Đề tổng ôn vận dụng cao hóa học (Có đáp án)

Chinh phục 8+, 9+ môn hóa học, bạn hãy nắm chắc các kiến thức cơ bản rồi luyện thêm các câu hỏi vận dụng cao. Luyện thêm câu hỏi nâng cao để rèn luyện kỹ năng tính toán, hiểu sâu bản chất về phản ứng hóa học. Sau đây, là đề tổng ôn vận dung cao môn hóa học, mời bạn đọc tham khảo.


Câu 1: Hỗn hợp X gồm axit axetic, etyl axetat và metyl axetat. Cho m gam hỗn hợp X tác dụng vừa đủ với 200 ml dung dịch NaOH 1M. Mặt khác, đốt cháy hoàn toàn m gam hỗn hợp X cần V lít O2(đktc) sau đó cho toàn bộ sản phẩm cháy vào dung dịch NaOH dư thấy khối lượng dung dịch tăng 40,3 gam. Giá trị của V là
A. 19,04. B. 17,36. C. 19,60. D. 15,12.

Câu 2: Cho 158,4 gam hỗn hợp X gồm ba chất béo tác dụng với dung dịch NaOH dư, thu được 163,44 gam muối. Mặt khác lấy 158,4 gam X tác dụng với a mol H2 (xúc tác Ni, t0), thu được hỗn hợp Y gồm các chất béo no và không no. Đốt cháy toàn bộ Y cần dùng 14,41 mol O2, thu được CO2 và 171 gam H2O. Giá trị của a là
A. 0,16. B. 0,12. C. 0,14. D. 0,18.

Câu 3: Tiến hành thí nghiệm phản ứng xà phòng hoá theo các bước sau đây:
* Bước 1: Cho vào bát sứ nhỏ khoảng 1 gam mỡ động vật và 2 – 2,5 ml dung dịch NaOH 40%.
* Bước 2: Đun hỗn hợp sôi nhẹ khoảng 8 – 10 phút và liên tục khuấy đều bằng đũa thuỷ tinh. Thỉnh thoảng thêm vài giọt nước cất để giữ cho thể tích của hỗn hợp không đổi.
* Bước 3: Rót thêm vào hỗn hợp 4 – 5 ml dung dịch NaCl bão hoà nóng, khuấy nhẹ. Để nguội.
Có các phát biểu sau:
(a) Sau bước 1, thu được chất lỏng đồng nhất.
(b) Sau bước 3, thấy có lớp chất rắn màu trắng nổi lên.
(c) Mục đích chính của việc thêm dung dịch NaCl ở bước 3 là làm tăng tốc độ của phản ứng xà phòng hóa.
(d) Sản phẩm thu được sau bước 3 đem tách hết chất rắn không tan, chất lỏng còn lại hòa tan được Cu(OH)2 tạo thành dung dịch màu xanh lam.
(e) Có thể thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật.
Số phát biểu đúng là
A. 4 B. 1 C. 2 D. 3.

Câu 4: Hỗn hợp M gồm 3 este đơn chức X, Y, Z (X và Y là đồng phân của nhau, mạch hở). Đốt cháy hoàn toàn 5,3 gam M, thu được 6,272 lít CO2 (đktc) và 3,06 gam H2O. Mặt khác, khi cho 5,3 gam M tác dụng với dung dịch NaOH dư thì thấy khối lượng KOH phản ứng hết 2,8 gam, thu được ancol T, chất tan hữu cơ no Q cho phản ứng tráng gương và m gam hỗn hợp 2 muối. Giá trị của m gần nhất với giá trị nào sau:
A. 6,1. B. 7,1. C. 7,3. D. 6,4.

Câu 5: Đốt cháy hoàn toàn m gam triglixerit X cần vừa đủ 3,08 mol O2, thu được CO2 và 2 mol H2O. Cho m gam X tác dụng với dung dịch NaOH vừa đủ, thu được glixerol và 35,36 gam muối. Mặt khác, m gam X tác dụng tối đa với a mol Br2 trong dung dịch. Giá trị của a là
A. 0,2 B. 0,24. C. 0,12 D. 0,16.

Câu 6: Để hòa tan hết 38,36 gam hỗn hợp R gồm Mg, Fe3O4, Fe(NO3)2 cần 0,87 mol dung dịch H2SO4 loãng, sau khi các phản ứng xảy ra hoàn toàn thu được 111,46 gam sunfat trung hòa và 5,6 lít (đktc) hỗn hợp khí X gồm hai khí không màu, tỉ khối hơi của X so với H2 là 3,8 (biết có một khí không màu hóa nâu ngoài không khí). Phần trăm khối lượng Mg trong R gần với giá trị nào sau đây?
A. 28,15%. B. 10,8%. C. 31,28%. D. 25,51%.

