1. Giới thiệu về Donkihote
Đôn Ki-hô-tê (Don Quixote de la Mancha) là tiểu thuyết của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616). Tác phẩm còn có tên đầy đủ là El Ingenioso hidalgo Don Quixote de la Mancha (Đôn Kihôtê, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha). Phần đầu tiên được xuất bản năm 1605 và phần thứ 2 xuất bản năm 1615. Đây là một trong những tiểu thuyết viết sớm nhất bằng ngôn ngữ châu Âu hiện đại và có thể cho rằng là tác phẩm gây ảnh hưởng và điển hình nhất trong danh sách các tác phẩm của văn học Tây Ban Nha. Đôn Kihôtê được coi là một trong số ít tác phẩm có nhiều người đọc nhất trong văn học phương Tây; một cuộc điều tra năm 2002 do Viện Nobel Na Uy tiến hành đã cho thấy đây là tiểu thuyết hay nhất trong mọi thời đại.
Câu chuyện theo bước chân của Quixada, một nhà quý tộc khoảng 50 tuổi sống ở miền Aragon và Castile, trở về thế kỷ XV tại Tây Ban Nha. Tại thời điểm đó, những chuyện hoang đường phi lý về các hiệp sĩ rất thịnh hành. Nhà quý tộc Quixada say mê những truyện này đến độ cuồng si, bao nhiêu tiền cũng bỏ ra mua truyện hết. Đầu óc chàng ta lúc nào cũng đầy những ý tưởng về sự mê hoặc, gây gổ, đánh nhau, thách đấu, thương vong, nô lệ, oán trách, tình tứ, dằn vặt, những người khổng lồ, những lâu đài tráng lệ, những thiếu nữ bị bắt cóc và các cuộc giải cứu người đẹp hào hùng. Mọi sự tầm thường trong con mắt và suy nghĩ của chàng lại trở nên hoành tráng, mỗi chủ quán là một vị đại thần, mỗi người cưỡi la là một chàng hiệp sĩ, ả gái điếm thành công nương, quán trọ là lâu đài tráng lệ.
Vì danh dự bản thân và vì nhiệm vụ đối với quần chúng, Quixada quyết định trở thành hiệp sĩ lang thang, chu du khắp bốn phương trời để cứu khốn phò nguy, diệt trừ yêu quái và những lũ khổng lồ, thiết lập trật tự và công lý, thử thách mình bằng các hiểm nguy như trong các truyện kiếm hiệp. Chàng ta đổi tên là Don Quixote de la Mancha (nhà hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê xứ Mancha) rồi nhờ một tên chủ quán, vốn xuất thân từ tầng lớp hạ lưu, phong cho mình là hiệp sĩ. Để có tiền đi hành hiệp, Don Quixote bán nhà và vay một số tiền khổng lồ từ một người bạn. Chàng đem bộ áo giáp của ông cha để lại đã bị han rỉ và thủng lỗ chỗ ra đánh bóng và đội vào, phong cho con ngựa gầy còm của mình cái tên rất kêu Rocinante (Rô-xi-nan-tê), và để đúng mốt của một hiệp sĩ lang thang phải có một người tình xinh đẹp, chàng nghĩ đến một phụ nữ nông dân chuyên ướp thịt muối hàng xóm mà chàng thầm yêu từ hồi tuổi trẻ và đặt cho cô ta cái tên Công nương Dulcinea del Toboso (Đuyn-xi-nê-a).
Lần ra đi thứ nhất kết thúc bằng một cuộc giao đấu của chàng với những người lái buôn, vì họ không chịu thừa nhận Dulcinca del Toboso là người đẹp nhất trần gian khi mà họ chưa từng thấy nàng. Don Quixote bị đánh nát người và được một bác nông dân đưa về nhà. Nhưng sau đó Don Quixote lại ra đi, lần này có thêm một giám mã là bác nông dân cục mịch Sancho Panza (Xan-chô Pan-xa). Hai thầy trò hiên ngang cất bước, thầy là một hiệp sĩ cao lòng khòng, mặt xanh mét như xác chết, ngồi ngất ngưởng trên lưng con ngựa khẳng khiu, cặp mắt mơ màng nghĩ về cô hàng xóm mĩ miều Dulcinea del Toboso. Trò thì là một gã lùn tịt, bụng phệ, hai chân như hai que củi, cưỡi trên lưng con lừa nhỏ xíu tên là Dapple, mộng tưởng khi thầy công thành danh toại sẽ ban cho làm thống đốc cai trị một vài hòn đảo.
