Giáo viên khốn khó với “bão giá”

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Giáo viên khốn khó với “bão giá”


bao-gia-1.jpg

Đến bao giờ đời sống giáo viên mới tương xứng với công sức bỏ ra (ảnh chụp trong một giờ học tại xã Bình Khánh, Cần Giờ)

Lương chưa kịp tăng thì gạo, rau, gas... cứ đua nhau tăng từng ngày. Nhiều giáo viên phải tự “cắt xén” khẩu phần ăn của gia đình, cũng có giáo viên phải đi vay nóng để đáp ứng nhu cầu cuộc sống…

“Ngày hôm qua (ngày 1-12) đọc báo thấy giá gas tăng thêm gần 40 ngàn đồng/bình mà chóng cả mặt. Trước đó thì rau, cá, thịt, trái cây, gạo cũng đua nhau lên giá. Mỗi lần đi chợ là thấy một giá khác”, cô L. - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp tâm sự.

Tự “cắt xén” khẩu phần ăn

Ngày nào trên đường từ trường về nhà, cô M. - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Q.Tân Bình cũng ghé chợ Phạm Văn Hai mua thức ăn. Chiều 1-12, ghé vào hàng rau, cô chỉ vào bó rau cải và hỏi giá bao nhiêu, bà bán hàng trả lời: “15 ngàn đồng/kg”, cô thắc mắc: “Mấy bữa trước chỉ có 13 ngàn đồng/kg, nay tăng tới 2 ngàn đồng/kg”. “Buổi sáng là 16 ngàn đồng/kg đó chị à, chiều bán rẻ nên mới có giá này. Tụi tôi lấy hàng giá cao thì phải bán cao”, bà bán hàng trả lời.

Cô M. lắc đầu nói như than: “Chết thôi, cái gì cũng tăng. Mỗi ngày đi chợ lại một giá mới, cứ thế này thì không biết lương có đủ ăn cơm với rau không”.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 cũng cho biết: “Tôi thường đi chợ vào ngày chủ nhật và mua thức ăn cho cả tuần, riêng rau thì 2 ngày mua/lần. Trước đây, chỉ cần mua 10-13 ngàn đồng rau cải là đủ ăn nhưng nay phải mua trên 20 ngàn đồng mới đủ”. Cũng theo cô Dung thì giáo viên, công nhân viên còn khó khăn hơn nhiều. Giá gạo, giá rau luôn là “đề tài nóng bỏng” được các cô bàn cãi nhiều nhất…

“Cả ngày ở trường nên tôi chỉ đi chợ vào sáng thứ bảy và mua thức ăn cho cả tuần. Tôi đi chợ Hạnh Thông Tây, thấy giá cứ thay đổi liên tục, từ nay đến tết còn thay đổi nữa. Trước đây mỗi ngày chi hết 100 ngàn đồng, rồi tăng lên 120 ngàn đồng, nay phải 150 ngàn đồng mới đủ ăn”, cô L. (GV Trường Tiểu học Kim Đồng) tâm tư.

Chồng cô L. là công nhân nên mỗi tháng thu nhập chỉ trên 2 triệu đồng. Còn cô, sau 21 năm đứng lớp - cả lương và 35% phụ cấp ưu đãi cộng lại được 3,3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra cô L. còn tham gia dạy buổi thứ 2, phục vụ ăn sáng cho học sinh, trông cho học sinh ngủ trưa nên mỗi tháng có thêm khoảng 2 triệu đồng. Theo đó, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng bình quân là trên 7 triệu đồng. Trong đó phải chi tiền bán trú và tiền học cho hai đứa con (đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ học mầm non) là 1,4 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, thời gian gần đây mỗi khi đi chợ cô L. đành phải tự “cắt xén” bớt khẩu phần ăn của gia đình, mua cái gì cũng phải tính toán…

“Vay nóng” để cầm cự qua ngày

bao-gia-2.jpg


Giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh dè sẻn mua từng bó rau (ảnh chụp chiều ngày 2-12). Ảnh: Q.Huy

Giá cả leo thang đã ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên mới ra trường, giáo viên phải đi thuê nhà. Tuy nhiên so với đồng nghiệp ở Q.2, Q.12… thì những giáo viên này vẫn còn may mắn gấp trăm lần, bởi tháng tháng được nhận đủ lương.

Ngày 1-12, trên số báo 909 Báo Giáo Dục TP.HCM có đăng bài: “Q.2, TP.HCM: Hàng trăm giáo viên bị chậm trễ lương” phản ánh tình trạng đã hết tháng 11 mà rất nhiều thầy, cô giáo ở đây vẫn chưa có lương. Sau khi báo đăng, nhiều giáo viên, hiệu trưởng - hiệu phó tại một số trường học ở các quận, huyện khác đã tỏ thái độ bức xúc thay đồng nghiệp của mình. “Không có lương thì các thầy, cô giáo ở Q.2 lấy gì mà sống”, một giáo viên ở Q.Gò Vấp đã thốt lên.

Quả đúng như vậy, thầy Đ. - giáo viên Trường Tiểu học G, Q.2 kể: “Tôi là lao động chính trong gia đình, mỗi tháng thu nhập khoảng 4,1-4,2 triệu đồng (trong đó tiền lương và phụ cấp ưu đãi khoảng 3,5 triệu đồng, tiền dạy buổi thứ 2 chưa tới 750 ngàn đồng). Tôi không chỉ lo tiền sinh hoạt phí cho cả gia đình với 4 miệng ăn mà còn phải lo tiền học của hai đứa con. Thông thường thì lương tháng nào tạm đủ xài cho tháng đó nên tháng 11 chưa được nhận lương mọi chuyện cứ rối tung lên. Đi dạy thì không sao, cứ về đến nhà là đau cả đầu với hàng loạt “giấy đòi nợ” như hóa đơn tiền điện, tiền nước, thậm chí ngay bình gas cũng hết đúng lúc nhà không có tiền. Đã vậy, giá lương thực, thực phẩm cứ tăng vù vù, bà xã đi chợ ngày nào cũng “méo cả mặt”. Nói thật là để vẫn đứng trên bục giảng như ngày hôm nay, trong tháng qua tôi đã phải đi “vay nóng” mấy triệu đồng…”.

Ngày 1-12, cô H. - giáo viên Trường Tiểu học T, Q.12 cho chúng tôi biết là mới được truy lãnh phụ cấp ưu đãi của tháng 9 và tháng 10-2010. Trước đó, trong 2 tháng này, hàng trăm giáo viên ở Q.12 chỉ được nhận lương, còn phụ cấp ưu đãi (35% đối với giáo viên mầm non, tiểu học và 30% đối với giáo viên THCS) thì bị “ngâm” lại. Và đây không phải là năm đầu tiên ở Q.12 xảy ra tình trạng này.

Học sinh học kém, thầy - cô giáo bị “chửi”; một lớp có nhiều học sinh giỏi, giáo viên cũng bị lên án; học sinh đánh nhau, người đầu tiên bị dư luận “gõ” cũng chính là người thầy… Và người bị “ngâm” lương nhiều nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất khi giá cả leo thang lại cũng là người thầy. Không biết đến bao giờ xã hội mới có cái nhìn công bằng đối với người thầy?

Bài, ảnh:
Hòa Triều - Báo GD TPHCM


 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top