• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Giáo sư Hà Minh Đức: Nghiên cứu thơ Hồ Chủ tịch còn dài rộng lắm

Hide Nguyễn

Du mục số
hmduc.jpg


“Trong khoảng hàng chục năm nay chỉ có một luận án tiến sỹ nghiên cứu về thơ tứ tuyệt của Người. Tôi nói với các thầy giáo trẻ là nay mai chúng tôi thành người thiên cổ, người ta hỏi ai nghiên cứu văn thơ Hồ Chí Minh, trả lời sao đây?”, GS Hà Minh Đức (ảnh) tâm tư.



Giáo sư Hà Minh Đức vừa trở về Hà Nội sau chuyến giảng dạy cho lớp lý luận phê bình văn học được tổ chức ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TW. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được trò chuyện với ông về những suy nghĩ, cảm nhận và những nghiên cứu mới của ông về văn thơ Hồ Chí Minh, Giáo sư nhận lời ngay. Vẫn với phong thái nhẹ nhàng ý nhị mà hồn hậu sâu sắc, ông đã tâm sự về những hướng tiếp cận mới văn thơ Hồ Chí Minh và cả những băn khoăn, những "khoảng trống" xung quanh việc nghiên cứu về thơ văn của Người.

PV: Nhiều người muốn nghiên cứu thơ văn Hồ Chí Minh nhưng ngại, phần vì khó, phần vì không vượt qua được những nhà nghiên cứu lý luận bậc thầy. Còn Giáo sư, lý do nào thôi thúc Giáo sư lại dành nhiều thời gian và tâm sức để nghiên cứu về thơ văn của Người?

GS Hà Minh Đức: Năm 1979, tôi cho xuất bản cuốn "Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn của dân tộc". Trước tôi đã có công trình Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch của GS Hoàng Xuân Nhị và những bài nghiên cứu của những cây bút lớn như: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trần Huy Liệu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Tôi nghĩ văn thơ Bác là đề tài lớn, phong phú, nếu cố gắng suy nghĩ sẽ có thể khai thác được một điều gì đấy hợp với sức mình.

Tôi chủ trương đi vào đề tài nhỏ nhưng có ý nghĩa và có thể ít người quan tâm. Tôi viết những bài đầu tiên như Vẻ đẹp trí tuệ trong thơ Bác cho Tạp chí Tác phẩm mới vào khoảng năm 1970, rồi Thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn (1975), Những bài thơ của Bác viết về tuổi thọ (1975). Dần dà, tôi có ý định viết một cuốn sách về thơ Bác. Tôi trình bày ý kiến với ông Phạm Hựu, Giám đốc NXB Khoa học xã hội. Bản thảo sau đó được nhà thơ Hoàng Trung Thông đọc và góp ý và ít tháng sau thì sách được xuất bản, được chấp nhận. Sách được tái bản đến lần thứ 8.

PV: “Nhật ký trong tù” là tập thơ lớn có nhiều bài hay. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị nhắc đến bảy tám chục bài hay. Còn Giáo sư?

GS Hà Minh Đức: Thầy Hoàng Xuân Nhị rất yêu thơ Bác và có những cách cảm nhận riêng, tôi tôn trọng điều đó. Nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng, “Nhật ký trong tù” có khoảng ba bốn chục bài hay. Theo tôi, tỷ lệ ấy là thích hợp.

PV: Đọc thơ Bác thấy rõ sự hoà quyện giữa chất thép và tình, giữa truyền thống cổ thi và hiện đại. Giáo sư có nhận thấy nhiều bài giống thơ Đường không?

GS Hà Minh Đức: Tôi cũng nhận thấy như vậy. Bác có tri thức sâu rộng về thơ cổ phương Đông, nhất là thơ Đường, Tống của Trung Quốc. Có lần, nhà thơ Quách Mạt Nhược nhận xét là một số bài thơ của Bác trong "Nhật ký trong tù" để lẫn với thơ Đường, thơ Tống khó phân biệt được. Nói như thế là khen, rất khen, nhưng có nhà thơ của ta nổi "lập trường" lên lại phê là lẫn lộn sao được, một bên là thơ cách mạng, một bên là thơ cổ thời xưa, sao lại giống nhau.

