Giới thiệu đôi nét về Go-rơ-ki. Nêu vị trí của đoạn trích "Những đứa trẻ".
BÀI LÀM
Go-rơ-ki (1868-1936) là nhà văn Nga vĩ đại, họ tên thật là A-lêc-xây Pê-scôp, tên thân mật là A-li-ô-sa, sinh tại thành phố Nhi-giơ-ni Nô-vơ-gô-rôt, nay là thành phố Go-rơ-ki, miền nam nước Nga. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, mười tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với ông bà ngoại. A-li-ô-sa trải qua tuổi ấu thơ nhiều cay đắng và tủi nhục. Do cảnh nhà sa sút, cậu phải bỏ học. Mười một tuổi đã phải tự kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau : bới rác, đi ở, phụ bếp trên tàu thuỷ, phụ việc trong xưởng làm tượng thánh...Tuy hoàn cảnh chật vật, nhưng A-li-ô-sa rất mê đọc sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học. Năm 1884, A-li-ô-sa đi Ca-dan ước mơ được vào đại học, nhưng không có tiền nên lại phải đi làm thuê để tự nuôi thân. Go-rơ-ki tích cực tham gia phong trào cách mạng vô sản do Lê-nin lãnh đạo, sau Cách mạng tháng Mười , đảm nhiệm nhiều công tác văn hoá xã hội. Ông mất năm 1936, bình đựng tro di hài nhà văn được an táng vào tường điện Cơ-rem-lin, gần kề bên lăng Lê nin tại trung tâm Ma-xcơ-va.
Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Ma-ca Su-đra (1892) với bút danh Mác-xim Go-rơ-ki (theo tiếng Nga: go-rơ-ki nghĩa là cay đắng). Sáng tác của Go-rơ-ki rất đa dạng về thể loại : truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, phê bình, lý luận,...Các tác phẩm chính : bộ ba tiểu thuyết tự truyện - Thời thơ ấu (1913-1914), Kiếm sống (1915-1916), Những trường đại học của tôi (1923) - và các tiểu thuyết : Người mẹ (1906-1907), Sự nghiệp gia đình Ác-ta-mô-nốp (1925), Cuộc đời Clim Xam-ghin (1925-1936).
Thời thơ ấu gồm 13 chương. Đoạn văn trích trong Ngữ văn 9, tập Một thuộc chương IX của tác phẩm. Có thể tóm tắt những tình tiết trước đoạn trích như sau:
Bố mất khi A-li-ô-sa mới ba tuổi, mẹ đi lấy chồng khác, về ở với ông bà ngoại và sống một cuộc đời héo hắt cay đắng, sớm phải chứng kiến trong gia đình những cảnh nhức nhối đau khổ. Ông ngoại khó tính, tàn nhẫn luôn đối xử với cháu bằng roi vọt và đe doạ. Hai cậu thì choảng nhau vì tranh chấp gia tài. May mà có bà ngoại giàu tình thương và có năng khiếu kể chuyện cổ tích. Chính điều đó đã khơi dậy ở A-li-ô-sa những tình cảm tốt đẹp và tình yêu văn học.
Cạnh nhà ông bà ngoại A-li-ô- sa có lão đại tá ngạo mạn coi khinh những người ở tầng lớp dưới. Ông ta sống với người vợ kế và ba đứa con nhỏ mồ côi mẹ Chúng khoảng mười tuổi, trạc tuổi như A-li-ô-sa. Do tình cờ, có lần A-li-ô-sa cùng hai đứa lớn cứu được thằng nhỏ chơi nghịch nhảy vào gầu rơi xuống giếng. Từ đó chúng chơi thân với nhau bất chấp sự cấm đoán của ông bố. Đoạn trích Những đứa trẻ tiếp theo sự kiện này.
Sưu tầm