VĂN HỌC DÂN GIAN LÀ MỘT THẾ GIỚI HIỆN THỰC BIẾT ƯỚC MƠ
1."Văn học dân gian là một thế giới hiện thực":
- Văn học dân gian là các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể nhằm mục đích phục vụ trực tiếp các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.
- Ra đời trong lao động, văn học dân gian là bức tranh toàn diện về cuộc sống lao động và đời sống tinh thần của người dân.
+ Giải thích tự nhiên, quá trình sáng tạo văn hóa của người cổ đại ( chủ yếu trong thần thoại: Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thần trụ trời,...)
+ Các sự kiện hoặc nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử), những người anh hùng có công với đất nước, một cộng đồng hoặc một vùng nào đó,...( thường có trong truyền thuyết: Truyền thuyết về Hồ Gươm, An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thủy...); hoặc biến cố lịch sử của cả một cộng đồng ( Sử thi Đăm Săn ...)
+ Phản ánh số phận của những con người nhỏ bé trong xã hội, những người con mồ côi, em út, người ở, người có hình dáng xấu xí...(Tấm Cám, Sọ Dừa, Hai cây khế, Cây tre trăm đốt, ....)
+ Những bài học kinh nghiệm về cuộc sống hoặc triết lí nhân sinh ( truyện ngụ ngôn, tục ngữ, ca dao, truyện cười....)
+ Phản ánh thế giới nội tâm của con người ( Ca dao, truyện thơ,....)
2. "Thế giới hiện thực biết ước mơ"
- Do cách cảm, cách nghĩ của người xưa, văn học dân gian ngoài phản ánh hiện thực bằng cách mô tả những sự kiện được rút ra từ đời sống thực tế, còn có phương pháp phản ánh hiện thực một cách kì ảo, nghĩa là thêm vào các yếu tố tưởng tượng.
- Qua những yếu tố tưởng tượng ấy thể hiện ước mơ của con người, hiện thực chưa có điều gì thì họ ước mơ điều ấy. Họ ước mơ có các vị thần mang đến phép màu, ước mơ có những người anh hùng có sức khỏe phi thường một cách lí tưởng hóa, ước mơ những con người nhỏ bé sẽ được hạnh phúc, ... Điều đó thể hiện niềm tin của con người vào cuộc sống, mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nguồn: diendankienthuc.net*