Hide Nguyễn
Du mục số
- Xu
- 1,943
QUẬN GÒ VẤP
Quận Gò Vấp hôm nay là vùng đất gồm 8 xã. Sau ngày Sài Gòn được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh – tháng 7 năm 1976, Gò Vấp trở thành quận nội thành nhưng vẫn gọi là quận ven do quá trình đô thị hóa chưa cao.
Quận Gò Vấp nằm ở vành đai phía bắc thành phố. Gò Vấp có diện tích 19,74 km 2, chia thành 17 phường. Năm 1984 điều chỉnh địa giới còn lại 12 phường: 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, 12, 13, 15, 16 và 17.
Gò Vấp chia thành 2 vùng: một là vùng trũng nằm dọc theo sông Bến cát. Gọi là vùng trũng vì nằm trong vùng đất phèn thường bị ngập theo triều; đây là vùng sản xuất nông nghiệp, nhưng năng suất cây trồng không cao. Hai là vùng cao chiếm phần lớn diện tích phù hợp với việc xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp. Quá trình đô thị hóa chủ yếu diễn ra trên phần đất này, nhưng từ năm 1975 trở về trước diễn ra rất chậm. Vì vậy trong nhiều năm, Gò Vấp giống một huyện hơn là một quận. Tình hình này đã căn bản thay đổi từ những năm 80. Bây giờ thì tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Gò Vấp diễn ra nhanh đến chóng mặt và đã có thời điểm không kiểm soát được. So với quận khác, Gò Vấp còn có quỹ đất lớn.
Quá trình đô thị hóa quá nhanh đã làm cho Gò Vấp trở thành một trong ba quận có tốc độ tăng dân số cơ học cao nhất thành phố. Cụ thể, năm 1976 Gò vấp có 144 ngàn dân thì năm 1995 đã có 223 ngàn người, năm 2000 là 231 ngàn, năm 2003 là 413 ngàn và năm 2004 là 455 ngàn người.
Tính từ năm 1980 đến năm 2003, dân số của Gò Vấp tăng 2,87 lần, trung bình tăng mỗi năm 13,66%.
THÀNH TỰU 30 NĂM XÂY DỰNG ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN
Cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi hoàn toàn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc thống nhất tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Quận Gò Vấp cùng với Thành phố và cả nước đem hết sức mình hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội, xây dựng Quận Gò Vấp từ một quận ven, nghèo thành một quận nội thành, đô thị, giàu tiềm năng phát triển.
A. VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất công nghiệp:
10 năm 1976 – 1985, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Quận Gò Vấp được hình thành và tổ chức lại với hình thức sở hữu tập thể là chủ yếu. Nhiều đơn vị điển hình được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động như hợp tác xã cơ khí Đồng Tâm, hợp tác xã hồ dệt Thống Nhất. Từ 110 đơn vị cơ sở với 3.525 lao động tăng lên 1.054 cơ sở với 10.628 lao động, Cơ cấu ngành công nghiệp tập trung vào 3 ngành dệt 44,6%, cơ khí 12,3% và sản xuất thực phẩm 17,2%.
Từ năm 1986 đến năm 2000, giá trị sản xuất tăng bình quân mỗi năm 13,15%. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch sang ngành sản xuất da, giả da chiếm tỷ trọng 26,05%; sản phẩm từ cao su và plastic 13,78%; dệt 16,59%; cơ khí 10,72%. Kinh tế ngoài quốc doanh phát triển nhanh chóng, nhất là hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân. Vốn đầu tư đổi mới công nghệ ở một số sản phẩm như vải, thêu, nước uống tinh khiết, bao bì, quần áo xuất khẩu, giày … trên 1.000 tỷ đồng. Mỗi năm thu hút gần 3.000 lao động. Đặc biệt, Quận đã thành công trong việc vận động nhân dân và theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá với việc chuyển từ dệt, nhuộm thủ công truyền thống sang dệt kim, sử dụng máy móc hiện đại, vận động nhân dân chuyển đổi nghề sản xuất pháo theo chủ trương của Chính phủ…
Từ năm 2001 đến nay giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 19,04%. Đặc biệt sự ra đời của Luật doanh nghiệp tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời Quận tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, xuất khẩu. Trong đó, ngành dệt, may, giày da tăng cường khâu nội địa hoá đầu vào, làm chủ khâu thiết kế sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Đến nay, sản xuất công nghiệp – TTCN quận Gò Vấp có 325 đơn vị hoạt động theo luật doanh nghiệp và 3.200 cơ sở sản xuất nhỏ với 45.000 lao động. Quận cũng đã quy hoạch khu sản xuất công nghiệp tập trung tại phuờng 12 với diện tích 40,31 ha với 74 doanh nghiệp đang hoạt động, đảm bảo xử lý tốt ô nhiễm môi trường.
2. Sản xuất nông nghiệp:
Sắc xuân Gò Vấp
Trong những năm từ 1975 – 1985, sản xuất nông nghiệp quận Gò Vấp phát triển nhanh với các sản phẩm chủ lực là rau – hoa phục vụ nhu cầu tiêu thụ rau – hoa tươi thường xuyên của Thành phố. Sản lượng hoa tươi thời kỳ này chiếm hơn 50% lượng hoa tươi tiêu thụ tại Thành phố. Cùng với ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng phát triển mạnh trong đó chăn nuôi heo đặc biết là heo nái và bò sữa.
