nhân dân và nhân loại
Lời dạy ấy của Người được Người ghi trong cuốn sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương nhân ngày Người đến thăm trường (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Người dạy cán bộ, học phải sáng tạo, không giáo điều, thuộc làu làu mà không hiểu gì hết. Học chủ nghĩa Mác-Lênin là: “Học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập cái chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở nước ta” (3). Người phê phán những cán bộ khoe chữ, hay nói dông dài và đặc biệt là bệnh lười học tập.
Đối với thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng cho đời sau, đó là các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đây là người chủ tương lai của nước nhà, Bác càng chú ý đến đức học. Người dạy: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Người gửi gắm vào thế hệ trẻ những dòng tâm huyết ngay trong ngày đầu tiên khai giảng năm học của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các em.
Lời dạy của Bác như một chân lý cho thế hệ trẻ Việt Nam và cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Dân tộc và nhân loại bước vào thế kỷ 21 với sự phát triển của một nền kinh tế hậu công nghiệp, nền kinh tế tin học, nền kinh tế tri thức. Nguồn nhân lực có tri thức cao sẽ quyết định sự phát triển của quốc gia. Muốn có nguồn nhân lực có tri thức cao thì nguồn nhân lực đó phải được đào tạo, phải được học và học thật; học đúng với chữ “chính” trong “Tứ đức” mà Bác Hồ dạy.
“Học tập là công việc phải làm suốt đời”; học để làm việc, làm người, nếu ai “tự cho mình là biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”(4).
Tấm gương tự học và những lời Bác Hồ dạy về học tập mãi mãi sáng trong, cho mỗi con người Việt Nam suy ngẫm và noi theo
 
Bài 24: (3) Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh


https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1450&pop=1&page=0&Itemid=5 Hồ Chí Minh là một nhà chính trị. Bác đã từng nói, đại ý tất cả các hoạt động của Bác đều hướng tới mục tiêu chính trị. Chính trị được hiểu theo hai nghĩa, một là hình thái ý thức xã hội, tức hệ tư tưởng chính trị và hai là nghệ thuật thống trị của giai cấp thống trị xã hội. Theo nghĩa nào chăng nữa chính trị bao giờ cũng hàm chứa những nội dung văn hóa với mức độ khác nhau. Hồ Chí Minh nêu luận điểm “văn hóa ở trong chính trị”. Điều đó có nghĩa là, văn hóa phải phục vụ chính trị, phải thực hiện những nhiệm vụ chính trị và những mục tiêu chính trị. Mặt khác, chính trị bao hàm văn hóa, chính trị phải có văn hóa và đậm chất văn hóa.
24(3).jpg

Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5-1956)
Chính trị mà Hồ Chí Minh theo đuổi suốt cuộc đời là độc lập dân tộc và CNXH, một thứ chính trị nhân bản và nhân văn, một thứ chính trị văn hóa. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa chính trị phương Đông, phương Tây, chủ nghĩa Mác-Lênin và truyền thống Việt Nam, văn hóa chính trị Hồ Chí Minh mang tính khoa học, tính dân tộc và tính thời đại sâu sắc. Nếu chủ nghĩa Mác-Lênin chú ý nhiều hơn vấn đề giải phóng giai cấp công nhân thì khi tiếp thu Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác-Lênin dĩ là giai cấp công nhân chỉ là một bộ phận cấu thành dân tộc. Trong hoàn cảnh dân tộc bị áp bức và nô lệ, công cuộc giải phóng giai cấp công nhân chỉ có thể đồng thời với công cuộc giải phóng dân tộc. Thậm chí trong những giai đoạn cách mạng cụ thể nhất định, nhiệm vụ giải phóng dân tộc phải được đặt lên trên, lên trước nhiệm vụ giải phóng giai cấp và đương nhiên giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng qua đội tiên phong đó là Đảng Cộng sản phải nhận thức và thấu hiểu điều đó.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở lý luận mà được Người nhận thức và sử dụng, tác động vào con người và xã hội bằng sức mạnh văn hóa. Nhà nghiên cứu, giáo sư Trần Văn Giàu đã nói về văn hóa chính trị Hồ Chí Minh như những điều kỳ diệu nhất: Từ một thanh niên, không của cải, không tiền bạc, xuống tàu Pháp ra đi tìm đường cứu nước, ba mươi năm sau trở về cũng không tiền bạc, của cải, phải ở trong hang sâu núi thẳm, thế mà mọi người theo, cả dân tộc theo làm cách mạng thắng lợi.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là việc nhận thức và giải quyết thấu đáo vấn đề dân tộc trong mối quan hệ với quốc tế và thời đại. Khi Bác thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động trên Quốc gia Việt Nam, chứ không thành lập Đảng cộng sản Đông Dương theo ý đồ của Quốc tế Cộng sản, một hành động tưởng như đơn giản, nhưng riêng đối với cá nhân Bác và quan hệ với những người lãnh đạo thượng cấp của quốc tế thì khác. Cái khác lớn nhất là trái ý thượng cấp, mà thượng cấp thì có quyền lực, kể cả quyền lực tư duy và chân lý; lãnh đạo nói là đúng, là chân lý. Lúc đó, Bác đúng, nhưng cái đúng đó không được cho là đúng bởi vì nó đã bị phủ nhận bởi một cái sai từ quyền lực “chân lý”. Hành xử văn hóa chính trị của Bác tuy trái ý Quốc tế, song hết sức đúng đắn. Quốc tế mới chỉ thấy vấn đề giai cấp, liên hiệp giai cấp công nhân quốc tế theo một trong những luận điểm của Lênin nhưng chưa thấy những luận điểm trước đó về quyền bình đẳng và quyền tự quyết dân tộc. Quốc tế cộng sản chưa thấy rõ ràng giai cấp công nhân chỉ là một bộ phận trong cộng đồng giai cấp và dân tộc. Không giải quyết thấu đáo vấn đề dân tộc thì cũng không thể giải quyết được vấn đề giai cấp và xoay quanh vấn đề ấy là lợi ích. Vấn đề liên hiệp giai cấp công nhân quốc tế được hiểu như liên hiệp các dân tộc. Xã hội phát triển đến khi không còn giai cấp, không còn nhà nước - vấn đề này thuộc về thì tương lai, không thể áp đặt bằng một quyết định quyền lực, một ý đồ chính trị mà phải bằng, trước hết là một tất yếu kinh tế và là một quá trình phát triển lâu dài.
