“Giỗ Sống” - nét đẹp văn hóa truyền thống
của người Nguồn ở Minh Hóa - Quảng Bình
của người Nguồn ở Minh Hóa - Quảng Bình
Thanh Hoa (CTV Diễn đàn Kiến Thức)
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Câu ca ấy như nhắc nhở mỗi thế hệ con cháu chúng ta phải biết “uống nước nhớ nguồn”. Đạo làm con phải biết công ơn sinh thành, dưỡng dục, hiếu đễ với cha mẹ. Đó không chỉ là một đức tính cần có mà còn là nét đẹp truyền thống trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam ta.
Trong tiết trời se lạnh của mùa Xuân, lòng người cảm nhận được sự ấm áp, nồng nàn của tình yêu thương, sự kính trọng, lòng biết ơn của các con cháu đối với cha mẹ, bởi đây là dịp để mỗi người con Minh Hóa có cơ hội được bày tỏ tấm lòng của mình đối với bậc sinh thành. “Giỗ Sống” (Pơng - Bưng) - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Nguồn ở Minh Hóa - Quảng Bình.
Theo truyền thống, hàng năm, từ ngày 23 tháng 12 âm lịch, ngày tiễn ông Táo lên chầu trời, cũng là thời gian bắt đầu chuỗi ngày con cháu người Nguồn sửa soạn một mâm cơm thật chu đáo để dâng lên cha mẹ như một lời tri ân. Lễ Pơng (theo tiềng Nguồn) sẽ bắt đầu từ ngày 23 đến 28 tết. Mâm cơm được chuẩn bị một cách chu đáo, cẩn thận từ khâu chọn nguyên vật liệu tới công đoạn chế biến. Các món được chọn có thể là cây nhà lá vườn, hay là cao lương mỹ vị thì tùy thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi người để chuẩn bị. Nó không ảnh hưởng tới giá trị và ý nghĩa sâu sắc của Lễ này. Các món thường thấy như một đĩa trái cây (chuối, cam, quýt...), thịt gà, thịt lợn, thị bò, xôi, bánh,... được chuẩn bị từ sáng sớm và thường sẽ dâng lên mời cha mẹ dùng vào bữa trưa.
Đây cũng là dịp để con cái ở xa nhà trở về báo hiếu cha mẹ, là dịp để anh em gặp nhau trò chuyện, hàn huyên. Mặc dù, theo thời gian và nhịp sống sôi động và hiện đại của xã hội, nhưng cứ mỗi độ xuân về không ai bảo ai vẫn nhớ và thực hiện đạo hiếu của mình, điều này thể hiện ý thức cũng như một hành động đẹp mang đầy giá trị nhân văn sâu sắc. Lễ này không biết có từ bao giờ, nhưng trải qua bao đời nay người Nguồn coi đó là một nét đẹp ứng xử, là thước đo đạo đức của cá nhân trong cộng đồng làng xã mình. Dù nhịp sống có nhiều đổi thay song trong ý thức mỗi người dân nơi đây luôn coi đó là một truyền thống tốt đẹp, lâu đời cần được bảo tồn, lưu giữ và phát huy.
Đinh Thanh Hoa - Học viên lớp Lịch Sử
Trường ĐHKH Huế
Email: hoasuk29a@gmail.com
Telephone: 0905.469.077
Trường ĐHKH Huế
Email: hoasuk29a@gmail.com
Telephone: 0905.469.077