Giới thiệu đôi nét về Go-rơ-ki. Nêu vị trí của đoạn trích Những đứa trẻ.

Thandieu2

Thần Điêu
Giới thiệu đôi nét về Go-rơ-ki. Nêu vị trí của đoạn trích "Những đứa trẻ".


BÀI LÀM

Go-rơ-ki (1868-1936) là nhà văn Nga vĩ đại, họ tên thật là A-lêc-xây Pê-scôp, tên thân mật là A-li-ô-sa, sinh tại thành phố Nhi-giơ-ni Nô-vơ-gô-rôt, nay là thành phố Go-rơ-ki, miền nam nước Nga. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, mười tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với ông bà ngoại. A-li-ô-sa trải qua tuổi ấu thơ nhiều cay đắng và tủi nhục. Do cảnh nhà sa sút, cậu phải bỏ học. Mười một tuổi đã phải tự kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau : bới rác, đi ở, phụ bếp trên tàu thuỷ, phụ việc trong xưởng làm tượng thánh...Tuy hoàn cảnh chật vật, nhưng A-li-ô-sa rất mê đọc sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học. Năm 1884, A-li-ô-sa đi Ca-dan ước mơ được vào đại học, nhưng không có tiền nên lại phải đi làm thuê để tự nuôi thân. Go-rơ-ki tích cực tham gia phong trào cách mạng vô sản do Lê-nin lãnh đạo, sau Cách mạng tháng Mười , đảm nhiệm nhiều công tác văn hoá xã hội. Ông mất năm 1936, bình đựng tro di hài nhà văn được an táng vào tường điện Cơ-rem-lin, gần kề bên lăng Lê nin tại trung tâm Ma-xcơ-va.

Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Ma-ca Su-đra (1892) với bút danh Mác-xim Go-rơ-ki (theo tiếng Nga: go-rơ-ki nghĩa là cay đắng). Sáng tác của Go-rơ-ki rất đa dạng về thể loại : truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, phê bình, lý luận,...Các tác phẩm chính : bộ ba tiểu thuyết tự truyện - Thời thơ ấu (1913-1914), Kiếm sống (1915-1916), Những trường đại học của tôi (1923) - và các tiểu thuyết : Người mẹ (1906-1907), Sự nghiệp gia đình Ác-ta-mô-nốp (1925), Cuộc đời Clim Xam-ghin (1925-1936).

Thời thơ ấu gồm 13 chương. Đoạn văn trích trong Ngữ văn 9, tập Một thuộc chương IX của tác phẩm. Có thể tóm tắt những tình tiết trước đoạn trích như sau:

Bố mất khi A-li-ô-sa mới ba tuổi, mẹ đi lấy chồng khác, về ở với ông bà ngoại và sống một cuộc đời héo hắt cay đắng, sớm phải chứng kiến trong gia đình những cảnh nhức nhối đau khổ. Ông ngoại khó tính, tàn nhẫn luôn đối xử với cháu bằng roi vọt và đe doạ. Hai cậu thì choảng nhau vì tranh chấp gia tài. May mà có bà ngoại giàu tình thương và có năng khiếu kể chuyện cổ tích. Chính điều đó đã khơi dậy ở A-li-ô-sa những tình cảm tốt đẹp và tình yêu văn học.

Cạnh nhà ông bà ngoại A-li-ô- sa có lão đại tá ngạo mạn coi khinh những người ở tầng lớp dưới. Ông ta sống với người vợ kế và ba đứa con nhỏ mồ côi mẹ Chúng khoảng mười tuổi, trạc tuổi như A-li-ô-sa. Do tình cờ, có lần A-li-ô-sa cùng hai đứa lớn cứu được thằng nhỏ chơi nghịch nhảy vào gầu rơi xuống giếng. Từ đó chúng chơi thân với nhau bất chấp sự cấm đoán của ông bố. Đoạn trích Những đứa trẻ tiếp theo sự kiện này.


Sưu tầm
 
Soạn văn Những đứa trẻ chi tiết

I. Tác giả


- tác giả Mác-xim Go-ri-ki (1868 - 1936) là bút danh của A-lếch-xây Pê-scốp.

- Ông là một trong những nhà văn lớn của nước Nga và của thế giới trong thế kỷ XX.

- Pê-scốp mồ côi bố khi mới lên ba tuổi và sống với ông bà ngoại.

- Khi trưởng thành, ông phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống.

- Bút danh “Go-rơ-ki” theo tiếng Nga có nghĩa là “cay đắng”.

- Ông là tác giả của bố ba tiểu thuyết tự thuật: Thời thơ ấu (1913 - 1914). Kiếm sống (1916), Những trường đại học của tôi (1923).

- Một trong những tác phẩm quan trọng khác của ông là Người mẹ (1906 - 1907) viết về sự chuyển biến tư tưởng của một về phía chủ nghĩa xã hội.

II. Tác phẩm

1. Xuất xứ


Văn bản “Những đứa trẻ” trích trong chương IX của tác phẩm “Thời thơ ấu” (gồm 13 chương).

2. Tóm tắt

Dạo ấy dưới thời Nga hoàng, A-li-ô-sa (tên thân mất thường gọi ở nhà của Mác-xim Go-rơ-ki) ở với ông ngoại vì bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác. Bên nhà hàng xóm là ông đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp đã già, sống với người vợ kế và ba đứa con nhỏ mồ côi mẹ, trạc tuổi với cậu. Do tình cờ, có lần A-li-ô-sa cùng hai đứa con lớn của ông đại tá kéo dây gàu lên cứu được thằng nhỏ chơi nghịch nhảy vào gàu rơi xuống giếng, nên mấy đứa trẻ bắt đầu chơi thân với cậu. Sau gần một tuần trôi qua ba đứa trẻ hàng xóm lại ra sân chơi và rủ A-li-ô-sa chơi cùng. Trong cuộc trò chuyện với ba anh em con nhà ông đại tá, A-li-ô-sa hỏi về mẹ của chúng. Chúng buồn rầu vì mẹ đã mất chúng đã mất còn bố chúng lấy một người mẹ khác. Để an ủi ba đứa trẻ, cậu đã kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích mà bà câu hay kể. Tuy nhiên ông đại tá bắt gặp và cấm chúng không được chơi với A-li-ô-sa nữa. Bất chấp sự ngăn cấm, những đứa trẻ vẫn tìm cách chơi với nhau, an ủi nhau bằng cách kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn.

3. Bố cục

Gồm 3 phần:


• Phần 1. Từ đầu đến “ấn em nó cúi xuống”. Tình bạn của A-li-ô-sa và ba đứa trẻ hàng xóm.

• Phần 2. Từ tiếp đến “cấm không được đến nhà tao”. Ông đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp phát hiện và ngăn cấm.

• Phần 3. Còn lại: Tình bạn vẫn tiếp diễn dù bị ngăn cấm.

III. Đọc - hiểu văn bản

1. Tình bạn của A-li-ô-sa và ba đứa trẻ hàng xóm

a. Hoàn cảnh gặp gỡ giữa A-li-ô-sa và ba đứa trẻ hàng xóm


- Ba đứa trẻ hàng xóm và A-li-ô-sa thuộc hai gia đình có hoàn cảnh khác nhau.

• A-li-ô-sa ở với ông bà, cậu thường hay bị ông đánh, niềm an ủi duy nhất là người bà luôn yêu thương cậu.

• Ba đứa trẻ hàng xóm dù sống trong gia đình giàu có nhưng luôn thiếu thốn tình thương.

=> Sự đồng cảm của những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh.

b. Tình bạn trong sáng của những đứa trẻ:


- Chúng cùng nhau trò chuyện, đối thoại với những chú chim.

- Ba đứa trẻ hàng xóm chia sẻ với A-li-ô-sa về mẹ của mình.

- A-li-ô-sa kể lại những câu chuyện cổ tích được nghe bà kể cho ba đứa trẻ hàng xóm để an ủi chúng.

=> Bốn đứa trẻ cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống.

2. Tình bạn bị ngăn cấm

- Lão đại tá già xuất hiện với bộ ria trắng, đầu đội chiếc mũ xù lông đã thô bạo “nắm lấy vai đuổi A-li-ô-sa và ra khỏi cổng.

- Trận đòn của ông ngoại cùng sự đặt điều mách lẻo của bác Pi-ốt đã khiến A-li-ô-sa và bị ngăn cấm không được chơi với mấy đứa con của lão đại tá.

=> Người lớn với sự vô tâm đã ngăn cách tình bạn của bọn trẻ.

3. Tình bạn cao đẹp vẫn tồn tại

- A-li-ô-sa vẫn tiếp tục chơi với ba đứa bé kia và quan hệ giữa chúng nó “càng ngày càng trở nên thích thú”.

- Chúng đã bí mật khoét ra “một lỗ hổng hình bán nguyệt”, núp dưới bụi hương mộc rậm rạp “nói chuyện khe khẽ với nhau”, chúng nó chuyện về cuộc sống, về những con chim, về nhiều chuyện trẻ con khác…

=> Tình bạn trong sáng tồn tại bất chấp mọi rào cản về địa vị, hay mọi sự ngăn cấm của người lớn

Tổng kết:

- Nội dung: Đoạn trích “Những đứa trẻ” thuật lại hết sức sinh động tình bạn thân thiết nảy sinh giữa ông hồi còn nhỏ với những đứa trẻ thiếu sống tình thương bên hàng xóm, bất chấp những cản trở trong quan hệ xã hội lúc bấy giờ.

- Nghệ thuật: nghệ thuật kể chuyện giàu hình ảnh, đan xen chuyện đời thường với truyện cổ tích…


Sen Biển( sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top