Mục tiêu chính trị của Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, trước hết là giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm. Công cuộc giải phóng ấy gồm hai giai đoạn, giai đoạn một là giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm và giai đoạn hai là giải phóng dân tộc khỏi nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đất nước phát triển ngang bằng với các quốc gia tiên tiến khác. Để giải phóng dân tộc phải có ngọn cờ lãnh đạo của giai cấp lãnh đạo. Nhưng giải quyết mối quan hệ giữa giai cấp lãnh đạo với dân tộc là nghệ thuật lãnh đạo, mà nghệ thuật lãnh đạo thực chất là một bộ phận của văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh trên góc độ này là thấy đại cục, đặt lợi ích của đại cục lên trên, lên trước, đồng thời giải quyết những lợi ích cục bộ khác. Chính vì vậy mà Người tập hợp được lực lượng toàn dân tộc trong đó có cả những nhân sĩ trí thức vốn là quan lại của chế độ cũ, thậm chí cả linh mục cũng gia nhập vào lực lượng này.
Thực hiện được điều đó bởi vì, Hồ Chí Minh thấy, nguyện vọng giải phóng dân tộc là nguyện vọng chung của tất cả mọi người dân Việt Nam, cho dù người đó đang làm gì, ở đâu, giàu hay nghèo, theo đạo gì? Đất nước đã bị ngoại xâm thì vua chúa cũng là vua chúa nô lệ, quan lại cũng là quan lại nô lệ, các thành phần, các giai cấp khác đều là nô lệ. Đã là nô lệ thì họ đều có nhu cầu giải phóng. Đất nước nô lệ, công nhân và nông dân cũng là người nô lệ, nhưng đất nước không của riêng của công nông. Nếu chỉ riêng công nông đi làm cách mạng chưa chắc cách mạng Việt Nam đã thành công mà lực lượng cách mạng Việt Nam là tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo được tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất mà nòng cốt là liên minh công nông. Vấn đề này không đơn thuần về mặt lực lượng, mà là sự tập hợp và phát huy sức mạnh của cả dân tộc trong đó phát huy cả trí tuệ, tiềm lực vật chất, kỹ năng và phương pháp trị nước. Trên góc độ này, chủ nghĩa Mác-Lênin mới nêu luận điểm liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Luận điểm này đúng trong hoàn cảnh cách mạng vô sản nổ ra và giành thắng lợi ở các nước chủ nghĩa tư bản đã phát triển ở mức trung bình. Còn ở thực tế Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phát triển luận điểm liên minh giai cấp công nhân nông dân và đội ngũ trí thức thành luận điểm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân nông dân và trí thức trong cách mạng Việt Nam - một nước thuộc địa nửa phong kiến, bắt đầu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa từ một nước nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển.
Tổng kết lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm đầu tiên, được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử cách mạng Việt Nam đó là giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sau này, đất nước đã bước vào công cuộc đổi mới, bài học này được nêu là nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nói theo cách nào đi nữa thì cốt lõi của bài học là việc giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc và giai cấp. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh rằng khi nào sức mạnh toàn dân tộc được tập hợp, được phát huy thì dân tộc ta phát triển và ngược lại. Lịch sử cách mạng Việt Nam hơn 70 năm qua càng minh chứng rõ thêm điều đó. Và điều đó đã được sáng tỏ bằng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Đảng và lãnh tụ của Đảng phải tập hợp được lực lượng toàn dân tộc xung quanh mình để thực hiện mục tiêu chính trị. Mục tiêu đó là mục tiêu cho cả dân tộc, cho đất nước… Một Đảng và lãnh tụ của Đảng muốn tập hợp được lực lượng toàn dân tộc, bên cạnh đường lối, chủ trương, chính sách, còn là cách hành xử của bản thân những cán bộ, đảng viên thực thi các cương vị và trọng trách. Văn hóa chính trị được thể hiện ngay trong mỗi con người cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh đã thực hiện một cuộc biến đổi trong cách hành xử quyền lực, từ quyền lực thống trị, thực hiện nhiệm vụ cai trị là chủ yếu thành quyền lực phục vụ là chủ yếu với mục đích thật sự giải phóng người lao động và đưa người lao động lên làm chủ đất nước và xã hội. Chính vì vậy, Người đề cao và nhắc nhở cán bộ, đảng viên đạo làm gương và đức hy sinh, gian khổ hy sinh thực hiện trước, hưởng thụ sau theo phương châm đảng viên đi trước, làng nước theo sau - văn hóa chính trị Hồ Chí Minh mộc mạc, giản dị như vậy đó.
 