Từ năm 1986 đến nay, quá trình đô thị hoá Quận Gò Váp làm cho diện tích đất nông nghiệp và đất canh tác ngày càng thu hẹp nhưng do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi nên sản xuất nông nghiệp vẫn tạo việc làm hiện nay cho trên 1.500 lao động với hiệu quả kinh tế cao hơn và có xu hướng chuyển dịch sang hoạt động dịch vụ nông nghiệp.
3. Thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu:
Siêu thị Văn Hóa Văn Lang
Kinh tế thị trường thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ của Quận phát triển mạnh mẽ. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra mỗi năm tăng bình quân 17,35%. Đến cuối năm 1999 có 9.748 cơ sở thương mại, trong đó có 288 đơn vị trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân, số lao động toàn ngành gần 20.000 người. Hình thành các khu buôn bán tập trung như khu thương mại Ngã 6, khu phố chợ Tân Sơn Nhất, chợ An Nhơn, chợ Gò Vấp, chợ Xóm Mới đáp ứng nhu cầu hàng hoá thông thường và cao cấp cho nhân dân. Kinh ngạch xuất khẩu năm 1999 đạt 41,8 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu 17,9 triệu USD. Thời kỳ 2001 – 2005, hoạt động thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu tăng trưởng với tốc độ nhanh: Tổng mức lưu chuyển hàng hoá xã hội từ 7.125 tỷ đồng tăng lên 15.500 tỷ đồng (bình quân mỗi năm tăng 21,44%). Hình thành chợ Hạnh Thông Tây và một siêu thị trên địa bàn quận. Đến nay có 947 đơn vị thương mại dịch vụ hoạt động theo luật doanh nghiệp và 12.800 hộ kinh doanh cá thể với 36.000 lao động. Kim ngạch xuất khẩu năm 2001 đạt 71,2 triệu USD đến năm 2005 đạt 140 triệu USD (tăng bình quân mỗi năm 18,42%). Kim ngạch nhập khẩu từ 51,4 triệu USD tăng lên 110 triệu USD (tăng bình quân mỗi năm 20,95%). Đã tiếp tục hình thành siêu thị Văn Lang tại ngã Sáu Gò Vấp và một số chợ theo mô hình xã hội hoá. Các loại hình dịch vụ khác như: Du lịch, hành chính tín dụng, tư vấn … cũng đang khởi động và phát triển. Sự phát triển nhanh, đa dạng của hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu đã góp phần nâng tỷ trọng thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế từ dưới 10% vào năm 1990 lên 31% năm 2004, là cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế vào những năm sắp tới.
4. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng:
Quận đã tập trung khai thác thế mạnh về đất đai, tiến hành đô thị hoá làm cho bộ mặt kiến trúc đô thị không ngừng phát triển. Tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và của nhân dân mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Nhiều công trình tiêu biểu như: trường học, đường giao thông, cơ sở văn hoá – xã hội được hình thành. Năm 2001 tổng vốn đầu tư xã hội là 447,4 tỷ đồng đến năm 2005 đạt 823 tỷ đồng (bình quân mỗi năm tăng 16,48%). Trong đó, vốn từ nhà nước từ 42 tỷ lên đến gần 200 tỷ. Đặc biệt 10 công trình trọng điểm được Đảng bộ đề ra góp phần tạo động lực cho kinh tế - văn hoá – xã hội và đời sống nhân dân được nâng cao:
Công viên Văn hoá Phường 17, Khu tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp Phường 12, Siêu thị văn hoá Văn Lang, Tu bổ tuyến đê bao sông Vàm Thuật, đưa vào sử dụng đường Quang Trung (giai đoạn 2) và đường Nguyễn Văn Lượng, hoàn thành 2 trường chuẩn Quốc Gia: trường THCS Nguyễn Du và trường THCS Võ Thị Sáu, nhà thiếu nhi, tiếp nhận Trung tâm Văn hoá (phường 13), đường Nguyễn Thái Sơn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Riêng lĩnh vực bê tông hoá, nhựa hoá đường hẻm được nhân dân 12 phường tích cực đóng góp cùng nhà nước đầu tư đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Hệ thống điện, cấp – thoát nước, thông tin liên lạc được đầu tư mạnh từ nguồn kinh phí chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu về sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân trong quận.
B. VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ – XÃ HỘI.
1. Lao động – chính sách xã hội:
Chăm lo chu đáo gia đình chính sách và hộ nghèo. Đã hoàn thành công tác xây dựng nhà tình nghĩa và nhà tình thương (285 nhà tình nghĩa và 329 nhà tình thương). Mỗi năm giới thiệu giải quyết 13.000 – 14.000 lượt lao động có nhu cầu việc làm. Công tác xoá đói giảm nghèo đạt kết quả tốt, sau 11 năm thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo đến cuối năm 2003, quận đã căn bản xoá hộ nghèo theo tiêu chí của Thành phố giai đoạn 1992-1993, từ năm 2004 thực hiện giai đoạn 2 chương trình xoá đói giảm nghèo (nâng chuẩn thu nhập bình quân hộ từ dưới 4 triệu lên đến 6 triệu đồng/người/năm). Thực hiện nhiều biệp pháp chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như trợ cấp học bổng, dạy nghề…
2. Văn hoá thông tin - thể dục thể thao:
Cơ sở vật chất của ngành văn hoá thông tin cũng được đầu tư sửa chữa xây mới, nội dung văn hoá văn nghệ có chú trọng tính truyền thống, bản sắc dân tộc. Tuyên truyền, phố biến kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Kết quả các phong trào vận động quần chúng như “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư ”, “Người tốt, việc tốt”, “Gia đình văn hoá” dưới sự lãnh đạo của Đảng góp phần quan trọng trong giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, là động lực trong công cuộc xây dựng, phát triển Quận theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá. Cụ thể, có 85% hộ gia đình văn hoá, 40/96 khu phố văn hóa, 57/59 công sở văn minh sạch đẹp và phong trào xây dựng các điểm sáng văn hoá phát triển mạnh mẽ. Công tác bảo vệ truyền thống văn hoá lịch sử được chú trọng và thường xuyên ngăn chặn tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Phong trào thể dục thể thao có nhiều loại hình hoạt động khởi sắc, nhiều vận động viên đạt Huy chương cấp quốc gia và quốc tế, có hàng vạn lượt người tham gia rèn luyện thân thể nhất là trong thanh thiếu niên.
3. Chăm sóc sức khoẻ nhân dân:
Phong trào văn nghệ tại Trung tâm Y tế Gò Vấp
Trung tâm Y Tế Quận và mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư nhiều về vật chất lẫn con người đảm bảo chủ động phòng ngừa dịch bệnh, kịp thời, làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng điều trị. Đã kịp thời đẩy lùi 2 đợt dịch nguy hiểm trên địa bàn quận là dịch viêm phổi cấp (SARS) và dịch cúm gia cầm. Khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho 78.663 lượt người nghèo và các hoạt động mổ mắt miễn phí cho người mù nghèo. Chương trình kế hoạch hoá gia đình có hiệu quả làm giảm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,15%. Công tác chăm sóc trẻ em được chú trọng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hàng năm đều giảm (trước năm 2000 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng là trên 20%, đến năm 2004 chỉ còn 5,43%).
4. Giáo dục đào tạo:
Phong trào giáo dục Quận Gò Vấp đón nhận Huân chương Lao động hạng II
Ngân sách Thành phố và Quận hàng năm đều đầu tư thích đáng cho sự nghiệp giáo dục cùng với phong trào xã hội hoá hoạt động giáo dục làm cho chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao. Tỷ lệ tốt nghiệp ở các cấp học đạt từ 97% đến 100%. Năm 2003 – 2004 là quận đầu tiên trong 2 quận được Thành phố công nhận hoàn thành phổ cập bậc giáo dục trung học.
Trong nhiều năm qua và hiện nay ngành giáo dục quận Gò Vấp là một trong những quận dẫn đầu của ngành giáo dục Thành phố.
Hoạt động dạy nghề công lập mỗi năm thu hút 2.000 đến 2.200 học viên học các ngành tin học, điện tử, điện lạnh, sữa chữa xe gắn máy, may,… góp phần cung cấp nhân lực cho hoạt động kinh tế. Liên kết với các trường đại học đào tạo học viên cao đẳng, trung cấp và công nhân kỹ thuật 3/7.
Giáo dục đào tạo Gò Vấp điển hình về chất lượng dạy và học của Thành phố
Ðồng chí Trần Thị Thanh Diệu Thường trực HÐND Thành phố tặng cờ thi đua của UBND Thành phố cho Trường Mầm Non Bán Công 4A và Trường bồi dưỡng giáo dục
Đồng chí Nguyễn Minh Triết - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy trong lời phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ Quận Gò Vấp lần thứ IX - nhiệm kỳ 2005-2010 tổ chức tháng 11/2005 đã dành tình cảm sâu sắc ghi nhận: “Quận Gò Vấp là một điển hình trong giữ vững chất lượng dạy và học, nhiều chỉ tiêu quốc gia và chống mù chữ, phổ cập các bậc học đều trong nhóm đi đầu của Thành phố”. Đội ngũ người thầy - những kỹ sư tâm hồn của Gò Vấp tự hào với những đóng góp thầm lặng nhưng đầy hiệu quả đưa mặt bằng dân trí cũng như chất lượng cuộc sống của quê hương ngày càng được nâng cao.
Tổng kết năm học 2004 - 2005, Gò Vấp tiếp tục là một đơn vị mạnh của Thành phố về chất lượng giáo dục. Tỉ lệ tốt nghiệp ở bậc tiểu học và Trung học cơ sở đạt từ 99 - 100%, trong đó tốt nghiệp với loại khá giỏi đạt từ 85% trở lên. Số học sinh giỏi cấp Thành phố tăng hơn so với năm học trước với 242 em. Chất lượng ngành học giáo dục thường xuyên, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở bậc Mầm non đều đạt và vượt chỉ tiêu. Năm học vừa qua, ngành tiếp tục tạo được nhiều chuyển biến căn bản làm nền móng vững chắc để đưa sự nghiệp giáo dục Quận nhà phát triển một cách đồng bộ. Thực hiện hiệu quả công tác chính trị tư tưởng và xây dựng Đảng - Đoàn thể, tăng cường trật tự, kỷ cương, nề nếp trong trường học. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh từ việc xây dựng cơ sở vật chất đến việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. 12/12 Phường đều đạt và vượt các chỉ tiêu chống mù chữ và phổ cập giáo dục Tiểu học -THCS đúng độ tuổi, hoàn thành phổ cập bậc Trung học. Mặt bằng dân trí của người dân Quận nhà hiện là lớp 10,2.