PV: Trong những bài viết về “Nhật ký trong tù”, Giáo sư tâm đắc nhất bài viết nào của mình?

GS Hà Minh Đức: Bài "Bản sắc riêng độc đáo và giá trị lớn lao của Nhật ký trong tù" của tôi là bài viết công phu nhằm phê phán Lê Hữu Mục, tác giả cuốn “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh không phải là tác giả. Đây là chuyện bịa đặt và vu cáo tầm thường.

Lê Hữu Mục cho rằng, “Nhật ký trong tù” là kết quả cuộc gặp giữa già Lý - một tướng cướp và cụ Hồ ở nhà tù Victoria (Hồng Kong) khi hai người bị giam giữ ở đây năm 1931. Già Lý nhiều thơ, thạo chữ, biết làm thơ. Già Lý tôn trọng và trong câu chuyện với Bác Hồ có thể có lúc chuyện trò về thơ nhưng không thể xem “Nhật ký trong tù” là sản phẩm của những cuộc thù tạc đó. Lê Hữu Mục cho rằng, câu thơ "Lão phu nguyên bất ái ngâm thi" là của già Lý vì cụ Hồ khi đó mới khoảng 40 tuổi, không thể xưng là lão phu. Phan Ngọc dẫn chứng, trong lịch sử văn học Trung Quốc có người còn ít tuổi hơn vẫn có thể xưng lão phu. Phan Ngọc cho rằng, những bài thơ hay sau Cách mạng Tháng 8 của Bác càng chứng minh tài thơ của Người đã thể hiện trong “Nhật ký trong tù”. Nhưng tôi, tôi bác đến căn cốt.

“Nhật ký trong tù” là tập ký bằng thơ trên hành trình bị áp giải qua gần hai chục huyện, đi đến đâu ghi ở đó, ở nhà lao nào đều có ghi chú: Tĩnh Tây, Long An, Đồng Chính, Ung Ninh, Vũ Ninh, Thiên Giang, Quế Lâm. Riêng ở nhà tù Tĩnh Tây đã có mấy bài: “Nhập lao Tĩnh Tây”, “Buổi sớm”, “Buổi trưa”. Tất cả xác định còn ở nhà tù Victoria, chỉ có một lỗ thủng trên trời, làm sao mà biết "Đi đường mới biết gian lao", làm sao mà biết đi bộ lại đi thuyền "Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh".

Mặt khác, Cụ Hồ là người yêu nước, nhân hậu, có văn hóa cao, còn già Lý là một tướng cướp cho dù có biết chữ, làm ít thơ nhưng cái gốc vẫn là tướng cướp, làm sao có tình cảm đẹp được. Lê Hữu Mục nói là tập thơ “Nhật ký trong tù” bìa màu xanh. Đó là điều bịa đặt, tôi đã có may mắn được cầm cuốn sách trong tay, đấy là cuốn vở nhỏ màu vàng nhạt, chỉ có mình Bác Hồ ghi từ bài này đến bài khác, có đánh số thứ tự từ 1 đến 133.

PV: Theo Giáo sư thì việc nghiên cứu thơ Bác còn có những vấn đề gì cần được giải quyết?

GS Hà Minh Đức: Trước hết là nói về dịch. Tôi không có chuyên môn về chữ Hán, nên cũng không có thẩm quyền luận bàn, mà chủ yếu là ghi chép, lắng nghe các cụ thâm nho, các nhà thơ cao niên bàn bạc về dịch thơ Bác. Gần đây tôi viết mấy bài: Nhà thơ Xuân Diệu dịch thơ Bác, nhà thơ Khương Hữu Dụng trò chuyện về dịch thơ Bác, nhà thơ Xuân Thủy với bài "Nguyên Tiêu".