Bài 24:(4) Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh



https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1451&pop=1&page=0&Itemid=5 Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh đồng nhất và là một bộ phận văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự thống nhất các mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Muốn đạt được mục tiêu đó, Hồ Chí Minh đã xác định phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc là xây dựng khối đồng tâm nhất trí tất cả các thành phần dân tộc, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là các tôn giáo. Phải rất văn hóa mới có thể “cầu đồng tồn dị”. Ngày nay, Đảng ta nói là tìm thấy điểm tương đồng cũng là nói lên điều đó, tức là mỗi tôn giáo có sự khác biệt luôn tồn tại đó là “tồn dị”, nhưng lại có điểm tương đồng với nhau, có thể ngồi lại cùng nhau, hợp sức cùng nhau, đó là “cầu đồng”. Phải rất có văn hóa mới có thể coi trong tôn giáo có một phần của văn hóa, coi tín ngưỡng là một phần tâm linh của đồng bào theo đạo hay không theo đạo và cần phải được tôn trọng; từ đó, mới thấy được tinh thần bác ái của Chúa Giêsu hay đức từ bi hỷ xả của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
24(4).jpg
<!--[endif]-->
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952. Ảnh: TL

Năm 1947, rằm tháng bảy Bác Hồ đã viết thư gửi Hội Phật tử Việt Nam: “Đức Phật là đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu để diệt lũ ác ma”. Hiểu đạo đức của Đức Phật, với tình thương yêu bao la từ cỏ cây, muông thú, nhưng Hồ Chí Minh cũng thấy, phần lớn các vị sư trước khi thoát tục đều có nỗi đau riêng và có thêm nỗi đau nhân thế, khi đất nước bị thực dân đô hộ làm gì có nhân tình thế thái, chỉ có bất công và bạo ngược đến mức mọi con người, mọi gia đình đều bị giày xéo, tan nát. Nước mất, những người dân là người dân nô lệ, tôn giáo cũng mất tự do. Điểm tương đồng giữa những người theo đạo Phật và quần chúng nhân dân đó là mong ước được tự do, được tôn trọng, được hạnh phúc, kể cả hạnh phúc tìm được ở nơi cửa Phật. Hồ Chí Minh đã khai thác triệt để hành vi nhân văn của Đức Phật khi yêu ma tàn sát chúng sinh, Đức Thích Ca đã ra tay diệt chúng để cứu giúp dân lành. Đạo đức Hồ Chí Minh có hình bóng của Đức Phật, tu tâm dưỡng tính, chất phác giản dị, tất cả để dâng hiến cho đời. Bác đã đưa các nhà sư từ tu tâm, dưỡng tính, ẩn dật nơi cửa chùa, bóng Phật thành những người đem cái Đức của đạo Phật cứu giúp chúng sinh nơi trần thế chứ không cần đợi đến lúc về đất Phật - Niết bàn. Đạo của Đức Phật cũng đi tìm và đem lại hạnh phúc cho nhân gian. Hồ Chí Minh cũng đi tìm con đường và đem lại hạnh phúc cho đất nước và dân tộc, đó chính là điểm tương đồng. Văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị Hồ Chí Minh vừa có những điểm rất gần với mục tiêu của các tôn giáo, đó là quan điểm nhân sinh, song vừa có những điểm khác biệt về thế giới quan và hành động vị nhân sinh. Cái cơ bản tìm được tiếng nói chung để đi đến hành động chung giữa các tôn giáo và văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự tôn trọng, sự thấu hiểu là mục đích nhân bản, nhân đạo và nhân văn.
Với Đức Chúa Giêsu, Hồ Chí Minh rất mực tôn trọng, coi Đức Chúa là bậc thầy của mình. Có một số người ngộ nhận cho rằng, Thiên Chúa Giáo do chủ nghĩa thực dân đem vào Việt Nam với mục đích để xâm lược Việt Nam. Bác Hồ có một cách nhìn khác, đồng bào theo đạo Thiên Chúa là người Việt Nam, cũng là con dân Việt Nam, cho nên nếu “Nước không được độc lập, thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập trước đã”. Ngày 21-12-1947, trong thư gửi đồng bào theo đạo Thiên Chúa nhân dịp Chúa giáng sinh, Bác viết: “Gần 2000 năm về trước, Đức Chúa đã cho loài người quyền tự do và dạy loài người lòng bác ái. Thế mà thực dân phản động Pháp tàn sát đồng bào ta, phá phách nhà thờ chung, khinh rẻ tôn giáo. Chúng làm trái với lòng Chúa, chúng sẽ bị tội và sẽ thất bại”. Người tin tưởng ở cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ thắng lợi bởi vì cuộc kháng chiến ấy có sự phù hộ của Đức Chúa: “Chúng ta toàn dân, giáo cũng như lương, đoàn kết kháng chiến để Tổ quốc được độc lập, tôn giáo được tự do. Đức Chúa phù hộ chúng ta, chúng ta chắc thắng lợi”. Viết như vậy là Bác hết sức kính Chúa, đồng thời cũng hết sức tôn trọng đức tin của đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Đó chính là cách hành xử hết sức có văn hóa và văn hóa đạo đức. Tôn trọng đức tin của đồng bào theo đạo, coi đức tin của đồng bào là sự đồng cảm của mình thì chắc chắn đồng bào sẽ tin theo, sẽ đoàn kết trở thành một bộ phận trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào theo đạo Thiên Chúa kính Chúa là yêu nước cũng như mỗi người dân Việt Nam đều có lòng yêu nước; những người cộng sản theo Bác Hồ cũng là những người yêu nước, vì thế cho nên Hồ Chí Minh đã tập hợp được đại đa số đồng bào theo đạo Thiên Chúa, trong đó có cả các vị linh mục. Trong các vị linh mục có nhiều vị trở thành đại biểu Quốc hội, có người giữ trọng trách trong chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh cho rằng: Đức Phật, Đức Chúa và những người xã hội chủ nghĩa đều cùng phấn đấu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong thư gởi Linh mục Trần Tam Tỉnh, Người viết: Mục đích của Chính phủ là chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Song, để đạt mục đích đó cho mọi người cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu Đức Chúa Giêsu sinh vào thời đại chúng ta và đặt mình vào nỗi khổ đau của người đương thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm đường cứu khổ cho loài người.
Hồ Chí Minh tôn trọng các vĩ nhân sáng lập ra tôn giáo, đồng thời tôn trọng những người chức sắc trong các tôn giáo, tôn trọng giáo dân, với mục đích vừa giản đơn, vừa rất sâu sắc là nếu như đức tin của họ là gửi gắm và trông chờ vào sự giải thoát mọi nỗi đau ở một thế giới khác, nhưng cam chịu nỗi bất công, ô nhục ở thế giới này thì hãy gửi gắm đức tin ngay thế gian trần tục này để giúp mọi người giải phóng khỏi bất công, bạo ngược. Đối với một số tín đồ, chức sắc tôn giáo, lợi dụng tôn giáo, khoác áo tôn giáo tiếp tay cho bọn xâm lược, làm nhục Đức Phật, Đức Chúa, phản nước hại dân, Hồ Chí Minh có thái độ kiên quyết, nhưng mềm dẻo. Người khuyên giải linh mục Lê Hữu Từ, động viên khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, tuân thủ lời răn dạy của Chúa, không nên vào hùa với kẻ ác ma đó là bọn thực dân xâm lược… Trong thực tế, có một số người lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị, thực hiện những âm mưu chính trị, tiếp tay cho kẻ thù. Đức Phật, Đức Chúa không dạy bất kỳ một điều ác nào. Đức Phật và Đức Chúa rất nhân từ, dạy con người sống từ bi nhân ái. Chính vì vậy, phải làm cho đồng bào hiểu rõ hành vi và tội ác của những kẻ phản Chúa, hại dân.
Khi một nửa nước đã được giải phóng, trên cương vị là người đứng đầu Đảng, đứng đầu nhà nước, Hồ Chí Minh rất quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo được hoạt động tự do, để đồng bào được sống tốt đời đẹp đạo. Người yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tôn trọng các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân.
Hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người, văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là sự hòa quyện giữa chính trị với tôn giáo. Chính trị tôn trọng tôn giáo, gần gũi và tạo điều kiện cho các tôn giáo tự do hoạt động. Đạo đức chính trị Hồ Chí Minh có những điểm rất gần với đạo đức tôn giáo, đó là lòng nhân ái, vị tha, là nhân văn hướng thiện. Đạo đức tôn giáo trở thành một phần đời, trong cuộc đời đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là đoàn kết, là xây dựng khối đại đoàn kết để tạo thành sức mạnh, để đem lại hạnh phúc cho mọi người, để phần xác của mọi người được no ấm, hạnh phúc, tự do, chắc phần hồn khi giải thoát cũng sẽ thong dong thanh ...
 