Đội ngũ sư phạm cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục. Tỷ lệ cán bộ quản lý - giáo viên ở các ngành học đạt chuẩn hiện là 99,5%, trên chuẩn là 70% (tăng gần gấp đôi so với cách đây 5 năm). Cùng với việc tạo điều kiện giúp giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, Quận cũng luôn tạo điều kiện tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng về nhận thức chính trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm và phẩm chất đạo đức của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay.
Khen thưởng thành tích thi đua năm học vừa qua, Chủ tịch Nước đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường THCS Gò Vấp 2 và Thạc sĩ Đỗ Tuyết Bảo - Hiệu trưởng Trường PTTH Trần Hưng Đạo - nguyên Hiệu trưởng trường THCS Phan Tây Hồ. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng trường Phan Tây Hồ - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 15 đơn vị trường (Mầm non Quận, Mầm non 4, Mầm non 11, Tiểu học Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Kim Đồng, Chi Lăng, An Hội, Nguyễn Du, THCS Phan Tây Hồ, Gò Vấp 2, Tây Sơn, Phạm Văn Chiêu, Hermann Gmeiner, Trung tâm Giáo dục thường xuyên) đã được trao tặng Bằng khen của UBND Thành phố, 6 thầy cô là giáo viên giỏi cấp Thành phố được Sở GDDT tặng Giấy khen, cùng 144 giáo viên giỏi được UBND Quận khen thưởng.
5. Trật tự an toàn xã hội, cải cách hành chính và đời sống nhân dân.
Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn luôn được ổn định và đảm bảo tốt. Thường xuyên tấn công các loại tội phạm làm cho tình hình trật tự an toàn xã hội ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt trong những năm gần đây thực hiện chương trình 3 giảm của Thành phố đến nay Quận đã cơ bản hoàn thành công tác đưa hết các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn vào các trường, trung tâm cai nghiện. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, xây dựng lực lượng quân sự sẵn sàng chiến đấu, công tác giao quân nghĩa vụ quân sự luôn đạt chỉ tiêu, đảm bảo tỷ lệ số quân tự vệ trên tổng dân số.
Công tác cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa một dấu” ngày càng được hoàn thiện, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý trên các lĩnh vực nhà đất, hộ tịch, đăng ký kinh doanh phát huy tác dụng tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu hành chính của công dân. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được tập trung thực hiện đạt kết quả cao, đã cấp được hơn 52.000 giấy, vượt chỉ tiêu Thành phố giao.
Mức sống dân cư ngày càng nâng lên, chỉ tiêu bình quân 1 người tháng năm 2004 là 950 ngàn đồng bằng 5,36 lần so năm 1976. Trong đó chi ăn, uống, hút giảm từ 85,3% còn 43,1%; các khoản chi về học hành, nhà ở, điện nước, đồ dùng, vui chơi, sức khoẻ đều tăng lên một bước đáng kể. Hiện nay, quận Gò Vấp là 1 trong 5 quận dẫn đầu của thành phố về chỉ tiêu chất lượng cuộc sống (HDI).
Tổng quan Quận Gò Vấp
Gò Vấp đã được khai phá từ những ngày đầu khi lưu dân Việt đi mở đất từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Năm 1698, khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu kinh lý miền Nam, xác lập chủ quyền cương thổ của đất nước ta ở vùng đất mới thì đất Gò Vấp đã có tên trong sổ bộ, thôn, xã thuộc huyện Tân Bình,Phủ Gia Đinh.Gò Vấp cách trung tâm Bến Nghé xưa (quận 1 bây giờ) khoảng 1km về phía Tây Bắc, lại nằm trên vùng đất “Gò” cao (hơn 11m so với mặt biển) có nước ngọt của sông Bến Cát - phụ lưu của sông Sài Gòn - thuận lợi canh tác và sinh hoạt, vì thế lưu dân chọn lập làng, dựng ấp, tạo dựng quê hương mới.
Theo Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì vào triều Gia Long, năm 1818, vùng đất mang tên Gò Vấp rộng lớn nằm trong địa phận các Tổng Bình Trị và Dương Hòa thuộc huyện Bình Dương. Năm 1836, khi Nhà Nguyện đạc điền và lập bạ cho toàn bộ lục tỉnh Nam Kỳ thì Gò Vấp thuộc Tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, Tỉnh Gia Định.
Sau khi chiếm nam Kỳ làm thuộc địa, thực dân Pháp đẩy mạnh quá trình đô thị hóa vùng Bến nghé – Sài Gòn, năm 1894, mở rộng thành phố lên phía Bắc lấy rạch Thị Nghè và đường Thuận Kiều (đường Cách Mạng Tháng Tám ngày nay) làm giới. Huyện Bình Dương của Tỉnh Gia Định ở phía Bắc và Tỉnh Chợ Lớn ở phía Nam trở thành các khu ngoại ô của thành phố Sài Gòn.
