Tamduongkhach
New member
- Xu
- 0
Gặp nguyên mẫu nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn
"Lặng lẽ Sa pa" của Nguyễn Thành Long
"Lặng lẽ Sa pa" của Nguyễn Thành Long
Chợ Than Uyên dưới chân đồi ủy ban rộn rịp măng củ, nấm, vỏ cây mật gấu, quả hà thủ ô. Trai Mông từ Mù Cang Chải xuống bán mật ong, mua vải dệt tay chưa nhuộm rồi vào quán bến xe uống rượu. Thật bất ngờ là lại gặp ông, Lê Văn Sử, nguyên mẫu trong một truyện ngắn để đời của Nguyễn Thành Long. Ông nhà văn người Quảng này nổi tiếng nghiêm túc trong nghề cũng như đời thường, để lại kha khá ảnh hưởng cho lớp viết sau. Như câu "Cái thằng này, viết truyện ngắn thôi" dành cho Trung Trung Đỉnh đang là Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ý nói tạng "mày" đừng dây vào tiểu thuyết. Một câu khác: "Sống sai thì viết sai ngay!". Ông Vương Trí Nhàn đánh giá ông Long "lương thiện trong cách hành nghề" nhờ "khả năng sống kỹ lưỡng với các việc cụ thể".
Lặng lẽ Sa Pa viết năm 1970, kể bậc họa sĩ già đi xe khách gặp chàng trai khí tượng thường lăn gỗ ra đường, xe đứng lại có dịp chuyện trò. Thơm phức, tinh tươm như cảnh vật vùng cao và bản thân chàng thanh niên, lại trầm mặc, bộn bề tâm trạng ông họa sĩ, truyện lập tức nổi tiếng, đi vào giáo khoa, nhiều tuyển tập. Giữa buổi cả nước hát hành khúc đọc thơ Tố Hữu, áng văn trữ tình ấy làm nên "tông" lạ, chả biết có ảnh hưởng gì đến những Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ ở "lán văn" Quân chủng Phòng không Không quân. "Cưỡng" lại được cái không khí "cả nước hướng ra trận" hẳn không dễ với một người viết.
Vài nhà văn nay ngót nghét bảy chục kể năm ấy đưa đàn em đi thực tế, gặp chàng khí tượng nọ, Nguyễn Thành Long bần thần rồi cuống lên đòi quay lại Hà Nội ngay, bỏ luôn "sứ mạng" dẫn dắt. Nếu thế cũng là bình thường, nhà văn sẵn ý tưởng gặp nguyên mẫu như mây dông phải sét, cứ phải đắm ngay cháy ngay, đợi đến lúc xong việc chung mới sờ đến niềm riêng nó ĩu ra rồi, cảm hứng tơi tả mà giọng điệu cũng rời rạc. Nhưng ông Sử kể khác:
- Năm 1970 tôi ở trạm Hoàng Liên Sơn thuộc đài Vật lý Địa cầu Sa Pa, đóng trên đèo Ủ Quây Hồ, tức "Năm con hổ quây lại", cùng với Nguyễn Xuân Tỵ. Tỵ là "con sóc Hoàng Liên Sơn", mình bắc bếp chưa chín nồi cơm anh ấy đã kiếm được rổ nấm. Bấy giờ xe ca Lai Châu tuần một chuyến, ông lái dẫn ông Long lên trạm lần đầu gặp Tỵ. Lần sau lên, cũng xe ca, ông Long hỏi ngay "Anh Tỵ đâu?". Ông ấy xưng họa sĩ, có cô kỹ sư đi nhận việc, nhưng không có đoạn để quên khăn tay như một lời trao tặng đâu. Hoa không trồng, tôi dứt bông bách hợp từ vách đá tặng. Người hay lăn gỗ để tán chuyện là tôi. Tôi cũng không đun nước pha chè, nhưng luộc trứng gà tặng. Ít lâu sau nghe "đọc truyện đêm khuya" trên đài. "Ô! Sao giống mình thế!".