Bài 24.(5): Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh



https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1452&pop=1&page=0&Itemid=5 Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển tinh hoa truyền thống văn hóa dân tộc và nhân loại… Bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh tóm tắt lại bài học tiếp thu từ văn hóa phương Đông và phương Tây: Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách thích hợp với điều kiện của nước ta.
Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy .
24(5).jpg
<!--[endif]-->
Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả sản xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh (1958). Ảnh: TL
Một đặc điểm chung hết sức quan trọng của các vĩ nhân trên thế giới từ cổ chí kim, cái đọng lại đối với nhân loại, với nhân gian là việc tu dưỡng đạo đức. Có đức thì mới có nhân, mới có thể sống cho nhân dân, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh cái đức, cái nhân cao đẹp đó. Đối với Bác, cả cuộc đời Người là sự hy sinh hạnh phúc cá nhân để mưu cầu hạnh phúc cho người khác, cho nhân dân. Người răn dạy các học trò, các đồng chí của mình và các thế hệ kế tiếp, phải có đức, phải lo cho nhân dân, lo cho xã hội phồn vinh. Chăm chút cái đức, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời đạo đức. Ánh sáng ấy, tỏa ra từ chính con người và hành vi của Người. Thông thường, đối với các chính khách, càng giữ chức vụ cao, càng được chăm sóc mọi sinh hoạt cá nhân ở mức độ cao với những phương tiện hiện đại, giá trị lớn. Nhưng với Bác thì ngược lại, mọi sinh hoạt của một người đứng đầu một Đảng cầm quyền, đứng đầu một nhà nước độc lập cũng tương tự như khi đang còn hoạt động bí mật. Sinh hoạt của Người vẫn dung dị, không xa hoa, không tiện nghi, không khác với đời thường. Bởi vì, bên cạnh Người, cả dân tộc của Người, nhân dân, đất nước của Người còn biết bao những mảnh đời cơ cực, một nửa nước thân yêu chưa được giải phóng. Tâm sự của Người như nuốt nghẹn vào trong lòng khi đất nước còn gian lao, vất vả: Khi chúng ta bưng bát cơm lên ăn, hãy nhớ đến đồng bào còn đói khổ… Rồi Người kêu gọi cứu đói. Kêu gọi mọi người và Người xung phong thực hiện trước. Đó là nói chuyện ăn của Bác. Cái ăn. Chuyện nhỏ mà không nhỏ, khi Bác: ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc, cho nên, chắc sinh thời, không mấy khi Bác Hồ kính yêu ăn được ngon, khi nhân dân còn nhiều người thiếu thốn. Chuyện về Bác Hồ ăn, cái ăn đạo đức và nhân văn. Những bữa ăn của Bác trở thành huyền thoại, trở thành những bài học giáo dục đạo đức và nhân tâm cho tất cả mọi người. Chuyện về ăn là chuyện nhỏ, nhưng Bác không quên và không coi đó là chuyện nhỏ.
Những năm tháng hoạt động trên đất Pháp (1920), Bác thường được các đồng chí mời cơm. Một lần ăn cơm ở nhà đồng chí M.Tôrê (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp). Ăn xong, Bác nhặt những mảnh vụn bánh mì gói vào một tờ giấy để dành cho chim. Khi Bác đã ra về, mẹ đồng chí Tôrê, năm đó đã 92 tuổi nhận xét: Phải là một người đã biết thế nào là đói khổ mới biết quý từng vụn bánh…
Những năm tháng trước đó, khi làm bồi bếp ở một khách sạn của “vua” đầu bếp Étcốppie tại Luân Đôn (Anh), cũng chuyện ăn, Nguyễn Tất Thành đã cẩn thận gói đồ ăn dư lại bằng những tờ báo sạch chứ không trút cả vào thùng để đổ đi như những người khác thường làm. Một lần, “vua” đầu bếp bắt được hành động này của anh và hỏi rằng: Tại sao lại gói đồ ăn lại? Anh Thành đã thành thật trả lời rằng: Thưa ông, ngoài đường còn nhiều người đói rét quá! Chính câu nói và hành vi quan tâm đến những người đói khổ, hành động hết sức nhân đạo đã lay động tâm can của ông “vua” không ngai vàng này, Étcốppie đã quyết định truyền nghề cho anh…
Cũng chuyện về ăn, những năm tháng thuở nhỏ ở quê hương nghèo khó, Nguyễn Sinh Cung đã chứng kiến cảnh người đói, người chết đói, đã chứng kiến tấm lòng nhân hậu của ông, bà ngoại, của cha mẹ mình chia sẻ miếng cơm, manh áo cho họ. Năm 1900, khi cha và anh đi công cán cho triều đình, cậu Cung ở nhà với mẹ. Khi đó, mẹ cậu mới sinh em bé. Không có nhiều tiền, hàng bữa, cậu phải mang tô mua cháo để về ăn cùng với mẹ. Chuyện ăn để sống in dấu ấn trong cậu bé Cung, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, cho nên mong muốn tột bậc của Bác là đồng bào có cơm ăn được đặt lên như một vị trí hàng đầu: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là, làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, mỗi miếng ăn của Người dường như còn đang ấp ủ bao nỗi lo âu khi dân tộc còn nhiều người chưa thật sự hoàn toàn có cơm ăn. Cái ăn đạo đức và nhân văn - những bữa ăn sâu nặng tình người… Chuyện về bát chè xẻ đôi không chỉ có bát chè, mà ở trong đó là tình yêu thương của Bác, là sự gần gũi của Người với người phục vụ. Gần lắm, gần đến độ giữa lãnh tụ và người chiến sĩ liên lạc ấy có sự ân cần như cha với con, anh với em, như ruột thịt. Thời đó còn khó khăn lắm, Bác làm việc khuya, các đồng chí phục vụ Bác cố gắng tạo thêm cho Bác có bát chè ăn, thế nhưng, người liên lạc đi công văn đến, Bác xẻ đôi bát chè và giục người liên lạc cùng ăn… Cầm bát chè của Bác, người lính thông tin ăn, vừa ăn vừa cảm động đến xót nước mắt.
Cũng lại chuyện về ăn, đi công tác về địa phương, thông thường đến đâu là Bác được chứng kiến việc tiệc tùng chuẩn bị để đón Bác rất long trọng và linh đình và chắc chắn là tốn kém. Đã có lần Bác chất vấn về sự xa hoa, lãng phí đó: Thế tiền của đó ở đâu mà ra? Của nhân dân đóng góp cả đấy, cho nên phải tiết kiệm. Thế là Bác đi họp ở địa phương, các đồng chí phục vụ Bác nắm (vắt) cơm và đồ ăn khô mang theo. Họp xong, Bác về. Trên đường về, Người cùng các đồng chí phục vụ chọn nơi bóng mát, Bác cháu cùng “mở tiệc” cơm nắm.
Những ngày tháng sinh hoạt bình dị của Bác, khi có món ăn ngon, Bác không bao giờ ăn một mình, không bao giờ đòi hỏi hoặc gây phiền hà cho người khác về chuyện ăn. Trước năm 1965, khi Người chưa bệnh nặng, Bác ăn uống chung với các chiến sĩ của đội cảnh vệ, cùng ăn, cùng chia ngọt xẻ bùi với các chiến sĩ.
Những món ăn của vị Chủ tịch nước hưởng dụng hàng ngày, cũng là những món ăn mà Người ưa thích. Bác thích thịt vịt chấm tương Nam Đàn, cà dầm tương, cá kho tương, cá trê kho tiêu, cá bống kho gừng, canh cua rau đay, mướp hoặc rau mồng tơi với mướp…
Năm tháng chiến tranh chống Mỹ, nhiều đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam ra thăm miền Bắc, được vào thăm Bác, được Bác mời cơm. Bữa cơm đãi khách quý của Bác không phải là những món Tây, Tàu cao lương mĩ vị, mà là bữa cơm bình dị như những bữa thường nhật của Người, cũng canh cua, cà pháo muối chua, cá rô kho tộ hoặc cá trê kho tiêu. Những bữa cơm giản dị nhưng ấm áp tình cảm gia đình của Bác đã để lại cho các anh, chị được thăm Bác, được ăn cơm của Bác nhớ mãi không nguôi…
Những bữa ăn của Bác, bữa ăn của Người đứng đầu đất nước được ghi lại, tỏa sáng như đức tính bình dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt cuộc đời luôn luôn ấp ủ một nỗi lo, lo cho dân, cho nước, cho những người còn đói khổ.
Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng phải ăn, nhưng chỉ nói đến ăn thôi cũng có hàng trăm, hàng ngàn cái ăn và kiểu ăn. Có người cho rằng, chỉ vì ăn mà con người tìm tòi, rồi giành giật, đâm chém lẫn nhau, hình thành thứ bậc, vai vế, “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, kẻ “ăn trên ngồi trước”… Cũng nói đến chuyện ăn, chuyện ăn mang đầy tính nhân văn, chuyện ăn biểu hiện của văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh. Những bữa ăn giản dị của Bác trở thành những bài học đạo đức vô cùng quý giá cho mỗi cán bộ, đảng viên, cho mọi người dân và rộng hơn là cho tất cả mọi con người trên trái đất này trong hành trình phấn đấu vì một xã hội công bằng, bình đẳng, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành - một thế giới văn minh - Điều mong muốn giản đơn mà vĩ đại của Bác Hồ.
 
