[Giúp] NLXH: Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh của con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi

  • Thread starter Thread starter keopi
  • Ngày gửi Ngày gửi

keopi

New member
Xu
0
Có ý kiến cho rằng: "Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh của con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha và tình đoàn kết".

Em hãy bày tỏ thái độ của mình với ý kiến trên .
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
"Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh của con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha và tình đoàn kết".

A. Mở bài

- Trong cuộc sống nhiều khi người ta chỉ nghĩ đến ngợi ca lòng vị tha, tình đoàn kết mà ít chú ý đến phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người. Hai vấn đề ấy thực chất cũng thống nhất như thứ tình cảm yêu- ghét nhất quán trong mỗi con người vậy. Có thể nói chúng quan trọng và cần thiết như nhau.
- Bởi vậy có ý kiến cho rằng “ Phê phán….đoàn kết”

B. Thân bài

1. Giải thích


a. Lòng vị tha, tình đoàn kết

- Lòng vị tha: là tấm lòng vì người khác, hiểu rộng hơn là bản thân luôn vì lợi ích chung của cộng đồng hay xã hội.
- Tình đoàn kết: là thứ tình cảm làm cho nhiều người liên hiệp với nhau, tạo thành sức mạnh kết nối, gắn bó trên cơ sở lí tưởng chung, lợi ích chung nào đó.
- Vì vậy có thể khẳng định, lòng vị tha và tình đoàn kết là những tình cảm cao đẹp của con người, có thể tạo nên mối quan hệ hết sức tốt đẹp, giữa người với người trong xã hội. Thậm chí, có thể hóa giải mọi sự ích kỉ, tư lợi. Từ đó con người có thể vượt qua được nhiều khó khăn, chướng ngại trong cuộc sống, sống đẹp hơn, có ích hơn.

b.Thái độ thờ ơ, lạnh nhạt

- Trong khi đó, sự thờ ơ, lạnh nhạt lại mang một giá trị ngược lại, bởi đó là thứ tình cảm mà ở đó con người ta không hề quan tâm tới, hoặc giả không có một chút tình cảm gì đối với con người và cuộc sống; không có cả những biểu hiện tình cảm thân mật, gần gũi trong giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người.
- Vì thế, thái độ thờ ơ lạnh nhạt với con người không gì khác chính là dấu hiệu của thái độ sống ích kỉ, nhỏ nhen.
c. Phê phán… đoàn kết: thực chất là hai mặt của một vấn đề, đều chung một mục đích là xây dựng lối sống đúng đắn và cao đẹp.

2. Bàn luận

a. Chứng minh trong cuộc sống và văn học:

* Trong cuộc sống: (Có thể nêu những biểu hiện dễ thấy hoặc diễn đạt những suy nghĩ của cá nhân)
- Rất nhiều người có cuộc sống bấp bênh, khó khăn, thậm chí đau đớn, tủi nhục (mảnh đời lang thang, cơ nhỡ; những người bị bạo hành, đánh đập dã man; những tai nạn thương tâm, ...). Song mấy ai có thể chia sẻ hết. Điều đáng nói là, những biểu hiện đó diễn ra trước mắt, mà vẫn không ai lên tiếng, không ai đưa ra bàn tay giúp đỡ (đặc biệt những vụ bạo hành trẻ em xảy ra gần đây...)
- Có những kẻ lấy việc soi mói, dằn vặt những điểm yếu, vết thương, nỗi đau mặc cảm của người khác làm đề tài trao đổi, bàn luận, rồi rốt cục không giúp được gì, trái lại càng khiến họ cảm thấy bị xúc phạm, làm tổn thương hơn.
- Có những lời góp ý quá khắt khe, phủ sạch hoàn toàn, trù dập người khác, khiến tập thể tan rã, ảnh hưởng đến các mối quan hệ tốt đẹp.
==> Từ đó: Trong cuộc sống rất cần:
- Nhắc nhở, khuyên nhủ ai đó chưa biết quan tâm, cảm thông chia sẻ với những khó khăn, vất vả… của người thân hoặc có những lời lẽ, việc làm, ứng xử khiến cho người thân phải buồn khổ.
- Tỏ thái độ không đồng tình với những người vô tâm chạm vào nỗi đau của người khác
- Bất bình trước thái độ dửng dưng, giễu cợt, nhạo báng những người tàn tật
- Lên án những kẻ xúc phạm nhân phẩm, danh dự