Vậy là có hai nguyên mẫu (gọi là "nguyên cớ" chắc cũng chả sai) cho chàng thanh niên trong truyện. Ông Tỵ sau về quê Thái Bình. Dân khí tượng Hoàng Liên Sơn "xác nhận" có một Lê Văn Sử "lặng lẽ Sa Pa", còn người Than Uyên chỉ biết ông chọc ngoáy đồ điện ngoài chợ. Không quá bẽn lẽn, hồn nhiên, mỏng manh như nhà văn nặn, cũng thảo tính, quý người, nhưng ông Sử nghịch tinh, bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Có khi ông bày tỏ mình "hiện đại" giống cô kỹ sư trong truyện hơn, thế chăng? Truyện viết "Lặng im chỉ chực mình ra là ào ào xô tới", ông bảo "thèm người thực, nhưng thế mãi sống sao được". Những trạm Tam Đường 180 bậc dốc đứng, trạm Sơn La 270 bậc trông sang nhà tù cũ ông nhớ như in. Đời cắm trạm "mọc" ra đến lắm nghề: làm thuốc, cơ khí, điện máy, hướng dẫn du lịch, mỗi thứ mỗi tý. Ông Sử dẫn tôi về nhà, dáng đi bơi bơi, có lẽ hợp với biển mây hơn phố huyện. Kho chuyện mở ra, chả biết Nguyễn Thành Long sống lại nghe có thêm được mấy thiên "Lặng lẽ" nữa…
"Quê tôi Bình Lục, Hà Nam, đúng làng Ngọc Lũ trống đồng. Tôi sinh 1937, thầy tướng bảo đoạn giữa đời khổ lắm. Học tiếng Pháp qua ông ngoại, không thuộc phải đấm lưng, đấm cả trưa rất hãi nên phải thuộc. Năm Cải cách mẹ lên Tây Bắc làm cấp dưỡng khí tượng, tôi vào nghề từ đấy, đi khắp các trạm và cũng leo từ sơ cấp lên đại học. Giám đốc đài Vật lý địa cầu Sa Pa Nguyễn Tác Nhân đưa sách tiếng Pháp, bắt học thêm, thỉnh thoảng mình dẫn khách du lịch, họ về gửi bưu ảnh, "sú vơ nia" vui lắm. Có quyển "Petit Larousse", tôi tí toáy dịch kịch "Người thú" của V.Hugo".
“Lán ông Long lên ở độ cao khoảng 2.000m, có giường, bếp củi, trong thưng ni lông che gió kín mít, nên ngủ dậy lỗ mũi đen xì. Tháng có 50 đồng lương, 21 cân gạo, 6 quả pin, sổ mua dầu hỏa, đài Orionton chạy ắc quy. Ngày lên vườn máy vào 7, 13 và 19 giờ đo nhiệt độ khô - ướt - cao - thấp, độ ẩm, bốc hơi… ghi sổ, xuống tính toán rồi chuyển về đài mẹ. Gió rùng rợn, dây trên vườn hú ầm ầm, ra rừng nằm trên thảm lá mới khỏi lộng óc. Mùa đông tuyết rơi vài tấc. Cô tịch nhất là lúc hết mặt trời, không thấy khói bếp dưới bản, vặn đài thật to rồi hát theo. Nghiện thuốc lào từ đấy”.
“Ăn thì khỏe kinh khủng, vì cứ đói là rét không chịu được. Tháng ba chục cân gạo dễ cũng hết. Được cái bộ đội, lái xe chơi thân, lỡ độ đường ngủ lại, rồi thịt thà cá khô đem cho. Chả tủ lạnh gì cả, trời rét không ôi thiu, với lại mình chén hết ngay. Món “tuyệt cú mèo” nhất là quả táo Mèo xanh thái ra rang với mắm tôm, nhưng ăn nhiều quá, táo bón. Cho nên trồng rau nhiều, cải xanh, cải xoong, kiếm nấm tai chuột cho mát ruột. Chả trồng hoa đâu, như anh chàng trong truyện ông Long thì lãng mạn quá. Nói không ngoa, phải ăn tạp, uống tạp, sống tạp mới trụ nổi trên đèo. Thuốc phiện thử ba điếu về như nằm trong cối bọ chó, không dám chơi nữa, giờ thấy là may. Thịt hổ ăn rồi, xào su hào rất ngọt. Nhưng râu nó độc, chọc vào da mưng mủ ngay. Mật gấu, mật ong để chậu cứ ra miếng vào miếng, nó phát ra, đêm ra suối vật đá, sau người lở lói phải trần truồng nằm lá chuối. Sợ nhất là trời khô, độ ẩm còn 7% xì mũi ra máu cam”.
“Chơi với dân Mông rất có tình. Hạng A Giang, già bản San Sả Hồ vác củi sụn xương sống, bò lên lán, tôi bó thuốc cho, ông ấy cho con trai Hạng A Páo lên trồng cho cả nương xuyên khung củ bằng cái ấm. Xe tải chở muối, tôi bòn chỗ sót, trộn vôi thành đá muối đem rải, nai hoẵng ra liếm, thợ săn tha hồ bẫy, thịt cài lại trên cửa cho mình. Chó săn cắn chết khỉ của mình, ai biết đấy là đâu, họ cho con khác”.
“Cả đời một mình trên núi, không lọ mọ không được. “Đầu quy phá máu”, tôi đem câu ấy của ông ngoại dạy đàn bà đẻ tống máu độc ra ngoài. Thuốc phiện cũng làm sạch khí huyết, rong kinh. Được cô người Dao nhận làm bố nuôi vì chữa rắn độc cắn; nhưng giờ thì sợ rồi, không khỏi nhỡ phải kiện tụng. Đọc sự tích đền Bà Vôi trên Báo Thiếu niên Tiền phong, tôi bắt chước lấy vỏ cây gạo băm ra, đái vào đấy, gói lá dong đắp cho bà người Thái bản Cang, ba lần thì đạp xe được”.