Bài 24.(6): Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh



https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1453&pop=1&page=0&Itemid=5 Kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng - Bác Hồ có bài phát biểu về Đảng ta, trong bài đó Bác nhắc nhiều lần: Đảng ta thật là vĩ đại, và Người làm những câu thơ để kết luận bài nói:
“Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.
Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập là hòa bình, ấm no.
Công ơn Đảng thật là to,
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
24(6).jpg
<!--[endif]-->
Quê hương nghĩa nặng tình sâu, 50 năm ấy biết bao nhiêu tình (1961).

Sinh thời, Bác chưa đề cập đến khái niệm văn hóa Đảng. Gần đây, nhiều nhà khoa học trong và ngoài Đảng đề cập đến khái niệm văn hóa Đảng. Văn hóa Đảng được biểu hiện ở trên nhiều góc độ khác nhau như văn hóa Đảng trong sinh hoạt nội bộ Đảng, văn hóa Đảng của mỗi đảng viên, mỗi tổ chức Đảng; Văn hóa Đảng trong hoạt động lãnh đạo xã hội của Đảng trong đó có lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo các tổ chức xã hội, trong mối quan hệ với nhân dân; trong mối quan hệ quốc tế…
Đảng Cộng sản là một tổ chức chính trị, là tập hợp những người ưu tú nhất, tiên tiến nhất nhằm thực hiện sự lãnh đạo giai cấp và dân tộc, đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức, bất công, xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, ấm no và hạnh phúc. Với quan niệm về Đảng như vậy, Đảng là một tổ chức chính trị, là một tổ chức của những người có đạo đức nhất, văn hóa nhất để lãnh đạo nhân dân làm cách mệnh.
Trong Đường kách mệnh, Bác khái niệm về Đảng hết sức đơn giản, dễ hiểu. Khái niệm về Đảng của Bác được đặt trong mối quan hệ với kách mệnh:
“Cách mệnh trước hết phải có cái gì?
Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.
Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Đảng là đạo đức, là văn minh cho nên mục đích phấn đấu của Đảng cũng là mục đích mang tính đạo đức và văn minh, Bác nhiều lần nhắc:
“Đảng ta là Đảng cách mạng, là Đảng lãnh đạo. Ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”.
“Đảng ta là Đảng chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Ngoài ra, không còn lợi ích nào khác”.
“Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác”.
Một đảng như vậy, tất cả đều vì Tổ quốc, vì nhân dân, thì dân sẽ tin, sẽ yêu sẽ theo Đảng. Bởi vì, theo Đảng sẽ có một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Tất nhiên cuộc sống ấy không có được ngay mà phải trải qua một quá trình đấu tranh, quá trình xây dựng không hề đơn giản mới có được.
Sức sống của Đảng là sức sống trong lòng dân. Khi Đảng mới ra đời, Cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh bùng lên, ngay sau đó kẻ thù tàn sát, khủng bố. Nếu như các lực lượng khác, bị đàn áp, thông thường chỉ leo lét một vài tháng, một vài năm rồi tắt lịm. Nhưng không! Dù bị đàn áp, sức sống của Đảng rất mãnh liệt, một mặt do chính lý tưởng của Đảng thắp sáng trong những người cộng sản trung kiên. Họ đã biến nhà tù thành nơi “luyện thép”, thành trường học cách mạng để truyền cho nhau tri thức và sự giác ngộ. Một người ngã xuống, hàng trăm người đứng dậy. Mặt khác, sức sống của Đảng tồn tại vững bền trong lòng quần chúng. Quần chúng nhân dân, khao khát và mong chờ người lãnh đạo đúng đắn và sáng ngời đạo đức, những người dám hy sinh phấn đấu, không tiếc cả xương máu của mình để vì họ.
Không có đạo đức cách mạng không thể làm được như vậy. Một đảng là đạo đức, là văn minh thì không có thế lực nào có thể làm lu mờ được.
Trong những năm tháng kháng chiến, đảng viên của Đảng là hiện thân của sự xung phong, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ luôn ở phía trước, phía quyết tử vì sự sống của cả dân tộc. Vì vậy, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Bác Hồ đăng trên báo Nhân dân cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3-2-1969: “Nhân dân ta thường nói đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ ta”.
Đảng ta vĩ đại thật. Câu nói ấy được Bác nhắc tới năm lần trong bài phát biểu về Đảng, văn hóa Đảng thấm vào non nước, vào lòng dân.
Một đảng tất cả vì nhân dân “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”: (Lo thì lo trước thiên hạ, vui thì vui (hưởng thụ) sau thiên hạ). Bác giao nhiệm vụ: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không đủ gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo… Ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo” …
Bác dạy Đảng ta như vậy, và Người đã gương mẫu làm tất cả những điều Người dạy như một tấm gương trong cho mọi đảng viên và cán bộ noi theo.
Chăm lo cho dân là kế sách ngàn đời, là kế sâu rễ bền gốc, là hành vi của đạo đức và nhân văn, là phép trị nước, cho đất nước trường tồn. Bác Hồ đã chăm chút cho Đảng những điều đó, ngay từ khi Đảng chưa ra đời. Những ngày trứng nước, những bài giảng “Đường kách mệnh” của Bác dạy cho “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” là bài giảng đạo đức, nhân cách, tư cách người cách mạng. Nhưng cũng từ cách nhìn đạo đức văn hóa - nhân văn, Bác sớm phát hiện ra sự thoái hóa của đạo đức cách mạng ngay khi con người có quyền lực, trong một bộ phận đảng viên và cán bộ có quyền lực. Thực chất của quyền lực chân chính không hề đối lập với đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng cũng không hề đối lập với trí tuệ. Đạo đức càng cao, trí tuệ càng cao. Muốn có trí tuệ cao thì cái đức cao chính là sự học. Học để có trí và để rèn đức. Quyền lực không hề đối lập với trí và đức. Trí và đức càng cao, quyền lực càng bền vững trên cơ sở của lòng tin và sự kính trọng của người đời và của nhân dân.
Nói theo Bác, nói hành động của Bác thì không thật khó. Nhưng làm theo Bác thì không hề dễ chút nào. Có nhiều bài viết phân tích về những chữ “Thật” trong “Trước hết” của “Di chúc” Bác. Chữ “Thật” là biểu hiện của chữ “Chính” trong tứ đức: cần, kiệm, liêm, chính tức là trung thực, thật thà, đúng đắn. Chữ “Thật” cũng là chữ “Liêm”. Có thật thà thì mới có “Liêm”. Có thật thà mới không tham lam, là đảng viên thì phải tham, nhưng không được tham lam tiền bạc, chức vụ, quyền hành nếu cái tham đó không “thật” mà tham là tham học, tham làm, tham cần, tham kiệm. Chữ “thật” của Bác dạy Đảng ta, dạy mỗi cán bộ đảng viên là cốt lõi của văn hóa cầm quyền, của đạo đức cầm quyền. Điều này, khi bước vào công cuộc đổi mới toàn diện tháng 12-1986 trong Nghị quyết Đại hội Đảng ta có ghi một đoạn như một phương châm: nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.
Đúng thật là nói thật không dễ, làm thật càng không dễ. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác một cách thật sự không dễ. Bác dạy Đảng ta đạo đức văn hóa cầm quyền: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
 