Tỉnh Gia Định vào đầu thế kỷ XX gồm 4 quận (Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp và Nhà Bè). Vào năm 1917, Gò Vấp chia làm 3 tổng: Dương Hòa Thượng, Bình Trị Hạ, Bình Trị Thượng, gồm 37 xã. Từ năm1940 đến năm 1953 nhiều xã được sáp nhập, còn lại 24 xã, bao gồm cả vùng đất của quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, quận 12 và một phần của huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi ngày nay. Vào thời gian này xã Tân Sơn Nhất không còn sau khi thực dân Pháp đuổi dân chiếm đất để xây dựng sân bay tân Sơn Nhất.
Ngày 11-5-1944, chính quyền thuộc địa thành lập Tỉnh Tân Bình bằng các tách một phần của Tỉnh Gia Định. Gò Vấp thuộc tỉnh Tân Bình. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Tỉnh tân Bình bị xóa bỏ. Ngày 29-4-1957, Chính quyền Sài Gòn ban hành nghị định 138-NV ấn định địa giới Tỉnh Gia Định gồm 6 quận (10 tổng, 61 xã) tăng thêm 2 quận là Bình Chánh và Tân Bình. Tân Bình là phần đất tách từ quận Gò Vấp.
Quận Gò Vấp vào năm 1960 có 8 xã. Tháng 7-1976, sau khi Quốc Hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra nghị quyết đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh, Gò Vấp trở thành quận nội thành. Địa bàn của quận Gò Vấp lúc này gồm phần đất của 3 xã Hạnh Thông, An Nhơn và Thông Tây Hội,. Hai xã Thạnh Mỹ Tây và Bình Hòa tách ra để thành lập quận Bình Thạnh. Xã Mỹ Bình cắt về huyện Củ Chi, các xã Nhị Bình, Thạnh Lộc, An Phú Đông và Tân Thới Hiệp cắt về huyện Hóc Môn. Quận Gò Vấp chia thành 17 phường.
Từ tháng 4-1984 Gò Vấp được điều chỉnh địa giới, còn lại 12 phường cho đến bây giờ.
Quận Gò Vấp nằm ở phía Bắc và Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh, Bắc giáp quận 12, nam giáp quận Phú Nhuận, Tây giáp quận 12 và quận Tân Bình, Đông giáp quận Bình Thạnh. Tổng diện tích mặt đất tự nhiên 1.948,6ha, dân số 243.425 người (số liệu năm 1998).
Gò Vấp vốn là vùng đất cao, nhiều rừng nhiều thú dữ. Cư dân mở cõi đến vùng đất này lập nghiệp lúc đầu thành lập các cụm làng rừng. Những con người dũng cảm này vừa khai phá rừng làm đất thổ cư, đất canh tác, vừa phải chống thú dữ. Qua hàng trăm năm, lư dân đã biến vùng đất bưng thành ruộng trồng lúa nước, đất gò trở thành đất ở và đất vườn trồng các loại nông sản, trái cây, rau đậu… Nhưng sản phẩm nông nghiệp này tạo tiền đề cho sự ra đời của nhiều nghề thủ công. nghề làm đường, mật từ mía, nghề kéo sợi, dệt vải, nhuộm phát triển rất thịnh ở Gò Vấp đã đi vào thơ ca dân gian Nam Bộ (Sáng mai đi chợ Gò Vấp – Mua một khúc vải hết sáu chục đồng – Đem về cho con hai nó cắt, con Ba nó may, con Tư nó đột, con Năm nó viền). Thuốc rê Gò Vấp từng là “đặc sản” nổi tiếng lục tỉnh, đã đi vào phú cổ Gia Định (Trầu Sài Gòn xẻ ra nửa lá - Thuốc lá Gò Vấp hút đã một hơi).
Để khai thác thuộc địa triệt để, Pháp đã tiến hành phát triển hệ thống giao thông. Đường Sắt xuyên Việt hoàn thành năm 1882 chạy qua và có ga ở Gò Vấp. Năm 1884 đường số 1 từ trung tâm Sài Gòn qua Phú Nhuận đến Hạnh Thông dài 8km được mở rộng, nâng cấp. Trong những năm tiếp theo, dù Gò Vấp không nằm trong chương trình đô thị hóa của thực dân Pháp, nhưng nhiều con đường được mở rộng cho xe bò, xe ngựa, xe thổ mộ lưu thông dễ dàng. Năm 1897, đường xe điện và tuyến xe buýt Sài Gòn – Gò Vấp – Hóc Môn được đưa vào hoạt động.
Đến năm 1935-1936 trên đất Gò Vấp đã có 21 tin đồn điền cao su của Pháp, với hơn 60ha. Ngoài ra, các “quan thuộc địa” còn trồng vani (10ha), hồ tiêu (30ha), tràm (10ha), mía (60ha), thuốc lá sợ vàng (190ha), trà (18ha), dừa (60ha), lạc (80ha). Chính sách cướp đất trắng trợn của chúng đã đẩy nhân dân vào cảnh bần cùng. Nông dân Gò Vấp còn phải nộp thuế đất trồng lúa nước rất cao.