Kể ra thì việc dịch “Nhật ký trong tù” về cơ bản là thành công, nhiều bài dịch sát nghĩa, hay. Tuy nhiên, cũng có nhiều việc cần làm tiếp. Ngay ở những bài hay như "Không ngủ được", "Cảm tưởng đọc Thiên gia thi" cũng có chỗ cần bổ sung. Trong câu thơ đầu “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”: "Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ, hai chữ "thiên ái" biểu thị một thái độ cho thơ xưa lệch về phía ca ngợi thiên nhiên đẹp". Nếu chỉ dịch là "Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp" là chưa đủ ý. Trong bài "Không ngủ được", câu thơ đầu trong nguyên bản "Nhất canh, nhị canh hựu tam canh", dịch là "Một canh, hai canh, lại ba canh" lại ngược về ngôn từ (lẽ ra phải Canh một, canh hai lại canh ba).

Trong một cuộc họp trao đổi về dịch thơ Bác, có các nhà thơ Xuân Diệu, Phạm Huy Thông, Nguyễn Sỹ Lâm... tham dự. Tôi nhớ câu thơ dịch "Cô em xóm núi xay ngô tối” được trao đổi nhiều về hai chữ "cô em". Một hai cụ cho rằng, chữ "cô em" không hợp với Bác, một nhà thơ đã cao tuổi. Xuân Diệu lại xem là bình thường. Nếu đổi "cô em" (thiếu nữ) thành cô gái thì câu thơ quá nặng vì nhiều âm sắc "Cô gái xóm núi xay ngô tối". Nhiều câu thơ dịch trong “Nhật ký trong tù” còn giữ lại chữ Hán, hoặc thiếu thanh nhã. Để cho có một bản dịch hoàn hảo tương xứng với nguyên bản cũng còn nhiều việc để làm.

PV: Gần đây theo dõi giới nghiên cứu và phương tiện thông tin đại chúng, Giáo sư có nhận được cách tiếp cận mới nào về thơ Bác không?

GS Hà Minh Đức: Tôi chỉ thấy như thế này. Trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rất ít nhắc đến thơ Bác. Đây là một "nhược điểm". Thơ Bác trước hết là tấm lòng của Người trước vận mệnh của dân tộc, là tình thương yêu bao la với nhân dân, là ý chí, nghị lực của một bản lĩnh lớn vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn. Rất nhiều bài học nhưng có thấy mấy ai nhắc đến đâu.

Nhà báo Mỹ Han - bơ - xtan cho đây là cuốn sách hay nhất của Người. Nhận xét có căn cứ nhưng chưa đầy đủ vì Người có nhiều tập sách rất hay như “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Cách mệnh”, “Sửa đổi lối làm việc”. Một số nhà văn nước ngoài ở Indonesia và Philippines nhận thấy tập thơ của Hồ Chí Minh dạy cách làm người và cách vượt khó trong những hoàn cảnh khó khăn.

PV: Giáo sư có cảm nhận rằng gần đây giới nghiên cứu lý luận phê bình văn học ít nghiên cứu về văn thơ Bác?

GS Hà Minh Đức: Đúng thế! Trong khoảng hàng chục năm nay chỉ có một luận án tiến sỹ nghiên cứu về thơ tứ tuyệt của Người. Tôi nói với các thầy giáo trẻ là nay mai chúng tôi thành người thiên cổ, người ta hỏi ai nghiên cứu văn thơ Hồ Chí Minh, trả lời sao đây?

PV: Còn Giáo sư thì sao, sau công trình về thơ Bác năm 1979?

GS Hà Minh Đức: Năm 1985, tôi cho xuất bản “Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn khích lệ và viết cho tôi lời giới thiệu. Năm 1991, tôi cho xuất bản “Báo chí Hồ Chí Minh”. Khi tôi làm Chủ nhiệm Khoa Báo chí Trường ĐH KHXH và NV. Sắp tới tôi sẽ xuất bản cuốn “Sự nghiệp Văn thơ Hồ Chí Minh” dày 720 trang...

P.V: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
[FONT=arial,helvetica,sans-serif]
[/FONT] (Nguồn Cinet)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top