Bài 24(7): Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh




https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1454&pop=1&page=0&Itemid=5 Trong các tác phẩm, lời dạy, bài nói, bài viết của Bác để lại cho chúng ta, Bác luôn luôn nhắc nhở tự phê bình và phê bình. Có lúc Người sử dụng thuật ngữ này khi nói đến những vấn đề liên quan đến cá nhân đảng viên. Có lúc người sử dụng thuật ngữ này khi nói đến các hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng, của toàn Đảng. Cụm thuật ngữ tự phê bình và phê bình thường được Bác gắn với cụm “thường xuyên”: thường xuyên tự phê bình và phê bình. Bác coi tự phê bình và phê bình như cơm ăn, nước uống hằng ngày của mỗi con người.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, viết tháng 10-1947, Bác chỉ rõ “cách phê bình: Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.
24(7).jpg

Mục đích của tự phê bình và phê bình hết sức trong sáng. Sự trong sáng của mục đích tự phê bình và phê bình chính là một trong những nội dung của đạo đức, nhân văn. Xét trên góc đôï văn hóa, thì đây chính là một nội dung cơ bản của văn hóa Đảng. Tại sao tự phê bình và phê bình là một trong những nội dung cơ bản của văn hóa đạo đức - văn hóa Đảng? Bác Hồ kính yêu cũng đã giải thích rõ, chỉ có tự phê bình và phê bình, Đảng mới luôn luôn nhận thấy khuyết điểm để sửa chữa, mới luôn luôn giữ được sự trong sạch, mới hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ gìn tư cách của một đảng cách mạng, một đảng chân chính...
Trong 12 điều “Tư cách của một đảng chân chính, cách mạng” Bác viết: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm mà tự sửa chữa để tiến bộ và để dạy bảo đảng viên”. Trong 12 điều về một đảng cách mạng thì có tới 5 điều Bác dặn liên quan đến tự phê bình và phê bình.
Trong Đảng luôn luôn tồn tại các mâu thuẫn biện chứng. Các mâu thuẫn đó tồn tại như một tất yếu khách quan, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin thì nhờ có các mâu thuẫn đó, sự vật và hiện tượng mới vạân động và phát triển. Mâu thuẫn trong nội bộ Đảng là loại mâu thuẫn không đối kháng cho nên giải quyết phải bằng phương pháp hòa bình. Phương thức xử lý và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, không có phương thức nào tốt hơn là tự phê bình và phê bình. Cũng như một người mắc bệnh, nếu giấu bệnh, không bốc thuốc hoặc bốc thuốc không đúng bệnh, hậu quả sẽ khôn lường.
Tự phê bình và phê bình còn là biểu hiện của tình đồng chí, là biểu hiện của dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Dân chủ càng được phát huy, sự lãnh đạo tập trung sẽ càng cao. Dân chủ càng rộng rãi, văn hóa trong sinh hoạt sẽ càng phong phú, hoạt động của tổ chức sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệu quả sẽ cao hơn. Cho nên “tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”.
Tự phê bình và phê bình là một trong những nội dung cơ bản của văn hóa Đảng, cho nên Đảng phải thường xuyên tổ chức tự phê bình và phê bình. Do có tầm quan trọng đặc biệt như vậy cho nên Bác Hồ nói rất nhiều, nhắc nhở rất nhiều đến tự phê bình và phê bình. Hầu hết các bài nói về Đảng, Bác đều nhắc đến tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ:
“Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mà mình đã phạm.
Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ…
… Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa.
Chỉ có Đảng chân chính cách mạng mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa.”
“Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho. Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa”.
Trong Di chúc trước lúc đi xa, khi căn dặn Đảng ta về tự phê bình và phê bình để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Bác cân nhắc, đắn đo, sau đó Người bổ sung thêm câu “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Điều đó có nghĩa là, chỉ có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau mới có thể chỉ rõ cho nhau khuyết điểm một cách chân tình và thẳng thắn. Không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau không làm được như vậy. Ngược lại, nếu không thấy được những lời chân thành của phê bình là tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì những lời phê bình đó sẽ trở thành những “hận thù”, những “âm ỉ”, để rồi sẽ có “vay”, có “trả”, có sự tính toán…
Tự phê bình và phê bình ngoài động cơ, mục đích trong sáng còn cần phải có thái độ đúng, phương pháp đúng, thậm chí còn phải chú ý cả hoàn cảnh cụ thể, tính cách của người được phê bình nữa. Thái độ và hành vi của thái độ là những biểu hiện của hành xử đạo đức, văn hóa đạo đức. Người phê bình dù có chân thật, có tình cảm đến mấy, nhưng chủ thể được phê bình không nhận thức được điều đó hoặc có thể nhận thức ngược lại, nhận thức khác đi thì vấn đề phê bình không còn là “trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” nữa. Trong quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình đã có không ít người lợi dụng dân chủ, lợi dụng phê bình để thực hiện ý đồ kích động, lôi kéo, bôi nhọ, chuyện bé xé thành chuyện to, nâng từ chuyện sinh hoạt đời thường thành quan điểm này, quan điểm nọ; nhất là khi sắp diễn ra các cuộc bầu cử, đại hội, khi sắp có sự bổ nhiệm, đề bạt… Để thực hiện được ý đồ, có khi họ còn lợi dụng cả các hình thức thư từ, hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để có thể vu oan cho đối tượng được gọi là phê bình.
Bác Hồ cũng như đã thấy trước được điều này, cho nên người coi những hành vi của những người lợi dụng phê bình để thực hiện ý đồ xấu là những người cá nhân chủ nghĩa. Mà cá nhân chủ nghĩa thì là một thứ giặc cần phải đấu tranh để tiêu diệt.
Trong tự phê bình và phê bình không loại trừ những trường hợp phê bình một chiều, ca ngợi lẫn nhau, tung hô nhau, làm thì ít xuýt ra thì nhiều, ai cũng tốt, ai cũng là anh hùng, che giấu khuyết điểm cho nhau. Những khuyết điểm ấy không ai vạch cho thấy, nó sẽ tích tiểu thành đại, rồi “cháy nhà ra mặt chuột”. Đến một lúc nào đó chỉ còn có nước nhẹ thì nhận kỷ luật, nặng thì ngồi “bóc lịch”, còn gì là danh dự, là “tốt đẹp” nữa… Loại tự phê bình và phê bình ấy cũng giống như loại “phê bình - nịnh”. Thường thì cấp dưới hay nịnh cấp trên, ca ngợi và tung hô cấp trên. Cấp trên thường được nghe những lời ngợi ca; lâu dần thành một thói quen khó sửa. Lúc đó chỉ thích và chỉ nghe những lời của bọn xu nịnh đồng nghĩa với căm ghét những lời nói thẳng thắn, chân tình, tức là bắt đầu căm ghét người hiền tài. Nguy cơ cho xã tắc thường được bắt đầu chỉ đơn giản như thế đó.
Bác Hồ kính yêu dạy: phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Hô hào và nói lại những điều Bác dạy thì dễ nhưng thực hành trong cuộc sống không hề đơn giản chút nào. Không thực hành tự phê bình và phê bình chân tình, thẳng thắn có nghĩa là bắt đầu mắc “bệnh”. Phải chữa trị kịp thời căn “bệnh” ấy, nếu không sẽ thành chứng nan y.
 
