Giáo dục từ những điều nhỏ nhất

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Với những phương tiện và hoạt động đơn giản, gần gũi, phù hợp với tâm sinh lý học sinh lứa tuổi 6-11, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã thay đổi phương pháp giáo dục: bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

ImageView.aspx

Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn kịch trong buổi lễ chào cờ đầu tuần - Ảnh: L.N.Đ.

“Con ước: các bạn trong trường không xả rác, không nói tục chửi thề. Các bạn trong lớp chơi vui vẻ hòa thuận, không la mắng nhau, không xúi bạn nghỉ chơi với bạn khác. Con mong mọi người đều chấp hành tốt Luật giao thông để tránh các tai nạn rủi ro và bị kẹt xe. Con mong tất cả trẻ em bị mồ côi cha mẹ, ông bà hay phải tự đi kiếm tiền sẽ có quần áo mới để mặc. Và có một điều con mong muốn nhất ở người Việt, đó là người Việt phải tôn trọng tiếng Việt, trong một câu không được có tiếng Anh xen lẫn với tiếng Việt và phải viết đúng chính tả”.

Trên đây là một đoạn trong bài viết về chủ đề “Ước mơ cùng mùa xuân” (chủ đề sinh hoạt tập thể của tuần thứ 21 do Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 đề ra) của học sinh Nguyễn Vương Bảo Khanh, lớp 5/2. Bài viết của Khanh và một số bài viết của những học sinh khác đã được dán một cách trang trọng ngay tấm bảng lớn ở sân trường để học sinh và phụ huynh cùng đọc.

Tự điều khiển lễ chào cờ

Theo ThS Lê Thị Ngọc Điệp - hiệu trưởng nhà trường, mỗi tuần học sinh tiểu học có hai tiết sinh hoạt tập thể và một tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tùy theo tình hình hoạt động của trường và việc kỷ niệm các ngày lễ lớn, ban giám hiệu trường sẽ đưa ra các chủ đề sinh hoạt cho học sinh. Buổi lễ chào cờ đầu tuần ở trường sẽ do học sinh các lớp 4 và 5 thay phiên nhau điều khiển theo các chủ đề ấy.

ThS Ngọc Điệp kể: “Trong tuần lễ đầu tháng 3-2010, trường đưa ra chủ đề “Mẹ là tất cả”. Thật bất ngờ khi học sinh lớp 4 điều khiển lễ chào cờ đặt câu hỏi cho học sinh toàn trường: “Thử tưởng tượng nếu một ngày khi bạn đi học mà không có cô giáo, không có cô bảo mẫu, cô cấp dưỡng và các bạn nữ trong trường thì...?”.
Các học sinh đã trả lời rất dễ thương: “Như vậy sẽ rất buồn”, “Nếu không có cô cấp dưỡng thì lấy ai nấu cơm, chắc mọi người phải nhịn đói”... Bên cạnh đó, giáo viên sẽ nói chuyện và hướng dẫn cho học sinh viết bài cảm nhận, sưu tầm thơ, văn theo mỗi chủ đề.
Tương tự, nhiều năm nay Trường tiểu học An Phú 1, huyện Củ Chi đã cho học sinh các lớp thay phiên nhau lên điều khiển lễ chào cờ đầu tuần.

Ông Nguyễn Văn Bồng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Cách làm này khiến học sinh tự tin và rất thích thú, các em được rèn luyện khả năng nói trước đám đông. Các em phải tư duy những hình thức tuyên truyền về tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, ý thức giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp... Các lớp thi đua với nhau, làm sao để buổi chào cờ đầu tuần hấp dẫn các bạn học sinh và được nhiều bạn trong trường hưởng ứng”.

Bảng... giáo dục

Đến Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3 vào những ngày này, khách sẽ rất bất ngờ với hàng loạt những thông tin về “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, “Ngày lịch sử 30-4”, “Giỗ Tổ Hùng Vương” được trang trí bắt mắt trên nhiều tấm bảng dưới sân trường, trong lớp học. “Thường mỗi tuần hoặc mỗi tháng trường sẽ đưa ra một chủ đề. Những sản phẩm sưu tầm đặc sắc nhất sẽ được viết, dán hoặc vẽ lên bảng thông tin cho nhiều người cùng xem. Tôi nghĩ rằng ý nghĩa giáo dục sẽ hình thành ngay từ khâu các em học sinh bỏ thời gian để thực hiện công việc trên” - bà Nguyễn Thị Lương Thanh, hiệu trưởng nhà trường, phân tích.

Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh cũng thú thật “rất thích xem bảng thông tin ở trường”. Nói như ông P.Bằng, phụ huynh học sinh Trường Phan Đình Phùng: “Tôi thường canh khi nào trường đổi đề tài là đến xem ngay. Có những thông tin mà đôi khi mình chưa đọc bao giờ, nhất là những bài viết của học sinh vừa ngộ nghĩnh vừa ngây thơ nhưng rất đáng yêu”.

Theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học, chủ đề đưa ra nhất thiết phải gần gũi và tạo hứng thú cho học sinh. Như ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, các chủ đề đưa ra là “An toàn trên đường đến trường”, “Lớp học là nhà của em”, “Lá lành đùm lá rách”, “Tôi là người bạn tốt”, “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, “Kính trên nhường dưới”, “Lịch sự với bạn gái, dịu dàng với bạn trai”...

Ông Lê Ngọc Điệp - trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM - đúc kết: “Chủ trương của sở là tăng cường cho học sinh hoạt động học tập trong lớp và ngoài lớp bằng nhiều hình thức phong phú khác nhau.

Đây là yêu cầu khó vì đòi hỏi nhà trường, giáo viên phải đầu tư, suy nghĩ nhiều, làm sao phải hấp dẫn được học sinh mới hiệu quả. Đến thời điểm này, mặc dù các hoạt động như trên chưa phổ biến đều khắp ở tất cả các trường tiểu học trên địa bàn TP nhưng hiện cũng đã có khá nhiều trường thực hiện”.

Thơ treo ở sảnh trường

Đến Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3 trong những ngày tháng 3, tháng 4, nhiều người thường ghé lại đọc những câu thơ được viết rất đẹp trên tấm bảng treo ngay ở sảnh:

Cơm cha, cơm mẹ đã từng/Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người/Cơm người khổ lắm mẹ ơi/Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn hay: Mẹ là giấc mộng đời con/Tuyệt vời từ mẫu nét son đậm màu/Mẹ là thước ngọc gửi trao/Lời hay ý đẹp khắc vào tim yêu. Hình thức giáo dục này nên được nghiên cứu thực hiện ở các trường tiểu học.

Trúc Giang (phụ huynh học sinh ở Q.3)


Theo TTO.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top