Sản xuất nông nghiệp phát triển kéo theo sự phát triển của công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và hoạt động thương mại. Thập niên 30 ở Gò Vấp đã có 35 xưởng nhuộm, xưởng dệt mỗi năm dệt được 4.000m tơ lụa, 10 lò thuộc da (phần lớn là của người Hoa), 8 lò nấu đường, 24 trại cưa và nhiều lò xay xát gạo. Ngoài những người làm ruộng thuần tuý, giai cấp công nhân trong các xưởng sản xuất tăng lên từng năm.. Ngoài ra, còn công nhân xưởng tàu điện, hỏa xa và hàng ngàn phu đồn điền hình thành một đội ngũ vô sản đông đảo. Đặc điểm này đã đưa Gò Vấp sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, cách mạng trong phong trào cách mạng thập niên 20 và đặc biệt sau ngày ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong các cuộc đấu tranh – khi cao trào cũng như lúc thoái trào từ năm 1930 và những giai đoạn tiếp theo - đều có sự tham gia tích cực của giai cấp cần lao Gò Vấp.
Trong suốt 30 năm (1945-1975), Gò Vấp biến thành căn cứ quân sự khổng lồ, là cơ sở hậu cần và là “lá chắn” phòng thủ Sài Gòn từ hướng Bắc – Tây Bắc, là “vành đai chiến lược” bảo vệ sào huyệt đầu não quân xâm lược, đồng thời là nơi xuất phát của những cuộc hành quân tội ác.
Hai mươi năm xâm lược, Đế quốc mỹ đã gây ra cho Gò Vấp những hậu quả xã hội hết sức nghiêm trọng, lực lượng phi sản xuất tăn glên không ngừng, trong đó “dân mặc áo lính” đông hơn người làm ăn lương thiện mà hậu quả là tệ nạn xã hội mặc sức phát triển, môi trường thiên nhiện của những làng nông nghiệp thuần túy bị phá hủy nặng nề. Nhân dân Gò Vấp đã phải tập trung những nỗ lực rất lớn trong một thời gian dài để khắc phục những hậu quả đó ngay sau khi đất nước được thu về một mối.
Phát triển công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp
Tại vùng đất Gò Vấp này hình hành ngành dệt - nhuộm thủ công khá sớm và có tiếng khắp vùng lục tỉnh. Những làng dệt thủ công từng là biểu tượng của Gò Vấp, Bình Thạnh và Tân Bình. Ở Gò Vấp từng có những lò thuộc da, nấu đường, trại cưa xẻ gỗ và xưởng xay xát gạo hoạt động rất nhộn nhịp. Sau giải phóng và nhất là trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, những ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống này của Gò Vấp lụi tàn dần bởi vì thiết bị và công nghệ quá lạc hậu. Nhiều làng dệt – nhuộm dần mai một do sản phẩm không thể cạnh tranh với thị trường. Lao động ngành dệt thủ công và nửa thủ công buộc phải tìm phương tiện khác để kiếm sống …
Thập niên 90 được coi là “thập niên chuyển dịch cơ cấu kinh tế” trên địa bàn Gò Vấp trong tất cả các ngành.
Trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, một loạt ngành sản xuất mới hoặc trước đây chưa phát triển, nay từng bước vương lên thay thế những ngành truyền thống: Sản xuất dụng cụ y tế, sản xuất giấy và sản phẩm giấy, sản xuất cơ khí, điện – điện tử (sản xuất thiết bị, máy móc và dụng cụ điện, lắp ráp máy thu hình, máy thu thanh, thiết bị truyền thông), sản xuất phụ tùng và sửa chữa phương tiện giao thông, sản xuất đồ nhựa – cao su; sản xuất đồ gỗ, giày da, may mặc và chế biến lương thực – thực phẩm.
Thập niên 90, đặc biệt là nữa sau thập niên này, ngành công nghiệp xây dựng đạt mức tăng trưởng rất cao, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế trên địa bàn quận Gò Vấp (xem bảng)
Năm
1991
1993
1995
1997
2000
2003
2004
GTSL
86.57
116.25
455.82
679.8
4.079
6.634
7.681
Năm 2000, sau khi luật Doanh Nghiệp mới ra đời, khu vực kinh tế tư nhân, giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn các thành phần kinh tế khác (tăng bình quân 20,7%, trong khi khu vực có vốn đầu tư của nước ngoài tăng 17% và khu vực nhà nước tăng 12,8% - trong thời gian 1996-2003). Giá trị sản lượng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm tuyệt đối trong cơ cấu giá trị sản lượng của quận: 84,2% năm 2000, 84,9% năm 2003 và năm 2004 đạt 83,9%.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài – chủ yếu là 2 công ty liên doanh sản xuất ô tô Mercedes – Benz của Đức và Isuzu của Nhật Bản tăng trưởng từng năm và là doanh nghiệp nước ngoài làm ăn có lãi ở Việt Nam – như chính báo chí Đức đưa tin về thành công của Mercedes-Benz.
Gò Vấp còn đất đai đủ khả năng thành lập những cụm công nghiệp, làng công nghiệp – như đã khẳng định trong “ Quy hoạch phát triển đến năm 2020 ” của quận, đó là 3 cụm công nghiệp tại phường 12, phường 5 và phường 11 (sản xuất đồ gỗ, nhất là gỗ mĩ nghệ). Cụm công nghiệp phường 12 đã xây dựng cơ sở hạ tầng (40,31 ha) hiện có 71 cơ sở sản xuất thuộc nhiều thành phần kinh tế hoạt động, phần lớn là cơ sở sản xuất nhỏ. Công ty TNHH giày da Huê Phong là doanh nghiệp đầu tư số vốn cao nhất (216 tỷ đồng) vào cụm công nghiệp này. Quận cũng đồng thời quy hoạch vùng sản xuất mới để di dời cơ sở sản xuất xen cài trong các khu dân cư hiện nay.