* Trong văn học:
- Trong các sáng tác văn học dân gian: mẹ con Cám, Sọ Dừa,
- Tác phẩm của Thạch Lam (Nhà mẹ Lê, Một cơn giận,…)
- Trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố: vợ chồng Nghị Quế
- Những đứa con đại bất hiếu, những con người tham gia đám tang trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (Trích “Số đỏ”) và thái độ của tác giả.

* Cách thức phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt: Phê phán trung thực, xuất phát từ thái độ thiện chí với tinh thần xây dựng

b. Bác bỏ những biểu hiện sai lệch:

- Lên án những kẻ ngụy biện cho thái độ thờ ơ lạnh nhạt (VD lấy lí do cuộc sống có quá nhiều sức ép: gia đình, công việc…)
- Lên án lối phê phán nhằm hạ thấp, xúc phạm
- Biểu hiện ngộ nhận: quan tâm, can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư là vi phạm quyền cá nhân, thực ra đó là lối sống “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”

3. Bài học nhận thức và hành động

- Điều quan trọng là luôn biết nhận ra, biết xẩu hổ với những biểu hiện sống thờ ơ, lạnh nhạt của chính mình.
- Nghiêm khắc với chính bản thân, quyết tâm khắc phục, từ bỏ lối sống thờ ơ lạnh nhạt nếu mình đã vô tình mắc phải.
- Hành động tích cực để vươn tới một XH tốt đẹp (với bạn bè, người xung quanh mình…)

C. Kết luận

- Làm điều xấu tất nhiên là không tốt nhưng thấy cái xấu mà không phê phán, lên án thì cũng chưa phải là tốt.
- Ý kiến nói trên đúng vì có thể giúp mỗi cá nhân khắc phục cách ứng xử có tính chất cực đoan trước vấn đề đạo đức nhân sinh nảy sinh trong đời sống XH hiện nay.

(Nội dung do chính giáo viên ra đề cung cấp - a1k44.thptbatbat)

***

Dàn ý 2.


I. Mở bài:

-Trong cuộc sống, việc khen chê có một ý nghĩa vô cùng quan trọng (Tuân Tử: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta; người khen ta mà khen phải là bạn ta; những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù ta vậy”).
-Để lòng vị tha, tình thương yêu con người càng được nhân lên, mỗi người không chỉ biết ca ngợi mặt tốt đẹp, thánh thiện của con người mà cần phải tỏ rõ thái độ phê phán, không đồng tình với lối sống ích kỉ, thiếu tình người trong đời sống, đúng như lời nhận xét: “Phê phán thái độ thờ ơ ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”.

II. Thân bài:

1.Giải thích ý nghĩa: khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết như nhau của việc phê phán thái độ sống ích kỉ, vô cảm trong việc nêu gương, ca ngợi lòng vị tha, tình nhân ái, tinh thần đoàn kết của con người.

2.Mở rộng, nâng cao:

*Lí giải tại sao?

-Theo lẽ thường, con người ta ai cũng thích được khen và từ đó nảy sinh tâm lí chung là chỉ thiên về biểu dương, ca ngợi những mặt tốt đẹp của con người mà ngại phê phán những mặt còn hạn chế, yếu kém của họ. Ý kiến trên muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết của tinh thần đấu tranh, phê phán thái độ thờ ơ ghẻ lạnh đối với con người trước hết là vì thế.