Câu 7: Cho sơ đồ phản ứng theo đúng tỉ lệ mol:
(a) X + 2NaOH → X1 + 2X2 (đun nóng)
(b) X1 + H2SO4 → X3 + Na2SO4
(c) nX3 + nX4 → Poli(etilen terephtalat) + 2nH2O (đun nóng, xúc tác)
(d) X2 + CO → X5 (đun nóng, xúc tác)
(e) X4 + 2X5 ↔ X6 + 2H2O (H2SO4 đặc, đun nóng)
Cho biết X là este có công thức phân tử C10H10O4. X1, X2, X3, X4, X5, X6 là các hợp chất hữu cơ khác nhau.
Phân tử khối của X6 là
A. 118 B. 132 C. 104 D. 146

Câu 8: Hòa tan hết m gam hỗn hợp X gồm Na, Na2O, K, K2O, Ba, BaO (trong X, oxi chiếm 7,5% về khối lượng) và nước, thu được 200 ml dung dịch Y và 0,896 lít H2 (đktc). Cho hết Y vào 200 ml dung dịch HCl 0,5M; thu được 400 ml dung dịch Z có pH = 13. Giá trị của m là
A. 6,4 gam B. 0,92 gam C. 0,48 gam D. 12,8 gam

Câu 9: Hòa tan hoàn toàn m gam hỗn hợp X gồm Mg, Fe, FeCO3, Cu(NO3)2 vào dung dịch chứa NaNO3 (0,045 mol) và H2SO4, thu được dung dịch Y chỉ chứa 62,605 gam muối trung hòa (không có ion Fe3+) và 3,808 lít (đktc) hỗn hợp khí Z (trong đó có 0,02 mol H2). Tỉ khối của Z so với O2 bằng 19/17. Thêm dung dịch NaOH 1M vào Y đến khi thu được lượng kết tủa lớn nhất là 31,72 gam thì vừa hết 865 ml. Mặt khác, cho Y tác dụng vừa đủ với BaCl2, sau đó cho tiếp lượng dư AgNO3 vào thu được 256,04 gam kết tủa. Giá trị của m là
A. 34,6. B. 32,8. C. 27,2. D. 28,4.

Câu 10: X, Y, Z là 3 este mạch hở (trong đó X, Y đơn chức, Z hai chức chứa gốc axit khác nhau). Đun nóng 28,92 gam hỗn hợp E chứa X, Y, Z với dung dịch NaOH vừa đủ thu được hỗn hợp F gồm 2 muối có tỉ lệ mol là 1:1 và hỗn hợp 2 ancol no, có có cùng số nguyên tử cacbon. Dẫn toàn bộ 2 ancol này qua bình đựng Na dư, thấy khối lượng bình tăng 12,15 gam. Đốt cháy toàn bộ F thu được CO2; 10,53 gam H2O và 20,67 gam Na2CO3. Phần trăm khối lượng của este có khối lượng lớn nhất trong E là
A. 53,96%. B. 35,92%. C. 36,56%. D. 90,87%.

Câu 11: Đốt 11,2 gam bột Ca bằng O2 thu được m gam chất rắn A gồm Ca và CaO. Cho chất rắn A tác dụng vừa đủ với axit trong dung dịch gồm HCl 1M và H2SO4 0,5M thu được H2 và dung dịch B. Cô cạn dung dịch B thu được (m+21,14) gam chất rắn khan. Nếu hòa tan hết m gam chất rắn A vào dung dịch HNO3 loãng dư thu được 0,896 lít NO (đktc) và dung dịch X. Cô cạn dung dịch X thu được bao nhiêu gam chất rắn khan?
A. 50,72 gam. B. 47,52 gam. C. 45,92 gam. D. 48,12 gam.

Câu 12: Hấp thụ hoàn toàn 2,24 lít CO2 (đktc) vào 100 ml dung dịch gồm K2CO3 0,2M và KOH x mol/lít, sau khi các phản ứng xảy ra hoàn toàn thu được dung dịch Y. Cho toàn bộ Y tác dụng với dung dịch BaCl2 (dư), thu được 11,82 gam kết tủa. Giá trị của x là
A. 1,6. B. 1,2. C. 1,0. D. 1,4.

Câu 13: Hỗn hợp X gồm một anken, một ankin và một amin no, đơn chức (trong đó số mol anken nhỏ hơn số mol của ankin). Đốt cháy hoàn toàn 0,2 mol hỗn hợp E bằng lượng oxi vừa đủ thu được 0,86 mol hỗn hợp F gồm CO2, H2O và N2. Ngưng tụ toàn bộ F còn lại 0,4 mol hỗn hợp khí. Công thức của anken và ankin là.
A. C2H4 và C3H4. B. C2H4 và C4H6. C. C3H6 và C3H4. D. C3H6 và C4H6.

Câu 14: Hỗn hợp X gồm etyl axetat, metyl acrylat và hai hidrocacbon. Nếu cho a mol X tác dụng với brom dư, thì có 0,15 mol brom phản ứng. Đốt cháy a mol X cần vừa đủ 1,265 mol O2, tạo ra CO2 và 0,95 mol H2O. Giá trị của a là
A. 0,31. B. 0,33. C. 0,26. D. 0,34.

Câu 15: Tiến hành thí nghiệm phản ứng xà phòng hóa theo các bước sau đây:
Bước 1: Cho vào bát sứ khoảng 1 gam mỡ (hoặc dầu thực vật) và 2 - 2,5 ml dung dịch NaOH 40%.
Bước 2: Đun hỗn hợp sôi nhẹ và liên tục khuấy đều bằng đũa thủy tinh. Thỉnh thoảng thêm vài giọt nước cất để giữ cho thể tích của hỗn hợp không đổi.
Bước 3: Sau 8 - 10 phút, rót thêm vào hỗi hợp 4 - 5 ml dung dịch NaCl bão hòa nóng, khuấy nhẹ.
Phát biểu nào sau đây sai?
A. Ở bước 2, xảy ra phản ứng thủy phân chất béo, tạo thành glixerol và muối natri của axit béo.
B. Sau bước 3, glixerol sẽ tách lớp nổi lên trên.
C. Sau bước 3, thấy có một lớp dày đóng bánh màu trắng nổi lên trên, lớp này là muối của axit béo hay còn gọi là xà phòng.
D. Mục đích của việc thêm dung dịch NaCl bão hòa là làm kết tinh muối của axit béo, đó là do
muối của axit béo khó tan trong NaCl bão hòa.

Câu 16: Thủy phân hoàn toàn 42,38 gam hỗn hợp X gồm hai triglixerit mạch hở trong dung dịch KOH 28% (vừa đủ), cô cạn dung dịch sau phản ứng, thu được phần hơi Y nặng 26,2 gam và phần rắn Z. Đốt cháy hoàn toàn Z thu được K2CO3 và 152,63 gam hỗn hợp CO2 và H2O. Mặt khác, cho 0,15 mol X vào dung dịch Br2 trong CCl4, số mol Br2 phản ứng là
A. 0,18 B. 0,21 C. 0,24 D. 0,27

Câu 17: Trong phòng thí nghiệm, etyl axetat được điều chế theo các bước:
Bước 1: Cho 1 ml ancol etylic, 1 ml axit axetic nguyên chất và 1 giọt axit sunfuric đặc vào ống nghiệm.
Bước 2: Lắc đều, đồng thời đun cách thủy 5 - 6 phút trong nồi nước nóng 65 – 70oC (hoặc đun nhẹ trên ngọn lửa đèn cồn, không được đun sôi).
Bước 3: Làm lạnh rồi rót thêm vào ống nghiệm 2 ml dung dịch NaCl bão hòa.
Cho các phát biểu sau:
(a) Axit sunfuric đặc có vai trò là chất xúc tác; hút nước để cân bằng dịch chuyển theo chiều tạo ra etyl axetat.
(b) Ở bước 2, nếu đun sôi dung dịch thì etyl axetat (sôi ở 77oC) bay hơi và thoát ra khỏi ống nghiệm.
(c) Ở bước 1, có thể thay thế ancol etylic và axit axetic nguyên chất bằng dung dịch ancol etylic 10o và axit axetic 10%.
(d) Muối ăn tăng khả năng phân tách este với hỗn hợp phản ứng thành hai lớp.
(e) Etyl axetat tạo thành có mùi thơm của dứa chín.
Số phát biểu đúng là
A. 2. B. 5. C. 3. D. 4.