Trên địa bàn Gò Vấp hiện có 3.437 cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp , thu hút 55.300 lao động; bao gồm 8 doanh nghiệp nhà nước, 320 doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH, 17 doanh nghiệp nước ngoài.
Sản xuất nông nghiệp
Từ giữa thập niên 90, đặc biệt là năm 1996 trở đi, tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở quận Gò Vấp diễn ra khá nhanh và mạnh, nhất là chuyển diện tích trồng lúa không hiệu quả trên vùng bưng nhiều phèn sang thâm canh các loại rau, đậu, củ. Trong nhiều năm, Gò Vấp cung cấp ổn định rau xanh cho thành phố trên 21.000 tấn/năm ( từ 1995 đến 1999 ). Sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Gò vấp là hoa tươi. Hoa Gò Vấp đã nổi tiếng, nay không còn nhiều loài hoa và cây kiểng có chất lượng cao.
Do đất nông nghiệp từ 673 ha, năm 2000 còn 433 ha, năm 2003 còan 233 ha và năm 2004 chỉ còn 179 ha nên giá trị sản lượng nông nghiệp giảm liên tục, từ 1996-2003 bình quân giảm 11,3%/năm; năm 2003 chỉ còn 53 tỉ đồng. Ngành chăn nuôi bò sữa vốn phát triển nhanh trong thập niên 90, nay hầu như không còn do tốc độ đô thị hóa và cùng với nó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên toàn địa bàn. Diện tích đất nông nghiệp ở Gò Vấp hiện nay còn lại rất ít nhưng do được sử dụng có hiệu quả nên không một hộ dân nông nghiệp nào còn trong diện đói nghèo!
Hoa Gò Vấp - Truyền thống một làng nghề
Danh gọi “Làng Hoa Gò Vấp” có từ bao giờ, những gia đình nghệ nhân lâu đời về hoa kiểng - những con người gắn liền với thăng trầm của một làng nghề truyền thống nơi đây nhớ rất rõ. Một ngày giáp Tết Bính Tý 1996, cách đây đúng 10 năm, phóng viên Tờ tin Gò Vấp có dịp tìm hiểu về Làng Hoa, được các nghệ nhân giới thiệu về xuất xứ của cái tên thân thiết ấy. Trước thềm năm mới Bính Tuất 2006, đến thăm lại những vườn kiểng, càng thấm thía ý nghĩa máu thịt của quê hương mình khi có một làng nghề truyền thống tuyệt mỹ nhân gian, lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa cao quí của tổ tiên. Điều kỳ diệu nhất là giữa không gian đô thị hóa phát triển nhanh vẫn tồn tại một Làng Hoa truyền thống tỏa ngát hương sắc cho quê hương thêm lộng lẫy trong mùa xuân đất nước.
Theo các nghệ nhân, nguồn gốc có Làng Hoa ngày nay là do thú chơi tao nhã của người xưa ngay từ khi đến vùng Gò cao này khẩn hoang lập nghiệp. Rồi nhờ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của vùng đất có nguồn nước trong mát, ngọt ngào, thú vui đã chuyển thành nghề có thu nhập, tạo nên công ăn việc làm cho bao gia đình. Trải qua hàng trăm năm, trồng hoa và làm hoa kiểng với đủ thế dáng có thu nhập cao đã trở thành một nghề truyền thống mang tính uyên bác đầy tài năng, thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật trong tâm hồn vốn yêu thiên nhiên của người dân Gò Vấp, khiến nơi đây trở thành vùng cung cấp hoa kiểng chủ lực cho Thành phố.
Một năm chỉ có ba tháng xuân và hoa thường được nở đẹp nhất vào những ngày Tết, nhưng người Gò Vấp thì dường như thấy tiết xuân quanh năm bởi bốn mùa hoa nở khắp Làng Hoa, mùa nào hoa nấy. Dường như ở đâu có giống hoa gì thì ở Gò Vấp cũng có và hiện có tới hơn 200 loại. Chuyện cơm áo của nghề là một đòi hỏi cao cho việc du nhập thường xuyên các giống cây mới, có giá trị kinh tế cao nên càng làm cho Làng nghề thêm trường tồn và phát triển bền vững.