-Sinh ra trong đời không phải ai cũng như ai, có người sống chan hoà, nhân ái, luôn muốn đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác, nhưng cũng có người lại sống ghẻ lạnh, thờ ơ, chẳng quan tâm đến người thân, đồng loại. Và ngay trong chính bản thân của mỗi người cũng tồn tại hai mặt tốt-xấu, cao thượng-thấp hèn, vị tha-ích kỉ,…(Nhân vô thập toàn). Do vậy, trong cuộc sống không thể chỉ có một chiều ca ngợi đức vị tha, lòng yêu thương mà thiếu đi tiếng nói đấu tranh, phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người. Bởi xét đến cùng, bản chất của hai sự việc trên đều cùng chung mục đích: hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp hơn, muốn con người được sống trong biển đời giàu tình yêu thương.

*Những biểu hiện của hai cách sống nói trên và tầm quan trọng của cách ứng xử và phê phán:

-Sống vị tha là sống vì người khác, là biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương con người bằng một tình cảm chân thành. Lòng vị tha sẽ giúp con người vượt lên trên mọi hận thù, mọi ganh ghét cá nhân để cùng sống vì lợi ích chung. Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống chọi với thiên tai, địch hoạ của nhân dân ta là những minh chứng hùng hồn và thuyết phục nhất cho chân lí này.

-Sống thờ ơ, ghẻ lạnh là thái độ sống vô tâm, vô cảm trước nỗi đau của người thân, đồng loại, không biết thông cảm, quan tâm, chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh chung quanh mình mà chỉ biết lo nghĩ đến lợi ích của bản thân, chỉ biết đề cao cái tôi riêng mình. Lối sống đó dẫn con người đến sự nhỏ nhen, ích kỉ, nhiêu khi là tàn nhẫn. Vì mình, họ có thể giẫm đạp lên người khác để mà sống. Nếu sống như vậy, đạo đức xã hội sẽ dần bị băng hoại.

-Như vậy, có thể thấy rằng, thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và lòng vị tha, tình đoàn kết là hai mặt trái ngược của đạo đức xã hội; ở đối cực nào nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của con người, của cộng đồng, dân tộc. Phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và ngợi ca lòng vị tha, tinh thần đoàn kết đều cần thiết quan trọng như nhau vì tất cả đều giúp con người soi vào đó mà thấy rõ những mặt tốt-xấu của mình để có sự điều chỉnh, phấn đấu hoàn thiện bản thân.

*Suy nghĩ về lối sống của thanh niên hiện nay: Hiện nay, bên cạnh những thanh niên hăm hở nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, dành hết “chiếc bánh thời gian” của mình cho công tác từ thiện thì vẫn không ít thanh niên chỉ lo hưởng thụ, thờ ơ, lạnh nhạt với cả gia đình và những người chung quanh.

3.Bài học rút ra:

-Sống có trách nhiệm, biết yêu thương con người, không chỉ có lời ca ngợi một chiều mà cùng với lời ngợi ca, mỗi người cần phải có tiếng nói đấu tranh, phê phán với những biểu hiện còn lệch lạc, cách sống vô trách nhiệm, thiếu tình thương trong cuộc đời.
-Cần phải có thái độ khen chê rõ ràng, đúng mức, đúng lúc, đúng nơi. Tất cả phải xuất phát từ thiện tâm, thiện ý của mình. Không có gì có sức thuyết phục và lay động mạnh mẽ trái tim mọi người hơn là cách sống chan hoà, giàu tình thương của bản thân trong cuộc sống hàng ngày đối với người thân và cộng đồng.

III.Kết bài:

-Trong cuộc, nếu lời ca ngợi được ví như đường thì lời phê phán được ví như muối. Lẽ nào cuộc sống chỉ cần đến vị ngọt ngào của đường mà không cần đến cái mặn của muối ?

-Bản chất của con người là thánh thiện (Khổng Tử: “Nhân chi sơ tính bản thiện”) và ai ai cũng đều mong muốn có một cuộc sống ngập tràn tình yêu thương. Nhưng để có một cuộc sống “Người yêu người sống để yêu nhau”, mỗi người cần phải sống thành tâm, thành tâm trong cả lời khen và lời chê. Câu nói trên không phải là một tư tưởng mới mẻ nhưng nó có ý nghĩa thực tế vô cùng sâu sắc.


(st từ: lixi.mobile)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top