• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đến mùa thi... nhớ cháo đậu đỏ.

Như Bình

New member
Xu
0
Khi những cánh phượng hồng đầu tiên hé nở khoe màu áo tươi thắm của mình và những chú ve bắt đầu cất tiếng gọi hè báo hiệu một năm học sắp sửa trôi qua – để lại bao niềm vui và nỗi buồn rất ư tuổi học trò. Và khoảng thời gian – cái khoảng thời gian xuân qua, hè lại đến ấy các sĩ tử lại lật đật chuẩn bị cho những kỳ thi cam go đầy kịch tính.

ap_20110504112035150.jpg


Hình 1: Phượng nở – mùa thi lại về.

Tôi còn nhớ những khoảnh khắc của một thời học sinh đẹp, đầy thơ mộng và buồn ấy; những ngày thi gần kề, bài vở, áp lực cho một thành tích như mong muốn thường hành hạ lũ chúng tôi – ngay cả trong những giấc ngủ chập chờn sáng tối. Mẹ tôi lại bồi dưỡng cho tôi bằng những bát cháo đậu đỏ nóng – đơn giản một phần cung cấp nguồn dinh dưỡng nhất định sau những đêm thức ôn bài mệt mỏi, nhưng sâu xa hơn, ấy là tâm lý chung cầu mong cho con mình vượt qua được kỳ thi của mẹ tôi nói riêng và của tất cả các bà mẹ trên dải đất xinh đẹp cong cong hình chữ S nằm nghiêng nghiêng bên bờ Thái Bình Dương này nói chung.

Con đường ngày ngày chúng tôi đến trường nay lại thêm nhộn nhịp với những gánh hàng cháo trĩu nặng trên đôi vai gầy gầy hao mòn, tần tảo của cô bác. Những gánh hàng cháo này không phải là cháo thịt, cháo cá, không phải là loại cháo cao lương mỹ vị – mà chỉ đơn giản là những gánh hàng cháo đậu đỏ bình dị, dân dã đậm chất hương quê, phục vụ cho cho tất cả mọi người, từ học sinh (đây là đối tượng chính), người già cho đến trẻ con bởi với món cháo này rất dễ ăn, lành tính và rất dễ tiêu. Đây là món ăn mà cả người ăn chay lẫn người ăn mặn đều dùng được.

Những gánh hàng cháo ấy đôi khi chỉ là một chiếc bàn gỗ, trên đó để nồi cháo thật lớn, mẻ tép rang, tô củ cải muối xắt sợi, tô nước cốt dừa và một chồng chén sành – làm từ loại đất sét chất lượng kém nhất, xung quanh là bàn và vài cái ghế thấp. Những chị, những cô và những bà tay nhanh thoăn thoắt chao nghiêng múc cháo rồi thêm gia vị vào đấy, và – những cô cậu học trò chúng tôi lại sì sụp thưởng thức một cách ngon lành giữa không gian mát mẻ của buổi sáng đẹp trời. Cháo có vị ngọt của gạo và đậu quyện vào nhau làm thành một hương vị đặc trưng riêng biệt, cộng thêm vào đó vị bùi bùi của đậu đỏ. Đó là thức quà sáng đơn giản, không tốn kém nhưng lại rất ngon và bổ duỡng của chúng tôi ngày ấy.

ap_20110504112118379.jpg

Hình 2: Gánh hàng cháo Sài Gòn xưa.

ap_20110504112206264.jpg


Hình 3: Cháo đậu đỏ.

Rời làng quê với gánh hàng rong nghèo trước cổng trường, giờ đây, nơi phố xá nhộn nhịp như Sài thành thì hàng cháo có khang trang hơn, nghĩa là có tủ kiếng, bàn cao và ghế sáng loáng. Tuy nhiên, những hàng cháo này chỉ bán từ 5 đến 7 giờ sáng là dẹp hàng. Cũng có nơi bắt đầu bán vào ban đêm, để phục vụ nhu cầu ăn khuya của khách như đoạn đường Nguyễn Thượng Hiền – Nguyễn Thị Minh Khai hay cuối đường Trần Bình Trọng, TP. HCM, chỉ bắt đầu mở hàng lúc 6 giờ chiều, khi phố xá đã lên đèn.