Hoa Gò Vấp qua sự mở rộng làm ăn của các gia đình làm nghề đã du ngoạn không chỉ trong Thành phố mà còn đến khắp các vùng miền đất nước, ra cả Hà Nội trang trí cho các văn phòng hiện đại, các khách sạn cao cấp, thậm chí giao lưu với cả những xứ sở nổi tiếng về hoa trên thế giới như Pháp, Hà Lan, Đài Loan, Xinhgapo, Nhật, Bỉ, Anh, Thụy Sĩ… Các nhà sản xuất Hoa của nước bạn thường đăt mối hợp tác với các nghệ nhân Gò Vấp trong việc sản xuất, cung cấp giống và cây kiểng quí hiếm. Từ cách đây mấy chục năm, nghệ nhân Tư Tịnh - Phường 11 đã có khoảng 2.000m2 vườn kiểng ngay tại Làng Hoa mà vẫn không đủ so với nhu cầu đặt hàng của bạn. Mỗi năm bác Tư xuất khẩu khoảng 10.000 cây giống và thành phẩm (cần thăng, sao đỏ, cau dừa, thiên tuế…) sang Pháp và một số nước Châu Á quanh ta. Do vậy nguồn cây của Bác luôn dồi dào và có dự tính chiến lược nhiều năm. Người nghệ sĩ trồng hoa thường là phải chịu khó thu mua từ khắp các nơi, tìm kiếm tận miền Tây, miền Đông, ra cả những cánh rừng miền Trung nắng gió, những nơi thậm chí chưa từng có ai đến để đem về những chủng loại, kiểu dáng lạ. Sau đó với đôi tay khéo léo, uốn tỉa, tạo dáng và chăm sóc, ít là vài năm, nhiều là hàng chục năm để có được những chậu kiểng bonsai tuyệt mỹ, giá trị có thể tính bằng vàng mới mua nổi. Cả những loài hoa và cây tưởng chỉ sống được ở xứ lạnh, khi đưa về ta, các nghệ nhân hoa Gò Vấp vẫn có thể làm cho nó sinh sôi nảy nở, không “bất đồng” xứ sở chút nào!
Lực lượng nghệ nhân Hoa kiểng Gò Vấp thật đông đảo và có truyền thống lâu đời với trên một trăm nhà vườn hoa kiểng chuyên nghiệp và có gần hai trăm nhà vườn bán chuyên nghiệp. Vườn ông Lý Hùng từng có cây thiên tuế 180 tuổi, vườn ông Huỳnh Văn Thân có cặp Cần Thăng trên 120 tuổi, vườn ông Đỗ Văn Quế có cặp sộp trên 110 tuổi, vườn nhà ông Địa Quýt có loại Địa Lan cao gần 3m và hàng trăm chậu hoa Sứ độc đáo với danh gọi là “Hoa hồng sa mạc”. Ông Lê Bạch Quang với những chậu Xương Rồng lạ mắt đã từng đem về cho Gò Vấp trên 70 huy chương các loại trong các hội thi hoa Xuân và trưng bày sản phẩm hoa của Thành phố và cả nước. Ông Lê Văn Tịnh có cây khế bonsai trên 100 tuổi và là người say mê tạo các giống bonsai xuất khẩu. Nhà ông Tám Giáp thì như một khuôn viên lá màu đủ loại. Ông Hai Minh thì lại có đủ loại Hoa Giấy, Thiên tuế. Giáo Tú thì đi sâu “lĩnh vực” bonsai kiểng khô tinh xảo, ông Năm Gấm thì trồng đại trà cúc đồng tiền đủ màu. Sân kiểng nhà bác Chín Le thì giống như khu trưng bày những vần thơ Đường luật bằng sinh vật cảnh…
Nghệ nhân Chín Le
Ngắm vườn kiểng bonsai của nghệ nhân Làng Hoa Gò Vấp, dùng chữ “đẹp” chưa hết nghĩa và đẹp cỡ nào thì còn tùy nhận xét của mỗi người. Với riêng tôi, nên thêm vào cụm từ “độc đáo” như một nét riêng của Gò Vấp. Độc đáo dáng cây, chủng loại, cách chăm bón, và hơn cả là sự độc đáo của ý thức giá trị nghệ thuật và phương thức làm ăn kinh tế. Nghệ nhân và những người làm hoa Gò Vấp không giấu nghề, có bao nhiêu bí quyết đều sẵn lòng phổ biến, tự tin vào sự phát triển của làng nghề, chính là mong có nhiều người biết làm giàu từ hoa như mình. Bất cứ ai đến thăm vườn của các nghệ nhân đều bắt gặp sự “thảo lòng” gần gũi của chủ nhân. Nếu có ai quyết tâm làm nghề đến học hỏi, các nghệ nhân vừa là người hướng dẫn kỹ thuật, vừa là người cung cấp giống và cũng đồng thời là người bao tiêu sản phẩm, thậm chí sẵn sàng giúp cả vốn không lãi cho đến khi bán được sản phẩm thì mới trả lại. Tất nhiên không phải tất cả ai cũng theo được đến cùng, bởi nghề nó đòi hỏi phải có một tình yêu đến độ đam mê, kiên trì và chịu khó, và cũng cần có chút năng khiếu nghệ thuật để khai thác chất liệu nâng cấp ngày một đẹp hơn, cũng như đáp ứng thị hiếu ngày càng cao hơn của khách thập phương.
Xuân 2006 - năm đầu tiên của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận khóa IX đề ra, một trong 5 công trình kinh tế - xã hội đòn bẩy cho Quận phát triển, đó là thực hiện mục tiêu “xây dựng Trung tâm Làng Hoa”, tạo điều kiện cho người trồng hoa phát triển theo qui mô tập trung, một dự án kinh tế có tầm vóc chiến lược lâu dài, khai thác tiềm năng dồi dào của một làng nghề truyền thống, để tiếp tục là một vùng trọng điểm về hoa kiểng của Thành phố. Gò Vấp đang bước vào xuân với niềm tin mới: quê hương đang giàu hơn nhờ nghề trồng hoa kiểng, làm đẹp thêm cho vùng đất vốn giàu truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của Thành phố.