Câu 18: Đốt cháy hoàn toàn 6,72 gam hỗn hợp E gồm hai este mạch hở X, Y và este đơn chức Z (MX < MY < MZ) cần vừa đủ 0,29 mol O2, thu được 3,24 gam H2O. Mặt khác, 6,72 gam E tác dụng vừa đủ với 0,11 mol NaOH thu được 2,32 gam hai ancol no, cùng số nguyên tử cacbon, cô cạn dung dịch sau phản ứng thu được hỗn hợp T gồm 2 muối. Đốt cháy hoàn toàn T thì thu được Na2CO3, H2O và 0,155 mol CO2. Phần trăm khối lượng của Y trong E gần nhất với?
A. 13%. B. 53%. C. 37%. D. 11%.

Câu 19: Hỗn hợp X gồm ancol etylic và hai hiđrocacbon thuộc cùng dãy đồng đẳng. Hóa hơi m gam X, thu được thể tích bằng với thể tích của 0,96 gam oxi ở cùng điều kiện. Mặt khác, đốt cháy hoàn toàn m gam X cần vừa đủ 0,3 mol O2, thu được 0,195 mol CO2. Phần trăm số mol C2H5OH trong hỗn hợp là
A. 50%. B. 70%. C. 25%. D. 60%.

Câu 20: Hòa tan hoàn toàn 18,94 gam hỗn hợp X gồm Al, Zn, MgO, Cu(NO3)2 cần dùng hết 430 ml dung dịch H2SO4 1M, thu được 0,19 mol hỗn hợp khí Y (đktc) gồm hai khí không màu, có một khí hóa nâu ngoài không khí, có tỉ khối hơi so với H2 bằng 5,421; dung dịch Z chỉ chứa các muối sunfat trung hòa. Cô cạn dung dịch Z thu được 54,34 gam muối khan. Phần trăm khối lượng của Al trong hỗn hợp X là
A. 20,1%. B. 19,1%. C. 18,5%. D. 22,8%.

Câu 21: Hỗn hợp hơi E chứa etilen, metan, axit axetic, metyl metacrylat và metylamin. Đốt cháy 0,2 mol E cần vừa đủ a mol O2, thu được 0,48 mol H2O và 1,96 gam N2. Mặt khác, 0,2 mol E tác dụng vừa đủ với 100 ml dung dịch Br2 0,7M. Giá trị a gần nhất với giá trị nào sau đây?
A. 0,4. B. 0,5. C. 0,7. D. 0,6.

Câu 22: Hòa tan hoàn toàn m gam hỗn hợp X gồm Na, K2O, Ba và BaO (trong đó oxi chiếm 10% về khối lượng) vào nước, thu được 300 ml dung dịch Y và 0,336 lít khí H2. Trộn 300 ml dung dịch Y với 200 ml dung dịch gồm HCl 0,2M và HNO3 0,3M, thu được 500 ml dung dịch có pH = 13. Giá trị của m là
A. 9,6. B. 10,8. C. 12,0. D. 11,2.

Câu 23: Xà phòng hoá hoàn toàn m gam hỗn hợp E gồm các triglixerit bằng dung dịch NaOH, thu được hỗn hợp X gồm ba muối C17HxCOONa, C15H31COONa, C17HyCOONa có tỉ lệ mol tương ứng là 3 : 4 : 5 và 7,36 gam glixerol. Đốt cháy hoàn toàn hỗn hợp E cần vừa đủ 6,14 mol O2. Giá trị của m là
A. 68,84. B. 60,20. C. 68,80. D. 68,40.

Câu 24: Hấp thụ hoàn toàn 3,36 lít CO2 (đktc) vào dung dịch chứa a mol NaOH và b mol Na2CO3,
thu được dung dịch X. Chia X thành hai phần bằng nhau.
+ Cho từ từ phần một vào 120 ml dung dịch HCl 1M, thu được 2,016 lít CO2 (đktc).
+ Cho phần hai phản ứng hết với dung dịch Ba(OH)2 dư, thu được 29,55 gam kết tủa.

Tỉ lệ a : b tương ứng là:
A. 2 : 5. B. 2 : 3. C. 2 : 1. D. 1 : 2.