Bài 24: (8): Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh



https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1455&pop=1&page=0&Itemid=5 Sinh thời, Bác đặt niềm tin vào Đảng, đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, Đảng có vững cách mạng mới thành công. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng cũng mắc nhiều khuyết điểm. Bác coi việc Đảng mắc khuyết điểm như một lẽ đương nhiên. Người đã lý giải “Rất là đơn giản, dễ hiểu:
Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa… Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng.
24(8).jpg

Thăm Nhà máy sứ Hải Dương, Bác Hồ đã để lại một bức vẽ lịch sử trên chiếc lọ sứ của nhà máy.
Cũng như những người hằng ngày lội bùn, mà trên mình có hôi bùn, có vết bùn. Như thế thì có gì là kỳ quái? Vì lội bùn thì nhất định có hôi bùn. Cần phải tắm rửa lâu mới sạch. Trái lại, nếu lội bùn mà không có hôi bùn mới thật là kỳ quái. Nếu trong Đảng ta, một Đảng mới từ trong xã hội cũ bước ra, nếu nó hoàn toàn không có những người xấu, việc xấu như thế mới là kỳ quái chứ! Cố nhiên nói thế không phải là để tự bào chữa…”(1)
Trên góc độ văn hóa đạo đức, tự phê bình và phê bình của Đảng là một nội dung văn hóa, có lúc Bác đã nói: Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm là một đảng hỏng; một đảng thấy rõ khuyết điểm, dám nhận khuyết điểm và sửa lỗi khuyết điểm mới là một đảng cách mạng, chân chính và chắc chắn.
Trong lịch sử Đảng ta có hơn một lần Đảng mắc khuyết điểm to. Nhưng sau đó Đảng nhận và sửa chữa nhanh chóng khuyết điểm đó.
Lần thứ nhất, cải cách ruộng đất năm 1953 - 1956. Đảng đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng và kéo dài. Thực tế, cải cách ruộng đất là một chủ trương đúng, là công việc tiếp theo của việc thực hiện khẩu hiệu: Độc lập dân tộc và người cày có ruộng. Lúc đó, cuộc kháng chiến chống Pháp đang trên đà thắng lợi và sau đó là thắng lợi. Miền Bắc được giải phóng. Đây là lúc Đảng đem lại hiện thực cho giấc mơ ngàn đời cho nông dân: có ruộng. Trong quá trình tổ chức thực hiện chúng ta mắc phải sai lầm, một số nơi đánh vào nội bộ Đảng, không phân biệt rõ ta và địch, gây ra oan khuất và mâu thuẫn trong nội bộ nông dân… Bác đã tự phê bình trước nhân dân, Người nói: “Vì sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ có chỗ thiếu cụ thể, thiếu kiểm tra, đôn đốc, cho nên khi cải cách ruộng đất đã xảy ra những khuyết điểm, sai lầm: trong việc thực hiện đoàn kết nông thôn, việc đánh kẻ địch, việc chấn chỉnh tổ chức trong chính sách thuế nông nghiệp…
Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy, và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất…
Công tác cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức đã mắc những sai lầm nghiêm trọng làm tổn thất nặng nề cho ta về nhiều mặt. Nhưng chúng ta đã thấy rõ những sai lầm đó và quyết tâm sửa chữa, thì nhất định sửa chữa được. Vì Đảng ta là một đảng chỉ vì lợi ích của nhân dân mà phấn đấu, ngoài ra không có một lợi ích riêng nào khác. Trải qua bao nhiêu năm đấu tranh anh dũng và gian khổ, Đảng ta không bao giờ sợ khổ sợ khó và cũng không hề sợ vạch rõ khuyết điểm của mình. Có khuyết điểm thì Đảng thành khẩn nhận và kiên quyết sửa chữa”.(2)
Trong đợt kiểm điểm sai lầm trong tổ chức thực hiện cải cách ruộng đất Trung ương đã chấp thuận đơn xin thôi giữ chức vụ Tổng Bí thư của đồng chí Trường Chinh; Đồng chí Lê Văn Lương thôi giữ chức Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng. Đồng chí Trường Chinh được Bộ Chính trị phân công làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Bác Hồ được bầu giữ kiêm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư (1956 - 1960).
Lần thứ 2, sau 10 năm tổ chức xây dựng CNXH trên cả nước 1975 - 1986 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI tháng 12-1986, Đảng ta đã tự phê bình một cách hết sức sâu sắc: Đảng đã mắc phải sai lầm, chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan… Sai lầm trong công tác tổ chức cán bộ, công tác tư tưởng của Đảng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã tỏ rõ: “Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.
Khuynh hướng chủ yếu của những sai lầm ấy đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn nóng vội chạy theo những nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là tư tưởng tiểu tư sản, vừa tả khuynh, vừa hữu khuynh”.(3)
Thấy rõ được khuyết điểm, tìm cách khắc phục, sửa chữa khuyết điểm ấy, lắng nghe ý kiến nhân dân, Đảng giữ vững được vai trò lãnh đạo, đưa sự nghiệp cách mạng phát triển.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, công cuộc đổi mới vì CNXH của Đảng và của nhân dân ta đang đạt được những thành tựu to lớn: đất nước phát triển và hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Vị thế của đất nước không ngừng được khẳng định và nâng cao. Những thành công đó chứng tỏ sự vận động của một đường lối đúng đắn, sáng tạo. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn vững vàng kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong hoàn cảnh điều kiện nước ta, không ngừng mở rộng dân chủ XHCN trên cơ sở xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, kiện toàn hệ thống chính trị. Xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một định hướng phát triển chưa từng có trong tiền lệ và kèm theo những thành công về kinh tế là những thách thức về mặt xã hội hết sức gay gắt, trong đó sự xuống cấp về đạo đức xã hội, về lý tưởng và niềm tin là những thách thức không thể xem thường. Điểm đặc biệt là, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thấy, đã chống nhiều năm, đã dùng nhiều biện pháp, nhưng dường như “bệnh” chưa giảm, trong những nguyên nhân về sự chưa giảm ấy, có một nguyên nhân cốt tử là tự phê bình và phê bình.
Thực chất, thoái hóa là căn bệnh gần như tất yếu của người có chức, có quyền nếu thiếu chịu rèn luyện; Bác Hồ đã cảnh báo ngay sau “Tuyên ngôn độc lập” một ngày (3-9-1945) và trước đó khi Đảng chưa ra đời Người đã có bài “Tư cách người Kách mệnh” để dạy những người sau này sẽ cầm quyền: thường xuyên xem xét người và tự sửa lỗi mình.
Chỉ có làm được công việc tự phê bình và phê bình thật sự như Bác dạy, Đảng mới mạnh, dân mới tin. Nhưng chuyện tưởng chừng rất dễ, thực hiện lại càng khó. Nhưng khó cũng phải làm và coi đó là những công việc bình thường như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Chỉ có như vậy Đảng mới thật sự mạnh, dân mới thật sự tin, đó là kế sách lâu bền của chế độ.
 
