Gợi ý giải đề thi văn TN 2009

Fuhrernam

New member
Xu
0
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM 2009

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, khách ở quán trà nhà lão Hoa đã bàn về những chuyện gì? Hãy cho biết điều nhà văn muốn nói qua những chuyện ấy.

Học sinh cần nêu được các ý sau:

- Giới thiệu về tác giả Lỗ Tấn và truyện ngắn Thuốc, trong đó đặc biệt lưu ý quan điểm sáng tác đúng đắn, tích cực mà nhà văn đã đề xướng (văn học “cải tạo quốc dân tính”).

- Những chuyện mà khách ở quán trà nhà lão Hoa đã bàn:

o Chuyện về chiếc bánh bao tẩm máu tử tù mà họ coi là thuốc chữa bệnh.

o Chuyện về nhân vật người cách mạng Hạ Du.

o Chuyện về các nhân vật quần chúng (cụ Ba, cả Khang,…).

- Dụng ý của nhà văn qua những câu chuyện tại quán trà:

o Phê phán thái độ xa rời quần chúng của người cách mạng đến mức để quần chúng bán đứng mình (đau đớn nhất là chính người thân – cụ Ba bán đứng người cách mạng – Hạ Du).

o Phê phán sự mê muội, thái độ hờ hững của quần chúng với lí tưởng cứu nước cao đẹp.

Câu 2 (3,0 điểm)

Anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách.

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được các ý sau:

- Sách là gì?

- Vai trò của sách? (làm giàu có, phong phú đời sống tinh thần của con người; giúp con người sống đẹp hơn,…).

- Đọc sách như thế nào?

- Gắn với ý thứ 2 và ý thứ 3, học sinh liên hệ trực tiếp với kinh nghiệm đọc sách của bản thân.

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí sinh học chương trình nào thì chỉ thi được làm câu dành riêng cho chương trình đó (câu 3.a hoặc 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục – 2008).

Học sinh có thể trình bày luận điểm theo nhiều hướng khác nhau nhưng cần đảm bảo nêu được các ý sau:

1. Giới thiệu về tác giả Tô Hoài và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.

2. Giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”:

- Cảm thông với số phận đau khổ, cực nhục, tăm tối của người lao động vùng cao Tây Bắc.

- Phê phán các thế lực cường quyền (thực dân, chúa đất) và thần quyền đã gây ra đau khổ cho đồng bào miền núi Tây Bắc.

- Phát hiện và ngợi ca sức sống bất diệt, khát vọng tự do của người lao động.

3. Đánh giá:

- Khẳng định giá trị nhân đạo độc đáo và sâu sắc của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.

- Giá trị nhân đạo là hạt nhân làm nên vị trí văn học sử của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và tầm vóc tư tưởng của nhà văn Tô Hoài.

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Phân tích vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (phần trích trong đoạn Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục – 2008)

Học sinh có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau nhưng cần nêu được các ý sau:

1. Giới thiệu về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

2. Vẻ đẹp của hình tượng sông Hương:

- Vẻ đẹp của sông Hương ở khúc thượng nguồn (trong quan hệ với dãy Trường Sơn): vẻ “phóng khoáng và man dại” của một cô gái Di-gan. Đó là phần hoang sơ, dữ dội, đầy mê hoặc của dòng sông.

- Vẻ đẹp của sông Hương khi ở ngoại vi thành phố (gắn với nhiều địa danh khác nhau – các địa danh mà chỉ nhắc tới người ta đã cảm nhận biết bao tầng sâu văn hóa, văn hiến): sông Hương ở đây mang vẻ đẹp của cội nguồn văn hóa xứ sở.

- Vẻ đẹp của sông Hương khi chảy vào thành phố (theo dòng chảy địa lí và dòng chảy văn hóa).

3. Nghệ thuật xây dựng hình tượng sông Hương: biện pháp nhân hóa với những liên tưởng phá cách, độc đáo, gợi cảm; ngôn ngữ giàu có, sắc sảo, tinh tế,…

4. Việc miêu tả dòng sông với vẻ đẹp riêng, ở nhiều góc độ khác nhau thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của Hoàng Phủ Ngọc Tường đồng thời chứng tỏ một phong cách tùy bút tài hoa.

Một số nhận xét về đề thi:

Đề thi năm nay chủ yếu kiểm tra kiến thức ở phần văn xuôi nên nếu học sinh nào đã “lỡ” học tủ thơ, bỏ qua văn xuôi sẽ “dở khóc dở cười”.

Các yêu cầu nêu ra tương đối rõ ràng, ngắn gọn, bám sát cấu trúc đề thi theo quy định của Bộ tuy nhiên cũng đòi hỏi các em phải nắm thật chắc tác phẩm mới làm được.
 
Anh còn chưa ghi nguồn nè. Nhớ ghi rõ nguồn nha!
Ah, theo như thỏ nhớ thì câu 2, phần chung cho tất cả thí sinh đề yêu cầu viết bài văn ngắn chứ không phải đoạn văn.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top