GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ - NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN
CỦA VĂN HÓA LÀNG, XÃ VIỆT NAM
CỦA VĂN HÓA LÀNG, XÃ VIỆT NAM
1- Quan niệm về gia đình, dòng họ
Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, các giá trị cơ bản của văn hóa làng, xã như gia đình, dòng họ đang giảm dần ý nghĩa đối với một bộ phận người dân. Nhiều quan niệm cho rằng, cuộc sống gia đình với sự lo toan cơm áo gạo tiền làm tiêu hao nhiều thời gian, sức lực; các chuẩn mực gia đình gò bó, cản trở tự do cá nhân, từ đó hạ thấp, thậm chí phủ định hoàn toàn vai trò của gia đình. Với dòng họ, tư tưởng “gia trưởng, ngôi thứ”, sự ganh đua, hiện tượng cục bộ, bè phái... cũng góp phần tạo ra những quan niệm tiêu cực, làm giảm bớt vai trò của dòng họ.
Tuy nhiên, gia đình, dòng họ trong quan niệm của đa số người dân vẫn có vai trò quan trọng. Điều này thống nhất ở các nhóm đối tượng khác nhau về giới, lứa tuổi, mức sống, nghề nghiệp... Nghiên cứu tại hai địa phương Tam Sơn và Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cho thấy, trong tổng số 420 hộ gia đình được phỏng vấn, có 97 - 99,6% khẳng định hiện nay gia đình, dòng họ vẫn rất quan trọng.
Người dân đánh giá cao vai trò của gia đình hiện nay vì họ cho rằng, gia đình là nơi không chỉ đáp ứng nhu cầu tình cảm và tái sản sinh giống nòi mà còn là nơi tốt nhất cho việc di dưỡng tuổi già, sự phát triển của trẻ em... Trong tâm tưởng của người dân, dòng họ cũng có vai trò không kém. Gần 100% số người được hỏi cho rằng đến nay, các câu nói theo khẩu ngữ dân gian như: “một giọt máu đào hơn ao nước lã” hay “xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì” là “vẫn đúng”; số người phủ định chỉ có từ 0,5% đến 3,5%. Thậm chí, quan niệm của đa số người dân còn khẳng định gia đình, dòng họ hiện nay có vai trò lớn hơn trong quá khứ và ở tương lai vai trò đó vẫn sẽ vẫn tiếp tục được phát huy.
2 - Những hành vi thực tiễn sống động
- Gia đình
Từ góc nhìn văn hóa, những quan niệm trên rất quý báu. Tuy nhiên, trong điều kiện gia đình và dòng họ đang chịu nhiều biến động mạnh mẽ dưới tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa, không ít băn khoăn đặt ra: liệu sự đánh giá như trên có lạc quan quá hay không? Giải đáp nỗi băn khoăn này đòi hỏi không chỉ dừng lại ở việc xem xét quan niệm mà còn phải tìm hiểu về hành vi của người dân. Nói rộng ra là phát hiện cơ sở xã hội nào đã bảo đảm cho sự đánh giá của người dân là đúng với những gì họ nghĩ.
Nhiều công trình nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, sau 20 năm đổi mới, gia đình ở Việt Nam đã có nhiều biến đổi. Hai địa phương Tam Sơn và Đồng Kỵ được nghiên cứu như đã nêu cũng không là ngoại lệ. Về mặt kinh tế, từ chỗ chỉ có chức năng tiêu thụ dưới thời hợp tác xã bao cấp, khi đổi mới, gia đình trở thành một đơn vị kinh tế có quyền tự chủ trong sản xuất và kinh doanh nên ngành nghề phát triển, mức sống cao hơn, điều kiện sống được cải thiện... Trong quan hệ gia đình, nếu trước đây những bất cập nổi bật là sự bất bình đẳng, sự thủ tiêu lợi ích cá nhân, cá tính, thì ngày nay - sau nhiều cuộc cải cách xã hội - quan hệ giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái có tính dân chủ hơn, vị thế người phụ nữ được nâng lên, quyền tự do của mỗi cá nhân được coi trọng.
Xét theo cơ cấu, ở mỗi gia đình, số con đã giảm xuống, việc sinh con trai để “nối dõi tông đường” không còn là nguyên tắc bất di bất dịch, tỷ lệ ly hôn ở hai địa phương này cũng chỉ chiếm chưa đến 1%. Từ góc độ văn hóa tinh thần, các hình thức hưởng thụ văn hóa mới như: xem truyền hình, nghe ra-đi-ô, đọc sách báo... đã chiếm tỷ lệáp đảo. Nếp sống mới khuyến khích việc đưa các cháu nhỏ tới lớp mẫu giáo để bố mẹ, ông bà có thêm thời gian lao động, nghỉ ngơi cũng được hầu hết các nhóm xã hội ủng hộ...Rõ ràng, những biến đổi theo chiều hướng ngày càng no đủ, bình đẳng, dân chủ và văn minh như trên đang làm tăng thêm vai trò và củng cố vị trí vững chắc của gia đình.