Câu 25: Hỗn hợp X gồm Al, Mg, FeO, Fe3O4 trong đó oxi chiếm 20,22% khối lượng hỗn hợp. Cho 25,32 gam hỗn hợp X tác dụng với dung dịch HNO3 dư thu được 3,584 lít hỗn hợp khí NO và N2O (đktc) có tỉ khối so với hiđro là 15,875 và dung dịch Y. Cô cạn dung dịch Y thu được m gam muối khan. Nung muối khan này trong không khí đến khối lượng không đổi 30,92 gam chất rắn khan. Giá trị gần nhất của m là
A. 106 B. 103 C. 105 D. 107

Câu 26: Đốt cháy hoàn toàn m gam hỗn hợp E gồm 3 este X, Y, Z (đều mạch hở và chỉ chứa este, Z chiếm phần trăm khối lượng lớn nhất trong E) thu được lượng CO2 lớn hơn H2O là 0,25 mol. Mặt khác m gam E phản ứng vừa đủ với dung dịch NaOH thu được 22,2 gam 2 ancol hơn kém nhau 1 nguyên tử cacbon và hỗn hợp T gồm 2 muối. Đốt cháy hoàn toàn T cần vừa đủ 0,275 mol O2 thu được CO2, 0,35 mol Na2CO3 và 0,2 mol H2O. Phần trăm khối lượng của Z trong E là
A. 62,1%. B. 50,40%. C. 42,65%. D. 45,20%.

Câu 27: Hỗn hợp X gồm Na, Ba, Na2O và BaO. Hòa tan hoàn toàn 21,9 gam X vào nước, thu được 1,12 lít khí H2 (đktc) và dung dịch Y, trong đó có 20,52 gam Ba(OH)2. Hấp thụ hoàn toàn 6,72 lít khí CO2 (đktc) vào Y, thu được m gam kết tủa. Giá trị của m là
A. 21,92. B. 23,64. C. 39,40. D. 15,76.

Câu 28: Dẫn từ từ 5,6 lít khí CO2 (đktc) vào 400 ml dung dịch chứa, đồng thời các chất NaOH 0,3M; KOH 0,2M; Na2CO3 0,1875M và K2CO3 0,125M thu được dung dịch X. Thêm dung dịch CaCl2 vào dung dịch X tới dư, số gam kết tủa thu được là
A. 7,5 gam B. 25 gam C. 12,5 gam D. 27,5 gam

Câu 29: Đốt cháy hoàn toàn hỗn hợp X gồm 2 amin đều no đơn chức, mạch hở và hơn kém nhau 2 nguyên tử cacbon trong phân tử bằng lượng không khí vừa đủ (O2 chiếm 20% và N2 chiếm 80% về thể tích) thu được hỗn hợp Y gồm CO2, H2O và N2. Dẫn toàn bộ X qua bình dung dịch Ba(OH)2 dư thấy khối lượng bình tăng 21,3 gam; đồng thời khí thoát ra khỏi bình có thể tích 48,16 lít (đktc). Công thức của amin có khối lượng phân tử lớn là
A. C3H9N. B. C4H11N. C. C5H13N. D. C6H15N.

Câu 30: Đun nóng 14,8 gam hỗn hợp X gồm (CH3COOCH3, HCOOC2H5, C2H5COOH) trong 100,0 ml dung dịch chứa NaOH 1,0M và KOH aM (phản ứng vừa đủ) thì thu được 4,68 gam hỗn hợp hai ancol (tỷ lệ mol 1: 1) và m gam muối. Vậy giá trị m là:
A. 18,28. B. 16,72. C. 14,96. D. 19,72.

Câu 31: Hỗn hợp X gồm ba chất béo đều được tạo bởi glyxerol và hai axit oleic và stearic. Đốt cháy hoàn toàn 0,15 mol X cần dùng 12,075 mol O2, thu được CO2 và H2O. Xà phòng hóa 132,9 gam X trên với dung dịch KOH vừa đủ, thu được m gam muối. Giá trị của m là
A. 144,3. B. 125,1. C. 137,1. D. 127,5.

Câu 32: Hòa tan hoàn toàn 16,4 gam hỗn hợp X chứa Mg, MgO và Fe3O4 (trong X oxi chiếm 22,439% về khối lượng) bằng dung dịch chứa HNO3 và 0,835 mol HCl thu được dung dịch Y chỉ chứa hỗn hợp 3 muối và 0,05 mol khí NO (duy nhất). Phần trăm khối lượng của Mg trong X gần nhất với:
A. 26%. B. 29%. C. 22%. D. 24%.

Câu 33: X, Y, Z là 3 este đều đơn chức, mạch hở (trong đó Y và Z không no, chứa 1 liên kết đôi C=C và có tồn tại đồng phân hình học). Đốt cháy hoàn toàn 21,62 gam hỗn hợp E chứa X, Y, Z với oxi vừa đủ, dẫn toàn bộ sản phẩm cháy qua dung dịch Ca(OH)2 dư thấy khối lượng dung dịch giảm 34,5 gam so với trước phản ứng. Mặt khác, đun nóng 21,62 gam E với 300 ml dung dịch NaOH 1M (vừa đủ) thu được hỗn hợp F chỉ chứa 2 muối và hỗn hợp gồm 2 ancol kế tiếp nhau trong cùng dãy đồng đẳng. Khối lượng của muối có khối lượng phân tử lớn trong hỗn hợp F là
A. 4,68 gam. B. 8,64 gam. C. 8,10 gam. D. 9,72 gam.

Câu 34: Hỗn hợp X gồm: Na, Ca,Na2O và CaO. Hoàn tan hết 5,13 gam hỗn hợp X vào nước thu được 0,56 lít H2 (đktc) và dung dịch kiềm Y trong đó có 2,8 gam NaOH. Hấp thụ 1,792 lít khí SO2 (đktc) vào dung dịch Y thu được m gam kết tủa. Giá trị của m là:
A. 7,2. B. 6,0. C. 4,8. D. 5,4.

Câu 35: Hấp thụ hoàn toàn 1,568 lít CO2 (đktc) vào 500 ml dung dịch NaOH 0,16M thu được dịch X. Thêm 250 ml dung dịch Y gồm BaCl2 0,16M và Ba(OH)2 a mol/l vào dung dịch X thu được 3,94 gam kết tủa và dung dịch Z. Giá trị của a là:
A. 0,02. B. 0,015. C. 0,03. D. 0,04.

Câu 36: Hỗn hợp M gồm axit cacboxylic X, ancol Y (đều đơn chức, số mol X gấp hai lần số mol Y) và este Z được tạo ra từ X và Y. Cho một lượng M tác dụng vừa đủ với dung dịch chứa 0,2 mol NaOH, tạo ra 16,4 gam muối và 8,05 gam ancol. Công thức của X và Y là
A. HCOOH và CH3OH. B. HCOOH và C3H7OH.
C. CH3COOH và CH3OH. D. CH3COOH và C2H5OH.

Câu 37: Đốt cháy hoàn toàn 0,06 mol hỗn hợp X gồm ba chất béo cần dùng 4,77 mol O2, thu được 56,52 gam nước. Mặt khác hiđro hóa hoàn toàn 78,9 gam X trên bằng lượng H2 vừa đủ (xúc tác Ni, t°), lấy sản phẩm tác dụng với dung dịch KOH vừa đủ, thu được x gam muối. Giá trị của x là
A. 81,42. B. 85,92. C. 81,78. D. 86,10.

Câu 38: Cho 14,8 gam hỗn hợp rắn X gồm Mg, Fe3O4 và Fe(NO3)2 vào dung dịch chứa 0,3 mol H2SO4 đun nóng sau khi kết thúc phản ứng phản ứng thu được 0,02 mol khí NO và dung dịch Y chỉ chứa muối sunfat (không có muối Fe2+). Cho Ba(OH)2 dư vào Y thu được m gam kết tủa. Giá trị của m là?
A. 72,18. B. 76,98. C. 92,12. D. 89,52.

Câu 39: X, Y là 2 axit cacboxylic đều mạch hở, Z là ancol no, T là este hai chức, mạch hở được tạo ra bởi Z, Y, Z. Đun nóng 38,86 gam hỗn hợp E gồm X, Y, Z, T với 400 ml dung dịch NaOH 1M (vừa đủ), thu được ancol Z và hỗn hợp F gồm 2 muối có tỉ lệ mol 1:1. Dần toàn bộ Z qua bình đựng Na dư thấy khối lượng bình tăng 19,24 gam, đồng thời thu được 5,824 lít khí H2 (đktc). Đốt cháy hoàn toàn F cần dùng 0,7 mol O2, thu được CO2, Na2CO3 và 0,4 mol H2O. Phần trăm khối lượng của T trong hỗn hợp E là
A. 8,88%. B. 26,4%. C. 13,90%. D. 50,82%.

Câu 40: Hòa tan hoàn toàn m gam hỗn hợp gồm Na, Na2O, NaOH, Na2CO3 trong dung dịch axit H2SO4 40% (vừa đủ) thu được 8,96 lít hỗn hợp khí có tỉ khối đối với H2 bằng 16,75 và dung dịch Y có nồng độ 51,449%. Cô cạn Y thu được 170,4 gam muối. Giá trị của m là
A. 37,2. B. 50,6. C. 23,8. D. 50,4.

Sưu tầm
 
Sửa lần cuối:

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top