Đi tìm nguồn gốc của cháo đậu đỏ người viết vẫn không biết xuất xứ từ đâu, chỉ biết rằng món ăn đường phố này rất gần gũi với người lao động và học sinh. Cả những người đi tập thể dục buổi sáng cũng thường lót dạ bằng bát cháo đậu đỏ. Có một điều là khi thưởng thức với cháo đậu đỏ ta ngạc nhiên bởi cháo có màu tím như màu lá cẩm – màu của hạt đậu đỏ khi nấu chín tạo ra chứ không phải màu đỏ như nhiều người nhầm lẫn xưa nay. Gọi là cháo nhưng cháo đậu đỏ không loãng như cháo thường mà đặc quánh, điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nấu, phải canh lửa sao cho cháo không khê mà lại tạo được độ đặc vừa tới. Không phải hàng cháo đậu đỏ nào cũng giống như nhau. Tùy theo nhu cầu thực khách mà có hàng chỉ bán cháo đậu đỏ nước cốt dừa và cũng có hàng bán thêm nhiều món mặn ăn kèm như cá lóc kho, cá bống kho, thịt kho tiêu… hoặc củ cải muối ngâm giấm. Người ta nói củ cải này ướp theo kiểu người Hoa, còn gọi là “tằng sại” chỉ để ăn với cháo. Vậy suy ra món cháo đậu đỏ này có lẽ gốc gác từ người Hoa.

Và dù có tiểu sử như thế nào thì cháo đậu đỏ vẫn gắn liền với tuổi học trò, cứ mỗi mùa thi đến là các sĩ tử lại kiêng ăn bí đỏ, tránh ăn chuối chưng... chỉ đi tìm anh em nhà đậu để mong cái tên giúp chúng được may mắn. Nên những quán cháo đậu đỏ trên con đường đến trường những ngày thi đến cứ chật kín từ lúc sáng sớm. Tiếng trống trường thi vang lên cũng là lúc hàng cháo sắp xếp bàn ghế, thu dọn, quảy quang gánh về nhà. Người bán thầm chúc các cô cậu tú vượt qua kỳ thi cam go phía trước.
(Bài viết có sử dụng một số nguồn tư liệu khác).
__________
Cách nấu cháo đậu đỏ.

Nguyên Liệu: Gạo thơm, đậu đỏ, muối, bột năng, lon nước cốt dừa.

Cách Làm: Đậu đỏ rửa sạch, ngâm nước nửa ngày sau đó cho gạo và đậu vào nồi nước bắc lên bếp thỉnh thoảng khuấy lên giúp cháo và đậu nở đều, cho ít muối vào. Tiếp đến cho một nửa nước cốt dừa nấu đến khi đậu thật mền, cháo đã nhừ cho lửa thật nhỏ giữ nồi cháo được ấm.

Thắng nước cốt dừa: bột năng khuấy tan trước với một ít nước, bắc một nồi sạch cho phần nước cốt dừa còn lại vào nấu sôi nhẹ sau đó cho bột năng vào khuấy vừa sánh, bắc xuống để nguội.

Khi ăn rưới phần nước cốt dừa đã thắng lên trên phần cháo, tùy theo sử thích từng người mà nước cốt dừa cho nhiều hay ít.
_______________________
Bài được viết bởi Nhật Bình Nguyễn Như Bình.
 
Ôi, đọc bài của bạn viết tôi thấy như đứng trước ghánh hàng đậu đỏ... Như cảm giác bắt gặp ông lão bán chè dạo ở Phố cổ Hội An vậy :)

Ở Sài Gòn, bạn giới thiệu một số địa chỉ đó, nhưng cụ thể là ở đâu nhỉ ? Bạn hay đến điểm nào ?
 
Những địa điểm đó NB viết ở trong bài nằm ở quận 1 và quận 5. Tuy nhiên, hiện nay không cần đến những địa điểm đó - lúc này có rất nhiều quán, chúng ta muốn thưởng thức lúc nào cũng được.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top