Nhưng mặt khác, bên cạnh những yếu tố động, các biến đổi trong gia đình cũng có yếu tố tĩnh ít biến đổi hơn. Lối sống gia đình ở hai địa phương được xem xét vẫn bảo lưu nhiều nét của gia đình cổ truyền. Chẳng hạn, ở Đồng Kỵ, mặc dù là nơi có mức sống rất cao với nguồn thu từ các sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ của nhiều hộ mỗi năm hàng trăm triệu, người dân vẫn không xa rời với truyền thống nông nghiệp. Hầu hết các gia đình vẫn giữ đất canh tác, số hộ không còn đất chỉ chiếm 5,6%. Họ vẫn tự sản xuất - kinh doanh trên phần ruộng của mình, số cho thuê, cho mượn không đáng kể. Trong sinh hoạt hằng ngày, gần 100% các gia đình ở cả hai làng đều giữ thói quen ăn chung cho tất cả mọi người trong nhà. Giữa các thế hệ luôn có mối liên hệ chặt chẽ và ấm áp. Nếp sống cổ truyền trong đó bố mẹ ở với con trai trưởng vẫn được giữ... Như vậy, không chỉ những yếu tố động mà cả những yếu tố tĩnh đều góp phần củng cố sự bền vững của gia đình, với tư cách là một giá trị trong hệ giá trị văn hóa làng.
- Dòng họ
Ở thời điểm chuyển giao giữa thời kỳ bao cấp sang giai đoạn đổi mới, với việc hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ bị giải thể, các hộ gia đình nông thôn phải tự chủ trong sản xuất kinh doanh trên phần ruộng được giao khoán lâu dài của mình. Trong điều kiện đó, để có thể tồn tại và phát triển, người nông dân đã quay trở về tìm chỗ dựa trong các mối quan hệ của họ hàng thân tộc nhằm khắc phục những khó khăn của buổi đầu tự lập như: công cụ, sức lao động, vốn liếng, kỹ thuật... Hầu hết các gia đình khi gặp khó khăn đã nhờ vả, nương tựa vào họ hàng nội ngoại, nhất là các mối quan hệ cận huyết. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, công việc kinh doanh ở các địa phương như đã nêu vẫn có sự đan xen đậm nét của các quan hệ họ hàng, làng mạc, thể hiện rõ nét nhất ở việc thuê mướn lao động ưu tiên cho những người thuộc họ tộc thân thích và người làng. Những biểu hiện trên mặc dù không phải là cách giải quyết tối ưu song nó càng khẳng định vai trò của dòng họ trong điều kiện hiện nay.
Về mặt quản lý và quyền lực, người ta thường nói đến tệ kéo bè kéo cánh của dòng họ. Nhưng điều đó hiện nay không còn mang tính phổ biến và ảnh hưởng tiêu cực của nó không lớn. Ngay trước đây ở nông thôn, sự đan xen của nguyên lý tập hợp nhiều người khác nhau như lớp tuổi (giáp), địa vực (xóm, ngõ), sự tự nguyện (phe, phường, hội) và nhất là về kinh tế (giai cấp, tầng lớp) đã làm cho dòng họ không phải là một đơn vị thống nhất và duy nhất để có thể khuynh loát mọi điều. Ngày nay, với sự bổ sung của các nhân tố mới như chính quyền, đoàn thể, các quan hệ dòng họ càng không thể giữ vai trò quyết định trong đời sống chính trị - xã hội làng, xã. Việc “kéo bè kéo cánh” trong các dòng họ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết xóm làng thực sự không phải trầm trọng và mang tính phổ biến như nhiều người vẫn lầm tưởng. Điều đó góp phần nâng cao nét đẹp hình ảnh dòng họ trong đời sống ở nông thôn hiện nay.
Về mặt văn hóa tinh thần, nhờ việc tạo ra niềm cộng cảm dựa trên huyết thống, dòng họ từ xưa đến nay vẫn là một chỗ dựa vững chắc đối với mỗi cá thể trong cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở quan niệm, việc đề cao dòng họ về phương diện văn hóa tinh thần còn được thể hiện trong các hành vi cụ thể của mỗi người, như sự tham dự của họ vào các ngày giỗ tổ, trong việc sửa sang từ đường, xây cất mồ mả tổ tiên, cưới xin, ma chay, khuyến học, khuyến tài trong dòng họ. Sự tham gia nhiệt thành và tâm huyết của người dân vào các hoạt động trên khẳng định vai trò của dòng họ vẫn còn quan trọng trong đời sống cộng đồng dân cư làng, xã.
Vai trò của gia đình và dòng họ không chỉ được bảo lưu bền vững ở các làng, xã sống chủ yếu bằng nông nghiệp mà còn ở cả những nơi có nghề phụ phát triển, hòa nhập và chịu tác động sâu vào nền kinh tế thị trường với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Đồng Kỵ là một làng sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ phát triển với lối sống của người dân đã có phần đô thị hóa, nhưng các giá trị cổ truyền làng, xã vẫn được gìn giữ và phát huy đậm nét. Đó là việc duy trì các bữa ăn chung hằng ngày, việc tổ chức các ngày lễ, tết trong năm, thăm nom cha mẹ, mối quan hệ chặt chẽ giữa ông bà, cha mẹ và con cái trong phạm vi gia đình, việc liên kết làm ăn kinh tế trong dòng họ, giỗ tổ họ... Đây là những nét đẹp và biểu hiện khẳng định sức sống bền vững của gia đình, dòng họ trong lối sống thôn làng của người Việt.
Vai trò của gia đình và dòng họ với những giá trị tốt đẹp và đặc trưng trong nếp sống không những không bị mai một mà còn thích ứng, biến đổi, tạo ra các giá trị mới và có khả năng trường tồn cùng với đời sống làng, xã Việt Nam.
Mai Văn Hải
PGS, TS Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam