Giảng dạy học sinh chưa ngoan: Bài 1: Giáo viên “đánh vật” với học sinh… quậy

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Giảng dạy học sinh chưa ngoan: Bài 1: Giáo viên “đánh vật” với học sinh… quậy


hoc-sinh-quay.jpg


Được vui chơi hòa đồng cùng bạn bè sẽ giúp HS không còn cảm giác mặc cảm, tự ti rồi đâm ra chán nản

Cầm con dao trên tay, cậu học trò bức xúc: “Cô không được tới nhà em, cô mà tới là em tự tử ngay hoặc em sẽ đốt nhà cho cô xem”. Mỗi khi nhớ lại kỷ niệm khó quên ấy, cô Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Bình Thạnh) vẫn còn bồi hồi xúc động. Có lẽ trong cuộc đời dạy học, không ít thầy cô giáo đã từng gặp phải tình huống khó xử như trên.

Từ ngoan… thành cá biệt

Suốt những năm học THCS, em N.T.H đều đạt danh hiệu học sinh (HS) giỏi và rất năng động trong các hoạt động phong trào ở trường, nhưng đến khi là một nữ sinh Trường THPT T.Đ, cô bé trở nên lầm lì, ít nói, xa lánh mọi người xung quanh. Mỗi lần lên lớp, em luôn thu mình lại và tỏ thái độ bất cần với mọi người. Năm học lớp 12, em không còn biết sợ giáo viên (GV) là gì, khi GV gọi lên sửa bài tập, H. trả lời với thái độ hết sức bất cần: “Em không biết làm, cô cứ cho em điểm 0 đi”. Một thời gian sau H. được xếp vào thành phần “cá biệt” của lớp.

Đây không phải là trường hợp cá biệt, trên thực tế có rất nhiều HS đang chăm ngoan, học giỏi vào đầu năm học thì dần dần sức học trở nên sa sút, hàng ngày luôn tỏ thái độ bất cần với mọi người.

Tình trạng HS đến trường với tâm lý chán học, muốn chống đối lại tất cả mọi người xung quanh không còn là chuyện hy hữu. Cô Nguyễn Thị Hồng, GV một trường quốc tế ở quận Bình Thạnh thừa nhận: “Mặc dù mới đi dạy được vài năm nhưng tôi đã gặp không ít trường hợp HS bình thường rất hòa đồng nhưng tự nhiên trở nên thụ động, ít nói hoặc có thái độ thiếu tôn trọng đối với GV, bạn bè. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo tìm hiểu của tôi là do xuất phát từ gia đình các em. Đó là sự hụt hẫng khi đang sống trong một gia đình hạnh phúc, vui vẻ bỗng chốc tan vỡ khi bố mẹ chia tay hay là sự đối xử phân biệt con cái trong gia đình…”.

Đằng sau trái tim sắt đá…


Hầu hết GV mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, chúng ta không nên nghĩ tất cả HS có điểm học lực yếu, có vẻ mặt bất cần đời và lời nói thiếu tôn trọng với bạn bè và GV là những HS hư hỏng. Đằng sau bộ mặt câng câng, lạnh lùng đó là sự thiếu hụt tình thương của người lớn để rồi các em tự thu mình lại và trở nên bất cần với cuộc sống lúc nào không hay.

Trường hợp của em N.T.H ở Trường THPT T.Đ được nêu ở trên là một ví dụ. Cô Nguyễn Thị Phi Nhung, GV của trường, từng chủ nhiệm lớp H. chia sẻ: “Kể từ khi bố mẹ H. ly hôn, em sống rất thụ động, khép kín. Cuối năm lớp 12, thái độ của H. trở nên bất cần với tất cả những người xung quanh nên nhiều GV yêu cầu cắt danh hiệu tiên tiến. Khi đó em lại càng bất bình hơn và buông xuôi việc học hành, dự tính bỏ kỳ thi tốt nghiệp”.

Với trường hợp này, cô Nhung không hề trách phạt, la mắng mà thay vào đó là dùng tình cảm của mình để cảm hóa một trái tim đang nguội lạnh vì thiếu thốn tình cảm từ gia đình. Cô chia sẻ kinh nghiệm: “GV đến lớp không chỉ làm tốt công tác giảng dạy mà còn phải tìm hiểu hoàn cảnh từng em và luôn động viên các em. Những lời động viên, khuyên bảo của GV sẽ giúp HS nhìn nhận được con đường phía trước mình nên làm gì để có một tương lai tốt đẹp nhất”. Chính nhờ tấm lòng bao dung của cô chủ nhiệm mà H. đã thoát khỏi tình trạng cô lập, bất cần với cuộc sống, thay vào đó H. cố gắng học hành chăm chỉ trở lại và đã thi đỗ vào một trường đại học có tiếng.

Không giống với hoàn cảnh của H, gia đình Th. - một học trò cá biệt của cô Nguyễn Thị Ngọc Bích được nêu ở trên - có hoàn cảnh khó khăn nhưng sống đầm ấm, hạnh phúc. Tuy nhiên em vẫn thường xuyên đến lớp muộn, không chấp hành nội quy của nhà trường và được xếp vào thành phần HS cá biệt. Sau này, qua tìm hiểu các thành viên trong lớp mới biết nhà Th. rất nghèo, nghèo đến nỗi mà đi học em chỉ có độc nhất một bộ quần áo đã sờn mặc đến trường hàng ngày, nhiều lúc cậu phải nghỉ học hoặc đến trường muộn vì quần áo chưa kịp khô. Nhưng Th. không muốn ai biết về hoàn cảnh gia đình mình nên tỏ thái độ lạnh lùng với tất cả những ai muốn đến gần. Cậu học trò cá biệt năm xưa bây giờ là tài xế taxi, mỗi lần gặp lại cô Ngọc Bích em đều vòng tay lại chào như một HS ngoan. Th. tâm sự: “Tôi biết ơn cô Bích lắm! Trong khi tất cả GV trong trường không ai dám can thiệp vào cuộc sống của tôi thì cô vẫn mạnh dạn đến với tôi và dùng mọi hành động, lời lẽ để động viên, cảm hóa cậu học trò ngang bướng, quậy phá trở nên ngoan ngoãn hơn. Từ khi được cô khuyên bảo tôi không còn tự ti vì cái nghèo nữa mà cố gắng học để thoát khỏi cảnh nghèo, chỉ tiếc là đến giờ tôi chỉ là một tài xế…”.

Bài, ảnh: Dương Bình

“Khi bắt gặp HS quậy phá, có thái độ vô lễ, bất cần đời… GV đừng sớm kết tội các em là HS xấu mà phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, vì đằng sau trái tim sắt đá đó có thể là một tâm hồn đã bị tổn thương”, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 chia sẻ.
Theo báo GD TPHCM
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top