Giáo viên chủ nhiệm: Sự tổng hòa nhiều yếu tố

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
day-gioi.jpg


Học sinh sẽ chăm ngoan hơn khi có một GVCN giỏi. Ảnh: T.L

Mỗi thầy, cô đều phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Nhưng đối với giáo viên chủ nhiệm (GVCN), yêu cầu đó được đặt ra với mức độ cao hơn, toàn diện hơn. Không những phải tạo được sự ngưỡng mộ ở các em, GVCN còn là nơi để các em chia sẻ những buồn vui, một chỗ dựa tinh thần vững vàng cho các em trong cuộc sống.

Yêu cầu về phẩm chất


GVCN cần có một nhận thức đúng đắn và sâu sắc về vị trí, yêu cầu đối với chính bản thân mình và công việc. Không chỉ trang bị cho mình những kiến thức cần thiết cho việc giảng dạy, những vốn sống sâu sắc về con người, cuộc đời… người GVCN còn cần phải rèn luyện cho chính mình đạt những phẩm chất đạo đức có tính chuẩn mực để trên cơ sở đó, mới có thể nhắc nhở, uốn nắn học sinh. Từ hành vi, ngôn ngữ, cách cư xử, cách suy nghĩ, đánh giá những sự việc trong cuộc sống, những thói quen trong sinh hoạt… tất cả luôn cần được người GVCN tự xem xét, điều chỉnh để có thể không ngừng hoàn thiện mình trong mắt học trò. Đơn giản một sự việc là, khó có thể yêu cầu các em gọn gàng, ngăn nắp, sống đẹp nếu bản thân người GVCN chưa là một “hình mẫu” đối với các em.

Cần nhận thức rõ, giáo dục một con người là một quá trình không có điểm cuối cùng. Đó là công việc kéo dài cả một đời người chứ không phải là chuyện của ngày một, ngày hai. Vì thế, người GVCN không bao giờ được chủ quan, nóng vội. Một câu nói vô tình, một trách phạt nôn nóng, một hành xử thiếu cân nhắc đôi khi gây tổn thương và - biết đâu đó - các em sẽ mang theo vết thương kia thành một ám ảnh khôn nguôi!... Trước mọi sai lầm, vi phạm của học sinh GVCN cần hết sức bình tĩnh, bao dung và độ lượng để xem xét, giải quyết, xử lý vấn đề.
Với một học sinh lười, một học sinh cá biệt… chúng ta không nên ảo tưởng là các em sẽ tiến bộ ngay sau vài lần nhắc nhở hay xử phạt của GVCN. Có khi, các em vẫn tiếp tục lười, tiếp tục phạm lỗi lầm với mức độ liên tục hơn, nghiêm trọng hơn - như một cách thách thức, một cách khẳng định mình với bạn bè, với thầy cô, với mọi người. Chính ở những khoảnh khắc này, người GVCN cần thể hiện rõ bản lĩnh và năng lực sư phạm - trong đó - có cả năng lực chịu đựngcủa mình. Chịu đựng những vi phạm cố tình, những thách thức nông nổi và chịu đựng cả những nỗi bực bội, tức giận đang phải dồn nén trong người. Cần tạo được ở các em, trước hết là sự tôn trọng và sau đó là một sự gần gũi, cảm thông.

Yêu cầu về kỹ năng

Một trong những kỹ năng quan trọng của người GVCN là nắm vững tâm lý học sinh. Đặc thù của lớp tôi đang phụ trách, tuy không quá phức tạp nhưng cũng có nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Các em đang ở lứa tuổi còn nhiều biến đổi tâm sinh lý. Không còn là trẻ con để cần được vỗ về chăm sóc, nhưng cũng chưa là người lớn để tự mình giải quyết mọi tình huống. Để khẳng định mình, các em dễ có những hành xử bột phát, bất ngờ mà chính các em cũng chưa ý thức một cách đầy đủ hậu quả sẽ đến. Vì vậy, một sự định hướng đúng đắn để giúp các em hình thành tính cách của mình mai này, là điều hết sức quan trọng khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Không chỉ truyền đạt kiến thức trong học tập, các em cần được trao đổi mọi điều về chính bản thân, về những gì chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

Đằng sau tất cả mọi kiến thức, kỹ năng… cần trang bị và rèn luyện, còn lại là một yêu cầu tuy không được đặt ra trong các văn bản nhưng nó lại chi phối tất cả, đó chính là cái “tâm” của người giáo viên. Không có một tấm lòng, mọi công việc sẽ chỉ là hình thức. Và như vậy, yêu thương chăm sóc các em không chỉ là mệnh lệnh mà còn là một nhu cầu không thể thiếu của trái tim người thầy cô giáo.

Một số biện pháp giáo dục

Đạo đức:Giáo dục học sinh về hành vi tôn sư trọng đạo, sống có tư cách, biết tự trọng và tôn trọng người khác. Sống bao dung độ lượng, biết sẻ chia, đồng cảm trước những hoàn cảnh khó khăn. Giới thiệu những mẩu chuyện, những việc làm tốt trong cuộc sống qua báo chí, qua thông tin đại chúng, hoặc từ nhà trường… Ngoài ra, tổ chức cho học sinh sưu tầm những bài viết về những tấm gương tiêu biểu, đọc trước lớp. Trong quá trình dạy, giáo viên kết hợp liên hệ thực tế nhưng không máy móc. Những ví dụ dùng để minh họa cần thực tế, gần gũi…

Học tập: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở những vi phạm về học tập. Nêu những tấm gương tốt, điển hình để động viên tinh thần, làm nguồn động lực thúc đẩy các em yêu thích môn học, gắn bó với nhà trường.

Đối với học sinh cá biệt: Giáo viên cần tìm hiểu từng hoàn cảnh, nguyên nhân để có cách giải quyết phù hợp. Tuyệt đối không được nóng vội, không vì thành kiến dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Tạo điều kiện để các em trình bày suy nghĩ của mình, giúp các em giãi bày tâm sự, từ đó từng bước giúp các em hòa nhập cùng tập thể. Chính sự thân thiện, gần gũi, thái độ quan tâm của thầy cô sẽ là động lực lớn cho các em có lại được niềm tin.

Những biện pháp trình bày trên đây thật ra không có gì mới lạ. Đó là những gì mà nhiều năm nay các giáo viên đã từng làm và từng thành công. Tôi luôn tâm niệm: chúng ta hãy làm hết khả năng để ghi lại được một hình ảnh đẹp về người thầy trong tâm trí của những học trò thân yêu.


N.B.K - Báo GD TPHCM
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top