Bài 24 (9): Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh



https://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1456&pop=1&page=0&Itemid=5 Nói về Đảng, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam 3-2-1960, Bác đã kết luận: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Thực chất của đạo đức và văn minh thể hiện trên cả ba phương diện. Một là Đảng ra đời, hiện tồn như một sự văn minh. Hai là hoạt động của Đảng thể hiện và thực hiện một mục đích hết sức cao cả là xóa bỏ bóc lột, áp bức, bất công để xây dựng một xã hội thật sự công bằng, dân chủ, văn minh. Ba là muốn đạt được mục đích đó, bản thân Đảng phải là sự biểu hiện cao đẹp của đạo đức, của văn minh. Bởi vì, Đảng không chỉ có một, hai người mà là cả một tập thể những người tiên tiến nhất, giác ngộ nhất, ưu tú nhất trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động hợp thành. Đảng là biểu hiện của trí tuệ tiên phong, nhận thức và vận dụng quy luật phát triển của xã hội để đưa đất nước và dân tộc phát triển. Đảng là người lãnh đạo, là một bộ phận của xã hội, muốn thực hiện được mục đích của mình Đảng phải lôi cuốn, thuyết phục toàn xã hội, nhận thức và hành động, biến ý chí của Đảng thành ý chí của xã hội, của toàn dân. Sức mạnh của Đảng là sức mạnh của toàn xã hội, toàn dân tộc. Sức mạnh của Đảng là sức dân. Sức dân được tập hợp và tạo thành từ khối đại đoàn kết toàn dân. Để xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân đó, Đảng phải làm công tác dân vận.
24(9).jpg

Xem hình mẫu xây dựng Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò về vấn đề nhà ở của nhân dân lao động (1959).
Ngay sau khi bôn ba tìm đường cứu nước trở về 1941, Bác Hồ kính yêu đã bắt tay ngay vào chuẩn bị thành lập thí điểm “Mặt trận Việt Minh” để tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh vào ngày 19-5-1941 với mục đích tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm giác ngộ nhân dân để hướng tới mục đích chung là tập trung lực lượng và sức mạnh đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Bác đã làm rất nhiều bài thơ cổ động, kêu gọi đồng bào, nhằm làm cho đồng bào hiểu được kẻ thù và nhiệm vụ của mình đối với đất nước và dân tộc.
Thơ cổ động của Bác dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, mộc mạc, dễ đi vào lòng người. Thời kỳ ấy, Đảng chưa có chính quyền. Mọi hoạt động của Đảng, đảng viên đều từ trong lòng nhân dân, từ sự giúp đỡ của dân. Lúc đó, đảng viên chưa có chức, có quyền, hoạt động cách mạng là hoạt động bất hợp pháp, cho nên, Đảng và dân gắn bó, hòa quyện với nhau. Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta từ một đảng hoạt động bí mật bất hợp pháp trở thành đảng cầm quyền. Ngay sau khi giành được chính quyền - chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy ngay nguy cơ thoái hóa của một bộ phận cán bộ, công chức khi có chức, có quyền. 15 ngày sau ngày “Tuyên ngôn độc lập” Bác viết:
“Ở các địa phương, những khuyết điểm to nhất là:
a) Khuynh hướng chật hẹp và bao biện. Việc gì cũng do người Việt Minh làm, không biết đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc.
b) Lạm dụng hình phạt. Những đứa phản quốc có chứng cứ rõ ràng phải trừng trị đã đành. Nhưng chúng ta không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không tịch thu vô lý, làm cho dân kinh khủng.
c) Kỷ luật không nghiêm. Để cho bọn giả mạo tiếng Chính phủ hoặc tên Việt Minh ức hiếp dân, xoáy tiền dân, lấy đồ đạc của dân, làm cho dân oán.
d) Đề phòng hủ hóa. Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với chính phủ, với quốc dân, nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là lấy công làm tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể” .(1)
Bức thư này của Người đề ngày 17-9-1945. Trong thư, Người đã lý giải, vì sao dân oán? Vì cán bộ có một số người hư đốn (hủ hóa).(*)
Tiếp theo bức thư này, mặc dù trong hoàn cảnh cực kỳ căng thẳng, đất nước và dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc” trước nạn ngoại xâm và hàng loạt thứ giặc. Chưa có bao giờ dân tộc ta nhiều giặc đến thế: giặc đói, giặc dốt, giặc xâm lăng. Riêng giặc ngoại xâm cũng có bốn, năm thứ, từ bọn phản động Việt gian Việt quốc, Việt cách, cho đến giặc Tây, Anh, Pháp, rồi giặc Tàu - Tưởng… Rồi kháng chiến bùng nổ đầy gian khổ, nguy nan, Bác vẫn dành thời gian để giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng viên. Bác viết “Đời sống mới”, viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, viết “Cần, kiệm, liêm, chính”. Đặc biệt là, ngày 15-10-1949, Người viết tác phẩm “Dân vận”(2). Nói là tác phẩm nhưng hết sức cô đọng và ngắn gọn. Dù hết sức cô đọng và ngắn gọn nhưng lại có đầy đủ những nội dung cần thiết cho một công tác hết sức quan trọng. Người đặt vấn đề: Vì sao lại viết tác phẩm này? “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, làm đã kỹ nhưng nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”, và vì thêm một điều, đó là ở nước ta, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, sự nghiệp cách mạng là công việc của dân, “chính quyền từ xã cho đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra”. Người kết luận: “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Tiếp đó Bác giải thích “Dân vận là gì?”
“Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”.(3) Vận động dân không thể chỉ dùng khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị, mít tinh là đủ, mà là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng, đồng thời phải bàn bạc với dân, đặt ra kế hoạch để tổ chức thực hiện, động viên toàn thể nhân dân tiến hành.
Người đặt tiếp câu hỏi: Ai phụ trách Dân vận?
“Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh…) đều phải phụ trách dân vận.
Bác nói những ví dụ cụ thể là phải phân công, phân nhiệm rõ ràng, có kế hoạch, đôn đốc, giúp đỡ dân giải quyết khó khăn, hướng dẫn dân một cách tỉ mỉ trong từng công việc và đặc biệt là phải làm gương cho dân.
Dân vận phải thế nào? “Người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc.
Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt. Vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận, đó là sai lầm rất to, rất có hại”.
Người kết luận: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Tháng 10-1949 Bác viết tác phẩm này. Lúc đó, còn kháng chiến chống Pháp những lời Bác dạy cho đến nay nửa thế kỷ vẫn còn như mới. Nhiều người vẫn cứ cho rằng, công tác dân vận là của cán bộ dân vận, của Ban dân vận hoặc của một số ngành vận mà không thấy rõ trách nhiệm của cả cán bộ chính quyền, cán bộ Đảng, tổ chức Đảng.
Thực chất của công tác dân vận là công việc mang tính đạo đức, văn hóa đạo đức, tức là khi nhà nước có chính sách và pháp luật, phải tuyên truyền vận động cho dân biết, dân thông, dân làm. Nhưng khi dân chưa biết, chưa hiểu thì đó là việc của chính quyền, của Đảng, chứ không phải là việc của mỗi người dân, khi đó khó có thể làm và khó có thể thành công.
Ai cũng biết sức mạnh của nhân dân là hết sức to lớn. Sức dân chỉ có thể trở thành vĩ đại một khi có được lòng tin, có được sự thống nhất để hành động. Muốn vậy cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải có đức, phải vì dân và phải làm tốt công tác dân vận. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công…
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top