“Làm khí tượng thì phải tỉ mỉ, đúng bài bản, quy trình học. Nhưng lắm kinh nghiệm dân gian nên theo. Đận kiến bống tha đất be tổ, ong không bay xa kiếm mật, tôi đoán gió to về, báo cho Nông trường Than Uyên huy động người gặt đêm, khỏi mất vụ. Những xe lên đèo hỏng, tôi ghé vào cho lái sai, sửa được “pan” điện “pan” xăng với cả thay lốp vá săm. Cái nghề chọc ngoáy đồ điện bây giờ từ hồi ấy mà ra. Hàng xóm buôn sắt vụn, tôi sang bòn ốc vít dây dợ, trở, tụ về để chữa đài đóm, nồi cơm điện, ti vi, quạt. Nhưng nhà bừa bộn, vợ ngứa mắt lắm”.
Những chuyện củ tỷ của một thời, một đời cứ bò ra rì rà rì rẩm, nào ngày ấy rừng rậm thú nhiều, nào mồng một Tết xẻ ván chôn tay thợ xẻ. Nó cho thấy lao động, sức tưởng của nhà văn gia giảm so với thực tế thật gớm ghê. Sang đoạn gia cảnh thì trầm hẳn.
“Đã ăn hỏi một người đồng hương, tôi lại “vấp” phải cô bưu điện Sa Pa, chửa ra đấy. Lấy nhau rồi, luôn xa nhà, mỗi lần về lợn cợn gì bỏ qua hết. Nhưng sau 35 năm chung sống với bốn mặt con thì càng ngày càng thấy quá tệ. Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông, đề đóm chửi rủa đủ cả, chả như đàn bà Thái khác. Không chịu nổi. Cãi nhau. Đòi li dị, người ta sang hòa giải, bà ấy xách túi bỏ đi, ông kia bảo “thế thì níu kéo làm gì!”. Rồi về Than Uyên cạp lại với bà bây giờ, là Phạm Thị Đường. Được chăm chút, nấu miếng ăn hợp bộ nhai yếu, gắp cho thứ mình thích, tuổi tác dựa vào nhau thế. Có chuyện tình cờ ở đây… Mấy chục năm trước ông cụ nọ từ xuôi lên thăm con gái, địa chỉ là “Xê hai ba” bên Than Uyên nghe nhầm thành “lên Sa Pa”, đến đỉnh đèo thì cái ăn chả còn gì, mới vào trạm nhờ. Hôm sau đi, tôi đùm cơm nắm, măng với muối rang đem theo, ơn lắm. Lấy bà Đường rồi, tôi theo về nhà thấy ảnh ông cụ năm nào trên bàn thờ, hóa ra là bố bà ấy, đận gặp mình là thăm con gái, đi lạc”.
Ông Sử đã đóng những Sơn La, Mù Cang Chải, Sa Pa, Than Uyên… thế là giang hồ bặt thiệp khắp một Tây Bắc hữu hình rồi. Lại vào cõi “vô hình”, được nhà văn Nguyễn Thành Long tạc thành nhân vật trong truyện ngắn bất hủ “Lặng lẽ Sa Pa”, tức là ông - và cả ông Nguyễn Xuân Tỵ - sẽ sống lâu hơn, dai dẳng hơn rất nhiều so với những núi non sông suối con người khác của Tây Bắc, vốn đang biến dạng kinh khủng.
Văn học có ý nghĩa ở chỗ ấy, định hình nên những cột mốc trong khi thời đại cứ vật đổi sao dời. “Mình gặp ông Sử là may mắn lắm”. Nghĩ thế, tôi hỏi về đoạn sau: “Giờ có điều kiện, có quay về quê Hà Nam ở không?”.
- “Phú quý quy cố hương”, tôi nằm lòng câu ấy. Giàu có mới nên về quê. Nếp quê bìu ríu ấm áp thật, nhưng thăm nhà này, quà nhà nọ cũng vướng víu. Mình không phú quý, lại quen ở phố huyện nó tự do hơn rồi, chả về ở được. Nhưng Tết ra hay về thắp hương các cụ dăm ngày lại lên.
“Có miếng đất xa chợ, vợ chồng đều muốn làm nếp nhà về ở, nhà sàn càng tốt, chỉ sợ không có gỗ. Đỡ ồn ào lắm, sáng dậy được hít cái thơm tho trong trời đất…”, ông Sử bảo. Đoạn này thì có thể rất giống không khí trong truyện ngắn trên kia. Cái nếp cô tịch hằn vào người đã sâu quá, lâu quá, thế chăng? Hay là vì tuổi tác?
Theo Hoàng Định, báo Hà Nội mới số 20/21-2-1012
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: