Giới thiệu đề kiểm tra Văn 12 (90 phút) và đáp án tham khảo

Bút Nghiên

ButNghien.com
Giới thiệu đề kiểm tra Văn 12 (90 phút) và đáp án tham khảo


A. ĐỀ.

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (3 điểm)


Câu 1: Đặc điểm nào sau đây không phải là biểu hiện nội dung nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân)?

A- Niềm khát khao tổ ấm gia đình.
B- Tình thương yêu giữa những người nghèo khổ.
C- Một tình huống đặc biệt: vui mà tội nghiệp, mừng mà vừa tủi vừa lo.
D- Số phận bi thảm của người nông dân trước cách mạng tháng Tám.

Câu 2: Nhận xét nào sau đây nêu đầy đủ chủ đề truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân?

A- Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân kể về người vợ nhặt được của anh Tràng.
B- Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả số phận bi thương của người nông dân trong nạn đói 1945 mà còn khẳng định sức sống kì diệu của họ.
C- Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân thể hiện niềm khát khao về tổ ấm gia đình và tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau của những người nông dân trước cách mạng.
D- Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân miêu tả số phận bi thương của người nông dân trong nạn đói năm 1945.

Câu 3: Thành công chủ yếu về nghệ thuật của truyện Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) thể hiện ở phương diện nào?

A- Khắc họa tâm lí nhân vật và tạo màu sắc dân tộc đậm đà.
B- Khắc họa tâm lí nhân vật và xây dựng tình huống truyện.
C- Xây dựng tình huống truyện và khắc họa tính cách nhân vật.
D- Tạo màu sắc dân tộc đậm đà và xây dựng tình huống truyện.

Câu 4: Cất sử thi trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành thể hiện ở những yếu tố nào?

A- Ca ngợi con người anh hùng.
B- Miêu tả thiên nhiên hùng vĩ.
C- Xây dựng nhân vật và sử dụng ngôn ngữ.
D- Lựa chọn chủ đề, xây dựng cốt truyện và nhân vật, sử dụng giọng điệu và ngôn ngữ.

Câu 5: Nhận định: "Hành trình sáng tác của nhà văn Nguyễn Minh Châu chia làm hai giai đoạn với hai thiên hướng rõ rệt: trữ tình lãng mạn và cảm hứng về thế sự với những vấn đề đạo đức và triết học." đúng hay sai?

A- Đúng.
B- Sai.

Câu 6: Hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Trung Thành có ý nghĩa tượng trưng gì?

A- Sức sống tuyệt vời của thiên nhiên Việt Nam.
B- Cuộc đấu tranh bất khuất của dân làng Xô Man và các dân tộc Tây Nguyên.
C- Sự bất lực của bom đạn đế quốc Mĩ.
D- Sức sống và phẩm chất tốt đẹp của dân làng Xô Man và các dân tộc Tây Nguyên.

Câu 7: Tác giả Ông già và biển cả là ai?

A- Mác Tu-ên.
B- Hê-ming-uê
C- Giắc Lân-đơn.
D- O Hen-ri.

Câu 8: Sự trong sáng của tiếng Việt được biểu hiện ở những phương diện nào?

A- Chuẩn mực trong việc dùng từ, đặt câu và dựng đoạn.
B- Không dùng nhiều từ vay mượn, cách diễn đạt không quen thuộc với tiếng Việt.
C- Biểu hiện nội dung tư tưởng, tình cảm một cách sáng rõ và mạch lạc.
D- Tính chuẩn mực, không lai căng pha tạp, tính lịch sự văn hóa trong lời nói, sự sáng rõ, mạch lạc trong việc biểu hiện nội dung tư tưởng, tình cảm.

Câu 9: Đoạn văn sau có những đặc sắc gì về diễn đạt?

Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.
(Hoài Thanh- Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam)

A- Dùng từ chính xác, độc đáo; văn viết giàu hình ảnh.
B- Viết văn giàu hình ảnh, sử dụng biện pháp liệt kê.
C- Dùng từ chính xác, độc đáo sử dụng phép liệt kê, phép điệp từ, điệp cấu trúc.
D- Sử dụng phép điệp từ, điệp cấu trúc, liệt kê.

Câu 10: Đoạn văn sau đây sử dụng phép tu từ nào?

Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nươc lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như nmột trận bão. ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn.
(Nguyễn Trung Thành- Rừng xà nu)

A- Lặp cú pháp, liệt kê.
B- Lặp cú pháp, chêm xen.
C- Liệt kê, chêm xen.
D- Sử dụng nhiều kiểu câu, liệt kê.

Câu 11: Đọc đoạn trích sau và cho biết tại sao lập luận đưa ra lại bị phe đối lập bác lại?

Dựa vào số liệu thống kê từ năm 1945 đến nay, mỗi ngày có 12 cuộc chiến xảy ra, bao gồm các cuộc chiến tranh quốc tế hay nội chiến nhỏ. Xin hỏi mọi người, đó là trạng thái hòa bình hay không?

Bên đối lập đã bác lại:

Từ 1945 đến nay, mỗi gày nổ ra 12 cuộc chiến tranh. Con số này nêu ra không chính xác. Sự thật là những năm 60, tổng cộng đã nổ ra khoảng 30 cuộc chiến tranh, còn đến năm 80 thì cả thảy nổ ra chưa đến 10 cuộc. Điều này chẳng nói lên một xu thế hòa bình hay sao?


A- Luận cứ không đầy đủ.
B- Luận cứ không chính xác.
C- Luận cứ không tiêu biểu.
D- Luận cứ mâu thuẫn.

Câu 12: Lập luận sau mắc lỗi gì?

Nam Cao viết nhiều về nông thôn. Lão Hạc ăn bả chó tự tử để tránh đói. Anh cu Phúc chết lặng trong xó nhà ẩm ướt trước những đôi mắt "dại đi vì đói" của hai đứa con. Bà cụ Tí chết vì một bữa no, tức là một kiểu chết vì quá đói. Lại có cảnh đám cưới, nhưng cưới để chạy đói.

A- Luận cứ không tiêu biểu.
B- Kết luận không rõ ràng.
C- Luận cứ mâu thuẫn.
D- Luận cứ không phù hợp với kết luận.


PHẦN II: TỰ LUẬN (7 điểm)

Đề 1:

Câu 1
: Giới thiệu khái quát về Lỗ Tấn và truyện ngắn Thuốc.

Câu 2: Phân tích tình huống truyện Vợ nhặt của Kim Lân từ đó nêu lên giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.


Đề 2:

Câu 1: Giới thiệu khái quát về Hê-ming-uê và tiểu thuyết Ông già và biển cả.

Câu 2: Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngẵn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) để thấy được giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.



B. ĐÁP ÁN

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM
(3 điểm- mỗi câu đúng được 0.25 điểm)

Câu 1C- 2B- 3A- 4D -5A -6D -7B- 8D -9C -10C -11B-12D

PHẦN II: TỰ LUẬN (7 điểm)

Đề 1:

Câu 1:


+ Yêu cầu về nội dung kiến thức: Phần Tiểu dẫn bài Thuốc (Lỗ Tấn).

+ Yêu cầu hình thức: Một bài viết ngắn có hai phần, giới thiệu về Lỗ Tấn và giới thiệu về truyện ngắn Thuốc.

Câu 2:

Bài viết cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

1) Giới thiệu tác giả, tác phẩm và tình huống truyện:

- Kim Lân là nhà văn một lòng một dạ đi về với "đất", với "người", với "thuần hậu nguyên thủy" của cuộc sống nông thôn.

- Nạn đói năm 1945 đã đi vào nhiều trang viết của các nhà văn, nhà thơ trong đó có Vợ nhặt của Kim Lân.

- Vợ nhặt xây dựng tình huống truyện độc đáo. Qua tình huống truyện, tác phẩm thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

2) Bối cảnh xây dựng tình huống truyện.

+ Bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà kết quả là hơn hai triệu người chết.

+ Cái chết hiện hình trong tác phẩm tạo nên một không khí ảm đạm, thê lương. Những người sống luôn bị cái chết đe dọa.

3) Trong bối cảnh ấy, Tràng, nhân vật chính của tác phẩm "nhặt" được vợ. Đó là một tình huống độc đáo

+ Ở Tràng hội tụ nhiều yếu tố khiến nguy cơ "ế" vợ rất cao (Ngoại hình xấu, thô, tính tình có phần không bình thường, ăn nói cộc cằn, thô lỗ, nhà nghèo, đi làm thuê nuôi mình và mẹ già, nạn đói đe dọa, cái chết đeo bám).

+ Tràng lấy vợ là lấy cho mình thêm một tai họa (theo lô gíc tự nhiên).
+ Việc Tràng lấy vợ là một tình huống bất ngờ

- Cả xóm ngụ cư ngạc nhiên.

- Bà cụ Tứ cũng hết sức ngạc nhiên

- Bản thân Tràng có vợ rồi vẫn còn " ngờ ngợ".

+ Tình huống truyện bất ngờ nhưng rất hợp lí

- Nếu không phải năm đói khủng khiếp thì "người ta" không thèm lấy một người như Tràng.

- Tràng lấy vợ theo kiểu "nhặt" được.

4) Giá trị hiện thực: tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói

+ Cái đói dồn đuổi con người.

+ Cái đói bóp méo cả nhân cách.

+ Cái đói khiến cho hạnh phúc thật mỏng manh, tội nghiệp.

+ Vợ nhặt có sức tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân, phát xít.

5) Giá trị nhân đạo:

+ Tình người cao đẹp thể hiện qua cách đối xử với nhau của các nhân vật.

- Tràng rất trân trọng người "vợ nhặt" của mình.

- Thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức nơi người "vợ nhặt"

- Tình yêu thương con của bà cụ Tứ.

+ Con người huôn hướng đến sự sống và luôn hi vọng, tin tưởng ở tương lai:

- Tràng lấy vợ là để duy trì sự sống.

- Bà cụ Tứ, một người già lại luôn miệng nói về ngày mai với những dự định thiết thực tạo niềm tin cho dâu con vào một cuộc sống tốt đẹp.

- Đoạn kết tác phẩm với hình ảnh lá cờ đỏ và đoàn người phá kho thóc Nhật.


Đề 2

Câu 1:


+ Yêu cầu về nội dung kiến thức: Phần Tiểu dẫn bài Ông già và biển cả (Hê-ming-uê).

+ Yêu cầu hình thức: Một bài viết ngắn có hai phần, giới thiệu về Hê-ming uê và giới thiệu về tiểu thuyết Ông già và biển cả.

Câu 2:

Bài viết cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

1) Giới thiệu đôi nét về nhà văn Tô Hoài, tập truyện Tây Bắc và truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Giới thiệu nhân vật Mị và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

3) Phân tích nhân vật Mị:

+ Đoạn giới thiệu: "Ai ở xa về …" Mị xuất hiện không phải ở phía chân dung ngoại hình mà ở phía thân phận- một thân phận quá nghiệt ngã- một con người bị xếp lẫn với những vật vô tri giác (tảng đá, tàu ngựa,…)- một thân phận đau khổ, éo le.

+ Mị trước khi bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà Thống lí:

- Mị trẻ đẹp, yêu đời.

- Mị có khát vọng tình yêu, hạnh phúc.

- Mị là một người con hiếu thảo.

+ Mị từ khi bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà Thống lí:

- Mị đau đớn, uất ức, phản kháng.

- Mị bị tê liệt dần về ý thức, cảm xúc,…

- Mị chỉ còn là một công cụ, một con vật biết chịu sự sai khiến, Mị vô cảm, không khát vọng, thậm chí không còn biết khổ đau.

- Cảm hứng của tác giả: xót thương.

+ Sức trỗi dậy của Mị:

- Sự tác động của hoàn cảnh: không khí mùa xuân (thiên nhiên, cảnh sinh hoạt), rượu (Mị ngửa cổ uống ừng ực từng bát một), đặc biệt là tiếng sáo gọi bạn (tác giả dụng công miêu tả tiếng sáo như một thủ pháp nghệ thuật lay tỉnh tâm hồn Mị).

- Những chuyển biến trong tâm hồn Mị: Mị nhớ lại quá khứ, niềm ham sống, khát sống trở lại, Mị muốn chết.

- Từ những chuyển biến trong tâm hồn đến hành động: bỏ thêm mỡ vào đĩa dầu, quấn lại tóc, với tay lấy chiếc váy hoa, vùng bước đi,…

+ Hành động cởi trói cho A Phủ:

- Những ngày đầu Mị tỏ ra vô cảm.

- Khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ, cảm xúc trong Mị sống lại.

- Mị cắt dây trói cho A Phủ, một hành động vừa tự phát vừa tự giác.

- Mị vùng chạy theo A Phủ.

3) Giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm:

- Cảm thông sâu sắc đối với người dân.

- Phê phán gay gắt bọn chúa đất phong kiến miền núi.

- Ngợi ca những gì tốt đẹp, trân trọng, đề cao những khát vọng chính đáng của con người, đặc biệt là sức sống tiềm tàng của những con người chịu nhiều đau khổ bất hạnh.

- Chỉ ra con đường giải phóng người lao động có cuộc đời tăm tối và số phận thê thảm.

4) Nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Nhân vật sinh động, có cá tính đậm nét (với Mị, tác giả ít miêu tả hành động, dùng thủ pháp lặp lại có chủ ý một số nét chân dung gây ấn tượng sâu đậm), đặc biệt tác giả có tài miêu tả tâm lí, dòng ý nghĩ, tâm tư, nhiều khi là tiềm thức chập chờn,…

(Sưu tầm)
 


Viết trả lời...

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top