Và từ đây bắt đầu những “chiến công” hào hùng của hiệp sĩ Đôn Kihôtê. Trên cánh đồng vùng Montiel chàng giao chiến với những cối xay lúa mà trong mắt chàng đó là bọn người khổng lồ hung dữ. Gặp đám kỵ binh hộ tống một chiếc xe chở một phu nhân chàng nghĩ ngay đến một nàng công chúa bị bắt cóc đang cần chàng giải cứu. Gặp một đàn cừu, chàng cho rằng đây là đoàn hùng binh của vị hoàng đế oai quyền nhất thiên hạ, lập tức chàng xông vào và tấn công. Kết quả mỗi lần đó là chiến tích đầy mình vì bị đánh nhừ tử, nhưng chàng không hề ngã lòng mà coi đó là những thử thách đương nhiên trên bước đường hành hiệp. Chàng tiếp tục ra đi và chợt gặp một đám tang nhà quý tộc thuộc dòng họ Segovia. Nghĩ ngay tới việc một hiệp sĩ bị tử thương và chàng phải có bổn phận thay mặt đám hiệp sĩ trả thù cho bạn, chàng xông vào đánh tan đám tang đó.
Câu chuyện tiếp tục với việc chàng đánh một anh thợ cạo đội chiếc chậu thau bằng đồng mà chàng tưởng là chiếc mũ bằng vàng của Mambrino. Sau “chiến thắng” này, chàng nghỉ chân tại một quán trọ và trong giấc ngủ đầy mộng mị, chàng mơ thấy mình tham gia một trận chiến vinh quang nhất đời hiệp sĩ của chàng, với chiếc mũ đỏ trên đầu, tay trái quấn chăn làm mộc đỡ, tay phải cầm kiếm đâm chém lia lịa vào những tấm thân phì nộn của bọn khổng lồ làm máu của chúng tuôn chảy ngập phòng. Thật ra, trong cơn mê sảng chàng đã đâm thủng hàng chục túi rượu nho bằng da dê ở quanh phòng.
Sau vụ này, Đôn Ki-hô-tê bị cha xứ và anh thợ cạo ở cạnh nhà bắt phải trở về, nhưng rồi chàng lại trốn thoát và tiếp tục những cuộc phiêu lưu mới với những kép hát lang thang, tham dự đám cưới của ông nhà giàu Camacho, thám hiểm hang sâu của Montesinos, đi trên một chiếc thuyền màu nhiệm tới thăm hai vị quận công vô danh. Cặp vợ chồng này cho bác giám mã Sancho làm chúa một hòn đảo và Sancho tỏ ra rất khôn ngoan trong việc cai trị.
Cuối cùng, sau rất nhiều cuộc phiêu lưu, kiệt sức vì đau buồn, thất vọng và bị đánh bẹp người không biết bao nhiêu lần, Don Quixote trở về nhà trong tình trạng ốm thập tử nhất sinh. Khi chết, Đôn Ki-hô-tê tỏ ra là một người đáng mến, tỉnh táo và nhận thức được tai hại của những cuốn truyện hiệp sĩ mà mình đã từng đọc khi viết những dòng di chúc để lại cho đời.
Mặc dù Cervantes nói rằng ông viết Đôn Kihôtê là để giễu cợt thứ văn chương kiếm hiệp rẻ tiền đương thời bằng một tác phẩm hài hước với những nhân vật hoang đường, nhưng thực ra đây là một tiểu thuyết mẫu mực của văn học hiện thực phê phán, mô tả đầy trung thực xã hội Tây Ban Nha nói riêng và châu Âu nói chung vào cuối thời đại Hiệp sĩ để bước sang thời kỳ Phục hưng. Đôn Kihôtê là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thời đại Phục Hưng và được đánh giá là tiểu thuyết đầu tiên của châu Âu. Nhân vật của tác phẩm, qua hình tượng Đôn Kihôtê, phản ánh được tính đa diện của con người, bên cạnh tính cách gàn dở là sự tế nhị, thương yêu đồng loại, yêu quý tự do và ghét thói xa hoa ăn bám của bọn quý tộc đương thời và biết trọng đạo lý. Tác phẩm cũng không hoàn toàn được sáng tác với ý nghĩa hài hước, qua tác phẩm, Cervantes chế giễu những tàn dư của lý tưởng hiệp sĩ phiêu lưu thời phong kiến, đả kích một thị hiếu tầm thường đang phổ biến trong công chúng, hiển lộ khát khao hướng đến một xã hội hậu phong kiến công bằng và nhân đạo hơn.
Đôn Kihôtê không chỉ là lời cáo chung sống động nhất cho một thời đại phong kiến đang suy tàn, mà còn mang những giá trị nhân văn vĩnh hằng, bởi với Đôn Kihôtê, Cervantes đã xây dựng cho văn học thế giới nhân vật điển hình nhất của mẫu người sống với những ảo tưởng tốt đẹp nhưng không hợp thời, "như Đôn Kihôtê chống lại cối xay gió", nhưng qua đó thể hiện khát vọng mãnh liệt về sự công bằng và bác ái. Cũng vì thế truyện Đôn Kihôtê được lưu truyền qua hết thế hệ này đến thế hệ khác.